Đề
tài lịch sử trong văn học, nghệ thuật, cả văn học, nghệ thuật thế giới cũng như
Việt Nam đã không còn xa lạ với người sáng tạo cũng như với công chúng tiếp
nhận. Hình như bất cứ thể loại nghệ thuật nào từ tiểu thuyết, truyện ngắn đến
kịch nói, kịch balê, phim ảnh… cũng đều đã có những tác phẩm phản ảnh đề tài
lịch sử. Trong văn học, nghệ thuật Việt Nam những năm gần đây đề tài lịch sử
lại đang được chú ý, quan tâm nhiều hơn.
Bàn về đề tài lịch sử trong sáng tạo của nghệ sỹ là một
vấn đề rộng lớn và cũng không còn mới mẻ; sự nhất trí, đồng thuận cũng như
những khác biệt cũng không còn mới mẻ. Bài viết này xin nêu một vài quan niệm
rút ra từ thực tiễn sáng tác của các nhà văn về đề tài lịch sử.
|
Lê Thành Nghị |
Hiện thực lịch sử như là
một đối tượng đặc thù
Nguyên lý phản ảnh hiện thực là một trong những nguyên lý cơ bản của văn học -
nghệ thuật đã được lịch sử mỹ học xác nhận. Nhưng hiện thực là một phạm trù
rộng, có hiện thực đang diễn ra, hiện thực đã lùi trong quá khứ, hiện thực của
tâm trạng... Lịch sử là hiện thực đã diễn ra trong quá khứ, có thể là quá khứ
gần, quá khứ xa, nhưng là một hiện thực như là đối tượng đặc thù của phản ảnh
nghệ thuật không còn đồng hành với người nghệ sỹ. Nó là lớp trầm tích trong
sương mù thời gian của đời sống văn hóa mỗi dân tộc. Muốn nhận thức và phản ảnh
nó, người nghệ sỹ buộc phải đặt mình trong một không gian, thời gian khác với
những gì họ đang trải nghiệm. Những nhận thức có được của người nghệ sỹ về một
giai đoạn lịch sử đã xảy ra trong quá khứ thường qua những tài liệu gián tiếp,
có thể là qua sử sách, qua những câu chuyện kể dân gian, qua những hiện vật
lịch sử còn lại. Người nghệ sỹ chứng kiến một cách gián tiếp hiện thực đời sống
của quá khứ qua nhận thức và chính kiến của nhà viết sử, của người nghệ sỹ kể
chuyện dân gian, qua ngôn ngữ của hiện vật lịch sử. Nhận thức này có đúng với
nhận thức của người nghệ sỹ hôm nay không, chính kiến của người xưa có phù hợp
với chính kiến của người nghệ sỹ hôm nay không... đó là những câu hỏi thường
xảy ra trong quá trình sáng tạo của người nghệ sỹ cũng như của người đọc, người
xem hôm nay. Muốn hay không khi tiếp cận với một tác phẩm văn học nghệ thuật về
đề tài lịch sử những liên tưởng so sánh với quá khứ luôn luôn xuất hiện trong quá
trình tiếp nhận của công chúng. Bởi vậy, nghệ sỹ không chỉ là nghệ sỹ, khi phản
ảnh đề tài lịch sử nghệ sỹ còn là một nhà sử học, chịu trách nhiệm trước công
chúng về những kiến thức lịch sử, về những phán xét lịch sử, về những giải mã
lịch sử nếu có, về những luận giải lịch sử nếu cảm hứng sáng tạo của anh ta
đang hướng đến. Những điều này có thể không thật quan trọng, hay ít ra không
phải là sự quan tâm hàng đầu của người nghệ sỹ khi phản ảnh những đề tài đương
đại. Bởi vậy có thể nói, lịch sử là hiện thực đặc thù của văn học nghệ thuật.
