Hiện tượng Nguyễn Quang Thiều hơn hai mươi năm qua là một nan đề của thơ Việt đương đại, hòa trong nhiều nan đề văn học tiếng Việt của người Việt sau 1975 ở trong và ngoài hình chữ S. Có những cách tiếp cận không muốn hoặc chưa thể nhìn nhận thay đổi nghệ thuật của loại thơ này như là biến cố nghệ thuật Việt Nam giống các hiện tượng Nguyễn Đình Thi, Thanh Tâm Tuyền và Trần Dần. Và, đó không phải do ảnh hưởng từ các yếu tố chính trị và thời cuộc như với Thanh Tâm Tuyền và Trần Dần (tất nhiên vẫn có yếu tố nghệ thuật); mà nghiêng về lý do thời thế và nghệ thuật như trường hợp Nguyễn Đình Thi. Nếu vào lý do thứ hai, thì với hiện tượng thơ Nguyễn Quang Thiều, lần đầu tiên trong việc sáng tác thơ, sinh hoạt văn học Việt Nam đang có sự đấu tranh vị nghệ thuật trên con đường hiện đại hóa thi ca. Với bất kì kết quả nào cho riêng thơ của tác giả, điều đó đã là một thành tựu đẹp trong đời sống văn nghệ Việt Nam nửa thế kỷ qua với các biến động bi hùng trong và ngoài văn nghệ.
Kinh nghiệm và hiểu biết có hạn, lại ở xa nôi thơ Việt,
khi dùng nhiều thao tác phê bình, nghiên cứu và một số phương pháp luận quen thuộc, chúng
tôi cố gắng tìm hiểu hiện tượng Nguyễn Quang Thiều như là một tác-giả-khó, nếu không nói là
khó nhất của dòng-thơ-cần-giải-thích-giá-trị. Thiết nghĩ, loại thơ này sẽ còn làm
khó thi đàn trong một thời gian dài, với thi pháp đã ra ngoài trang thơ. Ở nhà
thơ Nguyễn Quang Thiều, thi
pháp chính là cuộc đời trong và ngoài thơ.
Nếu phân tích như Iu. Lotman, qua lý giải của Lã Nguyên
[42] thi pháp
Nguyễn Quang Thiều bên cạnh khó khăn tự thân còn có khó khăn
ngoài văn bản. Đó là đã tạo ra “truyện kể” tại chính “thiết chế
kiến tạo văn bản được xác lập ở khu vực trung tâm” vốn “là thiết chế
sản sinh huyền thoại”, trong khi “thiết chế sản sinh truyện kể là
thiết chế tồn tại ở khu vực ngoại vi văn hoá.”
Vẫn dùng cách gợi vấn đề của Lã Nguyên, câu hỏi cần
thiết đặt ra: Có phải chúng ta từng “sử dụng hệ thống giá trị của nền văn
học huyền thoại đã ‘hoá thạch’ để định giá nền văn học đang mọc lên cực kỳ sôi
động ở khu vực ngoại vi sân chơi văn hoá” và cũng
để đánh giá thơ Nguyễn Quang Thiều hay không?
Để thơ và trường ca Nguyễn Quang Thiều có nhiều cơ hội được nhận chân hay-dở,
chúng tôi muốn tận dụng phần cuối tham luận nói thêm đôi điều, ngoài văn bản
nhưng trong văn chương. Cũng là nảy từ tương quan “văn học sinh ra
giữa trung tâm của sân chơi văn hoá” và “văn học mọc lên ở khu vực ngoại vi”.
Có thể xem tác giả Nguyễn Quang Thiều là hiện tượng chưa từng có trong sinh hoạt văn
học Việt Nam đương đại.
