Trang

Sunday, May 19, 2013

CUỘC THI TRUYỆN NGẮN BÁO VĂN NGHỆ 2011 - 2012: ĐIỂM DANH, TÔN VINH MỘT THẾ HỆ VIẾT VĂN TRẺ VÀ MỚI



(VNT trò chuyện với nhà văn Sương Nguyệt Minh, thành viên Ban chung khảo)
“Kết quả cuộc thi đang lan tỏa rộng lớn trong xã hội và giới nhà văn rồi. Bằng chứng là tập truyện ngắn chọn lọc 33 tác phẩm vào Chung khảo cuộc thi truyện ngắn Báo Văn Nghệ mang tựa đề “Đất Tụ Long” dày 532 trang do NXB Trẻ in vừa phát hành đã thuộc Sách bán chạy ở mảng Văn học trong nước trên Nhà sách mạng Vinabook.com. Tôi có niềm tin: Đó là một tập truyện ngắn hay trong nhiều năm trở lại đây, và nó sẽ tiếp tục được tái bản đáp ứng với sự đón nhận nồng nhiệt của bạn đọc.”
Nhà văn Sương Nguyệt Minh phát biểu

Các tác giả không bỏ qua bất cứ một hiện thực đời sống nào

· Thưa nhà văn Sương Nguyệt Minh, là người từng nhiều lần tham dự  các cuộc thi truyện ngắn với tư cách ban giám khảo, lần này – tham dự cuộc thi truyện ngắn của báo Văn nghệ 2011- 2012 trong vai trò Trưởng Ban sơ khảo và là một trong 5 thành viên Ban Chung khảo (gồm nhà văn Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Khắc Trường, Khuất Quang Thụy, Sương Nguyệt Minh và Nhà LLPB Phan Trọng Thưởng), anh nhận thấy cuộc thi có điểm gì khác biệt so với các cuộc thi trước anh đã tham gia?
Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Một là, cuộc thi truyện ngắn báo Văn Nghệ lần này quy mô rộng lớn, hoành tráng hơn. Chẳng hạn như số lượng dự thi đến gần 2800 tác phẩm trong 2 năm, và đã in khoảng 400 truyện ngắn trên hai tờ báo Văn Nghệ và Văn Nghệ Trẻ, thì khó có cuộc thi văn chương nào sánh nổi. Hai là, đối tượng dự thi gồm rất nhiều thành phần ở khắp trong nước và nước ngoài, từ em bé 12 tuổi đến cụ già 80 tuổi, có gần 70 nhà văn hội viên dự thi, nhiều tác giả văn xuôi trẻ sáng tác đang sung sức và được dư luận quan tâm cũng gửi tác phẩm dự thi. Điều đó, nói rằng: Trong lúc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nước Việt Nam ta cũng không đứng ngoài cơn bão khủng hoảng ấy: thất nghiệp tăng, bất động sản ế trỏng ế trơ thê thảm, giá cả tăng cao, đời sống khó khăn, toàn dân thắt lưng buộc bụng…, nhưng truyện ngắn (ít ra cuộc cuộc thi này) lại không hề thất bát và cuốn hút các tác giả, cuốn hút người đọc…, bất luận những chuyện ngoài văn chương.
Còn một điểm khác nữa là: Đến ¼ chặng đường cuộc thi 2 năm, một Ban Sơ khảo được thành lập gồm 5 người: Nhà văn Y Ban, Phong Điệp, Lã Thanh Tùng, nhà LLPB Nguyễn Chí Hoan và tôi. Ban Sơ khảo đồng thời cũng là người biên tập, có nghĩa là chấm đằng đẵng từ lúc biên tập bản thảo đến kết thúc cuộc thi, chứ không phải chờ hết hạn nhận tác phẩm dự thi mới chấm sơ khảo.

· Theo anh, thành công nhất của cuộc thi lần này là gì?
Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Là các tác giả không bỏ qua bất cứ một hiện thực đời sống nào của nhân dân và dân tộc, ngay cả những vấn đề nóng bỏng nhất mang tính thời sự chính trị mà văn chương cần có thời gian để lắng lại, thì truyện ngắn dự thi cũng kịp thời phản ánh theo cách riêng của văn chương vẫn hấp dẫn. Chẳng hạn như các vấn đề: chủ quyền và sự hi sinh của người lính bảo vệ biển Đông, đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam, hay vấn đề quan hệ với nước lớn láng giềng với ý thức cảnh giác, đề cao khí phách người Việt… cũng đi vào tác phẩm một cách tự nhiên nhuần nhụy mang tính nghệ thuật cao.
Điều này, không thấy, hoặc ít thấy trong các cuộc thi khác. Ở các cuộc thi trước đây, mà tôi tham gia Ban giám khảo, vì những sợi giây giằng néo bó buộc vô hình, mơ hồ nào đó…, người dự thi cứ viết cứ nắn nót, cứ tự biên tập tác phẩm về “vấn đề nhạy cảm” này, cũng làm nản lòng người biên tập, người chấm giải. Tôi muốn nhấn mạnh đến ý thức công dân của tác giả đối với vận mệnh đất nước, với tâm thế xã hội và các hiện thực phức tạp khác của đời sống được phản ánh trong cuộc thi truyện ngắn báo Văn Nghệ lần này…

