.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Thursday, March 8, 2012

HÌNH ẢNH NGƯỜI NỮ - THÂN PHẬN LÀM NGƯỜI TRONG KINH SÁCH THÁNH HIỀN VÀ NGUYÊN TƯỢNG NGƯỜI NỮ ÂU CƠ TRONG HUYỀN THOẠI VIỆT NAM


 
  1. Hình ảnh Người Nữ và thân phận làm người trong Kinh Sách thánh hiền

Những Kinh Sách khai nguồn các nền văn hóa hay còn gọi là các bản văn có giá trị văn hiến không phải là những chuyện huyền hoặc nói đến thế giới thần thánh hoặc là những ý niệm thô sơ  về nguồn gốc vũ trụ, bản thể sự vật. Nhưng chúng là sự biểu hiện những trực giác nền tảng về lý lịch con người hay còn gọi ý nghĩa của nhân tính.

Trong khuôn khổ đặc loại của ưu tư duy nhất nầy của văn hóa, hình ảnh người phụ nữ không phải luôn được diễn tả như là hình ảnh duy nhất để gợi lên ý nghĩa nhân tính nầy. Nhưng xuyên qua một số Kinh Sách của các nền văn hóa lớn trên thế giới còn tồn tại, việc nêu lên hình ảnh người nữ để gợi lên thân phận làm người rất phổ biến.

Chúng ta có một ‘Nữ-Oa đội đá vá trời’  trong huyền thoại người Trung hoa, một Nữ-Oa tượng trưng cho phận làm người điền rồ và lầm lạc bên cạnh Phục Hy tượng trưng cho thận phận ‘luôn quay về’  gắn bó với Sự Thật, sự Toàn Hảo nguyên sơ của nhân tính.

Trong văn hóa Phật Giáo và Hy Lạp, do trùng hợp về tài liệu lịch sử hay phát xuất từ một bài học văn hóa chung có tính cách tượng trưng, chúng ta có hai khuôn mặt Người Nữ trái nghịch. Kinh sách ghi người cha của Đức Tất-Đạt-Đa là Shuddhodana (Tịnh-Phạn, có nghĩa là của ăn tinh khiết) và người mẹ của Ngài lại là Mahâ-Mâyâ, có nghĩa là Đại-Aỏ-Ảnh. Trái lại, trong truyền thống văn hóa Tây phương, người cha của Socrate lại là một nhà điêu khắc biến người sống thành tượng đá vô hồn, và người mẹ của ông lại là một bà nữ hộ sinh, đưa sự sống nguyên sơ  từ bụng mẹ ra chốn trần gian.

Hai khuôn mặt người nữ quan trọng và thiết yếu hơn cả trong Kinh Thánh Kitô giáo là Evà và Maria. Evà, người mẹ đầu của của nhân loại đưa con người đến sự chết của nhân tính khi đề nghị lấy thước đo sự vật mà đo lường lý lịch thiêng liêng cao cả của con người. Maria, người mẹ thứ hai sinh lại con người mới, con người được cứu độ, khi Người Nữ ấy sinh ra Đức Giêsu-Kitô, Con Người Toàn Vẹn được tác thành bởi Sức Mạnh Yêu Thương (Thánh Thần) hoặc mối tương giao giữa Con Người với Thiên Chúa ...

Trở lại với nền văn hóa Việt Nam, ngoài Âu Cơ, chúng ta còn có hình ảnh Người Nữ đã đi vào Đại-Ký-Ức dân tộc, đó là hình ảnh của Kiều trong tác phẩm Đoạn-Trường-Tân-Thanh của Nguyễn-Du. Kiều mang hai thân phận : Một Kiều hồng nhan đi tìm cứu thoát qua muôn ngàn phương thế của Tài, nhưng vô vọng. Và một Kiều của Mệnh lắng nghe được lời bên kia của Đạm-Tiên và được Giác-Duyên cứu độ khi đã chết đi hoàn toàn con người cũ của mình.

Cũng như những hình ảnh Người Nữ mà chúng ta vừa thoáng nhận ra trong các Kinh Sách và truyền thống văn hóa nhân loại, Âu Cơ là một nguyên tượng, một người mẹ nguyên sơ được truyền thống văn hóa Việt Nam tôn vinh là mẫu mực diễn tả thân phận con người. Thật  thế, Âu Cơ không những là một hình ảnh thần thoại ghi sâu trong Đại-Ký-Ức dân tộc, nhưng, cũng như những hình ảnh người nữ có giá trị nguyên tượng trong các Kinh Sách các nền văn hóa, người nữ Âu Cơ là nhân vật chính trong một bản văn phải được xem là ‘Sách Sáng Thế’  của nền văn hóa Việt Nam.

  1. Người Nữ Âu-Cơ trong bản văn văn hiến Hồng Bàng Thị

  1. . Hồng Bàng Thị, một bản văn văn hiến

Theo Vũ Quỳnh, người đã hiệu chính [1] cuốn Lĩnh Nam Chích Quái, thì những câu chuyện huyền thoại có tính cách văn hiến (những nội dung có tính cách thi ca thiết định nền tảng văn hóa và làm cương thường cho đạo làm người) đã phát sinh từ nơi sâu kín nguyên sơ của tâm hồn con người, được cảm ứng và truyền tụng từ các thế hệ xa xưa.

Nhưng cũng như các Kinh Sách của các nền văn hóa, bản văn nói đến Người Nữ Âu-Cơ có tác giả (Vũ Quỳnh), có ghi dấu tích năm tháng được viết ra (năm 1492) và được xếp đặt lại cho có hệ thống trong chương đầu, chương nền tảng và cô động các nội nội dung của một cuốn sách với một tựa đề rất ý nghĩa Hồng Bàng Thị.

Từ âm hưởng của tựa đề nầy, người đọc có được một chìa khóa, một hướng dẫn để đi vào chính nội dung thiết yếu, nếu không nói là duy nhất, mà tác giả muốn truyền đạt.
Hồng là to lớn ; Bàng là bao phủ, phổ quát ; Thị là họ, là cộng đồng con người.

Hồng Bàng Thị, các tác giả thường quen dịch là Họ Hồng Bàng và được hiểu chung chung là câu chuyện huyền thoại khai nguyên của dân tộc Việt Nam. Nhưng ý nghĩa toát ra từ tựa đề chương nầy vượt qua nội dung có tính cách ký sự, lịch sử hay một lãnh vực nào đó của môn nhân-chủng-học hoặc dân-tộc-học. Tựa đề muốn nói đến một Họ, hay một Dân [2] được gợi lên như là hình ảnh của nhân loại nói chung, vượt lên trên các loài sinh vật khác. Với hai tĩnh từ Hồng Bàng đi kèm, tựa đề Hồng Bàng Thị vừa muốn tiếp cận ý nghĩa về nhân tính vượt lên trên những giới hạn thời gian không gian, và hẳn nhiên vượt qua những hạn định của tình tự dân tộc mà thôi, mặc dù tình tự nầy rất cao cả. Tựa đề nầy đưa nội dung bản văn vào vấn nạn duy nhất mà các thánh nhân trong các nền văn hóa đề cập : vấn nạn về ý nghĩa nhân tính và đạo lý hoàn thành nhân tính xuất phát từ trực giác ý nghĩa đó. Các bậc thánh hiền trong nhân loại được chân nhận là thánh hiền, không phải vì họ là tác giả tìm ra căn nguồn nào đó của một bộ tộc, một thời đại riêng của họ, nhưng họ đã giúp con người của mọi thời đại, mọi dân tộc nhận ra ý nghĩa nhân tính con người. Và lời giáo huấn của họ được ghi lại và phổ biến như là Kinh Sách, như là những bản văn văn hiến cũng chỉ vì đã cảm ứng được nội dung duy nhất, nhưng phổ quát nầy.

