Trang

Wednesday, May 29, 2013

CUỘC THI LÀM VĂN THEO KHÁI NIỆM MỚI – CÁI NÔI CỦA NHÀ VĂN TRẺ

        Văn nghệ Trẻ - Cuối năm 1997, dư luận toàn Trung Quốc sôi lên về việc dạy Văn ở bậc phổ thông. Năm 1998, tạp chí văn học Manh nha mà bạn đọc chủ yếu là học sinh đã tổ chức một cụm bài vê chủ đề Giáo dục thế nào vậy ?, qua đó cho thấy việc dạy Văn ở bậc trung học theo “mô thức giảng dạy duy lý tính” đã không còn thích ứng với nhu cầu thời đại từ lâu rồi. Dạy Văn đã trở thành việc luyện thi thuần tính kỹ thuật, chỉ coi trọng trừu tượng, khái quát, cô đặc và năng lực tư duy lô gíc.
          Cùng năm, Phó chủ tịch Hội nhà văn Thượng Hải Triệu Trường Thiên kiêm Tổng biên tập tạp chí Manh nha đã phát động cuộc thi Làm văn theo khái niệm mới xuất phát từ việc tìm ra cách trả lại cho môn Văn những gì nó vốn có, để môn này thực sự trở thành môn cơ sở nâng cao tố chất tổng hợp của học sinh, bao gồm tính nhân văn, tính thẩm mỹ, tính linh hoạt, tính sáng tạo và tính lý tưởng. Sang năm 1999, bảy trường đại học trọng điểm trong toàn quốc là  Bắc Kinh, Phúc Đán (Thượng Hải), sư phạm Hoa Đông, Nam Kinh, Sơn Đông, Hạ Môn cùng liên kết với Manh nha. Sau đó, các trường đại học khác là Thanh Hoa, sư phạm Bắc Kinh, Vũ Hán, Trung Sơn, Chiết Giang, Nhân dân Trung Quốc tham gia tuyển chọn, đánh giá bài thi. Năm 2012, Học viện hý khúc Thượng Hải cũng gia nhập. Cho đến nay đã có 14 trường dại học cùng chung sức chấm thi.
Người dự thi được chia thành ba nhóm :
         Nhóm A gồm học sinh lớp 11, 12 (kể cả trường trung cấp chuyên nghiệp)
        Nhóm B gồm học sinh lớp 10 và lớp 9 trung học cơ sở.
        Nhóm C gồm thanh niên dưới 30 tuổi. 
         Hội đồng chấm thi gồm nhà văn, biên tập viên nổi tiếng, học giả nhân văn và giáo sư khoa Văn trường đại học. Bài thi hạn trong ba giờ, 5000 chữ (sau có thể viết dài) phải qua hai vòng : sơ khảo và phúc khảo, ai được vào vòng phúc khảo sẽ tới Thượng Hải dự cuộc thi chung tại hiện trường. Ba năm đầu,  người đoạt giải Nhất cuộc thi có thể được vào thẳng đại học (sau đó, Bộ giáo dục đã xóa bỏ vì giáo dục được cải cách và cũng vì ưu huệ này gây nên rất nhiều điều tiếng). Dù sao, vinh dự ấy cũng rất có lợi cho các em khi ghi tên vào danh sách chiêu sinh tự chủ của các trường đại học nổi tiếng. Ngoài ra, bài văn được đăng trên Manh nha, sau đó được gộp in thành sách và sách bán rất chạy.
         Lấy “khái niệm mới” làm chủ đích, cuộc thi nhằm đề xướng :
a.     Tư duy mới, tức tính sáng tạo.
b.     Biểu đạt mới tức dùng ngôn ngữ có cá tính để biểu đạt, không bị gò bó bởi đề tài, thể tài. Chống lối văn sáo rỗng, ai cũng giống ai.
c.      Có thể nghiệm thực sự, có quan tâm quan sát cuộc sống thực sự, có cảm thụ chân thành.
       Cuộc thi có ảnh hưởng sâu rộng chủ yếu tới học sinh trung học. Các em đã vứt bỏ lối làm văn theo công thức. Một số người trong giới giáo dục tỏ ra lo ngại, nhưng cuộc thi không ảnh hưởng trực tiếp đến việc giảng dạy ngữ văn và làm văn tại bậc trung học ở đại lục.

