Xin cám ơn nhà văn Đỗ Viết Nghiệm,
trong một dịp tình cờ, đã cho tôi tập thơ “HOA” của tác giả Lãng Thanh, NXB
Thanh Niên 2003. Tôi đã đọc một mạch hết tập thơ 71 trang khổ 20,5 x 17,5 cm này
trong niềm hứng khởi hiếm có (Trần Mạnh Hảo).
LÃNG THANH: GƯƠNG MẶT EM PHI NHƯ ĐIÊN CUỒNG
Lãng Thanh, tiếng sóng thơ ném ra cuộc đời này một dồn nén vỗ, một bùng vỡ kêu thương, quằn quại mà dịu dàng, nhức buốt mà thương mến. Tiếng sóng ấy vừa vọt lên từ bến thẳm thi ca đã mất hút vào hư vô, chỉ để lại chút dư âm gió hú. Lãng Thanh tên thật là Lê Quốc Tuấn, sinh năm 1977 tại Hiền Quan, Tam Nông, Phú Thọ, mất ngày 20.07.2002 trong một tai nạn bi thảm: hai cha con anh đã đều bị tên bà con nghiện ma túy (con cô con cậu ruột) giết chết ngay trong chính nhà mình.
Mới 25
tuổi đời đã hóa mây bay, Lãng Thanh có hai bằng đại học, làm ngành ngân hàng ở
Vĩnh Phúc, biết thành thạo 3 ngoại ngữ: Anh, Pháp, Trung Quốc, có tài năng
trong các lĩnh vực: hội họa, thư pháp và thơ ca. Xin nghiêng mình thắp cho em
một nén nhang, và xin mượn câu thơ rất hay sau đây của Lãng Thanh làm tên cho
đầu bài viết mọn này. Chừng như nỗi chết đã ám thơ Lãng Thanh bằng chính tình
yêu: Em đến cứu chuộc anh bằng một điềm gở? Xin dẫn đoạn IV trong bài thơ “Thơ
trước tuổi 21”; tôi xin phép hương hồn tác giả, đặt cho đoạn thơ này một cái
tên: “EM”, có thể đứng một mình, sống như một bài thơ hay hoàn chỉnh với 3 khổ:
Em đến bàng hoàng như cơn sốt
Bỗng môi tôi bất lực
Nụ hôn ơi ngươi khóa cả linh hồn
Em đến bất ngờ như dao sắc
Không đùa tựa những vết thương
Bởi gai hoa lặng chán chường
Em đến vùng vằng như tơ rối
Tìm nhau xa đến không ngờ
Trói anh rồi em lại làm ngơ
Em đến lao đao như lá rụng
Ngày xanh là nghĩa thế nào
Về bên anh khi đã chết rồi sao
Bỗng môi tôi bất lực
Nụ hôn ơi ngươi khóa cả linh hồn
Em đến bất ngờ như dao sắc
Không đùa tựa những vết thương
Bởi gai hoa lặng chán chường
Em đến vùng vằng như tơ rối
Tìm nhau xa đến không ngờ
Trói anh rồi em lại làm ngơ
Em đến lao đao như lá rụng
Ngày xanh là nghĩa thế nào
Về bên anh khi đã chết rồi sao
Bài thơ “EM” trên là một nghẹn ngào,
đọc xong chợt thấy mình bị neo vào tiếng sóng Lãng Thanh, toan đập nát mạn
thuyền định mệnh mà hỏi: sao cứ phải yêu như là chết thế này hỡi tạo hóa, hỡi
thi nhân? Bài thơ đi theo logic “EM”. Em từ đâu hiện về một cái đẹp môi hôn,
hớp hồn. Khổ đầu EM tặng hạnh phúc, khổ thứ hai EM biếu vết thương, khổ thứ ba
EM dâng lòi tói, khổ cuối cùng EM ban cái chết! Thế là EM đã lôi thi sĩ về chốn
mù tăm, dù hú gọi, tuyệt nhiên không chút hồi âm. Khổ cuối cùng:”Em đến lao đao
như lá rụng / Ngày xanh là nghĩa thế nào / Về bên anh khi đã chết rồi sao“ như
là thơ của người chết hiện hồn về viết, xúc động đến mức làm ta sờ sợ, hoang
mang. Đúng như Lãng Thanh vừa nói, kẻ viết bài này nay mới được “Về bên anh khi
đã chết rồi sao“.
