I) NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN:
1) Thơ và hoạ:
Nếu người nhạc sĩ dùng những nốt
nhạc để tạo nên những giai điệu êm ái ngọt ngào hay hùng tráng làm cho
người nghe say sưa thích thú thì người hoạ sĩ cũng có những vật liệu
để hình thành tác phẩm. Những nguyên liệu ấy Mendelowits gọi là yếu tố tạo
hình; Edmund Burk Felman gọi là yếu tố thị quan: ngữ pháp; Đăng
Ngọc Trân gọi là cấu trúc ngữ pháp. Theo ông Đặng Ngọc Trân thì “Dù là
người tiền sử hay người hiện đại, dù là hoạ sĩ cổ điển hay hoạ sĩ trừu tượng
đều phải dùng tới các yếu tố: Đường nét, hình dạng, giá trị, độ nhẵn và màu
sắc để tạo nên một tác phẩm hội hoạ” [11,47].
Hội hoạ có nhiều trường phái khác
nhau- Hiện thực, ấn tượng, lập thể, siêu thực, dã thú...
Khác với các nhạc sĩ, hoạ sĩ, các
nhà văn nhà thơ lại dùng ngôn từ để tạo nên những tác phẩm văn chương
làm mê hoặc người đọc. Nói như M.Gorki “Yếu tố đầu tiên của văn học là ngôn
ngữ, công cụ chủ yếu của nó và - cùng với các sự kiện, các hiện tượng của
cuộc sống – là chất liệu của văn học” [32,206]. Ngôn từ trong tác phẩm văn
chương phải là những ngôn từ đã được nâng lên đến trình độ nghệ thuật và phải
đảm bảo tính chính xác, tính hàm súc, tính biểu cảm, tính hình tượng.
2) Mối quan hệ giữa thơ và hoạ :
Cùng thuộc nhóm nghệ thuật đơn
tính (Không kể hội họa ứng dụng, văn chương ứng dụng) hoạ và thơ có mối quan
hệ gần gũi. Trác Ngô Tử khi nhận xét mối quan hệ giữa thơ và hoạ thì cho rằng
“Hoạ đâu chỉ có vẽ hình, mà phải có cả hình lẫn thần; thơ đâu phải ở bên
ngoài hoạ, mà ở chỗ nêu được cái thần thái trong hoạ” [18,164]. Còn nhà hoạ
sĩ vĩ đại Leonardo da Vinci thì cho rằng “Hoạ là thi ca bằng thị giác”
[11, 51].
Tác phẩm nghệ thuật tạo hình- một
bức tranh, một pho tượng, một công trình kiến trúc ...dù được thực hiện bằng
tay song nó chủ yếu là sản phẩm thẩm mỹ của con mắt. “Con mắt là kênh
đối thoại giữa người xem và tác phẩm. Vì vậy thông tin thị giác, thông tin
thẩm mỹ thị giác, ngôn ngữ thị giác và cụ thể hơn là ngôn ngữ nghệ thuật tạo
hình xây dựng trên cơ sở cơ cấu hoạt động và đặc trưng chức năng của con mắt”
[50, 6]. Hội hoạ thuộc loại hình “nghệ thuật không gian, nghệ thuật tĩnh
...có sở trường diễn đạt cái cụ thể –theo nghĩa nhìn thấy trước mắt- và đứng
yên. Khả năng này gíup con người tạo môi trường không gian đẹp quanh mình,
giúp cho sự lắng đọng cảm xúc” [19,78]
Những sắc độ màu, sự chuyển động
của nét và những biến thể của hình khối thể hiện trong tác phẩm văn chương
không có tính chất cụ thể như trong tác phẩm của loại hình nghệ thuật tạo
hình.
Nhưng không phải bất cứ tác phẩm
văn chương nào cũng có chất hoạ. Mức độ ít hay nhiều đậm hay nhạt còn tuỳ
thuộc vào khả năng của người sáng tác, tuỳ thuộc vào loại hình của từng tác
phẩm văn chương.
II) Cơ cở chất hoạ trong tác phẩm
Truyện Kiều :
1) Ngôn ngữ tiếng Việt :
“Trong tiếng Việt, có một loại đơn
vị đặc biệt gọi là tiếng. Về ngữ âm, một tiếng là một âm tiết. Hệ thống âm vị
tiếng Việt rất phong phú và có tính chất cân đối, tạo ra tiềm năng to lớn của
ngữ âm tiếng Việt trong việc thể hiện các đơn vị có nghĩa. Nhiều từ tượng
hình tượng thanh có giá trị gợi tả đặc sắc”[3,39]. Tận dụng đặc điểm này
các nhà văn, các nhà thơ đã tạo nên không ít bức họa trong văn thơ. Khuôn mặt
Chí Phèo khi hắn uống rượu say, khuôn mặt Lão Hạc khi bán con chó vàng... là
những bức hoạ sinh động bằng ngôn ngữ sống mãi với thời gian.
2) Tính tạo hình trong hình tượng
văn học:
Tính tạo hình trong hình tượng văn
học là một phẩm chất không thể thiếu được của hình tượng, không có tạo hình
thì hình tượng không có cơ sở để tồn tại. Tạo hình bao gồm việc tạo cho hình
tượng một không gian, thời gian, những sự kiện và những mối quan hệ giàu cảm
xúc. Nhờ tạo hình mà hình tượng hiện lên một cách cụ thể qua chất liệu.
“Trong hội hoạ tạo hình biểu hiện trực tiếp qua đường nét, màu sắc, trong
điêu khắc tạo hình biểu hiện qua đường nét hình khối, trong văn học, tính tạo
hình được xác lập gián tiếp qua ngôn từ”.[13,30]. Ngôn từ có tính hình tượng
là ngôn từ giàu hình ảnh có màu sắc, âm thanh, nhạc điệu có khả năng
gây ấn tượng mạnh mẽ, tác động sâu xa vào trí tưởng tượng và cảm nghĩ của
người đọc. Như vậy tính hình tượng, một đặc điểm của ngôn ngữ văn học có khả
năng phản ảnh, thể hiện các yếu tố của ngôn ngữ hội họa. Vận dụng tính
chất này, các nhà văn, nhà thơ đã tạo ra không ít những chân dung về nhân
vật, những bức tranh phong cảnh lấp lánh những sắc màu, đa dạng về đường nét.
Trong bài thơ “Thuật hứng XXIV” của Nguyễn Trãi hai câu luận “Kho thu
phong/ nguyệt đầy qua nóc, Thuyền chở yên hà/ nặng vạy then.” là hai câu thơ
đầy sắc màu hội họa. Bức tranh có gam màu vàng, thực và ảo được kết hợp hài
hòa ấn tượng. Gió vận động êm nhẹ, trăng ngập tràn, không gian êm ả, yên
bình. Trong một không gian mênh mông ngập tràn sương khói, con thuyền thơ nhỏ
bé- hình ảnh trung tâm của bức tranh không bị mất hút trong những sắc màu hư
ảo là nhờ cách trọng lượng hóa vật thể “Thuyền chở yên hà nặng vạy then”
của một nhà thi họa. Bức tranh được phác hoạ bằng những nét bút hào hoa mỹ lệ
tao nhã nên thơ đậm đà phong vị dân tộc. Có thể nói, đây là một cảnh tiên
giữa đời thường.
Nhờ tính tạo hình của văn học,
những bức tranh thơ như trên sẽ rất dễ dàng biến thành những họa tác.
II) Tính chất “Thi trung hữu hoạ”
trong tác phẩm Truyện Kiều:
Chất hoạ trong tác phẩm Truyện
Kiều the hiện trên nhiều khía cạnh:
1) Chất hoạ trong những bức chân dung
nhân vật:
Chịu ảnh hưởng của thi pháp trung
đại khi miêu tả những nhân vật, Nguyễn Du thường sử dụng bút pháp mang tính
truyền thống sắp xếp nhân vật làm hai tuyến- nhân vật chính diện và nhân vật
phản diện. Đối với nhân vật chính diện, ông tả tỉ mỉ bằng những nét bút trang
trọng giàu tính ước lệ. Còn đối nhân vật phản diện ông thường đi theo lối tả
thực và phác hoạ, chấm phá bằng vài ba nét nhưng vẫn gây được ấn tượng mạnh
mẽ. Mặc dù đi theo khuynh hướng chính thống, bút pháp phác hoạ, ngôn ngữ ít nhiều
có tính chất ước lệ công thức nhưng ở một số phương diện Nguyễn Du đã có
những phá rào (khuynh hướng tâm lý hoá ngoại hình, thân phận hoá phẩm cách)
tạo nên những nhân vật sống động.
1-1) Nhân vật chính diện:
Đối với những nhân vật chính diện,
Nguyễn Du thường vẽ bằng màu sắc hài hoà tươi tắn, đường nét lúc thì mềm
mại uyển chuyển lúc thì phóng bút nhiều chiều kích, nét vẽ đậm và kỹ hơn
so với nhân vật phản diện. Những hình ảnh ước lệ được dùng khi miêu tả nhân
vật là những hình ảnh tiêu biểu cho cái đẹp sáng trong, rực rỡ, bền vững như
phong, hoa, tuyết, nguyệt, sơn, thuỷ...Đây là bút pháp cực tả, tuyệt đối hoá,
lý tưởng hoá nhan sắc cốt cách nhân vật.
1-1-1) Chân dung Thuý Kiều :
-Phần mở đầu tác phẩm:
Trong chân dung nghệ thuật, vấn đề
hàng đầu là đường nét, màu sắc đậm nhạt, lu mờ. Nắm vững nguyên lý vẽ chân
dung nghệ thuật khi hoạ tác nhân vật Thuý Kiều, nhân vật trung tâm của tác
phẩm, Nguyễn Du đã chọn những gam màu mát, màu trắng trong của nước, màu
xanh của núi và liễu, màu sắc đậm và tươi của hoa “thắm”; đường nét mảnh mai
uyển chuyển sống động “làn, nét ” và phẳng lặng của mặt nước hồ thu.