       Người dự thi đương nhiên là người yêu văn học và mong ước dệt mộng văn chương. Đề ra cho một vài lần thi như sau :
        Lần thứ nhất (1999) :  Một hành vi nghệ thuật.
        Lần thứ hai (2000)   :  Cái quạt.
        Lần thứ ba (2001)    :
           a. Dựa vào dữ liệu sau đây, có thể liên tưởng, tưởng tượng, luận bàn, viết thành bài, đầu đề tự đặt. Dữ liệu : một nơi phát hiện có mỏ kim loại, trữ lượng rất lớn, mọi người đổ xô đến, nhưng con sông lớn chắn ngang.....
           b. Có một loài hoa hướng dương không trồng được, đó là hoa hướng dương trong bức danh họa Hoa hướng dương ; có một chiếc lều mà người khác không dựng được, đó là Chiếc lều của bác Tôm.
           c. Giả sử ngày mai không có mặt trời.       
           Cuộc thi lần thứ 10 với đề thi “ Âm thanh mà bạn chưa thể để ý đến” do giáo sư khoa Văn trường đại học Phúc Đán là Uông Dũng Hào ra đề. Ông nói, “chủ ý khi ra đề này của tôi là những em ra đời vào những năm 90 có rất nhiều tiếng nói mà người ta chưa biết đến. Tôi muốn thông qua đề mục này để các em tự do biểu đạt những ý nghĩ trong lòng, cũng là để chúng ta lắng nghe tiếng lòng của các em. Đương nhiên đây là đề thi mở, có thể viết về những âm thanh và quan điểm khác mà người ta bỏ qua”. Sau đó ông cũng cho biết, số bài văn dự thi bám sát đề chưa được một nửa, và “đáng tiếc là một số thí sinh chuẩn bị sẵn một câu chuyện , tới lúc phúc khảo tại chỗ thì thay đổi ít nhiều đem nộp. Một số em lại coi cuộc thi viết này là cuộc khảo thí, chứ không phải là dịp để các em biểu đạt sự cuồng hoan của tâm hồn”.
        Sau đây, không biết có bao nhiêu em đoạt giải Nhất còn kiên trì theo đuổi sáng tác ? Chỉ biết cuộc thi đã làm thay đổi số phận của nhiều em học sinh, làm nảy nở lứa nhà văn “sau 80” từng khiến văn đàn kinh ngạc và sau đó là vì nể. Nhà văn thành danh Hàn Hàn là người đoạt giải Nhất cuộc thi lần đâu và giải Nhì cuộc thi lần hai với tác phẩm Nhìn người từ trong cốc, Ba lần cửa, Cuộc sống mà tôi hiểu ; Quách Kính Minh đoạt giải Nhất cuộc thi lần ba và tư với tác phẩm Giả thử ngày mai không có mặt trờ, Hoa rụng trong mộng biết bao nhiêu, Tòa thành ảo; Trương Duyệt Nhiên đoạt giải Nhất cuộc thi lần ba với tác phẩm Chiếc bình gốm rơi vỡ, Anh đào đã xa. Mèo đen không ngủ ; Nhan Ca đoạt giải Nhất cuộc thi lần tư với tác phẩm Cẩm sắt, Quan hà ; Quách Giai Âm đoạt giả Nhất cuộc thi lần mười với tác phẩm Trời hửng dưới tán ô,  được chủ biên Manh nha khen : “Thế giới tình cảm của giới trẻ dưới bút của cô đặc biệt tinh tế, thanh tân”.
        Cho đến năm nay, 2013, cuộc thi đã là lần thứ 15 và còn tiếp tục ở những năm sau. Người dự thi dần dần hầu hết là lứa “sau 90” mà theo Phó chủ tịch Hội nhà văn Thượng Hải Triệu Trường Thiên thi ở các em có càng nhiều điểm sáng hơn nữa. Ông nói : “Các tác giả nhỏ tuổi trước đây chỉ quanh quẩn viết về công nhân mất việc, bị sa thải, bố mẹ ly dị, còn lứa trẻ ngày nay hầu hết viết về phẩm vị cuộc sống vật chất.. Hơn nữa, tôi cảm thấy lượng đọc của họ không hề ít như chúng ta tưởng tượng”. Trương Duyết Nhiên ngày nào còn là học sinh dự thi, này đã là Ủy viên hội đồng chấm thi. Chị cho biết, khi chấm các bài văn dự thi, chị đã thấy nhiều em “ ngả mũ chào Kapka, Nabukốp v.v...và mô phỏng họ, Điều đó nói lên lượng đọc của các em rất rộng. “Hơn nữa , tôi vẫn nghĩ  ngôn ngữ của lứa trẻ này hẳn đã bị hỏng cả, thậm chí tôi còn lo trong bài văn của họ xuất hiện lời lẽ của người sao Hỏa mà tôi không hiểu được. Nhưng tôi đã thấy họ vận dụng ngôn ngữ rất tốt”.
         Đó là cơ sở để Ban tổ chức cuộc thi, nhà văn các lớp trước vui mừng chào đón lứa nhà văn “sau 90” với nhiều tác phẩm “khái niệm mới” xuất sắc./.