Tôi đang ngắm nhành “HOA” Lãng Thanh
trong niềm hân hoan và nỗi buồn thương, khi sắp tháng bảy, là ngày giỗ đầu anh.
Lãng Thanh từng viết nhiều câu thơ hay về “nàng” - người đàn bà định mệnh -
bằng những lời yêu dấu: ”Đôi mắt nàng trong như mới khóc”. Thơ anh vẽ chính hồn
mình thành “EM”: Gương mặt của em nặng như nước / Mắt em đong đầy hoa cúc tím”
(Hàng cơm chay). Tôi yêu những câu thơ vừa hiện đại vừa cổ điển của Lãng Thanh
viết về nàng 21 tuổi. Thi sĩ van nài nàng đừng thêm một giọt đẹp nào vào ly đời
nữa, sợ ly tràn nước, trôi dạt mất tình yêu: ”Hai mươi mốt tuổi, em vừa đủ để
xòe que diêm ra ngoài bóng tối / Nếu ly nước tràn em sẽ trôi dạt / Da em trắng
như lụa bạch, đôi mắt màu mực nho / Em đến chiều nao cong như nguyệt” (Từ chiếc
vỏ ốc biển đến thị trường chứng khoán). Chao ôi “Em vừa đủ để xòe que diêm ra
ngoài bóng tối“ chừng như có đủ các yếu tố siêu thực, tượng trưng, hậu hiện
đại... nhưng chẳng có chút dấu ấn nào của các trường phái kia dính vào câu thơ;
nó là Lãng Thanh, là EM vừa xòe lửa thành diêm hay DIÊM vừa xòe em thành lửa,
hay chính bóng tối xẹt lửa trời thi sĩ?
Que diêm thơ Lãng Thanh quẹt ngang
bầu trời một tia chớp, rồi mất hút vào bóng tối, theo giọt nước tình yêu tràn
ly số phận, đổ rồi không hốt lại được. Và em cong như nguyệt ơi, da trắng lụa
bạch, mắt mực nho ơi, ly nước trời đã tràn, cuốn hết tâm hồn Lãng Thanh vào hố
thẳm, để chúng ta qua mặt phẳng trang giấy “HOA”, còn có dịp ngó thấy chiều sâu
vô bờ bến của chiếc ly không đáy vũ trụ đựng mối tình diêm sinh... Lãng Thanh
chừng như mượn cây cọ hoang tưởng, phiêu lãng của Salvador Dali để vẽ nên gương
mặt vĩnh cửu của người-đàn-bà-tình-yêu đang “phi” nước đại, mang anh về cõi
khôn cùng: ”Khuôn mặt em phi như điên cuồng”. Gương mặt em - con ngựa siêu thực
phi qua cuộc tình, hay cuộc tình hư ảo được phi bằng chính gương mặt hiện thực
em?
Câu thơ lạ đến mức tôi phải ngừng
đọc, để chiêm ngưỡng vẻ mặt đẹp vượt qua mọi kích thước, đang vút đi mười ngựa
không kéo lại nổi, tung hết vó điên - cuồng - em. Lãng Thanh tả mắt người đàn
bà anh yêu cực lạ, đôi mắt như đôi cá con bơi trong hồ tình, có thể chìm nghỉm
trên cạn, lặn ngụp tung tăng trong trò chơi trai gái: ”Đôi mắt em vừa ngoi lên
sau một hơi ngụp lặn dưới hồ”. Xin một giọt mực đêm rơi xuống vết khỏa thân của
chiếc áo dài trắng, cho gương mặt em đang “phi” hơn mọi loài ngựa trên đời, mở
ra thế giới “NỤ” lời tỏ tình “HOA”: ”Đêm xuống như một giọt mực rơi / Chiếc áo
dài trắng em đang mặc đính nhiều dấu vết khỏa thân... / ...Mặt hồ cứng đờ như
giấy báo cũ nhăn nheo / Những con sóng nở nang, vuông góc / Tôi chia tay em để
chấm dứt một mưu đồ “ (Mùa thu).
