Trang

Sunday, February 19, 2012

NHÀ THƠ ĐỖ DOÃN PHƯƠNG: CÓ NẰM MƠ CŨNG KHÔNG NGHĨ MÌNH ĐOẠT GIẢI

Vừa qua, việc nhà báo, nhà thơ Đỗ Doãn Phương đoạt "cú đúp" giải thưởng văn học là Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và Giải thưởng của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (UBTQLHCHVHNTVN) với tập thơ "Hoan ca" đã thực sự tạo nên một bất ngờ với đông đảo bạn đọc. 

- Thưa nhà thơ Đỗ Doãn Phương, nhiều người tỏ ra khá bất ngờ khi một trong những giải thưởng của Hội Nhà văn năm 2011 thuộc về "Hoan ca" của anh - một cây bút trẻ khá "ẩn dật" trong việc làm thơ. Về phía mình, anh có thực sự bị bất ngờ?
+ Có lẽ tôi mới là người cảm thấy bất ngờ nhất khi trong danh sách giải có tên mình. Thực lòng mà nói, ai làm văn, làm thơ cũng nghĩ văn thơ mình là hay, là "nhất". Tôi cũng thế, nhưng tôi rất biết rằng với tuổi đời, tuổi nghề, với bề dày sáng tác của mình còn chưa thấm vào đâu như thế, thì có nằm mơ cũng không nghĩ mình lại đoạt giải của Hội Nhà văn Việt Nam, và tiếp theo là giải thưởng của UBTQLHCHVHNTVN để trở thành một "cú đúp".
Tôi luôn nghĩ mình là người sáng tác a-ma-tơ, là người viết văn ở "chiếu dưới", và hơn nữa, với những ồn ào quanh tập thơ trước của tôi (Những ngọn triều nhục cảm) ở vòng chung kết Giải thơ Bách Việt, tôi còn nghĩ mình vô hình trung đã bị xem là tác giả "thời thượng", với những sáng tác có phần gây sốc. Nhưng thực ra, từ tập thơ đầu tay mang tên "Ánh chớp" đến "Những ngọn triều nhục cảm" rồi "Hoan ca", tôi luôn đặt ra cho mình những tiêu chuẩn "cổ điển" về thơ.
- Không nhận mình là người làm văn chương chuyên nghiệp, nhưng với việc đoạt một lúc 2 giải thưởng lớn về thơ với "Hoan ca" và trước đó là lọt vào chung kết Giải thưởng Thơ Bách Việt, hình như anh đang khiến những người làm văn chương chuyên nghiệp... chạnh lòng?
+ Một nhạc sĩ nổi tiếng từng biểu diễn trong các dàn nhạc lớn của thế giới có lần nói với tôi rằng: Các cuộc thi âm nhạc thường là dành cho sinh viên và những người mới bắt đầu vào nghề. Còn những người hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp thì không đánh giá bằng những giải thưởng mà đánh giá qua sự xuất hiện của họ trong các khán phòng lớn, các chương trình biểu diễn đẳng cấp…Tôi không nghĩ rằng, người đoạt giải văn chương trong năm sẽ là người sáng tác hay nhất trong năm đó, bởi những người làm văn chương chuyên nghiệp còn những thang giá trị khác để đánh giá tác phẩm của họ.
- Anh có nghĩ rằng, xu hướng hướng về lực lượng trẻ, trẻ hóa đội ngũ những người viết văn của Ban Chấp hành Hội Nhà văn khóa này đã khiến "Hoan ca" của anh có phần được... ưu ái hơn so với một số nhà thơ  khác?
 + Tôi cũng nghĩ như thế, và tôi thấy mình thực sự may mắn vì có lợi thế là tuổi trẻ. Tuy nhiên, xét một cách công bằng, thì người viết trẻ cũng rất nhiều chứ - ít nhất có thể kể tới trên 100 đại biểu vừa dự Hội nghị viết văn trẻ hồi tháng 9 năm ngoái. Nhưng cuối cùng thì tôi lại được chọn.
- Giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam hay UBTQLHCHVHNTVN đều là các giải thưởng không thể "đùa" được. Có trong tay những giải thưởng văn học uy tín, có thể nói là... danh giá như thế, nhiều người cho rằng, đó là những giá trị "mở đường" để Đỗ Doãn Phương gia nhập đội ngũ những người viết văn chuyên nghiệp bằng cách trở thành Hội viên Hội Nhà văn trong thời gian tới. Vậy việc vào hay không vào Hội Nhà văn Việt Nam có quan trọng với việc sáng tác của anh không?
 + Tôi nghĩ rằng được trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam là một điều quan trọng với tôi. Cũng như khi tôi làm báo, tôi trở thành Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam sau một thời gian làm báo một cách chuyên nghiệp. Tôi hiểu rằng Hội không thể sáng tác thay được cho bất cứ ai. Và trong các hoạt động mang tính cá nhân, thì sáng tác là lĩnh vực mang dấu ấn cá nhân nhất, độc lập nhất và cũng cô độc nhất. Thế nhưng, môi trường sáng tác và các sinh hoạt nghề nghiệp cũng rất quan trọng, nó sẽ thúc đẩy mình làm việc một cách chuyên nghiệp hơn. Tôi cũng nhận thấy rằng trong khi một số người "liều chết" để xin vào Hội, thì cũng có một bộ phận, nhất là một số người viết trẻ, muốn "thể hiện mình" theo cách… "bất cần" các hội hè. Tôi nghĩ, cả hai thái cực đó đều có phần thể hiện sự thiếu tự tin.
- Cha anh - nhà văn Đỗ Doãn Quát đã từng kể rằng khi hay tin mình trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, ông đã phấn khởi đến mức không ngủ được, cả đêm trước ngày ra Hà Nội dự Lễ kết nạp Hội viên mới cũng vậy. Ông đã nói với anh điều gì khi hay tin con trai mình đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn?
+ Tất nhiên, bố tôi rất mừng, thậm chí ông còn nói vui rằng: "Mày nên nghỉ làm báo, từ chức quan "lục phẩm" của mày đi để mà tập trung vào sáng tác". Với ông, đạt được một thành tích nào đó trên văn đàn đáng giá hơn mọi thứ danh lợi trên đời.
- Kể từ khi xuất bản tập thơ đầu đến nay, anh thấy chính mình và thơ mình đã thay đổi thế nào?
+ Triết gia nào đó nói rằng hành trình của tinh thần con người là từ con lạc đà rồi như con sư tử, sau rốt trở về là đứa trẻ. Khi ở tuổi đôi mươi, đọc rộng ra kiến văn của thế giới, tôi cũng muốn bắt chước để chuyển tải những tư tưởng cao siêu. Nhưng rồi may mắn, tôi sớm nhận thấy là mình không nên vay mượn ai, ở đâu, mà hãy quan sát cuộc sống của chính mình và viết một cách giản dị nhất về nó. Thay vì đi đọc các cuốn sách cao siêu, từ mấy năm nay tôi đọc về "gốc". Đó là những thứ ca dao tục ngữ, dân ca, truyện thơ, lời tang ma…của người Kinh, người Mông, người Thái. Mỗi tháng hai lần lên cúng gia tiên, tôi đọc tỉ mỉ cả những bài khấn và ngạc nhiên nhận thấy ở đó những giá trị tinh túy, sơ khởi và khát vọng được dồn nén từ ngàn đời nay…
- Anh quan niệm thế nào về thơ? Đâu là "bến đỗ" trong hành trình tìm đến thơ của Đỗ Doãn Phương?
