Trang

Saturday, February 18, 2012

PGS.TS VĂN GIÁ: “BẢO VĂN THANH CHÂU LÀ TIẾNG HÁT CỦA CON DẾ HAY HƯƠNG CỦA LOÀI HOA CHANH CŨNG PHẢI”

Sinh thời, khi còn sinh sống ở căn nhà nhỏ tại phố Trần Quốc Toản - Hà Nội, nhà văn Thanh Châu có một nhóm "bạn bia" gồm họa sĩ Phan Kế An, các nhà thơ Trần Lê Văn, Ngô Quân Miện, Vân Long, nhà văn hoá Hữu Ngọc, dịch giả Lê Sơn, nhà văn Hoà Vang. Họ gặp nhau định kỳ mỗi tuần một lần, thường vào chiều thứ tư để... uống bia, tán chuyện; và nếu ai có bài vở, sáng tác gì thì tiện cho người nhà các báo cứ đến đó mà lấy.

Có lần, tôi được theo chân nhà văn Thanh Châu đến chỗ quán bia vỉa hè Trần Hưng Đạo, nơi các ông thường tụ bạ, làm cái anh "chầu rìa". Gớm, trong câu chuyện của họ, cứ thấy toàn chen tiếng Pháp, cái ngữ biết vài chữ lỗ đỗ như tôi nghe một lúc thấy ù cả tai.
Bụng bảo dạ: "Mặc các cụ cứ tha hồ Phờ- răng-xe, còn nhà cháu đành ngồi uống bia vã vậy, chứ còn biết làm sao". Tôi nhớ, trong câu chuyện của họ, một ai đó nói rằng tối nay có cái giấy mời đi xem kịch (vở kịch của một nhà văn có tiếng, vở kịch này đã viết từ lâu nhưng bị xem là có vấn đề, vẫn đắp chiếu để đấy, nay mới được đem ra công diễn, công chúng có vẻ chờ đón lắm). Bàn về vở kịch này, người thì bảo hy vọng sẽ khá, người bảo cũng đã chắc gì, cái ông (tác giả) này khó tin lắm...
Nhà văn Thanh Châu vốn là người không dễ tính trong việc đánh giá văn chương, lắc đầu chê ông tác giả đó. Thấy thế, họa sĩ Phan Kế An lên tiếng: "Ông cũng nên vừa phải thôi, tôi thấy ông hơi khắt khe đấy". Nhà văn Thanh Châu có ý phân trần: "Các ông không sống ở thời trước nên các ông không thấy được hết, tay này cùng một vài tay có quyền thế khác trù anh em gớm lắm...". Ông kể lại mấy chuyện không vui ngày trước, rồi kết luận: Với cái người như thế, không tin có thể có kịch hay được!
Lúc đó ông mới nhìn sang tôi (từ nãy vẫn ngồi bên cạnh im lặng uống bia) như một sự cầu viện, rồi hạ giọng, nghiêng đầu nói nhỏ vào tai tôi: "Hôm nào tìm cái vở kịch kia cho bọn nó xem để bọn nó biết thế nào là kịch". Cái vở kịch mà ông muốn nhắc đến chính là vở “Bà mẹ” của nhà viết kịch Ba Lan Zec-di Da-ni-ap-ski do ông dịch và đã xuất bản từ năm 1957. Cách đó ít hôm, ông đã nhờ tôi đi tìm ở Thư viện Quốc gia vở kịch mà ông hết lời ca ngợi này, nhưng đến thời điểm đó vẫn chưa tìm thấy.
Khi có trong tay vở kịch kể trên, tôi phải chịu là nhà văn Thanh Châu quả đã không phí phạm lời khen ngợi. Vở kịch đẹp, tinh tế, xinh xắn như một bài thơ. Có gì đâu, chuyện về một người thiếu phụ đi tàu, do tuyết rơi nhiều quá chặn mất đường nên tàu phải đỗ giữa cánh rừng chờ đến khi dọn tuyết xong mới lại có thể tiếp tục chạy được. Trong lúc đợi tàu, chị ta phải đi bộ vào trong làng để kiếm bữa. Không ngờ ngôi nhà chị đến lại chính là nhà của người yêu cũ, giờ đây anh ta đang ở rể, hai vợ chồng cùng chung sống với bà mẹ vợ. Lúc chị đến, chỉ có mình bà mẹ ở nhà. Chị nhận ra anh qua bức ảnh và cây đàn dương cầm cũ kỹ ngày nào.
