NGÔ MINH - QUÀ TẶNG XỨ MƯA - Bạn đọc thân mến. Nhà thơ Hoàng Cát đang bị bạo bệnh. Thương anh, Ngô Minh xin in lại bài viết TRÁI TIM TÔI LÀ MỘT NẤM MỒ đã in trên Talawas năm 2007 với tựa đề là Nhà thơ Hoàng Cát- thương binh vỉa hè và ý kiến bạn đọc và trả lời của Ngô Minh . Mong bạn đọc cùng chia sẻ.
1.
Trái tim tôi là một nấm mồ
Tôi chôn cất mẹ tôi bị bom tàn sát
Tôi chôn cất em trai tôi - không thấy xác
Trên chiến trường phía Nam…
Hình tượng thơ Trái tim tôi là một nấm mồ của
nhà thơ thương binh Hoàng Cát là một trong những hình tượng thơ lộng lẫy
nhất viết về thương binh liệt sĩ. Hoàng Cát nhập ngũ ngày 5-7-1965, trực
tiếp chiến đầu ở chiến trường Trị Thiên Huế đến năm 1969. Anh bị thương
mất một chân. Có lăn lộn chiến trường mới thấu hiểu tấm lòng đồng đội. Tôi
đã chôn biết bao nhiêu bè bạn / Giữa trái tim tôi, giữa tuổi trẻ đời tôi /
Khải, Bí, Xin, Dành, Quyện, An…/ Không nhớ hết từng người… Có lẽ vì
nỗi niềm ấy mà từ ngày giải phóng miền Nam đến nay, Hoàng Cát vẫn thường xuyên
về “thăm lại chiến trường xưa”, thăm vùng tâm linh thăm thẳm của đời
mình, dù cuộc đời anh có quá nhiều tai ương khốn khổ.
Năm 1971, anh trở lại hậu phương miền Bắc với một
chân, quân hàm thượng sĩ, thương binh loại A, viết văn làm thơ ca ngợi đất
nước. Cái truyện ngắn thiếu nhi “Cây táo ông Lành” của anh đăng trên báo Văn
nghệ năm 1974 hồn nhiên, hiền lành, nhân bản là thế, chỉ vì mấy bài phê
bình chụp mũ, suy diễn của vài người cực đoan một thời trên vài tờ báo… đã biến
thành “vụ án”. Cái “án” không thành án ấy đã trở thành cái gông oan nghiệt đeo
vào cổ nhà thơ thương binh ấy suốt 15 năm qua. Nó đã và đang gây nên hệ luỵ
trực tiếp đến đời sống vật chất và tinh thần của nhà văn và cả gia đình anh
suốt mấy chục năm ròng. Anh bị hất ra vỉa hè, về mất sức lao động khi đang sung
sức. Không việc làm, không đồng lương thương binh, không bảo hiểm xã hội, chỉ
còn trần xì một khoản trợ cấp mất sức lao động nhỏ nhoi 620 ngàn đồng (sau
nhiều lần tăng đi tăng lại) giữa cái thủ đô vô cùng đắt đỏ ấy…
Không có văn bản quyết định nào , nhưng mặc nhiên
Hoàng Cát bị “treo bút”. Từ 1974, không có báo nào dám đăng thơ, truyện, ký,
hay bất cứ bài gì của anh. Anh lê lết cái chân giả cùng vợ đi kiếm sống từng
ngày để nuôi con ăn học bằng như con người, qua mười mấy nghề vỉa hè cơ cực.
Trong một bài thơ tặng vợ nhân kỷ niệm 17 năm ngày cưới, Hoàng Cát có câu thơ
giản dị mà cay đắng: Mười bảy năm ta chưa đi đến Nhà hát lớn / Nhưng
đã trải qua mười bảy nghề mặn nhạt có nhau…
Đầu tháng 7 rồi, Hoàng Cát lại về với “trái tim
nghĩa trang liệt sĩ” của mình, về đất Thừa Thiên Huế chiến trường xưa. Anh rủ
tôi đi cùng anh về Phú Lộc, Phong Điền, Quảng Điền để thăm lại chiến trường cũ,
thăm lại những đồng chí, những bà mẹ, những người chị, người em cơ sở đã nuôi
anh trong hầm bí mật mùa hè năm 1967. Lúc đó anh không phải là cán bộ cốt cán
gì. Đơn giản anh chỉ là một kỹ thuật viên quân giới được tín nhiệm. Vì trước
khi tình nguyện vô bộ đội, anh đã tốt nghiệp loại giỏi Trường Kỹ thuật Trung
cao Cơ điện Hà Nội và đã hai năm làm cán bộ kỹ thuật ở Nhà máy Cơ khí Trần Hưng
Đạo, Hà Nội. Vào bộ đội, anh lại được học một lớp kỹ thuật quân giới rất bài
bản. Hoàng Cát rất thành thạo việc tháo gỡ các loại bom, mìn, đạn pháo chưa nổ
của địch, giúp cho du kích các xã vùng sâu có thuốc nổ để chế tạo những quả
mìn, lựu đạn tự tạo để có vũ khí chống địch càn…
Hoàng Cát nhấc bàn chân giả nặng nề từng bước, mồ
hôi thấm ướt lưng áo, cùng anh Nam, chị Đương (đồng đội cũ) trèo lên nghĩa
trang huyện Phú Lộc. Nghĩa trang dựng ở trên đồi cao chót vót. Nắng tháng Sáu
miền Trung như dội lửa. Phải leo tới hơn trăm bậc tam cấp. Người lành lặn như
tôi trèo cũng mồ hôi ròng ròng, huống chi anh là thương binh chân giả. Phú Lộc
là địa bàn tác chiến của Đoàn 4 do ông Chữ (thiếu tướng đang nghỉ hưu tại Huế)
làm đoàn trưởng và ông Vững (người Quảng Nam) làm chính uỷ. Đó là một đơn vị
chủ lực rất mạnh của Quân khu Trị Thiên Huế. Bao nhiêu đồng đội của họ đã ngã
xuống nơi đây. Nên cao mấy họ vẫn trèo. Trèo lên để thắp cho đồng đội nén nhang
tưởng niệm. Rồi anh về làng biển Cảnh Dương, nơi Vũng Chân Mây, lội cát thăm
chị Mẹo, một thương binh cũng cụt chân bên trái như anh. Đó là một nữ du kích
Lộc Vĩnh đã bao năm cùng đơn vị anh chiến đấu, cho đến ngày cả xã Lộc Vĩnh bị
bom na-pan của Mỹ đốt cháy thành tro bụi suốt mấy ngày đêm liền. Anh đi
hăm hở như sắp về nhà.
