Trước hết,
chúng ta nên minh định, thứ chủ nghĩa anh hùng kinh điển trong chiến đấu, có
nghĩa là đổ máu nơi trận tuyến, hy sinh trong khói lửa thuốc súng hay đao kiếm
là anh hùng. Đây là thứ anh hùng nghĩa đen, tôi thấy mình buộc phải tôn trọng.
Bởi một lẽ giản đơn mình đã không làm được, cũng như không mất mát thành phế
binh hay chôn vùi nơi chiến trận như người khác đã thiệt thòi. Việc này, cũng
được tất cả mọi người thừa nhận một cách tự giác và mặc định. Trước kia, ở
nhiều cơ quan, thường có những người du học trở về, dù học giỏi hay thuộc con
ông cháu cha, nhưng dường như họ luôn luôn phải nhường chức cao nhất cho những
chiến sĩ có công từ mặt trận trở về, dù cho chuyên môn của họ chưa đáp ứng.
Nhưng hôm nay, tôi muốn bàn đến một thứ anh hùng khác.
Khi con tầu Titanic đang chìm nốt phần cuối cùng, người ta giục một ông tỉ phú
hãy xuống xuồng cứu hộ. Ông tỉ phú có mấy ưu tiên, thứ nhất ông nhiều tuổi, thứ
hai là một tỉ phú đáng trọng, thứ ba ông lại đang ở bên bà vợ già của mình. Ông
tỉ phú đã thanh thản từ chối: “tôi không xuống xuồng đâu, hãy để chỗ của tôi
cho người khác”.
“Còn bà, xin mời bà xuống cho!” người ta giục bà vợ của
tỉ phú.
“Không! Tôi muốn ở lại bên nhà tôi” bà vợ của tỉ phú từ
chối.
Và con tầu khổng lồ đã chìm nghỉm mà không thể chìm nốt
một lời bình luận rằng: Họ cũng đã làm nên một chủ nghĩa anh hùng!
Thật là đáng khâm phục và kinh ngạc! Xưa nay, người ta
vẫn cho rằng chỉ có đổ máu ở chiến trường, rồi lĩnh công, rồi đeo huân chương
mới là anh hùng. Có ngờ đâu một quyết định âm thầm của cặp vợ chồng già cũng
làm nên chủ nghĩa anh hùng chói lọi đến mức làm nhức nhối những cặp mắt muốn chiêm
ngưỡng tấm gương của họ. Ngài tỉ phú đã hy sinh cái gì? Ngài có bạc tỉ để tiêu,
ăn chơi hưởng thụ cao sang nhất, tại sao ngài không sống để mà hưởng nó? Trong
khi người khác tranh nhau xuống xuồng cứu hộ không được, đằng này ngài được mời
xuống sao lại từ chối? Tuổi già như thường lệ là lúc người ta ham sống nhất,
vậy mà tại sao ngài có thể thản nhiên hy sinh tính mạng của mình cách nán lại
dễ dàng như vậy? Rồi ngài còn đang ở bên bà vợ, tại sao lại quên thân phận “anh
hùng cứu mỹ nhân” của mình để rồi ra đi như thể chẳng thèm nghĩ đến bạn trăm
năm?
Còn bà vợ, là phụ nữ chân yếu tay mềm, nhìn thấy một đốm
lửa đã sợ, vậy mà tại sao bà có thể bình tĩnh ở lại cùng chọn số phận kết thúc
với ông chồng như một kết ước bất thành văn dù có thể chưa bao giờ được nói lên
“chúng ta sẽ kết thúc bên nhau”?!
Một người lính hy sinh nơi trận tuyến, anh đã hy sinh
tuổi trẻ của mình. Nhưng nhà tỉ phú còn mất mát nhiều hơn mạng sống của mình
rất nhiều, ông đã vứt đi trong tích tắc cả tỉ đô la mà suốt đời đã nhọc lòng
vất vả làm ăn tích cóp. Trong những vụ án phát giác về buôn bán trẻ em phụ nữ mới
đây, người ta thấy, nhiều mạng người chẳng đắt hơn giá của một con lợn là bao,
hoặc có nhiều vụ trong án chỉ vì chiếc đồng hồ, vi tính sách tay hoặc chiếc xe
máy, có kẻ còn dám giết cả người yêu, như vậy đủ thấy tiền tỉ nhiều đến cỡ nào.
Có một nhà kinh doanh đã tính nếu nối đuôi những chiếc Mercedes lại với nhau,
thì tiền tỉ đô la có thể nối dãy xe dài từ Hà Nội đến Hải Phòng…
Như vậy, hình ảnh của cặp vợ chồng tỉ phú kia đã mở ra
một quan niệm khác rộng hơn về chủ nghĩa anh hùng. Nữ bác học Marie Curie làm
việc hàng ngày trong phòng thí nghiệm đầy chất phóng xạ, tính mạng bị gặm nhấm
từng giờ, thử hỏi đó có phải là chủ nghĩa anh hùng không? Một bác sĩ tiêm vi
trùng gây bệnh vào máu mình để xem phản ứng cũng như tìm thuốc trị có anh hùng
không?
Một người lính ra trận, phía trước là quân thù, nhưng
phía sau là cả một dân tộc, dù súng đạn nổ, nhưng cơ hội sống sót của anh vẫn
còn. Nhưng một người làm chứng trước tòa, anh ta phải đối diện với kẻ thù từ
bao nhiêu phía? Quan tòa ư, đó là người đã ăn tiền của hệ thống tội phạm liệu
có để cho anh ta yên? Tội phạm với cả bọn gian ác đông đảo liệu phải mất bao
nhiêu cố gắng để tiêu diệt anh ta? Còn người bị hại, người anh ta muốn làm
chứng để bênh vực thì sao, có phải họ chỉ là thứ cá nhân bé bỏng?
