.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Thursday, January 31, 2013

NHÀ THƠ VŨ QUẦN PHƯƠNG: “GIẢI THƯỞNG HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM MINH BẠCH NHƯNG CHƯA CHÍNH XÁC”

Sự từ chối này của hai tác giả cho thấy cách chấm giải của Hội Nhà văn chưa được hoàn toàn “tâm phục, khẩu phục”. Nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng giải thưởng hằng năm của Hội là minh bạch nhưng chưa thực sự chính xác, mà lại không tạo điều kiện để tranh luận về cái chưa chính xác đó nên gây ra nhiều bức xúc.

Theo nhà thơ Vũ Quần Phương, sự chưa chính xác của giải thưởng có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là do cấu tạo thành phần giám khảo chưa chuẩn, cần có thêm nhiều người giỏi chuyên môn. Thứ hai là thẩm định văn chương thường mang nhiều cảm tính, ví như vì những cảm tình với nhau ngoài đời mà nể nang nhau khi chấm tác phẩm. Nể nang như vậy thì người không quen biết sẽ bị thiệt hơn người có quen biết, các nhà văn nhà thơ ở tỉnh xa có khi thiệt hơn những người ở Hà Nội.
CHẤM GIẢI HỘI NHÀ VĂN NÊN NHƯ CHẤM THI HOA HẬU!
(VOV) - Cách thức chấm giải thưởng hàng năm của Hội nhà văn VN theo nhiều nhà văn, nhà thơ là chưa chuẩn xác và nên có nhiều cải tiến.
Minh bạch nhưng chưa chính xác
Giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn vốn được đánh giá là một giải thưởng danh giá với hai mức độ là giải thưởng và bằng khen. Nhưng vừa rồi đã có hai nhà văn từ chối bằng khen của giải thưởng năm 2012 là nhà văn Y Ban và Phạm Ngọc Cảnh Nam. Theo thư ngỏ của hai nhà văn được đăng tải trên mạng thì nguyên nhân là họ không hài lòng với cách thức bỏ phiếu, xét giải của Hội đồng giám khảo.
Hội Nhà văn Việt Nam vẫn giữ nguyên kết quả giải thưởng đã công bố với lý do hai nhà văn không có văn bản chính thức gửi tới Hội nhà văn để từ chối bằng khen. Tuy nhiên, trong buổi lễ trao hai, hai nhà văn này không có mặt để nhận bằng khen.
Sự từ chối này của hai tác giả cho thấy cách chấm giải của Hội Nhà văn chưa được hoàn toàn “tâm phục, khẩu phục”. Nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng giải thưởng hằng năm của Hội là minh bạch nhưng chưa thực sự chính xác, mà lại không tạo điều kiện để tranh luận về cái chưa chính xác đó nên gây ra nhiều bức xúc.
Theo nhà thơ Vũ Quần Phương, sự chưa chính xác của giải thưởng có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là do cấu tạo thành phần giám khảo chưa chuẩn, cần có thêm nhiều người giỏi chuyên môn. Thứ hai là thẩm định văn chương thường mang nhiều cảm tính, ví như vì những cảm tình với nhau ngoài đời mà nể nang nhau khi chấm tác phẩm. Nể nang như vậy thì người không quen biết sẽ bị thiệt hơn người có quen biết, các nhà văn nhà thơ ở tỉnh xa có khi thiệt hơn những người ở Hà Nội.
Một nguyên nhân nữa là Ban lãnh đạo Hội Nhà văn ít nhiều có sự “uốn lượn” theo dư luận – nhà thơ Vũ Quần Phương nhận xét: “Ví dụ như anh này “đầu bò” quá thì cho cái giải an ủi để đỡ “đầu bò”. Hoặc sợ mang tiếng khen cái anh có tiền, người ta nói bị dùng tiền mua, nên cuối cùng cho giải anh nghèo hơn. Điều này về lâu dài sẽ làm hỏng dần dần nền văn học”.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng Hội đồng giám khảo 5 năm mới thay đổi một lần là quá lâu và cũng cần thay đổi thành phần của hội đồng này.