Không chỉ có những màu đơn, màu phối, Nguyễn Du còn dùng lối so sánh về cường
độ màu “thua thắm, kém xanh ” để làm rõ vẻ đẹp hoàn thiện toàn mỹ, làm hiện
lên số phận của một con người theo đúng triết lý ”Hồng nhan bạc mệnh, tài tử
đa truân”. Chỉ hai nét vẽ, bức chân dung của một giai nhân tuyệt thế đã hiện
hữu, đó chính là cái tài của thi hào:
Làn thu thuỷ, nét xuân
sơn,
(26)
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém
xanh. (25)
Vẽ nhân vật Thuý Vân Nguyễn Du
thiên về tổng thể còn khi phác hoạ nhân vật Thuý Kiều Nguyễn Du thiên về điểm
nhãn. Thi hào đi vào đôi mắt theo quan niệm mỹ học phương Đông “Đôi mắt là
cửa sổ tâm hồn”. Chọn màu trắng để diễn tả độ trong xuyên thấu vào tâm hồn,
chọn nét xuân sơn để diễn tả sự gợi cảm của một con người nặng về đời sống
tâm hồn rất đa tình đa cảm, đây là một sự tinh tế. Vũ Hạnh có lý khi lý giải
vì sao thi hào Nguyễn Du không tả đôi mắt của Thuý Vân mà lại miêu tả kỹ đôi
mắt của Kiều“Thuý Vân có mắt điều ấy thật hiển nhiên (…) Nhưng đôi mắt nàng
chỉ là đôi mắt nằm trên khuôn mặt để làm đầy đủ lệ bộ của một khung diện mà
thôi (…) Đôi mắt ấy phóng ra tia nhìn là để rập theo ý tình kẻ khác, miễn ý
tình ấy thuộc về lẽ phải hiển nhiên, thuộc về trật tự đã được cuộc đời chấp
nhận(…) Có lẽ, Vân đã nhường mắt cho Kiều. Vì chỉ mỗi một mình Kiều ở trong
tác phẩm có đôi mắt sáng, mắt đẹp lạ lùng. Cặp mắt ấy có nhãn lực tuyệt vời,
nhìn được chiều sâu thăm thẳm, tưởng chừng vạch được màu xuân tươi tốt mà soi
thấu vào tận đáy mồ hoang để cảm thấu nỗi niềm cô độc xót xa của kiếp người.
Cặp mắt ấy nhìn được liên hệ giữa người và ta, giữa cái đã qua và cái sẽ
đến.”[76,170]. Không chỉ đẹp, đôi mắt của Kiều còn là đôi mắt của sự tinh
thông:
Mắt xanh chẳng để ai vào, có không
? (2182)
hoặc
:
Khen cho con mắt tinh
đời
(2201)
Anh hùng đoán giữa trần ai mới
già! (2202)
Mắt trong - đôi mắt đẹp ánh lên sự
thông minh, mắt xanh-đôi mắt của sự đồng tình trân trọng, giờ lại là con mắt
tinh đời- đôi mắt phán đoán nhận xét sắc sảo chính xác nhanh chóng về con
người. Có thể nói, đối với Thuý Kiều, vẻ đẹp của hình thức luôn luôn tiềm ẩn
vẻ đẹp của tâm hồn và vẻ đẹp của tâm hồn “đã phản chiếu trên những dung nhan
nàng những đường nét, những màu sắc tươi đẹp mà đằm thắm” [10,25]
-Trước mặt mụ mối, Kiều
không còn là Kiều của ngày nào. Nàng đã biến sắc, thi hào chọn sắc vàng
của hoa lá, một màu sắc buồn tiêu biểu cho mùa thu, những nét mờ, nét
phớt lì trong sự phản chiếu và nét mảnh khảnh mỏng manh. Sắc màu ấy,
đường nét ấy tượng trưng cho cái thần sắc bạc nhược, sự thỉu não. Cái thần
của bức tranh là ở sự tương quan giữa sắc buồn và nét mờ, là sự đối lập giữa
cái hôm qua và cái hôm nay, tất cả nhằm làm nổi rõ sự ủ dột tái tê của một
con người cam chịu chai lỳ vì mang nỗi đau căm lặng không thể vùng vẫy :
Ngừng hoa bóng thẹn, trông gương
mặt dày. (636)
Nét buồn như cúc, điệu gầy như
mai.
(638).
Bốn nét vẽ là bốn hình thái hỗ trợ
cho nhau, thống nhất nhau trong việc diễn tả sự chấn động tâm lý đã làm tàn
phai nhan sắc. Trong bốn nét vẽ đó, hai nét vẽ ”Nét buồn như cúc, điệu gầy
như mai “ là hai nét vẽ thần tình nhất, thể hiện được thái độ căm lặng đến
tuyệt đối, căm lặng nhưng Kiều vẫn không giấu được nỗi đau đớn, xót xa tủi
nhục. Giờ đây, Kiều chỉ còn là cái bóng của chính mình! Khác với bức vẽ trên,
khi thực hiện bức vẽ này, Nguyễn Du không dùng những sắc màu đậm, đường
nét sắc cạnh. Chính bút pháp vẽ kiểu như vậy đã tạo được cái thần của câu
thơ, vừa thể hiện được dáng hình, vừa thể hiện được nỗi đau ẩn đằng sau bộ
dạng bên ngoài.
Kiều tắm :
Có lẽ đây là bức hoạ khó vẽ nhất
trong những bức tranh vẽ chân dung nhân vật. Bởi lẽ, nếu không khéo sẽ rơi
vào sự dễ dãi, đường đột, lộ liễu kém tế nhị, đi chệch với những quan niệm
đạo đức của xã hội đương thời, đồng thời hạ thấp giá trị của cô Kiều, một cô
gái vốn khuôn thước theo kiểu “Êm đềm trướng rủ màn che,”. Là một nhà nho
chính thống uyên thâm, Nguyễn Du rất từ tốn chậm rãi cẩn thận khi hoạ một
thân thể khoả thân. Trước hết, nhà thi hoạ tạo ra một bức phông màn rất gợi
cảm đầy hương hoa” rủ bức tường hồng tẩm hoa” trước khi vén bức màn bí mật.
Nhà thi hoạ đã tạo được cảm giác náo nức chờ đợi cho người đọc, người xem
bằng cách cho cuộn film quay thật chậm và rồi thật bất ngờ “Một toà thiên
nhiên” đã hiện hữu. Nét vẽ ”Toà thiên nhiên” thể hiện được sự kín đáo bí hiểm
gợi trường liên tưởng sâu xa. Chỉ bằng hai câu thơ, với những sắc màu tinh
nguyên ”Trong ngọc trắng ngà”, một đường nét giàu tính tượng trưng, Nguyễn Du
đã tạo ra một bức hoạ về thân thể người phụ nữ nửa thực, nửa hư. Đúng là
tuyệt hoạ !
Buồng the phải buổi thong dong,
(1309)
Thang lan, rủ bức trướng hồng tẩm
hoa. (1310)
Rõ ràng trong ngọc, trắng ngà
,
(1311)
Dày dày sẵn đúc một toà thiên
nhiên! (1312)
Không riêng Nguyễn Du, Hồ Xuân
Hương không ít lần vẽ những bức tranh nửa kín nửa hở về người phụ nữ. Trong
bài thơ “Thiếu nữ ngủ ngày”, bà chúa thơ Nôm đã viết:
Đôi gò Bồng đảo sương còn ngậm ,
Một mạch Đào nguyên suối chửa
thông.
Bức vẽ thiên về chi tiết, nặng về
vùng cấm kỵ. Đây không phải là bức tranh khoả thân hoàn toàn. Bức tranh về
nàng Kiều mới chính là :“Bức tranh khoả thân duy nhất trong văn học Việt Nam
(…) Giải nhất trao cho Nguyễn Du” [92,149].
-Kiều bị đánh trong vụ kiện
của Thúc Ông:
Vẽ chân dung Kiều bị đánh, Nguyễn
Du dùng những sắc màu đậm điểm vào bức tranh nền để gây ấn tượng. Ông không
dùng những nét vẽ chuẩn mà dùng những nét vẽ đệm thêm, nhoè ra, dùng nhiều
đường gãy ”tiêu biểu cho sự đổ vỡ không an toàn nguy hiểm”[11,57]. Nhờ
thế, nó đã diễn tả được những dấu vết của những trận đòn khủng khiếp nơi phủ
đường. Một loạt những hình ảnh vốn tiêu biểu cho cái đẹp đã bị tàn phai được
nhà thi hoạ dùng liên tiếp hỗ trợ cho nhau tạo được ấn tượng mạnh về sự đổi
sắc, biến dạng. Bức tranh trở thành lời kết tội đanh thép về những kẻ không
biết trân trọng cái đẹp, sẵn sàng vùi dập cái đẹp một cách tàn nhẫn:
Ba cây chập lại một cành mẫu
đơn. (1426)
Phận đành chi dám kêu
oan,
(1427)
Đào hoen quyện má, liễu tan tác
mày. (1428)
Một sân lầm cát đã
đầy,
(1429)
Gương lờ nước thuỷ, mai gầy vóc
sương.(1430)
Thân phận con ong cái kiến chỉ có
con đường duy nhất là cam chịu, cam chịu đến mức tàn tạ cuối cùng.
-Kiều chết đuối được vớt lên từ
sông Tiền Đường :
Khi hoạ thân chết trôi, Nguyễn Du
đã lượt bỏ những chi tiết phụ không cần thiết, chọn lọc những chi tiết đặc
tả, xen vào đó lời bình luận trữ tình :
Trên mui lướt mướt áo
là,
(2707)
Tuy dầm hơi nước, chưa loà bóng
gương. (2708)
Một đường nét “lướt mướt “cũng đủ
vẽ bộ xiêm y ướt dầm rủ xuống thấm vào da thịt gợi ra những nét hư thực của
thân thể đang bất động, buông xuôi. Giữa lúc ranh giới sống và chết thật mong
manh ta mới càng thấy rõ giá trị của cái đẹp đích thực, vẻ đẹp tinh nguyên
sáng trong của một giai nhân tuyệt thế ngày nào vẫn còn in dấu. Sống cũng đẹp
và chết cũng đẹp. Không có tấm lòng trân trọng thương cảm, luôn luôn có ý
thức tôn vinh cái đẹp thì không thể có cái nhìn đầy nhân văn như thế! Theo
Xuân Diệu đây là hai câu thơ đầy dư ba “Thân Kiều nửa hư nửa thực, hồn Kiều
nửa sống nửa chết, văn Nguyễn Du tả đẹp lạ thường !”[92,150]. Có thể xem bức
vẽ trên là bức vẽ tĩnh và cái đẹp mang tính chất tiềm ẩn.