Tiếp cận đề tài lịch sử
Đã có nhiều cách viết khác
nhau về lịch sử. Có tác giả chỉ giữ lại tinh thần, hồn cốt của những sự kiện
lịch sử tạo cho họ cảm hứng nghệ thuật, là cớ để nhà văn đối thoại với lịch sử
như Nguyễn Đình Thi trong kịch Rừng trúc. Cũng vậy, Nguyễn Huy Tưởng thường suy
nghĩ bằng lịch sử, trình bày lịch sử để chiêm nghiệm, để nhận thức, đắm mình
trong cảm thức thời gian với lịch sử, cầm bút chẳng qua là cùng một bệnh với
Đan Thiềm (kịch Vũ Như Tô) trong Vũ Như Tô, Đêm hội Long Trì, An Tư, Cột đồng
Mã Viện... Chu Thiên qua tiểu thuyết Bóng nước hồ Gươm muốn dựng lại những nhân
vật lịch sử như Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương với lòng yêu nước cao cả, anh
dũng chống lại bọn thực dân xâm lược Pháp, trong khi những kẻ bán nước ôm chân
đế quốc như Hoàng Cao Khải, Nguyễn Hữu Độ... cam tâm làm tay sai cho giặc.
Nguyễn Huy Thiệp có khá nhiều truyện ngắn về những nhân vật lịch sử: Kiếm sắc
viết về quan hệ giữa vua Gia Long và Đặng Phú Lân, Vàng lửa viết về Nguyễn Phúc
Ánh và những người Pháp sang xâm lược vơ vét của cải về nước, Phẩm tiết viết về
vua Quang Trung và người đẹp Ngô Thị Vinh Hoa, Nguyễn Thị Lộ viết về mối tình
giữa Nguyễn Thị Lộ và Nguyễn Trãi. Có tác giả lại muốn chuyển tải những kiến
thức lịch sử qua những trang sách văn học. Chẳng hạn, nhà văn Hoàng Quốc Hải
với bộ tiểu thuyết hơn 1000 trang Bão táp triều Trần, và 3000 trang Tám triều
vua Lý muốn truyền đạt những kiến thức lịch sử cho thế hệ trẻ, muốn bạn đọc học
lại lịch sử qua những trang văn học của ông. Nguyễn Xuân Khánh trong Hồ Quý Ly
muốn dựng lên một nhân vật lịch sử từng có những nhìn nhận, đánh giá khác nhau.
Nguyễn Quang Thân trong Hội thề ngoài việc nêu bật thiên tài quân sự của Nguyễn
Trãi trong việc dụ hàng tướng giặc Vương Thông để kết thúc chiến tranh không
làm tổn thất thêm xương máu của hai bên, lại muốn thông qua tính cách nông dân
của các nhân vật để lý giải những biến cố lịch sử sẽ tiếp diễn không lâu sau
đó. Lưu Văn Khuê trong Mạc Đăng Dung lại như đặt ngòi bút trong cảm hứng phản
đề lịch sử khi ông lý giải việc lên ngôi của Mạc Đăng Dung như một tất yếu. Hà
Văn Thùy trong tiểu thuyết Nguyễn Thị Lộ muốn chứng minh nguyên nhân xảy ra vụ
án Lệ chi viên, một trang đen tối nhất của lịch sử, một nghi án bị che lấp bởi
rất nhiều nguyên nhân. Thái Bá Lợi trong Minh sư lấy cảm hứng từ ý chí hơn
người của chúa Nguyễn Hoàng với những năm tháng đầy gian truân mở đầu triều
Nguyễn. Gần đây qua cuộc thi truyện ngắn hai năm 2011-2012 của báo Văn nghệ,
nhiều tác giả như Văn Chinh qua hai truyện ngắn Ghi chép của ngài Appin về con
ngựa hãn huyết và Thị, hoặc Nguyễn Năng An qua truyện ngắn Lời thề chân lý, Lê
Hoài Nam qua truyện ngắn Bữa tiệc ly... lại muốn mượn xưa nói nay, rút những
bài học lịch sử trả lời những vấn đề bức thiết của đời sống đương đại. Như vậy
lịch sử đang được người nghệ sỹ đề cập đến từ nhiều góc độ khác nhau, với nhiều
sắc thái cảm hứng sáng tạo khác nhau. Công chúng có thể đồng tình hoặc không
đồng tình với người nghệ sỹ ngay cả ở những thái độ phân tích, phản biện, nhận
thức lại những sự kiện đã phủ bụi thời gian, nếu họ không cảm thấy lịch sử đang
bị bóp méo, bôi nhọ, thần tượng lịch sử không bị hạ bệ. Chỉ khi nào có sự bóp
méo cố ý, có sự xuyên tạc, hạ bệ... trái với tinh thần lịch sử lâu nay vốn được
tồn tại như những chân lý, công chúng sẽ lên tiếng bởi vì những khi đó văn học
nghệ thuật đã làm tổn thương đến lòng tự trọng của họ, vốn được hình thành dài
lâu trong thời gian.
