Trang

Tuesday, July 30, 2013

NGUYỄN HOÀNG ĐỨC: “LÀM GÌ CÓ VĂN HIỆN ĐẠI NẾU CHƯA TỪNG TIẾN BỘ CÙNG THỜI ĐẠI?!”


Chắc hẳn từ đầu thế kỷ 20 đến nay, chưa hề có một người nào theo Tầu học hay âm lịch học mà thành công xuất sắc cả. Ở Việt Nam, những thành công nổi tiếng như nghệ sĩ Đặng Thái Sơn đạt giải nhất một kỳ thi quốc tế Chopin, hay Ngô Bảo Châu đoạt giải toán học Fields… thì đều là ngành tiến bộ hay rõ hơn là theo Tây học. Ở Trung quốc hai giải Nobel văn học của Cao Hành Kiện người di cư sang Pháp, hay Mạc Ngôn thì cũng là tiến bộ và Tây học. Có vài hiện thực:

1- Con số sinh viên đi du học ở Trung quốc chỉ chiếm khoảng 1/1000 số học sinh trong nước, vậy mà họ lại chiếm giữ hầu hết các viện nghiên cứu khoa học của nước này.

2- Những cặp kết hôn giữa Âu và Á, tất cả đều gửi con sang phương Tây học. Không có ngoại lệ nào về việc cho rằng nền giáo dục của Á Đông là tiên tiến mà chịu để con học ở bản xứ. Với những người Á Đông khác, cho con du học cũng đồng nghĩa với Tây học. Không ai muốn gửi con đi nước Á đông khác để học.

3- Tất cả các tác giả Âu Mỹ, không ai muốn và vinh dự khi tìm kiếm giải thưởng của Á Đông. Nếu có giải thưởng nào đó thì thường chỉ là giải “du lịch”, mặt trận, hay ngoại giao.

Người Trung Quốc cũng ham học lắm, vì học thì được làm quan. Nhưng xét kỹ cái học của Tầu cũng chưa ăn thua, trong sách người ta diễn tả có rất nhiều nhân sĩ thành đạt chỉ vì đóng cửa 3 năm nằm đọc sách. Trời ơi, người phương Tây không có khái niệm nằm đọc sách. Tại sao? Vì đọc sách là nghiên cứu khoa học, cần có một tư thế ngồi nghiêm túc để tư duy sâu nghiền ngẫm và tra cứu. Còn đọc sách Tầu thì sao? Chủ yếu là sách tán hươu tán vượn như trong âm có dương, trong dương có âm… Nhà phê bình văn học Hoài Thanh nói, đó là cách học chỉ đúc ra hàng vạn bài thơ dở.

Ngay đầu thế kỷ 20, với hàng loạt các nhân vật tiền phong kiệt xuất như Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi, Tôn Trung Sơn, Lỗ Tấn… các nhân sĩ Trung Quốc đã tuyên ngôn một phương ngôn mới về người trí thức:

“Cho dù Học bao nhiêu mà không có Tâm cảm tiến bộ thì không phải người Trí thức”

Tại sao? Học nhiều theo lối ngày xưa chỉ là cách tích lũy vài bồ chữ, đi đâu cũng bẻm mép mấy câu đối vài bài tứ tuyệt để khoe mẽ mua vui thì làm sao thành trí thức được.

Tây học hay tiến bộ đã có những thành tựu chính gì? Trước hết họ đã giải phóng nô lệ, sau đó giải phóng phụ nữ, tiến hành công lý trong cơ cấu tam quyền lập pháp. Tất cả xoay quanh trung tâm “Tự do cho mỗi con người”.