- Kiều đối diện với Kim trọng
trong phần đoàn viên:
Vẻ đẹp của Kiều chỉ được vẽ
bằng một nét bút với một sắc màu. Không phải là sắc trong của nước, sắc
thắm của hoa, sắc xanh của núi, mà là sắc vàng của sen vào lúc cuối hạ. “Sen
vàng” là một điển tích nói về người phụ nữ đẹp. Trong tư duy người Việt “hoa
sen” vừa gợi lên được sự chịu đựng vừa khẳng định được giá trị cao khiết. Dù
cuộc đời trầm luân đã nhai nghiến vẻ đẹp bên ngoài nhưng vượt lên tất cả là
tấm lòng kiên trinh cao đẹp của nàng Kiều. Nàng như một đoá hoa sen “Gần bùn
mà chẳng hôi tanh mùi bùn ”:
Buồng trong, vội dạo sen vàng bước
ra.(3008)
Miêu tả nhân vật Thuý Kiều, Nguyễn
Du thường đặt những hình ảnh trong sự đối sánh. Nếu trước kia là hoa là liễu,
là thu thuỷ, là mai cốt cách thì nay là cúc buồn, mai gầy, đào
hoan, liễu tan tác, gương lờ nước thuỷ. Những bức tranh trong sự đối sánh tạo
nên một sự tiếp nối về một nhân vật với nhiều cảnh đời .
1-1-2) Chân dung Thuý Vân :
Khác với nhân vật Thuý Kiều, nhân
vật Thuý Vân là loại nhân vật đề thêm để tôn thêm vẻ đẹp và gỡ rối cho Thuý
Kiều. Vì thế, nhân vật này dù có nhắc đến nhiều lần nhưng chỉ mang chất hoạ
có một lần ở phần đầu tác phẩm. Nhưng để tạo ra vẻ đẹp theo kiểu “Mỗi
người một vẻ mười phân vẹn mười” không phải là chuyện dễ. Cũng với
những“Môtif” hình tượng quen thuộc, khuôn mẫu ”Hoa cười, ngọc thốt, khuôn trăng,
nét ngài...”, Nguyễn Du “còn đưa vào những từ ngữ nôm na nhưng nội hàm đa
nghĩa, những từ ngữ đầy đặn, nở nang không chỉ miêu tả khuôn mặt phương phi
tròn trịa, nét ngài minh bạch rõ ràng của Thuý Vân mà đây còn là sự đầy đặn,
mỹ mãn của số phận” [10,23]. Bên cạnh đó, Nguyễn Du còn vận dụng hai khía
cạnh quan trọng “Nhất dáng nhì da” trong những quan niệm quen thuộc của người
phương Đông để tạo ra vẻ đẹp khác biệt :
Vân xem trang trọng khác
vời,
(19)
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở
nang. (20)
Hoa cười, ngọc thốt, đoan trang,
(21)
Mây thua nước tóc, tuyết nhường
màu da, (22)
Vẽ Thuý Vân Nguyễn Du đi theo
trình tự từ tổng thể đến chi tiết, từ dáng người đến khuôn mặt, nét ngài, nụ
cười, tiếng nói, mái tóc, màu da. Nhờ sự hài hoà về sắc màu, mềm mại về
đường nét, vượt chuẩn về âm thanh, cân đối về hình khối, hoàn chỉnh cả điểm
lẫn diện mà bức chân dung Thuý Vân trở nên viên mãn, sống đông, phúc hậu,
mệnh phụ. Dù vậy, vẻ đẹp của Thuý Vân thiếu đi cái thần “đôi mắt”, nó
thiên về vẻ đẹp khuôn thước mẫu mực hơn là vẻ đẹp gợi cảm, sắc sảo và quyến
rũ. Điều đó đã làm nên sự khác biệt giữa hai chị em, hai số phận, hai tính
cách: người thì hồng nhan bạc mệnh kẻ thì hạnh phúc ấm êm.
1-1-3)Chân dung Kim Trọng :
Để tránh đi sự đơn điệu, Nguyễn
Du phác hoạ nhân vật Kim Trọng được trong khung cảnh buổi chiều thiên nhiên
đầy diễm lệ, thanh tao. Khung cảnh thiên nhiên đã trở thành cái phông màn
tôn thêm vẻ đẹp cho nhân vật, và ngược lại nhân vật làm cho bức tranh thêm
sống động có hồn. Cái tài của Nguyễn Du là tạo ra một bố cục có chính có phụ:
người -ngựa, thầy- tớ, con người-thiên nhiên, dưới một góc nhìn xa gần.
Camera của thi hào đặc biệt chú ý đến cử chỉ từ tốn chậm rãi của một văn nhân
thực thụ” lỏng buông, xuống ngựa, tới nơi, vào trong, ra ngoài”. Kỹ thuật
pha màu của nhà thi hoạ đã đạt đến độ điêu luyện cao tay khi tạo ra sắc màu
độc đáo của chiếc áo. Màu của chiếc áo là sự hoà trộn giữa sắc biếc của
da trời và sắc xanh của cỏ. Màu sắc ấy có được còn là sự kết hợp giữa tấm
lòng trân trọng của Nguyễn Du và trái tim rung cảm của nàng Kiều. Đây là
bức tranh mang tính chất động, có gam màu mát trong đó màu xanh- xanh cỏ,
xanh trời, xanh áo, xanh cây là sắc màu chủ đạo. Bên cạnh đó đường nét thể
hiện sự vận động cũng được Nguyễn Du sử dụng thật tài tình. Những bước
chân di chuyển nhẹ nhàng của chàng Kim đã làm cho thiên nhiên thức dậy, bừng
sáng, vận động khẽ khàng. Kim Trọng xuất hiện, dung mạo của chàng, cử chỉ,
phong độ của chàng làm “xinh đẹp của một vùng” (chữ dùng của Xuân Diệu) .
Khi hoạ những bức tranh nhân vật,
Nguyễn Du ít khi để cho nhân vật bị trống trải đơn chiếc. Nhân vật này xuất
hiện trong sự đối sóng với nhân vật khác-Thuý Vân -Thuý Kiều, Thúy Kiều – Từ
Hải, Kim Trọng –Thuý Kiều, Thuý Vân, Vương Quan. Bức tranh sẽ trữ tình hơn
khi có sự góp mặt của “Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa.”. Và Vương Quan xuất
hiện đã trở thành chiếc cầu nối tình cảm của đôi trai tài gái sắc. Tiếng sét
ái tình đến với họ thật tự nhiên, bất ngờ và thú vị. Thiên tài Nguyễn Du
chẳng khác nào một “ông tơ” dẫn dắt khéo léo cuộc gặp gỡ của hai tâm hồn đồng
điệu:
Tuyết in sắc ngựa câu dòn,
(139)
Cỏ pha màu áo nhuộm non da
trời. (140)
Nẻo xa mới tỏ mặt người,
(141)
Khách đà xuống ngựa, tới nơi tự tình.
(142)
Hài văn lần bước dặm
xanh,
(143)
Một vùng như thể cây quỳnh, cành
dao. (144)
Nhìn toàn cục của bức tranh từ sắc
màu đến đường nét, từ cử chỉ đến hình ảnh, từ thiên nhiên đến con người cái
gì cũng nhẹ nhàng, hữu tình đáng yêu. Nói như Đặng Thanh Lê”Bóng tối âm khí
nặng nề khi gặp Đạm Tiên trong đoạn thơ trước đã biến đi nhường chỗ cho ánh
sáng của cuộc sống, của vẻ đẹp con người, của tình yêu đang hé mở” [10, 41].
Xây dựng bức chân dung về chàng
Kim, Nguyễn Du đã có những phá cách đáng kể. Ngoài những phương diện cần
thiết khi nói đến nhân vật thư sinh phong kiến như con tuấn mã, chú tiểu
đồng, trang phục, gia thế, tài năng, học thức, Nguyễn Du còn xem trọng sự hài
hoà giữa con người với vũ trụ, giữa con người bên trong và cử chỉ biểu hiện
ra bên ngoài và nhất là những xao động của tâm hồn, những biểu hiện tình
cảm kín đáo, những cảm giác lúc tỉnh, lúc mê, sự bịn rịn lưỡng lự giữa ở và
về- về thì tiếc ở thì cũng chẳng xong. Có thể nói, ít ai tả được tác động dữ
dội của tiếng sét ái tình ở những tâm hồn còn trắng trong như tờ giấy đang
bắt đầu bước vào ngưỡng cửa tình yêu đúng và hay như thi hào :
Người quốc sắc, kẻ thiên
tài,
(163)
Tình trong như đã, mặt ngoài còn
e. (164)
Chập chờn cơn tỉnh, cơn
mê,
(165)
Rốn ngồi chẳng tiện, dứt về chỉn
khôn. (166)
Bóng tà như giục cơn
buồn,
(167)
Khách đà lên ngựa, người còn ghé
theo. (168)
Ngay cả cái cử chỉ “Khách đà lên
ngựa người còn ghé theo” đầy quyến luyến, bịn rịn, nuối tiếc nhưng họ đành
bất lực trước sự vận hành của vũ trụ cũng đáng yêu làm sao!
Mở đầu một chuyện tình là khung
cảnh thiên nhiên tươi sáng rộng mở và kết thúc cuộc gặp gỡ là một bức tranh
thiên nhiên nhỏ nhắn, xinh xắn đáng yêu :
Dưới cầu nước chảy trong veo
,
(169)
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt
tha. (170)
Thiên nhiên đượm tình càng tôn
thêm vẻ đẹp tình cảm của chàng Kim cô Kiều. Phải chăng tình cảm sáng trong
của Kim-Kiều như dòng nước trong veo đang chảy dưới cầu. Và tình cảm ấy gắn
bó khăng khít khó thể tách rời như cầu gắn với nước, tơ liễu gắn với bóng
chiều. Nhưng dường như có một dự báo sự cách trở vì ‘’Nước đi đi
mãi không về cùng non’’. Có thể xem đây là một cuộc tạm chia tay cực đẹp để
rồi sau đó Kiều-Kim phải thao thức mộng tưởng. Hành trình của chuyện tình
cùng với nỗi khổ của cô Kiều cũng bắt đầu từ đây.
Khác với Nguyễn Du, khi tả Kim
Trọng Thanh Tâm Tài Nhân lại đi sâu vào sự chấn động của tâm hồn : ‘’Kim
Trọng ngây ngất cả người, xiêu xiêu cả tinh thần, bụng bảo dạ : thế này
thì mình đến tương tư chết mất, rồi chàng lẩm nhẩm tự thề không lấy được Kiều
thì suốt đời không lấy ai nữa.
Vì có Vương quan đấy, không tiện
nán ở lại lâu, Kim Trọng đành phải qua loa cáo từ lui gót.
