.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Tuesday, March 13, 2012

VĂN HỌC HẬU HIỆN ĐẠI – CHÁN CHẲNG MUỐN CÃI


“Văn học Hậu hiện đại” cũng vậy…
Hôm rồi tôi được mời đi dự Hội thảo về “Văn học hiện đại” và “Văn học Hậu hiện đại” thông qua một tác phẩm, ở đó việc so sánh hai tác giả đại diện thế hệ đã gây tranh cãi đặc biệt.

Là một thính giả, lại dân ngoại đạo tôi ù hết cả tai; nhưng đến đoạn cuối bỗng nổi hứng nẩy ý định... tham luận! May cuộc hội thảo kết thúc không thì chẳng biết tôi sẽ rơi vào tình cảnh nào. Hoặc sẽ trở thành “nhà phê bình văn học châm biếm” chẳng giống ai, hoặc sẽ hóa thành một tay điên khùng, vô văn hóa khi đem câu chuyện sắp kể ra đây đưa vào hội thảo.

Thế mà về nhà vẫn muốn xía miệng vào cái văn đàn ấy, nên câu chuyện tiếp tục khai triển như sau:

Đó là năm 1971, chúng tôi được gọi đi học nước ngoài tại CH Séc. Đoàn gần trăm người. Một số ít dân Hà Nội còn phần lớn là ở các tỉnh; nghe đâu số từ các tỉnh học rất giỏi toán, lý, hóa, và cả văn nữa; một số còn học trường chuyên. Tuy vậy sự hiểu biết trong môi trường sinh hoạt văn minh là số không! Cụ thể là chưa bao giờ tiếp cận với thế giới bên ngoài. Đại loại như “Hiện đại” và “Hậu hiện đại”!
Sang Praha, chúng tôi về khu ký túc xá để cách ly, làm thủ tục, khám bệnh, mua sắm… Sau một đêm ngủ li bì, tất cả thức dậy với bao nhiêu nhu cầu thiết yếu hàng ngày. Vệ sinh, tắm rửa, ăn uống, khám bệnh, mua sắm…Tóm lại là sinh hoạt. Mặc dù đã có chút kinh nghiệm trên tàu liên vận nhưng khi định thần lại mọi cái vẫn bị đảo lộn tùm lum.

Việc đầu tiên là tắm giặt. Hai vòi nước nóng lạnh hoàn toàn xa lạ với khối người. Có thằng bị bỏng. Có đứa tưởng chết rét vì không biết sử dụng vòi pha trộn, muốn dùng vòi dưới nó lại xối thẳng hoa sen vào đầu, mở hoa sen thì nước không chảy cứ tồ tồ bên dưới. Nước tung tóe, úng ngập khắp nơi. Tóc, giấy, các vật thải đọng lại ở miệng cống không có người dọn gây ngập lụt tràn ra hành lang, lối đi, rồi cứ thế chảy xuống tầng dưới róc rách như suối. Khu vệ sinh bỗng nhiên hôi thối vì không biết sử dụng giấy toilet: vơ cả nắm, cả cuộn, dùng giấy báo hoặc sử dụng quá nhiều để lót chỗ ngồi rồi vứt vào gây tắc, nước tràn ra ngoài. Khu nữ khổ vì các loại khố, vải xô, giấy bản…

Còn bên nam là cảnh đi tiểu tiện nhưng không nhấc bệt lên, người sau đại tiện thấy nước giải làm bẩn không dám ngồi bệt mà trèo lên thành xí xổm; người sau nữa có muốn lau cũng không sạch thế là thay nhau trèo lên “xổm”. Không may có cái bệ xi măng gắn đế không chặt, dẵm lên mất cân bằng đổ sập xuống vỡ bệt, vừa lúc ngồi phịch, rách luôn mông, đi viện. Mừng không cứa phải của quí. Chuyện thật như bịa, có vị còn cho hai tay, chân vào trong đó rửa ráy vì bên ngoài lavabo đông quá (đồ Tây sạch bóng mà).

Người phụ trách và các phiên dịch phải triệu tập gấp các tân lưu học sinh để rút kinh nghiệm, vậy mà sự cố vẫn tiếp diễn. Các vết dép bẩn luôn in hằn trên bệt ngồi. Cực chẳng đã, phiên dịch cử người đi thanh tra, giám sát. Chả là vì các cánh cửa buồng toilet luôn cao hơn mặt đất khoảng 20 – 30 cm, nên việc kiểm tra chỉ cần phát hiện các cửa toilet có khóa chốt trong ở chế độ đỏ “Zavreno – Đóng” mà bên dưới không nhìn thấy hai chân. Nghe tiếng quát, “tội phạm” vội vã tụt xuống ngồi (chắc bẩn hết mông?!).