Cần phản biện và nguồn đánh giá tin cậy
Để giải thưởng tạo được sự tin tưởng và được công nhận, theo nhà thơ Vũ Quần Phương thì bên cạnh Hội đồng giám khảo nên thành lập ban phản biện. Ban này có nhiệm vụ chỉ được chê chứ không được khen thì họ mới có trách nhiệm phản biện. Còn bình thường thì thành viên giám khảo rất ngần ngại trong việc chê tác phẩm của đồng nghiệp bởi nếu tác giả biết thì sẽ mất bạn ở ngoài đời.
Đồng thời, khi công bố giải thưởng cần có bài phân tích tác phẩm này được giải vì sao, tác phẩm kia yếu ở chỗ nào để các tác giả không thắc mắc. Nhà thơ Vũ Quần Phương so sánh chấm giải văn học cũng nên như chấm thi hoa hậu. Chấm hoa hậu phải công bố số đo của thí sinh, rồi thi ứng xử, tài năng… tức là đánh giá trên nhiều mặt và đều công khai. Chấm giải văn học cũng cần công khai đánh giá như thế. Và Hội đồng giám khải cần lưu giám định lại để khi cần giải thích thì có căn cứ để giải thích cho những người thắc mắc.
Song nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thì cho rằng việc thành lập hội đồng phản biện về mặt khoa học thì chuẩn xác nhưng có thể chưa hiệu quả khi áp dụng vào xã hội Việt Nam hiện tại vì nó có thể chỉ làm phức tạp thêm. Theo ông, thay vì hội đồng phản biện, các giám khảo nên tham khảo thông thông tin dư luận nhưng là dư luận có chọn lọc: là các nhà chuyên môn, bạn đọc “cao cấp”, hiểu biết văn chương.
Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, việc thăm dò chỉ nên giới hạn trong phạm vi hẹp như vậy vì thăm dò công khai là rất khó khăn và không chính xác. Thực tế cho thấy những cuộc thăm dò công khai như việc đề cử Ban chấp hành Hội nhà văn không được coi trọng và tiến hành nghiêm túc khi số lượng hội viên khoảng 600-700 người mà danh sách đề cử Ban chấp hành lên tới khoảng 300 người.
Ý kiến đóng góp về việc chấm giải sao cho minh bạch, chuẩn xác của các nhà thơ có tiếng, giàu kinh nghiệm vẫn còn nhiều mâu thuẫn với nhau như vậy nên hành trình hoàn thiện cơ chế chấm giải thưởng của Hội Nhà văn chắc chắn vẫn còn nhiều trắc trở./.
Nguồn: VOV

NHÀ VĂN CHU LAI: “HÃY ĐỂ NHÀ VĂN LÊN TIẾNG, DÙ CÓ SỰ VA CHẠM ĐAU LÒNG, ĐÊN LÚC ĐỘC GIẢ PHẢI BIẾT ĐƯỢC CÁI THỰC TRẠNG XẤU XA ẤY”

Tự nhận mình là người ngoài cuộc của những lùm xùm này nhưng nhà văn Chu Lai cũng không giấu nổi sự bức xúc. Ông nói: "Hãy để cho các nhà văn lên tiếng đi, dù sẽ có những sự va chạm đau lòng, nhưng đã đến lúc độc giả phải biết được cái thực trạng xấu xa ấy".

Bao giờ mới có sự công bằng?
Hiện tượng nhiều tác giả từ chối giải thưởng của hội Nhà văn Việt Nam gần như không làm ai bất ngờ, thậm chí nhiều người xem đó như một sự mặc định. Trước câu chuyện của nhà văn Y Ban, nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam, và mới đây là bức thư ngỏ của nhà phê bình Nguyễn Hoàng Đức đề nghị phế truất giải thưởng của tập thơ Giờ thứ 25 (tác giả nhà thơ Phạm Đương) còn có nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng tài ba cũng từng từ chối giải thưởng của hội. Đầu tiên phải nhắc đến nhà văn Hồ Anh Thái. Năm 2003, tập truyện ngắn Tự sự 265 ngày của anh được hội Nhà văn Việt Nam trao giải Tặng thưởng. Tuy nhiên, nhà văn này đã thẳng thừng từ chối với lí do theo anh là "không nên nhận".