Vương viên ngoại cũng sai người
đến đón hai nàng lên kiệu’’
- Cũng là bức vẽ về Kim Trọng
nhưng đây lại là bức vẽ mang tính chất cách điệu:
Hiên sau treo sẵn cầm
trăng,
(467)
Vội vàng Sinh đã tay nâng ngang
mày. (468)
Nét hoạ “Tay nâng ngang mày ” thể
hiện thái độ trân trọng thán phục trước tài đàn, một trong bốn tài năng – cầm
kỳ thi hoạ đã trở thành nức tiếng của người con gái họ Vương. Không chỉ là sự thán phục, bức vẽ còn muốn bổ sung thêm
một thông tin cần thiết về chàng Kim. Chàng văn nhân hào hoa phong nhã không
chỉ là một con người chỉ biết yêu cái đẹp của văn chương mà còn là một con
người rất am hiểu và sành điệu nghệ thuật âm nhạc. Người đọc sẽ chẳng ngạc
nhiên khi Kim Trọng có rung cảm mạnh mẽ, đưa ra những nhận định xác đáng khi
nghe tiếng đàn của cô Kiều.
1-1-4)Chân dung Từ Hải:
Nếu Kim Trọng hiện ra trong sắc
chiều êm ả thì Từ Hải được vẽ ra trong đêm thanh tĩnh gió hây hây thổi, không
khí huyền ảo tràn ngập ánh trăng. Bức chân dung đã có thêm nét tối sáng,
nét rõ mờ rất phù hợp với chất huyền thoại của nhân vật. Bút lực của
Nguyễn Du không dồn vào màu sắc mà dồn vào đường nét. Nét bút có đường nét
to và rất mạnh mẽ ”râu hùm, hàm én, mày ngài”, phóng bút nhiều chiều, chiều
ngang –vai năm tấc rộng, chiều dọc –thân mười thước cao; chiều cao-đội trời
và chiều thấp - đạp đất. Thật đúng khi cho rằng “tác giả muốn làm
cho không gian chung quanh Từ Hải rộng thêm ra, từ mặt người, từ bóng dáng,
từ tài năng phát tia ra, nên đã đặt nhiều dấu huyền, bởi thanh có dấu huyền
không đứt gọn như thanh không dấu, mà nhoà rộng ra… ” [92, 267]. Cũng là
“ngài” nhưng đối với Thuý Kiều, Nguyễn Du vẽ “nét ngài” còn Từ Hải là ”mày
ngài”, một bên chỉ là đường nét, còn một bên lại là hình thể của sự
vật ; một bên là sự mềm mại còn một bên là sự mạnh mẽ kiên quyết. Điểm
vào chân dung nhân vật là những phụ bút như gươm đàn làm tăng thêm chất hào
hùng, tài năng phi thường của Từ Hải. Ngoài những hình ảnh tượng trưng
ước lệ thường gặp trong những bức tranh miêu tả nhân vật anh hùng ’’râu hùm,
hàm én, mày ngài...’’, Nguyễn Du còn tạo ra một không gian đầy chất huyền
thoại, tiết điệu ngắt bất ngờ ‘’bỗng đâu’’để tạo ra nét riêng biệt của
người anh hùng -bất ngờ trong sự xuất hiện và cũng rất bất ngờ trong sự quyết
định chọn người tình lý tưởng. Một con người dám ‘’chọc trời khuấy
nước’’ sẽ có một chuyện tình dị thường hiếm có là lẽ đương nhiên, là sự lôgic
của một tính cách.
Ngoài ra, khi hoạ chân dung nhân
vật Từ Hải, Nguyễn Du rất lưu ý đến cấu trúc cân đối-cân đối về hình ảnh-râu,
hàm, mày- vai, thân, cân đối về nhịp điệu- câu lục nhịp thơ 2-2-2 câu bát
lại nhịp thơ 4-4, và cân đối cả về mặt ngôn ngữ- những từ Hán Việt
‘’anh hào, côn quyền, lược thao‘’ tạo nên sự trang trọng và những từ thuần
Nôm tạo nên sự gần gũi, đời thường.
-Chân dung Từ Hải lúc ngồi
ghế quan toà:
Vẻ đẹp kiêu hùng và tài năng tuyệt
đỉnh của họ Từ càng được tô đậm hơn qua bức tranh ngồi ghế quan toà:
Quân trung, gươm lớn, giáo
dài, (2311)
Vệ trong thị lập, cơ ngoài song
phi . (2312)
Sẵn sàng tề chỉnh uy
nghi,
(2313)
Bác đồng chật đất, tinh kỳ rợp
sân. (2314)
Trướng hùm mở giữa trung quân
, (2315)
Từ công sánh với phu nhân cùng
ngồi.(2316)
Đây có thể xem là bức họa về cảnh
đoàn quân chiến thắng trở về và đang chuẩn bị xử án.Vì thế, Nguyễn Du dùng
nhiều nét nhọn, nét thẳng đứng, nét ngang gợi lên cảnh tượng giáo gươm tua
tủa, đoàn quân nghiêm trang, hào khí ngất trời, uy thế dữ dội. Bức tranh được
thiết kế theo kiểu cái phụ làm rõ cái chính, cảnh tượng chung quanh làm rõ
nhân vật trung tâm -Từ Hải –Thuý Kiều. Từ một vị thế của kẻ tôi đòi trước
kia, Kiều đã hoá thân thành vị “phu nhân mệnh phụ”, kẻ xử án. Một sự hoá thân
như có phép màu, phép màu đó không do một lực lượng siêu nhiên nào mà do
chính đấng anh hùng luôn lấy công lý làm đầu, nghĩa tình làm trọng tạo
dựng.
Mặc dù trong cuộc báo ân báo oán,
Nguyễn Du vẽ nhân vật Từ Hải nhạt hơn nhân vật Thuý Kiều nhưng không vì thế
người anh hùng trở thành nhân vật thứ yếu trong bức tranh xử án. Nguyễn Du
rất tinh tế khi để cho Từ Hải tuyên bố“Mặc nàng xử quyết, báo đền cho minh.”.
Rõ ràng Từ Hải không phải là người chỉ biết đến cái chung mà rất trân trọng
việc riêng của Kiều. Vì chỉ có Kiều mới xử đúng người đúng tội. Có chăng cái
uy của Từ Hải đã góp phần không nhỏ trong việc tạo ra cái uy của chủ toạ
phiên toà? Từ Hải có thể xem là người thiết kế còn Kiều chính là người thi
công.
-Chân dung Từ Hải chết đứng :
Kiêu hùng bao nhiêu Từ Hải lại
chết một cách oan nghiệt bấy nhiêu. Bức hoạ về hình tượng người anh hùng chết
đứng lại mang chất hoạ khác. Đây là bức hoạ tĩnh giàu chất điêu khắc
có đường nét cứng. Thi hào như muốn tạc tượng một huyền thoại anh hùng
khao khát tự do trong cái xã hội mà cái đẹp và tài năng không có đất tồn tại
:
Khí thiêng khi đã về
thần,
(2519)
Nhơn nhơn còn đứng chôn chân giữa
vòng! (2520)
Trơ như đá, vững như đồng
,
(2521)
Ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng
rời. (2122)
Từ Hải thua trong thế thắng, chết
nhưng còn sống mãi với đời. Hình tượng chết đứng đầy oan thiêng của Từ như
một lời tố cáo đanh thép cái xã hội: Lẽ phải và chiến thắng thuộc về kẻ có
quyền và sự gian trá. Vài trăm năm sau chúng ta lại bắt gặp hình tượng người
anh hùng chết đứng trong thơ Lê Anh Xuân:
Anh ngả xuống trên đường băng Tân
Sơn Nhất,
Nhưng anh gượng đứng lên tì súng
trên xác trực thăng.
Anh đang chết trong khi đang đứng
bắn,
Máu anh tuôn theo lửa đạn cầu
vòng.
1-1-5) Chân dung người khách viễn
phương:
Nhân vật người khách viễn phương
không rõ tên tuổi quê quán, nghề nghiệp, xuất hiện gián tiếp thoáng qua thông
qua lời kể của Vương Quan nhưng vẫn gây ấn tượng. Nhân vật này tạo thành bộ
ba nhân vật nam chính diện-Từ Hải, Kim Trọng, người khách viễn phương. Mỗi
người mỗi tính cách. Từ Hải hào hùng dũng mãnh ngang tàng, rộng lượng, Kim
Trọng hào hoa phong nhã, thuỷ chung còn người khách viễn phương rất cao
thượng. Khi họa bức chân dung người khách viễn phương, Nguyễn Du không đi sâu
vào diện mạo mà chú trọng đến cử chỉ, hành động để làm tóat lên nét đẹp
tâm hồn. Chỉ một vài biểu hiện thể hiện sự khẩn trương chu đáo ”xa nghe,
tìm đến”, “Sắm sanh nếp tử, xe châu”(77), thể hiện sự đau đớn xót xa ”khóc
than“ và đặc biệt hành động vội vội vàng vàng “vùi nông” khi chôn cất thi hài
Đạm Tiên, nhân vật này đã để lại những dư vị ngọt ngào trong lòng người đọc.
Là một kẻ đến sau nhưng lại là người biết ra tay hành động, đó chính là phẩm
chất của một con người biết trân trọng cái đẹp, sự tài hoa. Người khách viễn
phương cảm kích và mến phục sứ giả Đạm Tiên cũng đúng thôi. Bởi lẽ, Đạm Tiên,
một nhân vật được không ít người ngưỡng vọng. Trong khi dẫn giải, Vương Quan
đã hết lời ngợi ca “Nổi danh tài sắc một thì,”(63). Và hồn ma Đạm Tiên cũng
được Nguyễn Du vẽ bằng những nét vẽ rất thanh tao” Có chiều phong vận, có
chiều thanh tân.”(180). Ở nhân vật người khách viễn phương có nét gần gũi với
nhân vật Từ Hải. Cả hai đều xuất phát từ cái tâm sáng, sẵn sàng dẹp bỏ những
định kiến hẹp hòi để cảm thấu số phận bi kịch của những người làm gái lầu
xanh, làm nghề xướng ca vô loài.
1-2)Nhân vật phản diện :
Đối với những nhân vật phản diện,
Nguyễn Du không miêu tả tỉ mỉ trang trọng. Chỉ cần vài ba nét phác hoạ ông
để lại những ấn tượng sâu sắc. Nguyễn Lộc đã nhận xét: “Nguyễn Du
cố gắng làm cho nó gần gũi với đời sống, với hiện thực(…) Đặc biệt bút pháp
của nhà thơ khi xây dựng nhân vật này thường nổi rõ tính chất hiện thực xã
hội chủ nghĩa” [49,400]. Dưới góc nhìn của hội hoạ, ta thấy những nhân vật
lọai này thường được Nguyễn Du dùng những sắc màu nhợt nhạt, đường nét mang
tính chất chấm phá, khai thác tính chất mất cân đối trái tự nhiên để làm rõ
tính cách nhân vật.
