.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Wednesday, August 7, 2013

DI SẢN CỦA DERRIDA: HỌC CÁCH ĐỂ ĐỌC


Lời dẫn nhập: Jacques Derrida (1930-2004) - nhà tư tưởng hiếu chiến của thuyết “ Giải cấu trúc”, kẻ cật vấn bướng bỉnh và dai dẳng nền Siêu Hình Học Phương Tây đương đại, người quá “triết học” để làm vui lòng các nhà văn và cũng quá “văn chương” để vừa lòng các giáo sư triết học.Những di sản nằm trong các “ văn bản” mà ông để lại  luôn phóng chiếu ra  những tia sáng chói của một trí tuệ siêu việt, siêu việt gần như là “không tưởng”, nhưng các văn bản ấy cũng vẫn luôn bị đa số người đời chê trách là rườm rà và rắm rối. Phe bảo thủ xem ông là một kẻ cấp tiến cực đoạn, còn những người cấp tiến lại  trách cứ  ông là bảo thủ  thậm chí có xu hướng “ngu dân”. Bản thân Derrida cũng rất hoài nghi về khả năng tiếp nhận các công trình của ông, trong cuộc trò truyện cuối cùng (trước lúc ông ra đi vì căn bệnh ung thư) trên nhật báo Le Monde vào năm 2004, ông đã nói : “ Bạn có tin không, ở trong tôi luôn tồn tại hai ý nghĩ, hai cảm xúc trái ngược nhau ,chúng song song tồn tại! thứ nhất , tôi cho rằng thực ra người ta còn chưa bắt đầu việc đọc tôi, quả là trên thế giới này tôi cũng có một số độc giả tuyệt vời, nhưng con số đó chẳng bao giờ  vượt quá vài chục người , đó là một vài nhà văn-nhà tư tưởng, một vài nhà thơ… Nhưng sau này chắc rằng tất cả những gì tôi viết sẽ tìm được cơ may để xuất hiện. Nhưng đồng thời ở một góc khác trong tôi, một ý nghĩ luôn trở đi trở lại : sau cái chết của tôi, mười lăm ngày cho đến một tháng, sẽ chẳng còn lại gì…” 
Chín năm đã trôi qua từ ngày Derrida đi khỏi thế giới này, những di sản tinh thần của ông như những hạt phấn hoa không ngừng được khuyếch tán và lan tỏa khắp nơi : Chín mươi cuốn sách đã được dịch ra nhiều thứ ngôn ngữ trên thế giới : về triết học, tâm lý học, chính trị, truyền thông, tôn giáo, nghệ thuật, văn chương…những bài giảng trong các hội thảo, xe-mi- na trong 50 năm làm việc, những thư từ trao đổi/ luận chiến của ông với những trí thức lớn nhất cùng thời như Foucault, Lacan,Lesvi-Strauss hay Levinas cũng đang được sắp xếp và chỉnh lý để xuất bản. Nhưng thực sự chúng ta đã bắt đầu đọc Derrida hay chưa và phải đọc ông như thế nào ? Đó  là một câu hỏi nghiêm túc và mang tính thời sự nóng bỏng. 