Nhưng ở đây cũng cần lưu ý
một luận điểm vốn tồn tại cùng quá trình lịch sử. Đó là lịch sử tuy chỉ có
một, xảy ra chỉ một lần, chỉ có một chân lý, nhưng quá trình nhận thức lịch sử,
chép sử lại có thể có nhiều thái độ khác nhau phụ thuộc vào ý thức hệ của những
con người xuất thân từ những giai cấp khác nhau. Cùng một nhân vật lịch sử,
cộng đồng người này nhìn nhận đó là những người anh hùng, cộng đồng người khác
lại nhìn nhận như giặc cỏ, như Hoàng Sào (nghìn năm ai có khen đâu Hoàng Sào –
truyện Kiều) là bởi vì do/bị những thiên kiến giai cấp khác nhau quy định. Hành
động lên ngôi của Mạc Đăng Dung trong con mắt những nhà chép sử thời Lê là
thoán nghịch, nhưng theo lý giải của Lưu Văn Khuê là một sự thay thế cần thiết,
bởi vì triều đình nhà Lê lúc đó đã hết sức mục ruỗng, triều chính lúc đó nhấp
nhô những kẻ hèn mạt, thiên hạ lúc đó nhân tài như lá mùa thu, Mạc Đăng Dung
như là một sự lựa chọn của lịch sử. Những ai có thể đồng tình với Lưu Văn Khuê,
sẽ thấy phản đề mà ông đưa ra trong cuốn sách được cân nhắc khá kỹ, được lý
giải với tinh thần phản biện lại những mặc định của lịch sử một cách thuyết
phục. Những ai không đồng tình với Lưu Văn Khuê sẽ có quyền nghi ngờ. Nhưng
chắc chắn không một ai có thể quy kết tác giả đã bẻ cong lịch sử. Từ những thao
tác như thế, có thể nói luận giải lịch sử cũng là một trong những khả năng của
người nghệ sỹ khi lựa chọn đề tài này. Phải chăng đó là một khoảng không gian
sáng tạo rộng rãi của văn học phản ảnh hiện thực lịch sử?
Cũng thường gặp trong văn
học nghệ thuật cổ kim đông tây những cách tiếp cận đề tài lịch sử để mượn xưa
nói nay, rút bài học lịch sử về nhân thế, về đạo đức, về kinh nghiệm sống và
kinh nghiệm đấu tranh giữ nước cho người đọc hôm nay từ câu chuyện ngày hôm
qua. Chẳng hạn nhà viết kịch Nhật Bản Chikamatsu Monzaemon (1653-1725) mượn
lịch sử đời Minh Trung Quốc để gửi gắm những tình cảm yêu nước của nhân dân
Nhật Bản qua vở kịch lịch sử Côcưdenya Caxen nổi tiếng. Nhà viết kịch cổ điển
Pháp Pierre Corneille (1606-1684) lấy đề tài từ lịch sử Tây Ban Nha và lịch sử
La Mã cổ đại để giáo dục tình cảm cho công chúng Pháp lúc bấy giờ về lòng dũng
cảm, ý chí tự do, tình yêu và nhiệm vụ, dục vọng và ý chí... trong các vở kịch
như Le Cid, Orax... William Shakespeare (1564-1616) cũng có nhiều vở kịch lịch
sử mượn đề tài xưa đưa ra những lời giáo huấn về tình cảm cho công chúng Anh
thời đại của ông, như các vở kịch Henry VI, Risơc III, Risơc II, Vua Giôn,
Henry IV...