Lãng Thanh chia tay em để về chết
với mùa thu: ”Lá thu! Như lãng quên hiện về đỏ sẫm“. Thơ phải chăng cũng chính
là những “lãng quên hiện về đỏ sẫm”? Phải yêu mùa thu lắm, thương cảm với những
gì bị lãng quên lắm, nhà thơ mới viết được câu thơ như máu khắc vào thu. Mùa
thu trần trụi của thơ anh khác với thơ xưa thường thưởng thu theo kiểu đài các.
Thu Lãng Thanh là thu của đời thường, hoa cỏ toát mồ hôi, thu của chân lấm tay
bùn ủ trong bụi, phân và đất: ”Nhạc reo xa thoáng lạnh từng chân tóc / Cỏ thu
xa vuốt ve đôi mắt đẹp / Chiều có thể nghiêng, mưa có thể buông, đá có thể
khóc... /... Nhổ khóm hoa vàng để mà được vục vào với bụi, với phân, với đất /
Gió ợ mùi chua, tình đã dậy men, đất hình như mặn / Bông hoa thả chân trong
bình cổ / Một chiếc lá đỏ mặt, một chiếc lá lên gân” (Mùa thu). Anh không chỉ
yêu mùa thu mà còn mê mùa hạ, nên đã nhìn thấy mùa hạ chết để linh hồn lại
trong lá sen tàn, rực cháy thành bông hoa thu: ”Lá sen tàn là hoa nở đầu thu“.
Tản Đà xưa cuối hạ, chỉ nhìn thấy lá sen chết héo mà thương: ”Lá sen tàn tạ
trong đầm”. Nay Lãng Thanh nhìn lá sen chết hóa vàng phục sinh, thành bông hoa
thẫm đỏ. Tưởng lá sen chết mà lại sống, tưởng tàn tạ mà lá lại hoá son tươi,
nồng nàn một kiếp hoa khác. Đó chính là cái nhìn xuyên qua mọi sự chết, phủ
nhận mọi tàn úa, biến tắt lịm thành lóe sáng, biến cái hữu hạn thành vô hạn của
Lãng Thanh. Nhà thơ là con thiêu thân của cái đẹp, cái hằng sống. Anh như cánh
kiến hoa vàng mê mẩn giữa xanh xao, yếu đuối, trần trọi cuộc đời: ”Cánh kiến
cánh mỏng như vàng quỳ / Đẹp và xanh xao, xanh xao vì đẹp, yếu đuối vì đẹp, trần
trọi vì đẹp”. Anh còn biết đưa cái nhìn xuyên qua bụng cá: ”Cá quẫy trong bụng
cá, cá chết trong bụng cá, cá đẹp trong bụng cá” để tìm kiếm đường bơi cho thi
ca không chỉ trên mặt giấy.
Lãng Thanh yêu quê mình đắm đuối.
Anh càng yêu hơn nét thiên nhiên cô quạnh, thương cái hoang vỡ đời này bằng
những câu thơ chen lẫn hội họa và điêu khắc: ”Tôi đã yêu những mảnh trăng nằm
lạnh đáy sông / Yêu ánh xà cừ cựa mình trên giấy điệp / Những lăng tẩm ngả
nghiêng đền đài hoang vỡ / Mảnh gương đồng soi nửa mặt người; gốc gỗ lũa nham
nhở kỳ dị / Bức tranh cổ rã bong tàn tạ, vài mảnh ghép ngây ngô / Và chiếc lông
chim rơi chậm hơn những giọt mưa thánh thót“ (Những mảnh vỡ). Anh mượn cánh cò
trắng làm chiếc dao, bổ đôi bầu trời như bổ một trái cam tặng cha mẹ, ông bà:
”Cánh cò trắng muốt cắt đôi bầu trời / Bầu trời bên trái che xuống mộ ông bà /
Bầu trời bên phải kéo cha mẹ trở về ruộng đất quê tôi “( Những mảnh vỡ). Tôi
yêu cái cách “chạy vùng vằng” của Lãng Thanh trên đồng đất trung du, một lối
chạy rất mới, chân như vừa chạy vừa đôi co, cãi vã, làm lành với đất: ”Tôi chạy
vùng vằng quanh cánh đồng nứt nẻ quê tôi / Rón qua những con mương đục như bát
đất / Những ô cửa méo xệch như sắp rơi“ (Những mảnh vỡ). Chao ôi là “Những ô
cửa méo xệch” của quê hương thực sự đã rơi vào thơ Lãng Thanh, đặng nhờ người
đọc chở che, an ủi, nâng đỡ. “Những ô cửa méo xệch “ vì bị gió bấc quất hay bị
thời gian phụ tình, bị chính ngôi nhà bỏ rơi? Tôi đã từng nhìn thấy bao nhiêu ô
cửa trên mặt người méo xệch đớn đau, mà sao chỉ đến khi đọc những câu thơ này
của Lãng Thanh, mới biết thi ca ít khi sống sau những cửa sổ đầy đặn.
