Trang

Friday, June 21, 2013

NHÀ THƠ TRẦN NINH HỒ BÀN VỀ THƠ, TỔ QUỐC VÀ Ý NGUYỆN CỦA NÔNG DÂN

(Toquoc)- Đối thoại với nông dân, nhà thơ Trần Ninh Hồ bộc bạch những suy nghĩ của mình về thơ với nông dân trong buổi tọa đàm “Tổ Quốc và ý nguyện của nông dân”.


Nhà thơ Trần Ninh Hồ (ảnh Ngọc Thành)
Thơ trong đời sống của người nông dân Việt Nam
Có ai đó đã nói không quá rằng trong mỗi chúng ta, bao giờ cũng có một nhà thơmột người nhà quê "nấp" ở đâu đó, dù ta làm nghề gì.
Người nông dân Việt Nam đã đọc và làm thơ như thế nào à? Xin thưa: Họ đã đọc và làm thơ từ khi chưa có chữ viết và còn rất lâu mới có thứ văn chương bác học của văn tự.
Xin lấy một ví dụ như thơ sáu/ tám hay còn gọi là thơ lục bát, một thể thơ rất gần gũi với mọi người dân Việt Nam. Thể loại thơ này có từ bao giờ? Khó mà trả lời cho chính xác; nhưng không biết trên thế gian này có thể loại thơ nào mà lại "can thiệp" vào đời sống từ cung đình đến thứ dân, từ nhà quê đến đô thị, từ đại sự quốc gia đến ngóc ngách dân tình, rừng sâu, xóm vắng như cái "anh chàng chị chàng" sáu/ tám này không?
Hán học uyên thâm như Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát... đã dựng nghiệp "đế vương" trong văn chương, thi bá, thi hào, từ thể thơ dân giã (nông dân) này!
Tây học đến Tây trình độ cũng nể như Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Vũ Hoàng Chương... có ai trong họ không mê sáu/ tám?
Và đặc biệt vai trò sáu/ tám trong âm nhạc dân gian (dân ca). , sáu/ tám, gần như là ca từ (lời ca) duy nhất đầy biến ảo cho các nhạc sĩ dân gian phổ nhạc (hát lên, đàn lên) thành mấy trăm làn điệu Quan họ, Cò lả, Trống quân, Ả đào, Xẩm, Ví, Đối, Hò... Và đặc biệt là Chèo cũng đến mấy trăm làn điệu. Rồi thoắt cái, thành Kịch - sân - đình, sánh ngang với mọi thể loại Kịch - sân - rồng! Mà lại là Nhạc - vũ - kịch! So với Thơ - trình - diễn đương đại từ Tây sang Đông bây giờ, Chèo đâu có "lép"! Ôi, giá Mô-li-e (Molière) được xem Hề chèo, chắc ông phải cười đến xõa tóc, rung rốn!...
Thơ nông dân (nhà quê) này có "hiện đại" đến huyền ảo không, hay chỉ thật thà như đếm? Xin thưa: "Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc tím/ Em lấy chồng rồi trả yếm lại anh/ Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc xanh/ Yếm em, em mặc, yếm gì anh, anh đòi". Hồi ấy (mấy trăm năm rồi nhỉ), đã làm gì có lai ghép sinh học cho các mầu hoa?
Thế rồi chàng trai nông dân khi quyết lấy bằng được người mình yêu thì: "Ví bằng mình quyết lấy ta/ Ta về ta bán cả nhà ta đi/ Bán Tam Đảo, bán Ba Vì/ Bán chùa Thạch Thất Phật đi lầu lầu/ Ta về ta bán ngựa, trâu/ Bán quả thầu dầu, bán trứng gà ung...". Ấy là bán cái cụ thể. Thế còn cái trừu tượng (huyền ảo)? Cũng bán!: "Bán ba mươi sáu Thổ công/ Bán ông Hành khiển (ông giời, tể tướng) vợ chồng Táo quân/ Bán từ giờ Mão, giờ Dần/ Giờ Tý, giờ Sửu, giờ Thân, giờ Mùi...".
Thế còn khi đã yêu nhau mà bị cách trở bởi con sông "ngày đàng, gang nước" thì sao?
Chàng nhà thơ dân gian, mà tôi chắc là nho sĩ, đọc: "Đôi ta cách một con sông/ Muốn sang anh ngả cành hồng cho sang". Đẹp quá! Nhưng hình như cái chất xả thân (hiện thực trận trụi, Sex...) chưa cao bằng cái cách của cô gái quê: "Ước gì sông rộng một gang/ Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi!"... Xé yếm mình ngay!
Ôi, nếu ông vua siêu thực A.Breton (tác giả "Tuyên ngôn siêu thực" 1924), hay là cả cái nhóm nhà văn của tạp chí "Cách mạng siêu thực" 1924-1929) mà đọc chơi mấy câu trên, chắc chắn sẽ phải làm một "quả" du lịch bụi sang Việt Nam (nếu họ còn sống) cho Zui!...
Ai cũng bảo những Tản Đà, Tố Hữu, Nguyễn Bính, Hữu Thỉnh, Nguyễn Duy... là những nhà cách tân, hiện đại cho thơ sáu/ tám. Nhất trí. Nhưng cũng không ít khi, tôi lại cảm thấy như ngược lại! Ấy là trường hợp tuyệt tác "Gối đầu tay" của Nguyễn Duy viết về người lính giữ nước trong một cuộc chiến quá dài: "Có người ngủ thế thành quen/ Đã nghe sợi tóc bạc trên tay mình". Sáu/ tám hay và hiện đại đến thế, nhưng ở đây lại thấy thấp thoáng cái cổ - tay - ca - dao mấy trăm năm trước: "Cổ tay đã trắng lại tròn/ Ai để ai gối đã mòn một bên".