+ Tôi nhớ nhà thơ Nguyễn Quang Thiều có lần nói đại ý rằng, làm thơ không phải là lúc say sưa, lảo đảo, bồng bềnh trên mây, mà là lúc tinh thần mình lạnh toát, để cả thế giới đi qua mình. Cuộc sống hàng ngày để lại cho chúng ta rất nhiều cảm xúc. Tâm trạng của chúng ta như những đám mây biến chuyển liên tục, và khi uống hai chén rượu vào, chúng ta có nhu cầu giãi bày với tất cả thiên hạ về những muộn phiền của mình. Nhưng thơ phải là điều gì đó ngộ ra giữa dòng tâm trạng miên man, và rồi chính nó sẽ cứu ta thoát khỏi trạng thái hỗn loạn ấy. Và như thế, tôi không xem thơ là một nhu cầu giãi bày với bất cứ ai, kể cả với người phụ nữ mà tôi viết về họ. Có chăng thơ là sự giãi bày với Đấng Tối cao về cuộc sống của mình và khao khát được bất tử như Ngài.
- Anh nghĩ thế nào khi có người nhận xét anh đang bị ảnh hưởng bởi "cái bóng lớn Nguyễn Quang Thiều"?
+ Tôi cho rằng "cái bóng lớn Nguyễn Quang Thiều" mà bạn nói đang đổ lên nhiều thế hệ người làm thơ sau ông chứ không riêng gì tôi. Và tôi nghĩ rằng tôi bắt buộc phải hiểu ông trước khi có thể viết một cái gì đó của riêng mình. Một nhà thơ khác, tôi cảm thấy đổ bóng lên mình nhiều nhất đấy là Baudelaire, bậc thầy của chủ nghĩa tượng trưng. Thậm chí tôi nghĩ rằng, nếu tôi không tình cờ đọc Baudelaire hồi đó thì tâm hồn tôi sẽ không được nới rộng suy tưởng và ngòi bút tôi không thể diễn đạt được những hình tượng nảy ra trong đầu mình.
- Thế hệ của Đỗ Doãn Phương cùng với những cây bút trẻ khác đang được kỳ vọng là sẽ làm nên một diện mạo mới của văn học Việt Nam trong thập niên tới đây. Anh nghĩ sao về sự "lạc quan" này?
+ Từ khi cầm bút đến giờ, tôi luôn có suy nghĩ rằng, tôi sẽ chẳng thể đại diện cho ai ngoài chính bản thân mình. Cuộc sống của tôi là đáng giá nhất. Từ cuộc sống đó tôi sẽ có "nguyên liệu" để sáng tác. Và cứ thế thôi, cuộc sống của tôi đi về đâu, sáng tác của tôi sẽ đi về đó. Tôi không nôn nóng, thúc giục bản thân mình, không đặt ra cho mình những trách nhiệm. Tôi chỉ tin rằng nếu các bạn trẻ cùng trang lứa với tôi, và cả lứa liền trước, liền sau đó, đều tận tụy với cuộc sống và sáng tác của mình, thì nhất định sẽ làm nên một diện mạo nào đó cho nền văn học nước nhà.
- Năm 2011 với Đỗ Doãn Phương quả là một năm có nhiều niềm vui lớn, với một người trẻ như anh thì thật đáng... ngưỡng mộ. Đúng là "song hỉ lâm môn": trở thành Phó Tổng Biên tập Báo Thể thao và Văn hóa và đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Bận rộn bởi công việc làm báo thông tấn liệu có khiến anh trở nên "lạnh nhạt" với thơ?
+ Làm báo và làm văn cũng như "đời" và "đạo". Sống tốt đời, đẹp đạo là phương châm của tôi. Nếu như công việc làm báo thông tấn đòi hỏi phải khách quan, khoa học, chuẩn mực thì việc sáng tác đòi hỏi phải tận hiến cuộc sống riêng tư của mình tới tận cùng. Tôi chỉ rơi vào cảm giác "nhạt nhẽo" với thơ khi không còn mặn mà với cuộc sống này nữa. Và điều đó chắc là còn xa lắm! (cười).
- Xin cảm ơn nhà thơ Đỗ Doãn Phương về cuộc trò chuyện này!
Hà Anh

No comments:

Post a Comment