Trang

Saturday, April 27, 2013

VÕ HỒNG – MỘT PHẦN VĂN HÓA CŨ CỦA VN ĐÃ RA ĐI KHÔNG BAO GIỜ TRỞ LẠI

1- Võ Hồng, nhà giáo

Tác giả

Võ Hồng sinh ngày 2-12-1922 (khai sinh ghi 5-5-1921) tại làng Ngân Sơn, quận Tuy An, tỉnh Phú Yên. Con một gia đình điền chủ, sớm mồ côi mẹ. Học trường làng, trường phủ Tuy An và trường tỉnh Sông Cầu rồi trường Collège Qui Nhơn. Năm 1940, ông đậu bằng thành-chung, ra Hà Nội học tú tài. Năm 1943, Hà Nội bị đồng minh oanh tạc, ông bỏ về quê nhà. Năm 1945, ông lên Ðà Lạt giữ chức bí thư tòa Tổng Ðốc bốn tỉnh cực Nam Trung Việt thời nội các Trần Trọng Kim, sau đó ông trở lại Tuy Hòa dạy học. Ông làm hiệu trưởng một trường trung học thời kháng chiến. Năm 1954, ông vào định cư hẳn ở Nha Trang và dạy học tại các trường trung học Lê Quý Ðôn và Bồ Ðề. Ðầu thập niên 1970, ông được cử làm hội viên Hội đồng Văn hóa giáo dục. Ông lập gia đình với một giáo sư Anh văn và âm nhạc nhưng bà mất sớm; từ 1957, ông "gà trống" nuôi ba con lúc mẹ mất mới 9, 6 và 3 tuổi. Võ Hồng khởi viết truyện ngắn từ năm 1939 trên tuần báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy (Hà Nội) với bút hiệu Ngân Sơn. Sau này viết báo ở trong Nam ông dùng tên thật làm bút hiệu.

Tác phẩm đã xuất bản gồm các tiểu thuyết : Hoài Cố Nhân (Ban Mai, 1959), Hoa Bươm Bướm (Lá Bối, 1966), Người Về Ðầu Non (Văn, 1968), Gió Cuốn (Lá Bối, 1968), Những Giọt Ðắng (Lá Bối, 1969), Nhánh Rong Phiêu Bạc (Lá Bối, 1970), Như Cánh Chim Bay (tiếp Hoa Bươm Bướm, Lá Bối, 1971). Các tập truyện ngắn : Lá Vẫn Xanh (Thời Mới, 1962), Vết Hằn Năm Tháng (Lá Bối, 1965), Khoảng Mát (An Tiêm, 1966), Con Suối Mùa Xuân (Lá Bối, 1966), Bên Kia Ðường (Mặt Trời, 1968), Trầm Mặc Cây Rừng (Lá Bối, 1971).

Và 3 tập truyện đơn : Áo Em Cài Hoa Trắng (Lá Bối, 1969. 30 tr.), Trận Ðòn Hòa Giải (Lá Bối, 1970. 31 tr.), Xuất Hành Năm Mới (Lá Bối, 1971. 28 tr.)

Tác-phẩm

Võ Hồng là một nhà văn tinh tế nhưng nhân hậu và mực thước, thận trọng : ông đúng là một nhà giáo viết văn. Ông viết rất đều đặn và kỹ lưỡng như sự kiên nhẫn cần có của nghề giáo. Văn ông giản dị, tươi mát nhưng không kém thơ mộng khi cần đến. Trong một phỏng vấn của Nguyễn Nam Anh trên tạp chí Văn năm 1972 (1), Võ Hồng đã cho biết hoàn cảnh góa vợ phải gần con nuôi con đã giúp ông viết đều và nhiều. Từ khi con đi học xa và có đứa đi du học, ông thú nhận viết khó hơn vì ông vẫn thích thăm bạn bè, ngao du thắng cảnh và quan sát sinh hoạt. Ðó là lý do ông đã khởi viết Tiếng Ca Lặng Lẽ để tiếp bộ Hoa Bươm Bướm và Như Cánh Chim Bay mà đến nay hình như vẫn chưa xuất bản.

Nếp xưa ngày cũ

Toàn bộ sự nghiệp của Võ Hồng như một dâng hiến cho quê hương Phú Yên của ông. Nếu Võ Phiến khởi nghiệp văn học và nổi danh với quê hương Bình Ðịnh thì Võ Hồng là Phú Yên. Trong các truyện dài hay truyện ngắn của ông, người đọc vẫn thấy rõ miền quê Ngân Sơn, Phú Yên trải qua nhiều thời phế hưng, mà các nhân vật cũng là những con người quê mùa hay thuần hậu của vùng trời đó. Ông tự cho sứ mạng viết lại quá khứ cho người trẻ: "Lịch sử là một dây xích dài gồm nhiều mắt xích nhỏ. Cái mắt xích Dĩ Vãng đó chưa hề được nói tới thì tôi phải ra công mô tả lại. Thế hệ của chúng tôi bị chiến tranh tàn phá quá nhiều, một số lớn đã chết, những nếp sống cũ lần lần bị xóa đi, thay thế bằng nếp sống mới. (...) Tôi muốn các thế hệ đàn em có dịp để thiết tha gắn bó với quê hương hơn" (1). 

Người Về Ðầu Non kể chuyện quê hương thời thơ ấu, thời học trò và người Bác trong thực tế là cha nuôi. Từ thời thuộc Pháp qua những biến cố kháng chiến, tổng động viên, thuế nông nghiệp. Ðời sống dân giả mộc mạc, trong cách đặt tên, khai sinh theo "ngày tháng An-Nam". Cảnh đi coi gặt lúa vào ngày mùa. Hình ảnh học đường ngày xưa. Bao trùm là những tiếc nuối và đau thương về người thân. "Có những buổi chiều cô đơn vắng lặng, tôi thả hồn về từng chặng dĩ vãng, thấy lại Bác trong những khung cảnh sinh hoạt quen thuộc, từ gần gũi đến xa xôi, từ lần gặp Bác cuối cùng trí nhớ đi ngược thời gian về đến hình ảnh Bác cầm tay tôi dắt đi trên những con đường âm u cây lá trong vườn, ra cái bến nhỏ để cùng nhìn xuống dòng sông !" (tr. 136). Lúc tác giả thành người, lập gia đình, có con và có thể đền ơn là lúc chiến tranh vụt tới và người Bác vĩnh viễn ra đi. Tiễn đưa Bác đến nơi an nghỉ. "Tâm hồn tôi thấy trống vắng mỏi mệt, tôi nhắm mắt lại để trông về con đường quá khứ của mình. Có thể tin rằng Bác tôi đã mất rồi không? Ðã giã từ tôi vĩnh viễn, bây giờ đã nằm dưới lòng đất, suốt đời tôi không còn gặp mặt?" (tr. 119).
Hoài Cố Nhân là chuyện Lý, bạn tác giả. Anh và Xuân yêu nhau, nhưng hai gia đình đã khiến hai tâm hồn phải xa cách nhau. Khi họ được phép thành hôn thì sau ngắn ngủi bốn năm hạnh phúc, Lý lại sớm từ giã cõi đời: anh là nạn nhân của thời đại. Tác giả có rất nhiều cảm tình đối với Lý. "Mỗi lần đến thăm anh, tôi thản nhiên đi qua khoảng đất này. Vì không lưu ý, tôi chỉ mang máng nhớ nơi đây có lá xanh có cây phượng cao hoa đỏ, có vài con trâu gặm cỏ mơ màng...". Bạn ra đi, vợ con bạn ở lại cô đơn và đau khổ, nhất là họ vừa trải qua nhiều thử thách của tình yêu. Chị Xuân đau khổ hơn cả thời hai người yêu nhau mà phải đớn đau xa nhau, cái khổ hôm nay của chị trĩu nặng vì giờ chỉ còn có chị phải gánh lấy. "Nỗi khổ khi có người chung chịu, ta không thấy nặng nữa". Ðến thăm cháu là để sống lại ngày xưa. "Cháu Thảo trắng mũm mĩm, giống ba ở cái miệng, giống má ở đôi mắt. (...) Tôi hay bế cháu vào lòng, siết cháu thật chặt. Mỗi lần làm như thế, tôi có cảm tưởng như ngày nào siết chặt tay ba cháu".

Truyện Lạnh Tuổi Thơ (VHNT) vẽ cảnh "gà trống nuôi con", nói lên cái tình cảm tự nhiên tìm về dĩ vãng và thích sống với kỷ niệm, ôm ấp như không muốn buông. Người đọc như nghe được tiếng thở dài của người cha dù đã làm hết bổn phận vẫn không bù đắp trọn vẹn cho các con những khoảng trống tầm thường như hớp nước uống, như miếng ăn mà với người mẹ là những tự nhiên đến. Người thầy nhìn học trò viết "lưu bút ngày xanh" mà xót xa thời đã mất và cô đơn trước cuộc đời. Trong Vết Hằn Năm Tháng, kỷ niệm chồng chất, hiện rồi biến, có muốn ấp ủ cũng không còn có lý do. Kỷ niệm như những phù du của cuộc đời. Truyện có khuynh hướng tùy bút này như những tâm sự của chính tác giả. 

