Trang

Sunday, July 14, 2013

DỊCH GIẢ NGỌC CHÂU: VỪA “ĐẠO THƠ” VỪA LA LÀNG?



(Dân Việt) - Nhà văn - dịch giả Ngọc Châu (Hải Phòng) vừa viết một lá thư ngỏ “khoe văn” sau khi nhiều bạn viết khẳng định Ngọc Châu đạo thơ của nhà thơ Phạm Xuân Trường.

Rồi ông Châu lại còn tỏ ý nghi ngờ một câu thơ hay khác của Phạm Xuân Trường là của một ai đó chứ không phải là của tác giả này. Đó phải chăng là một chuyện nực cười khi ai đó vừa “đạo thơ” vừa la làng?
“Cỏ cháy” của Phạm Xuân Trường
Không mấy khó khăn, anh em làng văn đã tìm ra vật chứng. Bài thơ “Gửi Đỗ Trọng Khơi và Trần Văn Thước” (tên cũ là “Sẻ chia”) có câu: “Xin gom ngọn gió ngoài đồng/Cánh cò cõng cả dòng sông mang về” in tại trang 66 tập thơ “Cỏ cháy” của Phạm Xuân Trường (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2006).
Bài thơ “Phơi trăng” của Ngọc Châu có câu “Tôi gom những ngọn gió đông/Gom cánh cò cõng dòng sông mang về” thực tế được in tại trang 23 trong Tuyển tập văn thơ Việt - tập 1 - Nhà xuất bản Văn hóa văn nghệ TP.HCM, năm 2011.
Đây là vật chứng, còn nhân chứng? Xin hãy nghe nhà văn Đặng Văn Sinh bày tỏ: “Năm 2004, chúng tôi được phân công phụ trách trại sáng tác văn học sông Hồng của 6 tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có tác giả Phạm Xuân Trường, khi ấy chưa phải là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Kết thúc trại, khi nghiệm thu tác phẩm, ông Phạm Xuân Trường nộp gần 20 bài thơ, trong đó có bài “Sẻ chia”.
Không phản bác được nhân chứng và vật chứng, nhà thơ Ngọc Châu đã có lời xin lỗi “vì đã đưa ra nhận xét vội vàng”. Tuy nhiên ông Châu còn cho biết thêm: “Bài “Phơi trăng” tôi đã đọc ở nhiều CLB thơ tại Hải Phòng, đăng ở nhiều trang web, còn in với các bài khác thành tờ rời trao tay nhau trong sinh hoạt CLB từ mấy năm nay, mà không hề thấy anh Trường hay bất cứ ai nói rằng bài đó có hai câu trùng với tứ bài “Cỏ cháy” của anh Trường” (?!).
Có thể thấy đây là lời xin lỗi không chân thành vì trong lá thư xin lỗi của ông vẫn bỏ ngỏ lời vu khống câu thơ cuối cùng của bài thơ “Cỏ cháy” là “Nỗi đau đau đứng - nỗi buồn buồn nghiêng” rằng “đã đọc ở đâu đấy rồi nhưng không phải của anh Phạm Xuân Trường”.
Người viết nghĩ rằng vì đã đọc bài thơ “Cỏ cháy” ở đâu đấy rồi, Ngọc Châu mới lấy 2 câu thơ rồi sửa đi vài chữ, để thành ra 2 câu thơ mang tên tác giả là mình. ?
Minh Tâm

3 comments:

  1. Trong cuộc sống hiện nay thì thơ bèo hơn cả bèo. Thế mà người ta đạo thơ, ăn cắp thơ để làm cái gì hả trời? Thơ bán chẳng ai mua, thơ in phải tốn tiền. thơ đăng báo tiền nhuận bút chỉ uống vài ly cafe. Mang danh nhà thơ thì kèm theo với... thẩn. Đọc bài “Muốn Có Tác Phẩm Lớn Việt Nam Nên Vứt Thơ đi.” của Nguyễn Hòang Đức trên trang này đi rồi mấy tay làm thơ mới thấy run cả mình. Nào là "Hiểu biết thấp" - Ăn theo, nói leo" - "Đố kỵ ích kỷ" - "Lưu manh, càn quấy".
    Nào sợ chưa? hay là vẫn cứ nhảy vào cái chảo thơ để cho NHĐ mặc sức chiên xào.

    ReplyDelete
  2. Đều là các nhà thơ với nhau, sao lỡ nặng lời thế. Đã biết dùng cây bút nói thay mình sao không nhìn nhận vấn đề tích cực hơn, có tình người hơn. Dùng từ "ăn cắp" chẳng phải miệt thị người ta quá sao? Có thể nhà thơ Nguyễn ngọc Châu đọc ở đâu đó thấy hay hay và thay đổi đôi từ và cho vào bài thơ mình. Chuyện đó hết sức bình thường. Lẽ ra phải thây tự hào vì có người mượn từ của mình chứ. Tôi đã đọc nhiều tác phẩm của Nguyễn ngọc Châu. Tôi cảm phục vì kiến thức sâu rộng của anh. Thơ anh thật sự có hồn và những từ ngữ rất độc, rất đắt. Nhiều nhà thơ lớn nổi tiếng cũng chẳng có được bài thơ như của anh đâu. Những người lớn tiếng dùng lời lẽ cay nghiệt về anh chính là những người không đàng hoàng, không rộng lượng.Khiến cho những ai yêu thơ chán ngán ngay. Tâm hồn bị thui chột trong chốc lát

    ReplyDelete
  3. Nói về Nguyễn ngọc châu. Tôi thật sự cảm kích vì tài năng của anh. Anh thật sự thông minh. Chỉ có điều anh hơi kiêu một chút. Nhưng đúng là những người có tài đều có chút kiêu hãnh về mình. Điều đó dễ hiểu thôi. Chúng ta ai chẳng vậy. Chúng ta hãy cùng nhì nhận lại những nỗ lực của anh.Cả một chặng đường dài anh không ngừng phấn đấuvà có ý thức trách nhiệm về sản phẩm của mình. Biết bao nhiêu bài thơ làm rung động lòng người, biết bao nhiêu tuyển tập truyện làm cảm động đến cả đát trời và nhất là dịch giả tiếng Anh và tiếng Nga mà dân chuyên ngữ cũng phải lắc đầu lè lưỡi. Vậy thì có 2 câu đã được chế biến đi đem vào bài của mình là điều chấp nhận được. Cái dở ở đây là Nguyễn ngọc Châu đã không kiểm tra cẩn thận lại đã vội đưa ra lời biện minh cho mình một cách không cẩn trọng. Nhưng dù sao tôi vẫn thấy những người lớn tiếng chê trách Ngọc Châu là những người chẳng ra gì. Họ cũng chẳng hơn gì những lời nói họ thóa mạ về Ngọc Châu. Đều là các nhà thơ, có kiến thức, có trình độ, có tư duy và hiểu biết đạo lý mà hành xử như vậy thật không hiểu nổi. Nói thật từ đó tôi chán làm thơ luôn vì sợ lại dẫm phải vết xe đổ của Nguyễn Ngọc Châu

    ReplyDelete