Người dân Ấn Độ có một câu chuyện kinh điển rất hay về
chủ nghĩa anh hùng. Dân Ấn thờ bò, và trong năm có ngày lễ đặc biệt rất lớn
giành cho bò. Hôm đó, con lợn liền nói với con bò:
“Sao ngươi sướng vậy, ngươi được người ta đón rước linh
đình lại còn choàng vòng hoa vào cổ, ngươi đã làm được gì ngoài cho con người
tí sữa? Còn ta, người ta chọc tiết, ăn tiết canh, ăn gan, ăn lòng… máu của loài
lợn chúng ta chẳng lẽ lại không bằng sữa của loài bò các ngươi?”
Con bò bình tĩnh trả lời: “Quả vậy, đúng là loài lợn các
ngươi đã cho máu, chỉ có điều cả đời các ngươi chỉ đem cho một lần. Còn chúng
ta ngày nào cũng hiến sữa cho loài người”.
Câu chuyện này đem lại cách nhìn toàn thể chứ không định
nói bên trọng bên khinh. Anh dũng trong chiến trận, nhiều khi “nuôi quân ba năm
dùng một giờ”, nhưng anh hùng trong đời sống là một quá trình dấn thân không ngơi
nghỉ. Và có thể nói, anh hùng trong hòa bình ít hơn anh hùng trong chiến trận
nhiều lần. Nước Việt ta chiến đấu rất oai hùng, vẻ vang nghiêng ngửa năm châu,
nhưng chúng ta vẫn nghèo, nghèo bậc nhất thế giới vì chúng ta quá thiếu anh
hùng trong hòa bình.
Anh hùng trong hòa bình là gì? Trước hết là sống ngay
thẳng cương trực, “có cứng mới đứng đầu gió”, thấy sao nói vậy, luôn luôn là
bản chứng cho công lý. Nhưng người Việt lại mắc thói nô tài quá lâu, nên lúc
nào cũng rút rát, ăn nói nhì nhằng nước đôi để chạy làng, vì thế ý tưởng sáng sủa
trong đời sống cũng hiếm, mà công lý cũng chẳng trở thành lẽ sống của cộng đồng
hay xã hội. Các nhóm lợi ích nổi lên làm nghèo đất nước, cũng chính bởi người
ta chỉ lo vụ lợi mà bỏ quên công lý.
Người Ấn nói “Không dũng cảm thì không xứng với tình
yêu”, thử hỏi nếu Romeo không có dũng khí leo tường nhà Julliet thì tình yêu có
xảy ra không? Trong đời sống chúng ta cũng giáo dục những đứa trẻ, hãy biết dũng
cảm để nhận lỗi cho dù chỉ là việc đánh vỡ cái bát. Nếu con người không thật
thà dũng cảm thì làm sao gia đình hạnh phúc và quê hương giầu có?
Nước Việt Nam
nghèo vì chúng ta có quá ít anh hùng trong thời bình. Tương tự, văn chương Việt
Nam
nghèo, lẹt đẹt, suy nhược, yếu kém bởi vì chúng ta có quá nhiều người làm thơ
để vui chơi mà không muốn lao động nghệ thuật để viết tác phẩm lớn. Rõ ràng,
trận chiến nào anh hùng đấy. Trận chiến diễn ra của mấy du kích trên ao làng
không thể được gọi là thủy chiến vĩ đại. Và cho dù du kích quân có được tặng
huân chương thì không bao giờ có thể mang bóng dáng của thủy sư đô đốc lĩnh
huân chương trong tiếng kèn khải hoàn ca của dàn nhạc hạm đội.
Anh hùng vào trận mang theo những gì? Nào tiếng vó ngựa
dồn dập, tiếng binh khí dội vang, mùi thuốc súng khét lẹt, cờ tã nát bay phần
phật, và những tiếng nổ long trời lở đất… Mấy nhà thơ cảm xúc của chúng ta vào trận
bằng cái gì? Mấy vần thơ lèo tèo lao vào chiếu, giọng ẽo ợt ngân nga, tay múa
ly rượu nhạt, vài người còn chưa uống xong tách chè nóng, bài thơ của họ đã đọc
xong và đang đòi chuyển sang bài thứ ba.
Anh hùng ở chiến trận đối diện với kẻ thù! Anh hùng của
công lý đối diện với mười phương thụ địch! Anh hùng trên sách vở đang sôi kinh
nấu sử! Vậy anh hùng của mấy vần thơ đối diện với cái gì? Có phải chỉ là mấy
câu ngâm nga ham vui, rồi sau đó tìm cách ẵm giải để chứng minh bản thân có tài
năng xuất chúng siêu việt? Nhưng giá trị lớn của loài người như tự do, bình
đẳng, bác ái, lập hiến, lề luật, qui tắc sống luôn lảng tránh. Và tự tuyên ngôn
một lời đầu hàng ngay phút mở màn “cơm áo không đùa với khách thơ” thử hỏi tài
năng thơ qui hàng giá áo túi cơm đó anh hùng cỡ nào?
Trận chiến lớn mới có anh hùng lớn. Thử hỏi trận chiến
chiếu thơ tạo ra anh hùng cỡ nào đây? Và một quốc gia có cả triệu người đòi
“lăn xả” vào chiến trường rượu thịt chiếu thơ, thử hỏi văn hóa quốc gia còn
nghèo hèn đến bao giờ nữa?
03/08/2013
NGUYỄN HOÀNG
ĐỨC
No comments:
Post a Comment