Còn những cảnh không còn thấy nơi thị tứ như cảnh trồng cây cúc vạn thọ quanh sân nhà trong Lá Vẫn Xanh. Thời xưa người ta trồng hoa ăn Tết chứ không ai ra chợ mua hoa ăn Tết. Mứt thì bán theo quả mứt thay vì mứt trong gói trong hộp. Pháo đốt thì chỉ có pháo tre ! Rồi những cảnh phụ nữ bưng rổ đi chợ trước khi biết đến giỏ xách bằng nhựa. Những tiếng cối xay và chày giã gạo! Những buổi lễ cúng trường ngày Tết (Lễ Cúng Trường, BKÐ) dễ gợi nơi lòng người tiếc nuối những cảnh cửa Khổng sân Trình! Những gói thuốc tễ, vv. Toàn là những qua mất, những xa lạ với người thị tứ hoặc thời mới!

Chuyện kháng-chiến và chiến tranh

Chiến tranh đã in sâu ở nhiều trang tác phẩm Võ Hồng. "Chiến tranh tràn lan mỗi ngày một rộng, làng tôi thành bãi chiến trường. Ðồng bào tản cư, bỏ nhà bỏ cửa, ruộng vườn để cỏ mọc hoang. Bác gái lần mò vào được với chúng tôi, mừng gặp con cháu nhưng mắt vẫn hướng về ngôi nhà cũ và về ngôi mộ bơ vơ ở lại một mình..." (Người Về Ðầu Non, tr. 135). Người chết cũng không yên. "Cụ mất vào lúc chiến dịch mở, đường xe kẹt không vô Tuy Hòa mua sắm được. Hôm hạ huyệt tình hình lại găng, thanh niên dân vệ tập trung về trụ sở Xã hết. Ði đưa đám mà sợ máy bay họ bắn lầm..." (tr. 125). Người Bác  thân yêu của tác giả đã ra đi thời chiến tranh, mà người bạn Lý cũng ra đi khi chiến tranh tràn đến. Người vợ bên xác chồng và đứa con dại mang chiếc khăn tang ngơ ngác đôi mắt ngây thơ giữa hương trầm mộ chí. Cái thương tâm không to lớn nhưng đã quá lớn dù chỉ với hai mẹ góa con côi. Cái thương tâm mà tác giả đã thấy và sống và sẽ còn ở hoài với ông.     

Hoa Bươm Bướm - truyện dài 18 chương, khởi từ thời Pháp thuộc, thời Nhật chiếm, đến thời kháng chiến. Võ Hồng muốn qua bộ truyện này vẽ lại một giai đoạn hào hùng và những nếp sống đã qua đi. Cẩm Quỳ, Luân, Thức, Mai Trang nói chung là những người trẻ hăng say nhập cuộc trong mọi hoàn cảnh, riêng Luân nhiều lần tỏ ra lừng khừng, thiếu niềm tin. Thức bỏ học Hà Nội về quê vì bom của đồng minh Mỹ; anh yêu Quỳ nhưng nhút nhát. Luân yêu hết Cẩm Quỳ đến Mai Trang trong cảnh điêu tàn và tản cư. Uống rượu mừng đình chiến, chưa kịp vui thì chiến tranh với Nhật Pháp lại đến. Vào cuối truyện, Mai Trang cao cả để Luân đi với Quỳ, lo từng chút cho chàng mà chàng thì "khờ khạo như mọi người đàn ông" (tr. 206VN). Nàng sẽ đốt từng tấm hình, từng kỷ niệm, đốt dĩ vãng và trả nhà, nơi vừa qua những ngày hạnh phúc; trả cho chủ nhà để đi Djiring!

Như Cánh Chim Bay là tiểu thuyết tiếp nối Hoa Bươm Bướm thời kháng chiến 1946-1954. "Khi nghe lệnh kháng chiến trở lại, thành phố Tuy Hòa náo loạn lên. Quân Pháp đóng ở Ðèo Cả có thể bất thần tấn công ra. Ðại bác nổ ầm. (...) Chỉ thị chạy tới tấp chạy từ tỉnh về huyện, về xã, thôi thúc việc kiểm điểm Dân quân, tập luyện Dân quân. Ðã tan rã hy vọng hòa bình bằng thương thuyết..." (tr. 85-86VN). Với những Ủy ban kháng chiến, những chương trình chống nạn mù chữ, chính phủ Nam kỳ tự trị. Những người làm "cách mạng" do hoàn cảnh đưa đẩy, tay ngang hay do địa phương đề bạt, kể cả "người cũ". Họ sẽ tuỳ nghi giải quyết chuyện thời thế mới. Những người xưa nay chỉ biết cày sâu cuốc bẫm "viết chữ chưa thẳng hàng", chân chất, vụng về, lại tình nguyện tham gia làm giáo viên để giải quyết nạn mù chữ lớn rộng ở vùng quê. Những hăng say trước ý nghĩa mới của cuộc đời của Luân, Quỳ,... thêm Phượng, Thúc,... Luân đã hăng say công tác hơn, tỏ ra chịu đựng hơn. Anh sẽ lấy Quỳ. Còn Tịch và Thúc theo trường kỳ kháng chiến, một ngày kia sẽ như những cánh chim sẽ bay về nhìn lại tổ cũ cành xưa.

Qua hai tập của bộ trường thiên tiểu thuyết về thời kháng chiến ở một vùng Phú Yên, Võ Hồng đã không vượt được không gian nhỏ bé của địa phương để có một cái nhìn rộng và toàn diện về cuộc chiến đó, khiến người đọc cùng thời với tác giả hoặc trẻ hơn không đủ thỏa mãn. Bức tranh xã hội đã lấn át hình ảnh cuộc chiến oai hùng chống thực dân. Chính tác giả đã hơn một lần thú nhận không sống nhiều kinh nghiệm chiến trường và cũng không có thì giờ thu thập tài liệu.

Tập tiểu thuyết Nhánh Rong Phiêu Bạt kể chuyện Thúy, em bé gái nạn nhân chiến tranh, cả gia đình bị bom chết hết, phải bỏ làng Xuân Phước lên tỉnh làm đầy tớ cho bà Ðức Lợi, rồi đi Diên Khánh ở đợ làm việc tráng bánh, nuôi heo, đi Phan Rang giữ em, bị đánh đập, phải theo thầy bói Huyền Linh, bị bắt vì không có tên trong sổ gia đình, bán trứng vịt lộn và cuối cùng bán bóng cao su xanh đỏ thì may mắn gặp lại một nữ dược sĩ quen bố mẹ ngày xưa nhận làm con nuôi cho đi học trở lại. Nhánh rong thời chiến đã may mắn có lại mái ấm gia đình, đời có "hậu", đúng như tin tưởng bình dân "ở hiền gặp lành" !  

Trong các truyện ngắn khác chiến tranh cũng luôn có mặt: "chiến tranh dai dẳng tạo điều kiện cho con người bình đẳng với nhau trong niềm đau khổ. Gia đình nào cũng có những lỗ thủng lớn: hoặc là người chồng, người cha, hay người con ra đi không về. Những người đàn bà bơ vơ trong cuộc tranh đấu cam go với cuộc đời. Chiến tranh lan rộng, đời sống đắt đỏ, đi lại khó khăn, an ninh không bảo đảm... đó, những chặng cam go khúc khuỷu trên đoạn đường còn lại phải đi" (Hai Người Ðàn Ông, CSMX, tr. 30 VN). Bà Năm Xự trong Những Giọt Ðắng tiêu biểu cho nạn nhân cuộc chiến tranh dai dẳng trước 1975. Chuyến Về Tuy Hòa (TMCR) đưa tác giả đến với những vết tích của những trận đánh, những cuộc đời góa bụa và cái không khí chiến tranh thường trực ở ngay thị xã.

Viết về chiến tranh, Võ Hồng đã nói lên tiếng nói phẫn nộ của một người công dân bình thường, bất lực trước chiến tranh và thảm cảnh. Là nhà giáo, gần gũi tuổi trẻ, ông còn phẫn nộ hơn nữa khi không có thể làm được gì để chận đứng những tham vọng sai lầm của con người, những tàn hại văn hóa hậu quả của cuộc chiến tranh dai dẵng đó ! Qua tác phẩm, Võ Hồng thường đã vẽ lại sự tình và nói lên phần nổi của tâm hồn các nhân vật, nhưng rất hiếm thấy Võ Hồng lộ rõ những suy nghĩ ray rứt về số phận con người hay tâm hồn sâu thẳm của con người. Người đọc Võ Hồng sẽ man mác buồn nhưng chắc sẽ không nổi loạn hay đi làm cách mạng!