Theo nhịp tăng không thể ngưng của kỷ nguyên toàn cầu
hóa và sức
sống kiên tâm để sinh tồn và phát triển của dân tộc Việt, dòng văn học
chính thống Việt Nam trong các thập niên gần đây ngày càng tăng sức thuyết phục
chính đáng
và tự nhiên bởi chính những tác phẩm và tác giả của mình, chứ không bị ảnh hưởng từ
những gì ngoài tác phẩm và tác giả. Tại thời điểm này, nhìn từ “khu
vực ngoại vi”, ở ba phạm vi văn học, ba vị thế nghề nghiệp, ba xuất xứ vùng miền và nhân
thân, văn học Việt “khu vực trung tâm” đang có ba vị đại biểu
về tài năng văn chương, ảnh hưởng nghề nghiệp và phong cách văn sĩ: Đó là nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà
nghiên cứu - phê bình Phạm Xuân Nguyên và nhà thơ Inrasara. Nếu như tác giả Nguyễn Quang Thiều không
mang trên mình nhân-thân-văn-học như đang có, thơ của anh sẽ khác. Chúng tôi
nghĩ vậy. Có thể hay hơn theo nghĩa chung nhất của từ này; song sẽ khó mà không
cách tân hơn, không mới và nhất là không lạ hơn như đã và đang.
Khác đa số nền văn học đương đại thế
giới, văn học Việt Nam trước hết thuộc về dòng chính thống; và dòng
chính ngày càng hòa chung, ảnh hưởng thực sự tới các dòng khác ở trong và ngoài
nước [43]. Thơ Nguyễn Quang Thiều đã có thể như vậy. Xét cho cùng, phân
loại dòng nhánh, hay trung tâm - ngoại vi, không phải là điều độc giả cần khi
cảm nhận văn thơ nếu chúng ta muốn phê bình, nghiên cứu để cùng độc giả tiếp
nhận tác phẩm. Thơ Việt Nam đang cần chan hòa những cách làm thơ và những
cách đọc thơ – Chan Hòa Thi Pháp.
Cho phép chúng tôi, từ diễn đàn học thuật quan trọng
này, nhiệt thành chúc mong châu-thổ-thơ Nguyễn Quang Thiều tăng mãi, tăng mãi phần bồi đắp của mình
trên đất-nước-văn-học-Việt-Nam!
Vancouver - Mùa xuân 2012 (Hoàn thành 15/4; Tu
chỉnh 13/6)
ĐỖ QUYÊN
____________________
PHỤ LỤC
A. Các ý kiến tham khảo
Dưới đây là những trích dẫn ít nhiều liên hệ tới bài
viết.
A.1. Một số tuyên ngôn, quan niệm về thơ của Nguyễn Quang Thiều
Là tác giả rất ít “tuyên ngôn” trong thơ, Nguyễn Quang Thiều có khá
nhiều tham luận, tiểu luận, tản văn về thơ. Sau đây là một số phát biểu mới
nhất:
- “Năm 1990, tôi xuất bản tập thơ đầu tay Ngôi nhà
17 tuổi. Khi tập thơ này in ra, tôi nhận thấy gương mặt tôi chập chờn giữa
một số gương mặt của các nhà thơ thế hệ trước. Sự ảnh hưởng ai hoặc những ai đó
không dễ tránh đối với những nhà thơ trẻ. Lúc đó tôi tự hỏi: sao tôi không phải
là chính mình? Và tôi bắt đầu viết những gì của chính tôi cho
dù TÔI ấy đầy kiếm khuyết và nhiều bóng tối. Đó là nguyên nhân dẫn đến
những bài thơ trong tập Sự mất ngủ của lửa xuất bản 1992 ở NXB Lao
Động. Năm 1993, tập thơ này được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, nhưng đồng
thời nó cũng bị một số nhà thơ, nhà phê bình ‘đánh’ tơi tả. Tôi không có ý kiến
gì. Tôi im lặng từ đó đến giờ. Vì việc của tôi là viết những gì là chính tôi.