Tình yêu quê hương trong thơ Lãng
Thanh không hề dễ dãi, yêu đến nghẹn cả lòng, thắt cả ruột, yêu mà như khóc khi
anh viết về tuổi thơ mình và tuổi thơ của những đứa con anh (giả tưởng) sắp
được ra đời từ một mối tình gai góc: ”Có thể bây giờ nhưng cũng rất xa xưa /
nhiều đứa trẻ mồ côi / -những đứa trẻ hồn nhiên - vừa ĐẸP vừa ĐÓI” (Thơ trước
tuổi 21). Lãng Thanh ơi, anh từng là một “đứa trẻ hồn nhiên vừa ĐẸP vừa ĐÓI”, nay
lại muốn kết nạp thêm những người yêu thơ anh vào hội này nữa sao?
Chúng ta đến thế giới để tìm cái ĐẸP
hay để lấp đầy cơn ĐÓI - vực thẳm không đáy loài người luôn ngó xuống hoài nghi
bản thân mình? Chúng ta đổ đầy cả thế giới vào dạ dày mà không hết đói: đói trí
tuệ, đói tâm hồn, đói nhau, đói cơn đói kẻ khác, đói thiên đường và địa ngục.
Và hãy xem nhà thơ, kẻ chết đói tình yêu viết về cơn đói khát được xẻ chia sự
bất hạnh của kẻ khác, dù kẻ đó xa lạ như nắng, như mây, như khói: ”Nhà có người
con gái đi mãi không về / Cửa gỗ nhỏ không mọc răng mà day day rứt rứt / Nắng
ngang chừng, mây tới quãng, khói vừa hương“ ( Mùa thu). Tôi chợt nghĩ, cứ đà
này, nhất định thi ca rồi sẽ làm cho “Cửa gỗ nhỏ” hằng “ray ray rứt rứt” đợi
chờ cô gái về, sẽ biết cách mọc răng? Thơ vì thế biết dừng lại ở chỗ “... mây
tới quãng, khói vừa hương” để nhường lối cho người đọc vào thi tứ.
Lãng Thanh từng bị ngòi bút mềm như
gió quất roi, thậm chí bị hoa hồng đuổi đánh, phải chạy về nhà cầu cứu mẹ: ”Mẹ
ơi! Ngòi bút của con mềm dịu như gió / Con phiêu lãng cùng non tận thủy / Nhưng
những đóa hoa đánh con đau quá / Con trở về nhà băng vết máu đầy tay / Ngòi bút
của con điên cuồng như gió“. Thơ như có giấu bùa ngải. Chữ nghĩa lồng lên cuồng
dại như gương mặt hoa hồng phi “hỏa tiễn”, đuổi đánh tứa máu một hồn thơ. “Ngòi
bút điên cuồng như gió”, “bông hoa đánh con đau quá” kia chừng như đã rước
chàng thi sĩ về cõi khác không còn phải sợ hãi nỗi đớn đau? Lãng Thanh có thể
đã bị giời xúi hay sao mà ưa viết những câu thơ tiên tri về sự ra đi vĩnh cửu
của mình, những câu thơ bị đâm bằng nước mắt của bút điên, chữ cuồng: ”Buổi sớm
mai trở dậy tim con mọc ở đằng Đông / Nét cuồng thảo vọt như máu, ngưng như
lệ... /... Điên cuồng chữ bay, điên cuồng chữ bay, điên cuồng chữ bay”.