Tinh thần, hồn cốt của lịch sử trong văn học, nghệ thuật
Dù có nhiều cách thức khác
nhau khi tiếp cận đề tài lịch sử, nhưng có một nhận thức chung cho tất cả những
cách thức này đó là cần phân biệt văn học và nghệ thuật không phải là lịch sử,
nghệ sỹ không phải là nhà sử học. Nếu nhà sử học viết sử theo cách của nghệ sỹ
thì lịch sử sẽ không còn sự chuẩn xác cần thiết. Ngược lại nếu nghệ sỹ sáng tạo
tác phẩm về lịch sử như một nhà viết sử thì lúc đó nghệ thuật sẽ trở nên không
có cánh bay. Tiếp xúc với những tác phẩm nghệ thuật về một giai đoạn lịch sử
nào đó, điều trước tiên công chúng muốn biết là số phận của những con người,
gương mặt tinh thần của những con người cụ thể qua những biến cố, những sự kiện
lịch sử, những điều làm nên cái đẹp của hình tượng nghệ thuật. Diện mạo của
lịch sử trong tác phẩm nghệ thuật chỉ hiện lên một cách gián tiếp qua những
hình tượng nhân vật cụ thể, có tính cách và nội tâm phong phú. Văn học nghệ
thuật về đề tài lịch sử chỉ nên giữ lại, hoặc chỉ nên nêu bật tinh thần của
lịch sử, hồn cốt của lịch sử khi khái quát hiện thực một giai đoạn lịch sử, khi
đề cập đến một giai đoạn lịch sử nào đó thông qua tính cách và tâm hồn của
những con người tham gia vào sự kiện lịch sử đó. Quan niệm văn - sử... bất phân
trước đây có thể gây sự bó buộc trong tâm lý sáng tạo của người nghệ sỹ trong
phản ảnh đề tài lịch sử. Sự xâm thực biên giới của văn học và lịch sử trong
quan niệm truyền thống đôi khi gây ra những lúng túng khi xác định chân lý lịch
sử và chân lý nghệ thuật trong một hình tượng nghệ thuật. Trước một sự kiện,
nhà viết sử luôn đặt mình trước yêu cầu của sự chân xác. Lời văn của nhà viết
sử, văn trong sử đòi hỏi tính chân xác, tính khoa học, tính khách quan trong
khi nghệ sỹ viết về sự kiện ấy lại muốn đạt đến sự chân xác theo quan niệm của
văn chương nghệ thuật, có thể qua ẩn dụ, phúng dụ, qua ngôn ngữ hình ảnh, qua
hư cấu nghệ thuật, qua sự giễu nhại, qua sự mờ tỏ của chi tiết theo một ý đồ
nghệ thuật không hề có sẵn trước đó. Lịch sử và văn học, rõ ràng cùng tiếp cận
một hiện thực nhưng phương thức lại khác nhau, cho dù hai loại hình khoa học ấy
cuối cùng đều phụng sự chân lý lịch sử. Chân lý lịch sử của nhà viết sử chân
chính thông qua sự chân xác của ngôn từ; chân lý lịch sử của nghệ sỹ thể hiện
qua hình tượng nghệ thuật, qua sự biểu cảm của ngôn ngữ. Và như thế trong bản
thân hình tượng nghệ thuật chứa đựng chân lý lịch sử. Nói cách khác, nghệ sỹ
phản ảnh đề tài lịch sử là sáng tạo ra hình tượng nghệ thuật để cuối cùng tiệm
cận đến chân lý lịch sử toàn diện một cách gián tiếp, chứ không phải phiên từ
lịch sử ra một vấn đề, một sự kiện, một nhân vật. Nếu nghệ sỹ sáng tạo tác phẩm
của mình theo cách của nhà viết sử thì hà tất nhân loại cần thêm một kiểu người
như nghệ sỹ, đấy là chưa nói sẽ là một nhà viết sử tồi nếu nghệ sỹ muốn dùng
văn chương, nghệ thuật để phản ảnh lịch sử theo cách của nhà viết sử. Vì vậy,
trong văn học nghệ thuật về đề tài lịch sử, người nghệ sỹ chỉ nên tuân thủ phần
cốt lõi nhất của lịch sử, đó là tinh thần của lịch sử, hồn cốt của lịch sử chứ
không phải là bản thân lịch sử. Nhiều người nhắc lại lời của A.Tolstoy khi ông
cho rằng lịch sử là chiếc đinh để nghệ sỹ treo lên đó bộ trang phục đầy màu sắc
của nghệ thuật, có lẽ là vì vậy.
Hư cấu nghệ thuật và đề tài
lịch sử
Quan niệm trên đây cho phép
nghệ sỹ mở rộng không gian sáng tạo của mình khi tiếp cận đề tài lịch sử mà một
trong những vấn đề xưa nay nhiều người lưu tâm là vấn đề hư cấu nghệ thuật.