Khổ hơn nữa, việc các dây giật nước những ngày đầu luôn bị đứt, không hoạt động, phân đầy không thoát nổi. Soi ra mới biết, mấy cậu “không hiểu gì về điện” nhưng thấy sợi dây có buộc tay nắm nhựa tò mò kéo thử, bỗng nhiên nước từ đâu ào ào dội xuống, dềnh lên trong lavabo, hoảng quá tưởng nước đổ lên đầu, tràn ra ngoài, giật lia lịa hòng dừng lại, thế là đứt phựt luôn.
Vài tháng sau văn minh mới soi sáng tới nơi, và trở thành điều tất yếu của cuộc đời mỗi sinh viên, học sinh Việt.

Nhớ lại thời xa xưa, ở ta chỉ có hố xí “xổm” thùng, mỗi lần “đi”, mùa hè dòi nhặng vo ve đầy bên dưới, hấp hơi nóng ướt cả mông, mùa đông gió lùa lên tê tái (tối tối Công ty vệ sinh gánh đổ đi, thối ngang cả phố). Sau nâng đời hai ngăn “xổm” rắc tro, vẫn hôi thối lắm, rồi hố xí tự hoại (ba ngăn, xả nước). Vậy mà quen tất, nhiều vị còn tranh thủ mang truyện, báo vào đọc dài dài. Chắc ngồi yên tĩnh, thoải mái nên mới lâu vậy. Mãi khi Viglacera ra đời, nhà giầu mới có hố xí bệt. Ngày nay nhiều cái lên tới hàng trăm triệu đồng, mạ vàng, gắn chíp điện tử, trang trí cầu kỳ đa dụng (tự động rửa, lau, sấy khô, làm ấm bệt ngồi, mát xa lưng…)

Những người bạn học của tôi ở CH Séc nay đều là giáo sư, kỹ sư, bác sỹ, doanh nhân; nhiều vị làm quan chức to… Nhà lầu xe hơi, đời sống vương giả, mỗi tầng có tới hai toilet. Không còn ai ấu trĩ ngồi lên cái bàn cầu như năm xưa nữa. Đọc chuyện này khối người ngượng lắm và đa phần đều không muốn tự nhận mình từng làm điều đó. “Ai lại ngu thế bao giờ!”; “Lại chuyện vớ vẩn ngày xưa ấy mà, tin sao được dân viết lách!”.

Có muốn cá không? Ngay bây giờ, hãy quay lại vùng nông thôn nghèo khổ. Ở đấy câu chuyện tôi kể đang là “hiện thực văn học” hàng ngày. Thậm chí còn tồi tệ hơn, với các thói quen “làm sạch” cổ điển dùng lá mua, lá chó đẻ, rơm, que tre, mô đất…

Từ Việt Nam sang châu Âu khoảng cách hơn chục nghìn cây số, dạo đó chúng tôi phải đi tầu hỏa 14 ngày mới tới. Nên chẳng có gì lạ khi “Văn học hiện đại” và “Văn học Hậu hiện đại” có sự khác biệt, đòi hỏi thời gian, thói quen đồng hóa.
Không thể “đốt cháy giai đoạn”, tôi chỉ muốn nói đến thời gian văn minh hóa của con người trong khoa học kỹ thuật và trong văn học. Tất cả đều cần làm quen, tiếp cận, cập nhật… Hôm nay bạn nghĩ nó là tất cả thì ngày mai, năm sau hay một thế hệ sau đã trở nên lạc hậu, ấu trĩ, xa lạ.

“Văn học Hậu hiện đại” cũng vậy. Thích nghi, phổ cập, nâng cấp, “tự sướng” một thời gian là quen thôi mà.

Từ câu chuyện “Thứ nhất Quận Công, thứ nhì …đồng” tới cái bàn cầu trăm triệu (và nghe đâu còn có loại mới hơn sắp ra đời mà tôi và các bạn chưa biết sử dụng: WC chân tủ, cửa lùa, WC DVD, WC full HD, lead, WC 3D, iWC...)

Xin lỗi nhé. Bàn luận về văn chương mệt như thế chẳng khác gì tự khẳng định câu tục ngôn của các cụ: “Miệng quan, trôn trẻ”. Chán chẳng muốn cãi. Ngồi đâu, đọc gì cứ thấy khoái như… đi WC là ổn rồi. Mỗi người một cách. Amen!

Do.honza

No comments:

Post a Comment