                                                               Phạm Tú Châu tổng thuật.
                                              ***
                                               
Một số bài thi đoạt giải Nhất cuộc thi Khái niệm mới

                                  Nhìn người từ trong cốc
                            (Theo đề thi : Một hành vi nghệ thuật)                         
                                                                                  Hàn Hàn                       
                          
         Điều tôi nghĩ đến là tính người, nhất là những tính xấu xa của dân tộc Trung Quốc. Lỗ Tấn tiên sinh nói chưa hết.Tôi có cach nhìn của tôi.
       Tam tự kinh đời Nam Tống có câu Nhân chi sơ, tính bản thiện, ấy là nói con người khi mới sinh ra chẳng khác gì mảnh vải vo viên còn khô nguyên, có thể nghiêm ngặt, cẩn thận khép mình vào luật. Nhưng khi đã tiếp xúc với xã hội là nước, cho dù là nước trong, cũng không thể tự chủ, chẳng khác gì lá cây Xấu Hổ bị chạm vào, sự nghiêm ngặt, cẩn thận vốn có sẽ dần dần lơi lỏng, sẽ dần dần bị nước thấm xuyên, tư tưởng bèn tiếp cận với Liệt Tử.

       Phẩm tính người Trung Quốc vốn như thép, cho nên ai đã giữ mình trong sạch thì cố giữ đến mức mấy chục năm sau khi sinh ra đời vẫn trong sáng, thuần khiểt gớm ghê. Những người trong sáng, thuần khiết ấy không thấm nước nên không được xã hội dung nạp, bởi thế quân tử mới cố cùng (1).

       Người viết tạp văn là như vậy. Nhiều bài tạp văn vạch trần cái ác trên các báo Tạp văn, Văn hối đọc thấy rất khoái, tưởng rằng tác giả ghét cái ác như kẻ thù. Thật ra không phải thế. Cần phải đọc kỹ, đọc kỹ thì sau đó mới nhận biết sự phẫn uất của tự thân tác giả : “ Sao ông đây lại chẳng phải là quan nhỉ ?”. Nhưng nếu những người mắng chửi quan bỗng nhiên được một chức quan, không khéo lại giống như Lý Bạch, là cảm thấy vinh dự được quen biết quan. Tiếc rằng bây giờ đang lúc tranh giành chức quan, không đến lượt những ai chửi quan rồi lại muốn làm quan, cho nên họ đành chửi quan ngày một nhiều.