1-2-1) Chân dung Tú Bà:
Nhân vật Tú Bà hiện ra chỉ bốn nét
bút với một sắc màu hai đường nét :
Thoát trông nhờn nhợt, màu
da, (923)
Ăn gì cao lớn, đẫy đà làm
sao? (924)
Trước xe, lơi lả han chào
,
(925)
Hoặc
:
Tú Bà vắt nóc lên giường ngồi
ngay.(950)
Không phải là đường nét mềm mại
uyển chuyển, sắc trắng đẹp đẽ tinh nguyên như Thuý Vân, Thuý Kiều mà đây là
màu trắng hơi vàng, nhợt nhạt do ở nơi tăm tối, đường nét chệch
choạc mất tính cân đối, vượt khuôn khổ cho phép “to lớn đẩy đà”, trái
ngược với quan niệm thẩm mỹ của cộng đồng, dáng ngồi rất chủ chứa “vắt nóc”,
ngôn ngữ đưa đẩy. Chỉ cần bốn nét vẽ, đặc biệt là nét vẽ ”nhờn nhợt”, vừa
gợi lên được màu da tạo được cảm giác ghê tởm, vừa thể hiện được quá khứ
giang hồ, thi hào Nguyễn Du đã nói đúng một trong những nét rất đặc trưng của
những bà chủ chứa kiểu mẫu chính hiệu”đẫy đà xác thịt”(chữ dùng của Hà Như
Chi). Nhưng nếu bức hoạ này đựơc một hoạ sĩ tài ba vẽ lại thì sao? Nguyễn Văn
Hạnh đã kết luận:”Hoạ sĩ chỉ có thể vẽ một mụ Tú Bà cao lớn to béo, màu da
nhờn nhợt, với kích thước, sắc độ như mình muốn, nhưng chỉ được trên từng bức
tranh cụ thể một kích thước, sắc độ nhất định mà thôi. Và người xem chỉ tiếp
xúc một hình thể Tú Bà hoàn toàn xác định. Còn trong trí tưởng tượng của
người đọc thì hình tượng Tú Bà do Nguyễn Du tạo nên không hoàn toàn xác định.
Và ở các người đọc khác nhau, các lần đọc khác nhau, lại có những mụ Tú Bà
kinh tởm khác nhau, những mức độ nhờn nhợt cao lớn, đẩy đà khác nhau”
[57,12]. Điều mà Nguyễn Văn Hạnh khẳng định đó chính là sự đồng sáng tạo
trong quá trình tiếp nhận văn học. Và điều này có lẽ không chỉ đúng với nhân
vật Tú Bà mà còn đúng với quá trình tiếp nhận những nhân vật khác.
1-2-2)Chân dung Mã Giám Sinh:
Đây là một con buôn đội lốt nho
sinh trường Quốc tử Giám. Bản chất lỗ mảng bịp bợm lái buôn được Nguyễn Du phác
hoạ bằng ba nét vẽ thần tình theo quan niệm “xem mặt mà bắt hình dong” - mày
râu tỉa tót cẩn thận, áo quần thẳng thớm và vị trí ngồi ở chỗ cao để xem hàng
cho rõ “ngồi tót”.
So với Sở Khanh, nhân vật Mã Giám
Sinh đóng kịch tài hơn nhiều. Hắn đã dàn dựng lễ vấn danh y như thật với
những nghi lễ theo phong tục truyền thống “Sính nghi, canh thiếp, nạp thái vu
quy”. “Vải thưa không thể che mắt thánh”, dưới ngòi bút thần tình của thi
hào, hắn không thể giấu hết tất cả những kẽ hở vốn có của những kẻ gian xảo. Nguyễn
Du cho hắn hiện ra từ từ ”Ngồi tót, đắn đo, cân sắc, cân tài, ép, thử, cò
kè, ngã gía, định ngày” rồi điểm huyệt đúng ngay vào những chỗ hắn che đậy
không kín kẽ- xa hắn nói gần, mua người về lầu xanh hắn nói “mua ngọc đến
Lam Kiều”, đứng tuổi nhưng lại làm ra vẻ trai tơ bảnh chọe, cò kè mặc cả, ép,
thử mà lại bảo đi kiếm vợ lẽ ? Bản chất lái buôn càng thể hiện rõ hơn khi hắn
phát ngôn. Lúc sự việc chưa ngã ngũ hắn phát ngôn rất nhũn nhặn” Rằng:”mua
ngọc đến Lam Kiều, Sính nghi xin dạy bao nhiêu cho tường?””, nhưng đến lúc
nắm thế thượng phong hắn phát ngôn thật lạnh lùng” Tiền lưng đã sẵn việc gì
chẳng xong”. Và đây chính là lúc con buôn họ Mã đã lộ nguyên hình. Như thế
vẫn chưa đủ, Nguyễn Du còn phác hoạ thêm những bức phụ hoạ về một lũ
nhỏ loi choi lóc chóc. Thầy trò họ Mã, đúng là một đám người lăng xăng lít
xít, lộn xộn, láo nháo, vô học, thiếu văn hoá:
Quá niên trạc ngoại tứ tuần,
(627)
Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh
bao. (628)
Trước thầy, sau tớ lao xao,
(629)
Nhà băng đưa mối, rước vào lầu
trang. (630)
Ghế trên ngồi tót sỗ sàng
,
(631)
Nói chung, khi xây dựng nhân vật
Mã Giám Sinh, bút lực của Nguyễn Du dồn vào việc vạch trần mâu thuẫn giữa chức
danh của tên họ Mã và bản chất lái buôn bịp bợm thị của khinh người, sự trái
khuấy giữa tuổi tác và dáng vẻ, giữa lời nói và việc làm. Cùng với một số
nhân vật phản diện khác, nhân vật Mã Giám Sinh đã góp phần tạo thành một
chuỗi nhân vật có tính cách tương cận: Tú Bà –chủ chứa, tàn bạo, Mã Giám Sinh
- lão luyện chuyên săn lùng nguồn hàng, Sở Khanh- tên ma cô điểu cáng chuyên
dắt gái và bảo kê. Chúng là những nhân vật tiêu biểu cho những ổ chứa và tất
cả “đều bộc lộ mối quan hệ mờ ám, mơ hồ bất minh ”(Chữ dùng của Đặng Thanh
Lê)
1-2-3)Chân dung Sở Khanh:
Đây lại là một tên ma-cô sống bám
lầu xanh, sống trên thân xác của người phụ nữ như một loại chùm gửi. Bức hoạ
về tên lưu manh này khác với bức hoạ về tên họ Mã. Đối với Mã Giám Sinh
“xem mặt” có thể “bắt hình dong” nhưng đối với họ Sở lại khác, bởi lẽ những
đường nét về dáng người phục trang của hắn khá thanh tao:
Một chàng vừa trạc thanh xuân,
(1059)
Hình dong chải chuốt, áo khăn dịu
dàng.
(1060)
Sở Khanh đã rẽ dây cương lối nào !
(1126)
Nhân vật Sở Khanh có dáng vẻ của
”một nhà nho nhưng ngay trong hình dáng đã có cái gì tỏ ra rằng Sở Khanh
không phải là một nhà nho chân chính” [42,470].
Sở Khanh là một kiểu người “Vừa ăn
cướp vừa la làng”, vừa táo tợn vừa tỏ vẻ nhẹ nhàng khiếm nhã. Chẳng mất gì mà
hắn vừa kiếm được chì vừa kiếm được chài. Khi Kiều vạch rõ chân tướng cũng là
lúc sự trơ trẻn của hắn được phơi bày ”Nhơ tuồng, nghỉ mới kiếm đường tháo
lui.”(1188). Dưới ngòi bút Nguyễn Du, Sở Khanh đã trở thành“lưu danh thiên
cổ”(Chữ dùng của Hoài Thanh). Sự táo tợn của hắn còn hơn cả chàng Đông-juan
của văn học phương Tây.
Có một nét rất chung về hai bức
hoạ Mã Giám Sinh và Sở Khanh. Vẽ hai nhân vật này Nguyễn Du chỉ dùng đường
nét chứ không dùng tới màu sắc. Màu sắc được gợi lên qua trí tưởng tượng của
từng người tiếp nhận.Và cả hai bức hoạ đều có hai nét vẽ xuất thần :“rẽ dây
cương” và “ngồi tót sỗ sàng”. Hai nét vẽ truyền thần cũng là hai tính cách
của hai nhân vật: lỗ mảng của Mã Giám Sinh và tráo trở của Sở Khanh.
1-2-4)Chân dung mẹ Hoạn Thư :
So với các nhân vật khác, nét vẽ
về mẹ Hoạn Thư có thêm nét mới. Nhân vật Họan Bà được bố trí như một tượng
thần trong khung cảnh màn che trướng phủ đèn thắp sáng. Khác với lối ngồi
“Vắt nóc” của bà chủ chứa, mẹ Họan Thư có cung cách ngồi trực diện rất bệ vệ.
Trong bức tranh:
Ban ngày, sáp thắp hai bên,
(1723)
Giữa gường thất bảo, ngồi trên một
bà. (1724)
Nguyễn Du đã thể hiện được cái tài
phối cảnh, phối màu để làm rõ tính chất của nhân vật, khung cảnh sống đế
vương của những gia đình quyền lực trong xã hội ngày xưa. Anh sáng của đèn
“sáp thắp” hai bên gợi lên sự thâm nghiêm uy quyền và làm hiện rõ sự giàu có
“giường thất bảo”. Và kẻ có nhiều quyền lực đang thụ hưởng cuộc sống vương
giả ấy không ai khác là mẹ họan Thư . Bà chính là nhân vật kiểu mẫu cho những
quan bà trong cái xã hội “Cấu xé người nhai nuốt ngọt ngon”. Chúng vô ngôn
nhưng độc địa nham hiểm, sẵn sàng bày mưu chỉ kế đốt nhà, bắt người hành hạ
cho thoả thích. Ngoài tính chất hiện thực bức vẽ về nhân vật mẹ Hoạn Thư còn
mang tính chất “trào phúng” [42,758]
1-2-5)Chân dung Hoạn Thư:
Đới với nhân vật Hoạn Thư, Nguyễn
Du không hoạ tác một bức chân dung đầy đủ và cụ thể về dáng vẻ bên ngoài như
một số nhân vật khác. Điều này cũng hợp lý vì Hoạn Thư là loại nhân vật mang
tính chất duy lý, khôn ngoan sắc sảo. Tất cả mọi hành động lời nói, kế sách
đốt nhà bắt cóc, bịt miệng bọn tôi tớ đến việc chờ đợi thời cơ, cách thức
hành hạ Thuý Kiều, đưa Thúc Sinh vào tròng, biện minh trước chủ toạ phiên
toà, Hoạn Thư đều tính toán một cách chu đáo, kỹ càng và đạt hiệu quả.
