Trang

Friday, February 1, 2013

BÁO CAND, NHÀ THƠ VŨ QUẦN PHƯƠNG: VIỆC CẤU TẠO BGK LÀ MỘT TRONG NHỮNG NGUYÊN NHÂN KHIẾN GIẢI THƯỞNG KHÔNG ĐÚNG CHUẨN

“Việc cấu tạo BGK là 1 trong những nguyên nhân khiến giải thưởng không đúng chuẩn.

Bên cạnh đó, giới văn chương còn có sự cảm tính, mà điều này khó duy danh định nghĩa. Việc này có thể khắc phục bằng cách, bên cạnh BGK, có 1 ban phản biện. Một điều nữa là lãnh đạo HNV có lúc thiếu bản lĩnh khi theo dư luận: trao giải cho người “ghê gớm”, hoặc sợ mang tiếng trao cho người giàu, lại trao cho người nghèo để chứng tỏ. Việc thiếu bản lĩnh này làm hỏng nền văn học”.

TRONG VĂN CHƯƠNG KHÓ CÓ ĐÁP SỐ RÕ RÀNG
Tại lễ trao giải của Hội Nhà văn Việt Nam (HNVVN) 2012, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhà thơ Vũ Quần Phương về một số vấn đề liên quan đến giải thưởng của HNV:
* Chưa kịp diễn ra lễ trao giải, dư luận đã bàn tán xôn xao chuyện nhà văn Y Ban và Phạm Ngọc Cảnh Nam từ chối nhận bằng khen. Ông có ý kiến thế nào trước phản ứng này?
- Tôi tán thành quan điểm khác biệt tồn tại song song với mình. Sự khác biệt đó nằm trong bất cứ lĩnh vực nào của xã hội, không cứ văn chương. Vì vậy, nên nhìn HVN trong sự biến động của quy luật chung. Trong văn chương không thể có đáp số rõ ràng như toán học và tôi lắng nghe nhưng có chính kiến.

Tôi làm thơ, muốn càng dễ hiểu với bạn đọc càng tốt, thơ cần sâu sắc nhưng giản dị trong thể hiện, để bạn đọc hiểu được cái vô cùng mới là cái khó, chứ không phải ở chỗ khiến người đọc khó tiếp cận với mình. Nhưng nếu các bạn tôi làm thế, tôi cũng không phản đối, mà hãy để cho thời gian trả lời.

Tuy nhiên, là một hội viên, tôi đòi hỏi HNV phải như cái phao, để người ta biết văn học Việt Nam nổi hay chìm. Có nhiều cuộc thảo luận HNV xới lên nhưng không dám kết luận, không nói rõ chính kiến, là chưa chịu trách nhiệm trước bạn đọc của mình.

* Theo ông, điều này có phải do mảng lý luận phê bình văn học còn yếu?

- Dư luận về 1 thể loại có lỗi cả HNV, người sáng tác vì trong lòng mỗi người sáng tác đã có 1 nhà phê bình và cả chúng tôi. Trước đây, khi mới làm thơ chúng tôi thường dõi theo ý kiến của các nhà thơ lớn Xuân Diệu, Chế Lan Viên như kim chỉ nam. Nhưng gần đây, thường hơi một tí là một số nhà văn chửi bới nhau (theo đúng nghĩa đen), bới cả những việc phi văn học.

Tôi cho rằng, ngay cả những việc không hài lòng về học thuật, cũng nên nói nhẹ nhàng. Cái này nên học các cụ trong tranh luận: trước đây, Ngô Đức Kế tranh luận với Phạm Quỳnh với quan điểm rõ rệt, nhưng lời lẽ ôn tồn. Cái đó không phải là đạo đức giả, mà người nọ mới nghe người kia được, chứ anh chửi thì người ta nổi nóng, không còn nghe hết ý nữa.

* Ông nghĩ sao khi nghiên cứu mới đây nhất của Viện Văn học cho thấy uy tín của giải thưởng chính thống xuống thấp vì tiêu chí không thống nhất và việc xem xét giải thưởng của các hội đồng có vấn đề?

- Các Hội đồng sơ khảo làm việc tương đối chính xác so với Ban chung khảo được cấu tạo bằng thành viên Ban Chấp hành HNV, do họ được bầu làm công tác quản lý. Ngay Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước mà Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL quyết định cuối cùng chưa chắc chính xác hơn các hội đồng chuyên môn.
Việc cấu tạo BGK là 1 trong những nguyên nhân khiến giải thưởng không đúng chuẩn.