Anh kể, một lần anh suýt chết ở vũng Chân Mây này,
sau Tết Mậu Thân năm 1968. Hồi đó có một chiếc tàu hàng từ Sài Gòn ra bị mắc
cạn. Chủ tàu đã bỏ đi từ lâu. Bộ đội ta “trên Xanh” đang cần một động cơ cánh
quạt để thổi bể lò rèn, cho xưởng chế tạo vũ khí. Hoàng Cát được đích danh đoàn
trưởng Chữ phân công bí mật bơi ra chiếc tàu mắc cạn trên biển để tìm gỡ cho
bằng được một cái quạt gió lò rèn. Anh đang mải mê với công việc tháo dỡ trên
tàu thì bất thần máy bay do thám L-19 của địch phát hiện ra, lượn sát mặt biển,
bắn đại liên như mưa xuống chiếc tàu mấy giờ liền. Như có Trời Đất phù hộ,
không viên đạn nào trúng người lính chiến nhanh như rái cá ấy…
Hôm sau Hoàng Cát lại tiếp tục dẫn chúng tôi về vùng
quê phía bắc Huế như Phong Chương, Quảng Thái, Quảng Hoà, Quảng Thuận… Đấy là
“quê ruột” của anh. Cứ vài năm anh lại vô thăm lại các làng Triều Đông, Cao Xá,
Phù Lai… y như là về quê nội anh ở Phúc Chỉ, xã Hùng Tiến, Nam Đàn, giỗ ông bà
tiên tổ. Không đi lòng anh day dứt không yên. Anh về đây ở cả tháng bà con vẫn
thương yêu, đùm bọc. Con trai của ông Hồ Viết Sung, cơ sở đã nuôi anh trong hầm
bí mật ở làng Phù Lai (bây giờ là Tân Xuân Lai), xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền
năm xưa, nay đã có vợ con, có nhà ở Huế. Lần nào Hoàng Cát về cũng ở ngôi nhà
bên Hồ Tịnh Tâm đó. Có khi cả tuần. Cả bạn bè đi theo anh năm ba người, gia
đình vẫn dành cả tầng hai cho mọi người ăn ở thật thoải mái. Hoàng Cát đã viết
nhiều bút ký ca ngợi những làng quê, những người mẹ chiến sĩ năm xưa ấy. Anh
viết báo đấu tranh cho bằng được, để có một con đường ô tô tử tế về tận làng
quê Triều Dương, căn cứ vùng sâu cũ. Anh đã dắt người nữ thương binh ra tận Hà
Nội đòi lại đất bị chính quyền xã quy hoạch cắt đi oan uổng. Cứ một chân nhúc
nhắc đi về, Hoàng Cát đã tự mình lặng lẽ làm được nhiều việc mà ta hay gọi là
“đền ơn đáp nghĩa”.
Mùa xuân năm 1967, Hoàng Cát được Tỉnh đội Thừa
Thiên Huế biệt phái về “nằm vùng” ở đồng bằng hai huyện Phong - Quảng sáu bảy
tháng ròng để giúp du kích các xã “vùng sâu” có vũ khí đánh giặc. Vì anh biết
kỹ thuật tháo kíp đạn, bom, mìn để chế ra mìn, lựu đạn đánh giặc. Gặp địch lùng
sục, các mẹ lại đẩy anh vào hầm bí mật, phủ lá vườn lên trên. Dọc sông Bồ ở
làng Phù Lai, anh có cả hầm bí mật ở ngày giữa bụi tre gai sát bờ sông. Lúc
đụng sự, nhảy xuống, lủi vô là “yên chí” thoát! Bốn mươi năm rồi, kể từ
ngày ấy, ông Hồ Viết Sung làng Phù Lai đã mất, nhưng mẹ Thẻo, mẹ Nghèn làng
Triều Dương vẫn còn sống. Gặp lại anh, các mẹ mừng khóc hết nước mắt. Có đi với
anh mới thấm hết nghĩa tình đồng chí, đồng bào. Trời ơi, sao một thương binh
cụt chân, không đồng xu dính túi, vẫn miệt mài đi cả ngàn cây số để đến với
đồng đội, đồng bào, trong lúc bao quan chức nhà cao cửa rộng, một bước
ngựa xe, lại cứ dửng dưng như khô cứng trái tim…
2.
Ta cảm ơn cái vỉa hè bụi bặm
Đã nuôi ta năm tháng cơ hàn…
(“Cám ơn vỉa hè”)
Đọc những câu thơ của Hoàng Cát trong tập thơ
mới Cám ơn vỉa hè, bạn bè văn nghệ cả nước đều ứa nước mắt. Cảnh ngộ anh
cơ cực quá, đau đớn quá. Ròng rã ba chục năm liền anh bị ném ra vỉa hè bụi bặm,
không còn là một thương binh hạng nặng nữa. Những năm tháng ấy đã đọng thành
thơ, một thứ thơ như máu tươi ròng ròng nóng hổi. Gia vị đời ta chính là Cay
Đắng! / Cay đắng dạy ta thương xót Cuộc Đời này. Vâng, Cay Đắng cũng
là gia vị của miền Trung gian lao vất vả. Cay Đắng viết hoa. Có lúc anh
ngồi thừ người: Nén hương này tôi thắp giỗ chân tôi… Sau vụ “Cây táo ông
Lành”, Hoàng Cát không thể kiếm sống bằng nghề viết được nữa. Trợ cấp thương
binh bị cắt, hai vợ chồng phải xoay xở, dựa lưng vào cái vỉa hè mà tồn tại.