Do chân dung Hoạn Thư không mang
tính tập trung ở một một đoạn thơ cụ thể cho nên người đọc muốn xem rõ chân
dung nhân vật này phải tập hợp một số chi tiết qua một chuỗi dài sự kiện”thơn
thớt nói cười, cười nụ, nhón chân đứng nép, rẽ hoa bước vào, lại thét lấy
nàng, nổi giận đùng đùng”. Tất cả đã làm hiện lên một khuôn mặt trẻ tươi
nhưng không kém phần sắc sảo, bản lĩnh và sẵn sàng biến thái khi cần thiết
dáng người thon thả, cử chỉ từ tốn, trí tuệ khôn ngoan. Hoạn Thư có sự
kết hợp khéo léo giữa con người tình cảm (ghen tuông) và con người lý
trí (kiềm chế tính ghen), giữa sự tuân phục và sự phản ứng chế độ đa thê.
Hoạn Thư chính là bản sao có sáng tạo của nhân vật bà Hoạn Quan. Có chăng,
Nguyễn Du muốn san bớt sự tàn bạo ở nhân vật Họan Thư sang Họan Bà?
1-2-6)Nhân vật Hồ Tôn Hiến:
Trong các nhân vật xuất hiện, đây
là nhân vật có quyền uy cao nhất, nhân vật được đặt trong thế đối đầu với Từ
Hải. Đối với nhân vật này nét vẽ của Nguyễn Du có gì lạ?
Nghe càng đắm, ngắm càng
say, (2579)
Lạ thay mặt sắt, cũng ngây vì
tình. (2580)
So với những bức vẽ chân dung nhân
vật có lẽ đây là một trong những bức vẽ thành công và đặc sắc. Đường nét và
sắc màu mang nội hàm ý nghĩa rất lớn. Nguyễn Du rất tinh tế khi thực hiện
những nét vẽ về sự thay đổi của từng ánh mắt, độ co giãn của từng sắc
mặt: nghe-đắm, ngắm-say-ngây để làm rõ bản chất háo sắc của một tên quan lắm
quyền. Là một kẻ ”kinh luân gồm tài” từng xông pha trận mạc vậy mà trước
mặt Thúy Kiều hắn đã bị mất phương hướng-tình cảm bị cuốn hút, lý trí hết
hiệu lực và cuối cùng đờ đẫn ngây dại. Nói như Hoài Thanh”Nguyễn Du đã giết
Hồ Tôn Hiến bằng một chữ “ngây” cũng như giết Sở Khanh bằng chữ “lẻn”. Trong
bao nhiêu người mê Kiều, Nguyễn Du đã dành riêng chữ “ngây” cho Hồ Tôn
Hiến”[42,474]
Đặc biệt, trong bức chân dung về
Hồ Tôn Hiến chúng ta còn tìm thấy những bức tranh nhỏ đặt cạnh nhau, tiếp
nối nhau và thậm chí trái ngược nhau” mặt sắt- ngây”. Cách sắp xếp đó đã
góp phần không nhỏ trong việc tô đậm tính cách nhân vật, tạo ra sự khác biệt
trong việc thực hiện các bức chân dung nhân vật.
Chọn vẽ Hồ Tôn Hiến vào thời điểm
Từ Hải chết trận, Kiều phải dâng rượu hầu đàn, Nguyễn Du như muốn khẳng định
sự đối nghịch về đạo đức: đê hèn, xảo quyệt, vụ lợi điểu cáng hòan tòan tương
phản với cái đẹp của sự hy sinh, lòng trung thực, sự thuỷ chung. Kiều khuyên
Từ ra hàng là xuất phát từ cái đức. Hồ Tôn Hiến lật lộng đánh lén để chiến
thắng và bắt vợ của người chiến bại hầu rượu mua vui là phi đạo đức. Rõ ràng
chất người của Kiều càng cao thì chất người của Hồ Tôn Hiến càng không có.
Cũng là bức vẽ về nhân vật Hồ Tôn
Hiến nhưng bức vẽ:
Đẩy xe vâng chỉ đặc sai,
(2453)
Tiện nghi bát tiễu, việc ngoài
đổng nhung. (2454)
thì “người ta thấy hoạ sĩ vẽ
bức tranh này là một nhà hoạt hoạ trào phúng đến ghê gớm! Tiện nghi, bát
liễu, việc ngoài, đổng nhung, thanh la, não bạt đập gõ loèng xoèng, nhưng mi
là một tên gian đối…” [92,115].
Hình ảnh tên quan tổng đốc trọng
thần gợi ta nhớ đến ông quan phủ xử kiện Thuý Kiều:
Trông lên mặt sắt đen sì,
(1409)
Lập nghiêm trước đã, ra uy nặng
lời: (1410)
Cũng là “mặt sắt” nhưng ông quan
xử kiện không có sự biến thái nhanh chóng. Bổ sung thêm định ngữ ”đen sì”,
Nguyễn Du muốn nói đến một ông quan “chính trực và oai nghiêm”. Nhưng ở ông
có sự xen lẫn giữa cái nghiêm minh lạ đời – đánh người tàn nhẫn và sự cảm
thông trước hoàn cảnh, thán phục trước tài năng không được thi thố của Kiều.
Còn một tên quan nữa, đó là tên
quan “cướp ngày”. Hắn chẳng cần tra khảo mà chỉ:
Rường cao rút ngược dây
oan, (593)
Dẫu là đá cũng nát gan lọ
người! (594)
“Thần công lý chỉ dịu cơn thịnh nộ
khi nghe thấy có mùi tanh của hơi đồng “Có ba trăm lạng việc này mới xong
”[49, 371]
1-2-7) Chân dung bọn sai nha:
Đây là bọn người tôi tớ tay sai,
vũ khí ”pháp luật” của kẻ có quyền. Để cho chúng xuất hiện, Nguyễn Du như
muốn làm rõ thêm sức mạnh vạn năng của đồng tiền, bản chất của xã hội “Có ba
trăm lạng việc này mới xong” hay “Tiền lưng đã sẵn việc gì chẳng xong”. Đối
với bọn sai nha, Nguyễn Du hoạ tác bằng những nét vẽ dị hợm nửa người nửa
ngựa, hành động theo bản năng- chửi, trói, vét với những đồ nghề chuyên gây
án ”thước, đao, già giang ”. Sự xuất hiện của bọn người “Đầu trâu mặt
ngựa ”đã làm cho cái không khí vốn yên bình đầm ấm ngăn nắp của gia đình
Vương Viên Ngoại bỗng trở nên lộn xộn nhốn nháo rối tung. Tương phản với sự
bàng hoàng sửng sốt của cha con Vương Ông là những tiếng la, tiếng chửi,
tiếng đồ đạt bị lật tung và bị vét “ sạch sành sanh ”. Với ba âm thanh ngày
càng vang động dữ dội “xôn xao, ào ào, vang tiếng ”, ba hành động “ào ào như
sôi, buộc hai thân hình, vét cho đầy túi tham”, ba hình ảnh đặc tả ”Nách
thước, tay đao, đầu trâu mặt ngựa”, Nguyễn Du đã lột trần bản chất tàn bạo
độc ác, tham lam, hung hăng, dữ tợn của bọn người bất chấp công lý. Nói như
Nguyễn Lộc “Công lý của bọn chúng là công lý của bọn đầu trộm đuôi cướp”[49,
371]
1-3)Nhân vật trung tính:
Chân dung Thúc Sinh:
Xếp nhân vật Thúc sinh vào loại
nào cho đúng? Có thể xem đây là một loại nhân vật trung tính, một loại người
đa tình nhưng bạc nhược, một nhân vật vừa có mặt tốt vừa mặt chưa tốt. Chính
cái mặt tốt và mặt chưa tốt của Thúc Sinh mà chất người ở nhân vật này thể
hiện đậm nhất. Là một người có vợ Thúc Sinh phải làm sao đây trước một Hoạn
Thư con nhà quyền thế? Có lẽ ta cũng không nên đòi hỏi gì hơn ở nhân vật này.
Trong tác phẩm Truyện Kiều, tính
cách của Thúc Sinh thể hiện ở nhiều tình huống:
Tiểu thư vội thét:”Con Hoa!
(1843)
Khuyên chàng chẳng cạn, thì ta có
đòn!” (1844)
Sinh càng nát ruột, tan hồn,
(1845)
Chén mời, phải ngậm bồ hòn, ráo
ngay! (1846)
Nhưng có lẽ chất họa thể hiện rõ
nhất về nhân vật này là lúc Thuý Kiều có dịp báo ân báo oán:
Cho gươm mời đến Thúc Lang,
(2325)
Mặt như chàm đổ, mình dường dẽ
run. (2326)
Với một sắc màu có pha tạp (xanh
pha tím) thể hiện sự biến thái của sắc mặt và một đường nét run rẩy (dẽ run
–một loài chim có mỏ dài, cái đuôi luôn phe phẩy) thi hào đã khắc hoạ một tính cách tiêu biểu cho một loại
người trong xã hội– khoác lác nhưng nhu hèn sợ vợ. Đây là một kiểu nhân vật
không hoàn toàn trùng lặp trong tác phẩm. Trước Thúc ông, Thúc Sinh xử sự
“như một kẻ ăn vụng bị bắt quả tang”(Chữ dùng của Lê Đình Kỵ), trước pháp
đường Thúc Sinh khóc lóc tự oán trách mình, trước Thuý Kiều hắn cho Hoạn Thư
là người nham hiểm, trước Hoạn Thư hắn xem Thuý Kiều là người không quen
biết. Khi Thuý Kiều “đưa gươm mời đến Thúc Lang” hắn run lẩy bẩy” nhưng đến
khi Thuý Kiều trả ơn hắn “mừng sợ khôn cầm”. Nhân vật Thúc Sinh là sự tổng
hợp giữa ba dòng máu Thúc sinh –Sở Khanh –Kim Trọng. Lê Đình Kỵ nhận xét thật
đúng:”Thúc Sinh cũng có chút máu Kim Trọng trong người, nhưng sự việc xảy ra
sẽ biến dần y thành một tên Sở Khanh không hơn không kém.”[42,707].
Nói chung, có bao nhiêu nhân vật
là có bấy nhiêu bức vẽ. Nhiều khi chỉ một nhân vật nhưng lại có nhiều bức vẽ
khác nhau, bổ sung cho nhau nhằm hoàn thiện tính cách. Vẽ chân dung nhân vật,
đối với Nguyễn Du không chỉ thông qua sự quan sát, óc liên tưởng mà còn
vẽ bằng cả tâm hồn trái tim. Nhờ vậy, mỗi sắc màu, mỗi đường nét đều có giá
trị ngữ nghĩa sâu sắc. Và đằng sau những bức vẽ, ta như thấy thấp thoáng số
phận và cả một phần đời nhân vật được gởi gắm trong đó.