Trời ơi, gió thời đại tinh khôi, mới mẻ, hân hoan và tung bay lắm! Chúng ta hãy hình dung đó là những chuyến tầu nối đuôi dài dằng dặc chạy xuyên qua những lục địa mà mới đó chỉ là những khuôn mặt thiểu não nặng nề mỏi mệt lê trên những đôi dép mòn vẹt. Thay vì quốc bộ dưới nắng dưới mưa, giờ đây họ ngồi trong toa tầu như mái nhà di chuyển, có đồ ăn thức uống phục vụ, giúp mọi người thoải mái chuyện trò, tán tỉnh, hay sán lại một cách âu yếm! Đó là chưa kể những con tầu lớn vượt đại dương, hay phi cơ đưa người ta vượt qua các lục địa chỉ trong một sớm một chiều… Điều đó đã được Hoài Thanh miêu tả trong niềm vui tươi mới rạo rực của thời đại đã chuyển biến xã hội và con người từ chiếc đinh đến tiếng leng keng của tầu điện.

Hồi tôi học cấp ba, nơi đợi xe buýt vé tháng, chỉ cần thấy một chàng thanh niên băng qua đường cất lên một lời ca không có câu thứ hai:

“Hồi kèn vang trên sân giục giã người tình ra đi

Là từ đây in sâu hình bóng người tình thân yêu”

Chúng tôi đã phục lắm, và cảm thấy một cái gì vừa choàng tỉnh. Rõ ràng không gian xung quanh rất u tịch quê mùa đã đã xoay lộn một vòng rất mạnh mẽ và cấp tiến. Nó như choàng lên mình tấm áo của thời đại mới! Tại sao? Vì ngôn ngữ người Việt lâu nay vẫn rỉ rả “thì, là mà, í ì i, ứ hự…” với lối nói vòng “tiện đây mận mới hỏi đào/ vườn hồng đã có ai vào hay chưa?” Vậy mà “hồi kèn vang trên sân…” rõ ràng là một thứ kèn tây, nó rúc lên như là một cuộc khải hoàn, và nó mang thông điệp cho một cuộc chia ly “giục giã người tình ra đi”. Xưa nay, chia ly bao giờ cũng buồn, cũng ủ ê, và người ta lê thê tiễn nhau bằng những hàng lệ vắn dài, tất nhiên đó là tâm cảm âm lịch. Đằng này tiếng kèn vang lên như một khải hoàn ca, rõ ràng đó là cuộc tiễn đưa cho người mang sứ mệnh lớn như đi tìm châu Mỹ, hay lên vũ trụ, hoặc một cuộc trường chinh thánh chiến nào đó… tất nhiên lúc trẻ tôi không thể hiểu được thế này, nhưng vô thức vẫn cảm giác cái gì to lớn và trọng đại.

Và từ lời hát kiểu như thế đã nối sang một bài thơ rất mạnh mẽ của người phụ nữ vốn nhu mì Việt Nam. Trong bài “Hai sắc hoa ti-gôn”, nàng đã lật đổ cả nền giáo dục tình dục phong kiến:

Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời

Ái ân lạt lẽo của chồng tôi

Mà từng thu chết từng thu chết

Vẫn giấu trong tim một bóng người

Nhưng gió phơi phới của thời đại mới thổi vào lồng ngực tôi lại vào lúc tôi trên năm mươi tuổi. Một cơn gió như gió từ trường, nó không hề rung cây, nhưng khi tràn qua đã làm tôi gục ngã hoàn toàn. Nhưng tôi cám ơn sự gục ngã đó, bởi vì, đó là sự gục ngã đã khiến toàn bộ tinh thần tôi gượng dậy. Và thay đổi như thể mình đã lãnh trọn vẹn tình yêu thời đại nhắm về tiến bộ của mình. Đó là khi tôi đọc được, khi còn chiến tranh, trong chế độ Cộng Hòa Việt Nam, người ta sẽ miễn quân dịch cho học sinh nào chọn khoa âm nhạc dân tộc, dẫu vậy có vô số sinh viên sẵn sàng đi quân dịch để được sờ vào một nhạc cụ phương Tây. Đó quả thật, tình yêu cái tiến bộ còn mạnh hơn cả cuộc đời họ.

Âm nhạc dân tộc ư “đàn bầu chỉ có một dây/ đánh mười lăm ngày đã đi tây”, từ đó mà sờ vào chiếc piano, khác nào một sợi dây thép căng lên nửa ống nứa bay vào một nền kỹ nghệ của âm thanh với âm trầm nhất và bổng nhất của tự nhiên.