"Sự thực đúng là như thế!", một nhà văn nổi tiếng (xin được giấu tên) khẳng định. Ông cho rằng, nếu giải thưởng đó là công bằng, văn minh, trong sạch thì chẳng ai dại gì đi từ chối: "Cơ chế xin - cho, sự cả nể đã làm cho một giải thưởng danh giá vào loại bậc nhất nhì về văn chương lại trở nên bất công và lố bịch. Bao giờ mới có sự công bằng nếu cứ chấm giải theo kiểu cảm tình, cảm tính. Người có tác phẩm dự thi vẫn có mặt trong danh sách hội đồng sơ khảo. Như thế khác gì tự giới thiệu, tự bình xét rồi tự đánh giá tác phẩm của mình. Chưa kể đến hiện tượng con hát mẹ khen trong hội đồng giám khảo".
Trở lại với câu chuyện mới đây nhất cùng nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam, tác giả cuốn tiểu thuyết Thế kỷ bị mất, người từ chối bằng khen do hội Nhà văn Việt Nam trao tặng năm 2012. Ông cho biết, nội bộ hội Nhà văn Việt Nam như một cái đáy sông sâu, chẳng ai có thể biết được dưới đó có những gì: "Đơn giản là việc xét giải thưởng phải theo tiêu chí nghệ thuật chứ không thể vì những tiêu chí khác, ngoài nghệ thuật. Ví dụ như nói tác phẩm này, tác phẩm kia có tiêu đề nhạy cảm là không được. Nói cụ thể hơn là phải xem tác phẩm đó hay hay dở. Tất nhiên, hay hay dở còn tùy thuộc vào cái gu của mỗi người.
Để hình thành được cái gu này, cần phải có rất nhiều yếu tố như tuổi tác, giới tính, trình độ, hoàn cảnh, sự trải nghiệm của bản thân. Nhưng vấn đề ở chỗ là những yếu tố này hội tụ trong một con người sao cho đạt đến cái mẫu số chung của cộng đồng. Tức là ở cấp độ được nhiều người công nhận nhất. Cho nên phải hết sức thận trọng khi đánh giá một tác phẩm văn học, nhất là với tiểu thuyết, một thể loại văn học mở. Nó khác hẳn với truyện ngắn. Khi xếp chung truyện ngắn vào với tiểu thuyết để đánh giá giá trị nghệ thuật của tác phẩm đó rồi trao giải, gọi chung là văn xuôi như cách làm của hội Nhà văn Việt Nam hiện nay là chưa hợp lý, rất buồn cười, chẳng ở đâu có cả".
Như một lời kết buồn cho bức tâm thư tuy ngắn ngủi nhưng lại hàm ý và ẩn chứa nhiều điều, nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam viết: "Tất cả mọi hoạt động bình xét của hội Nhà văn Việt Nam đều cần phải thay đổi nhiều. Tôi nghĩ ai cũng thấy như vậy, cũng biết như vậy. Nhất là các vị trong ban chấp hành hội Nhà văn Việt Nam, họ biết rất rõ, họ thấy rất rõ nhưng có ai thật tâm muốn thay đổi đâu. Nếu muốn, chỉ cần sau một đêm là họ làm được. Làm được nhưng họ không làm và sẽ mãi mãi không bao giờ làm".
Nỗi lòng người trong cuộc
Mất năm năm để “thai nghén” và hoàn thành tác phẩm Thế kỷ bị mất, nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam cho rằng chưa bao giờ ông nghĩ tới chuyện viết ra để mang đi tranh giải. Chỉ đến khi người bạn thân thiết của ông là nhà văn Thái Bá Lộc đọc nó và khuyên rằng nên gửi dự giải. Nhưng cũng phải đến lần thúc giục thứ ba của bạn, ông mới mạnh dạn gửi sách với suy nghĩ đơn giản: "Đây là dịp tốt giúp tác phẩm của mình có cơ hội cọ xát với các đàn anh, đàn chị của nó ở nơi "phủ chúa"".
Tin tưởng và lạc quan là vậy nhưng có lẽ những gì nhà văn này nhận được chỉ hoàn toàn là sự hoài nghi lẫn thất vọng. Phạm Ngọc Cảnh Nam đã chọn cho riêng mình một giải pháp, ông lại trở về với sự lặng lẽ của mình, hàng ngày dành thời gian cho công việc viết lách. Niềm vui thú ấy như ông đã ví von, đó là một trò chơi đầy trách nhiệm: "Điều duy nhất tôi mong muốn qua sự việc này, đó là hội Nhà văn Việt Nam hãy tự nhìn lại mình, đừng có múa gậy vườn hoang mãi. Nếu còn quan niệm văn mình vợ người, tức là còn chưa đạt được đến cái mẫu số chung của cộng đồng thì nên chọn một việc làm khác hơn là ngồi chấm một giải văn học cả nước".
Nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư, tác giả của truyện ngắn Cánh đồng bất tận từng gây nhiều tranh cãi, khẳng định: "Đã rất lâu rồi, tôi không quan tâm đến các giải thưởng của hội Nhà văn Việt Nam. Đơn giản vì tôi muốn tập trung cho công việc sáng tác. Những giải thưởng này hay giải thưởng kia đều không tạo cảm hứng và động lực cho tôi. Với một nhà văn, giải thưởng lớn nhất của họ phải là sự yêu mến của độc giả".
Chu Lai, Nguyễn Ngọc Tư hay những người khác chỉ là một số hội viên trong rất nhiều hội viên khác. Họ không thể đại diện được hàng trăm cái tên khác, nhất là khi mỗi một cái tên trong hội Nhà văn Việt Nam đều chứa đựng một cái tôi rất lớn. Điều đáng quý mà người viết muốn nhắc đến đó là sự dũng cảm của họ, là tiếng nói được cất lên đúng lúc trong một thời điểm được xem là nhạy cảm.
Nhưng còn những tiếng nói khác, được bày tỏ đâu đó trên các diễn đàn, nhẹ nhàng, khách quan và cẩn trọng hơn. Nhưng chừng đó cũng đủ khẳng định một điều rằng: Hội Nhà văn Việt Nam và nhất là người có trọng trách đứng đầu không thể im lặng được nữa. Đừng khư khư giữ lấy những giả thuyết đã cũ kỹ, lạc hậu. Không thể nói mãi về câu chuyện: Trao giải cho ai là quyền của Hội và từ chối giải thưởng ấy là quyền của mỗi người. Đã đến lúc độc giả và dư luận cần một câu trả lời rõ ràng và mạch lạc hơn.
Câu hỏi đặt ra là vì sao lại có nhiều nhà văn bất mãn với chính tổ chức của mình như thế? Họ từ chối giải thưởng nghĩa là từ chối sự tôn vinh. Một nhà văn chối bỏ quyền lợi và "hồng phúc" do chính hội Nhà Văn trao tặng? Điều đó chỉ xảy ra khi bản thân sự tôn vinh đó đang chứa đựng những vấn đề còn bất cập.
Tự nhận mình là người ngoài cuộc của những lùm xùm này nhưng nhà văn Chu Lai cũng không giấu nổi sự bức xúc. Ông nói: "Hãy để cho các nhà văn lên tiếng đi, dù sẽ có những sự va chạm đau lòng, nhưng đã đến lúc độc giả phải biết được cái thực trạng xấu xa ấy. Ở cái nơi người ta lâu nay vẫn nghĩ rằng nghệ thuật sẽ được lên ngôi, được tôn vinh thì câu chuyện buồn ấy lại hoàn toàn khẳng định điều ngược lại".
Trả lời phỏng vấn của người viết, nhà văn Phạm Xuân Nguyên, chủ tịch hội Nhà văn Hà Nội cho biết: "Sự mập mờ và cách làm việc thiếu nghiêm túc đã vô tình giết chết văn chương. Khi niềm tin đã mất đi thì có nghĩa là chúng ta sẽ mất đi rất nhiều thứ nữa. Đừng mải tô vẽ và khen ngợi lẫn nhau. Hãy để độc giả làm điều đó. Còn với các nhà văn lớn, khi đã được trao trách nhiệm vào tay, công việc của họ phải là sự công minh".