Người vợ ấy mang bao nhiêu thứ bệnh trong người, nhưng đã “Mình em nuôi cả
chồng con - nuôi mình”. Vợ chồng anh phải làm tới 17 nghề kiếm ăn, ngoài
nghề viết văn viết báo. Dán hộp đựng thuốc cho ngành dược, cuốn thuốc lá
điếu rồi đi bỏ cho các quán nước; rang đậu phộng, bán nước chè, phong thuốc
lào, làm bóng bì (món làm bằng da lợn, dùng cho món canh ngày Tết), làm nem
chạo, nuôi gà thịt công nghiệp, úm gà con giống, nuôi chó ta, chó Nhật, nuôi
chim vẹt cảnh, làm lồng chim, bán kem mút, nuôi lợn v.v…
Vì thế sau này Hoàng Cát có những câu thơ đứt ruột: chén
nước chè năm xu, gói thuốc lào hào bạc/ Cái kẹo vừng dỗ con nít đói cơm… /Ta
cũng phải bán bán, mua mua/ Nhưng chưa bao giờ lừa lọc (“Cám ơn vỉa hè”).
Dán hộp đựng thuốc cho Công ty Dược không dễ chút nào. Nhờ quen tay trong, và
giám đốc cái xưởng ấy cũng là một thương binh cụt chân, tên là Thông, nên họ
thương tình, họ mới cho nhận về mà dán. Hai vợ chồng Cát - Tâm nhiều đêm thức
trắng để dán hàng mấy trăm cái hộp, kịp sáng mai đủ hàng trả theo hợp đồng.
Gian phòng 12 mét vuông chất đầy hộp giấy, không còn chỗ mà nằm nữa. Đi lại
trong nhà cũng phải lách nghiêng, trong lúc chị Tâm mang bầu đứa cơn đầu lòng
cao vượt mặt. Sáng sớm ra, anh thương binh Hoàng Cát lại phải đeo chân giả vào,
đạp xe đạp thồ đống hộp giấy cao ngất ngưởng trên phố đi nhập hàng, giống như
người Nghệ đi bán nồi đất. Đến trưa mới có chút mì khô vào bụng. Làm bóng bì
cũng phải thức khuya, dậy sớm đi lò mổ và chạy rông khắp hàng chục cái chợ ở Hà
Nội để lấy da lợn, rồi rửa rồi cắt, rồi phơi, rồi cạo sạch lông. Cực nhọc nhất
là khâu cạo thật sạch lông. Đứt tay, chảy máu là chuyện cơm bữa. Hoàng Cát cứ
lê lết cái chân giả, cùng với người vợ bị bệnh bướu ba-dơ-đô biến chứng vào
tim, cung cúc làm ngày này qua ngày khác... Mình khổ đã đành, con gái mới chục
tuổi đầu cũng phải ngồi chợ bán hàng suốt ngày hè. Người có lương tâm, cứ nhìn
cháu là rơi nước mắt. Con mười ba tuổi ngây thơ / Nghỉ hè ngồi chợ từ trưa
tới chiều / Nắng ròng dội xuống nhà thiêu / Nón cời che mặt, chẳng lều chẳng
phên / Bụi đường xe gió thốc lên/ Mà con vẫn phải ngồi yên bán hàng (“Tha
cho ba”).
Cuộc bon chen kiếm ăn của gia đình Hoàng Cát nơi cái
vỉa hè ấy không khác gì một trận chiến: Và như thế là cuộc đời trần thế / Là
tong teo sinh kế trằn lưng / Là vỉa hè/ Bến xe, bãi chợ / Là chạy / Là xô / Là
sợ hãi / Cuống cuồng… Vỉa hè khổ thế, nhưng vỉa hè là cứu cánh cuối cùng
của cuộc đời anh thương binh nhà thơ Hoàng Cát: Ôi!... Cảm tạ cái vỉa hè yêu
dấu! / Nếu không có Mi - ta đã chết đói lâu rồi / Hoặc có thể trở thành thành
ăn cắp / Rồi vào tù đến mọt xác - Vỉa hè ơi!... (“Cám ơn vỉa hè”)
Tôi đã cất công lục tìm lại tờ báo Văn nghệ
xưa, mà không được, đành phải nhờ bạn bè ở Hà Nội phô-tô cho truyện ngắn và một
số bài viết “đánh” Hoàng Cát trên báo. Đọc đi đọc lại cái truyện ngắn “Cây táo
ông Lành” khốn khổ ấy, tôi không mảy may tìm ra một chút hơi hướng, màu sắc gì
của “nấm độc”, “chống chế độ” cả, chỉ thấy tình yêu trẻ con, nhân văn, nhân
bản. Hoàng Cát viết truyện ngắn này từ năm 1973.
Câu chuyện tóm tắt như sau:
Ông già tên là gì không ai biết. Vì tính ông hiền
lành và yêu lũ trẻ, nên lâu dần thành tên của ông, gọi là ông Lành. Vườn ông
rộng. Có nhiều cây ăn quả, ông quý nhất là cây táo lai. Cạnh cây táo ông cất
một gian nhà ba gian hai chái cho cậu con trai duy nhất, khi lấy vợ ra ở riêng.
Vợ ông chết vì bom toạ độ Mỹ mùa gặt năm 1967, vào đúng kỳ cây tao sai quả
nhất. Nhưng rồi cậu Sửu con ông đi bộ đội đợt đầu tiên, kể từ sau khi có lệnh
hoà bình của Chính phủ Cách mạng Lâm thời. Sáng sáng lũ trẻ lớp Một thường đi
tắt qua vườn ông để lượm táo chín trước khi tới lớp học. Tíu tít như một đàn
chim. Ông Lành rất vui từ khi có lũ trẻ vào vườn lượm táo. Chúng ném đất đá,
gạch ngói lên cây táo để táo rụng thật nhiều. Ông cũng chẳng la mắng chúng làm
gì. Ông nhìn lũ trẻ mà ước ao một ngày mình có một đứa cháu nội. Nhưng rồi một
buổi sáng, một hòn đất rơi trúng đầu ông. May mà hòn đất bở nên ông không ngất
xỉu.
Thằng Thìn ném táo lỡ tay rối rít xin lỗi ông. Nhưng
đau quá, nên ông nóng nảy ném cây rựa xuống sân quát: “Ông, ông cái con
khỉ!...” Hoảng quá, thằng Thìn co giò bỏ chạy. Ra ngã ba cây bông gặp lũ bạn,
nó cản các bạn lại, bảo: Cây táo ông Lành bây giờ có cái sọ dừa đen ngòm, nó
doạ tao “ư hừm”, sợ hết hồn. Thế là lũ trẻ không đi tắt qua cây táo nữa.