Đặc biệt, sự thần tình của Nguyễn
Du là đã tạo ra những bức chân dung có sức sống vĩnh viễn và trở thành những
qui ước đánh giá của xã hội. Ông đã sáng tạo ra “Những con người thực hơn
những con người thực” [27,193]. Nhắc đến cái tên Sở Khanh là ta nghĩ ngay đến
một tên lưu manh lừa lọc. Nhắc đến cái tên Tú Bà là ta nghĩ ngay đến một bà
chủ chứa chuyên nghiệp. Nhắc đến cái tên Mã Giám Sinh là ta nghĩ ngay đến một
tên buôn người có cỡ. Và chỉ nghe đến cái tên Hoạn Thư là ta nghĩ ngay đến
kiểu ghen độc đáo có một không hai. Sở Khanh, Tú Bà, Mã Giám Sinh ....vốn là
những danh từ riêng giờ đây lại trở thành những danh từ chung chỉ những hạng
người trong xã hội. Phải là người có vốn sống phong phú, lượng ngôn từ đầy
ắp, rất am hiểu nghệ thuật hội hoạ, Nguyễn Du mới phác hoạ được những bức
chân dung đa dạng và có sức sống như vậy .
2) Chất hoạ trong những bức
tranh phong cảnh:
Trong văn chương từ cổ chí kim,
những bức tranh phong cảnh dường như không bao giờ vắng mặt nếu không muốn
nói là tràn ngập. Xuất phát từ quan niệm, cách nhìn, mỗi thời đại có phương
thức thể hiện khác nhau. Nếu văn học thời hiện đại ít dùng tới những hình ảnh
ước lệ, đòi hỏi tính đột phá trong sáng tạo của người nghệ sĩ thì văn học
truyền thống lại hay dùng tới những công thức - hình ảnh mang ý nghĩa tượng
trưng, thường tả cảnh xen tình. Đối với Nguyễn Du, mặc dù chưa thoát khỏi
đường ray của thời đại nhưng ông cũng có những bức tranh phá khổ đi trước
thời đại. Nhận xét về nghệ thuật tả cảnh, tả tình trong thơ Nguyễn Du,
nhà nho Đào Nguyên Phổ trong bài tựa bản Đoạn Trường Tân Thanh năm 1902 có
viết: ”Nói tình thì vẽ hình trạng hợp ly tân khổ mà tình không rời cảnh; tả
cảnh thì bầy hết thú vị tuyết nguyệt phong hoa mà cảnh tự vương tình ”, còn
Lê Trí Viễn thì cho rằng :“Cảnh vật dường như một nhân vật luôn luôn có mặt,
một nhân vật im lặng nhưng hiểu thấu tâm trạng con người ….”[27,193).
Xuất phát từ góc độ chuyên môn,
hoạ sĩ Nguyễn Tiến Chung đã cho rằng”Sự tương quan giữa cảnh trong thơ ông có
lúc hoà hợp, uyển chuyển, cũng có khi tương phản nhau, nhưng cái nọ thường
làm nổi bật cái kia, hình này nói hộ hình khác, tất cả nhằm nói lên một tâm
tình. Cách bài trí thiên nhiên trong thơ ông dường như lúc nào cũng có trọng
tâm, có bối cảnh chủ đạo. Hình tượng nào cần làm lộ rõ ông cho gần lại; hình
tượng nào thứ yếu thì đẩy lùi xa và cho mờ nhạt đi, nhưng mọi hình tượng đều
ăn khớp với nhau.”[61,79]
Nghiên cứu những bức tranh tả cảnh
trong Truyện Kiều, ta nhận thấy rằng: khi hoạ những bức tranh phong cảnh,
Nguyễn Du thường vẽ bằng những nét chấm phá ít đi sâu vào chi tiết. Đặc biệt
cảnh vật được miêu tả thường bị chi phối bởi quan niệm nghệ thuật, cảm quan
của con người và thông qua lăng kính nhân vật:
Cảnh nào cảnh chẳng đeo
sầu,
(1244)
Người buồn, cảnh có vui đâu bao
giờ! (1245)
2-1) Cảnh xuân, hạ, thu,
đông:
Trong văn học từ xưa đến nay có
không ít những bức tranh tuyệt tác về xuân, hạ, thu, đông-”Xuân hiểu” Trần
Nhân Tông, “Mùa xuân chín” Hàn Mặc Tử “Thu vịnh, Thu điếu, Thu ẩm” Nguyễn
Khuyến,”Đây mùa thu tới” Xuân Diệu, “Tiếng thu” Lưu Trọng Lư, “Vịnh mùa Đông”
Nguyễn Công Trứ, “Mùa hạ” Xuân Quỳnh…. nhưng chỉ có Truyện Kiều bức tranh tứ
bình mới được hoàn chỉnh và không kém phần độc đáo.
Cũng dựa vào qui luật vận hành của
thiên nhiên vũ trụ - xuân sinh, hạ trưởng, thu liễm, đông tàn nhưng Nguyễn Du
còn sắp xếp những cảnh này sao cho phù hợp với những cuộc gặp gỡ, chia tay,
tính chất của từng mối tình. Tình yêu Kim- Kiều chớm nở vào mùa xuân; cuộc
chia tay Kiều- Thúc, cuộc bỏ trốn của Thuý Kiều với Sở Khanh rơi vào mùa
thu...
-Mùa xuân là mùa của tình yêu, mùa của lễ hội, nó là cái mốc quan
trọng trong câu chuyện tình trai tài gái sắc. Kim, Kiều gặp nhau, Kim Trọng
trở lại vườn Thuý, hai bức hoạ này có gì khác nhau trong những nét vẽ và sắc
màu?
Trước hết là bức hoạ mùa xuân khi
hai chị em Thuý Kiều du xuân. Đây là bức hoạ với những gam màu mát, đường
nét mềm mại, đúng theo qui ước của hội hoạ ”màu lạnh -lam, xanh …thường tạo
cảm giác mát mẻ…đường lượn êm dịu tạo cảm giác yên bình ” [11,59]. Cảnh
có sắc xanh của cỏ non trải dài như mở ra một không gian vô tận, có sắc trắng
của bông hoa lê điểm xuyết, có sắc vàng dịu nhẹ của ánh nắng mặt trời vào độ
tháng ba tiết thanh minh, có đường nét nhẹ nhàng êm ái của chim én, có sự vận
động khẩn trương của thời gian, có không gian của chiều cao, chiều rộng và
chiều ngang, có cái diện để rõ cái điểm. Bức tranh rất phương Đông thật thông
thoáng, cân đối, hài hòa tươi mát, sống động như chính sự sống động của tâm
hồn, của tuổi xuân hoà hợp với cảnh xuân về:
Ngày xuân con én đưa thoi ,
(39)
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu
mươi. (40)
Cỏ non xanh rợn chân trời,
(41)
Cành lê trắng điểm một vài bông
hoa. (42)
Khác với bức tranh xuân dân dã
trong thơ Nguyễn Trãi “Độ đầu xuân thảo lục như yên. Xuân vũ thiêm lai thuỷ
phách thiên...”(Trại đầu xuân độ), rất nông thôn trong thơ Nguyễn Bính ”Cỏ
nằm trên mộ đợi thanh minh. Tôi đợi người yêu tới tự tình. Khỏi luỹ tre làng
tôi nhận thấy. Bắt đầu là cái thắt lưng xanh....”(Muà xuân xanh), rất sống
động trong thơ Hàn Mặc Tử ”Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời…”(Mùa xuân chín),
bức tranh xuân trong thơ Nguyễn Du đài các, quí phái hơn. Bởi lẽ ngoài sắc
cỏ, bức tranh còn được điểm xuyết bằng những nét vẽ về bông hoa trắng trên
cành hoa lê. Hai mảng màu xanh trắng tạo nên »sự tương phản
thẩm mỹ rất táo bạo, màu trắng muốt của hoa lê nổi bật»[55, 111]. Không chỉ
khác nhau về tính chất những bức vẽ còn khác nhau về đường nét. Nguyễn Bính
nặng về nét tĩnh; Nguyễn Du, Hàn Mặc Tử nặng về nét động khẽ khàng êm ái hư
thực ; Nguyễn Trãi lại dùng nét động mạnh mẽ’’ thuỷ phách thiên’’. Ngay
cả cái sắc màu của cỏ cũng khác nhau: xanh nhạt chuyển sang đậm (thơ Nguyễn
Trãi), xanh non mơn mởn trải rộng (thơ Nguyễn Du), xanh tươi sống động (thơ
Hàn Mặc Tử), xanh lá cây im lìm (thơ Nguyễn Bính)
Cũng là cảnh xuân nhưng cảnh
xuân khi Kim Trọng trở lại vườn Thuý được vẽ bằng những nét vẽ chi tiết hơn.
Đó là một cảnh xuân buồn, trống vắng, hoang tàn, tiêu điều trong một không
gian được thu nhỏ :
Đầy vườn cỏ mọc, lau thưa,
(2745)
Song trăng quạnh quẽ, vách mưa rã
rời ; (2746)
Trước sau nào thấy bóng người,
(2747)
Hoa đào năm ngoái còn cười gío
đông, (2748)
Xập xoè én liệng lầu không,
(2749)
Cỏ lan mắt đất, rêu phong dấu
giày (2750).
Nơi đây không còn sự sống của con
người, mọi vật đều thay đổi, chỉ duy có hình ảnh sắc màu của hoa đào là không
thay đổi. Hoa đào tượng trưng cho mùa xuân, mùa xuân lại tượng trưng cho tình
yêu. Tình yêu dù chỉ còn là hoài niệm nhưng nó vẫn mãi mãi rực rỡ như cánh
hoa đào lúc độ xuân về. Hình ảnh‘’hoa đào’’ được Nguyễn Du mượn từ ý thơ của
Thôi Hộ :‘’Nhân diện bất tri hà xứ khứ, Đào hoa y cựu tiếu đông
phong’’(Mặt người chẳng biết đi đâu mất, Hoa đào vẫn như cũ, vẫn cười với gió
đông) và đặt thật đúng chỗ ‘’Cái có đột đến giữa cái không như một cứu cánh,
một điểm tựa của tâm linh. Nó như một an ủi, vỗ về làm dịu lại nỗi đau của
con người cùng một lúc đã mất đi quá nhiều những gì vô giá’’[21,213]. Hình
ảnh hoa đào đã trở thành dấu gạch nối trong hai mảng của một bức tranh- mảng
bức tranh chỉ toàn là hình ảnh của sự vật và mảng bức tranh đã có dấu vết con
người. Trong một bức tranh với nhiều loại sắc màu sắc màu- xanh, vàng, hồng,
trong đó màu hồng của hoa đào đã trở thành màu nổi bật. Sắc màu hồng rực rỡ xuất
hiện trong gam màu nhàn nhạt, trong khung cảnh hoang tàn còn là cái nghịch lý
trớ trêu, một sự bơ vơ lạc lõng.