Bài viết dưới đây “ Di sản của Derrida: Học cách để đọc” được trích dịch từ chuyên đề “ Di sản của Derrida” ( Derrida en héritage ) do tạp chí Le Magazine Littéraire tổ chức ( 6/2010) , tác giả của nó: Geoffrey Bennington là giáo sư triết học và văn chương Pháp tại Đại học Emory ( Atlanta, Mỹ ). Ông cũng là tác giả của hàng chục cuốn chuyên luận in bằng tiếng Pháp và tiếng Anh như :Frontières kantiennes ( NXBGalilée,2000) Jacques Derrida (Seuil, 1991).Hiện ông đang cùng với Peggy Kamuf là đồng chủ biên để tập hợp các bài giảng ( sẽ in bằng tiếng Anh) của Derrida trong các buổi hội thảo và xê-mi-na trải dài trong cuộc đời 40 năm hoạt động của ông. (DT)
Jacques Derrida ((1930-2004)
 *

HỌC CÁCH ĐỂ ĐỌC

Geoffrey Bennington
Giờ đây chúng ta còn lại gì từ gia tài của Jacques Derrida ?  Ông thực sự đã di tặng lại những gì cho chúng ta, những kẻ thừa kế của ông ? Nói cách khác chúng ta đang đứng ở đâu giữa hai cái “giả thuyết” khá kinh hoàng mà ông đã nêu ra trong những cuộc truyện trò cuối cùng của mình, một mặt đó là nhận định  : “ Người ta còn chưa bắt đầu việc đọc tôi” và rằng : “ Sau này, tất cả những thứ này sẽ tìm được một cơ may để xuất hiện” , mặt khác đó lại là : “ mười lăm ngày hay một tháng sau cái chết của tôi, sẽ chẳng còn lại gì ngoài những thứ đã nộp lưu chiểu ở thư viện…”. Derrida đã nhấn mạnh rằng ông tin đồng thời vào cả hai giải thuyết này “một cách thành thật”. Liệu “ tất cả những thứ đó” của ông hay “ chẳng có thứ gì” của ông có thể tìm được một cơ hội quay trở lại với chúng ta, liệu những cuốn sách của ông(đã nộp lưu chiểu trong thư viện) có phải chịu một số phận bị xa lánh, bị chìm dần vào quên lãng. Phải chăng chúng ta thật sự “đã đọc” Derrida ở mức đủ cần thiết để từ nay có thể yên tâm xếp những cuốn sách của ông trên ngăn sách “ lịch sử triết học Pháp” và quay đi để chúng ngủ yên trong bụi bặm ở đó? Hay ngược lại “ tất cả những cái đó” còn đang chờ chúng ta đọc nó ( trong trường hợp này phải chấp nhận rằng chúng ta đã ngộ nhận khi tin rằng mình “đã đọc” chúng).Và còn một khả năng nữa mà chúng ta cần phải nghĩ tới : Hai giả thuyết đối nghịch ấy, mâu thuẫn nhau ấy đồng thời đều đúng, tức là  không hề có nghịch lý ở đây ? vị trí đó chính là cái tọa độ mà chúng ta đang đứng ngày hôm nay, đó cũng là cái tình cảnh trớ trêu mà Jacques Derrida đã để lại cho chúng ta.
Bởi vì, chúng ta phải thừa nhận với nhau rằng J.Derrida không để lại một luận thuyết nào cả. Khác hẳn với các nhà triết học khác, kể cả những triết gia cùng thế hệ với ông, những người được ông nhắc đến nhiều lần trong cuộc trò chuyện cuối cùng trên tờ Le Monde, ở ông không có một thứ gì tương tự như một hệ thống, và càng không giống với một thứ triết học. Không có “ khoa học luận”cũng chẳng có “ đạo đức học” hay “ chính trị học”. Không có lý thuyết, chẳng có phương pháp! Không có trường phái! Chẳng có Học Viện hay Trung Tâm ! Với ông chỉ có những thứ thuộc về giải cấu trúc-(déconstruction ), nếu chúng ta muốn định danh như vậy- bởi có không ít người đã phản đối : làm gì có giải cấu trúc!,  và những gì không phải là  giải cấu trúc. Những gì Derrida đã đánh dấu ( bao gồm cả những gì Derrida đã ký bằng chính chữ ký của ông ): tác phẩm / những tác phẩm – cái mà ông thường có thói quen  gọi đó là các văn bản – còn nằm lại trong các thư viện, những thứ, theo định nghĩa , có phần bị quên lãng, bị nhốt chặt trong các kho lưu trữ , tình cảnh của một kẻ nghỉ hưu đang chờ được triệu hồi đi làm trở lại