Có đứa hỏi: “Vậy làm sao mà tới lớp bây giờ?” Thằng Thìn 8 tuổi láu lĩnh: “Đây
có phải là đường chính của chúng mình tới lớp đâu. Đường chính là đường to vòng
quanh làng chứ. Đường qua vườn ông Lành là đường tắt cho nhanh”. Từ ngày vắng
lũ trẻ, ông buồn, ông Lành ân hận. Ngày ngày ông chờ mong lũ trẻ. Ông hái
sắn táo chờ chúng nó. Một lần đứa trẻ tên Mùi thập thò vào vườn ông Lành xem
con ma-đầu-lâu-đen có thật không. Ông Lành bảo với nó đó là cái tổ kiến
đen, ông nuôi để nó ăn loại sâu hại táo. Ông lấy sào chọc cho thằng Mùi xem.
Kiến đen xông ra đầu sào. Thế là chuyện cây táo có ma-đầu lâu không còn
nữa. Ông gửi táo để thằng Mùi mang đến cho bạn. Ông nhớ lũ trẻ đến nỗi
ông đã bê cả rổ táo đến lớp cho lũ trẻ ăn và gặp cô giáo Hà để nói là trên cây
táo không có ma–đầu-lâu nào hết. Ông còn đề nghị với cô giáo chuyển lũ
trẻ về ngôi nhà của ông cạnh cây táo mà học, vì nghe đâu lớp học chật, cô giáo
Hà định dời lớp sang một làng khác… Vừa thấy ông Lành từ xa, lũ trẻ đã ùa ra hò
reo đón ông…”
Một vài cây bút “phê bình” đã cho rằng, đây là tác
phẩm “thuộc loại nấm độc nguy hiểm. Với lối viết theo kiểu ‘biểu tượng hai
mặt’, truyện này gieo rắc hoài nghi trong quần chúng đối với sự lãnh đạo của
Đảng ta, gieo rắc tư tưởng chống lại đường lối cách mạng, chống lại đường lối
xã hội chủ nghĩa và nền chuyên chính vô sản của chúng ta. Mô tả cuộc sống heo
hút, tâm trang u buồn của một ông già, người vợ chết vì bom, người con trai độc
nhất ‘vô bộ đội kể từ sau khi có lệnh hoà bình’, truyện này không những bộc lộ
quan điểm sai lầm của chủ nghĩa nhân đạo tư sản trong vấn đề chiến tranh, có
tác dụng như một lời kêu gọi phản đối chiến tranh cách mạng, mà còn có tác dụng
như một lời phản đối chiến tranh cách mạng… Tác giả truyện ngắn này đưa ra hình
ảnh cái đầu lâu khủng khiếp và nói về việc ‘từ bỏ con đường này đi theo con
đường khác’ là có dụng ý gì?... Tác giả đe doạ ‘bỏ’ con đường mà tác giả cho là
‘con đường tắt’ để đi con đường khác! Đó là một sự thách thức chế độ ta…”
Trời đất, đây không phải là phê bình văn học, mà đây
là lối suy diễn, đấu tố, chụp mũ chính trị, hoàn toàn trái ngược với những gì
mà truyện ngắn “Cây táo ông Lành” mang lại cho tâm hồn người đọc. Với lối
quy kết như thế thì bất cứ câu nói nào cũng có thành phản động. Ngay cả câu tha
thiết nhất như: “Tôi yêu mẹ tôi lắm”, hay “Tôi yêu Đảng tôi lắm” cũng sẽ bị suy
diễn thành vô đạo như nhà văn Nguyễn Quang Lập đã có lần tiếu lâm ví dụ.
Thực tình đây là một cách “lập công” của những kẻ cơ
hội. Ai cũng biết nhà thơ Tố Hữu là người lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước
ta, là người đứng đầu công tác tư tưởng của Đảng ta, tên thật của ông là Nguyễn
Kinh Thành, thường gọi là Lành. Nhà thơ Tố Hữu cũng có một cây táo ở nơi ngôi
nhà công vụ ở Hà Nội, mà ông đã nói đến trong thơ: “Cành táo đầu hè
rung rinh quả ngọt”. Sự trùng hợp ngẫu nhiên đó là cái cớ để bọn cơ hội vu
vạ cho Hoàng Cát dùng biểu tượng hai mặt. Quả thực ông Lành thương lũ trẻ trong
truyện ngắn và nhà thơ Tố Hữu không giống nhau chút nào về hoàn cảnh sống. Còn
nói lũ trẻ không đi đường tắt sang cây táo nữa mà đi đường chính vòng qua làng
để đến trường là “từ bỏ con đường này đi theo con đường khác” thì thật phi lý,
hàm hồ. Chúng ta là con người, phải sống cho ra người. Yêu mến, đối thoại để đi
đến đồng thuận, không thể vu vạ vô căn cứ cho người khác như thế được.
Các “nhà phê bình” viết bài “đánh” “Cây táo ông
Lành” thời ấy không biết bây giờ còn ai sống không? Nếu ai đó còn sống, đọc bài
viết này cũng xin đừng vội nổi nóng. Mà các anh là những kẻ đầu tiên phải chịu
trách nhiệm trước sự khốn cùng của thương binh Hoàng Cát! Chính các anh đã bôi
nhọ cuộc chiến đấu của dân tộc bằng cách phỉ báng và tước bỏ quyền lợi của một
thương binh chống Mỹ hạng nặng! Đó là tội ác! Và tội ác ấy nhất định sẽ bị Trời
Đất và Nhân Dân anh minh trừng trị!
Chao ôi, mà “nó” “nguy hiểm”, “phản động” thật, thì
đấu tranh, đối thoại làm cho ra lẽ, rồi đưa ra toà xét xử, luận tội, rồi tuyên
án bỏ tù cái anh công dân Hoàng Cát, chứ sao lại cắt phăng chế độ dành cho một
thương binh hạng nặng tàn phế, què cụt như thế? Rồi im lặng hơn ba chục năm
ròng không một lời giải thích, xin lỗi? Chế độ thương binh là nhân dân trả cho
phần xương máu của người đã hi sinh vì Tổ Quốc, thiêng liêng thế, sao dám tước
đoạt?