Về bộ truyện Hoa Bươm Bướm, chủ đề là chiến tranh nhưng tác giả lại muốn nói lên "lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc":  "Cuộc kháng chiến đã đẩy chàng (Luân) phiêu lưu từ miền tùng bách sương mù đến vùng cát vàng biển mặn, qua đô thị đổ nát, ghé lại những cánh đồng thơm ngát hoa cau, những vùng núi non hiểm trở. Không phải chỉ đi nhiều mà có được tình yêu nước đậm đà. Phải đi, phải ở, phải chia những ngọt bùi cay đắng, những hiểm nguy và hy vọng với miền đất , với đồng bào nơi mình hiện diện. Không phải thờ ơ đóng vai bàng quan, nhìn cảnh với đôi mắt nhà du lịch mà người ta có thể tận tình thương yêu đất nước. Mà phải được ràng buộc với nó bằng những xót thương, gian khổ" (NCCB, tr. 266-267). Dù đề cao tinh thần quốc gia dân tộc, cuốn Như Cánh Chim Bay vẫn đã bị kiểm duyệt miền Nam "ngâm lại" một thời gian không cho xuất bản, chỉ vì nói đến cuộc kháng chiến chống Pháp là cuộc chiến cho đến nay vẫn cần có một nhận chân lịch sử khách quan, nhất là cho thế hệ trưởng thành sau hai cuộc chiến.

Tình yêu đất

Toàn bộ tác phẩm của Võ Hồng tỏa thoát một tình yêu quê hương đất đai ruộng vườn nồng nàn. Lão Túc trong Tình Yêu Ðất (VHNT) tha thiết với đất ruộng, nghèo xác xơ quanh năm làm thuê làm mướn và mơ được làm chủ một mảnh đất do chính lão khai phá. Khi có thì một tai nạn trên mảnh đất đó sẽ kết thúc cuộc đời lão. Khi hấp hối, lão đã phải gắng mấp máy trối trăn muốn con mình nối nghiệp cha ông: "Miếng đất gò đình... thằng...".
Người Bác trong Người Về Ðầu Non dù chiến tranh và phải sống xa con cháu cũng không thể bỏ quê nhà mà lên chốn thành thị. "Làm sao mà bỏ cho được ngôi nhà tự mình ra công xây cất, khu vườn tự mình trông coi trồng trọt, những miếng ruộng tự mình mua mãi lần hồi. Tâm hồn của mình, quá khứ của mình in vết trên từng viên đá viên gạch, trên từng bụi chuối bờ tre. Con chim áp muỗi màu lông xanh xám đó, mỗi buổi chạng vạng tối đứng trên đầu nhà thả từng tràng tiếng hát, mình nghe từ hồi năm mười tuổi cho đến nay hơn bảy mươi tuổi trên đầu, quen thuộc với mình quá nỡ nào sống xa nó được ?..." (tr. 117).

Cuộc sống làng quê được Võ Hồng nhiều lần tả đến. Truyện cô Ba Hường góa chồng gốc Hoa trong Dấu Chân Sa Mạc là chuyện dài của cả một làng quê với đủ hị nộ ái ố và đủ mọi nhân vật tiêu biểu cho một xã hội Việt Nam trước thập niên 1950. Như tiếng ê a đọc văn tự mua bán ruộng ; "phu thê đồng công tạo mãi điền nhất khoảnh, tọa lạc tại Bạc má sứ, Hòa mai thôn... Ðông cận tiểu lộ, tây cận Nguyễn văn Phú điền, Nam cận..." (tr. 140VN). Như cô Ba Hường, nạn nhân của tính toán và giàu có, mới ngày nào đẹp mơn mởn nay đã "năng đau yếu" và chuẩn bị về với ông bà; trước sau tả hữu không còn ai, cơ ngơi to lớn trở thành sa mạc!
Trong Gió Cuốn, Nhàn sau khi đã chán chường đời sống ở thành thị làm mất phẩm chất làm người, cô về thôn quê ở với mẹ với hạnh phúc đơn sơ tìm lại. "... tôi dậy với tiếng chim sẻ ở mái hiên. Lá chuối đong đưa chào tôi ở khung cửa sổ. Tôi theo mẹ tôi ra vườn. Mẹ tôi cầm dao yếm cắt những tàu lá chuối khô. Bà đi giữa bóng râm. Hoa cau thơm, hoa bưởi tụ hợp về những đàn ong bướm bay lượn vòng. Lá môn, lá khoai sọ soi bóng trên mặt nước những con mương nhỏ..." (tr. 296 XT).

Nhân vật của Võ Hồng yêu đất đai ruộng vườn vì ông quan niệm quê hương đất nước có được như ngày nay là nhờ những người đó. Ông nói: "Quê hương được nuôi dưỡng, được bồi đắp, được bảo vệ bằng sức cần lao âm thầm của đại đa số những người sống đạm bạc nghèo nàn nơi thôn quê chớ đâu phải nhờ lớp thị dân sung sướng ở thành phố" (2).

Tình yêu

Tình yêu trong tác phẩm Võ Hồng nói chung là những chuyện tình kín đáo, mãnh liệt, nồng cháy nhưng trong khuôn khổ đời thường và lý trí. Ðơn giản như mối tình của anh chàng Long trong Người Thứ Ba (VHNT). Tụ, tán, giận hờn, nồng cháy và chia ly. Tình yêu đã khiến con người dù có bản năng thú vật vẫn giữ được nhân tính.
Trong Hoài Cố Nhân là chuyện tình không đơn thuần của Vân-Nhã-Diệp. Chuyện tình cao thượng, bền lâu và đẹp, Diệp sống bên vợ nhưng nghĩ đến tình nhân, yếu đuối nhưng không tội lỗi. Diệp và Vân gặp nhau buổi ban sơ nhưng cả hai giữ mối tình câm, rồi đường ai nấy đi nhưng lại nhớ đến nhau tìm đến nhau khi đâu đã vô đó. Diệp ta lại để quên lá thư của Vân để vợ lục áo giặt tìm thấy. "Ðọc xong, anh đốt những thư em đi... Nhớ nhé ! và nhất thiết từ giờ em không gởi thư cho anh nữa. Em không gặp anh nữa đâu. Ghét em đi. Yêu chị cho rõ nhiều. Yêu bao nhiêu cũng chưa đủ. Ghét em đi. Ðừng nói chuyện gì về em với chị. Anh nhớ nhé? Chị tốt lắm, tốt lắm... Nhưng làm đàn bà em hiểu...". Chị tốt cho nên anh cứ mơ tưởng suốt đời! Chuyện tình nghĩa vợ chồng thắm thiết nhưng có người vẫn chưa dứt khoát với quá khứ, vẫn nuôi mối tình đầu da diết lãng mạn dù chỉ là tình câm. Chuyện yếu đuối trong khuôn mẫu, yếu đuối lẽ thường và khuôn mẫu văn hóa của xã hội Việt Nam.
Thêm một mối tình dễ dàng tay ba : "Có pha thêm một chút đắng, vị ngọt của tình yêu mới làm cho người ta đam mê như khi đam mê hương vị của cà-phê. Từ hôm nay hai người đột nhiên rơi vào một mối tình dễ dàng tầm thường, anh thấy người nhẹ nhõm một cách chán ngắt, khi không còn phải vận dụng trí óc để đối phó. Trước mắt anh không còn một đối thủ xứng đáng để cho anh phải gắng sức mà chỉ còn phảng phất một cái bóng, một cái bóng không mất, không bao giờ mất" (Người Thứ Ba, VHNT, tr. 73?).

Tranh chấp tình yêu còn thấy trong tiểu thuyết Hoa Bươm Bướm, giữa Cẩn, Quỳ và Thức. Quỳ được theo đuổi vì nàng vừa đẹp vừa có học thức. Cuộc tình dài theo công cuộc chiến đấu chống Pháp. Tình của các cô các thầy giáo dĩ nhiên được Võ Hồng khai thác. Tình thầy Phúc với cô Liên. "Tình yêu vô vọng có một vẻ gì đau xót... có lẽ đẹp hơn, bền bĩ hơn những mối tình có kết quả" (Mùa Hoa Soan, CSMX, tr. 86VN).

Trầm Mặc Cây Rừng đưa tác giả về thời kháng chiến với những gặp gỡ những đứa học trò cũ nay đã trưởng thành trong số có Thịnh với "khuôn mặt dịu dàng thùy mị", "người con gái của thôn Diêu viên quê mùa mà giờ đây mỗi lần âm thầm nghĩ đến là tâm hồn tôi chợt thấy man mác nhớ và buồn, như một bầu trời đang nắng rỡ ràng bỗng có một áng mây trôi qua thành bóng rám âm u" (tr. 109VN). Tình yêu sẽ đến với người thầy, nhất là khi cô bạo bệnh qua đời. Ông sẽ tìm và sẽ gặp lại Thịnh nhưng oái ăm thay, Thịnh đã vừa lấy chồng, lấy Nhẫn, cũng là học trò cũ của ông chỉ với lý do "Bởi vì em không có hi vọng... Em nghèo". Người thầy sẽ trở nên ghét sự giàu sang của chính mình. "Tôi muốn đổi hết tất cả để lấy một căn nhà tranh sơ sài có bức tường đất trét màu vàng, có vuông sân nơi đó mọc một cây xoài quí, có người yêu dịu dàng là Thịnh, dòng suối mát của tôi, niềm an ủi của tôi, bàn tay Thiên thần nơi tôi gục vầng trán nhầu nát ưu tư" (tr. 125VN). Tình yêu mãnh liệt nhưng công thức lễ giáo, phản ứng lại nhẹ nhàng; đáng thương thay ! Ðây là một trong nhiều truyện khiến người đọc phải nghĩ đến tâm sự của chính tác giả. 

