Trang

Friday, January 27, 2012

NGUYỄN TRỌNG TẠO: ĐA TÀI, ĐA MANG, ĐA HỆ LỤY


Thơ và trường ca của Nguyễn Trọng Tạo in năm 2011 dày hơn 550 trang đánh dấu nửa thế kỷ chung tình với thơ. Không có nghĩa anh không léng phéng với nhạc, với họa và cho ra những đứa con tử tế. Như anh nói: “Con người không có thơ thì chỉ là cái máy bằng xương thịt. Thế giới không có thơ thì chỉ là cái nhà hoang”. Vì thơ - có khi anh phải “đi đày”, có khi lại ngồi cùng chiếu với thi hào được giải Nobel.
Nguyễn Trọng Tạo và nhà thơ Mỹ Paul Hoover tại San Fransico năm 2008
Là nhà thơ, nhạc sĩ lại còn vẽ tới 500 bìa sách. Anh bén duyên với từng loại hình nghệ thuật như thế nào? Và đầu tư tâm sức đến đâu cho mỗi loại?
Đã gọi là duyên thì nó là tự nhiên, “nhân duyên là chuyện của giời”. Tôi làm bài thơ đầu tiên năm 14 tuổi, giọng thơ già như người lớn: Bạn ơi trăng quá ngây thơ/ Còn tôi cằn cỗi, già nua thế này/ Bao giờ tôi hóa làn mây/ Hẳn tôi muôn thuở sum vầy cùng trăng… Năm 16 tuổi đã vẽ “tranh Bờ Hồ” cùng bạn đi bán tận chợ Vinh, chợ Giát nên mới có câu thơ ghi lại: Những bức tranh sơn thủy đầu tiên/ đã chiêu đãi chúng tôi quýt cam và bánh mì/ Đêm no nê nhìn phố xá trăm màu/ tối tìm chỗ ngủ lang thang nhớ mẹ.
18 tuổi tôi cũng viết được một bài hát cho đội văn nghệ xã tham gia hội diễn huyện. Cũng năm đó, tự làm chiếc đàn violon, chơi trong buổi chào cờ của trường cấp ba Diễn Châu 2 thời Mỹ ném bom miền Bắc.
Trước khi vào lính, bắt đầu ghi nhật ký bằng thơ vào sổ tay, được nhà thơ Trần Hữu Thung mời tiếp nhà thơ Phùng Quán một đêm trắng ở quê, uống rượu và đọc thơ. Hai nhà thơ khuyến khích làm thơ, tôi chép cho anh Trần Hữu Thung ba bốn bài, anh ấy đưa vào một cuộc thi ở tỉnh và được giải. Tôi nhớ hồi còn tân binh ở miền núi Thanh Hóa, phải đi bộ 10 cây số tới bưu điện Chuồng mới nhận được mấy chục đồng giải thưởng. Nói chung là nó cứ “tự nhiên” như thế.
Nghe nói hồi bé anh được chọn vào đội tuyển Toán lẫn Văn, rồi được chỉ định đi thi Văn. Anh thấy có hạn chế gì khi được trời phú cho quá nhiều khả năng nên không biết chọn cái nào để thi triển như vậy?
Đúng vậy, tôi dự thi học sinh giỏi Văn miền Bắc, cũng thi đậu trường chuyên Toán của tỉnh nhưng không nhập học vì xã “găm” giấy gọi quá ngày. Chả sao, tôi vẫn học tốt, và sáng tác một cách tự nhiên. Đã làm theo năng khiếu thì chả có gì gọi là “hạn chế” cả. Thích gì làm nấy. Nhưng khi có nhiều bài thơ in báo, phát trên đài thì tôi tự bảo mình coi thơ như nghiệp.
Anh có ít nhất hai bài hát rất nổi tiếng (“Làng quan họ quê tôi” và “Khúc hát sông quê”). Điều mà những người chỉ làm nhạc sĩ cũng thèm muốn. Uẩn khúc gì khiến anh không trở thành một nhạc sĩ chuyên nghiệp hơn, có nhiều bài nổi tiếng hơn?
Trước khi viết Làng quan họ quê tôi (1978), tôi đã có mấy chục bài hát cho đội tuyên truyền văn hóa trung đoàn, sư đoàn mà tôi làm đội trưởng. Một số bài được giải, được phát sóng trong chương trình ca nhạc Đài TNVN. Có người khuyên tôi thi vào trường nhạc, nhưng tôi nghĩ muốn thành nhạc sĩ “tử tế” thì phải học nhạc viện nước ngoài(!) Một ý nghĩ lạ thế. Còn chỉ làm nhạc sĩ viết ca khúc thì tôi nghĩ là kiến thức âm nhạc mà tôi đã được thụ hưởng từ thầy Ngô Trí Thậm và mấy lớp sáng tác của quân đội cũng vừa đủ rồi. Vì thế, tôi chọn vào học trường viết văn Nguyễn Du khóa đầu tiên.
Anh thấy mình nổi tiếng là nhà thơ hay là nhạc sĩ? Người hâm mộ bày tỏ tình cảm với anh bằng cách nào?
Nếu được nghe một người đọc thuộc bài thơ của tôi và một người hát bài hát của tôi thì tôi thích nghe đọc thơ. Thuộc bài thơ khó hơn.
Tôi rất thú vị khi được xem những cuốn sổ tay sinh viên chép thơ mình, hay nghe người nào đó đọc lại bài thơ mình đã quên. Còn bài hát của tôi thì nhiều người hát qua điện thoại cho tôi nghe, nhưng nghe nhiều quá lại có cảm giác mệt vì có người hát lúc họ đang say rượu hoặc vào lúc tôi đang ngủ.