Chúng ta đều biết hư cấu nghệ thuật là một trong những đặc điểm của hình tượng
nghệ thuật, của sáng tạo nghệ thuật. Hình tượng nghệ thuật những nhân vật lịch
sử cũng có thể mang những đặc điểm của hư cấu nghệ thuật, với mục đích là để
sinh động hơn, điển hình hơn, khái quát hơn, nghĩa là mang những đặc điểm thẩm
mỹ để chân thực hơn. Hư cấu là một hoạt động có tính chất sáng tạo (1). Lịch sử
có khi chỉ viết vài dòng ngắn gọn, nghệ thuật đi xa hơn trong không gian và
thời gian. Chỗ lịch sử dừng lại là bước sáng tạo tiếp theo của văn chương nghệ
thuật. Hư cấu nghệ thuật trong trường hợp này tuyệt nhiên không phải là phóng
đại, bịa đặt, gán ghép cho nhân vật lịch sử những chi tiết về tính cách, tình
cảm, tư tưởng xa lạ, ngược lại hư cấu này luôn được kiểm soát bằng logic của
nghệ thuật và lịch sử. Một hư cấu dễ dàng, không suy nghĩ công phu, không bao
giờ tạo ra được một tác phẩm có giá trị lâu dài (2). Hình tượng nghệ thuật nói
chung và của những tác phẩm về đề tài lịch sử nói riêng không phải là sự sao
chép các sự kiện lịch sử mà là sự tái tạo, sự nhào nặn, sự chưng cất đặc biệt
từ sự kiện lịch sử ấy theo tiêu chuẩn của cái đẹp. Nghệ sỹ sáng tạo hình tượng
nghệ thuật hiện thực lịch sử dưới ánh sáng của lý tưởng thẩm mỹ, công chúng
lĩnh hội những thành quả nghệ thuật ấy theo kinh nghiệm cá nhân của mỗi người
tiếp nhận. Chỉ khi nào có sự trùng hợp kinh nghiệm của nhà văn với kinh nghiệm
của người đọc mới có được chân lý nghệ thuật – sự thuyết phục đặc biệt của văn
học vốn là cội nguồn của sức ảnh hưởng của nó đối với con người (3).
Bản chất của sáng tạo nghệ
thuật là hư cấu tưởng tượng. Nó khác về bản chất với sự tùy tiện, bịa đặt đã
đành, nó còn khác với những hư cấu tưởng tượng không tuân thủ theo logic của
cái đẹp toát ra từ hình tượng nghệ thuật. Cho nên lao động nghề nghiệp của
người nghệ sỹ đòi hỏi sự khác biệt của tài năng và sự phong phú của trí tưởng
tượng. Những chi tiết trong một hình tượng nghệ thuật phản ảnh đề tài lịch sử
có thể là những gì đã xảy ra nhưng cũng có thể là những gì có thể xảy ra trong
lịch sử. Logic của hình tượng nghệ thuật, tính chân thực lịch sử và tính chân
thực nghệ thuật cho ta những nhận thức ấy khi tiếp xúc với văn bản nghệ
thuật.
Cuộc chiến tranh yêu nước
vĩ đại của nhân dân Nga năm 1812 được mô tả trong tác phẩm vĩ đại Chiến tranh
và hòa bình một cách trung thực đúng như bản thân cuộc chiến tranh ấy đến mức
các bảo tàng lịch sử sau đó đã căn cứ vào sự miêu tả của L.Tolstoy để phục dựng
lại từng chi tiết của cuộc chiến tranh qua ngòi bút của nhà văn thiên tài.