Bên cạnh đó, giới văn chương còn có sự cảm tính, mà điều này khó duy danh định nghĩa. Việc này có thể khắc phục bằng cách, bên cạnh BGK, có 1 ban phản biện. Một điều nữa là lãnh đạo HNV có lúc thiếu bản lĩnh khi theo dư luận: trao giải cho người “ghê gớm”, hoặc sợ mang tiếng trao cho người giàu, lại trao cho người nghèo để chứng tỏ. Việc thiếu bản lĩnh này làm hỏng nền văn học.

* Hội đồng chung khảo nói rằng, tiêu chí tác phẩm hay mới được giải. Ý kiến của ông thế nào?

- Giải thưởng nào cũng thế, khi công bố phải có bài tổng kết, phân tích lý do trao,  lý do không trao, để người khác tâm phục khẩu phục. BGK đúng, phân tích chính xác sẽ tạo nên giá trị giải thưởng, như khi trao giải thưởng cho Phạm Tiến Duật, Thanh Thảo, họ đã trở thành những tên tuổi. Rất cần bản tổng kết, đánh giá khi trao giải. Nếu lành mạnh thì bỏ phiếu công khai như trước đây Xuân Diệu, Tế Hanh, Chế Lan Viên vẫn làm.

* Theo ông, nên bỏ phiếu kín hay công khai sẽ lành mạnh hơn?

- Trước mắt, nên bỏ phiếu kín, nhưng phải có bản giám định và lưu lại, để khi cần có căn cứ giải thích. Văn có chuyên môn văn, thơ có chuyên môn thơ. Trao giải mà không có tổng kết thì không được. Anh Hữu Thỉnh nói có hoa mừng hoa, có nụ mừng nụ là đúng, vì phải thông cảm cho anh em. Nhưng dù mừng nụ cũng phải có phân tích. Ví dụ tác phẩm của Nguyễn Quang Thân có ý kiến, thì phải nói cho hiểu, tốt cho cả độc giả, lẽ ra phải giải thích, chứ không thể im lặng.

* Ông cho rằng, giải thưởng của HNV có minh bạch?

- Minh bạch, nhưng chưa chính xác, lại không cho tranh luận. Vừa rồi, một số anh thay mặt BCH giải thích nhưng lập luận chưa thuyết phục. Lẽ ra, Chánh chủ khảo phải chịu trách nhiệm và lên tiếng. Chấm gì cũng thế, phải có người chuyên môn, còn quyết định là ban lãnh đạo vì có thể xét yếu tố khác nữa. Một người không chuyên môn thì run rẩy không dám quyết định. Có năm, có người khi chấm còn chạy xuống hỏi tôi: Nên bỏ cho ai nhỉ? chứng tỏ anh em chưa được thảo luận trước khi bỏ phiếu.
* Cảm ơn ông!
Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam:

Các tác phẩm được Giải thưởng và Bằng khen năm 2012 của Hội Nhà văn đã cho thấy diện mạo và tinh thần của đời sống văn học Việt Nam năm 2012; tính đa dạng của các khuynh hướng sáng tác và việc đón chào các giá trị của đổi mới, lương tâm và trách nhiệm của nhà văn trước số phận con người và vận mệnh đất nước.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trao Bằng khen cho nhà thơ Khuất Bình Nguyên.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng công khai về vấn đề 2 tác giả được tặng thưởng nhưng từ chối: Việc nhận hay từ chối bằng khen là quyền của tác giả và là chuyện bình thường. Nhưng nó bất thường bởi từ đó trực tiếp hay gián tiếp đã tạo ra một cái nhìn sai lệch về công tác xét giải thưởng và có những xúc phạm đến các thành viên của Hội đồng sơ khảo và chung khảo và chính các tác giả được giải.

Mặc dù vậy, Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam vẫn công nhận những đóng góp ở khía cạnh nào đó của hai tác phẩm này. Đồng thời, vẫn trao bằng khen cho tác phẩm của nhà văn Y Ban và nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam vì chưa nhận được văn bản chính thức nào xin rút khỏi bằng khen của hai nhà văn.

Tại buổi lễ, HNV Việt Nam đã tổ chức kết nạp các hội viên mới và chúc thọ các nhà văn cao tuổi.
Dạ Miên

Theo Thanh Hằng
CAND

No comments:

Post a Comment