Đấy là việc của tôi chứ không phải là việc của người khác.” (lethieunhon.com
11/3/2009)
- “Thơ không phải viết về những bất hạnh cá nhân, mà là
những bất trắc của cuộc đời”. (Theo “Đỗ
Doãn Phương và hành trình vượt thoát cõi riêng”,
tonvinhvanhoadoc.vn)
- “Trong mỗi tác phẩm văn học có thể thường hiển lộ ba
yếu tố mà tôi gọi đó là những sự kiện. Thứ nhất: Những sự kiện mang tính xã
hôị. Thứ hai: Nhưng sự kiện mang tính ngôn ngữ. Và thứ
ba: Những sự kiện của tâm hồn. Trong ba yếu tố đó có thể cùng diễn ra trong một
tác phẩm văn học. Nhưng sự kiện quan trọng nhất làm nên một tác phẩm văn học
thực thụ là sự kiện của tâm hồn. Thi ca xuất hiện trên đoạn cuối của con đường ấy. Nếu
chúng ta dừng lại với hiện thực của đời sống cùng với một chút cảm
xúc không thôi, chúng ta chỉ bắt gặp một cái gì đó giống thi ca chứ không phải
thi ca. (…) Theo tôi, mỗi bài thơ dù ngắn hay dài thì mục đích cuối cùng của nó
phải tạo ra những sự kiện tâm hồn. Chỉ như vậy, cuộc cách mạng về Mỹ học trong
tác phẩm nghệ thuật mới được thực thi. (“Những
sự kiện của tâm hồn - Đọc thơ Lâm Quang Mỹ”, vanhoanghean.com.vn)
- “(…) không phải những nhà thơ Xuân Diệu, Chế
Lan Viên hay Xuân Quỳnh thơ của họ đều hay hơn tất cả những bài thơ của các nhà
thơ sau này. Các nhà thơ phân ra khu vực, có độc giả ở những khu vực riêng. (…)
Có thể bây giờ, trong thời đại này để bạn đọc chỉ đọc một nhà thơ là điều
khó. Kể cả các nhà thơ được giải Nobel cũng có phân chia khu vực bạn đọc của
mình, các khuynh hướng đọc của mình.” (“Bóng
dáng nàng Thơ trong cuộc sống hiện đại”, VietNamNet)
- “Mai Văn Phấn, Trần Tiến Dũng, Đinh Thị Như
Thúy, tôi ấn tượng với ba tác giả này, vì họ thực sự tạo nên một thế giới thi
ca mà có những điều cá nhân tôi không làm được.” (“Còn
ai giữ lửa cho thơ? (Bài cuối): Đổi mới thơ ca không chứa đựng tính thời thượng”,
Báo Thể thao - Văn hóa; và thethaovanhoa.vn 31/12/2009)
A.2. Một số nhận định, dư luận
- Nguyễn Việt
Chiến: “Từ những năm 1990, thơ Việt Nam đương đại bắt
đầu có sự chuyển đổi lớn về mặt thi pháp và có thể nói, Nguyễn Quang Thiều là nhà
thơ đầu tiên, bằng những nỗ lực vượt bậc và tài năng xuất sắc của mình, đã xác lập một
giọng điệu mới trong thơ Việt. (…) Với Nguyễn Quang Thiều, nhiều trang thơ mới đã mở ra, nhiều khát
vọng và đời
sống mới đã được trình bày bằng một thứ ngôn ngữ thơ của riêng anh và đấy
chính là những đóng góp lớn của anh cho nền thơ đương đại.” (“Nguyễn Quang Thiều và Nguyễn Lương
Ngọc, hành trình qua sa-mạc-thơ “; Báo Văn Nghệ Trẻ và tonvinhvanhoadoc.vn)
- Anh Chi: “Thực tế cho thấy, trong đời sống
thơ ca cuối thế kỷ XX, có không ít các nhà thơ trẻ cùng những nhà thơ không còn
trẻ nữa, đã dấn bước vào cuộc săn tìm hình thức mới cho
thơ. Sớm nhất có lẽ là tập thơ Lá của Văn Cao, xuất bản năm 1988,
là một đóng góp lớn cho việc làm mới ngôn ngữ thơ Việt Nam hiện đại. Kế
đó, năm 1990 và 1991 nhà thơ trẻ Nguyễn Lương
Ngọc xuất bản hai tập thơ, Từ nước và Ngày sinh lại, cũng là một đóng
góp đáng kể về cách tân ngôn ngữ thơ… Ở đây, chúng tôi tạm thời ghi nhận rằng,
