.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Monday, March 12, 2012

NGUYỄN VĂN LƯU - NGUYÊN GIÁM ĐỐC NXB VĂN HỌC LÊN TIẾNG TRÊN BÁO TIỀN PHONG VỀ CUỐN “ĐÀO TẤN THƠ VÀ TỪ” CỦA CỤ VŨ NGỌC LIỄN


VỀ TÁC QUYỀN CỦA “ĐÀO TẤN THƠ VÀ TỪ”


TP - Công trình Đào Tấn Thơ và Từ của soạn giả Vũ Ngọc Liễn (NXB Sân Khấu – 11-2003) lẽ ra chỉ nên bàn luận trên tinh thần vui vẻ.
Bởi khôi phục lại di sản của một danh nhân như cụ Đào Tấn là công việc rất đáng quý trọng; Cùng nhau tôn vinh một danh nhân lẽ ra phải là sự vui chung. Tiếc thay cách xử sự của các bên lại làm cho chuyện vui thành ra không được vui.

Có nhiều ý kiến từ sau khi tác giả Minh Tâm cho đăng bài “Âm mưu đoạt giải nhờ… người đã khuất”. Ở đây chúng tôi chỉ lưu ý bài của bạn ký tên Hồng Hạnh (Hội Văn hóa Nghệ thuật Bình Định - Được đưa lên mạng ngày 28-02-2012 trên blog của Nguyễn Trọng Tạo). Ý kiến này là đại diện cho phía phê phán tác giả Minh Tâm.
Trước hết xin đính chính với bạn Hồng Hạnh và cư dân mạng rằng tác giả Minh Tâm (bài “Âm mưu giật giải…” Tiền Phong 29-02-2012) là hoàn toàn khác với Minh Tâm được mệnh danh là “Manh Tâm” “giun rắn” là “một quan chức văn hóa văn nghệ ở Bình Định…”. Minh Tâm ở đây là nhà báo, hiện là phóng viên một tờ báo ở Hà Nội.
Viết về những vấn đề nhạy cảm như thế này, các bạn nên tìm hiểu kỹ đối phương, cả bạn Hồng Hạnh và bạn Minh Tâm (và cả báo Tiền Phong nữa).
Nếu biết cụ Vũ Ngọc Liễn là bậc cao niên đã thượng thượng thọ đến tháng 3-2012 đã vào tuổi gần 90, thì hẳn Minh Tâm – chỉ đáng tuổi con cháu – không nỡ giật tít gay gắt đến như thế. Trẻ tha già nể… kia mà!
Tôi nghĩ, nếu cuốn sách không vào đến vòng chung khảo giải thưởng Nhà nước thì không có chuyện gì.
Có gì thì gọi điện cho nhau là được rồi. Hẳn là cụ Nguyễn Thanh Hiện và thân nhân các cụ Tống Phước Phổ, Mạc Như Tòng… đều không màng đến cái hư danh nên các cụ có ý kiến gì đâu.
Còn bạn Minh Tâm và báo Tiền Phong ngoài cách đặt vấn đề quá gay gắt ra thì nêu sự việc lên là phải lẽ.
Nếu không thì ai biết gì đâu. Nếu không thì có thể cụ Tống Phước Phổ, Mạc Như Tòng, Đỗ Văn Hỷ ở thế giới bên kia lại hỏi nhau: Này, trên ấy người ta trao giải thưởng cho Thơ và Từ Đào Tấn, sao không nhắc gì đến chúng mình nhỉ?
Thế nghĩa là, quyển Đào Tấn Thơ và Từ có ít nhất hai điểm không ổn, xét từ góc độ quyền tác giả và truyền thông phường hội – tuy không có luật thành văn nhưng còn mạnh mẽ hơn sâu sắc hơn cả luật thành văn.
Thơ và Từ Đào Tấn (NXB Văn học – 1987) ở trang tác giả ghi rõ: Vũ Ngọc Liễn (Chủ biên) – Nguyễn Thanh Hiện, Tống Phước Phổ - Mạc Như Tòng. Đỗ Văn Hỷ (hiệu đính). Xuân Diệu (giới thiệu) – Hoàng Trung Thông (bạt).
Như thế, cụ Vũ Ngọc Liễn, cụ Nguyễn Thanh Hiện, cụ Tống Phước Phổ (đã quá cố), cụ Mạc Như Tòng (đã quá cố) là đồng tác giả. Cụ Đỗ Hỷ - anh em ở Viện Văn học thường thân kính gọi cụ như thế - hiệu đính.