Ngay từ những phút ban đầu, bà mẹ đã có một linh cảm đặc biệt, nó như thể mách bảo bà rằng sự xuất hiện của người thiếu phụ này chẳng phải điềm lành. Sau rồi, bà mẹ cũng hiểu ra quan hệ trước kia của hai người khi bà nhớ lại có lần đã nhìn thấy ảnh người thiếu phụ này trong ngăn kéo bàn giấy của anh con rể. Bà than vãn rằng anh ta hằng ngày vẫn thường đứng bên cửa sổ, có khi hàng giờ liền, nhìn ra con đường trước mặt; rằng con gái bà sắp đến ngày ở cữ, nên anh ta càng nhìn kỹ về phía gia đình thì tốt hơn là nhìn về phía con đường trước cửa; và bà yêu cầu chị phải ra đi ngay để khỏi gây tai họa rất có thể có cho con gái mình. Chị đã làm theo yêu cầu của bà.
Khi vợ chồng con gái trở về, cả hai người đều nhận thấy mùi nước hoa lạ, mùi thuốc lá còn phảng phất, lại nhận thấy chiếc dương cầm có người vừa chơi, và người chồng đã đưa tay "thản nhiên bấm một vài cung đúng những cung ban nãy thiếu phụ vừa dạo", rồi cuối cùng anh ta đi một mình về phía cửa sổ nhìn ra cánh rừng tuyết phủ mênh mông như hằng ngày anh vẫn thường làm thế. Bản thân anh ta và người vợ của anh mãi mãi không bao giờ biết được rằng người khách nhỡ tàu đó lại chính là người tình cũ của anh...
Đấy, Thanh Châu cho rằng kịch phải như vậy, nghĩa là phải thật tinh tế, nói ra được những điều thầm kín, sâu khuất của tâm hồn con người. Đây là một vở kịch tâm lý, không chạy theo cốt truyện sự kiện, mà chủ yếu thể hiện thật xuất sắc những trạng thái tâm lý phức tạp, bí ẩn, mong manh của tâm hồn con người, nhất là khi con người sống trong địa hạt tình yêu. Chi tiết anh chồng trở về dạo một vài cung đàn đúng với những cung đàn mà người thiếu phụ đã dạo trước đó tưởng như vô tình mà lại hữu tình biết bao - một chi tiết nhỏ thôi đã nói với người đọc (người xem) thật nhiều ý nghĩa, và giàu dư vị.
Chỉ đến khi được đọc phần lớn các tác phẩm của Thanh Châu, tôi mới vỡ lẽ ra rằng Thanh Châu toàn viết một loại văn như thế, toàn yêu và thuỷ chung một loại văn như thế. Cây bút văn xuôi Thanh Châu là một hồn văn lãng mạn từ trong cốt tuỷ, văn ông bao giờ cũng là một sự lắng nghe, rượt đuổi, cố nắm bắt và thể hiện cho bằng được những cung bậc tinh tế, vi diệu của tâm hồn. Ông đi tìm và thể hiện những vẻ đẹp tâm hồn, và trong cái nhìn của ông, tự nơi này bao giờ cũng toát lên cái chất sang quý.
Văn ông từ chối thứ hiện thực xã hội xô bồ, nhem nhuốc, lắm khi bạo liệt của văn chương hiện thực. Văn ông cũng không có ý đồ dự vào các vấn đề xã hội rộng lớn và to tát như đa phần các tiểu thuyết của Tự Lực văn đoàn. Ngay cả phương diện cảnh ngộ, số phận của nhân vật cũng ít được nhà văn quan tâm tới. Thanh Châu chuyên đi vào những trạng thái tâm hồn nhân vật, mà ở trong một truyện ngắn ông gọi là tâm cảnh (Tà áo lụa). Đúng thế, không phải là ngoại cảnh, ngoại giới, những quan sát và thể hiện thế giới bên ngoài bằng một cái nhìn ngoại hiện, mà thế giới nghệ thuật của ông bị hút vào tâm cảnh của đời sống con người. Nơi ấy hiện ra những trạng thái vận động, biến đổi của tâm hồn thường là rất biến ảo, mong manh, không dễ gì nắm bắt nổi. Hứng thú miêu tả của nhà văn Thanh Châu toàn đi vào cõi tâm cảnh mịt mùng như vậy.