Người xưa bảo “thi trung hữu quỷ”
quả không ngoa. Khi Lãng Thanh viết những câu thơ này “Sông chảy dài như oan
hồn”, hay “Phất phơ thu già lúa nghẹn đòng / Cắt ruột cho lòng thiếp xanh“ hoặc
“-Tấm ơi! Chị mò cua tay mọc đầy hoa, chị là yêu tinh / Quả thị dựng tóc. Ay
dà, miệng nhỏ xinh xinh“... thì quả là thơ anh có con ma... rình trong chữ
nghĩa thật. Lãng Thanh còn nhiều câu thơ hay khác, nằm cô đơn giữa các trang
giấy, ví dụ như: ”Nước mắt hung dữ như một viên đạn bắn trượt”, “Hai mặt người
lăn tròn vào nhau như hai bánh răng”, “Lá rơi vì gió sao lá rơi vào giếng”,
“Ngôi nhà lạnh toát như một thứ vũ khí / Đi trên đường như bước giữa hai họng
súng”, “Sốt râm ran như tiếng hát tương tư “, “Thõng đôi tay khô chết như nhân
sâm“, “Mẹ đang choàng chiếc khăn mười sáu tuổi“... Thơ Lãng Thanh vừa lạ, vừa
hay.
Có thể nói, “Hoa” là một tập thơ hay
trên tổng thể. Tuy nhiên, nó vẫn còn những câu kém, một số bài trung bình, thậm
chí dở. Cái phần tinh túy của tập di cảo thơ này chính là sự vượt lên của Lãng
Thanh so với một số bạn thơ trẻ cùng lứa khác. Dù vài ba nhà thơ trẻ nào đó
được một số đàn anh cực đoan cho là hiện đại, được “lăng xê” với những mục đích
khác nhau, thậm chí đôi khi với những dụng ý ngoài văn học, thì họ vẫn rất khó
“đứng” một mình, đi đâu cũng phải vịn vào cây gậy “thổi phồng” kia. Thực ra,
thơ họ có thể lạ, thậm chí xin bái phục vì họ đã học được phép đuổi sạch trơn
sự hiểu và cảm xúc ra ngoài thơ; nhưng phần hồn của thơ là truyền cảm, là hay
thì vài ba quý vị tân thời kia chừng như chưa đạt tới.
Khi một nhóm thơ trẻ - cách tân nào
đó đang khủng hoảng, tắc tị, đưa thơ vào chốn sơn cùng thủy tận, thậm chí tục
tĩu, thì may mắn thay, Lãng Thanh đột ngột từ cõi chết hiện về, tặng chúng ta
một bó “HOA” thơ đích thực. Khi sống, Lãng Thanh gần như vô danh, như anh viết
về mình rất “gở”: ”Lặng lẽ đi đến một ngôi mộ cũ - cô đơn / Không có tình yêu,
không danh vọng”. Sau khi anh chết, nhóm thơ Chí Tâm bạn bè đã đưa một phần di
cảo thơ anh đến với NXB Thanh Niên; biến anh thành người của công chúng. Thơ
anh hiện đại mà cổ điển, lạ mà dễ hiểu, hài hòa CẢM và NHẬN, ví như trong bài
thơ “Mắt mẹ rợn da trời” tả bà mẹ ngồi nhìn đứa con vừa chết: ”Ánh mắt người mẹ
nhìn con / Sừng sững và cổ thụ / Ánh mắt trải rộng một niềm thương da diết đến
mức bầu trời có thể mọc lông tơ như mênh mông một tấm da người“.
Lãng Thanh ơi, cảm ơn anh đã trải
lên cao xanh đầu tôi “mênh mông một tấm da người” là bầu trời hài nhi đang lấm
tấm mọc lông tơ! Đấy là món quà quý giá nhất anh trối lại, tặng những người yêu
thơ anh, như một thông điệp: hãy ngó xuống trang thơ để tìm cách ngước lên bầu
trời.
Thành phố Hồ Chí Minh 15-6-2003
Trần Mạnh Hảo
Bài viết hay lắm, cảm ơn bạn
ReplyDeletethương em quá, sao cứ phải vất vả thế nhỉ?
ReplyDelete