Trang

Monday, February 6, 2012

NGÀY THƠ LẦN THỨ X VÀ 10 NĂM NHÌN LẠI LỄ HỘI THI CA


Dù diễn ra sớm một ngày so với thông lệ cộng với ảnh hưởng của thời tiết, nhưng Ngày thơ Việt Nam lần thứ X năm 2012 vẫn diễn ra khá đông đúc và có thêm nhiều điểm mới.

Xuất hiện nhiều ngôn ngữ, màu da trong ngày thơ lần thứ X

Ngày Hội thơ năm 2012 là sự tiếp nối của Liên hoan thơ châu Á Thái Bình Dương lần thứ nhất tại Quảng Ninh. Chính vì vậy mà có nhiều nhà thơ từ các quốc gia và vùng lãnh thổ vừa từ Liên hoan thơ về với Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội tham dự. Từ các hàng ghế của sân thơ truyền thống và sân thơ quốc tế, cho đến dọc lối đi ra đi vào của Văn Miếu có thể dễ dàng nhận ra nhiều bạn thơ nước ngoài tham dự trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ 10.
Ở sân thơ truyền thống, sau phát biểu khai mạc của nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, bài thơ Nguyên Tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được đọc và ngâm từ nguyên tác chữ Hán rồi thơ dịch.
Dẫn chương trình ở các sân thơ năm nay cũng xuất hiện hai ngôn ngữ là tiếng Việt và tiếng Anh.
Với chủ đề hướng tới 80 năm Thơ Mới, từ cổng vào đã có triển lãm các nhà văn, nhà thơ của phong trào Thơ Mới thu hút được khá nhiều công chúng dừng chân. Trải qua 80 năm, hầu hết các nhà văn, nhà thơ tiêu biểu của giai đoạn đó đã không còn, chỉ còn duy nhất một nhà thơ. Để tưởng nhớ thế hệ nhà văn đã để lại dấu ấn cho nền văn học Việt Nam, cả Hội thơ đã lặng đi trong một phút tưởng nhớ.
Tiếp sau đó là các chương trình ca, múa và thơ song ngữ. Tất cả các nhà thơ lên sân khấu đọc thơ đều được dịch từ bản ngữ sang tiếng Anh và tiếng Việt. Xen kẽ là các tiết mục múa của nghệ sĩ đến từ Hoà Bình khá mới lạ, sôi động.
Tại sân thơ Quốc tế, không khí có phần gần gũi hơn. Nhưng khác với hình dung của nhiều người ban đầu, có lẽ đến phút chót, sân thơ này với tên gọi là “Sân thơ trăm miền”. Tên gọi Sân thơ trăm miền ở giữa, hai bên có hai tiêu đề phụ là Ngày thơ Việt Nam lần thứ 10 và Liên hoan thơ châu Á Thái Bình Dương lần thứ nhất. Để tên “Sân thơ trăm miền” thể hiện sự khéo léo, tinh tế của Ban tổ chức, vì trăm miền cũng mang trong nó tính đa dạng, phong phú, tính “quốc tế”. Những bài thơ được đọc, ngoài dịch song ngữ còn có các phần minh hoạ. Phần minh hoạ này gợi cho nhiều người nhớ đến trình diễn thơ của sân thơ trẻ các năm trước. Tuy nhiên, phần “trình diễn” năm nay cũng ở trong một chừng mực nhất định, chứ không gây” sốc” như một vài năm qua.
Ở sân thơ trăm miền còn có sự xuất hiện của 10 Hội văn học nghệ thuật là: Hà Nội, Hà Tĩnh, Hà Nam, Phú Thọ, Hải Phòng, Thái Nguyên, Cao Bằng, Vĩnh Phúc, Hoà Bình, Ninh Bình dọc hai bên dưới dạng các gian trưng bày, giới thiệu.
So với sân thơ Truyền thống thì sân thơ Trăm miền không khác nhau nhiều. Thậm chí không ít nhà thơ cho rằng, sân thơ Trăm miền là sự tiếp nối chương trình của sân thơ Truyền thống.
Nhận xét về Ngày thơ Việt Nam lần thứ 10 năm nay, nhà thơ Vân Long cho rằng: Ban chấp hành Hội Nhà văn luôn luôn có sáng kiến và tìm nội dung đổi mới cho Ngày thơ. Năm nay, ngoài Liên hoan thơ châu Á Thái Bình Dương còn có triển lãm 80 năm Thơ Mới. Có thể coi đây là công tác ngoại giao rất giỏi của Hội Nhà văn, vì văn hoá, thơ ca là thứ mà mọi người gần nhau, hiểu nhau nhanh nhất. Bên cạnh đọc thơ và thể hiện những gì gần với thơ nhất, như văn hoá dân gian, ca trù, đồng dao đã làm cho thơ mới mẻ, sáng tạo, không còn sơ cứng và phần Hội đã lấn phần Thơ.
Điều dễ dàng nhận ra ở Ngày thơ lần thứ X là sự giao lưu, thân tình của thi ca Việt Nam với công chúng và bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, ở cả hai sân thơ công chúng yêu thơ không thể tìm thấy thông tin giới thiệu các nhà thơ quốc tế đến và đọc thơ tại Việt Nam. Bản thân các cá nhân nhà thơ đương đại của Việt Nam cũng mất đi cơ hội được giới thiệu, ra mắt công chúng ở các gian hàng hay poster như mọi năm, nhất là trong năm nay có hai nhà thơ trẻ được giải thưởng Hội Nhà văn là Đỗ Doãn Phương và Đinh Thị Như Thuý.

