Trang

Friday, March 8, 2013

CON MUỐN DÂNG LÊN MẸ BÀI CA KHÔNG CÓ GIỚI HẠN, KHÔNG CÓ ĐIỂM KẾT THÚC, KHÔNG CÓ ĐÁY, CŨNG KHÔNG CÓ ĐỈNH, NHƯ ÁNH SÁNG, NHƯ TÌNH THƯƠNG…

THƠ DÂNG MẸ

Bây giờ mẹ đã ở trên cao
Trên tất cả buồn đau đời mẹ
Trên thương cảm chảy trên dòng sông cuộc đời
Bây giờ con không sao nhìn thấy gương mặt mẹ
Mẹ đã hòa vào cao xanh kia
Cao sang và hư ảo
Bên ngoài những định giới hạn hẹp, tối tăm
Mẹ về bên con bằng thứ ánh sáng xanh biếc vô hình
Niềm vui sáng dịu dàng khôn tả
Đó là gương mặt thật của mẹ
Gương mặt của người mẹ vĩ đại đã sinh ra con
Đã chịu bao kiếp nạn.
Mẹ ơi
Con muốn dâng lên mẹ bài ca
Không có giới hạn
Không có điểm kết thúc
Không có đáy
Cũng không có đỉnh
Như ánh sáng
Như tình thương
Kết nối tâm linh bằng sợi dây huyền diệu
Kết nối sự đơn độc với vô biên
Bài ca của con
Về sự nhỏ bé
Nhưng bất tử
Bởi vì mẹ ơi mẹ con mình thật nhỏ bé
Chỉ như một cái bóng côi cút trong cuộc đời
Nhưng cái bóng côi cút đâu có chết
Như mẹ tỏa rạng bên trời kia
Không một nỗi đau nào nữa
Về cõi này phù du.
Mẹ ơi
Bài ca của con rất dài
Cao cao theo những cơn gió
Sâu, rất sâu theo những đêm dài
Nương theo lời Phật dạy
Bài ca của con như những bàn tay
Và ấm như ánh sáng
Ánh sáng chảy tuôn từ hư ảo
Và không thể nắm bắt
Nhưng có thể sưởi ấm và chở che.
Đấy là những lời con đã nghe từ mẹ
Mẹ ơi
5-9-2011

GIÁNG VÂN
Bình:
Thơ Giáng Vân giầu suy tư, giầu ý niệm nhân sinh và yếu tố tâm linh. Thơ ấy luôn cho cảm nhận gần gụi, ấm áp, như một sự nâng đõ trong nguồn chia sẻ sáng và đẹp của tinh thần nghệ thuật, của một giá trị sống. Bài Thơ dâng mẹ là một ví dụ.
Thơ dâng mẹ ở trường hợp này là dâng lên hương hồn mẹ - Mẹ đã mất. Cái thực của hoàn cảnh là thế, song ý niệm thơ mở ra một miền hiện hữu khác, cao sáng, thành kính, và ấm nồng sức sống: “Mẹ đã hoà vào nơi cao xanh kia/ Cao sang và hư ảo…/ Mẹ về bên con bằng thứ ánh sáng xanh biếc vô hình/ Niềm vui sáng dịu dàng khôn tả/ Đó là gương mặt thật của mẹ…” Qủa đó một “thực cảnh” và trong cảnh hiện hữu này thơ không chỉ là biểu cảm tinh thần, mà thơ dâng như một sản vật, cho một khoảng đời:

         Con muốn dâng lên mẹ bài ca
         Không có giới hạn
         Không có điểm kết thúc
         Không có đáy
         Không có đỉnh
         Như ánh sáng
         Như tình thương…
Và bởi vậy, cho dù “bài ca” của con có huyền diệu, cao sáng, ca lên từ  con – Một côi cút thế gian trong cảm thức mênh mang về sức tồn tại niềm yêu thương, dâng hiến, thì nguồn khởi và điểm kết cho nỗi tình mẫu tử, cho cảm thức thế gian này, tất thảy đều được ca lên từ mẹ. Mẹ là một nguyên lý, là bản thể duy nhất cho tình yêu, nghĩa thế gian. Bởi vậy mới thấy ở Thơ dâng mẹ : Tình cảm và hình mẫu mẹ tràn ngập không gian thơ. Một không gian đượm vẻ hoài thương, u uẩn, đơn độc, cảm hoá, truyền dẫn, tiếp nối và bất tử. Ấy là dạng thức thiêng hoá những mẫu hình trần thực. Đây là thủ pháp nghệ thuật mà tác giả thơ lựa chọn. Dường như cảm thức phương Đông, thơ Tagor có trong thơ Giáng Vân. Rất đắc địa!
Thơ dâng mẹ : Một bài ca, một lá thư gửi tới một cõi trời đơn độc mà rộng lớn vô cùng. Cõi trời ấy dường sẽ cho con người ta được thấy rõ mình, thấu hiểu cuộc sống, thấy được điều chính bản tâm vũ trụ kia cũng là một sự viễn hành đơn độc: “Kết nối tâm linh bằng sợi dây huyền diệu/ Kết nối sự đơn độc với vô biên…” Và trong cõi trời ấy có mẹ đang... an nghỉ. Mẹ cũng độc hành. Vì vậy, đây là một bài ca cho sự đơn độc linh thiêng đầy sức chuyển hoá, tái tạo. Bản chất thế gian này là vậy chăng?