Tại sao Bộ Lao động–Thương binh Xã hội biết mà không
làm lại chế độ thương binh cho nhà thơ Hoàng Cát? Tôi có đứa cháu cụt một tay ở
chiến trường Cămpuchia, mà được xếp loại thương binh ¼, có lương thương binh và
lương người nuôi. Tại sao cụt hẳn chân bên trái, chưa kể những thương tích
khác, sao thương tật Hoàng Cát cũng chỉ loại bét, lại không có phụ
cấp? Tại sao Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam qua nhiều khoá vẫn không đề
nghị cơ quan chức trách làm lại chế độ thương binh cho hội viên, nhà thơ thương
binh Hoàng Cát? Tại sao? Tại sao?
Bao nhiêu năm, cứ mỗi lần anh Hoàng Cát thư từ điện
thoại, tôi lại cứ tự trăn trở dằn vặt mình với những câu hỏi “tại sao” xót xa
ấy. Nhà văn Trần Thị Thắng cũng tâm trạng như thế khi chị viết: "Chúng
tôi nợ Hoàng Cát quá nhiều, nợ cả gia đình Hoàng Cát… ” (Báo Văn nghệ
số 20 ngày 15/5/07). Tôi xin nói rõ thêm: Đất nước này đang nợ Hoàng Cát! Đất
nước đang đổi mới, hội nhập toàn diện với thế giới. Chúng ta phải trả lại
quyền lợi cho thương binh Hoàng Cát! Bây giờ anh đã vào tuổi 66, năm 2005 anh
bị một cơn đột quỵ, tưởng không qua được. May là nhà thơ của chúng ta đã hồi
tỉnh lại. Cuộc đời ơi, “món nợ Hoàng Cát” phải thanh thoả ngay khi chưa quá
muộn. Trong trái tim nhà thơ ấy không chỉ có mộ chí của bao đồng đội anh đã hy
sinh, mà còn có nấm mồ của niềm oan khuất khôn nguôi!
3.
Tháng Bảy nắng nôi, tôi đi với anh về thăm các
làng quê đã cưu mang anh trong chiến tranh ở Phú Lộc, Phong, Quảng, chuyện “Cây
táo…” lại tôi bức xúc trong tôi. Tôi cứ xoáy hỏi anh. Mặt anh thoáng buồn.
Nhưng rồi anh cười bảo: “Nhờ ơn Trời Đất phù hộ, mình vẫn sống, để hôm nay, tuổi
gần đất xa trời, lại được đến cùng đồng đội, cùng bà con cơ sở, thế là mãn
nguyện lắm rồi!”. Rồi anh đọc thơ: “Trải hết nỗi đau đời ta gặp đạo / Sang
hèn sướng khổ - thảy như nhau”. Dường như anh đã đi đến tận cùng của lẽ mất
- còn rồi. Ngộ rồi! Tôi cứ tìm cách nhắc lại, hỏi anh về “chuyện cũ”. Anh buồn,
nhưng lại bảo: “Thôi, đừng nhắc lại chuyện ấy làm gì, mình gần như không
còn nhớ đến ‘nó’ nữa! Rồi anh đọc thơ: “Có than van cũng chẳng ích gì / Thì
cứ sống, coi như không thương tật / Cháy hết mình như que diêm rồi tắt / Còn
hơn âm thầm làm khúc gỗ lặng im!” (“Tự nói với mình”).
Nhưng rồi cũng có lúc anh rỉ rả tâm sự: “Mình là dân
Nam Đàn, xứ Nghệ ‘cách mạng ròng’, lại là lính chiến trường vào sống ra chết,
làm sao ‘phản bội’, ‘chống chế độ’ được!” Chỉ một khát khao cháy bỏng sục
sôi / Tổ Quốc thân yêu vẹn toàn thống nhất (“Không thể quên”). Anh kể, cái
“vụ” “Cây táo” ấy không có kiểm điểm gì hết. Cũng không có văn bản chỉ
đạo gì của trên cả, không có quyết định đuổi việc, hay “thu hồi chế độ thương
binh” nào cả… Tất cả diễn ra âm thầm trong bóng tối. Chỉ sau vài bài “phán xét”
trên báo của mấy ông lý luận phê bình, vì sợ mang hoạ, sau đó một thời gian,
Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo đã vội vàng lẳng lặng cho Hoàng Cát “về mất sức”
như là một người tàn tật. Anh lúc đó là kỹ thuật viên bậc 4 của phòng KCS,
(kiểm tra chất lượng sản phẩm), lương tương đương phó phòng, lại là thương binh
hạng nặng.
Cái khoản “lương mất sức” ấy, qua bao năm trượt giá,
bây giờ là 620 ngàn đồng một tháng, không đủ cho cả nhà đi chợ trong một tuần.
Cả xóm khu tập thể Trương Định lúc ấy coi Hoàng Cát như người què, không nghề
ngỗng, lại “chống chế độ” nên mọi người lánh xa, dè bỉu. Hàng xóm mất con gà,
họ cũng vu cho “thằng phản động”, xông đến đánh anh phải vô nhà thương. Nhà văn
Vũ Bão (tác giả Sắp cưới nổi tiếng một thời) thương bạn văn quá, ngày
ngày mang cơm vào viện nuôi bạn. Đến khi tìm được con gà, họ cũng không
một lời xin lỗi. Những ngày tăm tối ấy, Hoàng Cát vẫn là “em kết nghĩa” của nhà
thơ lớn Xuân Diệu, nhưng nhà thơ lớn cũng “thấp cổ bé họng”, không giúp gì được
cho đứa em tội nghiệp của mình. Nhờ người quen dẫn đường, anh Hoàng Cát có lần
yết kiến nhà thơ Tố Hữu. Anh Hoàng Cát bảo: “Khi mình gặp anh Lành, hai anh em
nói chuyện rất cởi mở. Anh Lành bắt tay, rồi cười bảo: ‘Không việc gì, tôi hiểu
lắm’”. Nhưng “cấp dưới” vẫn không hiểu, không thương, nên mới sinh
chuyện.
Nhờ đất nước đổi mới, mãi đến năm 1988, cái tên
Hoàng Cát mới được xuất hiện trở lại trên báo chí. Anh hồi sinh với thơ văn từ
đó. Anh viết như chưa từng được viết. Anh chiến đấu với số phận bằng ngòi bút
của mình như một người lính. Anh chạy thi với thời gian. Trời còn cho thức
đập trái tim / Ta còn viết những điều da diết nhất... (“Tự nói với mình”).