       Viết đến đây thì mảnh vải đã như người mệt đứt hơi, duỗi thẳng lưng nằm trên giường, đầy cả cốc. Tiếp xúc lâu rồi ắt không tránh khỏi nở ra kỳ hết,

        Tôi lại nghĩ đến đạo trung dung và đạo khiêm tốn của Nho gia mà người Trung Quốc tin giữ. Là người Trung Quốc, thật bất hạnh khi trước hết phải học khiêm tốn. Một người lúc đầu dù cuồng ngạo đến đâu thì dần dần cũng trở nên khiêm tốn. Tiền Chung Thư ̣(3) lúc đầu cũng vậy, nhưng đáng thương thầy của ông là Ngô Bí, Diệp Công Siêu bị chê là “quá đần” và “quá lười ( theo Tôn Khánh Mậu :  Truyện Tiền Chung Thư và Tiền Chung Thư ra khỏi gương ma) nên sau đó tiếc thay không được đọc những lời ngạo nghễ “duy ngã độc tôn” (2) nữa, như thế cũng là bị ngấm nước rồi. Lý Ngao (4) thì may hơn. Quốc dân đảng tạm thời chưa mài nhẵn được ông nên ông “giết” hết những gì ông thấy chướng mắt, đối với Quốc dân đảng cũng “giết” không tha. Nghe nói muốn tìm một người đáng tôn sùng, kính nể, ông liền soi gương, nhưng Trung Quốc có thể có được mấy nhân tài phản nghịch về viết văn và làm người ngoài “nhị thập tứ phẩm” (5) ? Ở Trung Quốc, làm một người nói thẳng được về trình độ của mình quả thật không dễ. Một số chuyện
của người không khiêm tốn được đưa vào sách Thiệt hoa lục. Thiệt hoa lục là sách thế nào ? Là sách chép chuyện cười. Bởi vậy mới có người dạy con như sau : “Con ngoan của ta ơi, khi nào con già, giả sử  tài hoa cùng mình thì hãy nhớ kỹ, đừng làm như thế nhé ! Con có đọc chuyện của những người cao ngạo trong Thiệt hoa lục thì chớ cho đó là chuyện cười !”. Thế là người Trung Quốc bèn ngoan ngoãn hòa mình vào xã hội, làm người khiêm tốn. Trung Quốc coi khinh những ai khoác lác, còn theo tôi, chém gió cũng không sao, chẳng khác gì phụ nữ đời xưa quen bó chân, thấy những đôi chân bình thường thì gọi đó là “chân to”. Người Trung Quốc quen nói khiêm, nghe những lời bình thường thì đương nhiên cho đó là nói khoác. Người dám nói khoác thường bị xui xẻo, khiến người đời sau sợ hãi, từ không nói khoác trở thành im hơi lặng tiếng luôn. May mà Hồ Thích ̣̉(6) ốm rồi qua đời, nếu không, khi thấy tình cảnh ấy, ông ắt uất lên mà chết ! Kết quả là  người không nói khoác được xã hội tiếp nhận.

         Viết đến đây, mảnh vải ngấm nước đã ngầm đến mức sắp chìm, thế là đụng đến vấn đề phạm tội vì ngấm quá mức vào xã hội. Tỉ lệ phạm tội ở Mỹ hùng cứ ngôi đầu trên thế giới. Tôi đã đọc rất nhiều sách phê phán và ngợi khen nước Mỹ. Ấn tượng của tôi về nước Mỹ chẳng hay ho gì, nhưng có một điểm đáng được khẳng định. Ấy là một đứa trẻ Mỹ dù có tiền đến đâu cũng không được phép bước vào rạp chiếu phim chiếu phim heo. Người làm công tác giáo dục ở Trung Quốc phải chăng có biêt điều đó gắn liền với việc phạm tội của thanh thiếu niên ? Người chưa đến tuổi mà tiêm nhiễm xã hội quá mức thì ắt phạm tội. Người làm công tác giáo dục ở Trung Quốc phân biệt quá rành mạch giữa tình dục và phạm tội. Từ chữ viết có thể nhận ra người Trung Quốc tạo chữ không tiên tri bằng người La Mã thời cổ. Trong chữ Latinh có từ  Corpusdelieti, có nghĩa là “thân thể, nhục thể “ và “điều kiện phạm tội”, cho thấy người La Mã từ lâu đã nhận thức được nhục thể là điều kiện phạm tội.