Cái mà Jacques Derrida trao lại cho chúng ta , đó là một nhiệm vụ : học cách để đọc.Tôi nhìn thấy ở đây có ba vấn đề :
Thứ nhất, đọc để có thể góp thêm phần làm sáng tỏ và giải thích rõ hơnnhững suy tư đầy phức tạp mang tên Derrida, cái công cuộc giải thích cho đến nay vẫn còn đang dang dở trong cái hành trình của nó. Bởi vì nếu một ai đó, với một phương pháp có một độ chính xác (nhiều hay ít), đi đến được (một cách dễ dàng hay khó nhọc) việc diễn giải đúng đắn một số trong các “văn bản” quan trọng của Derrida, đi đến được việc làm sáng tỏ được một vài ý đồ của ông, một số mệnh đề và lập luận của ông (ví dụ như giải thích được ý nghĩa hàm chứa trong khái niệm “ trace-dấu vết”) hoặc bác bỏ được những công kích nhắm vào ông ( thuyết ngu dân, tính phi lý,thái độ lý tưởng hóa…và vô số những tố cáo ngu ngốc khác) , những công kích hiện đang còn rất phổ biến trong giới triết học, và nhất là khu biệt, chia tách được một cách rõ ràng “ cái Khác” ( la diférance) kiểu Derrida với tính “tiêu cực kiểu Hêghen” và nhất là với “ Cái sai khác tuyệt đối”, thành công trong việc trình bày cho người đọc hiểu đâu là mối quan hệ giữa “ giải cấu trúc” và cái mà Kant hay Marx đã từng gọi là “phê bình”, chỉ rõ ra cái gì không phải là “giải cấu trúc” và nhất là hiểu rõ hơn vì sao “ giải cấu trúc” có thể là tất cả ngoại trừ việc là một học thuyết ngôn ngữ, những người đó sẽ giúp chúng ta càng ngày càng nhận ra rõ nét hơn sự vận hành quỷ quái của tất cả những cấu trúc mà Derrida đã phát hiện ra, “…trong cái khả năng cần thiết để không là..”, những điều kiện vừa là “khả thi” vừa là “bất khả thi”, những cấu trúc  mà về cuối đời ông thường gọi đó là những cấu trúc “ tự- miễn dịch” ( dẫu rằng ông đã nghĩ về chúng từ trước năm 1967), chỉ ra những gì với tư cách là điều kiện cho một sự tự do hoàn toàn, có khả năng đem đến một cơ hội cho những “thể loại”như đạo đức học hay chính trị học trong tương lai. Và chúng ta muốn càng ngày càng nhìn thấy rõ hơn , bằng cách xuyên thấu qua  những bề mặt đang che khuất  những mối liên kết tinh vi và nhằng nhịt trong những văn bản ông đã viết trong vòng năm mươi năm, cảm nhận rõ hơn những hoàn cảnh ra đời đẹp đẽ và mong manh của những văn bản ấy. Và dẫu rằng những điều này chắc chắn sẽ xẩy ra , chúng ta vẫn sẽ cần và sẽ còn cần rất nhiều công sức và sự tập trung trí tuệ để bảo vệ / duy trì được tính nghiêm túc và phẩm giá của những công trình này để chống lại  xu hướng bình dân hóa / tầm thường hóa đang diễn ra ở khắp nơi. Nếu có thể xem rằng một vài thứ  hiện nay “coi như đã nắm bắt được” , chúng ta sẽ còn phải lao động rất nhiều để hiểu cặn kẽ một khối lượng rất lớn những nội dung (trù mật khắp nơi) trong các văn bản đã công bố ,chưa kể đến các mệnh đề được ông phác họa sơ bộ và nêu ra trong các hội thảo,các buổi xê-mi-na, đa phần còn chưa được sắp xếp chỉnh lý và in thành sách. 