năm 1992 là một dấu mốc đáng kể của Hiện tượng làm mới ngôn ngữ thơ cuối thế kỷ
XX. Bởi, đó là năm Nguyễn Quang Thiều xuất bản tập thơ Sự mất ngủ của lửa
với một ngôn ngữ thơ rất mới lạ.” (“Những dấu
vết của sự nếm trải”; Báo Văn nghệ số 23 - 2011, và phongdiep.net)
- Đào Duy Hiệp: “Gối đầu qua
2 thế kỉ, với gần ba mươi năm hành trình lao động sáng tạo, Nguyễn Quang Thiều đã tạo
thành một
hiện tượng thơ với nhiều ý kiến khác nhau, trái chiều. (…) Trong thế
giới thơ Châu thổ, nhà thơ, những người đàn bà, đàn ông, những đứa
trẻ, con chó, con bò, cây rơm, mái rạ,… được trần thuật, trên bình diện trần
thuật là ở hai ngôi thứ nhất và thứ ba, nhưng ở cấp độ giọng điệu, dù ở
ngôi thứ ba, thì vẫn chỉ là một nhân vật trữ tình: cái ‘tôi’ ở ngôi thứ ba hay
cái ‘tôi’ phân thân thành cái ‘nó’ để trình bày về thế giới cùng những trăn trở
của anh ta. Tất cả những cái nhìn, giọng điệu đó dường như thường trực phát ra
từ ‘bóng tối’ khổ đau, buồn thương của nhân vật trữ tình, qua đó ta thấy được
tình cảm, tư tưởng, hệ ý thức, trách nhiệm và sứ mệnh được phát ngôn nhân danh nhà thơ,
người nghệ sĩ trước cuộc đời.” (”Cấu
trúc thơ Châu thổ của Nguyễn Quang Thiều”; Phunutoday.vn)
- Đông La: “(…) bài Bầy chó của tôi,
bài mà nhà phê bình Trần Mạnh Hảo đã cho Nguyễn Quang Thiều là: ‘nhìn con chó thật ghê tởm’,
nhìn ‘một cách kinh hãi’; quả thật, nếu nhìn những con chó chỉ là
những con chó, thì thấy việc nhà thơ tả cảnh chúng cắn xé, tranh giành nhau
đúng là kinh hãi thật; và với một quan điểm thẩm mỹ cho tính thơ cao
nhất chỉ là những mây trăng hoa lá, xanh xanh đỏ đỏ, thì không thể nào đồng cảm
được thật: ‘Bầy chó gầy bẩn thỉu ốm đau/ Ngày lùng sục kiếm ăn/ Liếm cả vào lưỡi
dao sắc ngọt/ Lưỡi bị cứa máu trào ra ở đó/ Con đến sau lại liếm máu bầy mình’.
Với tôi, đây là những câu thơ hay nhất có thể so với bất cứ câu thơ nào.”
(“Về
tư duy thơ
Nguyễn Quang Thiều”; Tạp chí Sông Hương số
135 - 5/2000; và tapchisonghuong.com.vn 13/4/2010)
- Tấn Phong: “ Gấp tập thơ khủng khiếp 144
bài, 393 trang, khổ 14,5 x 21cm này lại, cảm giác ban đầu là một sự hụt hẫng.
Hụt hẫng vì áp lực của chồng chồng lớp lớp những dồn nén, bức bối trải rộng sau
những câu thơ dài dằng dặc. (…) Đó là nhận xét thứ nhất về tập thơ Châu thổ:
lạ, chẳng giống ai. Hai là, thơ này không có tiền lệ, có những con đường vạch
sẵn (…) Và
ba, là hệ quả của nhận xét thứ hai, đừng có tìm cách chia sẻ, hoặc lý
giải, hoặc tìm cách hiểu, về thanh điệu, ngữ nghĩa, ý tưởng (….) Bốn lần, loanh
quanh thế nào, rồi nhà thơ vẫn trở về với cái Làng Chùa, quê anh, với bà nội
của anh (…) Năm là, thơ Nguyễn Quang Thiều (…) hầu như không có nhiều lắm những vấn
đề về ngữ văn, những phép tu từ, những từ lấp láy của các ngôn ngữ đơn âm khiến
ta hiểu lầm nếu in sai. (…) Và vì thế, sáu là, ngôn ngữ của tập thơ là một
thứ ngôn ngữ đa âm, lạ tai, phải chăng nó hợp với tạng thơ của anh (?!). Bảy
là, để Hiểu thơ anh, chỉ có một cách là cộng cảm, cùng bước theo, cùng suy nghĩ
với nhà thơ (…) Và vì vậy, thơ Nguyễn Quang Thiều như
những bản nhạc không bao giờ kết trọn. Cái kết lửng luôn luôn là một sự bắt