          Viết đến đây chợt phát hiện mảnh vải đã chìm xuống đáy cốc rồi (7)./.

Chú thích của người dịch :
1.     Quân tử cố cùng : quân tử bền lòng khi không được toại chí.
2.     Duy ngã độc tôn : chỉ mỗi mình là tôn quí.
3.     Nhà văn hiện đại, nhà nghiên cứu văn học nổi tiếng của Trung Quốc.
4.     Nhà văn, nhà tho, nhà sử học, nhà phê  bình thời sự Đài Loan
5.     Nhà lý luận thơ cuối đời Đường là Tư Không Đồ viết sách Nhị thập tứ thi phẩm, nghiên cứu phong cách mỹ học của thơ và quy nạp thành 24 phẩm cách, gồm hùng hồn, tinh tế, trầm lắng, điển nhã, cứng cáp, tự nhiên, hàm súc, hào phóng v.v...., từ đó người ta cũng suy ra 24 phẩm cách của con người.
6.     Học giả, nhà văn, nhà thơ, nhà sử học hiện đại của Trung Quốc
7.     Hôm thi Hàn Hàn đến muộn, được thi bổ sung. Biên tập viên Manh nha bỏ một mảnh giấy vo viên vào cốc nước đầy làm đề. Trong bài thi, Hàn Hàn lại viết thành “mảnh vải vo viên”. Dư luận ngờ trình độ một học sinh lớp mười không thể viết được sâu sắc gồm cả tri thức đông tây, kim cổ như vậy, hẳn phải do người có trình độ làm sẵn.v.v... Chủ biên Manh nha và Hàn Hàn đã thanh minh.

                                     II.   Chiếc bình gốm vỡ
                   (Theo đề thi 1 : Căn cứ vào dữ liệu sau đây mà liên tưởng, tưởng
             tượng, bàn luận viết thành bài, đầu đề tự đặt. Dư liệu : một nơi phát
             hiện có mỏ kim loại, trữ lượng lớn, mọi người đổ xô đến, nhưng sông
             lớn chắn ngang....)
                                                                     Trương Duyệt Nhiên

          Một đồ gốm là một sinh mệnh. Khi bạn đứng trước lò nung chờ đợi đồ gốm tự tay bạn làm ra lò thì chẳng khác gì bạn chờ đọi một hài nhi thuộc về bạn ra đời—Đề ký.

         Mấy lời trên đây do Phạn Tiểu Cao nói với tôi. Trong lòng tôi, Cao là siêu nhân và là người giỏi nhẫn nại. Dưới gầm trời này, chỉ một mình tôi tin chắc Cao là nhà nghệ thuật. Tôi quen Cao hôm tôi đến quán bar gốm chơi nặn đất. Cao làm công việc dạy khách nặn đồ gốm, dáng vẻ bất cần đời.

         Khi nặn đồ gốm, mặt Cao luôn lạnh lùng, hơn nữa chẳng khi nào cúi đầu, cứ ngẩng cao vầng trán vừa nhìn đã nhận thấy cao quí, những ngón tay thon mảnh vờn đất sét theo tiết tấu, Không một chút xúc động nào trong khi làm, chỉ hai ba phút là Cao nặn xong một cái bình đất không đặc trưng, không cá tính. Đấy là lúc lần đầu tiên tôi nhìn thấy Cao, tôi thong thả tiến đến vì trên chiếc áo thuần một màu Cao đang mặc có sáu cái cúc rất lạ. Sáu cái cúc bằng đất nung, giữ nguyên màu đất sét, trên cúc có nhiều hình khác nhau như hình mặt trăng lặng lẽ, hình con mắt buồn thương v.v...Mỗi chiếc cúc đều có vẻ đẹp phóng khoáng, vời vợi. Khi tôi biết đó là những kiệt tác tự tay Cao làm, tôi nhất quyết kết bạn với Cao.

