Trang

Thursday, January 26, 2012

TẤM BIỂN THƠ ĐỘC NHẤT VÔ NHỊ, TỎA SÁNG THƯƠNG HIỆU LÀNG CHÙA


Người làng Chùa (xã Sơn Công, Ứng Hòa, Hà Nội) từ trẻ đến già xuất khẩu thành thơ là điều rất nhiều người biết tới. Nhưng ở ngôi làng nghèo nằm bên bờ con sông Đáy hiền hòa ấy có những điều đặc biệt về thơ và người mà mỗi ai ghé qua đây đều ngỡ ngàng. Những tấm biển mang chính thương hiệu làng Chùa như một nét văn hóa độc nhất vô nhị ở các vùng quê Việt Nam.
“Lời người làng Chùa” có nhiều tác dụng tích cực
 trong đời sống. Ảnh: HẢI DƯƠNG

Chuyện lạ ở làng thơ

“Người làng Chùa lấy đức làm gốc và lấy thơ để truyền đức”.

“Thuộc một bài thơ hay thì quên đi một câu chửi độc”.

“Thơ không làm ra lúa vàng gạo trắng, nhưng thơ làm ra giấc mơ cho người gieo trồng”.

“Mất nửa đời học làm thơ, mất cả đời học làm người”.

“Một chữ có Ân thì nở hoa, vạn chữ chỉ có Oán thì sinh sâu bọ”...

Vào làng Chùa, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên trước những tấm biển thơ rất lạ và độc của người làng Chùa. Thấy chúng tôi, anh Tâm (Vân Đình, Ứng Hòa) đang chở gạch thuê vào làng Chùa không ngần ngại cho biết: “Đi nhiều nơi, tôi thấy các làng xã hay treo băng rôn đỏ chóe nhưng khô khan nên rất ít người nhớ được vào đầu. Khi vào làng Chùa, tôi đã bị ấn tượng ngay bởi những tấm biển Lời người làng Chùa rất lạ này. Nó bình dị, đơn giản nhưng đáng để chúng ta phải suy nghĩ. Tôi thấy những tấm biển ấy phù hợp với cảnh sắc của làng quê và giúp mọi người hiểu hơn về người làng Chùa”.
Ai vào làng Chùa cũng tò mò về
những tấm biển độc và lạ. Ảnh: HẢI DƯƠNG

Tại sao một ngôi làng để xe giữa đường cả tiếng đồng hồ cũng chẳng cần phải lo nghĩ mất trộm? Tại sao bao năm nay chưa từng có một hiện tượng nghiện hút trong làng? Ông Ngô Đức Đạo, Trưởng thôn Chùa, cho biết an ninh trật tự nơi đây tốt, tình làng nghĩa xóm luôn chan hòa là nhờ một phần rất quan trọng của thơ ca. Đặc biệt, những tấm biển Lời người làng Chùa như một công cụ tuyên truyền rất bổ ích để chính con người làng Chùa biết sống sao cho tốt đẹp, xứng đáng với truyền thống văn hóa của làng quê, gia đình và đẹp trong mắt những vị khách phương xa tới thăm. Những người đang dạy con, đánh con... tự trông và đọc các câu nói của chính dân làng mình được treo trên biển để điều chỉnh mình sống cho đúng mực, đúng lễ giáo.

“Không có ăn thì không thể bước đi, nhưng không có học thì không nhìn thấy đường” hay “Người yêu thơ và ta yêu người, nhưng người không yêu thơ ta phải yêu người hơn”. Lời người làng Chùa giúp chúng tôi cảm nhận nét văn hóa độc đáo rất riêng của người dân nơi đây. Đọc Lời người làng Chùa, ai cũng phải trầm ngâm, suy nghĩ về bao điều bổ ích. Người làng Chùa còn rất nghèo nhưng vẫn giữ được tình làng nghĩa xóm chan hòa yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Chính họ đã nghĩ ra những câu nói, những lời như để truyền đạt lại, răn dạy con cái và lớp trẻ trong làng.

