Theo quan điểm của nhà phê bình văn học Pháp Albert Thibaudet
(1874-1936) trong sách Sinh lí học phê bình (1922) thì phê bình
chuyên nghiệp đối lập với phê bình tự phát. Phê bình tự phát là loại
phê bình tự nhiên của người đọc. Đọc xong một cuốn sách hay thì vỗ đùi khen,
nếu đọc cuốn sách dở, buột miệng chửi một tiếng, hay khi trà dư tửu hậu, hoặc
lúc dạo chơi với bạn bè, bàn bạc mấy câu về cuốn sách nào đó… Đó là phê bình tự
phát. Loại phê bình này chủ yếu là phê bằng miệng, bằng động tác, như phẩy tay,
dẫu miệng…đều là tự phát cả. Sau này trong các xa lông sang trọng của các bà
quý tộc, các bà mệnh phụ sau cuộc chơi bài, đàm đạo mấy cuốn sách vừa xem, đó
vẫn là phê bình tự phát.
Anh Hoàng trong truyện
ngắn Đôi mắt của Nam Cao, khi nghe vợ đọc Tam quốc diễn nghĩa,
đến chỗ hay, vỗ đùi đánh đét khen : “Tài thật, Tài thật. Tài đến thế là cùng.
Tiên sư anh Tào Tháo!”, “Tiểu thuyết thì nhất anh Tàu”. Đó cũng là phê bình tự
phát. Phê bình tự phát có mọi nơi, mọi lúc, đồng hành cùng sinh hoạt văn học
của con người. Dù cho phê bình chuyên nghiệp có chết hết đi thì phê bình tự
phát vẫn sống. Phê bình tự phát khi thành dư luận mạnh mẽ buộc phê bình chuyên
nghiệp phải nhào vô giải thích. Phê bình tự phát thường có ba nhược điểm.
Một là thường nói
theo, nói leo. Người đã đọc sách nhận xét đã đành, người không đọc cũng nghe
rồi nói theo, bàn tán, thực ra là nói mò. Hai là phê bình tự phát dễ biến thành
ý kiến nhóm, có thói quen riêng, thiếu cái nhìn toàn bộ, dễ thiên lệch. Ba là
dễ chạy theo thời thượng, đồng thời cũng nhanh chóng bị thay thế, thiếu bền
vững, hôm nay vừa khen, ngày mai thấy nói khác, lại nói theo, số phận ngắn
ngủi. Có một thời, sách xuất bản xong liền có cán bộ đi thu thập ý kiến bạn đọc
các giới, kết quả thu được chỉ là các dư luận như thế, rất ít tính khoa học.
Tất nhiên phê bình chuyên nghiệp cũng góp phần định hướng cho phê bình tự phát,
giúp nó sâu sắc hơn.
Phê bình văn học phát
triển đến một lúc nào đó thì nảy sinh ra sự phân công, và thế là xuất hiện các
loại phê bình, trong đó có loại phê bình kiểm dịch. Nhà tư tưởng Khai
sáng Pháp là Voltaire (1694 – 1778) có lần nói: “Chúng ta nhìn thấy, trong các
nước hiện đại, khi người ta ra sức phát triển văn học thì có một số người trở
thành nhà phê bình chuyên nghiệp, cũng giống như người ta muốn kiểm tra các
loại lợn đem ra thị trường có bệnh hay không, người ta đã thiết lập những người
chuyên môn kiểm tra lưỡi lợn. Những người kiểm tra lưỡi lợn trong văn học không
phát hiện được một nhà văn nào là lành mạnh cả” (Sách đã dẫn của Thibaudet, Nxb
Tam Liên, Thượng Hải, năm 2002, tiếng Trung, tr. 74). Xin chú ý mấy chữ này của
Voltaire: phê bình kiểm dịch trong văn học không phát hiện được ai là lành
mạnh cả. Nó là nghệ phát hiện bệnh của văn học. Như thế, có thể coi nhà phê
bình chuyên nghiệp đầu tiên là người có chức năng giống như nhân viên thú y
kiểm dịch ngoài chợ, thấy có bệnh thì kêu lên, để mọi người tránh xa, không mua
hàng đó.