Đào Bích
Nguồn: Người Đưa Tin

NHÀ VĂN NGUYỄN HOÀNG ĐỨC BÀN VỀ VIỆC CẢ NGƯỜI TRONG HỘI, CẢ NGƯỜI NGOÀI HỘI ĐỀU TỪ CHỐI GIẢI THƯỞNG VÌ BIỂU THỊ SỰ KHINH BỈ PHẨM CHẤT CỦA BCH HỘI NHÀ VĂN

Trong kinh tế, xí nghiệp nào làm ăn thua lỗ thì phá sản và giải tán. Hội Nhà văn làm ăn trên cánh đồng văn hóa có thua lỗ không? Việc Phạm Ngọc Cảnh Nam là người ngoài hội với tác phẩm Thế kỷ bị mất đã từ chối giải thưởng, và nhà văn Y Ban với Trò chơi hủy diệt cảm xúc, là thành viên trong ban giám khảo cũng từ chối giải thưởng. Đó có phải cả người bên trong sâu nhất và người bên ngoài xa nhất đều biểu thị sự khinh bỉ phẩm chất của ban chấp hành HNV? Liệu có thể tìm ra bằng chứng nào rõ ràng hơn thế không?

VĂN HÓA NƯỚC NHÀ NỢ ĐỌNG – NỢ XẤU MỘT HỘI NHÀ VĂN?
Thế là Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, đã xét duyệt rồi trao giải thưởng văn học năm 2012, có cả báo cáo đọc trước toàn thể nữa. Việc của Hội, hội cứ ra quân và làm triệt để tốc chiến tốc thắng. Hội có quyền có chức có con dấu do nhà nước cấp, nên Hội đã làm là phải được, và làm lấy được mới thôi. Dân ngoài Hội chỉ là đám dân đen làm sao ngăn cản bánh xe của quốc doanh mậu dịch?
Việc của hội, hội cứ làm. Việc của người dân thấp cổ bé họng chẳng lẽ lại không dám xem xét bình luận. Tôi có quan hệ khá tốt với một số thành viên trong Hội, nên tôi không có ý định ám thị bôi xấu gì. Vả lại, chữ nghĩa là bút sa gà chết, tôi viết ra rồi công bố lên mạng thì tôi phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước bạn viết, bạn đọc và công luận. Là người có lương tri công dân bình thường thấy sao phải nói vậy, là người cầm bút thì phải biết làm chứng cho thời đại của mình. Vậy tôi xin chỉ  đặt ra những câu hỏi cho Ban chấp hành HNV.
1-    Uy tín quá thấp của Hội Nhà văn?
Trong kinh tế, xí nghiệp nào làm ăn thua lỗ thì phá sản và giải tán. Hội Nhà văn làm ăn trên cánh đồng văn hóa có thua lỗ không? Việc Phạm Ngọc Cảnh Nam là người ngoài hội với tác phẩm Thế kỷ bị mất đã từ chối giải thưởng, và nhà văn Y Ban với Trò chơi hủy diệt cảm xúc, là thành viên trong ban giám khảo cũng từ chối giải thưởng. Đó có phải cả người bên trong sâu nhất và người bên ngoài xa nhất đều biểu thị sự khinh bỉ phẩm chất của ban chấp hành HNV? Liệu có thể tìm ra bằng chứng nào rõ ràng hơn thế không?
2-    Trình độ chính trị quá thấp của Hội Nhà văn ?
Việc một ủy viên ban chấp hành nhanh nhẹn trả lời dư luận rằng HNV không có lợi ích nhóm. Các ông nói thế mà không biết rằng mình đang đi ngược lại sinh hoạt chính trị của quốc gia à? Năm ngoái nghĩa là trong năm diễn ra việc xét duyệt các giải thưởng này, tập thể lãnh đạo cao nhất của nhà nước đã mở đầu và còn đang tiến hành sinh hoạt chính trị, phê bình kiểm điểm mạnh mẽ tệ tham nhũng, cửa quyền , lợi ích nhóm, với việc “có một đồng chí X”, vậy mà các ông chỉ là hội nhỏ bé nằm dưới sự chỉ đạo của cấp trên lại dám nói mình không hề có lợi ích nhóm à? Như vậy là rất kém cỏi về trí khôn, tớ đòi khôn hơn chủ. Tớ đòi mặt sạch để chủ mặt nhem nhuốc sao? 
Các ông là nhà văn quốc doanh mà không biết chuyện tiếu lâm này sao: đến chơi nhà người ta, ông chủ tự nhiên lại đánh trung tiện, đầy tớ theo sau nhanh nhẹn bảo với mọi người là “của con đấy”. Đấy là bài học nhận cái xấu về mình để chủ sáng giá hơn. Đằng này các ông lại đòi sạch và khôn hơn chủ, ngày xưa thì xử tội gì? Có hay không việc HNV tham nhũng? Chẳng lẽ không? Nhà nước đang có cảnh mua quan bán chức, chẳng nhẽ các ông đủ cao quí để đứng ngoài cuộc? Nếu tham nhũng thì các ông tham nhũng cái gì? Quyền? Danh lợi? Giải thưởng? Có người trong hội còn nói “người ta còn tham nhũng cả gái”, có không?