Tình yêu sẽ bớt đơn sơ. Trong Con Suối Mùa Xuân,  "tôi" với Mỹ Khuê: "Tôi nuôi tình yêu không phải chỉ bằng đôi mắt nhìn và bằng vòng tay ôm. Tôi còn yêu bằng những sự tinh nghịch dí dỏm (...). Tâm hồn tôi không chịu được sự bằng phẳng. Tôi sợ những con đường dài tráng nhựa chạy thẳng tắp, rộng rãi và có nhiều bóng mát ở trên đầu... Tôi yêu sự đột ngột, bất ngờ ..." (tr. 91VN). Tình chị có thể thành duyên em nhưng anh đàn ông vẫn cứ mơ tưởng "chị"!

Và tình yêu cũng sẽ có lúc phức tạp như cuộc đời trong cuộc chiến. Trong Hai Người Ðàn Ông, chàng và nàng đến rồi xa nhau trong lén lút, của hai người thiếu hay không thể có dự phóng tương lai. Trong Bên Kia Ðường, Võ Hồng lần đầu phân tích tình yêu dưới cái nhìn thể chất và vật chất. Huy không lấy được Quỳnh vì những thua kém đó, ít ra là trong ý nghĩ của anh. Truyện tả đời sống mới của thập niên 1960: tâm trạng người phụ nữ lên tiếng muốn một đời theo ý, ăn chơi sành sõi chẳng hạn, muốn có ý kiến khi lấy chồng, tính toán so sánh với bạn đồng sàng. "Hôn nhân đời nay đi mau với tốc lực siêu thanh của phản lực cơ, khi nghe tiếng nổ thì máy bay đã vượt xa mình rồi". Nếu chậm quá, đành với tình muộn, như Năm Nhiều, ngoài 40 vẫn cô ky nhưng ghen và yêu khỏi chê.

Xã hội miền Nam

Thực trạng xã hội những năm chiến tranh: trật tự xã hội đảo ngược, người dân bỏ thôn quê lên thành thị, giàu nghèo trở nên tương đối. Và thể diện. Và sở Mỹ. Trong Khoảng Mát, Bân làm nghề thu tiền rác, khủng hoảng vì chức nghiệp trong một xã hội đa đoan. Gặp lại Huệ, người yêu cũ nay lấy Mỹ. "Huệ lấy chồng Hoa Kỳ! Thật khó ai ngờ được cũng như khó ai ngờ rằng hôm nay tôi là nhân viên đi thu tiền rác. Con của một ông Thông-phán, cháu nội của một ông Lãnh-binh...". Mặc cảm khiến Bân bảo con ghi nghề bố là tư chức, còn với Huệ, Bân lẩm cẩm: "Anh làm ... lăng nhăng. Chả ra chi. Mình chạy tản cư đến chỗ lạ, may có việc làm ăn là quý rồi". Huệ còn tính theo chồng về Mỹ, chê quê nhà "hẹp hòi như cái đáy lò, như cái vũng nước". Nhưng Huệ thiếu tình yêu, anh chàng Bân sẽ vượt luân lý để than thở hứa hẹn : "Huệ ơi! Chúng ta hôm nay không còn ngây thơ nữa. Thân em giang hồ và thân anh đọa đày. Nên anh tin chắc chắn là lần sau anh sẽ hôn em đàng hoàng hơn. Không còn để mũi vào má em rồi hít như người ta hôn trẻ con nữa đâu ?". Gái giang hồ mà hay nhắc "chữ nghĩa" khiến trí thức xót xa chột dạ.

Gió Cuốn vẽ lại bức tranh xã hội Việt Nam thời chiến. Một xã hội bị đồng tiền Mỹ hủy hoại mọi giá trị văn hóa. Thang giá trị được sửa đổi cập nhật hóa theo tiền bạc. Vật giá càng leo thang thì đạo đức, lòng người càng đi xuống. Một xã hội chiến tranh khiến những người vì sinh kế và sự sống còn của gia đình đã phải khổ tâm cam nhục. Nhàn, Huệ, những người làm sở Mỹ. Thuyên, chồng Nhàn, một loại trí thức tiểu tư sản, sau khi vợ ra đi đã chạy theo vũ nữ Kiều Nga để kiếm tiền. Chàng căm thù cái nghèo do đó tìm đủ cách để thoát khỏi cảnh đen tối, Nhàn trở thành phương tiện cho chàng. Trác là người yêu Nhàn, tưởng nàng dễ chinh phục vì đang bỏ chồng, nhưng không ngờ Nhàn đã căm thù đàn ông chỉ muốn lao mình vào vực thẳm, Trác buồn lái xe nhanh bị tai nạn trở nên mất trí. Thuyên bị du đãng đâm chết, tư cách hèn hạ cũng chết theo. Nhàn vào nghĩa địa Mạc Ðĩnh Chi Sài Gòn thăm mộ. "Bao nhiêu suy tính mưu toan, bao nhiêu tàn nhẫn rốt cuộc đều trở về im lặng... Cầu mong anh siêu thăng về một miền phúc đức. Trong cuộc tái sinh, hãy chọn một xã hội bình ổn hơn..." (tr. 282). Vì chiến tranh mà thân phận con người chịu đủ đày đọa. Anh hùng hay thần tượng. Nhàn về lại thôn quê sinh sống, một đóa hoa sen gần bùn (sở Mỹ) mà chẳng hôi tanh mùi đô la. "Chúng tôi, Thuyên và tôi (Nhàn) là nạn nhân của một xã hội thiếu thần tượng chói sáng" (tr. 289). Nhàn về với mẹ: "Thành phố làm con ghê sợ. Con muốn sống đơn giản bằng gạo giã, bằng rau, bằng cá đồng, bằng tương... Thành phố thúc đẩy con người đua đòi và con người biến thành những hình giấy chạy quanh ngọn đèn cù..." (tr. 294). Trác tâm hồn vị tha, nay có tiền đi giúp những kẻ khốn đốn; anh trở thành một loại người lý tưởng về tình cảm và đạo đức. Truyện kết thúc trong hy vọng mới của một cuộc đời mới, qua hình ảnh bé Thu Hà. Gió Cuốn có giá trị của một tiểu thuyết luận đề phong tục.
Tác giả ví von hoa "những chậu hoa thược dược chậu cúc vào độ mồng mười hay Rằm tháng Giêng. Héo rủ xuống. Ðen điu, bẩn thỉu" với những người vội sống: "lũ thược dược, hoàng cúc đã cảm thấu cái thân phận đọa đày xơ xác cuối cùng của chúng nên được tươi đẹp nhởn nhơ ngày nào thì chúng cứ tận hưởng Hạnh phúc ngày đó? (...) những người đàn bà sống cuộc đời của những thân thược dược. Họ ở khắp các nẻo phố phường, ở những con đường có mang tên danh nhân và những con đường mới chỉ mang chữ số (...) Măng tô hai da, mặt đỏ mặt vàng. Mini Jupe màu tối. Khóe mắt vẽ xếch. Lông mày Audrey. Môi bóng mướt Polly Pink. Ðùi trắng. Mười một giờ rưỡi khuya xe Honda trả về. (...) Bởi vì trên mặt thùng rác không phải chỉ có những thân thược dược. Mà có cả gốc cải và vỏ khoai, tàu dừa và rựa cùn, dao gãy, máy ra dô hỏng. Có những tờ báo và những cuốn sách cũ nát nữa. Sự phân biệt bản chất dừng lại ở chỗ nào?" (tr. 274-276).
Chiến tranh dai dẳng khiến con người đâm ra hoang mang, sợ chết nhưng lại tò mò chuyện tận thế. Lá Vẫn Xanh là một chứng minh giản dị khởi từ tin đồn tận thế. Và trong Con Suối Mùa Xuân (CSMX), tác giả ghi lại những dâu biển và hoạt cảnh của thời tranh đấu Phật giáo và biến động miền Trung. Mỹ Khuê và "tôi" yêu nhau từ những kỷ niệm tranh đấu bên nhau. Tuổi trẻ hăng say và sẽ nhận chịu những hụt hẫng và ảo tưởng.

