.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Wednesday, December 19, 2012

ĐỖ VĂN NHÂM – NGƯỜI VỀ LÀNG XA

Đỗ Văn Nhâm là người nặng lòng với quá khứ chiến tranh nên hầu hết sáng tác của ông đều bám chặt đề tài này, và ông luôn tìm ra được những góc nhìn "độc đắc"...

Năm 2000, tôi dự một trại sáng tác văn học tại Nha Trang. Trước ngày đi trại lòng tôi phơi phới. Nhưng xuống trại thì tôi… tiu nghỉu vì "bị" xếp ở chung phòng với Đại tá Đỗ Văn Nhâm. Nhà văn Vũ Hồng (Bến Tre), nhà văn Huỳnh Thạch Thảo (Phú Yên) thấy thế thì xót xa gạ gẫm: "Ông ở với lão già khó tính ấy làm gì. Xin sang ở với bọn tôi cho nó trẻ trung". Thấy có lí, tôi cũng định chuồn. Tôi cấp tốc viết một cái truyện ngắn, coi như hoàn thành nhiệm vụ với trại, thời gian còn lại sẽ… đi chơi. Tôi kính cẩn cầm cái truyện ngắn bằng hai tay dâng trước mặt tiên sinh họ Đỗ: "Em nhờ... thủ trưởng đọc xem thế nào". Đỗ Văn Nhâm kéo trễ cặp kính xuống, liếc qua bản thảo rồi nhìn tôi một phát cháy mặt, lạnh lùng: "Cậu biết câu Tự bất kinh nhân tử bất hưu không?".
Tôi ớ ra, chả hiểu ông này có ý gì. Đỗ Văn Nhâm thấy cái mặt ngố nghệt của tôi bèn hạ giọng: "Câu đó của thi hào Đỗ Phủ, nghĩa là dùng chữ chưa làm người ta nể sợ thì chết vẫn chưa yên. Người xưa quan niệm về văn chương chữ nghĩa kinh như thế đấy. Còn cậu… chữ nghĩa cứ tuôn phèn phẹt như người mắc bệnh té re. Vứt! Viết cái khác!".
Không thèm để ý đến khuôn mặt tự ái đỏ phừng của tôi, Đỗ Văn Nhâm tiếp tục viết. Ông ngồi trên giường, kê chiếc vali nhỏ lên đùi làm bàn, viết bằng bút bi. Suốt ngày đêm mặt mũi ông lúc nào cũng đăm chiêu. Ông hút thuốc nhiều, vật vã tìm từ chọn chữ đặt câu để viết một cái truyện ngắn. Nhìn kiểu viết của ông tôi đã cảm thán, viết văn mà thế này thì… khổ sai quá! Lợi dụng khi Đỗ Văn Nhâm ra ngoài, tôi lén đọc trộm bản thảo của ông. Và tôi thực sự choáng. Một câu chuyện như được quật lên từ một vỉa trầm tích thẳm sâu rồi ngào trộn với cảm xúc mãnh liệt tạo thành những trang văn tài hoa mà nặng trĩu. Thú thực là trước đó tôi chưa đọc gì của Đỗ Văn Nhâm cả. Sau khi đọc văn ông, tôi mới hiểu vì sao ông đã có tới 3 lần đoạt giải cao trong 3 cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, một điều xưa nay hiếm. Nhà văn Khuất Quang Thụy từng nhận xét: "Truyện của Đỗ Văn Nhâm như một bản xô nát cử lên giữa một không gian chiến tranh. Đẹp và buồn".