Nhưng Chiến tranh và hòa bình là một tác phẩm nghệ thuật của ngôn từ, được sáng
tác theo nguyên tắc hư cấu nghệ thuật. Đó là bản anh hùng ca về lòng yêu nước
của nhân dân Nga dưới nhiều góc độ trong tư duy sáng tạo của nhà văn. Hình ảnh
Pie Bêdukhôp tiêu biểu cho người trí thức Nga trong chiến tranh, trong hòa bình
là một trong nhiều sáng tạo độc đáo trong tác phẩm. Đại úy Tusin, một sỹ quan
pháo binh vô cùng quả cảm, tiêu biểu cho những người hy sinh thầm lặng trong
cuộc chiến tranh yêu nước cũng là một hình tượng văn học đậm tính hư cấu. Lãnh
tụ cao nhất của cuộc chiến tranh của nhân dân Nga Cutudôp với những lần ngủ gật
trong các cuộc tranh luận vô bổ về chiến thuật chiến tranh do Bagrachiôn chủ
trì cũng là những hư cấu độc đáo của L. Tolstoy không hề có sắc thái bịa đặt,
tùy tiện. Người đọc mọi thời đại đều có thể chấp nhận những hư cấu nghệ thuật
ấy trong Chiến tranh và hòa bình. Sự bất hủ của tác phẩm bao gồm nhiều khía
cạnh, trong đó hư cấu nghệ thuật của một ngòi bút thiên tài làm nổi bật chân lý
lịch sử mà không một ai có thể phủ nhận. Cũng vậy, nhà văn Balan H.Sienkievich
chỉ giữ lại một vài đặc điểm của lịch sử La Mã những năm đầu công nguyên trong
khi tập trung nêu bật tính cách tàn bạo của Nêrô trong việc khủng bố đẫm máu
các tín đồ Thiên Chúa giáo hồi ấy, cũng như nhiều nhân vật khác được hư cấu như
Pêtrônius, Vinixius, Khilon... để phục vụ cho chủ đề này trong tiểu thuyết nổi
tiếng Quo Vadis. T.Martinez, nhà văn Achentina trong tiểu thuyết Thánh nữ Evita
tập trung miêu tả lòng nhân từ cao cả của Evita đối lập với sự độc tài của Juan
Pêrôn, qua đó nêu lên một trong những trang sử đau xót nhất của đất nước ông
v.v…
Các nhà tiểu thuyết Việt
Nam cũng từng sử dụng hư cấu nghệ thuật khi viết về đề tài lịch sử. Nguyễn Huy
Tưởng với các nhân vật như Nguyễn Mại, Bảo Kim trong Đêm hội Long Trì hoặc như
Trần Văn, Trinh, Quốc Vinh... và khá nhiều nhân vật đại diện cho các tầng lớp
nhân dân thủ đô hồi bấy giờ trong Sống mãi với thủ đô đều là những nhân vật hư
cấu. Chu Thiên trong tiểu thuyết Bóng nước hồ Gươm cũng xây dựng khá nhiều nhân
vật hư cấu, tiêu biểu trong số đó là cụ cử Tam Sơn, Đồ Uẩn, bác Hai Phúc... với
ý đồ nêu bật lòng yêu nước của nhân dân ta thời kỳ đầu đất nước bị giặc Pháp
xâm lược. Nguyễn Xuân Khánh trong tác phẩm Hồ Quý Ly đã sáng tạo ra khá nhiều
nhân vật hư cấu chung quanh những nhân vật lịch sử. Quận chúa Quỳnh Hoa, người
vợ quá cố của Hồ Nguyên Trừng là nhân vật hư cấu để mô tả những trắc ẩn của họ
Hồ trước sự thăng trầm của cuộc đời. Hồ Quý Ly cũng mang những nét hư cấu nghệ
thuật như cảnh ông kiên nhẫn chờ vợ cầu kinh trước bàn thờ Phật để mô tả con người
thiện tâm của ông trước thời cuộc. Người vợ cướp được của quan Tổng binh Vương
Thông trong tiểu thuyết Hội thề của Nguyễn Quang Thân cũng là nhân vật được hư
cấu phục vụ cho ý đồ của nhà văn khi miêu tả tính cách của nhân vật này. Trong
tiểu thuyết Minh sư của Thái Bá Lợi, bên cạnh những nhân vật lịch sử như Nguyễn
Hoàng, Mạc Cảnh Huống là những nhân vật hư cấu như Đỗ Chiêu, Nguyễn Thiệu, Chế
Mô, Phạm Dữ... châu tuần chung quanh Nguyễn Hoàng, để nêu bật sức hút mãnh liệt
của ông đối với quần chúng nhân dân, một trong những phẩm chất đưa ông đến
thành công trong sự nghiệp. Nguyễn Thế Quang trong tiểu thuyết Nguyễn Du đã
dựng lên một trường đoạn hấp dẫn với chi tiết hư cấu khi Nguyễn Du trở về Tiên
Điền, lập ra một lầu hồng trên bến Giang Đình để đêm đêm đọc thơ cho bè bạn và
dân làng nghe... Hư cấu là một trong những sức mạnh của nghệ thuật, nhưng những
nhân vật, những chi tiết hư cấu trong các tác phẩm viết về lịch sử thường là
nơi dễ bị bắt bẻ nhất. Nguyễn Huy Thiệp trong truyện ngắn Phẩm tiết đã từng bị
bạn đọc phản đối vì chi tiết sau đây: Nhà vua (Quang Trung) bỗng mất đột ngột.