________________        

NGỒI BUỒN NHỚ MẸ TA XƯA
Bần thần hương huệ thơm đêm
Khói nhang vẽ nẻo đường lên Niết Bàn
Chân nhang lấm láp tro tàn
Xăm xăm bóng mẹ trần gian thuở nào
Mẹ ta không có yếm đào
Nón mê thay nón quai thao đội đầu
Rối ren tay bí tay bầu
Váy nhuộm bùn, áo nhuộm nâu bốn mùa
Cái cò... sung chát đào chua...
Câu ca mẹ hát gió đưa về trời
Ta đi trọn kiếp con người
Cũng không đi hết những lời mẹ ru
Bao giờ cho tới mùa thu
Trái hồng trái bưởi đánh đu giữa rằm
Cho giờ cho tới tháng Năm
Mẹ ra trải chiếu ta nằm đếm sao
Ngân Hà chẩy ngược lên cao
Quạt mo vỗ khúc nghêu ngao thằng Bờm...
Bao giờ đom đóm chập chờn
Trong leo lẻo những vui buồn xa xôi
Mẹ ru cái lẽ ở đời
Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn
Bà ru mẹ... mẹ ru con
Liệu mai sau các con còn nhớ chăng
Nhìn về quê mẹ xa xăm
Lòng ta... chỗ ướt mẹ nằm đêm mưa
Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
Miệng nhai cơm bũng lưỡi lừa cá xương.
NGUYỄN DUY
Bình:
Nguyễn Duy là cây bút thơ lục bát đẳng cấp cao. Giọng lục bát của Nguyễn Duy cũng khá phong phú. Khi thì sâu lắng, thôn trang, mực thước, cổ điển. Lúc lại ba la bông lông, bụi bụi, phố phường, trẻ trung hiện đại. Mối quan tâm của thơ Nguyễn Duy cũng rộng. Hầu như cảnh đời, phận người nào trong đời này đều đã bước vào cõi thơ ông. Từ người mẹ, người bà, người vợ, người em gái gần gụi, hay thoáng qua chợt gặp, người nông dân, công nhân, người lính, người xa xứ; cảnh sắc thiên nhiên, mùa vụ, như cây lúa, cây tre, bông mai vàng, bông lục bình.v.v... Dường như Nguyễn Duy đã tạo ra cho thơ ông cả một đời sống, một thế giới. Trong cái thế giới thơ – và, thơ lục bát Nguyễn Duy đó thì thơ viết về người phụ nữ - bà, mẹ, vợ, người em gái – là một mảng thơ khá đặc sắc. Bài thơ Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa là một trong những bài hay nhất, gây xúc động nhất.
Buồn nhớ mẹ, mất mẹ là một nỗi buồn rất lớn, rất sâu. Sâu suốt kiếp người, nên nói không cùng, đi không hết. Sinh làm người, ai chả có mẹ, chả bắt đầu từ mẹ, từ hít hà, bú mớm, cưng nựng, lon ton, rồi lớn khôn, thành ra cái thằng con người trí thức, mơ mộng và rồi làm thơ. Thơ về mẹ, về những đoạn trường thành thân con người ấy.
Người mẹ nào sinh con, nuôi con chả chịu bao vất vả, người mẹ xứ quê – Quê Việt những năm 50, 60, 70 của thế kỷ trước, thế kỷ nô dịch - chiến tranh, càng thêm bội phần vất vả. Bản chất của thơ vốn là một tiếng ca buồn. Mẹ cũng buồn. Bởi vậy thơ lại là thơ về mẹ, sao cầm hết buồn? Nhưng, không hề chi, lo chi. Thơ là một cái buồn đẹp. Buồn của một loài trăng, đêm càng đen, càng sâu càng dứt lòng mình mà sáng. Mẹ là nỗi buồn nhân bản, buồn nhân thế. Thế thái, nhân tình có buồn cỡ mấy mẹ cũng cưu mang, ru nín được hết. Bởi vậy mang nỗi buồn mẹ vào thơ là mang điều kỳ vĩ vào cho cái đẹp. Thực là một công việc đáng làm biết mấy. Đứa con – nhà thơ kia đáng làm con của mẹ. Có đứa con nào dám so bì với hắn nữa. Chưa tin thì cứ hỏi mẹ Việt ngàn thuở qua thì rõ. Vậy mới bảo, lo chi, hề chi.