Cứ theo chức năng ấy
thì nhà phê bình chuyên nghiệp kiểm dịch đầu tiên của nhân loại phải kể đến Đức
Khổng Tử bên Tàu. Khổng Tử đã lựa hàng vạn bài ca dao, dân ca của các nước
trong lãnh thổ Trung Hoa cổ đại, chọn lấy 305 bài, theo tiêu chí “tư vô tà”,
tức là tư tưởng không có gì sai trái, lệch lạc, đồi trụy, có thể lưu hành. Còn
các bài khác “có tà” đã bị ông vứt bỏ, thất truyền hết. Nhưng Khổng Tử là nhà
kiểm dịch lỗi lạc, bởi trong tư tưởng của ông, lấy ngôn chí, tải đạo làm gốc,
có sự thống nhất giữa mĩ và thiện, chấp nhận thi ca có thể hứng, quan, quần,
oán, văn chất thống nhất với nhau, cho nên 305 bài vẫn bao hàm đủ các tác phẩm
xuất sắc, đa dạng. Platon, người Hi Lạp (427 – 327), sống sau Khổng Tử 100 năm
(552- 479) cũng là nhà phê bình kiểm dịch. Nhưng khác với Khổng Tử, Platon quá
cực đoan, ông coi thi ca (văn học ) đều là ôn dịch, nên ông đuổi tất ra khỏi
nước Cộng hòa lí tưởng của ông.
Nhìn theo lịch sử như
vậy ta sẽ thấy từ khởi thủy phê bình chuyên nghiệp, phân biệt với phê bình tự
phát, trước hết là loại phê bình kiểm dịch mà Voltaire đã nói. Nhưng phê
bình kiểm dịch đời sau ngày một kém. Nó chỉ quan tâm tới sự lành mạnh của văn
học theo tiêu chí hình thức, hay tiêu chí đạo đức hay chính trị quốc gia, mà
không hề quan tâm đến giá trị nghệ thuật đích thực. Các nhà quản lí quốc gia
bao giờ cũng ưu tiên phát triển loại phê bình kiểm dịch này.
Theo Thibaudet, thế kỉ
XVII Tể tướng của vua Louis XIII là Richelieu đã đem phê bình kiểm dịch áp đặt
cho Viện Hàn lâm Pháp. Bất đắc dĩ Viện Hàn lâm Pháp phải chấp nhận, nhưng cũng
chỉ sử dụng có một lần duy nhất rồi thôi. Phê bình kiểm dịch Pháp chỉ đơn giản
là đem tác phẩm văn học ra đối chiếu với các quy phạm thể loại, tuy nó thấy tác
phẩm nào cũng không hợp chuẩn, nhưng văn học “lệch chuẩn” không bị nó đem ra
đốt, văn sĩ không mấy người bị đem đi chôn. Sau thế kỉ XVII phê bình chuyên
nghiệp châu Âu chuyển sang phê bình học thuật và hàn lâm, phê bình kiểm dịch
tất nhiên vẫn còn, nhưng nói chung không còn trở ngại cho các công trình nghiên
cứu học thuật.
Ở Trung Quốc xưa kia
phê bình kiểm dịch thực hiện chức năng phát hiện các vụ án văn tự ngục khiến
bao nhiêu văn sĩ rơi đầu. Đó là lối đọc văn cắt xén, suy diễn để quy tội phản
lại triều định, phản loạn, nhằm khép đối tượng vào tội chết. Vụ án văn tự ngục
đầu tiên của Trung Quốc xảy ra vào thời Chiến Quốc, quyền thần nước Tề gian ác,
giết vua, sử quan ghi đúng sự thật, bị khép vào tội chết, đem chém đầu. Suốt
lịch sử Trung Quốc, đã có hàng chục vạn người chết vì văn tự ngục. Riêng đời
Thanh văn tự ngục giết chết 200 người, liên lụy trên ba nghìn người. Thời
phong kiến nước ta cũng thế. Trong các cuộc đấu tranh tư tưởng ở Trung Quốc
suốt thời kì Mao Trạch Đông thống trị, đến cách mạng văn hóa, phê bình kiểm
dịch thực hiện chức năng chỉ ra đâu là dấu hiệu của tư tưởng phong kiến, đế
quốc, tư sản, xét lại, đồi trụy, chống đảng, chỉ ra ai là kẻ thù, đẩy hàng chục
vạn người đi lao động cải tạo, bức hại, nhiều người tự tử. Diêu Văn nguyên, một
trong lũ bốn tên là nhà phê bình kiểm dịch khét tiếng nhất, gian ác nhất. Chu
Dương suốt đời trung thành với Mao, thế mà cuối cùng bị Diêu Văn Nguyên tố cáo
chống lại tư tưởng của Mao, phải đi lao động trong chuồng lợn. Ở nước ta, trong
thời kì bắt đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội, phê bình chuyên nghiệp cũng thực
hiện nhiệm vụ kiểm dịch, chỉ ra các biểu hiện tư sản, phản động, đồi trụy, xét
lại, bôi đen chế độ…
Ở nhiều giai đoạn,
loại phê bình kiểm dịch này cũng thịnh hành ở nước ta. Thế cho nên, hàng loạt
tác phẩm, ví như Vào đời, Sắp cưới, Mùa hoa dẻ, Sương tan, Phá vây, Chuyện
kể năm 2000 ,Miền hoang tưởng, Cây táo ông Lành, Sẹo đất, Vòng trắng, từng
bị phê bình chuyên nghiệp phanh phui, lên án, xem đó là những tác phẩm “có
vấn đề”, dù sau này nhìn lại hầu như chẳng có vấn đề tư tưởng quan trọng nào
cả. Lấy tác phẩm Vào đời (1963) của Hà Minh Tuân làm ví dụ. Người đầu
tiên “có công” phát hiện Vào đời “có vấn đề” là Nguyễn Phan Ngọc, người
kết luận nặng nề nhất là Hồng Chương, giữa thời gian đó, theo thông tin trên
tạp chí “Nghiên cứu văn học”, số 3 – 1963, trong hơn một tháng đã có 43 bài phê
bình lớn nhỏ đăng trên hầu hết các báo “Nhân Dân”, “Quân Đội nhân dân”, “Tiền
phong”, “Cứu quốc”, “Thống nhất”, “Độc Lập”, “Thủ đô Hà Nội”.., hầu hết đều ghi
tên biệt hiệu, không ghi tên thật. Kết quả là Hà Minh Tuân bị cách chức Giám độc
nhà xuất bản Văn học, điều chuyển sang Bộ thủy sản, làm chuyên viên cá nước lợ,
mãi đến năm 90 ông mới đuợc phục hồi.