Ngoài việc tạo ra sự tương phản
ngầm ẩn bức tranh hôm nay gợi nhớ bức tranh năm xưa, Nguyễn Du còn chủ
đích bài trí những hình ảnh lộn xộn, chẳng có trình tự :‘’cỏ mọc, lau
thưa, song trăng quạnh quẽ, vách rã rời, gió, mưa, én, lầu không, rêu phong’’
trong mọi không gian trước- sau, cao- thấp, trong- ngoài, trên- dưới. Tất
cả nương tựa vào nhau bổ sung cho nhau về mặt ý nghĩa. Đó là sự xuống cấp của
sự sống, sự phát triển tự do của thiên nhiên và tâm trạng đầy bi kịch của một
con người.
Trong bức tranh này, Nguyễn Du đã
dùng đến nhiều loại đường nét- đường nét xiêu quẹo, ngả nghiêng (vách mưa rã
rời) ; đường nét thể hiện sự vươn lên một cách tự do, cao thấp không hài
hoà (cỏ, lau, rêu) ; đường nét thể hiện sự vận động theo chiều ngang
hoặc lên xuống (én liệng ) và cả những đường nét mờ nhạt (rêu phong dấu
giày). Nó như những mảnh vụn bày ra bừa bãi không ai chăm sóc tỉa tót.
-Mùa thu:
Không đi chệch với qui ước của
người phương Đông, mùa thu trong thơ Nguyễn Du cũng buồn, gợi nhớ nhung
thương cảm, tiễn biệt, chia ly. Những Môtif ‘’cúc vàng, giậu thu, sen tàn, lá
ngô đồng, rừng phong thu được sử dụng nhiều. Lê Thu Yến trong bài nghiên cứu
về thơ thu Nguyễn Du có kết luận :”Trong Truyện Kiều, mùa thu được miêu
tả với nhiều sắc màu tương hợp đa dạng. Có vui, có buồn, có xinh đẹp có tàn
phai …với trời mây cao vời vợi, đáy nước long lanh, lá ngô giếng vàng, sân
ngô cành biếc, lá phong nhuộm hồng ...”[25, 214].
Nguyễn Du hoạ tác nhiều những bức
tranh mùa thu trong phần Thuý Kiều gặp gỡ Thúc Sinh, Sở Khanh, những mối tình
mang tính tạm bợ.
Khảo sát toàn bộ tác phẩm, ta thấy
mùa thu trong thơ ông mang nhiều ý nghĩa:
- Trong thơ Nguyễn Du, mùa thu
được dùng để định vị khoảng thời gian trôi chảy hoặc thời gian có sự xuất
hiện của nhân vật - lúc xác định, lúc không xác
định :
Nửa năm hơi tiếng vừa
quen,
(1385)
Sân ngô cành biếc đã chen lá
vàng. (1386)
Giậu thu vừa nảy giò
sương,
(1387)
Gối yên đã thấy xuân đường đến
nơi, (1388)
- Thú quê thuần hức, bén
mùi,
(1593)
Giếng vàng đã rụng một vài lá ngô
. (1594)
Sen tàn, cúc lại nở hoa,
(1796)
- Mùa thu không chỉ buồn, mùa thu
còn góp phần tạo vẻ đẹp cho cảnh trời nước mênh mông hư ảo:
Long lanh đáy nước in trời,
(1603)
Thành xây khói biếc, non phơi bóng
vàng. (1604)
- Mùa thu mùa của sự chia tay và
tiễn biệt:
Người lên ngựa, kẻ chia bào,
(1519)
Rừng phong, thu đã nhuộm màu quan
san. (1520)
Cái không gian thực nơi chia tay
và cái không gian nội tâm như hoà trộn trong một bức tranh thu đặc biệt. Bức
tranh có gam màu đỏ trong vàng thê lương tê tái, có một sự chuyển màu rất kì
diệu thần tình - xanh xuân, vàng hạ, vàng đậm, đỏ sẫm khi rừng phong vào thu.
Trong đôi mắt dõi theo của nhà thơ, con người như nhạt nhoà nhỏ bé mờ ảo gần
như mất hút trong khung cảnh rừng phong nhuộm sắc như đang mở rộng đến vô
cùng. Không gian cách trở như ngày càng xa dần, từ cái khoảng cách –người lên
ngựa và kẻ chia bào chuyển thành rừng phong tràn ngập lá đỏ và nhuốm sắc vàng
của trăng, cái bạt ngàn của rừng dâu. Có chăng đây còn là sự chuyển biến
trong tình cảm –vui đến buồn, chung đôi và xa cách lẻ loi? Hình ảnh rừng
phong chuyển sắc cũng được Nguyễn Du nói nhiều trong thơ chữ Hán:“Bán tại
giang đầu phong thụ lâm”(Thấy một nửa sắc thu ở tại rừng phong đầu sông)( Tạp
ngâm III) hay ”Phong thụ lâm trung diệp loạn phi”(Khí thu đầy rừng phong,
sương nhuộm đỏ lá cây)(Tân thu ngẫu hứng) ”Thu lai thuỳ nhiễm phong lâm
thuý”(Trong rừng phong lá thu bay loạn xạ)(Tổ sơn đạo trung). Nhưng đó chỉ là
những xúc cảm vô hạn của Nguyễn Du trước những nét gợi cảm của một loài cây
tiêu biểu cho mùa thu.
Cái màu quan san là màu gì nhỉ ?
Phải chăng đó là màu chia ly xa xôi cách trở, buồn hiu hắt và tê tái, màu của
nội tâm đầy âu lo trước một hiện thực mông lung, tương lai mờ mịt. Nói đúng
hơn đây là cái màu không có thực nhưng tồn tại trong tâm linh nàng Kiều.
Levitan cũng có một bức hoạ nổi tiếng về mùa thu vàng. Đó là bức tranh
về màu thu đẹp buồn nhưng không gây ấn tượng cách trở chia ly. Nhận xét về
chất hoạ trong bốn câu thơ tả cảnh Thúc Sinh từ biệt Thuý Kiều, Trần Đăng
Xuyền có viết: ’’Cảnh chia tay được dựng lên bằng bút pháp hội hoạ: Không có
âm thanh, chỉ có hình, có sắc. Không gian được sắp xếp theo thứ tự từ gần đến
xa, mỗi lúc một thêm mênh mông rộng lớn gợi lên khoảng cách ngày càng xa dần
của người đi kẻ ở. Ba câu thơ gợi lên ba sắc màu: Màu đỏ sẫm của rừng phong
vào thu, màu hồng của các bụi đường trường, màu xanh ngăn ngắt của ngàn
dâu’’[46,19]
- Không gian vắng lặng thê
lương khuya khoắt cũng là không gian nội tâm trống vắng buồn đến nao lòng khi
một mình một bóng ngồi chép kinh:
Sân thu trăng đã vài phen đứng
đầu. (1934)
- Khung cảnh Kiều và
Sở Khanh đi trốn càng rùng rợn và vắng lặng hơn. Sắc màu nhợt nhạt khói sương
làm Kiều lo sợ và như linh cảm được nỗi đau thân phận, tai hoạ đang rình rập:
Đêm thu khắc lậu canh tàn,
(1119)
Gió cây trút lá, trăng ngàn ngậm
gương. (1120)
Lối mòn cỏ nhợt màu sương,
(1121)
Lòng quê đi một bước đường một
đau. (1122)
Trong toàn bộ bức tranh thu sắc
vàng là sắc màu chủ đạo – vàng ngô, vàng cúc, vàng sen, vàng rừng,
vàng trăng, vàng đỏ của rừng phong. Những bức tranh có ngày có đêm, có
sớm có khuya, có không gian mênh mông cách trở, có gió mùa thu dìu dịu, có
trăng mùa thu lúc khuyết lúc tròn, lúc thẳng đứng, lúc chênh chếch, có nước
mùa thu êm ả, sáng trong. Tất cả đều buồn mong manh như dự báo một sự rạn vỡ
chia lìa, cách trở ”màu quan san, nửa vành trăng khuyết, thành xây khói
biếc”.
Trong những bức tranh thu đó có
bức tranh trở thành tuyệt tác về mùa thu, rất gần với những bức tranh sơn
thuỷ Đường Tống. Nếu nhìn ở góc độ hội hoạ có thể xếp bức tranh này vào nhóm
tranh thuộc trường phái ấn tượng:
Long lanh đáy nước in trời,
(1603)
Thành xây khói biếc, non phơi bóng
vàng . (1604)
Bức tranh được thêu dệt bằng trí
tưởng tượng tuyệt vời, mang nét đẹp vừa thực vừa hư. Khung trời rộng lớn lại
ở trong khung nước, xanh trời hoà cùng sắc xanh của nước, xanh núi được rải
sắc vàng của ánh nắng mặt trời. Giữa hai khoảng không cao thấp là những
hình khối khác nhau được kiến thiết bằng chất liệu mong manh của khói. Có
thể nói, ánh sáng, màu sắc, hình khối, hư và thực như hoà trộn vào nhau
tạo nên một bức tranh thu vượt khỏi cái khuôn ước lệ vốn có trong văn học cổ
điển. Ngôn từ đã hoá thân thành hình tượng, câu thơ trải ra thành bức tranh,
thi phẩm đã thăng hoa thành hoạ phẩm.
”Thơ thu Nguyễn Du không đạt đến
cái trong veo vô tâm, vô sự như ba bài thơ thu của Nguyễn Khuyến, cũng không
ngơ ngác mơ màng như Tiếng thu của Lưu Trọng Lư, càng không yên ả thanh bình,
râm mát như chiều thu của Nguyễn Bính...mà đặc quánh những tủi buồn, vất vả,
đắng cay của cuộc sống đời thường....”[25, 218].
Nhìn chung, mùa xuân và mùa thu là
hai mùa được thi hào hoạ tác nhiều nhất, bởi lẽ nó là mùa tình yêu- mùa tiễn
biệt. Đó là hai cái mốc về hai cuộc tình của nàng Kiều-cuộc tình thơ và cuộc
tình hờ, cuộc tình say đắm và cuộc tình lẩn trốn khổ ải.
(Còn nữa)
|