· Chẳng lẽ một cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ năm 2012 – 2012 thành công chỉ có vậy?
Nhà văn Sương Nguyệt Minh: A. Không! Còn nữa chứ. Thành công nhất nữa là đã phát hiện và khẳng định một đội ngũ đông đảo các tác giả trẻ như: Nguyễn Đức Lợi (Điện Biên), Vũ Thị Thanh Huyền (Khoa viết Văn - Đại học Văn hóa), Chu Thị Minh Huệ (Hà Giang), Chu Thùy Anh, Phạm Thanh Thúy (Hà Nội), Nhụy Nguyên (Huế), Uông Triều (Quân đội), Võ Diệu Thanh (An Giang)… Các tác giả mới như: Lê Thanh Kỳ (Hà Nam), Phùng Hi (Phú Yên), Dương Đức Khánh (Đồng Nai), Nguyễn Đăng An (Hà Nội), Nguyễn Tiến Bình (Quân đội), Chu Văn Nghiêm (Phú Thọ), Nguyễn Công Tiến (Liên bang Đức), Nguyễn Thái Sơn (Bắc Ninh), Phạm Xuân Hiếu (Hải Phòng)... Nhiều tác giả trẻ không được giải thưởng, xuất hiện ở cuộc thi báo Văn Nghệ lần này với tư cách… đã xứng đáng là tác giả rồi, chứ không phải còn chập chững bước vào làng văn như: Hạnh Vũ, Cao Nguyệt Nguyên (Quảng Ninh), Hoàng Hải Lâm (Quảng Trị), Hạnh Vân (Đồng Nai), Nguyễn Thị Luyến, Mai Dương Dương (Khoa Viết Văn - Đại học Văn hóa), Dương Đình Lộc (Tuyên Quang), Vũ Thanh Lịch (Ninh Bình), Hoàng Tùng (Hà Nội), La Nguyễn Quốc Vinh (Cần Thơ),… Có thể coi cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ năm 2012 -2012 là cuộc điểm danh và tôn vinh khá đầy đủ một thế hệ viết văn trẻ và mới ở thập niên thứ 2 của thế kỉ 21.
Tất nhiên không thể không nói đến thành công của cuộc thi là đã tìm ra Giải Nhất với chùm truyện ngắn: “Bạn khách”, “Sợi dây”, và “Mùng chín tháng tám” của Lê Thanh Kỳ người Hà Nam. Một cuộc thi mà không có Giải Nhất thì cuộc thi chưa thực sự thành công, và trước đây đã từng có nhiều cuộc thi văn chương không chọn được Giải Nhất.

Chinh phục bạn đọc cùng hệ văn hóa trước khi chinh phục nhân loại.

· Ngay trong thời gian cuộc thi diễn ra, đã nhiều ý kiến ghi nhận sự tham gia của các tác giả trẻ đã tạo nên một làn sóng mới mẻ, hấp dẫn cho cuộc thi. Là người đọc hết các tác phẩm gửi về, anh hẳn là người thấy rõ nhất điểm mạnh, điểm yếu của các tác giả trẻ tham dự cuộc thi lần này? 
Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Trẻ thường là mới. Ít nhất trong cảm nhận của tôi là họ viết mới, viết lạ. Có nghĩa là viết không giống các nhà văn thế hệ cha anh. Họ đã thoát ra cách kể nội dung chuyện một cách sơ lược, đơn giản, để viết nội dung chuyện một cách có ý đồ nghệ thuật và rất thông minh. Họ sử dụng ngôn ngữ rất hoạt, vốn từ phong phú, có những từ đặt trong câu gây sửng sốt, đọc văn của các tác giả trẻ có cảm giác lao động nhà văn không cực nhọc như đi cày, như làm thợ thùng đào thùng đấu vốn là đặc trưng lao động nghề nghiệp của hầu hết nhà văn thế hệ cha anh.
Còn điểm thiếu của phần đông các giả trẻ tham dự cuộc thi này là quá tiết chế cảm xúc, hoặc thiếu xúc động trong tác phẩm. Vì thế tính trữ tình của tác phẩm hao gầy lắm. Người Việt nói riêng và Phương Đông thường là duy tình. Tôi luôn cho rằng: nhà văn đầu tiên phải thuộc về dân tộc của anh ta trước khi thuộc về nhân loại. Hãy chinh phục bạn đọc cùng hệ văn hóa trước khi chinh phục nhân loại.