Thế giới học đường

Là nhà giáo do đó tác giả viết nhiều về đời sống học đường và chuyện các thầy các cô. Những tình nghĩa thầy trò đậm đà hiếm hoi trong một xã hội đề cao tiền bạc, chức tước. Những phút giây hạnh phúc của nghiệp "gõ đầu trẻ". Tình học trò như Tộc trong truyện Niềm Tin Chưa Mất (LVX) đã khiến người thầy quý mến sau khi đã vội xét thường tình : "Trong một xã hội nhiễm độc mà dối trá đã thành điển lệ, mà thù hằn đã thành khí giới phổ thông, quả tình nhân các của Tộc vươn lên như một chồi cây mạnh giúp tôi tin cậy ở cuộc đời ...". Lúc học với thầy, Tộc hay bị thầy để ý phạt và la mắng, nhưng anh không bao giờ oán trách thầy mà trái lại, anh hay giúp thầy từ những việc như hái cau, vét giếng, ... Cả sau này khi đã rời bỏ quê hương đi xa và lập gia đình vẫn để ý giúp và thăm hỏi thầy. Thủy chung và thành thật đã hun đúc Tộc thành người tốt cho xã hội. "Tôi tin chắc sự làm giàu của Tộc rất trong sạch. Lòng thương yêu Thầy mà Tộc nói trong thư chắc chắn là thành thật, chứ không phải là một lời sáo, một công thức xã giao. Những mẫu sinh hoạt vụn vặt của Tộc khi còn đi học chắc chắn là không chịu sự chi phối của một thành kiến nào. Tâm hồn Tộc như cái phòng rộng trống trơn, không có xó kẹt, không có bóng tối. Tộc làm những điều mình nói và có thể nói cả những điều mình làm. Có thể nói cả những điều mình nghĩ nữa...".
Lễ Cúng Trường trong Bên Kia Ðường kể lại những cảnh sinh hoạt học đường ngày xa xưa: ngày hăm sáu tháng Chạp là lễ cúng trường, rồi đến Tết thầy. Và anh học trò tên Tộc, ngây ngô và tiêu biểu cho thời nông thôn tiếp xúc với nền học mới với chữ quốc ngữ và Pháp.
Trong Người Về Ðầu Non, tác giả hồi tưởng thời niên thiếu học trường sơ ấu, cảnh học ôn Toán chuẩn bị đi thi. "Ngày nào cũng hai bài toán đố. Nộp bài lên mà thấy thầy bệt cho hai gạch rồi vẽ một vòng tròn là cứ lặng lẽ lên nằm sấp ở chân bảng đen đợi. Khi đứa chót đã nộp bài rồi thì khoảng trống đã đầy những thân học trò nằm dài. Ðứa làm đúng hai bài phải chạy lên núi bẻ roi..." (tr. 33). Rồi đến cảnh lên tỉnh lỵ thi. "Một cậu học trò mười một tuổi ở từ nhà quê ra, nhút nhát rụt rè, tay cầm thẻ căn cước đi vào phòng này đến phòng khác để qua hết kỳ thi vấn đáp, chịu sự tra trấn của các giám khảo bệ vệ uy nghi, thật là một cực hình cho tinh thần của nó. Cái không khí nghiêm khắc lạnh lùng đó như đe dọa nó, ngôi trường trở thành một thứ tu viện thiêng liêng đóng kín cửa không muốn cho nó bước vào. Bao nhiêu những kiến thức nhồi thuộc lòng trong óc cứ lẫn lộn quay cuồng, ông Mai-hắc-đế và Bố Cái đại vương kề với sự bài tiết và phát huyết quản hồi huyết quản, nghề ruộng muối ở Lệ-uyên Tuyết diêm nghề trồng thuốc lá ở Sơn hòa chập chờn hư ảo bên cạnh bài "đọc thêm" địa lý âm điệu du dương "Sông cầu là bà già lão luyện, Tuy hòa là thiếu nữ xuân xanh, Sông-cầu là chốn thừa lương, Tuy hòa là nơi buôn bán..." (tr. 37). 
Vết Hằn Năm Tháng là tập truyện gồm nhiều chuyện học đường. Truyện mở đầu, Những Bí Mật Của Anh Ðỗ Cúc, là thế giới học trò tinh nghịch. Những lá thư tình lâm ly và thất bại trong tình trường cắt nghĩa cuộc sống và lối dạy học của Ðỗ Cúc. Ðến truyện Vết Hằn Năm Tháng kể chuyện chấm thi. Người đẹp Thu Hà của phòng thi sẽ làm đẹp hơn những ngày phải vật lộn với số ký danh và những tên học trò xa lạ nơi chấm thi. 
Những Nỗi Khổ Vụn Vặt trong tập Bên Kia Ðường là chuyện hậu trường chấm thi. Những gửi gắm, xin điểm, những lựa chọn trung tâm, những chủ khảo, những liên hệ trong nghề.
Mùa Hoa Soan (CSMX) chuyện vui buồn dạy học của Liên, một cô giáo tự cho yếu đuối trước học trò không hiền ngoan và yếu đuối cả với tình yêu của đồng nghiệp. Những cô giáo ra đời sớm bối rối trước học trò, thiếu "oai" trong khi trách nhiệm lớn. Khi lý tưởng quá hoặc thu hút bởi nghề nghiệp, các cô giáo sẽ thiếu thời giờ và tinh tế để đón nhận tình yêu. Trễ tràng và cô đơn. "Có những buổi tối nàng ngồi một mình ở bãi biển. Nền trời đen sẫm, chi chít sao (...) Dù không ai để ý đến, dù không ai biết cho, sóng biển vẫn cứ nhịp nhàng làm cái công việc của mình, không vội vàng mà cũng không trễ nải. Bắt đầu từ bao giờ và sẽ ngừng lại lúc nào? (...) Như những đợt sóng kế tiếp nhau mải miết chạy vào bờ, nàng và các bạn của nàng cũng kế tiếp nhau mà dạy dỗ, uốn nắn, lớp học sinh này dạy xong thì trao qua tay người bạn khác tiếp theo không nản, không mỏi, không ngừng" (tr. 87VN).  
Ngoài các chủ đề nói trên, Nha Trang, nơi Võ Hồng sinh sống, đã có lúc đậm nét có lúc bàng bạc trong nhiều tác phẩm của ông. Nhiều truyện ngắn trong tập Con Suối Mùa Xuân lấy khung cảnh Nha Trang. Các truyện khác về học đường và tình yêu cũng thường xảy ra ở đó. Những con đường tình nhân Yersin, Ðộc Lập hay bãi biển vắng đêm về, sóng biển nhịp nhàng, những hòn đảo thấp thoáng ngoài xa. Những hiệu sách với những cô gái hiền bên quầy thu tiền, những buổi ci-nê êm đềm, những con người ngoài phố không vội bước,...

*
Văn Võ Hồng dí dỏm, nhẹ nhàng. Tranh thủ tình yêu nhẹ nhàng, thua cũng không sôi nổi, dù trong lòng chàng trai kế toán thua trận tình với lính Hải quân. "Thôi, mất Mỹ Khuê rồi. Hải quân chiến thắng mình rồi". Gặp lại người yêu, thì cũng chỉ tiếc nuối thụ động: "Da trắng ngà môi hồng nhạt. Chết chửa! Khi thoát ra ngoài vòng tay của tôi, sao Mỹ Khuê lại đẹp thế? Sao lại quí thế? Ðôi mắt đen mở to như lúc nào cũng chỉ nhìn thấy việc thiện. Ðôi cánh tay trắng muốt mà tôi đã có lần cầm lên và Mỹ Khuê khoe :
- Tay em béo đấy anh nhỉ? Và anh xem - nàng bẻ ngược mấy ngón tay ra đằng sau - ngón tay của em, lúc đi học đánh chuyền, chả đứa bạn nào ăn qua nổi
Tôi lợi dụng (...), cầm bàn tay đó, đặt lên môi hôn. Rồi nói:
- Bàn tay này sẽ thôi chơi đánh chuyền để mà lo săn sóc cho chồng, cho con.
Nàng rút tay, tát yêu vào má tôi. Than ôi! Ðó là lần khôn ngoan đầu tiên và cũng là cuối cùng của tôi. Hôm nay thì tôi chỉ đứng đàng xa mà nhìn nàng, lẫn lộn giữa đám đông..." (Con Suối Mùa Xuân, tr. 97VN). Xa là đúng, cái anh chàng "chậm chạp và nhiều khi vô ích", mẫu "người đàn ông có lương tâm" (tr. 106).
Cái ghen cũng lạ : "Mỹ Khuê bao giờ cũng bắt tôi đợi năm phút trước khi nàng từ phòng riêng bước ra... Mùi nước hoa thơm ngọt khiến trông nàng ngon như một cái bánh. Ðó là ý nghĩ cộc cằn mà tôi đã lỡ có. Giờ này thì chắc chắn là Phan đang ngồi vào cái ghế của tôi và Mỹ Khuê lại cứ ngon như một cái bánh..." (CSMX, tr. 101).
Còn cái ghen tự ái vì giàu nghèo nơi làng quê mãnh liệt hơn. Trong Dấu Chân Sa Mạc (CSMX), ông Học Mười góa vợ với cô Ba Hường góa, giàu và "khôn nẻ vỏ", kín đáo để ý nhau, nhưng khi ông tình cờ nghe người đàn bà đó cười nói về ông khi có người chê ông nghèo, thì ông quyết liệt đến độ hấp tấp tái giá với một cô gái hai mươi.  
Võ Hồng có những nhận xét tâm lý sâu sắc. Chiến tranh lấy mất những người trai, các cô gái phải "tranh giành nhau cả những người đàn ông xấu trai (...) Ở đô thị, đàn bà nối đuôi đi vào hiệu uốn tóc, sửa da mặt, tẩy vết tàn nhang. Phải tranh giành những người đàn ông còn sót lại" (Tháng Năm Sương Mù, CSMX, tr. 21 VN). Trai 31 chưa vợ cũng bắt đầu lo, phải xem tử vi, rồi tự kỷ ám thị nhìn trước ngó sau đều thấy có người mê mình, như thầy giáo Phong trong Trả Thù (CSMX). Ảo tưởng, vì vấn đề là chính anh, con người không dứt khoát. Không dứt khoát nên mới áy náy, nhận tiền thối dư chần chừ không muốn trả lại vì người chủ bẩn chật, cuối cùng đem cho người nghèo tàn tật.
Võ Hồng có những nhận xét thâm trầm, ý nhị. Kể chuyện cô Ba Hường trong Dấu Chân Sa Mạc (CSMX), tác giả đã xót thương cô vì "cái cuộc đời cô đơn lạnh lẽo đó mang nhiều mâu thuẫn: cực khổ bởi vì giàu, dại khờ bởi vì quá khôn ngoan, bị bỏ quên bởi được mến chuộng. Ngoại trừ dùng Số Mệnh để mà giải thích và an phận còn thì, nếu dùng lý trí để mà suy xét cân nhắc thì tôi chắc nhiều người cũng sẽ như tôi xót thương mãi cho thân phận người đàn bà đó không biết nên xử sự như thế nào cho phải trong cái xã hội quá nhiều ác tâm, lường gạt" (tr. 144VN)
Khi viết về những ngày thơ ấu, giọng văn Võ Hồng tha thiết, chân chất với những chi tiết tầm thường của đời sống hơn Duyên Anh, Nguyên Hồng. Trong Người Về Ðầu Non, khi viết về những bài học vỡ lòng, tác giả đã cho thấy những mâu thuẫn giữa sách và đời: "Con ve cũng vậy, tôi chỉ biết con ve chó chứ chưa thấy con ve sầu. Nhưng có hề chi? Tôi cứ đọc và trong óc tự làm một bài dịch : NGHE con Nghê là con kỳ lân... A quả Na là trái mãng cầu... I cây Si là cây đa... Ơ quả Mơ là trái gì tròn tròn..." (tr. 22).
Mặt khác văn chương của Võ Hồng có đặc điểm đã sử dụng tiếng nói của người miền quê ông trong đối thoại và cả trong cách hành văn và dùng chữ của ông. Tình yêu quê hương, "lòng yêu những vật tầm thường nhất", khiến ông có một thái độ độc lập văn hóa, đề cao góc quê hương nhỏ bé của ông, bên cạnh những Hà Nội, Sài Gòn và Huế đầy dẫy trong văn chương. Muốn thưởng thức Võ Hồng, người đọc phải hiểu tấm lòng của ông đối với quê nhà.