Khi lâm chung có Vinh Hoa đứng hầu bên giường, nhà vua nhìn mãi Vinh Hoa mà
không nhắm mắt. Cả triều đình thương cảm. Con trai nhà vua là Nguyễn Quang Toản
vuốt mắt cho cha nhưng hễ buông tay ra là mắt vua lại mở trừng trừng. Đến cả
Hoàng hậu Ngọc Hân cũng thế. Sau Vinh Hoa phải lấy ngón tay út của mình đặt lên
hai mắt nhà vua thì mắt nhà vua mới nhắm lại được. Sau đấy chỗ ngón tay út của
Vinh Hoa đen như chàm, rửa thế nào cũng không sạch. Rõ ràng đây là một chi tiết
hư cấu để miêu tả phẩm tiết của cô gái đẹp Vinh Hoa mà ngay cả vua Quang Trung
cho đến chết cũng không thể khuất phục được nàng, cho dù nhà vua đầy uy quyền
rất muốn thành thân với nàng. Truyện ngắn Phẩm tiết được Nguyễn Huy Thiệp viết
năm 1988, chỉ vài năm sau Đổi mới, lúc đó có những người đọc cho rằng viết như
thế là phạm thượng tới vua Quang Trung, vốn vẫn được tôn sùng trong tâm thức
nhân dân! Nguyễn Quang Thân trong tiểu thuyết Hội thề đặt vào miệng những nhân
vật như Lê Sát, Lê Ngân những lời khá thô thiển, tục tĩu với mục đích cá thể
hóa ngôn ngữ của những nhân vật nông dân ít học này, những điều rất có thể có
trong tính cách của họ. Thế nhưng có người đọc phản đối, cho rằng Nguyễn Quang
Thân bôi nhọ nghĩa quân Lam Sơn. Thực ra Nguyễn Quang Thân muốn chứng minh rằng
sự thô lỗ, ít học này của những kẻ cầm đầu nghĩa quân Lam Sơn sẽ là nguyên nhân
của những bi kịch tiếp theo trong cung đình nhà Lê ít lâu sau khi cuộc kháng
chiến chống giặc Minh thành công. Nhân vật cô gái Việt, người vợ cướp được của
quan Tổng binh Vương Thông cũng là một nhân vật hư cấu. Ý đồ của nhà văn là
muốn qua nhân vật này nói về tính cách đa tình, khát dục nhưng cũng còn chút ít
ân nghĩa của tên tướng giặc trước khi hắn biết là sẽ chia tay mãi mãi với người
vợ hờ đã chung chăn gối hơn một năm qua. Nhưng có người đọc cho rằng nhà văn
chiêu tuyết cho kẻ thù, cụ thể ở đây là làm đẹp cho Vương Thông. Nhà văn lại có
thể nghĩ khác. Phải chăng ông cho rằng Vương Thông cũng là một con người, một
kẻ có học, cho nên y không hề xa lạ với những tình cảm của con người. Phải
chăng đã qua cái thời viết về kẻ thù một cách đơn giản mà văn học trong quá khứ
vẫn luôn luôn mắc phải. Chi tiết văn học là của nhà văn, sự đồng tình hay phản
bác là quyền của bạn đọc. Vậy làm thế nào để sự hư cấu trở nên hợp lý là bí mật
thuộc về tài năng của mỗi chủ thể sáng tạo. Vấn đề đặt ra ở đây phải chăng các
tác giả cần cân nhắc, lựa chọn sao cho phù hợp với logic nghệ thuật và logic
lịch sử. Không thể hư cấu tùy tiện, gán ghép một cách sống sít, bất chấp việc
vi phạm tính thống nhất trong một chỉnh thể của hình tượng nghệ thuật. Và về
phía người đọc cũng không nên “bẻ hành, bẻ tỏi”, đặc biệt là quy kết làm trói
buộc sự sáng tạo của người nghệ sỹ.
Nhưng không chỉ có hư cấu,
nhà nghệ sỹ có thể sử dụng các biện pháp nghệ thuật hữu hiệu khác để tìm cách
nhận thức lịch sử một cách sâu sắc hơn. Những truyện dã sử, những truyền thuyết
sống trong tâm thức cộng đồng, những huyền thoại lưu truyền qua lớp sương mù
thời gian... đều có thể trở thành những ý niệm thẩm mỹ của nhà nghệ sỹ.
