Trang

Wednesday, May 29, 2013

"PHẢN TIẾT PHỤ NGÂM"


Tiết phụ ngâm là bài thơ Đường  hay của Trương Tịch.
Nhà nho Đỗ Xuân Cát (1806-1864) người huyện Hoằng Hóa, Thanh Hoá, đậu cử nhân, nổi tiếng hay chữ, các vua nhà Nguyễn nhiều lần mời ông ra làm quan nhưng ông không chịu. Sĩ phu Thanh Hoá gọi người là Đỗ Trưng Quân.(1)

Cụ Đỗ đã chê bài thơ Tiết phụ ngâm (Bài ca người tiết phụ) rất được nhiều người tán thưởng của Trương Tịch:


Quân tri thiếp hữu phu
Tặng thiếp song minh châu
Cảm quân triền  miên ý
Hệ tại hồng la nhu
Thiếp gia cao lâu liên uyển khởi
Lương nhân chấp kích minh quang lý
Tri quân dụng tâm như nhật nguyệt
Sự phu thệ nghĩ đồng sinh tử
Hoàn quân minh châu song lệ thùy
Hận bất tương phùng vị giá thì.


(Chàng hay em có chồng rồi
Yêu em chàng tặng một đôi ngọc lành
Vấn vương những cảm mối tình
Em đeo trong áo lót mình màu sen
Nhà em vườn ngự kề bên
Chồng em cầm kích trong đền Minh Quang
Như gương vâng biết lòng chàng
Thờ chồng quyết chẳng phụ phàng thề xưa
Trả ngọc chàng lệ như mưa
Giận không gặp gỡ khi chưa có chồng)

NGÔ TẤT TỐ  dịch
(Thơ Đường tập II)

Cụ Đỗ đánh giá ngôn ngữ và hành động của người đàn bà trong bài thơ không thể cho là người có tiết hạnh được. Cụ nói:
“Cô gái đã có chồng, gặp đứa xấu vẫn cứ trêu ghẹo, thì dứt khoát cự tuyệt là đúng, có gì nữa mà phải “Vấn vương những cảm mối tình” ? Đến khi vẫn nhận viên ngọc, buộc kín vào vạt áo lụa hồng, rõ là yêu thích hạt minh châu rồi vậy. Trả ngọc thì lại đưa bằng hai hàng nước mắt, thế là tiếc vậy. Hận không gặp nhau khi chưa lấy chồng, thế là hối vậy. Lẽ nào đã là một người vợ thói nhà nề nếp, đến đỗi yêu thích, tiếc rẻ, hối hận đối với một thằng đàn ông táng tận lương tâm đi gợi tình ở một người đàn bà có chồng”.

Không những chê ủng chê eo, cụ Đỗ còn làm một bài khác sắt đá hơn thế vào chỗ của Trương Tịch.

Đây là 4 câu cuối bài của bài thơ Đường  nguyên vận:

Chàng như gương sáng đẩu ngưu
Lòng em sinh tử thề câu đá vàng
Hạt châu xin gửi trả chàng
Thế gian người đẹp muôn vàn thiếu chi.

Nếu chỉ dừng lại ở một bài thơ tình thì việc phân tích của cụ Đỗ thật chí lý.
Nhưng sự việc lại không phải như thế. Nhà thơ Trung Quốc đời  Đường Trương Tịch (768-830). Ông đỗ tiến sĩ đời vua Đường Đức Tông năm 799, đã được Hàn Dũ tiến cử vào chức Quốc sử Bác sĩ, rồi dần dần làm đến chức Thủy bộ viên ngoại lang, rồi Chủ khách Lang trung. Cuối đời là chức Quốc tử tư nghiêp. Trương kết bạn rất thân với Mạnh Giao, Giả Đảo và Vương Kiến. Ông còn là bạn thơ của Lý Bạch, Nguyên Chẩn. Thơ ông có tính chất hiện thực tố cáo thế lực đen tối đương  thời và chống chiến tranh.Theo Dung trai tam bút chép rằng: khi Trương Tịch còn làm quan một trấn, nguyên soái Lý Sư Cổ ở trấn Vận hâm mộ tài năng của ông, viết thư mời ông về gíup việc cho mình. Trương Tịch không chịu đi, liền làm bài thơ thác lời người tiết phụ để từ chối. Xem lời lẽ nhún nhường mềm mỏng ta biết ông đang ở vào thế yếu và uy thế của vị nguyên soái kia to lớn và hống hách biết chừng nào.

Văn chương tự cổ vô bằng cớ. Nếu không xét hoàn cảnh và mục đích sáng tác thì ý tứ của tác giả và người bình đối chọi nhau.

THÁI DOÃN HIỂU

------------------------------------------------
(1) Trưng là mời gọi; quân là vua. Trưng quân là được vua vời ra là quan.
 

No comments:

Post a Comment