* Những tác giả trẻ anh ấn tượng trong cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ 2011- 2012?
Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Tất nhiên là Uông Triều, Chu Thùy Anh, Nguyễn Đức Lợi, Nhụy Nguyên, Chu Thị Minh Huệ…vv.

·  Có trường hợp tác giả trẻ nào không đoạt giải mà anh thấy tiếc nuối?
Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Là Hạnh Vũ (Quảng Ninh) với truyện ngắn “Thiên thần đã bay lên” và “Đường chân trời”; Hạnh Vân (Đồng Nai) với truyện ngắn “Quán ven sông”, và “Tổ ấm”; La Nguyễn Quốc Vinh (Cần Thơ) với truyện ngắn “Hoang thai” và truyện ngắn đến phút cuối cùng chấm sơ khảo, đã trên bàn biên tập mà vẫn không in được “Những đêm trăng muộn”….Tôi thực sự tiếc.
Họp Ban Chung khảo, tôi có nói rằng: “Cuộc thi này có nhiều tác phẩm tốt, theo tôi trao giải cho 25 tác giả cũng không nhầm.” Tuy nhiên, cuối cùng chỉ 18 tác giả được lên đài vinh quang nhận hoa, thế cũng đã nhiều so với các cuộc thi trước.

· Đến giờ, gần 1 tháng sau khi kết quả cuộc thi công bố, các giải thưởng có vẻ như đã được đa số bạn đọc, bạn viết “tâm phục, khẩu phục”. Đây cũng có thể được coi là thành công của cuộc thi. Theo anh, để có được điều này, các Hội động sơ khảo, chung khảo của cuộc thi đã phải làm việc như thế nào?
Nhà văn Sương Nguyệt Minh:  Hiện nay, bạn đọc thẩm văn đã “trưởng thành” có khi còn nhanh hơn bước tiến của nhà văn, và truyền thông phát triển như vũ bão. Vì thế làm Ban Giám khảo ở bất cứ cuộc thi nào, lĩnh vực nào cũng không hề dễ dàng. Anh là nhà văn chấm thi các tác giả dự thi thì cũng đồng thời cũng phải chấp nhận người dự thi và bạn đọc, bạn nghề chấm lại Ban Giám khảo.
Tôi vẫn cho rằng: làm việc khách quan, vô tư, công bằng với tác phẩm là yêu cầu tối thượng đối với người chấm giải. Tất nhiên, đã ngồi ở cái ghế ấy thì phải có cái tầm chuyên môn cần thiết. Người chấm thi không có tâm, không có tầm thì kết quả sẽ sai lệch. Nếu có sai thì đó là cái sai lầm của người chân thành không nhận ra cái hay của tác phẩm, hoặc là cái sai bởi độ vênh lệch mỹ học và cảm thụ tác phẩm, chứ không thể là cái sai chủ quan, áp đặt, coi thường tác giả dự thi và bạn đọc.

· Về tác giả đoạt giải nhất cuộc thi, đã có ý kiến đặt ra rằng: liệu “thợ hàn” Lê Thanh Kỳ sau cuộc thi có làm nên được một hiện tượng văn chương như “nông dân” Ngô Phan Lưu – người cũng từng đoạt giải cao nhất của cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ năm 2006- 2007. Ý kiến của anh?
Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Không chỉ chùm truyện ngắn được Giải Nhất: “Bạn khách”, “Sợi dây”, “Mùng chín tháng tám”, mà chỉ đã 6 năm sáng tác muộn mằn những gì Lê Thanh Kỳ viết in như: “Xanh và đỏ” và “Cái bếp” đoạt Giải Nhất cuộc thi truyện ngắn và ký năm 2011 – 2012 của tạp chí Văn nghệ Nhật Lệ; truyện ngắn “Mẹ con nhà chuột” được Giải Ba Cuộc thi truyện ngắn của Nhà xuất bản Giáo dục năm 2009-2010 và nhiều truyện ngắn in rải rác đó đây, cùng với tiểu thuyết “Bão đất” Nhà xuất bản Hội Nhà Văn in năm 2008 thì tác giả Lê Thanh Kỳ đã đủ tư cách là nhà văn trước khi đoạt Giải Nhất cuộc thi Truyện ngắn Báo Văn Nghệ. Cộng với Giải Nhất cuộc thi báo Văn Nghệ lần này thì Lê Thanh Kỳ đã là một “hiện tượng” rồi, chẳng cần phải theo dõi xem ông có là “hiện tượng” hay không “hiện tương” sau cuộc thi này nữa.
Tôi tin ở con người văn Lê Thành Kỳ dầu dãi cuộc sống, từng trải cuộc đời, sống thật và viết thật…Tôi còn tin từ nay về sau, Lê Thanh Kỳ sẽ viết hay hơn lúc được giải thưởng báo Văn Nghệ trở về trước.