đầu. (…) Không ngơi nghỉ, đầy xung lực, cường tráng và mạnh
mẽ vô cùng. Cả tập thơ cũng vậy.” (“Sự hiển thị
của tương lai”, báo Văn Nghệ, và vanvn.net)
- Châu Minh Hùng: “Tập thơ Sự mất ngủ
của lửa của Nguyễn Quang Thiều báo hiệu những tín hiệu lạ,
nó không nằm trong từ trường âm hưởng thơ truyền thống, cũng không nằm
trong logic ngữ nghĩa thông thường nên dễ bị quy chụp là bắt chước thơ
Tây, thơ dịch: ‘Những con rắn được thủy táng trong rượu/ Linh hồn
chúng bò qua miệng bình cuộn khoanh đáy chén/ Bò tiếp đi… bò tiếp đi
qua đôi môi bạc trắng/ Có một kẻ say gào lên những khúc bụi bờ…’
(Tự
do thơ tự do; Tạp chí Sông
Hương, số 240 – 2/2009)
- Diêu Lan Phương:
“Họ hướng vào những trải nghiệm cá nhân trước bộn bề
cuộc sống, hướng vào thể hiện các vấn đề của tồn tại mà con người luôn
phải đối diện, đó là vấn đề sinh tử, thiện ác, sự cô đơn, hoài nghi, thất vọng, nỗi
buồn, niềm vui… Có lẽ, đây là hướng mới cho sự phát triển trường ca (…) Trong
những tác giả sáng tác theo xu hướng này, chúng tôi thấy Nguyễn Quang Thiều là
người đã gặt hái được nhiều thành công. Ông đã dung hòa được lối viết của thẩm
mĩ chuẩn mực cổ điển và lối viết hậu hiện đại. Trong
một hình thức mang tính suy tưởng với nhiều mảnh ghép hiện thực,
ông thể hiện được
những chiêm nghiệm sâu sắc về các vấn đề nhân sinh. Ngoài hai trường ca được
viết trước năm 2000, Cây Ánh Sáng (2009) và Lò
mổ (chưa xuất bản, đã đăng trên Maivanphan.com) của ông tiếp tục khiến
chúng ta không khỏi băn khoăn, ám ảnh bởi những cảm thức về đời sống con người
vừa hiện thực
vừa ảo ảnh, vừa khốc liệt vừa nên thơ, vừa cao cả vừa đê hèn.” (“Những thể
loại văn vần có dung lượng lớn như là tiền đề của tư duy về hình thức”;
Luận án Thể loại trường ca trong văn học hiện đại Việt Nam, Đại học
Quốc gia Hà Nội 15/6/2011; và Trường ca từ
2000 đến nay: xoá bỏ khoảng cách sử thi để gần gũi hơn với đời sống; vanhocquenha.vn)
- Thiên Sơn: “Nguyễn Quang Thiều bảo,
thật oan cho anh nếu nghĩ rằng anh cố tình du nhập vào
trong nước một lối thơ nào đó ở nước ngoài. Không. Không phải vậy đâu. Hồi viết
Sự mất ngủ của lửa anh viết gần như bằng bản năng. (…) đó là những
dòng thơ tuôn chảy từ trong tâm hồn, từ cội nguồn của tâm tư, từ mạch ngầm của
ký ức bao đời dồn tụ lại. Dù có năm năm học ở Cu Ba, nhưng Nguyễn Quang Thiều kể,
anh chỉ được học tiếng Tây Ban Nha, tiếng Anh và những tác phẩm kinh điển của thế giới. Lúc
ấy anh không hiểu nhiều văn học hiện đại của Mỹ La Tinh và cũng
chưa có một ý thức đầy đủ về sứ mệnh đổi mới trong thơ hiện đại.” (“’Hộp
đen’ Nguyễn Quang Thiều”, báo
Văn Nghệ số 17+18 – 4- 2012, và vanvn.net
29/4/2012)
- Từ các bàn luận của trang mạng lethieunhon.com
trong năm qua, mạn phép lược lọc và không dẫn tên tác giả với thành ý không sai
lạc ý nghĩa, có nội dung và cách nói hợp với bài viết:
+”Văn thơ Nguyễn Quang Thiều như một bộ sưu tập lưu giữ hồn cốt nông
thôn đồng bằng Bắc Bộ một thời đã qua, khiến người đọc cảm động. Phần triết lý,
liên tưởng rất phong phú nhưng chưa mấy thành công vì chưa bộc lộ tư tưởng
mới.”