“Slogan” người làng Chùa

Để chúng tôi hiểu hơn về những tấm biển treo dọc tuyến đường làng, ông Lê Xuân Sủng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ làng Chùa, dẫn chúng tôi tìm gặp cụ Nguyễn Gia Tế. Cụ Tế năm nay đã 82 tuổi, lưng còng nhưng còn khỏe mạnh. Cụ Tế nói giọng sang sảng: “Tôi nói và đọc thơ cả ngày không biết chán, không biết mệt. Người ta nghiện rượu nghiện cờ nhưng cả đời tôi chỉ nghiện duy nhất có thơ mà thôi”.
 Cụ Tế chỉ lên dòng chữ Hán Vọng Tự Nhập Xuất
ở cổng làng Chùa. Ảnh: HẢI DƯƠNG

Nói đoạn, cụ Tế đọc cho chúng tôi nghe hàng chục bài thơ của bản thân cụ cũng như của những nhà thơ nổi tiếng. Cụ Tế nói ngay: “Cậu hay bất kỳ ai chưa vào làng Chùa đều phải biết điều này: Khi chuẩn bị bước qua chiếc cổng làng, hãy nhìn lên bốn chữ Hán Vọng Tự Nhập Xuất khắc trên đó”. Vừa nói, cụ vừa đưa chúng tôi ra cổng làng để mục sở thị điều ấy. Cụ cho biết: Vọng Tự Nhập Xuất có nghĩa là trông chữ để ra vào làng. Người làng Chùa trọng câu thơ, trọng cái chữ và cái tình hơn hết thảy.

Qua chiếc cổng to đẹp ấy, đi trên con đường bê tông nhỏ chạy dọc theo làng, chúng tôi thấy những tấm biển bằng sắt treo trên cột điện. Ông Lê Xuân Sủng nhớ lại: “Năm 2006, sau khi có ý tưởng của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, tôi khi đó đang làm trưởng thôn và chủ nhiệm câu lạc bộ thơ làng Chùa đã trao đổi với các hội viên và quyết định đặt làm 22 tấm biển sắt ở trên Hòa Bình. Sau đó, chúng tôi gắn những dòng chữ là các câu nói Lời người làng Chùa lên đó”.

Do điều kiện kinh tế của địa phương rất khó khăn, nhất là đối với một làng quê nghèo như ở thôn Chùa, câu lạc bộ thơ chỉ có thể làm 22 tấm biển với 44 câu Lời người làng Chùa.

Khi mới được treo lên cột điện, những tấm biển độc nhất vô nhị này đã ngay lập tức thu hút sự chú ý của mọi người. Ông Sủng hào hứng: “Cô bán rau đi qua, bà chăn bò đi lại, rồi những em nhỏ đang tíu tít cắp sách đến trường đều ngước mắt nhìn các dòng chữ trên biển. Mọi người tấm tắc khen ngợi sự trí lý, trí tình của nó”. Những người bên ngoài khi vào làng Chùa cũng đều đọc những tấm biển một cách tò mò xen lẫn suy tư, thán phục.

Cả làng yêu thơ

“Nếu hỏi người làng Chùa về thơ thì từ em nhỏ lớp 3, lớp 5 đến những cụ lão 80, 90 đều có thể đọc vanh vách hàng chục bài ngay lập tức. Thậm chí, họ còn có thể làm được thơ ngay theo một chủ đề nào đó. Nhưng có những câu nói, lời dạy của cha ông thì không phải ai cũng biết. Vì vậy, Lời người làng Chùa được treo lên biển là cách truyền tải và lưu giữ tốt nhất” - cụ Tế cho biết.