Thứ hai: Chúng ta có trách nhiệm phải mở rộng cánh cửa của lối đọc “ giải cấu trúc” cho những đối tượng mới, những văn bản mới, bất chấp rằng những văn bản này có mang tính “triết học” hay không, những văn bản có mang ý hướng “văn chương” hay “ngôn ngữ” hay không. Noi theo nhưng không cố rập khuôn Derrida,chúng ta sẽ làm điều đó và cố tránh tạo ra phương pháp hay một một lý thuyết nào đó. Chúng ta làm điều đó bằng cách thu nạp một/ nhiều phong cách, một /nhiều cử chỉ nhưng vẫn không ngừng sáng tạo hay sẵn sàng đón nhận tất cả những sự kiện mới nẩy sinh từ sự đọc. Sự đọc đó, trong dòng chẩy của nó, trong tiến trình của nó, phải được tiến hành theo một phương thức phi tuyến tính, không dự báo và không bao giờ có điểm kết thúc.
Thứ ba : đó sẽ là một nhiệm vụ khó khăn, gần như là bất khả, nhưng đó lại là nhiệm vụ chủ yếu của cái di sản tinh thần này: đọc lại chúng bằng chính con mắt của Derrida, chưng cất ra từ đó cái sức mạnh mà nhiều lần ông đã mang đến cho từ “đọc” này. Không chỉ là việc giải mã chúng, bình luận chúng, diễn giải chúng,cũng không chỉ là việc lấy nguồn cảm hứng từ chúng đem áp dụng cho những sự đọc khác mà là đọc chúng bằng chính con mắt của Derrida, tạo ra một cách đọc (kiểu) derrida của chính Derrida. Chúng ta biết rằng các tư tưởng của Derrida,trong những lập luận chủ yếu, sinh ra trong quá trình đọc các văn bản khác nhau, nhưng đấy là một cách đọc không hề tương thích với các kiểu/ loại “ đọc” thu được từ những thao tác bình luận hay diễn giải. Như thế chúng ta có thể làm sáng tỏ phần nào cái cấu trúc phong phú và rất đa dạng của những văn bản kiểu Derrida, trong cái thứ hình học phi tuyến tính nhưng “ tự – tương thích” của ông như một thứ “tự – đọc”. Derrida đọc những người khác, tất nhiên là vậy, nhưng ông cũng tự đọc ông trong quá trình viết, tự đọc lại ông sau khi đã viết xong và những lần tự đọc lại đó lại làm đảo lộn tất cả , chúng như một chất xúc tác để ông phân bố lại, sắp xếp lại mối quan hệ  giữa mình và những người khác. Vì vậy toàn bộ ( các tác phẩm) của Derrida phải được đọc trong toàn bộ (văn bản) Derrida. Đọc toàn bộ Derrida trong một tiến trình đọc từng dòng văn bản Derrida. Cái cấu trúc phức tạp trong các tác phẩm của Derrida mời gọi một cách đọc mới, cách đọc vượt trên lối bình luận và giải thích thông thường, một cách đọc “đồng sáng tạo”. Chúng ta phải học cách đọc những thứ khác biệt với chúng ta , chúng ta phải luôn đặt những kẻ khác vào trong hành trình đọc của mình. Cái mà tôi muốn trình bầy ở đây như một chủ đề hay một giả thuyết , đó là phải học cách đọc, phải thực hành đọc, Liệu chúng ta có khả năng làm được điều đó không ? liệu cuối cùng chúng ta có thể học được cách đọc như Derrida đã từng có? Đó chính là một nhiệm vụ và là một trong những di sản mà Derrida đã để lại cho chúng ta.
————————-
Dương Thắng dịch từ “ Apprendre à lire enfin”  của Geoffrey Bennington , trong “ Le Dossier : Derrida en héritage ” . Le Magazine Littéraire. No 498.Juin 20

No comments:

Post a Comment