“Có sự tương đồng giữa Nguyễn Trọng Tạo và Pablo Neruda. Phẩm chất của tình ca nằm trong khá nhiều bài thơ mang lại một năng lực ám ảnh. Với cả Tạo và Neruda, đó là bản tình ca được mãnh lực của tự nhiên giải thoát khỏi những đè nén nhân tạo. Trong cả hai có một cảm thức rằng tình yêu có cuộc sống tự nó, không lệ thuộc vào người yêu và người được yêu.” - Mary E.Croy, nhà thơ Mỹ
Trong thời đại nghe nhìn, thơ có vẻ bị lép vế? Nếu cho anh chọn lại, anh sẽ làm... nhạc sĩ hẳn chứ?
Nếu nhìn vào lượng sách thơ xuất bản và công bố trên internet, trên báo giấy thì chưa bao giờ thơ lại nhiều như bây giờ. Nghĩa là người làm thơ và người đọc thơ gia tăng khủng khiếp. Với tôi thơ vẫn là thế mạnh.
Dù thời nào, thơ vẫn lặng lẽ đi con đường của nó, và khi đã chinh phục được lòng người thì nó có sức công phá ghê gớm. Trong lịch sử, nhiều nhà thơ bị hàm oan, vì triều đình sợ thơ hơn sợ nhạc. Ngay trong bảng xếp hạng các vị thần, thần thi ca vẫn được xếp đầu bảng về nghệ thuật. Vì thế, thơ không dễ như nhiều người lầm tưởng.
Đến tuổi tôi thì chả còn gì để lựa chọn nữa, bởi tôi đã chọn thơ từ rất sớm. Nhưng nếu buộc phải lựa chọn lại thì tôi thích câu thơ của Bertolt Brecht “Nếu phải đi trở lại/ Tôi lại đi đường này”.
Anh từng gặp những rầy rà gì khi viết những bài thơ đi trước thời đại như “Tản mạn thời tôi sống”?
Làm lính trinh sát hay lính xung kích thì dễ hi sinh. Những nhà thơ đi trước thời đại cũng vậy thôi, họ nhìn thấy những gì người thường chưa thấy, hoặc thấy mà không nói ra được, hoặc thấy mà không dám nói ra. Nhưng đã là nhà thơ thực sự thì anh phải hướng tới sự thật dù vinh quang hay đau buồn của chính anh và của cả thời đại mình đang sống.
Tôi là kẻ “đau buồn lạc quan” nên tôi không sợ nói ra sự thật bằng thơ. Vì thế mà gặp không ít rầy rà. Ví dụ lúc mới in, Tản mạn thời tôi sống bị cấp trên nhận xét “không có lợi cho ta, dễ bị địch lợi dụng”, dù nhiều người thích và thuộc bài thơ này. Và vì thế tôi phải rời Hà Nội 15 năm, như tôi vẫn tự đùa mình là “nàng Kiều lưu lạc”.
Có khi do anh là bộ đội lâu năm nên... không ai dám làm gì anh? Thật khó hình dung nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo lúc cầm súng như thế nào?!
Vâng, tôi có thời gian làm lính 20 năm (1969-1988). Sau 1975, đi cùng bộ đội tình nguyện đến tận bản Son (Lào) mấy lần hút chết. Tháng 2-1979 đến tận vùng chiến sự biên giới Cao Bằng cùng bộ đội trong những ngày ác liệt nhất và viết nhiều bài về cuộc chiến đấu này, trong đó có Tản mạn thời tôi sống in báo Văn Nghê (1981). Sau khi đọc bài thơ này, bạn tôi bên bộ Công an là Nguyễn Đăng An bảo tôi đừng ra khỏi quân đội, vì ra là dễ bị “đánh” đấy(?) Nhưng quân đội cũng không để tôi ở lại Hà Nội được.
Mãi đến thời Đổi Mới, Tản mạn thời tôi sống được in lại, được đánh giá là “đổi mới trước đổi mới”.
So với các nhà thơ cùng thế hệ, có vẻ anh viết trực diện về libido hơi nhiều?
Tình dục là vấn đề quan trọng của con người. Văn chương không thời nào thoát được nó. Tôi nghĩ, nếu Tây du ký mà bỏ nhân vật Trư Bát Giới thì sẽ mất đi phân nửa sự hấp dẫn và giá trị của cuốn sách. Thơ tôi cũng quan tâm đề tài tình yêu, nên trực diện về libido là hợp lý. Nhưng tôi có cách của tôi, không bao giờ sỗ sàng về chuyện này, mà chủ yếu hướng vào cảm giác và triết lý. Ví dụ tôi viết về Biển Hồ ở Tây Nguyên được hình thành sau địa chấn núi lửa, khiến người ta liên hệ đến thơ libido: Anh nín thở đến tột cùng máu ứa/ Cột lửa phun nham thạch phì nhiêu/ Rồi chết lặng trong vỗ về mơn trớn/ Mười ngón dài thon của gió chiều…
Nguyễn Mạnh Hà
(Nguồn: Tiền Phong số Tết Nhâm Thìn)

1 comment: