Trang

Saturday, May 25, 2013

BÍCH THU: TIỂU THUYẾT VIỆT NAM TỪ 1986 – MỘT CÁCH NHÌN

1. Thực tiễn văn học từ sau thời kỳ đổi mới cho thấy có hàng loạt cuốn tiểu thuyết ra đời, trong đó có sự góp mặt của các tác giả hải ngoại. Như vậy tiểu thuyết không rơi vào tình trạng đáng phải lo ngại mà với sự hiện diện ngày càng nhiều của nó, tiểu thuyết vẫn ngự trị văn đàn, vẫn tỏ rõ vị thế cũng như “giá trị tiềm ẩn” của thể loại trong tương lai.

Trong thực tiễn sáng tác văn học nghệ thuật, Việt Nam cũng như ở nước ngoài luôn song hành các tác phẩm viết theo thi pháp truyền thống và hiện đại. Mỗi xu hướng sáng tác đều có chủ thể sáng tạo và chủ thể tiếp nhận của riêng mình cũng như đều có những thành công và hạn chế. Do vậy không vì cổ xuý cách tân mà khước từ truyền thống và cũng không vì truyền thống mà dị ứng với cái mới. Xét cho cùng, khi viết theo thi pháp truyền thống người viết cũng đã nỗ lực đổi mới về nội dung cũng như ở nghệ thuật trần thuật. Nhìn chung, những tiểu thuyết viết theo thi pháp truyền thống phản ánh một cách đầy đủ và trung thực những trải nghiệm của đời sống con người. Về mặt tự sự, nó hấp dẫn người đọc trước hết bằng nội dung chuyện kể, bằng những diễn biến đời sống của một nhân vật mang tính cách giống hay khác với họ. Tính thẩm mỹ của tiểu thuyết bộc lộ ở sự hài hòa, nhất quán của tổng thể và các phân đoạn khiến câu chuyện mạch lạc, lôi cuốn. Về cấu trúc, tiểu thuyết truyền thống dựa trên một cốt truyện, thu hút sự chú ý của người đọc và câu chuyện phải đi tới một kết thúc có hậu, trả độc giả về với “trật tự quen thuộc của đời sống”.
Với những tiểu thuyết viết theo hướng hiện đại đã cho thấy hiện thực là phong phú, phức tạp và không thể hoặc khó có thể “kể lại” được. Ở đây, tiểu thuyết không làm sứ mệnh cung cấp một bức tranh hiện thực về xã hội mà phải “phát minh ra các hình thức”. Mối quan hệ giữa tác phẩm văn học và những gì ở ngoài văn học bị cắt đứt hoặc bị lui lại phía sau; và chỉ còn lại hai mối quan hệ chính: quan hệ giữa tác phẩm văn học với chính nó và quan hệ giữa tác phẩm văn học này với những tác phẩm văn học khác. Tiểu thuyết viết theo xu hướng này có thể còn xa lạ, đánh đố, thậm chí “gây hấn” với độc giả nhưng nó đã mở ra một triển vọng mới cho tiểu thuyết và cho sự tiếp nhận mới của người đọc hiện đại.
2. Sự mở rộng biên độ, đa dạng hóa trong cái nhìn thế giới và con người là một trong những thành tựu nổi bật của tiểu thuyết từ sau 1986 đến nay. Thực tế cuộc sống ở một thời kỳ mới đã dẫn đến sự thay đổi quan niệm nghệ thuật về hiện thực. Một tư duy văn học mới được hình thành và nhu cầu về đổi mới văn học nói chung và tiểu thuyết nói riêng trở nên bức thiết. Xã hội hiện đại đề cao vai trò của cá nhân và thúc đẩy sự thức tỉnh của ý thức cá nhân. Cái tôi trỗi dậy đòi hỏi được quan tâm đúng mức. Tiểu thuyết trở về với con người, thay đổi quan niệm nghệ thuật về con người, bảo tồn giá trị của con người trước sự lãng quên của xã hội. Con người cô đơn, con người thân phận trở thành mối quan tâm hàng đầu của các tiểu thuyết gia đương đại.
Có thể nói, tiểu thuyết là “công cụ hữu hiệu” của văn học để tái hiện lịch sử theo nhãn quan người viết và tiểu thuyết suy cho cùng vẫn là miêu tả số phận con người. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà tiểu thuyết đã khắc hoạ khá đầy đặn về lịch sử của một gia đình, một dòng tộc hay một đời người gắn với những biến động của lịch sử, với những thăng trầm của đời sống xã hội: Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường), Bến không chồng, Dưới chín tầng trời (Dương Hướng), Dòng sông mía (Đào Thắng), Cõi người (Từ Nguyên Tĩnh), Bến đò xưa lặng lẽ (Xuân Đức), Trăm năm thoáng chốc (Vũ Huy Anh), Cánh đồng lưu lạc (Hoàng Đình Quang), Cõi mê (Triệu Xuân), Luật đời và cha con, Lửa đắng (Nguyễn Bắc Sơn), Tấm ván phóng dao (Mạc Can) Thượng đế thì cười (Nguyễn Khải), Gia đình bé mọn (Dạ Ngân), Mẫu thượng ngàn, Đội gạo lên chùa (Nguyễn Xuân Khánh), Ba người khác (Tô Hoài), Một mình một ngựa (Ma Văn Kháng)… Các nhà văn đã có một cái nhìn soi thấu một đời người, một thân phận trong hành trình của thế kỷ XX gắn với chiều dài lịch sử qua bao cuộc “bể dâu”. Mỗi tiểu thuyết là một cách khai thác sâu hơn về cõi người, cõi đời để đạt được một tầm sâu cho nhận thức về cõi nhân sinh.
Các tiểu thuyết nói trên đều hướng tới hệ quy chiếu, đó là thế giới riêng của những con người chịu nhiều nếm trải cay đắng, thấm đẫm sắc thái bi hài của số phận. Hơn nữa, tiểu thuyết còn có thêm mảng đề tài về cuộc sống con người Việt Nam ở hải ngoại: Chinatown, Paris 11 tháng Tám, T. mất tích (Thuận), Tìm trong nỗi nhớ, Trên đỉnh dốc (Lê Ngọc Mai), Gió từ thời khuất mặt (Lê Minh Hà), Thảo (Võ Hoàng Hoa), Và khi tro bụi (Đoàn Minh Phượng), Quyên (Nguyễn Văn Thọ)... Sự góp mặt đó làm giàu có hơn đời sống của thể loại, làm cho diện mạo tiểu thuyết phong phú và đa dạng hơn đồng thời tiếng nói về cuộc đời và con người trong tiểu thuyết cũng giàu sắc điệu và đa nghĩa hơn.
3. Hiện thực đời sống con người với những tâm tư, khát vọng, những bi kịch riêng tư chồng chất, những trào lộng, giễu nhại bi hài được các cây bút tiểu thuyết khám phá đến tận cùng, đẩy tác phẩm chạm đến một chiều sâu mới. Trong những năm gần đây nhiều tiểu thuyết mang tính tự truyện đã thu hút độc giả: Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Tấm ván phóng dao (Mạc Can), Thượng đế thì cười (Nguyễn Khải), Đời thường (Phùng Khắc Bắc), Gia đình bé mọn (Dạ Ngân), Một mình một ngựa (Ma Văn Kháng). Tìm đến chất liệu cái tôi, các nhà văn như trở về với chính mình. Với tiểu thuyết tự truyện,  cốt truyện được xây dựng trên cơ sở của sự kiện chính về cuộc đời, về con người tác giả. Điều đáng nói ở đây là trí nhớ, sự hồi tưởng, ký ức không lấn át yếu tố hư cấu. Với loại hình tiểu thuyết này, việc đảm nhiệm chức năng tái tạo lại một đoạn đời của người viết được tổ chức theo nhiều kiểu kết cấu khác nhau, đặc biệt đi sâu vào khai thác dòng ý thức mà thành công nổi bật ở Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh).
Có thể nói, tiểu thuyết tự truyện không có gì mới lạ với văn học thế giới nhưng là một loại hình khá mới mẻ với văn học Việt Nam, và nó đã gây được tiếng vang với người đọc. Đây là xu hướng được nhận định là sẽ phát triển, như một ý kiến cho rằng: “Tiểu thuyết tự thuật đã và đang đăng đàn, rồi sẽ chiếm một ngôi vị đáng kể trong nền tiểu thuyết đương đại nước nhà”.
4. Bên cạnh những tiểu thuyết viết theo thi pháp truyền thống là những tác phẩm viết theo thi pháp hiện đại: Thiên sứ (Phạm Thị Hoài), Thoạt kỳ thuỷ, Ngồi (Nguyễn Bình Phương), Chinatown, Paris 11 tháng Tám, T. mất tích (Thuận), Người sông mê (Châu Diên), Khải huyền muộn (Nguyễn Việt Hà), Giữa vòng vây trần gian, Giữa dòng chảy lạc (Nguyễn Danh Lam), Cơn giông (Lê Văn Thảo), Mười lẻ một đêm (Hồ Anh Thái), Đi tìm nhân vật, Thiên thần sám hối (Tạ Duy Anh), Kín, Nháp (Nguyễn Đình Tú), 3.3.3.9 - những mảnh hồn trần (Đặng Thân)… Ấn tượng rõ rệt nhất khi đọc các tiểu thuyết này là sự khác lạ, là sự “gây hấn” với truyền thống. Dường như nhà văn không phải đang tái hiện bức tranh hiện thực mà đang trình bày cách thức họ làm ra các kiểu kết cấu nghệ thuật như thế nào.
Với những kiểu kết cấu thể hiện tinh thần chối bỏ truyền thống, vượt qua mô thức kết cấu quen thuộc, tiểu thuyết sau 1986 đã xác lập mối quan hệ mới giữa văn chương với hiện thực. Các tác phẩm kể trên đã mở ra những thử nghiệm kiếm tìm hình thức mới cho tiểu thuyết khá phong phú và đang còn tiếp diễn. Quan niệm truyền thống về tiểu thuyết đang mờ dần đi. Với ý thức cách tân quyết liệt và mạnh mẽ, các cây bút kể trên đã góp phần xoá bỏ khoảng cách tư duy nghệ thuật giữa văn học Việt Nam và những nền văn học tiên tiến của nhân loại. Bao trùm trong các tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Danh Lam, Thuận... là một thế giới vô hồn, một thế giới “mờ”, khó tìm thấy một gương mặt chính thống. Người đọc thấy ở các tiểu thuyết Thoạt kỳ thủy, Ngồi, Giữa vòng vây trần gian, T. mất tích, Kín, Nháp… sự “hồ nghi tồn tại như một loại hình tâm trạng làm nên cảm quan của thời đại mới. Các nhà nghiên cứu gọi đó là dấu hiệu cảm quan hậu hiện đại” (Lã Nguyên).
Các tiểu thuyết theo hướng hiện đại đã tạo nên cảm giác về sự trôi dạt của thân phận con người. Các thủ pháp nghệ thuật như đồng hiện, kỹ thuật dòng ý thức, độc thoại nội tâm, môtíp giấc mơ, ký ức, vọng niệm đã tỏ ra có hiệu lực bộc lộ những miền sâu kín và bí ẩn của con người. Ở đây xu hướng tự do, phóng khoáng trong các kiểu diễn ngôn, sự co giãn, mềm dẻo của kết cấu, sự không liên tục của ý tưởng, chối bỏ sự trau chuốt mang tính tu từ đã góp phần tạo nên giọng điệu mới với các sắc thái thẩm mỹ đa dạng. Tất cả đã nói lên một cái gì đó về một tâm thức đã xuất hiện nhưng không dễ phát hiện trong đời sống hôm nay: tâm thức hậu hiện đại.
Bằng những “âu lo”, “bất ổn” trên bề mặt giọng điệu, nhà tiểu thuyết hướng độc giả đến những “bất ổn”, “lo âu” ở đáy sâu đời sống hiện thực, khiến họ phải trăn trở nhiều hơn, nghĩ ngợi nhiều hơn trước những gì được viết ra. Ở đó hàm chứa một thái độ “kép”, mâu thuẫn và phức hợp; cười cợt, giễu nhại cái cũ song cũng chưa tạo được một niềm tin bền chắc vào cái mới. Đó là thái độ tìm kiếm hơn là khẳng định. Từ đó, giọng điệu ngả sang phía cật vấn, hoài nghi như một hệ quả tất yếu: các nhân vật thường xuyên đặt câu hỏi với chính mình, với những nhân vật khác, với cả chính người viết và người đọc. Trong các tác phẩm Tấm ván phóng dao, Thoạt kỳ thủy, T. mất tích, Giữa vòng vây trần gian... hầu như đều là những câu hỏi còn bỏ ngỏ về thân phận và cuộc đời con người, là những cuộc tìm kiếm bản ngã và cá tính, hạnh phúc và bình yên, niềm tin và lẽ sống còn dở dang, đầy bất an, chưa đến hồi kết thúc.
5. Sự nhoè mờ ranh giới thể loại, sự xâm nhập của các thể loại khác vào cấu trúc nội tại của tiểu thuyết cũng là một nét nổi bật đáng ghi nhận của tiểu thuyết hôm nay. Như Bakhtin đã nhận định: “Nòng cốt thể loại của tiểu thuyết chưa hề rắn lại và chúng ta chưa thể dự đoán được hết những khả năng uyển chuyển của nó”. Khả năng phối kết, thu hút các thể loại khác khiến cho tiểu thuyết luôn có xu hướng đổi mới cả về khả năng lẫn nhu cầu khai thác tiềm năng của chính nó. Từ trước đến nay, dung lượng của tiểu thuyết vẫn được coi là một trong những tiêu chí cơ bản để phân biệt nó với các loại hình văn xuôi như truyện ngắn, truyện vừa... Nhưng có một hiện tượng mà người đọc dễ nhận ra là có khá nhiều tiểu thuyết ngắn xuất hiện ở những năm đầu thế kỷ XXI. Phần lớn các tiểu thuyết đã thu gọn cái “thân xác bề thế” của nó.
Từ phía người sáng tác, Tạ Duy Anh, tác giả của các tiểu thuyết ngắn đã nhận định: “Xu hướng ngắn, thu hẹp bề ngang, vừa khoan sâu chiều dọc, đa thanh hóa sự đối thoại, nhiều vỉa ý nghĩa, bi kịch thời đại được dồn nén trong một cuộc đời bình thường, không áp đặt chân lý là dễ thấy. Tiểu thuyết ít mô tả thế giới hơn là tạo ra một thế giới theo cách của nó. Ở con người có thể chiêm ngưỡng mình từ nhiều chiều hơn là chỉ thấy cái bóng của mình đổ dài xuống lịch sử”. Mặt khác sự thu hẹp dung lượng của tiểu thuyết còn phụ thuộc vào sự tương ứng giữa hình thức nghệ thuật với tinh thần của cái hiện thực mà nó phản ánh. Đó là cái hiện thực rời rạc, phân mảnh mà các tiểu thuyết gia hôm nay tìm thấy nơi ẩn náu phù hợp với các mảnh tự sự rời rạc tựa như các truyện ngắn riêng rẽ được lắp ghép thành một sinh thể tiểu thuyết. Trong đó, mảnh này suy tư, liên tưởng về mảnh kia, đoạn này chồng chéo lên đoạn kia tạo nên sự pha trộn, xâm nhập của truyện ngắn kịch, tiểu luận triết học, thơ ca, báo chí, nhật ký, huyền thoại vào tiểu thuyết, tạo nên cấu trúc phức hợp. Ở đây vấn đề “thay đổi dung lượng” cũng liên quan mật thiết với vấn đề xâm nhập của các thể loại khác vào cấu trúc nghệ thuật của tiểu thuyết.
Trong các tiểu thuyết Tấm ván phóng dao, Trí nhớ suy tàn, Thoạt kỳ thủy, người đọc nhận ra chất thơ thẩm thấu vào cơ cấu bên trong của tác phẩm. Sự xâm nhập của tiểu luận triết học trong tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savitri và tôi của Hồ Anh Thái khiến tác phẩm mang một giọng điệu trầm tư, giàu suy ngẫm, kích thích cảm hứng đồng liên tưởng, sáng tạo của chủ thể tiếp nhận. 
6. Sự làm mới cách thức thể hiện tiểu thuyết với hiện tượng liên văn bản xuất hiện một cách thường xuyên ở nhiều cấp độ và dạng thức khác nhau tạo nên kiểu kết cấu truyện lồng truyện. Hình thức văn bản trong văn bản góp phần tạo nên những tiếng nói khác nhau, mở rộng trường nhìn, đa dạng hóa cấu trúc của tiểu thuyết. Với hình thức này, tác phẩm sẽ tạo nên sự liên thông giữa thế giới thực và thế giới ảo (Đi tìm nhân vật, Thoạt kỳ thủy...) và nhân vật trong tiểu thuyết sẽ “được sống lập thể” ở nhiều thế giới khác nhau, nhập nhiều vai khác nhau, các giới hạn không gian, thời gian do vậy được mở ra đến vô hạn (Paris 11 tháng Tám, Và khi tro bụi, Đức Phật, nàng Savitri và tôi...).
Từ sau thời kỳ đổi mới và nhất là trong những năm gần đây, đổi mới tư duy tiểu thuyết ở các nhà văn đã dẫn đến những cách tân quan trọng trên cả phương diện nội dung và hình thức,  đặc biệt ở hình thức, ở quan niệm về chất liệu, làm mới ngôn ngữ tiểu thuyết hướng tới tính hiện đại, thậm chí hậu hiện đại của văn học thế giới. Tác động của các tiểu thuyết hướng tới sự cách tân triệt để đã ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề tiếp nhận văn học của độc giả đương đại. Với người đọc nói chung, các tiểu thuyết viết theo lối mới, đặc biệt những tác phẩm có sự kết hợp hiệu quả của cách thức diễn đạt với nội dung mang tính nhân văn sâu sắc đã tạo ra một “trào lưu văn hóa đọc” khá sôi nổi trong công chúng (Giàn thiêu - Võ Thị Hảo, Mẫu thượng ngàn - Nguyễn Xuân Khánh, Mười lẻ một đêm - Hồ Anh Thái, Tấm ván phóng dao - Mạc Can, Dưới chín tầng trời - Dương Hướng, Thượng đế thì cười - Nguyễn Khải). Chính điều này sẽ góp phần nâng cao thị hiếu thẩm mỹ và “tầm đón đợi mới” với thể loại của người đọc, rút ngắn khoảng cách đẳng cấp của người đọc. Tuy nhiên có một vấn đề đặt ra ở đây là không phải tiểu thuyết cách tân nào cũng có độc giả. Trên thực tế, đã có không ít tác phẩm “gây sốc” với “tầm đón đợi truyền thống” của người đọc. Do cái mới không dễ được chấp nhận, do một số thể nghiệm còn rơi vào cực đoan, người đọc như lạc vào mê cung của các con chữ.
Có thể nói bên cạnh những thành tựu mà tiểu thuyết đạt được cũng đồng thời có những giới hạn của nó ở cả tiểu thuyết theo hướng cách tân và theo thi pháp truyền thống. Ở tiểu thuyết cách tân nhìn chung có sự hấp dẫn vì yếu tố lạ và mới, đặc biệt là về kỹ thuật nhưng đọc không dễ. Ở tiểu thuyết theo hướng truyền thống có những tiểu thuyết hay, được độc giả ưa thích như Hồ Quý Ly, Mẫu thượng ngàn… nhưng cũng không thể không nói đến những cuốn còn nghiêng về tái hiện hiện thực theo hướng “nệ thực”, ở một góc độ nào đó đã “bật đèn đỏ”, không tạo điều kiện cho các nhà văn có thể phát huy sức mạnh của trí tưởng tượng, của hư cấu nghệ thuật, đem đến cái nhìn nhiều chiều kích của không gian, thời gian về lịch sử và con người. Vấn đề của tiểu thuyết không chỉ là kỹ thuật, cái mới, không chỉ là tái hiện hiện thực một cách sinh động và chân thật. Tiểu thuyết vẫn cần những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, phù hợp và đáp ứng tầm đón đợi của người đọc đương đại
BÍCH THU 
Nguồn: VNQĐ

No comments:

Post a Comment