+ “Thơ Nguyễn Quang Thiều có một phẩm chất kỳ lạ: Rền rĩ, dai bền.
Độc giả hai chục năm nay, nhiều người mệt lử vì thơ anh, nhưng chúng vẫn lùi
lũi tiến lên, xua đuổi kiểu gì cũng không được.”
+ “Tôi thành tâm muốn được đọc một bài thơ hay của
ông Thiều,
với thiện chí
thực sự là học tập. Vì tôi đọc tất cả các bài khác của ông Thiều, tôi
thấy không hay, thậm chí là không phải thơ.”
+ “Xem ‘Châu Thổ’ tôi thấy như đọc lời những bài
Ráp. Nó sẽ rất hay, khi được các ca sỹ vừa hát (thực ra là đọc thật nhanh những
câu thơ bất tận này theo kiểu nhạc Ráp) vừa nhảy múa rất sôi động..”
+ “Thơ như báo Văn Nghệ cũng bị ‘chê’, thơ như kiểu Nguyễn Quang Thiều, Mai
Văn Phấn (có thể in được cả trong và ngoài luồng) cũng bị chê.”
+ “Thơ Thiều là thơ không có tương lai, vì không tới
được công chúng. Lối thơ ấy chắc chắn sẽ bị thời gian đào thải. Xin lưu comment
này lại của tôi để làm minh chứng.”
+ “Cháu rất thích thơ của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Thơ
ông mới lạ, giàu cảm xúc, biểu hiện đầy đủ những tâm trạng đặc trưng và hệ
luỵ của con người đương đại.”
+ “Không chỉ riêng Lê Vũ, mà các tác giả khác như Nguyễn Hoàng
Đức, Nguyễn Việt
Chiến khi viết về Nguyễn Quang Thiều cũng rất khó tìm ra những câu thơ trích
dẫn làm vừa lòng người đọc. Đúng như một nhà thơ đã nói, thơ Nguyễn Quang Thiều còn ít
câu hay, bài hay.”
B. Tài liệu tham khảo
- Lời giới thiệu tập thơ Nhịp điệu châu
thổ mới, NXB Hội Văn học Nghệ thuật Hà Tây 1997
- Lê Vũ: “Nguyễn Quang Thiều: Châu
Thổ, cơn mê sảng những ý nghĩ”; doanvinhphuccr.vnweblogs.com
22/8/2011
- Đỗ Minh Tuần: “Trốn lo âu về lại cánh đồng”;
Ngày văn học lên ngôi, Tập tiểu luận, NXB Văn học 1996
- Nguyễn Thị Loan: “Nguyễn Quang Thiều: Miền
tâm linh ngập tràn Châu thổ”; nhavantphcm.com.vn 25/8/2011
- Mai Văn Phấn: “Thơ
Dương Kiều Minh mang hơi xuân từ những cánh đồng”; Tọa đàm Dương
Kiều Minh trong diễn trình đổi mới thơ đương đại – Đại học Văn hóa, Hà Nội 14/5/2012, và vanvn.net
3/3/2012
- Khánh Phương: “Lưu Quang Vũ và khuynh
hướng cách tân xa rời ẩn dụ thơ ca”; Sách phê bình, tiểu luận Suy
tưởng, Giấc mơ, Viết..., NXB Hội Nhà văn 2011, và evan.vnexpress.net
25/5/2010
- Phạm Tiến Duật: “Nguyễn Đình
Thi – Người khách của đời, Người chủ của văn chương”; trieuxuan.info
- Trần Đình Sử: “Toàn
cảnh Thi pháp học”, lythuyetvanhoc.wordpress.com 13/9/2010
- Nguyễn Hưng Quốc: Sách khảo luận Tìm hiểu
nghệ thuật thơ Việt Nam; NXB Quê Mẹ, Paris 1988
- Đặng Phùng Quân: “Khái luận
phê bình lý trí văn chương”; gio-o.com
C. Toàn bài thơ trích từ tập Châu
thổ
Bữa tối
Các con, cháu tôi đến trước
Bố mẹ tôi đến sau
Rồi đến tôi
Bố mẹ tôi đến sau
Rồi đến tôi
Theo chân tôi là con chó vàng và con mèo mướp
Rồi bầy muỗi mùa hạ
Rồi ngọn gió cánh đồng
Rồi vầng trăng trên bầu trời khô hạn
Rồi bầy muỗi mùa hạ
Rồi ngọn gió cánh đồng
Rồi vầng trăng trên bầu trời khô hạn
Người cuối cùng là đứa trẻ hàng xóm
Đến và ngồi bên tôi
Con chó gầm gừ cổ họng
Đến và ngồi bên tôi
Con chó gầm gừ cổ họng
Tôi đói những gì không có trong mâm
Bữa tối dọn ở chân trời có chớp.