Bản văn chương một cuốn Lĩnh Nam Chích Quái, tựa đề Hồng Bàng Thị không dài quá ba trang giấy khổ nhỏ [3], được viết theo thể văn song song đối nghịch (parallélisme antinomique) mà chúng ta thường đọc thấy trong các bản văn thi ca cổ xưa, đặc biệt trong các Kinh Sách văn hóa Hy lạp [4]. Lối văn thi ca được sáng tác theo lối song song đối nghịch nầy không phải là một qui ước văn chương thường tình, nhưng nó gắn liền với nội dung thiết yếu của bản văn. Nó gợi lên hai yếu tố hay hai chiều kích cấu tạo nên thân thế con người, hai chiều kích Đất-Trời. Nhưng điểm kỳ lạ hơn nữa là gắn liền với trực giác về thân thế nguyên sơ đó, còn có trực giác về khả năng căn nguyên nơi nhân tính, khả năng lãng quên và đánh mất thân thế của mình để giản lược Trời vào Đất [5]. Từ hai trực giác căn nguyên nầy, hé lộ nơi nhân tính một cuộc chiến kỳ lạ, cuộc chiến làm người, cuộc chiến vượt lên trên mọi đối kháng ngày-đêm, nam-nữ, đẹp-xấu, đúng-sai...  nơi đổi thay của cuộc sống tự nhiên hoặc tùy thuộc phán đoán con người :

  • Cuộc chiến giữa hình ảnh người thủa xưa (Cổ) luôn ở trong Đạo và hình ảnh người trước mắt (Kim) đang xa Đạo trong sách Đạo Đức Kinh của Lão học.
  • Cuộc chiến giữa quân tử và tiểu nhân trong kinh sách Nho học.
  • Cuộc chiến giữa Khổ và Dục trong tư tưởng Phật học.
  • Cuộc chiến giữa Người Nữ Maria và Con Rắn, Evà trong Kinh Thánh.
  • Cuộc chiến giữa hai thân phận đối nghịch của Prométhée : một Prométhée ban ngày, con Đất (Γαΐα) tự nhận là Công Lý (Θέμις) và một Prométhée ẩn kín con của Công Lý (Θέμις) trong Thi Kịch Prométhée bị trói của thi hào Eschyle. Cuộc chiến của Oedipe: một Oedipe giết cha ẩn kín Laios và lấy chính mẹ Đất Jocaste để tự làm nên mình, và một Oedipe cảm nhận đau khổ nơi vết thương căn nguyên ở chân mà Cha Laios đã ghi khắc để khắc khoải tìm về lý lịch thật của mình, trong Thi Kịch Oedipe-Vua của thi hào Sophocle...
  • Nói tóm là cuộc chiến thần thánh (πόλεμος [6], άπόλεμος όδε γ´ό πόλεμος[7]) mà nhà tư tưởng thi ca Héraclite gọi là Đạo lý (ήθος) hoặc còn gọi là là nét thần linh [8] của nhân tính.

Chính từ trực giác căn nguyên về nhân tính gắn liền với hai chiều kích Đất-Trời, về nguy cơ giản lược phẩm giá thần linh của con người vào khả năng đo-Đất, từ lời kêu gọi con người dám chấp nhận thách đố làm người khi đi vào Khôn Ngoan, tức là dấn thân vào cuộc chiến Đạo lý vượt lên trên mọi cuộc chiến, mọi đối kháng mà khả năng con người có thể tưởng tượng ra được, mà Hồng Bàng Thị là một Kinh Sách làm Cương Thường cho cuộc sống cá nhân và cộng đồng, một bản văn văn hiến, nên cạnh những kinh sách nền tảng xây dựng nên các nền văn hóa.

  1. . Người Nữ Âu Cơ, nhân vật chính của bản văn Hồng Bàng Thị

Nhưng bản văn Hồng Bàng Thị do Vũ Quỳnh hiệu chính, những trực giác căn nguyên về nhân tínhcuộc chiến làm người sẽ do nhân vật tượng trưng nào cưu mang ?

Bản văn Hồng Bàng Thị có một cấu trúc rất mạch lạc[9] giúp cho người đọc dễ dàng nhận ra tiến trình xuất hiện các trực giác căn nguyên về ý nghĩa nhân tính :

  • Phần đầu đặc biệt nói đến Lạc-Long-Quân và chưa nhắc đến Âu-Cơ : Phần nói đến thủa nguyên sơ của con người, một nhân loại mẫu mực, hưởng cảnh thái hòa bên trên, bên ngoài trần thế, một cảnh Vườn Ê-Đen theo ngôn ngữ thi ca của Thánh Kinh. Hai chiều kích làm nên nhân tính được tượng trung qua Kinh-Dương-Vương (Thuần-Dương = Trời) và Long-Nữ (Thuần Âm = Đất). Con người luôn ở trong hạnh phúc an vui (Sùng Lãm). Tuy Trời luôn ẩn kín (qua sự vắng mặt không lý do) của Kinh-Dương-Vương, nhưng Trời luôn gần con người qua Lạc-long-Quân, tượng trưng cho ba giá trị tuyệt đối hay ba sức mạnh (Đức) phát sinh từ Trời-Vô-Danh : Mỹ (Lạc), Chân (Long) và Thiện (Quân). Tuy đó là những giá trị siêu nhiên (qua một Lạc-Long-Quân thường cư ngụ nơi Thủy Phủ xa xôi, ẩn kín), nhưng theo như bản văn, thì : «Dân lúc nào có việc cần thời kêu Lạc-Long-Quân, ‘Bố đi đằng nào, không đến mà cứu chúng ta’, thì Lạc-Long-Quân lập tức đến ngay, uy nghi cảm ứng không ai có thể trắc-lượng được ». Nhân loại ở đây được nói đến qua chữ Dânchúng ta, lúc mà cái tôi đóng kín, tự tôn, tự mãn chưa xuất hiện.

  • Phần chính của câu truyện bắt đầu với sự xuất hiện của Người Nữ Âu Cơ và sẽ kết thúc với vai trò của Âu-Cơ. Hình ảnh tượng trưng của Người Nữ ở đây ăn khớp với thân phận con người trong thực tại, ngôn ngữ triết học ngày nay gọi là hiện-sinh của con người (Da-Sein). Tương ứng với con người ngoài Vườn Ê-Đen, Âu-Cơ không còn là hình ảnh tinh tuyền ban sơ của nhân tính, nhưng là mẫu mực của bất cứ ai đang làm người, những con người bằng xương bằng thịt đang mang lấy trong mình hai lý lịch thật và giã luôn tranh chấp nhau : một Âu Cơ bị Đế-Lai kềm chế và một Âu-Cơ gắn bó với Lạc-Long-Quân [10].


  • Và phần cuối chuyện Hồng Bàng Thị là phần dụng, hay áp dụng mẫu mực của hiện sinh trong sinh hoạt con người và trong lịch sử.