*
Võ Hồng đã chứng tỏ sống nhiều, sống ở một miền Trung thân thương nhiều hệ lụy của chiến tranh, của con người nồng nhiệt và dễ căm thù khi phải đối đầu với những tranh chấp ý thức hệ. Một miền Trung đời sống khó khăn nhưng phong phú tình nghĩa và ý nghĩa cuộc đời. Nếu con người Trung của Võ Phiến cương quyết và dứt khoát ở ý thức thế nào thì con người Trung của Võ Hồng tha thiết với nhau chừng ấy. Và nếu Võ Phiến nặng về phân tích tâm lý một cách ý thức, tách bạch thì phân tích con người của Võ Hồng nhẹ nhàng, thâm trầm, như một nhà giáo giương cặp mắt nhân hậu nhìn đám học trò sôi nổi mà tự nhủ cuộc đời và con người đâu đơn giản có thế. Thời gian và chín chắn tư duy sẽ trả lời hết đấy thôi ! Ðã vậy, Võ Hồng luôn tin "ở hiền gặp lành" và "bỉ cực thái lai"! Ông triết lý về cuộc đời : "Cuộc đời thường hay kết thúc đen tối bi thảm như vậy. Những ngôi nhà đổi chủ, những cửa hiệu xóa đi, lớp người lớn ngã xuống và lớp người nhỏ phân tán ra khắp nẻo. Con người nhẫn nại trong ý thức cam chịu, cuộc sống bắt rễ mong manh như lớp vảy trên da thạch sùng..." (NVÐN, tr. 70).
Võ Hồng thành công về truyện ngắn hơn là tiểu thuyết dài và ông được người đọc biết nhiều từ sau 1963 khi sách ông được nhà xuất bản Lá Bối và các cơ sở Phật giáo phổ biến. Không thấy Võ Hồng có mặt trong các tuyển tập truyện ngắn "hay" hoặc "tiêu biểu"của 21 năm văn học miền Nam, dù đây không phải là tiêu chuẩn. Nói chung, sự chân thành đã làm nên nghệ thuật văn chương Võ Hồng. Riêng các truyện dài của ông có giá trị tài liệu về phong tục, về nếp sống, về nhân tình ở vào một thời điểm. Ông muốn là một nhân chứng với sứ mạng giáo dục truyền kinh nghiệm cho những thế hệ đến sau. Có những truyện mới đọc người ta nghĩ ông có ý phỉ báng hay răn đe, nhưng đọc lại sẽ thấy tác giả chỉ muốn tỏ lộ lòng từ bi, thương hại ngay cả với những nhân vật không đáng thương hại. Tác phẩm của ông được các sách giáo khoa giảng văn trích dẫn từ 1963 và truyện Áo Em Cài Hoa Trắng viết cho thiếu nhi thường được chọn làm đề tài thuyết trình tại các trường học. 
Sau 1975, vì hoàn cảnh chung, ông viết ít, nhưng đã có những bài tùy bút và truyện ngắn được người đọc thời hậu chiến tranh và "đổi mới" yêu thích. Những tâm tình thuần thành và nhân hậu của một người cả đời đã sống cho văn hóa giáo dục, cho quê hương và những con người chưa nhiễm "văn minh" của cuối thế kỷ XX. Các tùy bút trong Một Bông Hồng Cho Cha (Paris: An Tiêm, 1995) hoặc đã đăng báo như Mùa Xuân Nghe Tiếng Chim, cho thấy một Võ Hồng lạc lõng ở thời đại hôm nay, một Võ Hồng thương người và nhớ cảnh xưa đời cũ, thương nhớ trong bất lực, nhưng đã can đảm nói lên. Trong Lời Sám Hối Của Cha, phải thấm nhuần văn hóa đông phương lắm mới có thể làm người cha mà can đảm ân hận và tự trách mình trước con cái. Ngoài ra ông đã cho xuất bản các tuyển tập Trong Vùng Rêu Im Lặng (Nha Trang: Văn Học Nghệ Thuật Nha Trang, 1988) và Truyện Ngắn Chọn Lọc (Hà Nội: Hội Nhà Văn, 1994).
Trước thềm thiên kỷ mới, có thể nói tác phẩm của Võ Hồng là một phần văn hóa Việt Nam cũ đã ra đi không bao giờ trở lại !

Chú-thích:
* Các trích dẫn tác phẩm theo bản in lần đầu; khi dẫn sách tái bản ở hải ngoại, chúng tôi ghi kèm VN, Văn Nghệ hoặc XT, Xuân Thu.
"Nhà văn Võ Hồng", Nguyễn Nam Anh phỏng vấn. Văn (SG), 209, 1-9-1972, tr. 1-8.
Phỏng vấn Nguyễn Nam Anh. Bđd, tr. 8.

21-3-1997
(Nguyễn Vy-Khanh. Văn Học Việt Nam Thế Kỷ XX : Một Số Hiện Tượng Và Thể Loại.. Chương 18. Glendale CA: Ðại Nam, 2004).
2- Nghĩ và viết về Võ Hồng trong mất mát
Nguyễn Vy Khanh