10 năm, kịch bản nào cho lễ hội Thơ ca Việt Nam

Có cảm nhận, ngày thơ Việt Nam năm 2012 thiếu không gian dành cho thơ trẻ như mọi năm từng có. Và vấn đề đặt ra là, vậy sau 10 năm, sau 10 lễ Hội thơ đã qua chúng ta có cần một kịch bản riêng cho Ngày thơ Việt Nam, hay mỗi năm bắt buộc phải có một kịch bản khác?
Bản chất của Thơ ca là sáng tạo. Chúng ta không phủ nhận điều đó. Bản chất của Ngày thơ Việt Nam là một lễ Hội của thời đại mới - không phải lễ hội truyền thống mà chúng ta đã và đang có rất nhiều hiện nay. Nếu căn cứ vào những lý do đó thì bắt buộc ngày Hội thơ hàng năm phải mới. Đó là đòi hỏi của công chúng. Và để đáp ứng đòi hỏi này thuộc về Ban tổ chức, thuộc về Hội Nhà văn.
Nói như nhà thơ Vân Long, thì nếu năm nào cũng mới, năm nào cũng là thử nghiệm, thì khó tránh khỏi những khiếm khuyết. Có thể có cái thành công hay thất bại mà chúng ta chưa nhận ra ngay để tiếp tục phát huy hay chỉnh sửa. Nếu muốn năm nào cũng mới thì công chúng phải biết chấp nhận khiếm khuyết đó.
Tuy nhiên, nếu cứ chạy theo đòi hỏi đó thì đến bao giờ và khi nào mới có một kịch bản cho lễ hội Thơ ca Việt Nam? Bởi rồi thời gian qua đi, vài chục năm sau Hội thơ sẽ trở thành ngày Hội truyền thống?.
Bản thân thơ ca ở mỗi thời đại, mỗi thế hệ, mỗi người, mỗi năm, mỗi vùng miền, thậm chí mỗi ngày mỗi giờ đã khác nhau. Vì thế nếu cho rằng, có một kịch bản thống nhất cho Ngày thơ là sự lặp lại, thiếu sáng tạo là một nhận định sai lầm. Vẫn là đọc thơ, nhưng nội dung bài thơ khác nhau tự nó đã kéo theo một loạt sự thay đổi, mới mẻ cho thi ca và công chúng.
Sau 10 năm tổ chức Ngày thơ, có thể đây được xem là thời điểm thích hợp nhất để chúng ta nhìn lại chặng đường đã đi qua mà đúc rút. Với hai sân thơ chính, chúng ta có thể giữ lại gì, có thể thêm, bớt cái gì để nhìn vào Ngày thơ hàng năm, công chúng có thể phần nào định hình được thơ ca đương đại. Phần thêm, bớt đó hoàn toàn phụ thuộc vào chủ đề muốn nhấn theo từng năm trên nền kịch bản chính. Còn các năm chẵn và các năm đất nước có những sự kiện lớn thì Hội thơ sẽ tổ chức hoành tráng hơn. Như vậy, Ngày thơ vẫn đảm bảo được sự tươi mới, đảm bảo tính thơ và một lễ Hội được chào đón trong dịp Nguyên Tiêu hàng năm.
Chứng kiến nhiều người đi Hội thơ năm nay mới thấy, họ vô cùng lúng túng không biết gọi sân thơ Quốc tế - đã được đổi tên là sân thơ Trăm miền là gì. Người thì gọi là sân thơ Trẻ như mọi năm, người thì sân Quốc tế, người thì sân Trăm miền. Có người lại ngạc nhiên, sao ở sân thơ truyền thống có cả Việt Nam và nước ngoài đọc thơ thì ở đây cũng có. Rồi có người còn hỏi; thế năm nay có sân thơ thiếu nhi không?... Cứ như thể, nếu họ không cập nhật tin tức từ Hội Nhà văn thì khó biết được Ngày thơ năm nay có gì và thay đổi như thế nào.
Xây dựng một kịch bản chính cho Ngày thơ chính là định hình một nhu cầu thẩm mĩ cho công chúng.
Hiền Nguyễn
(Nguồn: VHQN)

No comments:

Post a Comment