         Ta đi trọn kiếp con người
         Cũng không đi hết những lời mẹ ru...

Ý thơ tụng ca này, đặt vào ai cũng thành ra lố, thành ra nịnh hót rởm. Nhưng đặt trước tình mẹ thấy “nịnh” thế vẫn còn nhẹ, nhẹ hều. “Nghĩa mẹ như nước trong nguồn...”  cơ mà. Cội nguồn - gốc, lớn lao lắm. Nhưng ông Nguyễn Duy chớ vội sợ mẹ quỏ mà buông bút. Ông còn có thêm lời đáng giá để dâng mẹ.

         Nhìn về quê mẹ xa xăm
         Lòng ta chỗ ướt mẹ nằm đêm mưa
         Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
         Miệng nhai cơm bũng lưỡi lừa cá xương...

Mẹ buồn và mẹ bao la, kỳ vỹ. Bởi vậy, viết về mẹ con có thể có lời buồn, nhưng là phận con đỏ, con thơ trước mẹ, con làm sao có tầm bao la, kỳ vỹ. Mẹ cũng quê mùa, giản dị, như áo nhuộm nâu, hơi ấm ổ rơm... Nhờ vậy con còn có cửa để mà về thưa thốt. Lời thơ giản dị, chân thành, thấm buồn và sâu lắng lẽ đời. Được mấy câu này, thế cũng đáng lắm. Hẳn mẹ vui lòng.
Đứa con nào chưa tin điều bày tỏ này, xin hãy về hỏi mẹ. Lòng ta chỗ ướt... ấy nơi mẹ đang chờ ta.
_______________

BỜ SÔNG VẪN GIÓ
Lá ngô lay ở bờ sông
Bờ sông vẫn gió...
                             người không thấy về...
Xin người hãy trở về quê
Một lần cuối... một lần về cuối thôi
Về thương lại bến sông trôi
Về buồn lại đã một thời tóc xanh
Lệ xin giọt cuối để dành
Trên phần mộ mẹ, nương hình bóng cha
Cây cau cũ, giại hiên nhà
Còn nghe gió thổi sông xa một lần
Con xin ngắn lại đường gần
Một lần rồi mẹ hãy dần dần đi.

TRÚC THÔNG
Bình:
         Lá ngô lay ở bờ sông
         Bờ sông vẫn gió... người không thấy về...
Trong đời sống người dân miền châu thổ, con sông là nguồn sữa phù sa nuôi dưỡng cánh đồng. Ấy là xét về giá trị thời gian, mùa vụ. Về không gian thì hình ảnh con sông được xem là một điểm mốc hẹn mang giá trị lâu dài, có khi thành bất tử. Bất tử ngay cả khi nó đã bị lấp đi! Cái con sông - Bờ sông - xưa tiễn đưa, nay đang mong đợi, ở tình thơ này được tác giả xây dựng với cả hai yếu tố: không gian, thời gian và lồng cộng với hai biểu tượng tinh thần, là: lá ngô và làn gió. Một thời gian mang niềm thương nhớ khôn nguôi; một không gian không đổi dời; một tiếng gọi tha thiết đêm ngày của gió quê và một thứ sinh thể mang cái màu sắc thiên thu đã lay động lên, hoá thượng thanh khí lên, là chiếc lá ngô - nơi cõi phần ký ức. Bốn lực tác động tạo hình ảnh, hình tượng này, chúng đã hoá thân vào nhau làm Một - niềm hướng tưởng: Cố Hương.