Đỗ Văn Nhâm là người nặng lòng với quá khứ chiến tranh nên hầu hết sáng tác của ông đều bám chặt đề tài này, và ông luôn tìm ra được những góc nhìn "độc đắc". Một trong những truyện ngắn thành công nhất của ông phải kể đến  "Làng xa". Viết về chiến tranh mà tuyệt nhiên không có hình ảnh chiến trường, không có tiếng bom rơi đạn nổ. Chiến tranh được khúc xạ qua một một ngôi làng xa miền Bắc khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang vào hồi ác liệt. Nhân vật chính của truyện là ông Cốc, một thương binh cụt chân thời chống Pháp về quê tham gia hoạt động xã hội, được xã giao cho một nhiệm vụ "khủng khiếp", đó là đến từng nhà đưa giấy gọi nhập ngũ và giấy… báo tử! Đang trong giai đoạn chiến tranh ác liệt, dù là giấy gì thì đều có nghĩa là người nhận nó đã hoặc sẽ có thể hy sinh. Bởi thế mỗi khi nhác thấy bóng ông Cốc với chiếc xà cột đeo lệch bên người cùng tiếng kẽo kẹt của chiếc chân giả vào ngõ nào là ngõ ấy nín thở. Có nhà vội vàng đóng cổng. Có người sợ hãi trốn ra hầm bí mật. Thế nhưng bằng mọi cách ông Cốc vẫn phải chuyển giấy đến tay người nhận và bao nhiêu biểu hiện nhân tình bùng nổ sau mỗi lần nhận giấy… "Làng xa" là truyện ngắn hay đến mức ám ảnh, lần nào đọc lại tôi cũng cảm thấy gai người. Chân thực tận đáy, khốc liệt đến tận đáy mà nhân văn cũng tận đáy. Nhà văn Sương Nguyệt Minh đã rất nhiều lần tuyên bố: "Nếu được chọn một trong 5 truyện ngắn viết về chiến tranh hay nhất Việt Nam, chắc chắn tôi sẽ chọn "Làng xa".
Đỗ Văn Nhâm là học viên Khóa 3 Trường Viết văn Nguyễn Du. Theo nhận xét của các nhà văn phụ trách và bạn đồng môn thì khóa đó có Bảo Ninh, Dương Kiều Minh và Đỗ Văn Nhâm tạo thành bộ ba xe - pháo - mã. Nhưng Bảo Ninh và Dương Kiều Minh thì quá nổi tiếng, còn Đỗ Văn Nhâm lại ít người biết đến. Cũng bởi ông là người thâm trầm, sống khép kín, luôn tránh xa những nơi tụ họp, không đăng đàn diễn thuyết cao đàm khoát luận văn chương. Và cái chính là Đỗ Văn Nhâm quá khắt khe với mình. Ông đã từng vứt rất nhiều bản thảo chỉ vì chưa ưng ý một đoạn, một câu nào đó. Tôi đã từng đánh máy giúp ông một truyện ngắn ở trại viết Đại Lải năm 2005. Tên truyện chỉ có hai chữ "Suối xa", cái tên truyện ra đời sau bao nhiêu ngày đắn đo, cân nhắc, cũng giống như những cái tên truyện đầy hàm súc trước đó như "Đất ấm", "Bến quê"… của Đỗ Văn Nhâm. Ông cầm bản thảo đi đi lại lại trong phòng, đọc diễn cảm từng câu. Tốc độ gõ của tôi khá nhanh nên thường phải đợi ông dừng lại để xoay đi xoay lại một cú pháp, thay đổi một từ, một chữ nào đó… Ngày ở trại viết Nha Trang, ông đã từng dạy tôi: "Văn hay còn ở ngữ điệu. Mặt trời xuống núi đỏ bầm với Mặt trời đỏ bầm xuống núi nó khác nhau lắm. Và cái kết truyện nữa, vẫn là câu ấy với chừng chữ ấy, nhưng chọn chốt bằng một từ vần bằng sẽ mang lại cảm giác khác với một từ vần trắc…". Tôi trầm trồ: "Bác là người kĩ chữ!". Sự tâm phục thành thực của tôi không ngờ bị Đỗ Văn Nhâm trợn mắt lên quát: "Không phải kĩ chữ, mà là kính chữ!".