Các dẫn chứng nói trên
cho thấy, phê bình kiểm dịch có lịch sử lâu đời và có chức năng đảm bảo cho văn
học được lành mạnh theo quan điểm nhà nước. Ngày nay ở Trung Quốc phê bình kiểm
dịch cũng thịnh hành. Các tác phẩm như Phế đô, Báu vật của đời, Búp bê
Thượng Hải,…đều bị cấm, nhưng Báu vật của đời lại được giải Nobel.
Điều này cho thấy phê bình kiểm dịch tuy có tính chuyên nghiệp, đúng hơn là
tính nghiệp vụ, song chất lượng thực tế có nhiều vấn đề đáng bàn, có những sai
sót và nhiều khi gây hậu quả không thể sửa chữa được. Phê bình kiểm dịch thường
có mấy đặc điểm chung như sau:
Thứ nhất: Vì văn học là hiện tượng phức tạp, nên phê
bình kiểm dịch không thể làm thí nghiệm, khó tìm được những tiêu chí khách quan
để kiểm dịch văn học giống như bác sĩ thú y kiểm dịch lưỡi lợn ngoài chợ.
Nguyên tắc “phương pháp luận” mà phê bình kiểm dịch thường dựa vào để phát hiện
“dịch bệnh” là cắt xén, suy diễn, quy chụp, cốt rút ra cho được cái mục
tiêu tư tưởng của mình.
Thứ hai: Phê bình kiểm dịch thường tố lên tác hại
nghiêm trọng của ổ dịch, kích động xã hội cảnh giác, gieo rắc niềm lo lắng sợ
hãi, gây không khí bất an trong đời sống xã hội.
Thứ ba: Sau khi phát hiện ổ bệnh trong văn học, các
nhà phê bình kiểm dịch rất hồ hởi, tự hào về công lao phát hiện luận điệu sai
trái, chỉ tên kẻ thù địch trong nội bộ để xử lí. Đặc biệt không mảy may quan
tâm số phận những người hữu quan. Hình như, đã là kẻ thù của chế độ thì còn
tiếc thương gì nữa?! Đối với họ văn học chỉ có một nghĩa là nghĩa xấu, các
nghĩa khác đều bị giản lược.
Nhưng nhìn lại sản
phẩm phát hiện của các vụ kiểm dịch om sòm trên văn đàn, ví như những bài báo
của các tác giả thuộc nhóm Nhân Văn Giai phẩm, hoặc các bài báo của Trương Tửu,
hay tác phẩm Sương tan của nhà văn Hoàng Tiến, tôi cứ băn khuăn tự hỏi,
không hiểu họ chống Đảng, đồi trụy ở chỗ nào?
Phê bình kiểm dịch là
một tồn tại khách quan. Nó cũng là phê bình chuyên nghiệp, tinh thông nghiệp
vụ. Nhà nước rất hậu đãi loại phê bình kiểm dịch này. Các nhà phê bình kiểm
dịch đầu đàn thường được trao nhiều giải thưởng cao quý. Nhưng rõ ràng, phê
bình kiểm dịch không quan tâm tới tính nghệ thuật của văn học. Cho nên, tôi rất
hoài nghi giá trị và ý nghĩa tồn tại của nó với tư cách là phê bình văn học
đích thực.
Có thể nó cũng là một
loại loại phê bình, nhưng không phải phê bình văn học.
17 – 7 – 2013
TRẦN ĐÌNH SỬ
No comments:
Post a Comment