Sau biến cố 30-4-1975, ở trong nước, sách báo miền Nam tự-do bị tịch thu và tiêu hủy, gần như toàn bộ các tác-giả bị cấm; ngoài nước thì các nhà xuất-bản như Sống Mới, Đại Nam, Xuân Thu đã in lại bằng cách chụp lại các ấn-bản có được hoặc chụp lại từ các thư viện Hoa-Kỳ như thư viện đại học Cornell ở Ithaca, NY và Library of Congress ở Washington D.C. Các sách in lại này rất kém về kỹ-thuật lẫn nghệ-thuật và được bày bán trước hết ở các tiệm tạp-hóa bên cạnh các tờ báo rất đơn sơ lần lượt xuất hiện mà tiếng Việt phải đánh dấu bằng tay và cạnh những chai nước mắm, gói phở khô mà phẩm chất cũng rất kém - cùng tình trạng với món ăn tinh thần nói trên. Đa số tác-phẩm của Võ Hồng đến với người đọc hải-ngoại ngay sau 1975 đều qua con đường đó! Từ những năm 1986, tác-phẩm Võ Hồng được tái bản, đánh máy, lên trang lại và hình-thức đẹp hơn với các nhà xuất-bản Văn-Nghệ (CA), An Tiêm (Paris).
Ngay sau khi ra đến ngước ngoài tị-nạn, chúng tôi đã vội viết những gì mình biết hoặc còn ghi nhớ, như về họ tên người Việt, về các thư-viện thời lịch triều, về tranh sơn mài, v.v. Vì nghề nghiệp thủ thư, tôi có nhiều cơ hội thăm các thư viện ở Bắc Mỹ nhất là ở Canada và tôi đã nhìn thấy một phần lý do miền Nam đã thua trận chiến-tranh 1957-1975: sách của cộng-sản Bắc Việt đầy dẫy ở các thư viện đại học và thư viện quốc-gia trong khi sách "quốc-gia" tìm mỏi mắt không có (ngoài vài pamphlet tổng quan của các tòa đại sứ), nghĩa là gần như chỉ có sách của Mỹ, Pháp và cộng-sản Hà-nội. Trong các đại học ngay sau 1975 chúng tôi chứng kiến sách Hà-nội, được viết hoặc dịch ra tiếng Pháp và Anh, bày bán cho sinh viên với giá rẻ mạt, 1, 2 dollars (Femme vietnamienne, Vietnamese Studies, Anthologie de la littérature vietnamienne, Hòn Đất roman, v.v.). "Súng đạn" tuyên truyền đã thêm thế mạnh cho họ, dù bá-đạo! Rồi sau nhiều năm sinh hoạt cộng đồng, hội-nhập, tôi đã nghĩ đến phải làm gì cho nền văn-học tự-do của miền Nam; mất nước thì một cá thể khó chuyển bại thành thắng, nhưng mất nền văn-học đó thì mỗi cá nhân cũng có thể đóng góp phần của mình và nếu không phục-hồi được thì ít ra cũng để lại dấu vết, tài-liệu cho các thế hệ sau. Thế là sau nhiều thập niên đọc, đã đến lúc phải bắt đầu viết, viết về những gì đã quan sát và hiểu biết, đó là lý do chúng tôi thật sự viết về văn-học sử từ năm 1995, bài đầu tiên là bài Miền Nam Khai Phóng gây được một số phản ứng vì trong đó lộ rõ ý muốn phục hồi và đem lại công bằng cho một mảng văn-học bị bỏ quên. Kế đó là những tác-giả mà chúng tôi đã sẵn nhận-xét, quan điểm, sau nhiều năm làm độc giả và mon men nghiên cứu văn-học, cũng như đã tìm lại được các tác-phẩm, như Võ Hồng, Duyên Anh, Bình Nguyên Lộc, v.v.
Như nhiều độc-giả khác, truyện Võ Hồng đã đến với tôi từ những giờ kim-văn ở trung-học, rồi với thời-gian, Võ Hồng đã trở thành một tác-giả được tôi trân quý. Tìm hiểu lý do thì lần dò dễ trở nên rối rắm (như những buổi đến nhà xuất-bản Lá Bối ở chung cư Vạn Hạnh để nhận sách Võ Hồng còn thơm mùi mực in!), nhưng những truyện mà tôi còn nhớ mãi đến hôm nay thì rõ ràng có những căn cớ: những mối tình nồng cháy nhưng nhẹ nhàng (người đẹp Thu Hà trong Vết Hằn Năm Tháng, thầy Phúc với cô Liên trong Mùa Hoa Soan, v.v.), những hoàn cảnh éo le nhưng thân thương muốn xảy ra mãi (chuyện thầy giáo Hà bị quá-khứ đuổi bắt khi mới điểm danh đến tên học trò Hà Vi trong truyện cùng tên, rồi chuyện thầy khác với cô học trò cũ tên Thịnh, "người con gái của thôn Diêu viên ... khuôn mặt dịu dàng thùy mị" trong Trầm Mặc Cây Rừng) - đã là những "tham-chiếu" trong quãng đời dài học đường và quãng ngắn làm thầy của chúng tôi. Ngoài vài truyện mà không gian của tác-phẩm là Tuy Hòa, phần còn lại, nhiều chuyện đã xảy ra ở Nha Trang, là vùng đất mà chúng tôi độc giả đã có nhiều liên hệ tình cảm và gia-đình dây dưa từ nhiều năm trước khi rời hẳn vì chiến-tranh từ buổi sáng định mệnh 1 tháng 4 năm 1975 và định cư ở nước ngoài sau đó. Bỏ nhiệm sở dạy học nơi mà tôi cứ tưởng sẽ ổn-cư sau nhiều năm làm người Sài-gòn, cũng là nơi tôi cuối cùng lập gia-đình và cắt đứt những mạng nhện tình cảm của một thời! Nha Trang, nơi Võ Hồng sinh sống, đã có lúc đậm nét có lúc bàng bạc trong nhiều tác phẩm của ông. Nhiều truyện ngắn trong tập Con Suối Mùa Xuân chẳng hạn lấy khung cảnh Nha Trang. Các truyện khác về học đường và tình yêu cũng thường xảy ra ở đó. Người đọc nào từng sinh sống nơi đó đều có thể nhận ra hình bóng trường xưa, đường phố cũ. Võ Hồng đưa tôi, một người đọc xa xứ, trở lại những con đường tình nhân Yersin, Độc Lập hay bãi biển vắng đêm về, sóng biển nhịp nhàng, những hòn đảo thấp thoáng ngoài xa. Những hiệu sách với những cô gái hiền bên quầy thu tiền, những buổi ci-nê êm đềm, những con người ngoài phố không vội bước,...  Những cái đã mất, và trong những mất mát ấy - lớn hơn nữa là mất quê-hương, chúng tôi đã nghĩ và viết về Võ Hồng.

Trong bài tổng quan về Võ Hồng, chúng tôi đã đặt tựa đề là "Võ Hồng, nhà giáo" vì ông là một nhà văn tinh tế nhưng nhân hậu và mực thước, thận trọng; ông đúng là một nhà giáo viết văn hoặc nói khác đi, ông viết văn như một nhà giáo. Ông viết rất đều đặn và kỹ lưỡng như sự kiên nhẫn cần có của nghề giáo mà hình-thức và nội-dung được chăm sóc kỹ như những bài văn dạy trong nhà trường. Chúng tôi ghi lại các đề tài lớn đã được Võ Hồng đưa vào tác-phẩm : Nếp xưa ngày cũ, Tình yêu đất, Chuyện kháng-chiến và chiến tranh, Tình yêu, Bức tranh xã-hội miền Nam thời chiến và cuối cùng là Thế giới học đường. Bài viết đã đăng trên một số tạp-chí ở ngoài nước và là chương 18 trong tập biên khảo Văn Học Việt Nam Thế Kỷ XX : Một Số Hiện Tượng Và Thể Loại do nhà Đại Nam ở California xuất-bản năm 2004.
Võ Hồng viết về nếp xưa ngày cũ vì ông tự cho sứ mạng viết lại quá khứ cho người trẻ: "Lịch sử là một dây xích dài gồm nhiều mắt xích nhỏ. Cái mắt xích Dĩ Vãng đó chưa hề được nói tới thì tôi phải ra công mô tả lại. Thế hệ của chúng tôi bị chiến tranh tàn phá quá nhiều, một số lớn đã chết, những nếp sống cũ lần lần bị xóa đi, thay thế bằng nếp sống mới. (...) Tôi muốn các thế hệ đàn em có dịp để thiết tha gắn bó với quê hương hơn" ((Phỏng vấn của Nguyễn Nam Anh, tạp-chí Văn SG, 209, 1-9-1972). Nhân vật của Võ Hồng yêu đất đai ruộng vườn vì ông quan niệm quê hương đất nước có được như ngày nay là nhờ những người đó. Ông nói: "Quê hương được nuôi dưỡng, được bồi đắp, được bảo vệ bằng sức cần lao âm thầm của đại đa số những người sống đạm bạc nghèo nàn nơi thôn quê chớ đâu phải nhờ lớp thị dân sung sướng ở thành phố" (Bđd). Viết về chiến tranh, Võ Hồng đã nói lên tiếng nói phẫn nộ của một người công dân bình thường, bất lực trước chiến tranh và thảm cảnh. Thực trạng xã hội những năm chiến tranh: trật tự xã hội đảo ngược, người dân bỏ thôn quê lên thành thị, giàu nghèo trở nên tương đối. Bức tranh xã hội Việt Nam thời chiến, vì chiến tranh mà thân phận con người chịu đủ đày đọa. Là nhà giáo, gần gũi tuổi trẻ, ông còn phẫn nộ hơn nữa khi không có thể làm được gì để chận đứng những tham vọng sai lầm của con người, những tàn hại văn hóa hậu quả của cuộc chiến tranh dai dẵng đó! Tình yêu trong tác phẩm Võ Hồng nói chung là những chuyện tình kín đáo, mãnh liệt, nồng cháy nhưng trong khuôn khổ đời thường và lý trí. Là nhà giáo do đó tác giả viết nhiều về đời sống học đường và chuyện các thầy các cô. Những tình nghĩa thầy trò đậm đà hiếm hoi trong một xã hội đề cao vật-chất, tiền bạc và chức tước, cùng những phút giây hạnh phúc của nghiệp "gõ đầu trẻ"!