3. – Những trực giác về nhân tính qua nguyên tượng Người Nữ Âu Cơ

Nhiều người ngạc nhiên tại sao một câu chuyên xem ra đi ngược lại với luân lý thường tình như chuyện Họ Hồng Bàng mà lại được xem là một bản văn có giá trị văn hóa:  Âu-Cơ là gái hai chồng - Đế Lai và Lạc-Long-Quân - ? Khi đã có con với chồng thứ hai là Lạc-Long-Quân, Âu-Cơ còn mơ tưởng đời chồng trước lúc chồng mới đi vắng? Một người phụ nữ như thế tại sao dân chúng tôn vinh là Thánh Mẫu và một nhà nho như Vũ-Quỳnh lại tôn vinh là Bà Mẹ làm Cương Thường cho cuộc sống?

Nhưng, nếu lấy khuôn thước của các định luật khoa học, các tập tục và ngay cả những qui thức luân lý xã hội mà thôi để thẩm định và giải minh một bản Kinh Sách có giá trị văn hiến thì hẳn bản văn Hồng Bàng Thị (cũng như truyện Kiều của Nguyễn Du sau nầy) đáng làm cho nhiều người Việt chúng ta hoài nghi và thất vọng. Trước khi đưa ra những biện minh hay giải thích dựa trên những tiền kiến khoa học hay luân lý, có lẽ nên đọc lại ý định của Vũ-Quỳnh là tác giả đã hiệu chính bản văn để có được một hướng dẫn trung thực. Trong Lời Tựa cuốn Lĩnh Nam Chích Quái, mà Hồng Bàng Thị là chương đầu, Vũ Quỳnh nói rõ rằng những nội dung chất chứa trong bản văn là Cương Thường soi sáng và làm mẫu mực cho mọi hệ thống suy tư, và phép tắc điều hành cuộc sống cá nhân và xã hội (luân lý), và từ những Cương Thường nầy, mọi sự được đối chiếu để được đánh giá. Cương Thường nầy ghi khắc trong tâm hồn con người, nghĩa là vượt lên những định chuẩn liên quan đến thời gian không gian, ý thức hệ hay chế độ chính trị hay tổ chức tôn giáo ...  Nói cách khác là không tùy thuộc vào những phán đoán hiểu biết và đo lường sự vật bên ngoài làm đối tượng cho các bộ môn khoa học. Như thế, nếu lấy qui luật khoa học thiên nhiên hay khoa học nhân văn mà phán đoán Cương Thường ẩn dấu đằng sau các tượng trưng thi ca thì đó là một lối minh giải tự căn là mâu thuẩn. Thật thế, tâm thức người Việt không ai ngớ ngẩn tin là có một người nữ sinh ra trăm trứng xét về mặt lịch sử cũng như về khoa học tự nhiên. Không ai ngớ ngẩn để tin là có tiên, có rồng như những thực tại trong không gian thời gian để rồi từ những thực tại đó để ra một giống người và làm nên một thị tộc. Và trong quá khứ cũng như sau nầy, không người Việt nào vín vào Mẹ Âu Cơ hai chồng để biện minh cho định chế hôn nhân hoặc nếp sống gia đình của mình. Nhưng nơi tâm tư của người Việt, Hồng Bàng Thị luôn được trân trọng, ôm ấp như một Đại-Ký-Ức, một Ánh-sáng dẫn đường nhắc nhỡ hồn thiênglinh ưu vạn vật’, mà họ tiên cảm là ngôn ngữ dùng để gọi tên sự vật bên ngoài sẽ bất cập.

Khi đọc lại bản văn Hồng Bàng Thị và đối chiếu với các Kinh Sách các nền văn hóa nhân loại, chúng tôi tự hỏi phải chăng hồn thiêng linh ưu vạn vật ấy chính là nhân tính siêu nhiên và ẩn dấu của con người. Và phải chăng vì đã trực giác được hồn thiêng linh ưu vạn vật ấy Hồng Bàng Thị đúng là một Bản Văn Văn Hiến.

3-1. Nhân tính được trực giác và diễn tả như mối tương giao

Khi đối chiếu bản văn Hồng Bàng Thị với các Kinh Sách văn hóa nhân loại, không những chúng ta nhận ra nội dung thiết yếu của bản văn không muốn gợi lên một điều gì khác ngoài ý nghĩa nhân tính, nhưng nhân tính được trực giác và diễn tả như một mối tương giao.

Các bản văn triết học hay khoa học luôn nêu lên câu hỏi tiên khởi như thế nầy trước khi đi vào việc nghiên cứu và trình bày nội dung chúng hướng đến: cái đó là cái gì? Cái đó hoặc cái gì (Trời là gì? Cái bàn là gì? Người là gì?) mà triết học và khoa học nêu lên hàm ngụ rằng đối vật nêu lên trong câu hỏi (để đợi câu trả lời) là một thực tại riêng biệt. Nó tương quan với những cái khác nó qua sự phủ định là nó không phải là những cái khác nó. Nói cách khác, nó phải luôn là nó và khác với những gì khác nó để thiết định được lý lịch của một vật : nó là một tự-thân (le soi).  Đối vật đó không những yên ổn trong vị thế hay lý lịch riêng của mình, mà còn phải tách biệt với các đối vật khác : đó là nguyên lý căn nguyên giúp trí khôn con người biết hoặc đo lường chính xác. Công trình nghiên cứu của Platon vào giai đoạn thứ hai của ông (còn gọi là giai đoạn xây dựng nền móng triết học) đặc biệt qua các tác phẩm Le Théétète, Le Parménide, Le Sophiste định hình nguyên lý nầy. Nó được truyền thống triết học gọi là nguyên lý đồng nhất (le principe d’identité ou le soi). Và từ nguyên lý căn nguyên ấy, có các nguyên lý không mâu thuẩn (principe de non-contradiction), nguyên lý triệt tam (principe du tiers-exclu). Song song với việc khám phá các nguyên lý và bản chất sự vật (substance, quiddité) như thế, triết học mặc nhiên thiết định lý lịch con người nơi khả năng am tường bản chất các đối vật trước mắt và chế ngự được chúng. Con người trở thành chủ thể trong một thế giới gồm những cái gì (như Trời, Đất, Người) mà nó có thể tiên liệu như là những đối vật mà mình có thể đo luờng. Tương quan giữa mỗi cái gì với chính mình nó, và tương quan giữa trí khôn con người với một đối vật  (= cái gì, quid, cela, quoi, what), hai bên ăn khớp với nhau: tương quan đó gọi là luật tự nhiên và luật trí khôn hiểu biết, hoặc còn gọi một tên chung là lý lẽ tự nhiên (λόγος, raison). Như thế, đằng sau câu hỏi cái đó là cái gì? kỳ thực đã có một tương quan làm nền tảng xây dựng lý lịch của một cái gì ta nêu lên, và cũng làm nền tảng cho nhận thức con người, tương quan đó gọi là .
Nhưng lối suy tư lấy nguyên lý đồng nhất, nguyên lý giúp cho con người hiểu biết sự vật, để tìm biết lý lịch con người, không những là xa lạ đối với các Kinh Sách của các thánh hiền của các nền văn hóa, mà còn được nêu lên như một tội nguyên tổ [11] dẫn đưa con con người đến mê lầm.  Thật thế, Kinh Sách của các ngài hé lộ cho thấy khai nguyên tư tưởng là trực giác về một Tương Giao, một vượt lên nguyên lý điều hành vũ trụ và lý lẽ của trí khôn. Phát xuất từ trực giác căn nguyên về Tương Giao kỳ lạ nầy, sứ điệp văn hóa của các thánh hiền là việc làm chứng về một lý lịch của con người linh ưu vạn vật, vượt lên trên mọi sự vật trong  vũ trụ.
Tương Giao kỳ bí đó nhà tư tưởng thi ca Héraclite gọi là Λόγος : Λόγος (Lý, Tương Giao) thường hằng, con người không khả năng am tường [12]. Nói cách khác Tương Giao căn nguyên làm nên nhân tính con người vượt lên tương quan (lý lẽ) giúp con người đo lường sự vật. Có hai điểm chính cần nêu lên trong câu nói nầy của Héraclite. Trước hết, Tương Giao  (Λόγος) mà thi hào nầy muốn làm chứng chỉ nói đến thân phận con người mà thôi, nghĩa là không nhằm nói đến qui luật vũ trụ. Thứ đến, không những hai tương quan hàm ngụ trong câu nói Héraclite, -  một bên tương quan liên quan đến luật vũ trụ ăn khớp với trí khôn đo lường sự vật, và một bên là Tương Giao làm nên lý lịch ẩn kín của nhân tính -, hai bên hoàn toàn khác biệt nhau, nhưng nơi hiện sinh kỳ lạ của con người chúng lại có nguy cơ tranh chấp, tranh giành nhau (Πόλεμος). Sự thể xảy ra như thế vì đôi đàng đều giành vị thế đặc loại của mình để định vị nhân tính. Và Đạo Lý (ήθος) chính là nét thần thánh dành cho con người khi con người dám tham gia cuộc chiến kỳ lạ nầy: Cuộc Chiến là cha của tất cả (fg. 53: Πόλεμος πόντων μέν πατήρ έστι) và  Đạo lý là tính thần linh của con người (fg. 119: ήθος άνθρώπῳ δαίμων).