3-   Trình độ văn học quá thấp:
Nhà thơ Phạm Đương được trao giải với tập thơ “Giờ thứ 25”, đây là tên tập tiểu thuyết viết về Đại chiến thế giới hai của nhà văn Roumanie Constantin Virgil Gheorghiu. Đây là một tác phẩm rất lớn, rất nổi tiếng thế giới, mà đông đảo nhà văn, nhà thơ trong ban giám khảo lại không hề biết, thử hỏi trình độ các ông ở mức nào? Đến khi có người chỉ ra, các ông vẫn tin vào sự lý giải của Phạm Đương rằng : ngẫu nhiên trùng tên. Người ta liệu có thấy một chiếc xe chở tre lá lại rơi ra một con chíp điện tử không? Giờ thứ 25 là biểu tượng cho một thế giới tận thế giống như nó đang trôi vào thảm kịch của Đại chiến thế giới hai với từng đoàn tầu chở người đi vào lò sát sinh. Vậy mà đọc một anh làm thơ tỉnh lẻ dùng một cái tên có hàm lượng cao như vậy, các ông cũng không cảm giác được, thử hỏi các ông trình độ nào? Napoleon nói : “Quá bao dung với tội lỗi là đồng lõa với tội lỗi”.  Việc các ông cố tình cho giải đạo văn tên gọi này, có phải đồng lõa với việc đạo văn không? Hay các ông nghĩ rằng mình cũng thường đạo văn rồi có thêm một người cho có đồng đội?
4-    Tham nhũng và thách thức dư luận sờ sờ:
Việc thành viên trong ban giám khảo cũng dự thi có phải vừa đá bóng vừa thổi còi không? Việc chưa đầy nửa khóa các ông đã gắp giải cho một nửa ủy viên ban chấp hành, như vậy có tham lam không? Có lợi dụng cửa quyền không? Có trắng trợn thách thức dư luận không? Hội Nhà văn là hội chính trị, xã hội, nghề nghiệp. Chính trị cao nhất của nước ta là công tác vận động quần chúng, vậy mà các ông không chịu mở cửa phát hiện ra quần chúng xuất sắc lại đóng cửa gắp giải cho nhau, thì còn làm chính trị cái gì nữa?
5-    Bất công, thiên vị ?
Việc các ông trao giải cho nhà thơ Thanh Thảo với những lời lẽ văn hoa bay bướm, đấy là văn tán. Các ông không tin cứ ra đề đi, tôi tán bất cứ thứ gì trên đời hay hơn và hùng biện hơn 100 lần, nhưng đó không phải là công lý và giá trị . Thanh Thảo văng cả cứt, cả “đếch” vào thơ. Rồi Phạm Đương liên tục văng “đếch” nữa, đó không phải bằng chứng về văn hóa đầu gấu sao? Đã là đầu gấu liệu có gọi là văn hóa?
Nhiều lãnh đạo cao cấp đã từng đánh giá về văn nghệ sĩ, trí thức Việt ( chỉ là nói miệng bên lề, nên tôi không trích cụ thể, tuy vậy hiện thực vẫn còn luôn chứng tỏ ngay trước mắt): học hành không đến đầu đến đũa, không hiểu cái gì cụ thể mạch lạc. Còn đây một bạn viết, để lại tên tuổi địa chỉ đàng hoàng đã viết: “Nhiều người đến hội họp các hội cũng vì tò mò, nhàn rỗi, thích nhìn cảnh “máu me” như một trò tiêu khiển chứ “học thuật văn chương” gì với những cái đầu đất và tay nghề loại hạng bét cả đời chẳng có lấy một tác phẩm cho ra hồn? Nói như mình đây cả đời lao động hết sức hết mình bên giá vẽ còn chả dám nói học thuật, huống chi ba cái thứ “họa mồm” lăng nhăng? Hết nói!!!!! ( Đỗ mạnh Cương, họa sỹ, Hội viên Hội mỹ thuật Việt Nam- Địa chỉ: Đốc Ngữ, Ba Đình, Hà Nội).
Doanh nghiệp kinh doanh lỗ vốn thì phá sản. Hội Nhà văn lẹt đẹt thế sao không phá sản? Xin thưa, chẳng qua là vì các ông vẫn còn được hà hơi tiếp sức bởi vốn nhà nước mà thôi. Còn trong thực tế, với giải thưởng cố đấm ăn xôi này là lá bài các ông đã phơi lộ toàn thể về vốn liếng của mình cả trình độ lẫn nhân cách. Một cô gái không biết run rẩy sẽ không thể nào đạo hạnh. Một người đàn ông không run rẩy sám hối sẽ không thể trở nên cao thượng. Một cỗ máy khám phá sao hỏa nếu không nhờ những chùm ăng ten nhậy cảm sẽ không thể nào vượt địa hình phức tạp. Nhà văn, nhà thơ muốn đào luyện mình trở nên cao cả càng cần yếu đuối và run rẩy và trắc ẩn trong tâm hơn ai hết. Nhưng các ông lại đang hùng dũng cán đích giải thưởng gắp cho nhau băng mọi giá. Đó chỉ là cách soạn trước diễn văn bế mạc theo công thức của các hội nghị mà thôi. Các ông càng hùng dũng bao nhiêu thì càng yếu ớt và đơn giản bấy nhiêu. Vì đó chỉ là sự hùng dũng của cơ bắp và những cỗ máy đơn giản. Hãy nhìn xem, cái xe cải tiến đi băng băng, đơn giản lắm, ít hỏng lắm, nhưng làm sao nó có thể mang hàng triệu ăng ten nhạy cảm như cỗ máy chinh phục vũ trụ?
Ôi nhà văn, nhà thơ quần chúng mậu dịch nước Nam ta, mới chỉ có chân đất, thơm mùi đống rơm, đống rạ làm sao có thể đi xuyên qua thế kỷ và thời đại để đi đến “giờ thứ 25”? Làm sao có thể “Chân dép lốp mà lên tầu vũ trụ”? Nếu có kiếm được chút vinh quang chỉ là đi nhờ mà thôi. Nhưng ngay cả cái việc đi nhờ ấy, chân dép lốp còn sang hơn chân đất, mà có được cấp phát dép mậu dịch cũng chẳng bao giờ leo được lên tầu lượn, chứ không nói tầu vũ trụ. 
Việc các ông trao giải cho nhau chỉ là cách đóng dấu cho chân đất mà thôi. Chân đất ngồi lỳ xó bếp dù có được đóng dấu cũng còn xa mới tới được đôi chân của kẻ hành hương mang tín ngưỡng của miền đất hứa trong đầu, và cũng còn thua xa một đôi chân biết nhảy trong vũ điệu. Chân hành hương hay chân biết nhảy ở các nước có khi là toàn thể dân số, còn ở ta vẫn còn mang chân đất ra làm duyên một cách hiếm hoi như vàng, rồi còn ẵm giải quốc gia của đồng đội cánh hẩu nữa, quả là bất sánh về mỹ học quê mùa!
Có mấy lời chia sẻ với làng văn và bạn đọc. Xin cám ơn!
30/1/2012
NHÀ VĂN NGUYỄN HOÀNG ĐỨC

GIẢI THƯỞNG HỘI NHÀ VĂN VN 2012: ĐÁNH MẤT NIỀM TIN

KTĐT - Lễ trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2012 diễn ra sáng 29/1 tại Bảo tàng mang tên Hội (275 Âu Cơ, Hà Nội). Không nằm ngoài dự kiến, nhà văn Y Ban và nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam không có mặt để nhận Bằng khen. Và dù giải đã trao, song những lùm xùm vẫn chưa chấm dứt.