Từ đó đến nay anh đã cho in rất nhiều bút ký, truyện ngắn và thơ. Anh đã xuất
bản 6 tập thơ: Tháng giêng dai dẳng, Ngôi sao biếc, Mùa thu, tình yêu, cuộc
đời, Thì hãy sống… Mới nhất là tập Cảm ơn vỉa hè (2006). Thơ
Hoàng Cát là thơ tuôn chảy từ trái tim đã chín yêu thương, cay đắng. Văn chương
Hoàng Cát cháy bỏng một tình yêu Tổ Quốc, nhân dân, đồng đội. Đọc thơ văn anh,
không ai biết đây là văn chương của một thương binh bị cuộc đời hắt hủi. Sau
trận đột quỵ năm 2005, anh càng nhận chân cuộc đời rõ hơn. Và càng thương phận
kiến của con người hơn: Ta lang thang giữa trái đất khô cằn / Tiếp cơn đói
lại giày vò cơn khát / Thân con kiến giữa mệnh mông sa mạc /… Còn sống đến hôm
nay - là “lãi” vô cùng!/ Ta không chết - đấy mới là chuyện lạ… (“Thân
con kiến”).
4.
Nhà thơ Vương Ân đời Đường bên Trung Quốc có câu “Cổ
lai chính chiến kỷ nhân hồi” (người chinh chiến lâu nay mấy ai còn quay
lại). Thế mà Hoàng Cát đã quay lại. Không phải quay lại một lần, mà quay lại
nhiều lần chiến trường xưa. Anh kể, những ngày sau Tết Kỷ Dậu, anh được
biệt phái làm đội trưởng, dẫn một tổ quân khí của Đoàn 4 Thừa Thiên Huế
vào cánh bắc Quảng Nam để học cách chế tạo mìn bay của quân và dân Quân khu 5.
Mìn bay là loại mìn đánh đồn bót và xe tăng địch rất hiệu quả, lại đỡ tổn thất
cho quân ta. Đến đầu năm 1969, thi học xong, sản xuất thử tốt rồi, định trở về
đơn vị ở Phú Lộc, thì bất ngờ địch rải bom B52 trúng công xưởng. Đó là trưa
ngày mùng 2 Tết Kỷ Dậu, tức ngày 20-2-1969. Khói lửa ngút trời. Anh thấy mình
bị hất tung lên rồi rơi xuống một sườn đồi. Chân trái anh bị nát ra như một cái
bắp cải bị đập dập. Đau tê dại!
Khi vết thương tuy chưa lành hẳn, nhưng đã ổn định,
Hoàng Cát được anh em đồng đội cáng dần ra Bắc. Nhưng vừa cáng rời khỏi bệnh xá
một ngày thì gặp một trận càn rất lớn của hỗn hợp liên quân Mỹ-Nguỵ-Nam Triều
Tiên. Một chiến sĩ tên là Linh, cán bộ quản lý đại đội vận tải, đồng hương Nghệ
An với Hoàng Cát, cùng một chiến sĩ vận tải, người dân tộc Tà Ôi, cáng thương
binh Hoàng Cát lọt đúng vào điểm đổ quân của máy bay cánh qụạt Mỹ! Chúng bắn
như vãi trấu hàng ngàn quả cối 60 ly và hàng trăm băng đạn đại liên. Linh đi
trước cáng, gục chết ngày tại chỗ. Người lính dân tộc Tà Ôi bỏ chạy xuống suối.
Cái võng cáng Hoàng Cát bị cánh quạt máy bay thổi tốc lên trời. Hoàng Cát nằm
chờ một loạt đạn để chết... Nhưng rồi máy bay địch đổ quân. Chúng sợ, nên nằm
sát rạt bên kia thân máy bay, không dám ngóc đầu dậy một lúc khá lâu. Đằng nào
cũng hết! Hoàng Cát liều bò và lăn xuống sườn dốc. Bây giờ đang mưa dầm, anh
rơi vào những bụi cỏ cây rậm…
Bọn Mỹ chặt xác Linh ra thành nhiều mảnh (ở chiến
trường, bọn Mỹ hay có cái trò hết sức phi nhân tính này!). Hoàng Cát rơi xuống
bụi cây như một cục đá. Đêm đến, Hoàng Cát nghe tiếng ám hiệu “tróc chó” “đó
óc, tờ róc” của anh bộ đội người Tà Ôi bò tới. Lay gọi, thấy anh còn sống, liền
thập thững cõng anh từng bước trong đêm ra trạm chuyển thương. Cái chân trái
của anh bị mất từ trận ấy. Nên sự sống với anh là niềm tri ân đồng đội. Hoàng
Cát không bao giờ quên: Trái tim tôi là một nấm mồ / Tôi chôn cất ấp iu
người em tình nghĩa/… Tôi giữ mãi những nấm mồ / Luôn được ấm / Giữa ngực tôi ("Trái
tim tôi là một nấm mồ")
Ra chữa bệnh và an dưỡng ở miền Bắc, thương binh
Hoàng Cát được lắp cái chân giả. Anh vui với cái chân giả của mình: Trời ơi
chân giả tháo ra / Cò cò lết lết như là trẻ con / Trót duyên thơ phú văn chương
/ đêm ngày bò xổm trên gường với văn… Cái chân giả trở thành một vấn đề nan
giải của đời anh. Mỗi bước đi “nó” lại gợi lên muôn nỗi niềm nhức nhối cả về
thể xác lẫn tinh thần: Tôi kiếm sống như muôn người lam lũ / Gắng nguôi quên
cái chân giả nặng nề / Mỗi bước đi là một niềm nhức nhối / Giữ cho trái tim
đừng nguội lạnh đam mê ("Vẫn là người lính").
Một lần vô thăm Huế cách đây sáu năm, khi nghe một
tên vô lại nói những câu xúc phạm đến đồng đội của mình, anh giận tím mặt,
không nén được, anh đã vung cái chân giả vào người hắn. Thế là cái chân vèo
bay, gãy mất. Anh ngất đi. Nhờ bạn bè ở Hội Văn nghệ Thừa Thiên Huế giúp, anh
được Bệnh viện Trung ương Huế biếu một cái chân giả ngoại mới, rất xịn.