Đương thời với Héraclite, hai nhà Thi Kịch Hy Lạp, Eschyle và Sophocle, cũng dùng thành ngữ Tương Giao (hôn nhân) để nói đến nhân tính. Trong bi kịch Prométhée bị trói, Eschyle đã nói đến hai hình thái nhân tính. Khi Thần Zeus ban đêm vì lửa yêu thương đến với nàng trinh nữ có tên là , thì hôn nhân (Λέχος, Γάμος) [13] Thần-Người làm nên một nhân tính mới và làm chết đi nhân tính cũ.

Còn Sophocle, trong bi kịch Oedipe-Vua, cũng dùng lại chữ hôn nhân (Γάμος) [14]  nầy : một bên là hôn nhân Laios ẩn kín và Mẹ Jocaste làm nên một Oedipe đau thương nhưng chân thật; bên kia là hôn nhân quái dị (άγαμος γάμος)[15] giữa người thông thái Oedipe làm vua chế ngự vũ trụ và Jocaste vốn-là-Mẹ-nay-bị-thoái-hóa-thành-Vợ dưới uy quyền mình, và từ  hôn nhân quái dị nầy sản sinh vô số thế hệ con người vô đạo. Hôn nhân quái dị mà Sophocle gợi lên tượng trưng cho nguy cơ dùng quyền uy hiểu biết của Vua-thông thái Oedipe để đo lý lịch con người, đồng thời che khuất Tương Giao căn nguyên giữa Oedipe với Cha ẩn kín Laios là Tương Giao làm nên nhân tính thật.

Trong Kinh Thánh, Tân Ước cũng như Cựu Ước, mặc khải về Nhân Tính luôn qui về hai Tương Giao nền tảng: Yêu Thiên Chúa và Yêu Con Người. Hai tương giao ấy là Λόγος Căn Nguyên làm nên Nhân Tính toàn mãn nơi Đức Giêsu-Kitô...

Đọc lại thật kỷ các chương đầu cuốn Lĩnh Nam Chích Quái, nhất là chương Hồng Bàng Thị, ta cũng nhận ra lối diễn tả nhân tính qua hai hình thái tương quan đối nghịch, một bên là tương giao Âu-Cơ - Đế Lai, và bên kia là tương giao Âu Cơ- Lạc Long Quân.

3-2. Âu-Cơ bị làm vợ Đế-Lai: nghiệp lầm lạc của con người

Trước khi đi vào việc diễn tả trực giác về thân phận con người được kết dệt bởi hai tương giao hoặc hai chiều kích Đất-Trời, tác giả chương Hồng Bàng Thị đã tận dụng rất nhiều hình ảnh thi ca, những âm hưởng về ý nghĩa phát xuất từ ngôn ngữ truyền thống văn hóa trong vùng Đông Nam Á, để giúp người đọc nhận ra hai khuôn mặt của Âu Cơ:  Âu-Cơ - Đế Lai Âu Cơ- Lạc Long Quân.

Câu truyện bắt đầu bằng việc xuất hiện ánh sáng soi đường (Minh) nền tảng (Đế) qua hình ảnh Đế-Minh. Ánh sáng (Đế-Minh) nầy phát ra từ xa xưa (cháu ba đời) của sự sống, từ lửa căn nguyên (Đế-Viêm) của sự sống muôn loài (Thần-Nông). Ánh sáng khởi nguyên ấy soi đường cho thấy trật tự vũ trụ, trong ngoài, trên duới, ngày đêm qua hình ảnh người con là Đế-Nghi.
Nhưng tiếp đó, Ánh Sáng Đế-Minh đi về Nam, nơi có một Mặt Trời khác và gặp một Tiên Nữ (Vụ-Tiên), một Người Nữ (Vụ) vượt trên trần thế, trinh nguyên, vô tội (Tiên). Tương quan nguyên sơ nầy làm nên Lộc-Tục (Lộc = Ơn Trời; và Tục = là cuộc sống của người).

Chiều kích Đất nguyên sơ: Đế Minh đặt Đế Nghi làm vua Phương Bắc: Đế-Nghi là ánh sáng và sự sống của Đất, liên quan đến thiên nhiên, trật tự vũ trụ và cũng là khả năng của lý trí và sự sống thể lý của con người, của tương giao hàng ngang. Đế Nghi làm vua Phương Bắc, một vị trí địa lý thường được dùng để gợi lên sức mạnh bên ngoài, của trí khôn am tường mọi sự và chế ngự thiên nhiên .
Chiều Kích Trời nguyên sơ: Đế Minh đặt Lộc-Tục làm Kinh-Dương-Vương ở Phương Nam: là Vua hướng về tương giao hàng dọc, hướng về Trời (Kinh) và liên quan đến Ánh sáng Mặt Trời Phương Nam (Dương).

Đến đây bản văn chuyển từ thủa ban sơ nơi nhân tính hài hòa Đất-Trời, Chiều kích Đất nguyên sơ -  Chiều Kích Trời nguyên sơ,  để đi vào giai đoạn mô tả thân phận  con người.