Người làng Chùa yêu thơ tột đỉnh đã hàng trăm năm nay. Truyền thống đó dường như ngấm sâu vào máu thịt của họ. Cụ Tế nhớ lại thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám, nơi đây có tên là thôn Hoàng Dương thuộc phủ Ứng Hòa (còn làng Chùa là cách gọi nôm) đã có hai văn hội. Cứ rằm tháng Giêng hằng năm, khi rước thành hoàng thì hai văn hội này lại thi thơ với nhau. Không chỉ có cụ Tế, ông Sủng mà ai ai chúng tôi gặp đều nói rằng thơ làng Chùa nếu xuất bản phải có hàng trăm, hàng ngàn tập. Nhưng người làng Chùa đều làm thơ không phải vì mục đích tiền bạc, danh vọng, sự nổi tiếng.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - người đưa ra ý tưởng
làm tấm biển treo “Lời người làng Chùa”. Ảnh: LÊ THIẾT CƯƠNG

Ông Sủng nhấn mạnh: “Ai muốn làm thơ gì thì làm và tối thứ Năm hằng tuần lại tập hợp để đọc trên đài truyền thanh. Mọi người không chê bai thơ của nhau, cũng không ai gửi cộng tác để lấy tiền nhuận bút. Người làng Chùa sáng tác thơ không giống bất kỳ ai. Họ lấy thơ làm liều thuốc an thần, thuốc bổ để sống tốt hơn, để hăng say lao động sản xuất và để hiểu nhau hơn, quý nhau hơn, để tình làng nghĩa xóm mãi được duy trì và truyền thống làng thơ không bao giờ mai một”.

Ý tưởng lạ

Chủ nhân của ý tưởng đề thơ lên tấm biển chính là nhà thơ - nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Nhắc đến ông, người ta nhớ ngay đến những tác phẩm tiểu thuyết, truyện ngắn và thơ đương đại nổi tiếng. Ông cũng là người con sinh ra và lớn lên ở mảnh đất làng Chùa, nằm ven con sông Đáy hiền hòa. Tuy đang công tác và sinh sống tại TP Hà Nội, Nguyễn Quang Thiều luôn hướng hồn thơ, hồn mình về mảnh đất làng Chùa. Hơn ai hết, ông hiểu được quê hương là chùm khế ngọt như thế nào và luôn mong muốn làm được nhiều hơn cho quê hương khi mình đã có chút tiếng tăm trên thi đàn, văn đàn của nước nhà.

Ông Thiều đã nhiều lần tâm sự chính người mẹ tảo tần mưa nắng sớm hôm ở quê nghèo đã nuôi dưỡng tâm hồn thơ, hồn văn cho mình. Đặc biệt, mẹ đã kể cho ông nghe nhiều câu nói đúc kết qua các thế hệ người làng Chùa. Với ông, những câu nói đó không đao to búa lớn nhưng nhẹ nhàng tinh tế và như có một sức mạnh cứ ngấm dần vào tâm trí con người, vượt qua thời gian để không bao giờ tàn phai. Rồi ở đâu đó, qua lời ăn tiếng nói của những người hàng xóm láng giềng quê mình, ông lại ngộ ra và bổ sung được thêm nhiều câu nói, lời đúc kết về cuộc sống mới.
 Một cách lưu truyền văn hóa làng qua các thế hệ. Ảnh: HẢI DƯƠNG

Nhà thơ cho biết: “Hiện nay, làng Chùa có khoảng 100 câu như những tuyên ngôn bình dị về cuộc sống, đạo lý làm người vô cùng quý giá. Nó được chắt lọc qua nhiều thế hệ người yêu thơ, say thơ”. Nhưng việc đúc kết và sưu tầm những câu nói, ngạn ngữ của người dân mà chỉ để viết ra sách cất kỹ trong tủ thì quả là điều đáng tiếc. Chính từ suy nghĩ ấy, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã phối hợp với những hội viên câu lạc bộ thơ làng Chùa sáng tạo ra ý tưởng treo các tấm biển ghi câu nói của nhiều thế hệ dân làng. Hơn 100 câu đó đều được gói vào cụm từ “Lời người làng Chùa”.

“Những câu nói ấy chính là kết tinh đạo làm người của dân làng Chùa. Nơi đây, thơ ca chính là phương tiện truyền tải đạo làm người ấy” - Nguyễn Quang Thiều tâm sự.

HẢI DƯƠNG
(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 174)

No comments:

Post a Comment