Nhưng anh vẫn lo, rồi cái chân giả ấy gãy nữa thì sao? Vì thế anh phải lo
chân giả “để dành”: Có ai biết, ta đã để dành / Không phải đô-la, không phải
vàng / Mà chỉ một bên chân giả?... Ta chắt chiu để dành cái chân giả “xơ-cua” /
Phòng bất trắc cái chân đang đi bị gẫy - Khỏi phải thêm một lần cuộc đời làm
cho trọng thương ("Để dành"). Hình ảnh này, ở Việt Nam, trong đội
quân cách mạng, duy nhất chỉ có thương binh vỉa hè Hoàng Cát mới trải qua. Nó
vừa cao thượng lớn lao, vừa ngậm ngùi đau xót. Thế nhưng anh lại điềm nhiên
nghĩ: Không chân thật thì đi bằng chân giả / Miễn trong tim là thật máu của
mình ("Thân con kiến").
Hôm vào thăm lại chiến trường xưa, về Phong Điền,
thấy Sông Bồ xanh trong quá, anh liền cởi phăng quần áo, mang chân giả lao
người xuống sông tắm. Ấy là lần đầu tiên anh khoe cái chân giả với sông Bồ, với
bao bà con bạn bè thân thiết. Với cái chân giả nhọc nhằn ấy, anh đã từng bước
lần tìm về quá khứ, về bên những người đồng đội xưa để tưởng niệm, sẻ chia, an
ủi. Nhìn anh cởi trần từ dưới sông lên, nhảy cò cò hồn nhiên sung sướng, cái
chân trái cụt đến gối cứ lúc la lúc lắc. Rồi anh ngẩng đầu nhìn trời và đọc thơ
sang sảng: Sướng hay khổ, vui hay buồn - số phận / Trái tim ơi! Cứ thao thức
hết mình / Ta chỉ được một lần trên Cõi sống / Tội tình chi không hát với trời
xanh… Nếu quả thực có luân hồi đổi kiếp / Xin hãy cho ta trở lại kiếp
thi nhân… Tôi bỗng trào nước mắt. Trời Đất ơi, anh đang sống, đang yêu như
đời mình chẳng hề oan khiên cơ cực.
Và bây giờ, trái tim đang ấp ủ bao nấm mồ đồng bào
đồng chí ấy đang đập trong lồng ngực miên man sông nước Sông Bồ…
Huế, tháng 7-2007
NGÔ MINH
© 2007 talawas
_____________________
TRÍCH Ý KIẾN ĐỘC GIẢ VÀ TRẢ LỜI CỦA NGÔ MINH TRÊN TALAWAS
TRÍCH Ý KIẾN ĐỘC GIẢ VÀ TRẢ LỜI CỦA NGÔ MINH TRÊN TALAWAS
26.7.2007-Bùi Thị Lài
Như nhiều độc giả khác, sau khi đọc bài viết “Nhà thơ Hoàng Cát – Thương binh vỉa hè”
Lài cũng thấy sao cuộc đời nhà thơ này đau buồn quá. Lòng rất cảm khái cho số
phận một con người. Nhưng trong bài có đoạn sau đây làm Lài băn khoăn mãi.
“Nhờ người quen dẫn đường, anh Hoàng Cát có lần yết
kiến nhà thơ Tố Hữu. Anh Hoàng Cát bảo: ‘Khi mình gặp anh Lành, hai anh em nói
chuyện rất cởi mở. Anh Lành bắt tay, rồi cười bảo: ‘Không việc gì, tôi hiểu
lắm’. Nhưng ‘cấp dưới’ vẫn không hiểu, không thương, nên mới sinh chuyện.”
Lài cố hình dung ra buổi gặp mặt ấy. Cố tưởng tượng
ra một hình ảnh đường hoàng của kẻ sĩ Hoàng Cát khi đối diện với Tố Hữu, kẻ vốn
là nguyên nhân, không trực tiếp thì cũng gián tiếp, của những bất công, bất
hạnh, tan nát của không những cuộc đời riêng mình, mà còn cả cuộc đời của vợ
con, gia đình mình. Vậy mà không thể hình dung ra được. Lài cứ thấy một con
người khập khiễng và cóm róm đến độ tội nghiệp. Một con người không thể tự mình
đến gặp Tố Hữu mà phải nhờ người quen dẫn đường. Ắt hẳn muốn gặp Tố Hữu
là chuyện rất khó, nhưng Hoàng Cát cần yết kiến Tố Hữu để làm gì nhỉ? Ðể
phân bua? Ðể than vãn? Ðể chia sẻ? Hai anh em nói chuyện rất cởi mở. Họ
nói chuyện cởi mở về cái gì vậy? Về chuyện văn chương ư? Hay về chuyện
vợ con em đang đói vì các đàn em của anh đá đít em văng ra tận vỉa hè? Nói
chuyện, bắt tay, rồi cười... là thế giới đại đồng rồi ư? Là mọi khúc mắc,
nỗi đau, oan trái được xuề xoà hoá giải ư? Dễ quá hén, Lài hổng hiểu!
Lài cứ nghĩ, một tay có tư cách vỉa hè thực thụ, lỡ
có gặp nhau, thì sẽ nói: “Ðụ má mầy, tao thân tàn ma dại như vầy mầy đã vừa
lòng chưa?” Rồi nhổ nước bọt mà đi, thì mới phải.
____________________
NGÔ MINH TRẢ LỜI BẠN ĐỌC
NGÔ MINH TRẢ LỜI BẠN ĐỌC
Ngô Minh:
HOÀNG
CÁT TÌM GẶP TỐ HỮU VÌ MUỐN ĐỐI THOẠI
Chị Bùi Thị Lài thân mến. Ngô Minh cám ơn chị đã đọc
bài “Nhà thơ Hoàng Cát- thương binh vỉa hè”. Bài viết chuyển tải được
nỗi đau buồn và uất ức đến chị cũng như nhiều người đọc khác là
niềm an ủi và chia sẻ đối với anh Hoàng Cát và người viết. Và điều chị băn
khoăn qua đoạn văn kể chuyện Hoàng Cát yết kiến Tố Hữu cũng là tâm trạng thật
của một kẻ sĩ thứ thiệt “ Lài cứ thấy một con người khập khiễng và cóm róm
đến độ tội nghiệp. Một con người không thể tự mình đến gặp Tố Hữu mà phải nhờ
người quen dẫn đường. Ắt hẳn muốn gặp Tố Hữu là chuyện rất khó, nhưng Hoàng Cát
cần yết kiến Tố Hữu để làm gì nhỉ? Ðể phân bua? Ðể than vãn? Ðể chia sẻ?...”