Chiều kích Trời trong hiện sinh : Kinh-Dương-Vương (không biết đi đâu, vượt thời gian không gian, luôn ẩn dấu) lại xuống Thủy Phủ và gặp Người Nữ được chúc phúc, được đưa từ thân phận bò sát (rắn) lên hàng rồng là dấu tích của Trời (Long-Nữ) và sinh ra Con Người cao quí và xinh đẹp (Sùng-Lãm). Sùng Lãm là hiện thân của Lộc-Tục nguyên sơ mặc khải qua ba giá trị tuyệt đối Chân-Thiện-Mỹ dẫn lồi bước đi cho con người nhận ra phẩm giá và lý lịch của mình : Lạc-Long-Quân: Lạc (Mỹ) = hạnh phúc, Long (Chân) = thần thánh, chân thật tuyệt đối đến từ Trời; Quân (Thiện) = sự tốt lành trong việc chu toàn nhân tính. Nhưng Trời trong vị thế Lạc-Long-Quân để đến với con người, thì cũng là Trời siêu vượt trên cái nhìn và thước đo của Đất. Để diễn tả tư thế rất gần và rất xa của Lạc-Long-Quân nơi thân phận con người, bản văn ở đoạn nầy diễn tả như sau:

Lạc Long Quân thay Cha trị nước, còn Kinh Dương Vương thì không biết đi đâu. Lạc Long Quân dạy dân ăn mặc, bắt đầu có trật tự về quần thần tôn ty, có luân thường về phụ tử  phu phụ; hoặc có lúc về Thủy Phủ nhưng trăm họ vẫn yên ổn. Dân lúc nào có việc  cần thời kêu Lạc-Long-Quân : - Bố đi dằng nào, không đến mà cứu chúng ta-  thì Lạc-Long-Quân lập tức đến ngay, uy linh cảm ứng không ai có thể trắc lượng được.

Chiều kích Đất che lấp chiều kích Trời trong hiện sinh : Đế Lai bỏ vị thế Phương Bắc dành cho mình và dùng quyền uy Phương Bắc của mình để chiếm đoạt cảnh vực Phương Nam.
Câu truyện Hồng-Bàng-Thị được viết rất tinh tế về sự chiếm đoạt hay lầm lẫn căn nguyên nầy của hiện sinh. Đế Lai là tượng trưng cho khả năng đo lường và hưởng dụng sự vật đã không bằng lòng với vị thế dành riêng cho mình ở Phương Bắc, nhưng dùng khả năng nầy để phiêu lưu vào Phương Nam là Nhà của chiều kích linh ư vạn vật của nhân tính.

Hiện sinh tự căn đã mang khả năng hay nguy cơ lạm dụng quyền uy nầy. Đất đã giành Trời để đánh mất sự sống phát sinh từ Ánh Sáng Mặt Trời Phương Nam. Nhân tính bị biến thành dị dạng vì hiện sinh đã hạ bệ nguồn sự sống nơi nỗi nhớ căn nguyên về lý lịch ần kín và linh thiêng (Đế Lai sực nhớ đến chuyện ông nội là Đế Minh nam tuần gặp tiên nữ) xuống vùng đất Phương Bắc và đồng hóa với dục vọng muốn đo luờng và hưởng dụng sự vật để định nghĩa lại nhân tính.

Sự sai lạc căn nguyên nầy của hiện sinh không nằm ở việc nhân tính có một tương giao Đất, một Đế-
Nghi có khả năng lý trí để gọi tên và cai quản mọi vật trong vũ trụ. Nhưng sai lầm căn nguyên hoặc tội nguyên tổ của hiện sinh là lấy thước Đo Đất (connaissance  géométrique) nầy để đặt câu hỏi và định nghĩa nhân tính. Nói cách khác sai lầm căn nguyên là đồng hóa triệt để nhân tính thành một vật thể nào đó bất kỳ để đo lường theo mẫu mực của thuớc đo Đất qua câu hỏi con người là cái gì?

Có ai khờ khạo có thể hỏi cha mình, mẹ mình là cái gì, để rồi tiếp cận lý lịch cha mẹ và thiết lập các mối tương giao làm người trong khuôn khổ của câu hỏi đó. Thế nhưng không phải qua bao thế hệ người ta không nêu lên câu hỏi Thiên Chúa là cái gì? Thần Thánh là cái gì? Con ngườicái gì? để xây dựng những bộ môn thần học, nhân học hay sao? Đó không phải là một trong những dấu tích của hiện sinh đang chìm đắp trong lầm lạc hay sao?

Thủa nguyên sơ khi Đất ở vị thế Đất, Trời ở vị thế Trời, nay chỉ còn là dấu tích nơi hiện sinh. Trong thực tại làm người của bất cứ ai, chúng ta đã mặc lấy số phận sai lạc căn nguyên nầy, như Nguyễn Du trong truyện Kiều đã viết trong phần kết luận : Đã mang lấy nghiệp vào thân. Và nghiệp sai lạc căn nguyên đó thi hào Sophocle gọi là một hôn nhân dị dạng (τὸν ἄγαμον γάμον), một tương quan Đất-Người muốn ngồi vào thế độc tôn để đánh đổ và che lấp tương quan Trời-Người. Đây là một sự quá lạm (Ὕβρις) [16] làm nên nhà độc tài hiểu biết Oedipe. Bản văn Hồng Bàng Thị diễn tả sự quá lạm đó qua mối tương quan Âu-Cơ - Đế Lai.

Bản văn nói cô động về tương quan nầy qua một số đặc tính như sau:

  • Lợi dụng Lạc -Long-Quân  vắng mặt (vì cư ngụ ở Thủy Phủ), chiếm cứ nước Nam: Nước nay không Vua
  • Lưu lạc khắp nơi tìm của ngon vật lạ, say mê phiêu lưu quên trở về Phương Bắc.

Những chỉ dẫn cô động đó mô tả những nét đặc loại của Âu-Cơ hoặc hình ảnh nguyên sơ của hiện sinh  dưới sự khống chế của tương quan độc tôn Đất-Người : hiện sinh thất thần.

Từ ngữ thất thần hoặc vô thần (άθεος, athée) mà ngày nay thường dùng để nói đến tình trạng không tin vào sự hiện hữu của Thiên Chúa, Thần Linh ... khác với nội dung mà các bản văn cổ dùng đến. Một trong những dấu tích, có thể là xưa nhất, trong các bản văn cổ Hy-Lạp liên quan đến thành ngữ nầy là đoạn thơ 1356-1365 trong thi kịch Oedipe-Vua của thi hào Sophocle (- 496 / - 406) :

Oeidpe: Đáng ra tôi đâu phải là kẻ giết Cha tôi và trước mắt của mọi người trần tôi dâu phải là chồng của người sinh ra tôi !
Thế mà hôm nay, tôi là kẻ thất thần - Νΰν δ´άθεος μέν είμ´- , con của những nguồn gốc vô đạo, (là kẻ) có những người con với chính người mẹ sinh ra mình! Nếu có một nghiệp khốn nặng nề hơn cả trong các nghiệp, thí đó chính là nghiệp của Oedipe (= người độc tài thông thái làm chủ thành Thèbes) !

Vô thần hay quên lảng lý lịch linh ư vạn vật của con người, hoặc mất đi hơi thở (Esprit) làm nên sự sống linh thiêng của nhân tính ...  không nệ ở việc không tôn vinh thần tượng nầy khác, không tin ma tin quỉ theo trí tưởng tượng của mình. Nhà độc tài-thông thái Oedipe cũng sai người đi thỉnh ý Vua Trời Phoebos, cũng nhân danh Phoebos để thực hiện quyền uy của mình. Dân thành Thèbes dưới ánh sáng soi đường và quyền uy của nhà độc tài-thông thái ấy cũng có nhiều đền thờ tôn vinh Trời Đất, nhiều thầy cả, tăng ni lo tế tự và thực thi khổ hạnh ... Nhưng con người Oedipe đó vô thần (άθεος athée) vì nó đã dựa vào cái nhìn của mắt trần, vào khả năng lý trí đo lường sự vật, vào sở thích của mình để tuyệt đối hóa giấc mơ nhất thời thành Thần. Kỳ cùng đằng sau các hình tượng quỉ thần được tôn vinh theo sở thích con người, chỉ còn lại Cái Tôi, một mình biến tất cả Trời Đất Thần thành những đối vật tùy nghi sử dụng đáp ứng trí tưởng tượng và ước mơ làm lớn Cái Tôi của mình. Tương Giao kỳ bí Trời-Người, Người-Người, Tương Giao nối kết Kẻ Khác và những kẻ khác với mình, Tương Giao làm nên Thần Lực nơi nhân tính bị thoái hóa thành tương giao chủ thể - đối vật của chiều kích đo Đất (géo-mètre). Đó là ý nghĩa thành ngữ vô thần nơi Oedipe kẻ giết Người Cha ẩn kín, đánh mất Tương Giao Trời-Người, để rồi thay Cha làm lại một nhân tính dựa trên tài năng hiểu biết của con người.

Bản văn Hồng Bàng Thị diễn tả nghiệp sát thần hay sự chuyển nỗi Nhớ Tương Giao kỳ bí giữa Đế Minh và Tiên Nữ, Tương Giao Trời-Người làm nên lý lịch nhân tính thành Dục (= ước muốn ta tự làm nên ta) qua hai đoạn văn đi liền với nhau :

Vế đầu: (Đế lai) sực nhớ đến chuyện ông nội là Đế Minh nam tuần gặp tiên nữ.
Chuyển thành vế tiếp : Đế Lai chu-lưu khắp thiên hạ, trải xem tất cả tình thế, trông thấy kỳ hoa dị thảo, trân cầm dị thú, tê tượng, đồi mồi, kim ngân , châu ngọc (…..). Đế Lai ái mộ quá quên cả ngày về.

Đế Lai là hình ảnh của Dục căn nguyên nầy, là nghiệp chướng đang khống chế Âu Cơ. Âu Cơ ấy là nguyên tượng của thân phận lầm lạc của hiện sinh: Vốn Lạc-Long-Quân là ẩn kín (vắng mặt), Đế Lai đã biến nét linh thiêng ẩn kín nầy thành hư vô, y như nhà thông thái Oedipe đã giết Cha. Lạc-Long Quân bị xóa hết dấu tích, vương đạo không còn (Nước không Vua). Nỗi Nhớ nhân tính linh thiêng nay bị biến thái thành đam mê mọi sự vật làm lớn thêm cái Tôi một mình của Đế Lai. Con đường đi dong dài đó sẽ như bánh xe quay vô tận không thể ngưng lại được (quên cả ngày về).

Thân phận con người tự căn luôn có thể bị sai lạc, luôn gặp nguy cơ đánh mất nhân tính của mình qua hình ảnh nguyên tượng Âu Cơ bị Đế Lai khống chế, là một giáo huấn chung của các Kinh Sách nền tảng cho các nền văn hóa: Lão-học gọi là Vi, nghiệp chướng của việc làm nên nhân tín giả tạo; nhà bi triết Hy Lạp gọi là Mẹ Gaia (Đất) tự cho mình Mẹ Thémis (Công Lý) để sinh ra một Prométhée thủy tổ của Tέχνη (Tài hay là Vi); Sách Sáng Thế của Do Thái Giáo và Kitô Giáo diễn tả qua hình ảnh Mẹ Evà, Người Nữ đã nghe theo lời con rắn, bò ngang trên đất và ăn đất, để biết về ý nghĩa của nhân tính, đồng thời đánh mất Thần Lực Thiên Chúa gửi đến để nối Kết Trời với Người. Âu Cơ vợ Đế Lai, Người Nữ Evà đó là Đại-Ảo-Ảnh (Mahà-Mâyâ), là nghiệp lầm lạc, là tội nguyên sơ của thân phận con người.

Trong thân phận bị Đế Lai khống chế, bản văn viết rằng:

Nhân dân nước Nam khổ về sự phiền nhiểu, không yên ổn như xưa, đêm ngày đợi Long Quân.

Dân Nam khổ vì Mẹ Âu Cơ bị ở lại hành-tại một mình. Nơi vùng đất thất thần do Đế Lai khống chế, không thể có tương giao giữa người và người, giữa Đế Lai và Âu Cơ. Tương giao người và người không còn, vì tương giao giữa người với Lạc-Long-Quân là nguồn cho mọi tương giao khác đã bị xóa mất. Chính vì thế, trong nỗi cô đơn vì mất đi các mối tương giao làm nên nhân tính của mình, nhân dân nhớ đến Ngày Xưa, Ngày Long Quân ở với con người: Nhân dân nước Nam (...) không yên ổn như xưa, đêm ngày đợi Long Quân.


3-3. Âu-Cơ được nâng lên làm vợ Lạc-Long-Quân : Tương giao nền tảng và linh thiêng làm nên nhân tính

Gắn liền với nghiệp ăn Đất để sống và đo Đất để định nghĩa nhân tính của mình dưới sự khống chế của Dục- ta chỉ muốn ta- qua hình ảnh Đế Lai, truyện Hồng Bàng Thị còn trình bày một Mẹ Âu Cơ, nguyên tượng của lý lịch chân thực của con người. Nguyên tượng nhân tính đó là tương giao nguyên sơ giữa Âu-Cơ và Lạc-Long-Quân.

Bản văn viết rằng:

Lạc-Long-Quân bỗng nhiên lại về, thấy nàng Âu-Cơ ở một mình, dung mạo đẹp lạ lùng, yêu quá, mới hóa ra một chàng nhi-lang phong thư mỹ lệ, tả hữu thị tùng đông đảo, tiếng đàn ca vang đến hành tại. Âu Cơ trông thấy mà lòng cũng ưng theo; Long Quân bèn rước nàng về núi Long-Trang.

Đoạn văn nầy có thể xem là Kinh Sáng Thế của văn hiến Việt-Nam. Ở đây tác giả không nói đến việc sáng tạo con người như một sự sinh đẻ nào đó dựa trên các phạm trù thời gian của vũ trụ bên ngoài, dựa trên nguyên tắc nhân-quả của thước đo Đất. Nhưng Hồng Bàng Thị đã ghi lại một khởi nguyên trong ánh sáng của chiều kích văn hóa dựa trên trực giác về nhân tính vượt thời gian không gian của vũ trụ và hiểu biết con người. Khởi nguyên ấy phát sinh từ một mối tương giao giữa đôi bên:  giữa Âu-Cơ và Lạc-Long-Quân, giữa Trời và Người.

Nhà văn hóa của Hy Lạp Héraclite gọi mối tưong giao kỳ bí đó là Λόγος, tương giao thần thánh vượt lên trên tất cả các tương giao làm nên thước đo Đất nơi trí khôn hiểu biết của con người. Còn Eschyle trong bi kịch Prométhée bị trói thì mô tả khai nguyên nhân loại mới trong Công Lý là mối tương duyên kỳ diệu giữa nàng trinh nữ và Thần Zeus bên trên tài trí con người :

Iô: Nỗi rúng động thần thánh ập xuống trên tôi, xóa đi hình thái lúc trước của tôi. Đêm đêm những giấc mộng viếng thăm phòng the trinh trắng của tôi, và thì thầm khuyên: Hỡi người trinh nữ diễm phúc, tại sao ở một mình, khi nàng có thể có được một người chồng cao quí vô song? Thần Zeus đã nóng lòng đắm đuối yêu nàng, Ngài muốn cùng nàng hợp hoan: nàng chớ nên từ chối hôn nhân nầy của Zeus ... [17]

Cũng như thân phận của trinh nữ , Âu Cơ không chủ động đi bước trước để tìm Lạc-Long-Quân, nhưng Zeus, và đây là Lạc-Long-Quân đã đến bất ngờ (bỗng nhiên, trong đêm) để xóa đi nhân tính cô đơn không tương giao với ai cả nơi con người cũ, và mời gọi con người đi vào giao ước mới. Cuộc hôn nhân đó khai sinh ra nhân loại của Công Lý (Thémis), của Lạc-Long-Quân (Chân Thiện Mỹ). Từ nay, nhân loại là linh ư vạn vật vì đuợc nâng lên để cư ngụ ở Núi Long Trang (Vùng đất trời của Rồng, của Trời).

Mối tương giao linh thiêng đó không những làm nên Đất mới (Núi Long Trang) mà đưa con người vài Thời mới : Một Năm chung sống với Lạc-Long-Quân. Tương giao thần thánh nầy khai sinh một nhân loại linh ư vạn vật liên kết với nhau trong một bọc chung. Bọc đó không gì khác là sức mạnh phát xuất từ mối tương giao căn nguyên giữa Âu-Cơ và Lạc-Long-Quân, giữa Trời và Người.

Âu Cơ ở với Lạc-Long-Quân giáp một năm, sinh ra một bọc trứng (..) hơn bảy ngày, trong bọc nở ra một trăm trứng, mỗi trứng là một con trai; nàng đem về nuôi nấng, không phải cho ăn, cho bú mà tự nhiên trường đại, trí dũng song toàn, ai cũng úy phục, bảo nhau đó là những anh em phi thường.

Nhân loại nay không còn là những thực tại cô đơn, những cái gì riêng rẽ, một hình ảnh trừu tượng do trí tưởng tượng con người dự phóng; nói theo ngôn ngữ triết học ngày nay, nhân loại không còn là một ý niệm về con người do trí khôn con người tưởng tượng ra (= một loại được định nghĩa dựa trên một thuyết nhân bản của các ý thức hệ), nhưng là những anh em phi thường, được khai sinh và nuôi sống bởi mối tương giao với Trời, với một Kẻ Khác vượt lên trên mọi thước đo của Đất. Và trong sức sống của mối tương giao mới nầy, nhân loại linh ư vạn vật (không phải cho ăn, cho bú mà tự nhiên trường đại) được nuôi sống bằng những tương giao liên kết một trăm người, một trăm anh em cùng  chung một bọc.

(Hai tương giao Trời với Người và Người với Người làm nên nhân tính linh thiêng, là ý nghĩa thâm sâu của chữ nhân ( )  của nhân-đạo, và của chữ vương ( ) của vương-đạo, trong ngữ nghĩa văn hóa của Trung Hoa, đặc biệt trong Nho học. Và đó cũng là thần lực nuôi sống con người, thường gọi là Đức Ái, trong giáo huấn của Kitô Giáo)

Sau khi trình bày chiều kích thần thánh của con người qua mối tương giao Lạc-Long-Quân và Âu Cơ, bản văn Hồng Bàng Thị nói rằng Đế Lai rút về Phương Bắc, tượng trưng cho vùng Đất không có ánh mặt Trời sự sống nơi Phương Nam của Lạc-Long-Quân. Song song với việc rút lui nầy, tác giả dùng một hình ảnh tượng trưng khác để nói đến sự chấm dứt uy quyền của tương giao Đất-Người đang muốn thay tương giao Trời-Người để định nghĩa nhân tính :

Đế Lai trở về Bắc, lại truyền ngôi cho Đế Du, cùng với Hoàng-Đế đánh nhau ở Bản Tuyền không hơn nên tử trận; Dòng họ Thần Nông bèn mất.

Thần Nông rút lui dưới uy lực của Hoàng Đế ở Bản Tuyền : Bản Tuyền là nguồn suối hay nguồn sống căn nguyên. Thần Nông là sự sống tự nhiên của muôn loài, trong đó có sự sống tự nhiên của con người. Nhưng dừng lại Thấn Nông (Đất) để định vị nhân tính đó là sự sa đọa căn nguyên mà các Kinh Sách của các nền văn hóa cảnh giác (Xem hình ảnh con rắn ăn đất, bò dưới đất trong sách Sáng Thế của Thánh Kinh; hình ảnh Prométhée nhận lầm Gaia -Đất- làm Mẹ Thémis -Công Lý- trong tư tưởng Eschyle qua tác phẩm Prométhée bị trói ..). Hoàng Đế là nền -Đế- màu vàng -Hoàng-, màu của Trung Cung, của Tâm, của cung Thổ, nơi Vua ở; và Vua (Vương - -  của vương-đạo)  trong âm hưởng thi ca ở đây là biểu tượng cho sự nối kết Trời với Người và Người với Người.


3-4. Âu Cơ là nguyên tượng của cuộc chiến vinh quang hoàn thành nhân tính

Sự chiến thắng của tương giao Trời-Người trên tương giao Đất-Người đã lóe lên như một văn hiến, một trực giác chân lý nền tảng.

Nhưng trực giác về chiến thắng cuối cùng và toàn mãn đó đã là một Đại Ký Ức và còn là Một Lời Hứa nơi thực tại con người. Thực tại con người ấy sẽ được hé lộ trong phần kế tiếp của bản văn Hồng Bàng Thị.

Ở phần nầy, thực tại con người được mô tả như là cuộc chiến giữa hai thân phận (hai khả thể) đối nghịch và loại trừ nhau, một bên là tương giao với Đế Lai, một bên là tương giao với Lạc-Long-Quân. Thực tại mà sau nầy Nguyễn Du trong truyện Kiều gọi là :

Trăn năm trong cõi người ta,
Chữ Tài và chữ Mệnh khéo là ghét nhau.

Thực tại đang giao tranh nầy là nghiệp làm người có thân, là thân phận của bất cứ người nào trong bất cứ giây phút nào và bất cứ ở đâu. Nhà tư tưởng Hy-Lạp Héraclite gọi thực tại nầy là một cuộc giao tranh thần thánh ((πόλεμος ) [18] làm nên Đạo Nghĩa, còn Eschyle gọi là Cuộc Chiến Kỳ Diệu (άπόλεμος όδε γ´ό πόλεμος) [19] vượt lên sức lực tự nhiên của con người.
Trong thực tại con người, Thần luôn khuất mặt, không ai từng thấy và cũng không ai là chủ của Thần (Long Quân ở lâu dưới Thủy Phủ). Mang trong mình thân phận bị Đế Lai khống chế, Mẹ con Âu Cơ lại nhớ Phương Bắc tăm tối:

Long Quân ở lâu dưới Thủy Phủ; mẹ con ở một mình, nhớ về Bắc Quốc liền đi lên biên cảnh; Hoàng Đế  nghe tin lấy làm sợ mới phân binh trân ngự quan tái.