Bữa tối dọn ở chân trời có chớp.
(10/1993)
D. Chú thích (theo thứ tự chung của 3
kỳ đăng trên vanvn.net)
[37] Đỗ Quyên: “400
tác giả trường ca Việt Nam”; vanvn.net 2/3/2012
[38] Đỗ Quyên: “Ghi nhận ngắn về một thi cảm trường
ca tươi lạ”; Sách trường ca Trò chuyện với cha con cu Lập Sơn &
Lập Thành, Nguyễn Anh Nông, NXB Văn học 2012
[39] Nguyễn Quang Thiều: Lò mổ, trường ca;
phongdiep.net: s13.invisionfree.com 10/6/2008
[40] Diêu Lan Phương: “Nghĩ
về một số ‘phản trường ca’; Tạp chí Văn nghệ Quân đội cuối
tháng 12/2010; và vannghequandoi.com.vn 4/1/2011;
& “Trường
ca từ 2000 đến nay: xoá bỏ khoảng cách sử thi để gần gũi hơn với đời sống”,
vanhocquenha.vn
[41] Nguyễn Đức Tùng: Sách phỏng vấn Thơ đến
từ đâu, NXB Lao động 2009 (Đỗ Quyên, trang 307); và talawas.org
8/8/2006[37]
[42] Lã Nguyên: “Mấy
hạn chế cản trở sự phát triển của phê bình văn học”; Hội thảo Nâng cao
chất lượng, hiệu quả phê bình văn học, Hội đồng LLPBVHNT TƯ và Hội
Nhà văn Việt Nam – Hà Nội 10/4/2012; và vietvan.vn 15/4/2012
[43] Đỗ Việt Hùng: “Về tính cấp thiết của chủ đề
Hội thảo: Ở ta, văn học ngoại biên (“Littérature périphérique”, “peripheral literature”)
chưa bao giờ được bàn luận và nghiên cứu như một vấn đề lý thuyết. Hệ
thống lí luận về tiến trình văn học được sử dụng hơn nửa thế kỷ nay trong các
trường đại học,
cao đẳng thực chất là hệ thống lí thuyết về các nền văn học trung tâm. Mô hình lịch
sử một trung tâm mâu thuẫn trực tiếp với thực tiễn vận động đa dạng và phức
tạp của đời sống văn học, vì thế, hệ thống lí thuyết này lộ rõ tính kinh viện,
ngày càng trở nên xơ cứng. Từ ngày Đổi mới, chúng ta chứng kiến cấu trúc của
nền văn học dân tộc có nhiều thay đổi: ngoài dòng văn học truyền thống ở trung
tâm, đã và
đang có sự phát triển rầm rộ của các dòng văn học ngoại biên. Nhưng các
dòng văn học này chưa được quan tâm đúng mức, ngang tầm với sự phát triển của
nó. Tình hình trên đòi hỏi giới nghiên cứu phải đưa ra được những khái quát lý
thuyết về văn học trung tâm/ngoại biên. Nhưng muốn có tư liệu để khái quát lí
thuyết, chúng ta phải khảo sát kỹ lưỡng lịch sử phát triển của văn học trung
tâm/ngoại biên qua các thời đại, ở nhiều khu vực khác nhau. (Thư mời
viết tham luận Hội
thảo “Văn học trung tâm/ngoại biên: Những vấn đề lí thuyết và lịch
sử”, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 12/2012; nguvan.hnue.edu.vn
11/6/2012)