Trang

Monday, July 1, 2013

LÝ SINH SỰ BÁO LAO ĐỘNG: AI MUA THƠ KHÔNG?


- Em cứ tưởng làm ăn kinh tế khó khăn, các tập đoàn to, công ty nhỏ, đến nông dân trồng lúa, nuôi cá đều gặp khó, có người lâm nạn, khuynh gia bại sản hoặc vướng phải vòng lao lý, nào ngờ làm thơ cũng khó bác ạ.
- Anh em mình dính gì vào thơ mà buôn chuyện thi ca.

- Nước mình là cường quốc thơ nên phải bàn chứ. Giải thơ năm nào cũng có chuyện người này người khác chê nhau, chê Ban giám khảo, có người còn dỗi, không nhận giải thưởng.

- Vì thế năm nay có quy định mới giải thơ phải xin ý kiến tác giả được giải, ông nào không thích ăn giải thì tùy, để bác khác ẵm. Tớ dám chắc có “nhà thơ kiêm chức” sẵn sàng được giải bằng mọi giá.

- Theo em nghĩ, ngày xưa vua đã chấm là miễn bàn. Giá thỉnh được cụ Nguyễn Du về làm chủ khảo thì may ra êm xuôi. Thi Vương, Thi Bá chấm cũng được, chỉ tiếc bây giờ, Vương, Bá, Công, Hầu đi đâu cả - khiến Hội Nhà văn phải bực mình.

- Bực mình còn hơn lình xình như Giải thơ ĐBSCL. Giải lần trước cách đây hai năm đã có bài được giải nhất rồi cũng bị loại. Chỉ tại tác giả viết: “Đồng bằng quê hương tôi nhiều cái nhất ngậm ngùi/ Sản lượng lúa nhiều, vùng cá basa lớn nhất/ Đầu tư văn hóa thấp và khó nghèo cũng nhất/ Và cũng dẫn đầu nhưng cô gái lấy chồng xa”.

- Thơ kể xấu như thế thì khó rồi, nếu viết báo, làm điều tra, phân tích nguyên nhân, trách nhiệm thì còn được.

- Không có thơ báo đâu chú ơi! Bây giờ cũng như thời xa xưa, người ta vẫn thích thơ tụng ca hơn. Nghe nói giải lần này lùm xùm, chọn hai năm mới được 11 bài để chấm giải, nhưng lại bị lên án là phạm quy, phản cảm, đạo thơ và chuyển thể từ thơ thất ngôn của người khác thành lục bát của mình. Ví dụ: Mấy độ trăng vàng kia gác núi/ Đêm nay bỗng trượt xuống đồng bằng” chuyển thành “Trăng vàng gác núi lả lơi/ Thình lình trượt xuống rong chơi đồng bằng”. Bây giờ lại phải chờ “thập tam tú”, tức 13 ông Chủ tịch Hội của ĐBSCL họp để quyết giải.

- Làm thơ tưởng dễ, chỉ cần biết gieo vần và bị bồ đá là thành thi nhân, thơ sướt mướt, đau hơn hoạn ngay. Nào ngờ…

- Thế gian ai học được chữ ngờ mà chú!
LÝ SINH SỰ

No comments:

Post a Comment