         Chúng tôi là bạn chơi với nhau rất thân, hai đứa đều thích quán bar gốm. nơi thường xuyên mở nhạc của người da đen, máy xay cà phê và bàn xoay làm đồ gốm cùng quay một điệu. Hai đứa cũng thích cà phê Lam Sơn và rượu bạc hà xanh dịu ngọt, thích màn đêm và mèo con, thích tàu điện ngầm và đèn nêông , thích phim của Vương Gia Vệ và truyện của Murakami Haruki. Và cuối cùng, cả hai cùng thích đất sét và đồ gốm.

         Nhưng không lâu sau đó, tôi phải chia tay với nhà nghệ thuật trẻ tuổi ấy. Niềm kiêu ngạo và lòng ham muốn của Cao không ngừng lan rộng, cuối cùng đã thiêu đốt  trái tim vốn bình dị, ôn hòa của anh. Sớm ròi bỏ trường học tràn đầy tình cảm thuần khiết, mười chín tuổi, Cao muốn đến thành phố có tàu điện ngầm, có hoạt động ban đêm, có công ty bách hóa mang tên Mùa Xuân Paris để tìm mộng. Còn tôi, tôi phải ở lại thành phố nhỏ còn lạc hậu này để tiếp tục làm những bài tập vĩ đại, bất hủ.

         Hôm ấy là một chiều mùa đông khá lạnh giá. Quán bar gốm. Tôi ngồi trước bàn xoay làm đồ gốm đang quay tít, nhìn thẳng vào người bạn đáng yêu của tôi là Phạn Tiểu Cao. Nói theo Milan Condra thì  chiều hôm ấy là “cuộc tụ họp để chia tay”. Tôi nghĩ  nguyên nhân Cao chọn tôi làm người tiễn biệt vì lâu nay tôi sùng bái anh như một tín đồ, hoặc anh chỉ muốn có một chút tình cảm lưu luyến khi từ biệt thành phố này. Cao luôn nói lời an ủi để tôi bớt đau lòng. Cao nói anh sẽ mua cho tôi một con gấu mũi bằng da thật nghe nói khá đắt tiền ở Mùa Xuân Paris, Cao nói anh sẽ đón tôi đến chơi.....Tôi tê dại lắc đầu, hơi nũng nịu nói :

         -Làm cho em một đồ gốm lần cuối cùng đi nào !
         Tôi cảm thấy tim tôi thấp thỏm rung lên hai từ nóng bỏng : Ái Tình. Trong giây phút, tôi ngạc nhiên. Như một con mèo đang thích thú chén cá, đúng vậy, hai chúng tôi chơi với nhau rất thích thú, thích thú như con mèo đang hưởng thụ món cá, nhưng con mèo sướng quá hóa rồ ấy chỉ một giây bất cẩn đã nuốt phải cái xương mang tên Ái Tình. Vấn đề rất nghiêm túc là cái xương Ái Tình hoàn toàn bất ngờ ấy đã làm đau con mèo non nớt.
         Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ, tự nhắc nhở đây là mùa đông khô cằn thích hợp cho biệt ly. Tôi tự nhấn mạnh nhiều lần rằng Phạn Tiểu Cao chẳng qua chỉ là ngôi sao đổi ngôi vụt lóe sáng rồi mất hút ngay bên cạnh tôi, nhưng tôi không cách gì phủ nhận ánh sáng mãnh liệt của ngôi sao đổi ngôi ấy đã làm tổn thương tôi.