         Lá ngô lay ở bờ sông
         Bờ sông vẫn gió... người không thấy về...
         Xin người hãy trở về quê
         Một lần cuối - một lần về cuối thôi
         Về thương lại bến sông trôi
         Về buồn lại đã một thời tóc xanh...
Nỗi nhớ quê hương trong tâm tưởng người tha hương mặn mòi, da diết lắm. Người ta xưa nay hằng: “Chiều chiều ra đứng ngõ sau...”, nhìn sông thấy khói sóng lúc cuối ngày mà buồn, nhìn trăng sáng đẹp mà nhớ. Vâng! Đến cả loài cầm thú cũng đã“ba năm quay đầu về núi…” kia mà.
Niềm tha hương ở thơ Bờ sông vẫn gió, với người mẹ - người đã dành cả quãng ngày xanh tuổi trẻ cho con cháu, nay da mồi, tóc bạc, tuổi đã ngả sang chiều mà vẫn chưa thực hiện được nguyện ước, về thăm quê hương bản quán, mà khoảng cách dặm đường nào có xa xôi: Con xin ngắn lại đường gần... Lẽ thường con người đứng trước khoảng cách “đường xa dặm thẳm” mới phải mong cho “ngắn lại”! Chính từ cái “nghịch lý” này mới hoạ rõ lên cái “nghịch phận”. Tình thơ bởi thế mới sâu nặng, mới ám ảnh. Và cũng bởi thế, không phải ngẫu nhiên trong một bài thơ ngắn, tác giả đã dụng từ “xin” tới ba lần: Xin người hãy trở về quê; Lệ xin giọt cuối để dành; Con xin ngắn lại đường gần. Từ “xin” trong ngôn ngữ tiếng Việt mang đậm tính thân phận, nhân tính, phật tính. Như, cầu xin, xin lỗi, xin phép, xin ăn, xin học v.v... Vậy nên từ này thường chỉ được dùng khi tấm lòng có việc thành kính, ai hoài. Bờ sông vẫn gió mang trong nó tâm thi thành và ai. Qua cái tâm thi này, niềm thân phận buồn thương, lệ tình mẫu tử đã lung linh ngời sáng lên tính luân lý và đạo lý sâu sắc.
Một điểm kỹ thuật, nhưng đầy sự dụng công cũng cần được soi tỏ.
Tổng lượng câu chữ của bài thơ là 12 câu, với 84 chữ. Một bài thơ có số lượng câu chữ giản thiểu như vậy, nhưng ở phần phân lượng chữ lại được nhà thơ sử dụng gia tăng, nhân đầy lên. Tính cả cụm từ “một lần” thì bài thơ có 7 chữ được sử dụng lặp đi lặp lại thành 24 lần chữ. Lặp ngôn tới tỷ lệ vậy mà khi thưởng thức, không phải người kỹ tính không dễ nhận ra. Ấy là bởi, trong một thi phẩm khi tình thơ, hồn thơ toả sáng lên, động vang lên, tạo ra một trường xung cảm mạnh mẽ giữa thi phẩm và người thưởng thức, thì khi ấy, tính hình thức, kỹ thuật đã trở thành một phương tiện cấu thành, biểu đạt của nội dung nghệ thuật; tình thơ khi ấy cất cánh bay thoát ra khỏi cái vỏ - ngôn ngữ, thơ đã đi từ cái cá thể - mang dấu vết ngôn ngữ và thân phận, đến nhập vào hợp thể, đồng vang nơi tiếng nói (thanh ngữ) chung. Đó là nơi cư ẩn truyền nối thiêng liêng của cõi phần tâm tình, tâm linh. Nơi mà kỹ thuật ngôn ngữ chỉ còn tồn tại như một nghi lễ trước bàn thờ tinh thần: Hồn Thơ Mầu Nhiệm!
Thi phẩm Bờ sông vẫn gió của nhà thơ Trúc Thông, quả là một đóng góp quý giá cho kho tàng nghệ thuật thơ lục bát nước nhà. 

________________
 

MƯA
             Trời mưa bong bóng phập phồng
                Mẹ đi lấy chồng con ở với ai?..

                                CA DAO
Ấy là tôi nói ngày xưa
Mẹ tôi tái giá - đò đưa theo dòng
Không mưa cũng thể phập phồng
Lừa tôi ngõ trước, mẹ vòng lối sau.
Ấy là tôi nói ca dao
Con chuồn chuồn ớt đậu vào đời tôi
Bà đừng ru nữa bà ơi
Vít thêm ngọn nắng mồng tơi dậu nhà.
Ấy là tôi nói áo hoa
Mẹ mua cho Tết tỉnh xa gửi về
Dì tôi dỗ: áo của dì
Để cho tôi mặc, không thì tôi không
Ghét lây bẩy sắc cầu vồng
Giá như biết chọn lối vòng cơn mưa.