Tình yêu sự tiến bộ có giá cả cuộc đời! Tôi đã gặp một việc thế này, cô nàng kia cũng khá giầu, cô cho con gái mình đi tập tam thập lục, chỉ vì chiếc đàn ấy có giá chỉ bằng một phần trăm chiếc piano. Nghe chuyện tôi buồn quá, vì cô ta đã tiếc tiền ngay cả với đứa con một của mình.

Mới đây, ở Việt Nam rộ lên cái gọi là nhà thơ, nhà văn viết văn Hậu hiện đại. Tôi rất đồng tình với tác giả Phan Nhiên Hạo khi nhận định, đó là trò bịp bợm của đám độ lại xe bãi rác. Tại sao?

Người ta không thể có tâm cảm tiến bộ nếu như không có được tâm cảm tự do. Bởi vì theo triết gia Hegel, kẻ nô tài không thể có được chủ quan tính tự giác của mình, mà kẻ đó buộc phải nghĩ, nói, và làm theo ông chủ. Một con người khi chưa có được cá tính và tự do tối thiểu của mình sao có thể quyết định lựa chọn cái gọi là hậu hiện đại?

Cụ thể hơn, muốn có tính thời đại, thì chí ít âm nhạc là thứ âm thanh tự nhiên đi vào lòng người, rồi hội họa là thị giác đầu tiên , gây cảm quan, nhưng với nhiều nhà thơ, nhà văn, họ chẳng hiểu gì cả. Đặc biệt với âm nhạc, các loại hình cao cấp như thính phòng, giao hưởng, ngay đến cả nhạc nhẹ họ cũng không biết và không yêu thích, thử hỏi làm sao họ có thể yêu cái gì của thời đại, hay hiện đại được? Nói gì đến hậu hiện đại?

Ở cạnh nhà tôi, có đôi vợ chồng trẻ kia, mới cưới nhau, rất trẻ, vài hôm sau lễ cưới họ mua một giàn âm thanh rất lớn về. Họ vặn nhạc nhảy rất to, nghe rất mô-đéc. Được một lúc, thì họ chuyển sang nhạc “bèo dạt mây trôi”, lá đa lá đề gì đó… Và những ngày sau, cứ bật nhạc lên, thì lại mở đầu bằng lá đa lá đề. Điều đó nói lên điều gì? Dù họ còn rất trẻ nhưng cũng không mang khí độ của thời đại. Và bản thân nội lực của họ rất yếu nên nghe nhạc nhảy trong một thời gian ngắn đã mệt và đã chán. Thử hỏi trình độ của họ bao giờ thì nghe được nhạc không lời? Đôi vợ chồng đó cũng là bản mẫu cho nhiều người Việt, cũng như cho nhiều tác giả thơ văn.

Âm điệu thời đại có tiết tấu từ trong máu. Vì yếu đuối và không có tư tưởng, giản dị hơn là những thông điệp trực tiếp nên lời nói hay hát của người Việt rất nhiều “thì, là, mà, í, ì, i, ứ hự…” nói chung để quanh co câu giờ, nhưng khí lực yếu không nghe nổi bài dài như concerto hay giao hưởng, chuyên hát đoản khúc dài hơn một phút để mua vui, thử hỏi người việt bao giờ mới tiếp cận được tính thời đại?

Còn trong thực tế, tôi gặp đa số nhà thơ, nhà văn họ chẳng ưu tư thời thế gì cả, dù bình đẳng, bác ái hay công lý họ đều đặt ngoài đầu. Với họ mọi thời đại chẳng có gì khác nhau, chỉ khác nhau ở cách kiếm sống, cách leo ghế và giữa ghế, hay cách vinh thân phì gia. Một cách nghĩ, một cách viết như thế làm sao mà thành công được? Họ có khác gì gia nhập vào dàn đồng ca kèn lá để khỏi phải đi quân dịch. Như vậy, với vô số người còn bò quanh giá áo túi cơm, bao giờ văn học của chúng ta mới đạt đến tầm cao tiến bộ và thời đại?!

29/07/2013

NGUYỄN HOÀNG ĐỨC

No comments:

Post a Comment