Trang

Saturday, July 6, 2013

HIỂU THÊM HÀN MẶC TỬ NHỜ CÂU CA DAO “CÁI MẶT CHỮ ĐIỀN TIỀN RƯỠI CŨNG MUA”

TRƯƠNG QUANG CẢM
Xa quê hơn bốn mươi năm, trong một lần về thăm quê- quê tôi xã Tịnh Khê, huyện SơnTịnh, Quảng Ngãi, bất ngờ tôi được nghe  một câu ca dao thú vị thật không ngờ:
Cái mặt mủng bầu coi lâu muốn chửi
Cái mặt chữ điền tiền rưỡi cũng mua
Tôi chắc câu ca dao ra đời từ thời xa xưa trong chế độ phong kiến. Bởi câu ca dao nêu lên quan điểm thẩm mỹ khi “ coi mắt” để chọn vợ hay dâu con.Hơn nữa câu ca dao còn nêu lên một quan hệ hôn nhân mua bán thường xảy ra trong xã hội cũ phong kiến. Người mua là một gã đàn ông có tiền, kẻ bị mua là một người phụ nữ có thể nghèo khó. Gã ấy ra  vẻ trịch thượng, kẻ cả thị tiền nên lúc thì” muốn chửi ”, lúc thì”cũng mua”Người phụ nữ bị coi như món hàng hoá để người ta săm soi, lật mặt qua ,lật mặt lại để xem họ có ưng ý hay không? Khi đã ưng ý thì “cò kè bớt một thêm hai”sau đó mới ngã giá đồng ý.
Trở lại câu ca dao:”Cái mặt ….cũng mua” Cũng là khuôn mặt nhưng khuôn mặt ‘mủng bầu” thì không có giá trị” coi lâu muốn chửi” còn khuôn mặt chữ điền thì lại giá trị” tiền rưỡi cũng mua”Thế khuôn mặt mủng bầu và khuôn mặt chữ điền là những  khuôn mặt ra sao?Mủng là loại đồ  được đan bằng tre dùng để đựng lúa gạo ,khoai ngô…Mủng nhỏ hơn thúng. Mủng có nhiều loại mủng: mủng trẹt, mủng sâu, mủng bầu…Mủng bầu có dạng hình tròn, đáy hơi sâu. “Cái mặt mủng bầu “ có nghĩa là khuôn mặt giống như cái mủng bầu. Đó là khuôn mặt  có dạng hình tròn, nhiều thịt, còn gọi là mặt thịt nó vun đầy lên như bị sưng. Còn khuôn mặt chữ điền là khuôn mặt giống như chữ “điền”. Đó là khuôn mặt hơi vuông,nhưng không phải có góc cạnh  mà đều đặn, cân đối hài hoà. Nếu là khuôn mặt chữ “điền’ thì có  phải mất đến “ tiền rưỡi” cũng phải mua cho bằng được vì xứng đáng đồng tiền bát gạo.”Tiền” là đơn vị tiền tệ ở xã hội phong kiến thời xưa. Cứ 1 quan thì bằng 10 tiền. Một tiền thì bằng 60 đồng kẽm.
Vốn là một giáo viên dạy văn, mỗi khi giảng bài Đây thôn Vỹ Dạ của Hàn Mặc Tử đến câu: ”Lá trúc che ngang mặt chữ điền” Tôi từng thao thao bất tuyệt giảng hình ảnh khuôn mặt cô gái ẩn giấu  đằng sau cành lá trúc thật đẹp. Lá trúc là loại lá thường thấy ở nông thôn,nó không lớn lắm để mà che khuất hết  không thấy gì và nó cũng không nhỏ lắm để mà không che được gì cả.Vì thế ,hình ảnh khuôn mặt người con gái  thấp thoáng ẩn hiện sau lá trúc mới thật  hấp dẫn quyến rũ và duyên dáng làm sao.
Thêm nữa lá trúc thường biểu tượng cho vẻ đẹp quân tử ,còn khuôn mặt chữ điền là biểu tượng cho vẻ đẹp của khuôn mặt phúc hậu. Tác giả kết hợp lá trúc với khuôn mặt chữ điền để nói lên vẻ đẹp thanh cao, trong trẻo tinh khiết,Không hiếm lần tôi bị hoc sinh vặn hỏi:’Sao biết khuôn mặt người con gái mà không phải người con trai hả thầy” hay:” Em cứ tưởng khuôn mặt chữ điền phải là khuôn mặt của người con trai mới đúng chứ thầy” Tôi cũng ra sức giảng giải để hoc sinh tin đó là khuôn mặt người con gái như tôi hiểu.Nhưng đây đó trong một ít  sách báo , thỉnh thoảng cũng có người nói khuôn mặt chữ điền là khuôn mặt của người con trai, làm cho học sinh nửa nghi nửa ngờ.
Từ khi có câu ca dao trên, tôi đã thuyết phục được học sinh một cách  có hiệu quả trong bài giảng của mình. Thế mới thấy ca dao nói riêng và văn học dân gian nói chung rất quan trọng giúp ta có kiến thức để hiểu biết thêm văn học hiện đai sau này như thế nào?
T.Q.C
Nguồn: tạp chí Văn

No comments:

Post a Comment