NGUYỄN NGỌC LY
Bình:
Thơ Mưa - của tác giả Nguyễn Ngọc Ly ngỡ như vọng ra từ một tiếng khóc dài. Chữ thơ chẩy theo từng tiếng nấc nghẹn ngào, tức tưởi. Hai chữ “Ấy là...” vì vậy đã ba lần được láy, thốt. Lời thơ rất thật mà tình thơ thì lắng đọng. Chỉ có hai câu thơ cuối khổ thơ thứ hai và hai câu thơ kết bài là thấy dấu vết của sự làm thơ.
Không gian - Mưa trong bài thơ là cái không gian mượn của ca dao, “Trời mưa bong bóng phập phồng/ Mẹ đi lấy chồng con ở với ai?”. Nỗi tình ca dao xưa cũng tựa cảnh tình thơ nay: Mẹ tôi tái giá đò đưa theo dòng... Tình ca dao thì lấy mưa để so ví, làm tương hỗ gợi ra cảnh phân ly. Tình trong thơ Nguyễn Ngọc Ly thì: Không mưa cũng thể phập phồng... sự ngăn cách - phân ly, dù không hề mưa gió cũng đã rõ rồi. Cụm từ “cũng thể phập phồng” là thứ nỗi niềm mẹ - con xui lên, trào ra: mưa - nước mắt - chẳng cần đến tạo tác, hô ứng của giời đất.
Thơ Mưa ở khổ một và ba, giọng thơ mộc, trực. Riêng khổ thơ hai, giọng thơ mang tính tượng trưng, cách ngôn:

         Ấy là tôi nói ca dao
         Con chuồn chuồn ớt đậu vào đời tôi
         Bà đừng ru nữa bà ơi
         Vít thêm ngọn nắng mồng tơi dậu nhà...

Thể lục bát được viết khá điêu luyện. Tính tượng trưng ở câu thơ 4 gây cảm nhận thật sâu đắm. Ngỡ như nghe vẳng tiếng trẻ thút thít đang nuối chìm đi trong tiếng ru dỗ của người bà ngoại. Cảm động xiết bao!
Cũng là người nhà quê, nhà tôi trước đây cũng có một dậu mồng tơi và tôi thường ngày vẫn hái rau mồng tơi về nấu canh cua. Vậy mà tôi đâu có nhìn thấy hình ảnh nắng mồng tơi. Phải là người trong hoàn cảnh thơ MƯA, sống với cái nỗi nẫu nùng mất cha vắng mẹ mới có được cái biệt nhãn, để nhìn ra hình ảnh rớt mồng tơi của nắng. Đó là thứ nắng không chịu tàn rụng, nó cứ rớt trên bờ dậu và vì vậy màn đêm chưa thể buông, để trong lời ru mòn mỏi của người bà, đứa cháu thơ mới có phút nguôi ngoai mà đi vào giấc ngủ. Nắng mồng tơi - Qủa thực là một thứ nắng được tạo bởi Nguyễn Ngọc Ly. Ông đã rút lòng mình trao cho khoảng trời thi ca nước nhà thứ nắng đó.
Nhưng khoảng sâu lắng, thiêm thiếp ngủ của tình thơ cũng chỉ như một chút lặng, thoáng chốc lại bừng thức dậy. Tiếng khóc lại vọng lên, nối dài khi hai chữ “ Ấy là...” bắt nhịp cho khổ thơ ba xuất hiện. Ấy là khi chiếc áo hoa hiện về trong ngày Tết. Khác với khổ một, cung bậc tình cảm ở khổ ba đã được đẩy cao lên. Ngoài lòng than trách, giọng thơ còn có phần giận dỗi:
Dì tôi dỗ:  áo của dì
Để cho tôi mặc không thì tôi không...
 Lời thơ không cầu kỳ, gọt đẽo. Bởi đây là lời trẻ nói thơ, nghe rất thật thà rất cảm lòng. Thơ có sức lay thức cả sự ngủ quên, vô tâm trước bổn phận làm người, trước đồng loại!

