Trang

Tuesday, July 30, 2013

NGUYỄN HOÀNG ĐỨC: THI THƠ GIÀNH CHO BAN GIÁM KHẢO HAY THÍ SINH ?


Mục đích của các cuộc thi là gì? Là để phát hiện ra hiền tài! Nói rõ hơn là phát hiện ra ai đẹp nhất, ai khôn nhất, ai khỏe nhất, ai chạy nhanh nhất, ai khéo nhất, ai giỏi nhất…

Nhưng đó là cuộc thi giành cho các thí sinh ứng dự tranh sức tranh tài! Nhưng còn các cuộc thi giành cho ban giám khảo thì sao? Bao giờ cũng phát hiện ra được một ban giám khảo có sẵn, hoặc lắp ghép sẵn, lọ mọ già cả hết đát… ban giám khảo đã cũ kỹ, vì tất cả đã “thành danh”, nhưng chỉ có điều người ta thấy những đồng tiền mới me nhảy múa với tiếng sột soạt dù rất cũ nhưng luôn vang lên âm hưởng của niềm vui “sáng tạo”. Chưa thi thì rỗng túi, thi rồi xủng xẻng tiền tài, đó không phải sự sáng tạo đã lên men sao?! Chúng ta thử ngẫm:

- Học thêm để làm gì? Để cho học sinh nâng cao kiến thức? Không! Các bài chính thức trên lớp không dạy hết, từ lớp một đến nhà cô chép bài lúc cô đi chợ, rồi đại học cũng chép bài thầy đọc cho chép… Để làm gì? Không phải để học thêm mà để thầy cô kiếm thêm! Tại sao dự án bỏ các loại kỳ thi từ học kỳ, đến cuối khóa hay đại học bàn mãi mà không làm được? Vì càng có nhiều kỳ thi, nghĩa là càng có rào chắn, học sinh càng phải tìm lò luyện, như thế thầy cô mới có nhiều cơ hội để kiếm.

- Thời khoán ruộng, chính ban chủ nhiệm các hợp tác xã đã ngầm chống lại việc khoán ruộng. Tại sao? Vì nếu nông dân tự chịu trách nhiệm với ruộng của mình, thì vai trò lăng xăng điều phối kiếm chác của ban chủ nhiệm còn gì nữa. Có ruộng trong tay các ông mới thi thố oai phong, phân công cho điểm theo ý muốn thì mới kiếm chác được chứ?!

Có hai câu chuyện thế này. Tờ báo kia đang lỗ vốn, nhân viên buồn thiu ngồi ngáp ruồi. Bỗng một người tham mưu, tại sao ta không tổ chức thi hoa hậu, bọn gái trẻ hám danh lắm, thế nào chúng cũng bu đến, nhiều doanh nghiệp sẽ đầu tư, rồi bọn muốn leo cao thì phải nạp tiền hay nạp cái gì có sẵn… y như rằng cuộc thi vui như tết, tiền bạc giống da thịt phơi lộ khỏi áo tắm bé tẹo đã chìa ra khỏi ví và túi sách không đủ khổ rộng để che đậy chúng.

Một tờ báo khác cũng buồn thiu như vậy. Có nhà thơ bỗng tham mưu, sao không tổ chức thi thơ, bọn làm thơ là đông nhất, công - binh, buôn bán vặt, tổ hưu, nông dân, cả xe ôm lẫn cánh buôn đầu ra Cổ Nhuế đều có thể làm thơ. Đám này háo danh còn hơn bọn gái trẻ. Hoa hậu còn cần sắc đẹp, chứ loại này chỉ cần thạo mặt chữ, ăn xong gác chân cửa sổ chưa xỉa răng xong đã có một bài tứ tuyệt tự do rồi. Một bài thơ đăng báo hay được giải, thì vinh quang dễ khác gì chèo cây hái quả trong vườn. Kỳ thi thơ được tổ chức. Thành công còn ngoài dự án bởi ban sơ khảo vừa đọc vừa vứt không xuể. Ngay cả người ta chỉ liếc mắt nhìn cái tên nào quen thuộc, hay là bạn ở báo khác. Và giải thưởng thì còn thành công hơn, chúng là những “giải khôn” cứ nhìn ai tài trợ thì trao giải. Có giải thưởng ồ ạt trưng trên mặt báo văn nghệ địa phương chi chít tên và ảnh trông chẳng khác gì báo in bộ sưu tập tem chân dung.

Những cuộc thi thơ phong trào gần đây như 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, hay thi thơ mạng, rõ ràng người ta được chứng kiến cuộc bình bầu tuyển chọn rồi tôn vinh của cỏ rác. Kinh Thánh có câu “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”. Nền thơ của chúng ta thì sao? Có bạn yêu thơ bình “Hội đồng chuột làm sao đẻ ra mèo”?

Thơ của chúng ta là lúa hay cỏ? Cỏ là cỏ trời mọc tự nhiên vô tội vạ. còn lúa, ngay khi cấy người ta đã phải cắm nó có hàng có lối để khi gặt được dễ dàng cũng như không dẫm bừa lên lúa. Như vậy, lúa đã là sản phẩm của tổ chức lý trí. Cỏ tự nhiên làm sao có yếu tố lý trí?

Còn ban giám khảo, những người chấm thơ là sản phẩm của tự nhiên hay lý trí? Họ là người vui chơi từ mấy mẩu thơ cảm xúc mà lên, cũng chỉ là người cắt cỏ làm sao mà thành người gặt lúa được?