Võ Hồng đã chứng tỏ sống nhiều, sống ở một miền Trung thân thương nhiều hệ lụy của chiến tranh, của con người nồng nhiệt và dễ căm thù khi phải đối đầu với những tranh chấp ý thức hệ. Một miền Trung đời sống khó khăn nhưng phong phú tình nghĩa và ý nghĩa cuộc đời. Nếu con người Trung của Võ Phiến cương quyết và dứt khoát ở ý thức thế nào thì con người Trung của Võ Hồng tha thiết với nhau chừng ấy. Và nếu Võ Phiến nặng về phân tích tâm lý một cách ý thức, tách bạch, thì phân tích con người của Võ Hồng nhẹ nhàng, thâm trầm, như một nhà giáo giương cặp mắt nhân hậu nhìn đám học trò sôi nổi mà tự nhủ cuộc đời và con người đâu đơn giản có thế. Thời gian và chín chắn tư duy sẽ trả lời hết đấy thôi ! Đã vậy, Võ Hồng luôn tin "ở hiền gặp lành" và "bỉ cực thái lai"! Ông triết lý về cuộc đời : "Cuộc đời thường hay kết thúc đen tối bi thảm như vậy. Những ngôi nhà đổi chủ, những cửa hiệu xóa đi, lớp người lớn ngã xuống và lớp người nhỏ phân tán ra khắp nẻo. Con người nhẫn nại trong ý thức cam chịu, cuộc sống bắt rễ mong manh như lớp vảy trên da thạch sùng..." (Người Về Đầu Non, tr. 70).

Mặt khác, văn chương của Võ Hồng có đặc điểm đã sử dụng tiếng nói của người miền quê ông trong đối thoại và cả trong cách hành văn và dùng chữ của ông. Tình yêu quê hương, "lòng yêu những vật tầm thường nhất", khiến ông có một thái độ độc lập văn hóa, đề cao góc quê hương nhỏ bé của ông, bên cạnh những Hà Nội, Sài Gòn và Huế đầy dẫy trong văn chương. Muốn thưởng thức Võ Hồng, người đọc phải hiểu tấm lòng của ông đối với quê nhà và con người quê mùa, mộc mạc. Nói chung, sự chân thành đã làm nên nghệ thuật văn chương Võ Hồng. Riêng các truyện dài của ông có giá trị tài liệu về lịch-sử, phong tục, về nếp sống, về nhân tình ở vào một thời điểm. Ông muốn là một nhân chứng với sứ mạng giáo dục truyền kinh nghiệm cho những thế hệ đến sau. Có những truyện mới đọc người ta nghĩ ông có ý phỉ báng hay răn đe, nhưng đọc lại sẽ thấy tác giả chỉ muốn tỏ lộ lòng từ bi, thương hại ngay cả với những nhân vật không đáng thương hại. Tác phẩm của ông được các sách giáo khoa giảng văn trích dẫn từ 1963 và các truyện viết cho thiếu nhi như Áo Em Cài Hoa Trắng, Trận Đòn Hòa Giải thường được chọn làm đề tài thuyết trình tại các trường học. 
*
Sau 1975, vì hoàn cảnh chung, ông viết ít, nhưng đã có những bài tùy bút và truyện ngắn được người đọc thời hậu chiến tranh và "Cởi Trói" văn-nghệ yêu thích. Có lúc ông ký hai bút danh mới là Võ An Thạch và Võ Tri Thủy. Những tâm tình thuần thành và nhân hậu của một người cả đời đã sống cho văn hóa giáo dục, cho quê hương và những con người chưa nhiễm "văn minh" của cuối thế kỷ XX. Các tùy bút trong Một Bông Hồng Cho Cha hoặc đã đăng báo như Mùa Xuân Nghe Tiếng Chim, v.v. cho thấy một Võ Hồng lạc lõng ở thời đại hôm nay, một Võ Hồng thương người và nhớ cảnh xưa đời cũ, thương nhớ trong bất lực, mất mát, nhưng ông đã vẫn can đảm nói lên. Trong Lời Sám Hối Của Cha, phải thấm nhuần văn hóa đông phương lắm mới có thể làm người cha mà can đảm ân hận và tự trách mình trước con cái. Tập tiểu-thuyết Thiên Đường Ở Trên Cao  bản thảo viết từ những năm 1972-1978, nhưng đến 1988 mới được kiểm duyệt trong nước cho xuất-bản.
Một quy-hồi văn-nghệ đã xảy ra trong nước, một trở về với nhân bản và đời sống đa dạng. Từ năm 1987, nhiều tác-giả và tác-phẩm đã được "tái sinh" trong đó có Võ Hồng. Nhiều tuyển tập cùng tựa sách của ông đã được xuất-bản và tái bản, theo thứ tự thời-gian như sau:
Thiên Đường Ở Trên Cao  (VH Thông Tin, 1988; NXB Trẻ 2002); Trong Vùng Rêu Im Lặng (Hội Văn Học Nghệ Thuật Nha Trang, 1988; NXB Tổng hợp Đồng Nai, 2004); Nhánh Rong Phiêu Bạt (VHNT Khánh Hòa, 1989); Vẫy Tay Ngậm Ngùi (Trẻ, 1992); Thương Mái Trường Xưa (Trẻ, 1993); Truyện Ngắn Chọn Lọc (Hà Nội: Hội Nhà Văn, 1994); Một Bông Hồng Cho Cha (Văn-Nghệ TPHCM, 1994, tb 1997; NXB Tổng hợp TPHCM, tb 2004; An Tiêm tb ở Pháp 1995); Vùng Trời Thơ Ấu (Trẻ, 1995); Chúng Tôi Có Mặt (NXB TPHCM, 2001); Tuổi Thơ Êm Đềm (Trẻ, 2001); Thơm Ngát Hương Cau (Trẻ, 2001) và Tuyển Tập Võ Hồng (NXB Văn-nghệ TPHCM & Trung tâm nghiên cứu Quốc học, 2003) là tập qui mô nhất với 1231 trang.
Ngoài ra, Võ Hồng còn là tác-giả tập Trầm Tư  do NXB Trẻ in năm 1995 và NXB Văn-nghệ ở hải-ngoại tái-bản năm 2000, gồm những suy tư tản mạn theo dòng thời-gian được sưu tập, ghi lại. Trước và sau 1975, Võ Hồng vẫn có những tập truyện nhỏ cho giới trẻ, sau 1975 có Chia Tay Người Bạn Nhỏ (Trẻ, 1991). Đặc biệt Võ Hồng làm thơ và đã cho xuất-bản hai tập Hồn Nhiên Tuổi Ngọc (Trẻ, 1993) lời lẽ đơn sơ như tựa đề và Thời-Gian Mây Bay (Đồng Nai, 1996) gồm những bài từ nhiều thập niên qua, từ khi ông "mười tám đôi mươi" như nói trong lời Tựa. Một số tác-phẩm của Võ Hồng hậu-1987 đã đến với người đọc và thư viện hải-ngoại qua nhiều ngã. Hy vọng trong khung cảnh tự do văn-hóa ngoài này, sẽ có những nghiên cứu, luận án về Võ Hồng, như đã và đang xảy ra với văn-học miền Nam thời mở đầu, với Trương Vĩnh-Ký, Võ Phiến hay chủ nghĩa hiện sinh ở miền Nam, v.v.

Trong thời chiến-tranh và phân chia đất nước cũng như gần hai thập niên gần đây, tác-phẩm của Võ Hồng lúc nào cũng được trân quý, chứng tỏ chúng thật có giá trị tinh thần và lịch-sử và đã trãi qua được sàng lọc của thời-gian. Ông đã là nhà văn lớn của nửa hậu bán thế-kỷ XX, bề thế văn nghiệp của ông lớn không phải ở những triết lý, học thuyết có thể đề xướng trong các tác-phẩm mà là ở sự già dặn, phong phú và chân thật của tác-giả. Nhưng dù vậy, trước thềm thiên niên kỷ mới, ở một đất nước như Việt Nam đã nhiều truân chuyên, đau khổ, có thể nói tác phẩm của Võ Hồng là một phần văn hóa Việt cũ đã ra đi không bao giờ trở lại! Đây là hiện tượng trong nước in lại tác-phẩm của thời tiền phong văn học chữ quốc ngữ ở trong Nam cũng như các tác giả khác của miền Nam tự-do, họ được in lại, được tìm đọc và nghiên cứu ở các đại học; người quan sát không thể không đặt vấn-đề : phải chăng đây là đi tìm một thời văn học bị bỏ quên, hay trân trọng tìm lại cái phong hóa - những bóng dáng, những tấm gương, đã và đang mất dần? Phải chăng sau một thời liên lục chiến tranh, phân ly, loạn lạc, sai lầm, con người sống sót và hậu-sinh của họ muốn vớt vát lại phần nào những đạo lý, văn hóa đã bị rẻ rúng?
Montréal, 8-2005
NGUYỄN VY KHANH

No comments:

Post a Comment