Ngày tôi ra học Trường Viết văn Nguyễn Du cũng là lúc Đỗ Văn Nhâm chuyển từ Quân đoàn 3 ra làm Phó Giám đốc Xưởng phim Quân đội. Tuần nào ông cũng bắt xe ôm sang trường chơi với đám nhà văn trẻ lìu tìu chúng tôi. Sống gần Đỗ Văn Nhâm tôi mới hiểu ông là người thấm nhuần Nho giáo. Những hành xử kiểu sĩ phu Bắc Hà của ông trong cuộc sống khiến chúng tôi suy nghĩ rất nhiều. Năm 2003, khi nghe tin Nhà nước sắp tăng lương cho cán bộ công chức, Nguyễn Thế Hùng và tôi, những cán bộ cấp thấp đi học, đang đói kinh niên tỏ vẻ mừng rỡ lắm. Chúng tôi hồ hởi thông báo với ông, bởi hoàn cảnh ông cũng đang rất khó khăn. Vợ mất sớm, ông ở vậy nuôi con. Hai con ông lúc đó đều là sinh viên, ba bố con chỉ có một suất lương và sống trong một căn phòng thuê chật hẹp ở khu Trung Kính. Nhưng chúng tôi đã chưng hửng khi thấy Đỗ Văn Nhâm nghe tin xong thì ngồi lặng lẽ thở dài và buông một câu: "Tiền của dân cả thôi…".
Vì muốn giúp ông, một người bạn đồng môn Khóa 3 Nguyễn Du đã ngỏ ý mời ông viết kịch bản phim truyện truyền hình với mức nhuận bút đặc biệt. Nhưng Đỗ Văn Nhâm đã thẳng thừng trả lời: "Cô nghĩ đến anh, anh cám ơn. Nhưng viết kịch bản phim truyền hình thì… anh xin kiếu!".
Thấy ông sống lặng lẽ cô đơn, bạn bè ra sức mai mối cho ông. Đã có vài người phụ nữ yêu ông, các con ông cũng ra sức tác thành. Nhưng ông vẫn một lòng từ chối là bởi ông không thể quên được người vợ tao khang, người cả đời chỉ biết nuôi con và bố mẹ chồng để ông đi chiến chinh biền biệt. Ông hay kể những câu chuyện về đức hy sinh của vợ bằng sự tri ân khắc khoải. Có một câu chuyện mà lần nào kể ông cũng nước mắt ròng ròng: Mấy ngày sau khi vợ mất, ông đã chết lặng khi tìm thấy một gói tiền mà ông tiết kiệm gửi về nuôi con được vợ giắt lên mái nhà rồi… quên.
Năm 2009, Đỗ Văn Nhâm nghỉ hưu và quyết định trở về quê. Hai con đã ra trường đi làm, ông phải về quê để chăm sóc mẹ già gần 90 tuổi bù cho những ngày ông đi xa. Và, một lí do nữa khiến ông tìm về quê, đó là ông muốn có một không gian thật yên tĩnh để thực hiện cuốn tiểu thuyết về chiến tranh mà ông thai nghén mấy chục năm nay.
Về Làng xa (thôn Cựu Hào, xã Vĩnh Hào, Vụ Bản, Nam Định), ông gần như tách biệt với phố xá. Điện thoại di động của ông hầu như không được sử dụng. Hiếm hoi chúng tôi mới liên lạc được với ông qua điện thoại bàn. Hỏi tiểu thuyết của bác viết đến đâu rồi? Đỗ Văn Nhâm bảo: "Còn lâu!".
Còn lâu! Vâng, đối với một người kính chữ như Đỗ Văn Nhâm thì việc viết tiểu thuyết sẽ là một cuộc trường chinh.
Cách đây ít lâu, mấy anh em nhà văn trẻ làm một cuộc điền dã về Hải Hậu, Nam Định. Sau một cuộc rượu, nhà văn Lã Thanh An bất ngờ mài mực phóng bút viết một bức thư pháp 4 chữ rất đẹp: "Vi nhân trọng tự" và ngỏ ý muốn tặng ai đó trong số các nhà văn trẻ chúng tôi. Sau khi nghe nhà văn họ Lã giải nghĩa, trong đầu tôi bất giác nhớ tới Đỗ Văn Nhâm. Bức thư pháp này phải tặng Đỗ Văn Nhâm mới xứng.
ĐỖ TIẾN THỤY
VNCA

No comments:

Post a Comment