G.Marquez sử dụng huyền thoại trong tiểu thuyết Trăm năm cô đơn như một thủ
pháp nghệ thuật để khám phá lớp sương mù huyền ảo lịch sử của dòng họ Buenđa,
của ngôi làng Macônđô. Tác giả Phùng Hy lấy cảm hứng từ huyền thoại năm 499
trước công nguyên, nhà Chu suy thoái, Lão Tử cưỡi trâu xanh đi về phía tây, kết
cục ra sao không ai biết, để dựng nên truyện ngắn Phương Nam (phụ bản báo Văn
nghệ số tết Nhâm Thìn) tạo ra một cuộc gặp gỡ (tưởng tượng) thú vị giữa Lão Tử và
Vua Hùng, qua đó nói lên Đạo an vi trong văn hóa và minh triết của người Việt.
Cuộc gặp gỡ kia chưa từng xảy ra trong lịch sử nhưng lại có thể xảy ra trong
lịch sử. Cũng có thể dựa trên truyền thuyết như truyền thuyết nỏ thần trong văn
hóa dân gian của người Việt để viết tác phẩm, như An Dương Vương xây thành ốc
của Nguyễn Huy Tưởng...
Cùng với hư cấu, những bút
pháp nghệ thuật khác nhau cũng đã được các nghệ sỹ sử dụng khi phản ảnh đề tài
lịch sử. Có tiểu thuyết chương hồi hấp dẫn như Tam quốc diễn nghĩa của La Quán
Trung, Thủy hử của Thi Nại Am, Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô Gia Văn phái, có
bút pháp hiện thực cổ điển như Chiến tranh và hòa bình của L.Tolstoy, Pie đại
đế của A.Tolstoy, Aivanhô của W.Scott, Tarat Bunba của N.Gogol, hoặc Thánh nữ
Evita của T.Martinez, có lối viết tôn trọng cao độ sự chân xác của lịch sử
nhưng lại đạt đến trình độ nghệ thuật tự sự mẫu mực như Sử ký của Tư Mã
Thiên..., có bút pháp hiện thực huyền ảo với sức tưởng tượng trác tuyệt như
Trăm năm cô đơn của G.Marquez, lại có bút pháp trào lộng, hài hước, giễu nhại
sâu sắc như Nữ hoàng Macgô, Bá tước Môngtê - Critxtô của A.Dumas (cha) v.v…
Hư cấu nghệ thuật là đặc
trưng của văn chương, nghệ thuật ngay cả với đề tài lịch sử. Nó không hề làm vi
phạm đến chân lý lịch sử, ngược lại để tôn vinh lịch sử nếu lịch sử đáng tôn
vinh và quy kết lịch sử nếu lịch sử đáng quy kết. Hư cấu nghệ thuật như một quy
luật của điển hình hóa trong nghệ thuật để càng nhận thức sâu hơn bản thân lịch
sử, làm cho sự sáng tạo của người nghệ sỹ trở nên bay bổng hơn, tự do hơn trong
lao động nghệ thuật, như bản chất của sự sáng tạo của văn chương, nghệ thuật
vẫn luôn luôn như một đòi hỏi thường trực đối với nghệ sỹ, để hình tượng nghệ
thuật mang ý nghĩa thẩm mỹ sâu sắc hơn.
Như vậy, tuy là một đối
tượng mang tính đặc thù của phản ảnh nghệ thuật, nhưng đề tài lịch sử cũng như
bất cứ đề tài nào của văn học nghệ thuật đều không hạn chế khả năng sáng tạo
của người nghệ sỹ. Tài năng là yếu tố quyết định trong mọi trường hợp, riêng
trong trường hợp sáng tạo về đề tài lịch sử, tài năng lại càng không thể có gì
thay thế. Trong tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài lịch sử, nghệ sỹ vừa phải
có kiến thức uyên bác và phẩm chất trung thực của nhà viết sử lại cần phải có
tài năng của một nhà trần thuật nghệ thuật. Hai phẩm chất ấy sẽ là hai cánh bay
của tác phẩm nghệ thuật về đề tài lịch sử
LÊ THÀNH NGHỊ
——-
(1), (2): Hêghen, Mỹ học, Phan Ngọc dịch, NXB Văn học, H., 2005, tr.293, 294.
(3): M.Gorki, Bàn về văn học, T.2, NXB Văn học, H., 1965, tr.283.
Nguồn: VNQĐ