.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Friday, March 9, 2012

SINH SAU TỔ TIÊN NGƯỜI VIỆT HIỆN ĐẠI GẦN 500 NĂM, HẠ VŨ CÓ THỂ LÀ TỔ CỦA NƯỚC VIỆT CÂU TIỄN MÀ KHÔNG THỂ LÀ TỔ TIÊN CỦA CHÚNG TA


Cho đến nay nhiều sử sách ghi rằng, khi Hạ Vũ được Đế Thuấn truyền ngôi, vì Vũ người Việt, người Hán không chấp nhận đã nổi lên làm loạn phản đối, Đế Thuấn phải đánh dẹp mới yên. Hạ Vũ làm vua, trở thành tổ tiên của người Việt, mà hậu duệ là Việt vương Câu Tiễn. Khoảng năm 333 TCN, người Sở diệt nước Việt, người Việt chạy xuống Việt Nam, trở thành tổ tiên người Việt (Kinh) hiện nay.

Có đúng vậy không? Tôi xin trình bày một số ý kiến.

Sử sách Trung Hoa ghi những vị vua thời tiền sử của họ gồm có: Phục Hy (2852 TCN), Thần Nông (2737 TCN), Hoàng Đế (2697). Tiếp theo là Thiếu Hiệu, Chuyên Húc, Đế Cốc, Đế Chí, Đế Nghiêu, Đế Thuấn rồi đến Hạ Vũ (2205 TCN). Học giả La Hương Lâm trong cuốn “Bách Việt nguyên lưu dữ văn hóa,” một khảo cứu công phu về lịch sử và văn hóa các tộc Bách Việt cũng cho rằng, người Việt khởi nguyên từ nhà Hạ rồi lan ra khắp Trung Hoa, không chỉ tại miền Kinh Sở mà còn tới cả các tộc Việt ở Tây Nam Trung Hoa cho tới Lào, Mianmar.

Vì vậy, vấn đề đặt ra với chúng ta là, gốc tích của Hạ Vũ từ đâu?

Trong số các ông vua kể trên, ta biết, Phục Hy, Thần Nông là hai vị vua của người Bách Việt. Khoảng 40.000 năm trước, người Việt cổ gồm bốn chủng là Indonesian, Melanesian, Vedoid và Negritoid mà nhân chủng học gọi là nhóm loại hình Australoid từ Trung và Bắc Việt Nam đi lên khai phá Trung Quốc. Sống trong những vùng địa lý, thổ nhưỡng, khí hậu khác nhau, người Việt cổ chia ra thành nhiều dòng Việt, được lịch sử gọi là Bách Việt. Truyền thuyết ghi nhận ông vua đầu tiên của người Bách Việt là Toại Hoàng, còn được gọi là Thiên Hoàng. Tiếp đó là Phục Hy, gọi là Địa Hoàng và Thần Nông được gọi là Nhân Hoàng.

Hoàng Đế () là ông vua ở đất hoàng thổ () có lai lịch khác những vị trên. Hoàng Đế họ Hiên Viên, thủ lĩnh các bộ lạc Mông Cổ phương Bắc (Northern Mongoloid) sống ở phía Tây Bắc Trung Quốc. Khoảng 2600 năm TCN, họ Hiên Viên thống lĩnh các bộ lạc du mục Mông Cổ vượt Hoàng Hà xâm lăng đất Bách Việt. Người dẫn đầu họ Hiên Viên được tôn xưng là Hoàng Đế với nghĩa vị đế của vùng hoàng thổ. Do người Mông Cổ ít còn Bách Việt quá đông nên tại phía nam Hoàng Hà diễn ra tình trạng những vùng bị chiếm xen kẽ với khu vực còn độc lập. Những khu vực này luôn tranh chấp nhau để mở rộng ranh giới. Thời gian sau, những khu vực như vậy khép lại, tạo ra ranh giới ở nam Hoàng Hà, không cho những bộ lạc du mục khác xâm nhập. Do lâm vào cuộc chiến du kích dai dẳng (tích nhật Hoàng Đế chiến Si Vưu, Trác Lộc kinh kim vị nhược hưu- Ngày trước Hoàng Đế đánh Si Vưu, cuộc chiến tới nay vẫn chưa dứt), người Mông Cổ không thể diệt chủng cũng như không thể nô lệ hóa người Bách Việt mà dùng chính sách chung sống khôn khéo. Họ từ bỏ lối sống du mục, học nghề nông cùng văn hóa của người Bách Việt. Do sống chung, có sự hòa huyết giữa người Mông Cổ và người Bách Việt, sinh ra chủng người mới là Mongoloid phương Nam (Southern Mongoloid). Với thời gian, khoảng vài ba thế hệ, do vành đai phía bắc vững chắc, người Mông Cổ không xâm nhập được, nên ở nam Hoàng Hà hầu như không còn người Mongoloid thuần chủng. Những người lai Mông Việt trở thành chủ thể xã hội, tự gọi mình là người Hoa Hạ. Lúc này vật tổ của người du mục là con Sói trắng kết hợp với vật tổ Rồng của dân nông nghiệp thành con Rồng với bộ mặt sói. Người Hoa Hạ do mang một phần máu Việt nên lấy các vị Toại Nhân, Phục Hy, Thần Nông làm tổ của mình. Đó là việc làm chính danh. Để duy trì tính chính thống Mông Cổ, các vương triều tiếp sau Hoàng Đế cưỡng ép dân cư nói theo cách nói của người Mông Cổ, tạo ra ngôn ngữ hệ Sino-tibetant của người Trung Hoa ngày nay.