Nhưng chuyện Hoàng Cát gặp Tố Hữu không phải
để “ than vãn”,” phân bua” hay “xin anh rộng lượng tha cho”, mà Ngô Minh
hiểu theo nghĩa rộng hơn, “người lớn” hơn là để đối thoại, để xem “ông
ta” nghĩ như thế nào về truyện ngắn “Cây táo ông Lành” mà gây sự khủng
khiếp vậy ? Bây giờ hội nhập toàn cầu, những con người một thời là
kẻ thù của nhau vẫn bắt tay nhau, đối thoại để tìm ra sự đồng thuận. Thế thì
một người “thấp cổ bé họng”, lại đang bị “án”, bị đẩy ra vỉa hè như Hoàng Cát
cũng có quyền đối thoại lắm chứ. Hẳn nhiên gặp Tố Hữu không dễ. Trong bài viết
của tôi chỉ viết tóm tắt, không kể hết chuyện này. Chuyện này lại được kể cụ
thể hơn trong một bài viết của nhà văn Đăng Vương Hưng đăng trên báo An ninh
thế giới cuối tháng số 23- Tháng 7- 2007. Ngô Minh xin trích vài đoạn
mà nội dung liên quan đến sự băn khoăn của chị Lài, để chị Bùi Thị Lài hiểu hơn
về hoàn cảnh của thương binh Hoàng Cát. Đoạn trích như sau :
“Hồi ấy, cạnh
căn hộ tập thể của Hoàng Cát ở có một cây táo hoang rất đẹp. Khi cây táo đang
lớn, anh đã chặt vì nghĩ sau này cây có quả, trẻ con sẽ đến quấy rầy. Nhưng
chặt xong, Hoàng Cát đã thấy mình ích kỷ một cách vô cớ và bỗng nhiên buồn vô
hạn. Xuất phát từ một bài thơ tứ tuyệt của Tố Hữu, trong đó có câu “Xuân về táo
rụng nhớ đàn em”, Hoàng Cát đã thức trắng một đêm và viết xong truyện ngắn Cây
táo ông Lành.
…Truyện ngắn Cây táo ông Lành được nhà văn
Trần Hoài Dương biên tập, họa sĩ Mai Văn Hiến vẽ hai tranh minh họa. Số báo
phát hành nhân ngày 1.6.1974. Nhuận bút toà soạn trả cho tác giả là 20 đồng. Ngay
lập tức, Cây táo ông Lành đã gây xôn xao và chấn động dư luận trong và
ngoài giới nhà văn. Không ai bảo ai, nhưng mọi người đều hiểu rằng truyện ngắn
nói trên đã mắc một cái tội tày đình là... “phạm húy”. “Ông Lành” là tên gọi
thân mật của nhà thơ Tố Hữu. Họa vô đơn chí bởi m
_________________________
(4) Góp ý | [ (0) Trackbacks ] | [Đường dẫn cố định] | Bản in
4
Comments on "HOÀNG CÁT – TRÁI TIM TÔI LÀ MỘT NẤM MỒ"
Gửi lời thăm nhà thơ Hoàng Cát nghe dượng.
Hôm ra Quảng Trị răng dượng không gọi?
Gửi cho em cuốn "Chuyện Phùng Quán" nghe. "Đất thiêng" thỉnh thoảng vẫn lấy ra...nhâm nhi, khoái nhất là cái vụ đuổi bắt chiếc xe khách cán chết người rồi bỏ trốn ở Thanh Khê.
Dượng gửi qua địa chỉ Hội VHNT Quảng Trị cũng được nghe dượng.
Hôm ra Quảng Trị răng dượng không gọi?
Gửi cho em cuốn "Chuyện Phùng Quán" nghe. "Đất thiêng" thỉnh thoảng vẫn lấy ra...nhâm nhi, khoái nhất là cái vụ đuổi bắt chiếc xe khách cán chết người rồi bỏ trốn ở Thanh Khê.
Dượng gửi qua địa chỉ Hội VHNT Quảng Trị cũng được nghe dượng.
- Viết bởi Ngô Minh Gwuir NNC
[ Trả lời ]
14/12/2012, 08:27
Sẽ gửi. Ra Đông hÀ thăm chú em ốm. Cho xun cái địa chỉ và
điện t hoại
Dượng Ngô Minh!
Dượng gửi theo địa chỉ:
Nguyễn Ngọc Chiến
Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Trị
Đường Hùng Vương - Thành phố Đông Hà
ĐT: 093 2526 786
Người em của của dượng ở Cam Lộ em và Phan Văn Quang có đến rồi. Không biết cô cháu gái rất xinh gọi dượng là bác bây chừ mần chi.
Có nác chè xeng em mới nấu bên nhà, đặc và thơm lắm, dượng có rẻng thì qua mần đọi...Khi mô ra Vĩnh Linh, dượng đi với em dưới...lộng gió Cửa Tùng mần bựa...lút cán rồi về. "Bộ máy" của dượng còn hoạt động tốt không?
Dượng gửi theo địa chỉ:
Nguyễn Ngọc Chiến
Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Trị
Đường Hùng Vương - Thành phố Đông Hà
ĐT: 093 2526 786
Người em của của dượng ở Cam Lộ em và Phan Văn Quang có đến rồi. Không biết cô cháu gái rất xinh gọi dượng là bác bây chừ mần chi.
Có nác chè xeng em mới nấu bên nhà, đặc và thơm lắm, dượng có rẻng thì qua mần đọi...Khi mô ra Vĩnh Linh, dượng đi với em dưới...lộng gió Cửa Tùng mần bựa...lút cán rồi về. "Bộ máy" của dượng còn hoạt động tốt không?
- Viết bởi Ngô Minh Gửi Chiến
[ Trả lời ]
14/12/2012, 10:57
Cháu tên alf Huyền, lấy chồng ở Bình Dương. Cháu giống mạ
NM xưa lắm. Tất cả còn nguyên xi
No comments:
Post a Comment