Ồ, thì ra hắn (tôi muốn dùng cái đại từ nhà quê này để chỉ Nguyễn Duy) nổi tiếng là một nhà thơ hiện đại, lại được chính cái nhà anh chị rất xưa là ca dao, hiện đại hóa cho hắn!...
Lại còn một chàng nhà thơ kém lứa Nguyễn Duy ngót hai thập tuổi, muốn sáu/ tám hiện đại vào được nhà quê (nông dân) thì hắn lại phải mượn cái giọng, cái cảnh nhà quê: "Người đà vào tuổi bốn mươi/ Ngẩn ngơ rơi lá, ngẩn người rơi xuân/ Hồng xác pháo dưới gót chân/ Quay về nhan sắc có gần không em?" (Mai Linh).
Câu 1, 3 là "mượn", tuy mượn rất nhuần, thì cũng vẫn là mượn! Cũng may, do tính sòng phẳng, hắn đã kịp trả nợ ngay, bằng hai câu 2, 4 hiện đại khá oách!
Không có ranh giới giữa thơ cho nông dân với thơ cho các đối tượng khác
"Làm thơ cho nông dân" ư? có thể họ không cần, vì thực tế lịch sử văn học luôn luôn chứng tỏ thời nào cũng có hai dòng Dân gian và Bác học. Vả lại người làm thơ cũng không nên nghĩ là làm thơ cho nông dân, thị dân, công nhân, trí thức hay binh lính. Thơ mà thật đời riêng, thật đời chung (thời đại), thật... tài, thì ai mà chả thích! Ai đây tất nhiên là có cả 80% nông dân!
Xin hãy viết "Trường huyện" hay như Nguyễn Bính thì ở đấy có cả nông dân, có cả tướng lĩnh, bác học, doanh gia, chính khách thao thức một đời về một mái trường xưa.
"Khách xa gặp lúc mùa xuân chín/ Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng/ Chị ấy năm nay còn gánh thóc/ Dọc bờ sông trắng nắng chang chang" (Hàn Mặc Tử).
"Em là/ Em gái đồng xanh/ Tóc dài/ Vương hoa lúa/ Đôi mắt/ Em mang/ Chân trời/ Quê cũ/ Giếng mát/ Cây đa/ Anh khát/ Tình quê ta/ Trong mắt em/ Thăm thẳm/ Nhạc quê hương/ Say đắm/ Trong lời em/ Từng lời/ Tiếng quê hương/ muôn đời/ Và/ Tiếng em/ Là một..." (Hoa lúa - Hữu Loan)
Tôi đã thấy ở Paris một ông tiến sĩ, giáo sư Việt kiều tóc bạc, từng cắt cỏ, chăn trâu, rưng rưng nước mắt khi đọc những câu thơ trên.
"Lũ chúng tôi/ Bọn người tứ xứ/ Gặp nhau hồi chưa biết chữ/ Quen nhau từ thuở một, hai/ Súng bắn chưa quen/ Quân sự vài bài/ Lòng vẫn cười vui kháng chiến/ Lột sắt đường tầu/ Rèn thêm đao kiếm/... Bao năm rồi gửi lại quê hương/ Mái lều tranh/ Tiếng mõ đêm trường/ Ít nhiều người vợ trẻ/ Mòn chân trên cối gạo canh khuya..."
Trong một buổi nói chuyện thơ ở một làng quê, khi trích dẫn, tôi đã quên đoạn thơ trên, thì có một lão nông đã đọc theo, nhắc tôi cả tên tác giả Hồng Nguyên 1946...
Yêu hiện đại như Nguyễn Quang Thiều vẫn có rất nhiều trong cả văn, thơ viết về sư phụ của hắn là Làng Chùa. Cũng như Trần Đăng Khoa có viết về Mạc-Tư-Khoa, Paris, thì vẫn là cậu bé ở sông Kinh Thày... Đá ở Hoàng Sa, Trường Sa bỗng hiện ra như các sư cụ ở chùa làng cậu...
"Ra đường nghe tiếng xưng em/ Đêm về tôi với ngọn đèn nhìn nhau". Đấy là tâm sự chàng trai cỗi (gần ế vợ) làng Chùa Nguyễn Quang Thiều. Đèn mà nhìn được thì ắt là đèn dầu. Chứ đèn điện 100w hoặc cao hơn thì làm sao có cuộc đối diện tâm trạng này! Còn đèn néon dịu hơn, nhưng rất khó vào đây, dù có một chữ Tây vào đó cho thơ ra dáng... hiện đại, cũng không được: "Đêm về tôi với tuýp đèn nhìn nhau" thì rất nguy!
Nông dân quần nâu chân đất cũng đã từng yêu thơ ta khi ta viết với tình yêu họ, làng nước chung và thật lòng ta, đời ta.
Nông dân máy cày Nhật, gặt đập liên hợp, điện mặt trời, Hai lúa trực thăng... càng dễ yêu ta.
Có ai đó (hình như Giô-han Bê-sơ, Đức?) đã nói một câu thật chí lý về nhà thơ và các đối tác: "Cái lớn của một nhà thơ là khả năng tự mình trở thành đối tượng mà mình biểu hiện".
Rất cảm ơn một loại báo hiện đại bậc nhất hiện nay là điện - tử - báo mà lại cho tôi được lạm bàn về những "vấn đề dân cày", nhà quê mình, với THƠ!
Hiền Nguyễn

No comments:

Post a Comment