Người hiệu đính đảm bảo cho chất lượng, sự tin cậy của công trình dịch thuật – biên soạn. Luật xuất bản quy định phải ghi đầy đủ vào trang tác giả.
Người giới thiệu hay viết lời bạt, không bắt buộc phải ghi trên trang tác giả. Nhưng ở lần in đầu, nhờ cậy họ, trân trọng đặt vào trang tác giả thì ở các lần in sau nếu dùng lại, thì không nên bỏ họ khỏi vị trí đó.
Vì vậy, Thơ và Từ Đào Tấn dù in lại đến lần thứ mấy, dung lượng tăng lên đến bao nhiêu, nếu sử dụng lại nội dung của cuốn Thơ và từ Đào Tấn thì vẫn phải ghi tên và tôn trọng quyền lợi của các đồng tác giả và người hiệu đính.
Nếu ghi ở cuối bài trong trích văn, chỉ có giá trị xuất xứ được nhuận bút (các bài dịch) nhưng không có quyền đồng tác giả. Nếu nội dung của Đào Tấn Thơ và Tư khác hẳn với Thơ và Từ Đào Tấn thì tác giả Vũ Ngọc Liễn đúng.
Nếu là thêm vào các bài mới sưu tầm được, thêm phần tuồng hát bội… thì giá trị cơ bản của công trình không thay đổi. Như trước đây còn nghèo khó, bốn năm anh em chung tay cất ba gian nhà.
Nay có điều kiện, nối thêm thành năm hay bảy gian. Có phải làm mới hẳn đâu. Nên những người tham gia từ đầu vẫn còn quyền lợi. Dù có đảo lại tên sách Thơ và Từ Đào Tấn thành Đào Tấn Thơ và Từ mà bỏ tên các đồng tác giả và người hiệu đính, vẫn là không đúng luật.
Còn truyền thống? Lúc khởi đầu khó khăn, anh em chung lưng đấu cật, nay đã thành tựu, có điều kiện nhuận sắc thêm, thì có nên bỏ quên anh em thuở hàn vi không?
Rõ ràng một mình tác giả Vũ Ngọc Liễn không đủ sức, không đủ tự tin nên phải cùng cộng tác với những người khác, lại nhờ những người có uy tín giúp đỡ.
Một lời giới thiệu của Xuân Diệu, một lời bạt của Hoàng Trung Thông – người đã dịch Thơ và Từ Mao Trạch Đông – là rất quý báu, quan trọng cho sự ra đời của Thơ và Từ Đào Tấn ở NXB Văn học ở tầm Quốc gia chứ không phải là địa phương.
Cũng rõ ràng thư mục và tài liệu về Đào Tấn là của nhóm tác giả Vũ Ngọc Liễn (chủ biên) Bùi Lợi – Ngô Quang Hiền - Mạc Côn và Tuồng Đào Tấn cũng phải nhờ Phạm Phú Tiết chú giải… mà nay chỉ thấy tác giả duy nhất Vũ Ngọc Liễn?
Nếu phải nói cho đến đầu đến đũa, thì là như thế.
Nhưng biết cách xử sự thì chả có gì nên chuyện.
Là nếu hội đồng cơ sở đưa công trình trên vào danh sách xét giải thưởng Nhà nước; là nếu đã vào vòng chung kết, bạn Minh Tâm chỉ cần gửi ý kiến của mình cho hội đồng giải thưởng Nhà nước thì ắt phải xem xét lại, việc gì phải vội kêu lên “Âm mưu giật giải nhờ…”.
Cụ Vũ Ngọc Liễn trải đời như thế màng gì đến hư danh; chắc anh em bạn bè quý mến mà đưa vào hay vận động cụ đưa vào để tôn vinh danh nhân tỉnh nhà, cũng là ý tốt, lỡ có sơ suất (tin là vậy) thì cũng nên nhẹ nhàng nhắc nhau.
Mong mọi người vui vẻ với nhau. Kính chúc cụ Vũ Ngọc Liễn mạnh khỏe, trường thọ. Chờ để mừng cụ đến chín mươi xuân.
Nguyễn Văn Lưu
Nguyên Giám đốc NXB Văn học
Nguồn: TP chủ nhật


No comments:

Post a Comment