Một câu hỏi được đặt ra: Hoàng Đế, Thiếu Hiệu (2597 TCN), Chuyên Húc (2513 TCN) mang tên Mông Cổ là lẽ bình thường. Nhưng vì sao sau đó lại là những vị mang tên Việt: Đế Cốc (2453 TCN), Đế Chí (2365 TCN)…? Phải chăng, sau gần 250 chung sống, người Việt đã đồng hóa người Mông Cổ cả về huyết thống cả về văn hóa nên trong quốc gia của Hoàng Đế, yếu tố Việt chiếm ưu thế và người Việt được giữ vai trò lãnh đạo? Đó là ý kiến khó phản bác. Ta không biết được công trạng của hai vị này, nhưng với Đế Nghiêu, Đế Thuấn thì thể hiện rõ bản chất của những vị vua mang tinh thần Bách Việt nông nghiệp.

Đến bây giờ ta đi vào vấn đề chính: Hạ Vũ là ai? Theo sử sách thì ông là người đứng đầu bộ lạc Việt, là vị quan thân cận của Đế Thuấn. Do tài năng và đức độ, ông được chọn làm vua. Sinh ra khoảng 2205 TCN, tức sau cuộc xâm lăng của Hoàng Đế gần 500 năm, có thể ông là tổ tiên một số nhánh Việt nào đó nhưng không thể là tổ tiên của toàn bộ người Việt trên đất Trung Hoa. Điều này là dĩ nhiên bởi lẽ, từ trước cuộc xâm lăng của Hoàng Đế, người Việt đã sống khắp Trung Hoa. Có những bộ lạc sống chung với người Mông Cổ như bộ lạc của Hạ Vũ, có những bộ lạc vẫn giữ được độc lập, sau này đứng ngoài ảnh hưởng của nhà Chu như nước Sở, cùng những bộ lạc ở nam Dương Tử hoặc vùng Ba Thục. Cho nên việc một số tác giả cho rằng Hạ Vũ là tổ tiên của người Việt vùng Tứ Xuyên cho tới Lào, Mianmar là chuyện hoang đường. Còn với người Việt ở Lưỡng Quảng, Ba Thục và Việt Nam thì Hạ Vũ chỉ là cháu chắt.

Sự thể như sau: khi cuộc xâm lăng của Hoàng Đế xảy ra, sau trận Trác Lộc, Đế Lai tử trận, Lạc Long Quân dẫn đoàn quân dân Việt theo Hoàng Hà ra biển trở về Việt Nam, xây dựng nhà nước Văn Lang. Trong đoàn thuyền nhân trở về, có người Việt Australoid và cả người Mongoloid phương Nam (được sinh ra do những cuộc tiếp xúc tự nhiên với người Mông Cổ bên Hoàng Hà khoảng 5000 - 6000 năm TCN, và là chủ nhân của văn hóa trồng kê Ngưỡng Thiều.)
Người Mongoloid phương Nam hòa huyết với người Việt Australoid tại chỗ sinh ra người Mongoloid phương Nam mới, chính là người Việt hiện đại (Kinh). Điều này được nhiều phát hiện khảo cổ kiểm chứng, đặc biệt là khu mộ táng Mán Bạc, Ninh Bình ở thời Đồ Đồng hơn 2000 năm TCN, trong đó có 30 di cốt của người Australoid và người Mogoloid phương Nam cùng trong một nghĩa địa.
Do ưu thế lai, với khả năng sinh sản cao, người Việt hiện đại tăng số lượng và đi lên phía sông Dương Tử trong quốc gia Văn Lang, hòa huyết với người tại chỗ, gây ra phản ứng dây chuyền, Mongoloid hóa dân cư Văn Lang. Khoảng 2000 năm TCN, đại đa số dân cư Văn Lang từ Ngũ Lĩnh về Nam thuộc chủng Mongoloid phương Nam như chúng ta ngày nay.

Sinh sau tổ tiên người Việt hiện đại gần 500 năm, Hạ Vũ có thể là tổ của nước Việt Câu Tiễn mà không thể là tổ tiên của chúng ta. Đấy là điều chắc chắn./.

HÀ VĂN THÙY

2 comments:

  1. Ông này chắc quen thân với ..Lạc long quân nên nói như thật vụ kéo nhau ra biển. Nghe sao giống hồi 30.4 quá vậy ông?!

    ReplyDelete
  2. Trao đổi với anh Hà Văn Thuỳ! Nếu lịch sử cổ đại mà "Đó là điều chắc chắn" thì chẳng cần đến các nhà sử học. Vì là không thể chắc chắn nên tại sao một khi Phục Hy, Thần Nông là người Việt thì Hạ Vũ "chỉ là vua của Bách Việt" ở Trường Giang? Tại sao người Việt có sớm,đông đúc (trăm trứng, trăm bộ lạc) lại không thể di cư về phương Nam theo nguyên tắc "Việt điểu dào Nam chi"? Tôi thì luôn tin rằng Người Việt hiện nay là kết quả của lai chồng chéo hàng chục các bộ tộc khác nhau - vừa lai vừa di chuyển rồi xuống vùng Quảng Đông, Quảng Tây, Cao Bằng..., kết hợp tiếp để thành những chủ nhân của Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Tóm lại, chưa nên khẳng định rằng người Việt không có nguồn gốc từ Hạ Vũ. Và, chỉ những người, bộ tộc không chịu đồng hoá mới di cư về Nam mà thôi. Có thể, cái nôi của Việt Tổ (tôi tin nhưng chưa chứng minh nổi) là Hạ Lưu Trường Giang. Hà Văn Thịnh.

    ReplyDelete