Kết quả cuộc thi đang lan tỏa rộng lớn trong xã hội

· Anh đánh giá như thế nào về diện mạo văn xuôi đương đại Việt Nam, qua cuộc thi truyện ngắn của báo Văn nghệ?
Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Chỉ nên nói truyện ngắn đương đại Việt Nam thôi, chứ tiểu thuyết lại là một câu chuyện khác. Qua một cuộc thi truyện ngắn mà đánh giá cả diện mạo văn xuôi đương đại thì rất phiến diện, tôi không thể làm nổi việc quá lớn này.

· Vậy thì anh có thể đánh giá truyện ngắn đương đại Việt Nam qua cuộc thi này không?
Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Tôi liên tưởng đến có những điều tương đồng giữa truyện ngắn Việt Nam đương đại với cuộc thi truyện ngắn báo Văn Nghệ lần này. Một là, cái nền truyện ngắn rộng, sâu và vững chắc lại có đỉnh. Theo tôi còn có 3 cái đỉnh nữa cơ: đó là truyện ngắn “Phương Nam” của Phùng Hi, “Gia phả mùi rơm rạ” của Thu Trân và “Ma núi rắn” của Nguyễn Đức Lợi. Cùng với Lê Thanh Kỳ nữa là…4 cái đỉnh cao trong cuộc thi lần này. Tất nhiên, đó chỉ là cách thẩm văn chương và mong muốn của riêng tôi.
Hai là, sự đa dạng, phong phú, sinh động cả về giọng điệu, cả về cá tính sáng tạo của tác giả. Chẳng hạn như: cái sự từng trải, lọc lõi, tinh quái của Lê Thanh Kỳ; Vốn sống, vốn từ giàu có, ma mị kì ảo của Nguyễn Đức Lợi; Thâm sâu, triết luận mà vẫn thăng đồng, xanh tươi, mênh mang huyền ảo của Phùng Hi; Dữ dội đến nghiệt ngã lạnh người và mê dụ của Thu Trân. Lạnh lùng trôi miên man mà vẫn thông minh làm chủ dòng ý thức của Chu Thùy Anh. Đi từ giả cổ đến tìm kiếm “hiện thực” bên ngoài hiện thực với cảm quan hậu hiện đại, soi chiếu bằng cái nhìn khách quan, và cái giọng tưng tửng giễu nhại thầm kín chính là cái đặc sắc mang tên Uông Triều…vv.
Trên cái nền ấy, truyện ngắn đương đại vẫn phát triển, tôi luôn lạc quan về điều này.

· Thành công của cuộc thi khiến nhiều người lạc quan về đời sống văn học nước nhà. Tuy nhiên sức lan tỏa của giải thưởng, của các tác phẩm hay trong cuộc thi đến với đông đảo bạn đọc cả nước thì vẫn còn là một điều băn khoăn. Anh nghĩ gì về điều này?
Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Không có gì phải băn khoăn. Cuộc thi chỉ tổ chức 2 năm và nó đã hoàn thành nhiệm vụ. Các tác giả được Giải thưởng đã bắt tay vào sáng tác những tác phẩm mới. Còn sức lan tỏa có mức độ là do truyền thông. Tôi cứ nghĩ: Nếu như cuộc trao Giải thưởng truyện ngắn Báo Văn Nghệ vừa qua mà được tường thuật trực tiếp trên sóng truyền hình VTV3, có kịch bản, có minh họa… như liên hoan phim toàn quốc chẳng hạn, thì ông Lê Thanh Kỳ vinh quang chẳng khác gì ngôi sao màn bạc lên nhận Giải diễn viên nam xuất sắc nhất, chứ không phải một mình một xe từ Hà Nam lên Hà Nội nhận giải, ôm hoa; rồi lại lủi thủi một mình từ Hà Nội về Hà Nam thế đâu.
Tuy nhiên, tôi cũng rất mừng vì “hữu xạ tự nhiên hương”; kết quả cuộc thi đang lan tỏa rộng lớn trong xã hội và giới nhà văn rồi. Bằng chứng là tập truyện ngắn chọn lọc 33 tác phẩm vào Chung khảo cuộc thi truyện ngắn Báo Văn Nghệ mang tựa đề “Đất Tụ Long” dày 532 trang do NXB Trẻ in vừa phát hành đã thuộc Sách bán chạy ở mảng Văn học trong nước trên Nhà sách mạng Vinabook.com. Tôi có niềm tin: Đó là một tập truyện ngắn hay trong nhiều năm trở lại đây, và nó sẽ tiếp tục được tái bản đáp ứng với sự đón nhận nồng nhiệt của bạn đọc.
· Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện.
PVVNT thực hiện

Nguồn: VNT/Phong Điệp

No comments:

Post a Comment