Nhà văn Y Ban "phản pháo"
Nhà văn Y Ban sau khi gửi thư ngỏ từ chối bằng khen nói rõ lý do từ chối đã chọn cách im lặng vì "con ong đã tỏ đường đi lối về". Nhưng bỗng nhiên, dư luận lại xôn xao việc chị đạo văn. Trên trang web Sông Cửu Long (WSCL - của Hội Nhà văn Việt Nam) ngày 23/1 đưa tin: "Vào lúc 22 giờ 51, biên tập WSCL có nhận được tin nhắn từ một số máy lạ, chữ viết không dấu với nội dung như sau: "Thưa Ban Chấp hành, các ngài bị lừa vố to. Hãy đọc liền "Cưỡng cơn gió bấc" - Daniel Glattauer. Phải thu lại giải thưởng. Y Ban đạo văn trắng trợn. Kính chào". Tiếp đó là tin nhắn thứ hai vào lúc 23 giờ 19: "Y Ban ăn cắp ý tưởng thư online của "Cưỡng cơn gió bấc" - Daniel Glattauer". Tin này WSCL chưa kiểm chứng nên không in chính thức ở mục Tin Văn. Quý bạn đọc, bạn viết có thể đọc tác phẩm "Cưỡng cơn gió bấc" sau khi vào Google để tìm và minh định đúng sai". Trang web của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh cũng có những "câu chuyện" tương tự. Trước những thông tin này, nhiều độc giả bức xúc về việc hai trang web chưa kiểm chứng mà đã vội đưa lên để hạ uy tín của nhà văn Y Ban. Chịu trách nhiệm hai trang web này là nhà văn Vũ Hồng và nhà thơ Lê Quang Trang, cả 2 đều là thành viên Hội đồng xét giải.
Chiều ngày 28/1, nhà văn Y Ban đã quả quyết sẽ không im lặng khi bị vu là đạo văn. Chị đã viết thư quả quyết, ai chứng minh được "Trò chơi hủy diệt cảm xúc" đã mượn ý tưởng của "Cưỡng cơn gió bấc", nữ nhà văn này sẽ chịu mọi hình phạt của dư luận và của cả... trời, đất. Bởi theo chị: Mất danh dự là mất tất cả. Trong thư, "nàng văn" viết: "Nếu "Trò chơi hủy diệt cảm xúc" đạo ý tưởng cuốn tiểu thuyết "Cưỡng cơn gió bấc" như hai ông đưa lên trang web: Sông Cửu Long và Nhà văn TP Hồ Chí Minh thì điều đó đã chứng minh rằng, các ông đã không chịu đọc sách. Chính các ông là thành viên Ban chung khảo, chính các ông đã bỏ phiếu cho "Trò chơi hủy diệt cảm xúc" để nó được Bằng khen kia mà. Các ông phải trả lời trước công luận về điều này".
Nhiều người thất vọng
Ngoài thất vọng về hành động tung tin Y Ban đạo văn, công chúng còn buồn với việc "Thế kỷ bị mất" của Nguyễn Ngọc Cảnh Nam bị công bố sai tên hai lần là "Một thế kỷ bị mất" và "Một thế kỷ đã mất". Họ có quyền nghi ngờ về thông tin có thành viên Ban giám khảo chưa từng đọc tác phẩm dự giải. Việc trao giải thưởng cho tác phẩm "Thành phố đi vắng" của Nguyễn Thị Thu Huệ cũng gây nhiều tranh cãi. Vì với vị trí Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Bản quyền tác giả, chắc chắn Nguyễn Thị Thu Huệ có lợi thế hơn về số phiếu. Như dịch giả Đoàn Tử Huyến nhận định: "Thơ không trúng, văn xuôi không đúng, phê bình không đúng, dịch thuật không có. Tức là toàn bộ giải thưởng sai hết. Vì nếu người trong Ban Chấp hành Hội mà có tác phẩm dự giải chắc chắn sẽ chiếm được số phiếu cao hơn, chẳng lẽ "vuốt mặt không nể mũi". Theo ông, nên có 3 giải thưởng: Giải cho Ban Chấp hành Hội, giải cho những người xứng đáng được xét và giải cho những người tự ứng cử, mới công bằng.
Nếu như trước đây, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam được giới văn chương mơ ước, thì giờ có vẻ giải thưởng đang "mất thiêng" trong làng văn và công chúng. Rõ ràng, mọi cá nhân có quyền từ chối giải thưởng, nhưng nếu từ chối vì việc xét giải không minh bạch, thiếu công bằng thì cần có sự phân xử đúng - sai để chấm dứt những chuyện tương tự cho một giải thưởng vốn danh giá.
 Hạnh Phúc
Nguồn: Báo KT&ĐT