Bình thêm:
         Ghét lây bẩy sắc cầu vồng
         Giá như biết chọn lối vòng cơn mưa.
Thực là cách nghĩ của trẻ thơ.
Về phương diện người lớn, tôi nghĩ, nên mở rộng đường cho người mẹ trẻ ấy. Nỗi đời chưa dễ qua màu tóc xanh mà. Trách là trách ông chồng thứ hai kia. Hoàn cảnh thơ kể ra là có ngày cưới xin hẳn hoi: Tôi chắn lối trước mẹ vòng ngõ sau... Vậy thì ông ấy nấp bóng ở đâu mà chẳng ra an ủi đưa trẻ - con của người ông yêu, lấy một lời? Và tại sao, đã yêu được mẹ sao lại chẳng thương lấy con? Tổ tiên ta cũng đã dậy về đoạn trường ca dao này: “Con mình những trấu cùng tro/ Ta đi gánh nước tắm cho con mình...”
Nghĩ vậy, tôi lại bỗng ngờ về lối tìm hạnh phúc của người mẹ. Ngờ một chút thôi! Lớn hơn, tôi chia sẻ với cách chọn lối đi vòng của bà. Và rất cầu mong cho bà hạnh phúc!... 

________________

SÔNG LÀNH
Đoàn tầu đêm qua sông xình xịch vào dài
Giở mình về phía sông nghe sóng vỗ nhẹ
Hồi nào rất xa mẹ thường ra sông tắm đêm
Ngày ấy mẹ trẻ hơn nỗi ta nhớ bây giờ
Ngày ấy ta nằm bên mẹ như nằm bên sông lành
Ngày ấy tóc ta còn tơ
Mẹ tắm cho ta bao nhiêu lần mà ta chỉ được hai lần tắm mẹ
Một lần đưa mẹ về với lúa
Một lần rước mẹ sang nhà mới
Nỗi nhớ này, niềm sông này duy nhất trong một đời người!
4 - 5 - 2002

TRẦN QUỐC THỰC
Bình:
Bắt đầu từ cụm từ xình xịch vào dài đã định vị cho Sông lành một giọng chữ riêng. Ngôn ngữ thơ được trình diễn với giọng kể, hồi ức và cấu trúc câu dạng câu văn xuôi, chỉ dựa vào giọng văn của câu mà bố cục khổ đoạn, chứ không lụy vào âm điệu thường thấy của thơ có vần.
Không gian thơ mở khép tùy vào nỗi nhớ, còn thời gian chừng đã vượt ra ngoài khung có thể của nỗi nhớ, nó ở ngoài nỗi nhớ: Ngày ấy mẹ trẻ hơn nỗi ta nhớ bây giờ... Ấy là sự truy tìm vào khát khao tới tận cùng niềm đau cốt nhục. Thấp thoáng một chiếc bóng tiền kiếp. Dạng thức của nỗi nhớ này nằm ngoài thời gian vật lý, song nó vẫn là một sự thực tâm lý của nỗi nhớ, niềm đau nơi tâm thức con người. Nó cần một thương đau sâu sắc đến gọi tên.
Mẹ tắm cho ta bao lần mà ta chỉ được hai lần tắm mẹ
Một lần đưa mẹ về với lúa
Một lần rước mẹ sang nhà mới...
Một cách "suy tị" rất mực ấu thơ và rất mực đau thương. Trần Quốc Thực rõ ràng có ý làm giản thiểu tính chất của nỗi đau và làm gia tăng sự trang trọng có tính thiêng hóa hình ảnh, hoàn cảnh. Ngôi mộ vốn cho liên hệ hình ảnh ngọn cỏ: về với cỏ, nhưng chữ thơ ở đây lại viết rằng: về với lúa. Cây lúa đã quá gắn bó với người mẹ quê. Và cây lúa trong phận cảnh này, mong mang một liên tưởng về sự sống. Lúa - nuôi sống con người! Bởi thế, câu sau mới sinh tiếp một liên ảnh: sang nhà mới. Một di chuyển đến chỗ đẹp đẽ hơn để... sống. Chữ thơ từ chối cách dùng chữ dung thực: sang cát, sang tiểu sành - nơi vĩnh khuất hình hài.
Sông lành - câu chữ giản dị, giản lược mang một công dụng: sự sống hóa cõi chết.
Sông lành - nguồn sữa cho người con, cho tình thơ bú mớm.
Sông lành - nguồn lệ trong lành cho người con, cho tình thơ niềm an ủi.
Nỗi nhớ này, nguồn sông này duy nhất trong một đời người! Câu thơ này duy nhất người con này viết được.

NHÀ THƠ ĐỖ TRỌNG KHƠI
(Chọn và bình)

No comments:

Post a Comment