Hoàng Đế là Tâm sâu kín, là sức mạnh của hai mối tương giao Trời-Người và Nguời-Người luôn ghi khắc nơi con người như một dấu tích không thể xóa, một Đại Ký Ức và Lời Hứa, lên tiếng nói trấn ngự sự thèm muốn, tơ tưởng thế giới Phương Bắc của Đế Lai. Hoàng Đế đây đúng là dấu tích mà Sách Sáng Thế gọi là dấu tích không thể xóa Thiên Chúa đã ghi trên Ca-in [20], là vết thương của Oedipe được Người Cha căn nguyên Laios khắc lại ở chân để con người lưu lạc Oedipe có thể nhận ra lý lịch thật của mình và dừng bước mê lầm.

Từ nơi Tâm sâu kín ấy, con người thoáng nhận ra sự mê hoặc của Phương Bắc để nhớ đến Long Quân  là Thần vô phương, Thần khuất mặt:

Mẹ con không về Bắc được, đêm ngày gọi Long-Quân – Bố ở phương nào làm cho mẹ con ta thương nhớ.
Long Quân hốt nhiên lại đến, gặp mẹ con ở Tương-Dạ.

Lạc Long Quân từng cùng hoan hĩ với Âu Cơ nơi Núi Long Trang Thủa Ấy, Lạc Long Quân trong Thời Toàn Mãn, Lạc Long Quân ấy cũng là Long Quân gặp Âu Cơ nơi Tương-Dạ trong thực tại con người. Tương-Dạ ấy là Đêm (Dạ) gặp gỡ (Tương) Trời-Người trong tâm hồn sâu kín của mỗi con người linh ư vạn vật.

Âu Cơ, nguyên tượng của nhân tính, Người Nữ ấy là Mẹ căn nguyên làm nên nguồn cảm hứng và đại mẫu mực, là Cương Thường hay văn hiến cho cuộc sống làm người của mọi người, bất cứ là ai ở đâu và trong bất cứ thời đại nào. Người Mẹ ấy cư ngụ với mỗi người trên dương thế, với mọi người mà năm mươi người con trai còn lại ở Phong Châu là một biểu tượng :

Âu Cơ cùng với năm mươi người con trai ở tại Phong Châu.

Strasbourg – 2009

NGUYỄN ĐĂNG TRÚC

 [1] Xem VŨ QUỲNH, Lĩnh Nam Chích Quái,  Lê Hữu Mục chuyển bản gốc từ hán văn qua quốc văn.  Trong Lời Tựa vào niên  hiệu Hồng-Đức năm thứ hai mươi ba (1492) lúc cho phổ biến cuốn sách nầy, Vũ Quỳnh viết : « Than-ơi! Lĩnh-Nam có nhiều kỳ-trọng, các truyện làm ra không cần phải chạm vào đá,  khắc vào ván mà rõ-ràng  ở lòng người, bia truyền ở miệng người, ông già, con trẻ thảy đều thông-suốt, đem lòng ái mộ, khuyên răn nhau, thời việc có hệ ở cương-thường, quan ở phong-tục, há có phải ít bổ ích đâu? »
[2] Từ ngữ Dân hay được dùng trong các bản văn kinh Thánh Do Thái giáo và Kitô giáo.
[3] Bản văn dịch ra chữ quốc ngữ dài chưa đầy ba trang, khổ giấy A5.
[4] Chẳng hạn các bản kịch Prométhée bị trói của Eschyle và  Oedipe-Vua của Sophocle.
[5] Trực giác về tội nguyên tổ hoặc khả năng lầm lạc căn nguyên nơi nhân tính như trong Kinh Thánh - sách Sáng Thế- đã gợi lên.
[6] cf. HÉRACLITE, fg .53 : Cuộc Chiến là cha của tất cả  (Πόλεμος πόντων μὲν πατήρ ἐστι).
[7] cf. ESCHYLE, Prométhée bị trói, câu thơ 90 : Một cuộc chiến ngoại hạng vượt lên trên sức lực con người : (άπόλεμος όδε γ´ό πόλεμος).
[8] cf. HÉRACLITE, fg. 119 : Đạo lý là tính thần linh của con người (ήθος άνθρώπῳ δαίμων).
[9] Về cấu trúc và việc minh giải bản văn Hồng Bàng Thị, xin đọc  NGUYỄN ĐĂNG TRỨC, Văn hiến, nền tảng của minh triết, xb Định Hướng, năm 1996, Reichstett, France, chương III.
[10] Với âm hưởng văn hóa thi ca của tên gọi Âu-Cơ : Âu (Angst, Angoisse) gợi lên ngữ nghĩa khắc khoải, nỗi nhớ căn nguyên hướng về Xa Lạ, nỗi nhớ được Thánh Ausgustinô gọi là Cor Inquietum, Tâm hồn khắc khoải;   (Sorg, Souci) gợi lên ý nghĩa tài trí đo lường, tâm tư  bận bịu tìm kiếm việc nầy việc khác (busy, business).
[11] Từ ngữ tượng trưng trong tư tưởng Kitô giáo để nói đến khả năng  sai lầm căn nguyên nơi nhân tính, mà câu chuyện con rắn ăn đất và đo đất (St. 3,13) đã đề nghị cho thủy rổ Evà làm nên con người hiểu biết mọi sự ngang với Trời và xóa bỏ tương quan với Trời (St. 3, 4).
[12] Trong cuốn Rhétorique Г 5, 1047 b, Aristote ghi rằng Héraclicte đã viết câu nầy để mở đầu Sách của ông: Logos thường hằng không bao giờ con người am tường được [(τοῦ δὲ) λόγου τοῦδ᾽ ἐόντος (ἀεὶ) ἀξύνετοι γίγνονται ἄνθρωποι.]
[13] cf. ESCHYLE, Prométhée bí trói, v. 651 ; 765…
[14] cf. Sđd, v. 651 ; 765…
[15] cf. SOPHOCLE, Œdipe -Vua, v. 121 : Kronos (Thời Xưa ấy)  thấu suốt tất cả, va øbất chấp ý ngươi, đã tố giác hôn nhân quái dị (ἄγαμον γάμον) nơi ngươi-   Ἐφηῦρέ ς´ ἄκονθ´ ὁ πάνθ´ ὁρῶν χρόνος·  δικάζει τὸν ἄγαμον γάμον πάλαι τεκνοῦντα καὶ τεκνούμενον - ».
[16] cf. SOCPHOCLE, Œdipe Vua, v. 871 : Sự quá lạm làm nên kẻ độc tài (Ὕβρις φυτεύει τύραννον)
[17] ESCHYLE, Prométhée bị trói, c. 243-652.
[18] cf. HÉRACLITE, fg .53 
[19] cf. ESCHYLE, Prométhée bị trói, câu thơ 90.
[20] cf.  St. 3,19 : Giavê Thiên Chúa đã làm một dấu trên Ca-in, để ai gặp nó không đánh nó được.

No comments:

Post a Comment