         Cả một buổi chiều, chúng tôi chung sức hoàn thành một chiếc bình gốm rất có cá tính. Nó tròn xoe, bụng bự đến ngạt thở vì miệng bình hình trái tim chỉ to bằng móng tay cái. Tôi yêu cầu vách bình phải thật mỏng, bởi có mỏng thì khi gõ mới vang lên được thanh âm khiên lòng người xúc động. Trong lúc bàn xoay làm bình gốm quay tít mù, tôi lặng lẽ ứa một giọt nước mắt, nó cũng lặng lẽ rơi tọt vào trong bình. Phạn Tiểu Cao dừng bàn xoay, kéo tôi đang ngây dại lại, hết sức dịu dàng nói :

         -Cô bé ngốc nghếch ơi, muốn bình mỏng nữa thì khi nung nó sẽ nổ mất đấy !
          Tôi đăm dăm nhìn chiếc bình, rụt rè hỏi :
         -Cho em một cái cúc bằng gốm của anh được không ?
        Thế là tôi được cái cúc khắc hình chiếc xương cá đã trải qua một đoạn biển dâu mà bấy lâu mơ tưởng. Tôi nắm chặt nó trong lòng bàn tay. Đây là chiếc xương cá đã làm đau con mèo nhỏ hay sao ? Tôi lăm bẩm tự hỏi.
         Chiếc cúc được tôi cẩn thận gắn lên bình, chiếc bình lập tức như được đeo huân chương, đứng ngạo nghễ trên bàn xoay. Đó là chiếc bình do chúng tôi chung sức làm ra. Trong những ngày sau này, tôi có thể dùng nó để ôn lại quá khứ, tôi có thể lắng nghe âm thanh của tiếng sáo trời mỗi khi gõ nó. Tôi mân mê thân hình bằng đất sét của nó để thần tượng mến yêu của tôi có thể kịp thời nhảy ra khỏi những chuyện ngày xưa, đăm đăm nhìn vào mắt tôi như ngày nào. Chiếc bình đó chứa đựng tình yêu của hai chúng tôi, một thể khí thơm ngát không màu sắc và trong suốt. Có ai biết vì sao tôi cố hết sức làm miệng bình nhỏ như vậy không ? Tôi sợ thể khí đó bay lên rồi thoát ra khỏi bình đấy !

        Đó là tất cả những gì tôi có thể làm cho tình cảm của tôi khi mười bảy tuổi.
        Từ lúc nặn xong bình đến khi đem nung phải chờ khoảng hai mươi ngày.Trong thời gian đó, vào một buổi hoàng hôn màu hoa hồng nhạt, Phạn Tiểu Cao ra đi. Tôi lặng lẽ ngồi bên cửa sổ, hết lần này đến lần khác lẩm bẩm  nói lời tạm biệt nhà nghệ thuật nửa mùa trẻ tuổi trong hương cà phê Lam Sơn phảng phất lan ra như khói và trong tiếng còi tàu ảo giác,
          Trong thời gian chiếc bình yêu dấu của chúng tôi được nung, tôi lặng lẽ ngồi bên lò nung chờ đợi. Phạn Tiểu Cao đã thu xếp sẵn để lò chỉ nung một chiếc bình của chúng tôi, để nó long trọng được ra đời, Trong thời gian chờ đợi dài dằng dặc, tôi tưởng tượng về chiếc bình thanh khiết, thiêng liêng của

chúng tôi. Nó có làn da màu đồng cổ, nó có cái bụng bự tròn xoe, trên mình  nó mang hơi thở của Anh.
          Nhưng tất cả đã vụt tắt trong một tiếng nổ vang. Tiếng nổ phát ra từ lò  nung đang thai nghén chiếc bình Tình Yêu của chúng tôi. Trên đời này, chiếc bình yêu dấu chỉ vang lên một thanh âm duy nhất. Nó nổ rồi, nó nứt rồi, nó vỡ rồi, nó chết yểu rồi !
        Cuộc tình mỏng manh dễ vỡ như vậy là cái chắc.
        Tôi khóc òa lên, không sao kiềm chế nổi. Tình yêu của chúng tôi nổ rồi, tan ra từng mảnh rồi. Tôi chạy bổ đến bên lò, bới tìm trong đống thi hài còn sót lại.
        Chiếc cúc áo.
        Tàn khuyết,
        Tôi đăm đăm nhìn đi nhìn lại cái xương cá sứt sẹo, ngắn ngủn và kinh ngạc nhận ra nó giống hệt một vết thương trên trái tim !.
Phạm Tú Châu dịch
Nguồn: Phong Điệp/VNT

No comments:

Post a Comment