Kết quả là gì? Trên cánh đồng không có lúa, chỉ có cỏ! Ra gặt không có thợ gặt chỉ có thợ cắt cỏ. Cắt cỏ về làm gì? Phơi khô làm chất đốt chăng? Giờ đây người ta đun bếp ga, bếp điện, than tổ ong sạch, thì cỏ khô có tác dụng gì?! Hay cho trâu bò ăn để lấy sức kéo? Giờ đây nhà quê còn chạy xe máy, xe công nông nếu không vứt xó thì bị cấm, ô tô nhiều như nấm chạy bằng xăng, thử hỏi cần gì cỏ khô?

Cắt cỏ về dù chẳng để làm gì nhưng vẫn vui và tung tóe nhiều tiền ra phết. Tại sao? Vì cỏ đó là cỏ thơ, nó vẫn chứng tỏ sức sống mạnh như cỏ dại của thơ. Một cách nghiêm túc, chúng ta vẫn biết, thơ lâu nay chỉ là thứ ăn theo vé kèm trên các báo. Ngay cả các nhà thơ cũng không tin tưởng vào thơ đến mức, hô hào họ mỗi quí bỏ vài đồng ra mua tạp chí thơ, họ cũng không bỏ, thơ đành in rồi kẹp vào báo, bán theo lối “ăn độn” khoai mì thời bao cấp. Nhưng có rất nhiều nhà thơ hở ra là nói chuyện về tình yêu văn thơ, coi như giả vờ tin rằng nhân loại hay người Việt vẫn đang yêu thơ lắm. Cho nên nhìn thấy vô số cỏ lao vào vườn hồng để thi thơ, họ mừng lắm, coi như một lần hâm nóng được ảo tưởng của mình. Trong thực tế, họ “yêu” thơ đến mức không muốn nhận mình là nhà thơ, mà hở ra một cái lại nhận mình là “nhà văn”. Trời ơi, nền thơ Việt Nam quả là nghèo một cách xum xuê, nghèo như cỏ lác um tùm vậy, có mấy cái đinh tưởng là thợ gặt hay hạt giống cho thơ, vậy mà họ lại chuồn mất trên từng cơ hội thì nền thơ có trống rỗng không?

Nhiều người Việt ra nước ngoài mặc cảm mình thuộc quốc gia nhỏ bé nghèo nàn lạc hậu, đã nói dối mình là người Nhật hay Hàn… như vậy họ có yêu tổ quốc không? Một người yêu thơ mà không dám nhận mình là nhà thơ để chia sẻ sự èo uột nghèo nàn của nó, thì tình yêu thơ đến đâu? Có rất ít nhà thơ can đảm như Nguyễn Đình Thi, ông rất giỏi nhiều mặt, như sáng tác nhạc, viết tiểu thuyết, viết kịch, nhưng ông luôn luôn chỉ nhận mình là nhà thơ. Tấm gương đó theo nghĩa trên, thật đáng hiếm và đáng soi!

Trở lại các cuộc thi thơ của ta. Đường đang yên, người ta ngăn sông cấm chợ để ra oai và thu tiền mãi lộ. Còn các cuộc thi thơ của ta có phải luôn luôn phát hiện ra một ban giám khảo rất oai, toàn gộc gạc mậu dịch đầu mốc. Còn các giải thưởng nó có phải là mãi cỏ hay “mãi thơ”. Có không nạn chạy giải, mua giải, ẵm giải, định hướng giải trong các cuộc thi mà hầu hết các thợ cắt cỏ đều là thiện xạ bắn đâu trúng đích đấy. Các đích nhắm thường là: người đầu tư, đồng hương, chức quyền, gái đẹp. Tại sao họ có thể bắn giỏi nhất thế giới như vậy? Vì đạn của họ là một chiếc đinh định hướng rất nhỏ bắn vào túi của người mà họ khuyên nên bỏ sẵn một cục nam châm vào đó. Bắn thế thì làm sao mà trật được. Nói có sách mách có chứng, cuộc thi cao nhất của trung ương kia, BGK còn khoe nhau, đã cứu nhau những bàn thua trông thấy, đó là những thứ phạm qui được luồn qua cửa “đồng môn” trở thành của thật. Rồi ủy viên ban sơ khảo vẫn chễm chệ thi khi tay vừa cầm tác phẩm vừa cầm còi trọng tài. Thơ chưa hiểu hay hoặc không? ( thơ hay không bao giờ nó phải bước bằng chân ưu tiên phạm qui cả), nhưng rõ ràng BGK đã đạt giải quán quân cả thế giới không thể tìm thấy một thành tích thiên vị trắng trợn đỉnh cao như vậy?

Cuộc dạy thêm kiếm thêm nào, học trò chưa biết học được gì nhưng thầy luôn là người chiến thắng, vì túi thầy đã phồng lên.

Các cuộc thi thơ sống sít dựa trên dân trí lè tè cỏ giả, chưa biết gặt được lúa hay hoa, nhưng chắc chắn BGK luôn được bồng bềnh trên danh lợi chập chờn! Và dù sao cũng được tiếng “ta đang tua lại khát vọng hay ảo tưởng thơ, dù nó chẳng có hay chưa có giá trị gì”.

Có câu “Nhìn trò biết thầy, và nhìn thầy biết trò”, hoặc “thầy nào trò nấy”. Không hiểu các giải thơ lè tè có chứng minh cho tầm cao vời vợi của những ủy viên gác cổng thơ hay không?


24/07/2013

NGUYỄN HOÀNG ĐỨC


No comments:

Post a Comment