Ông cho rằng tâm cảnh chính là nơi biểu hiện của sự sống. Từ "sự sống" mang một nghĩa xác định và rộng hơn từ "cuộc sống", nhằm để chỉ trạng thái tồn tại theo hướng tích cực của con người và thế giới; cuộc sống thông thường nhằm để nói về nhân thế nhiều hơn. Trong các tác phẩm của mình, Thanh Châu thường hay nói nhiều đến sự sống của con người và tạo vật.
Ông viết: "Ban đêm mùi lá cây, mùi đất, mùi ao bèo ở thôn quê làm tôi ngây ngất như một hơi rượu mạnh. Ban đêm, hình như hoa cỏ mới thật là đua sống. Ta thấy chúng nở nang ra, tỉnh táo ra hơn cả ban ngày. Hình như chúng sợ phí mất một giây khắc sống của cái đời hoa cỏ ngắn ngủi" (“Vườn chanh”). "Về quê! Hai tiếng đó ngày nay chỉ gợi cho tôi một cảnh tối tăm, một cảnh thương tâm, một cảnh nghèo nàn với tất cả sự đầy đoạ của một lớp người sống mà không biết rằng mình sống" (“Nhớ quê”), "Cái xó tối tăm nghèo nàn nhất trần gian cũng chứa đựng lúc nhúc những mầm sống dồi dào mãnh liệt (...).Trong mỗi căn nhà tối mịt kia đều có một cái vui riêng, không chuyện nào giống chuyện nào, mỗi một cánh cửa lại mở ra trên một cuộc đời đang nở, đang nhóm, đang tàn" (“Cái ngõ tối”)...
Với Thanh Châu, Cái Đẹp là sự sống, sự sống của chính tâm hồn và sự sống chung quanh trong sự thụ cảm của tâm hồn. Đây là một quan niệm cốt lõi và nhất quán đã chi phối toàn bộ các tác phẩm của Thanh Châu trong suốt cuộc đời cầm bút ngót 70 năm, kể từ tác phẩm đầu tay “Trong bóng tối” (1936) cho đến những tác phẩm cuối cùng.
* * *
Quan tâm tới sự sống thuộc về nội giới, văn ông gọi ra cả một thế giới tâm hồn nhân vật. Các sự việc, tình tiết thuộc đời sống sinh hoạt hàng ngày của nhân vật chỉ còn là nguyên cớ để bộc lộ thế giới nội tâm. Nhân vật của ông dù thuộc tầng lớp những người có học, hay những kẻ dốt nát quê mùa, đều hiện ra như những tâm hồn đẹp, trìu mến, tha thiết với sự sống, với cuộc đời. Được sống trên cõi đời này đã là hạnh phúc, như một ân huệ lớn của tạo hoá ban tặng cho con người. Phải vì một lý do gì mà sự sống ai đó bị tàn lụi thì đó là niềm bất hạnh lớn nhất của kiếp người.
Với một quan niệm như vậy, cho nên trong tác phẩm của Thanh Châu thường xuất hiện một loại nhân vật bị đặt trong tình huống phải đối mặt với phút chót của sự sống, nghĩa là vào cái giờ khắc tử thần ló mặt, thì các nhân vật này gồng mình lên để bám víu vào cuộc đời, hoặc để tỏ mình, để khẳng định mình, để chung quanh thấy mình còn có mặt trên cõi đời này chứ không chịu để mình bị biến mất dễ dàng được. Những phút giây như thế thật kinh khủng đối với con người. Đó là lúc con người ý thức rõ rệt được rằng mình chuẩn bị đi về cõi âm vô cùng, mình vĩnh viễn mất khỏi trên thế gian này, trong khi đó sự sống ngoài kia vẫn đẹp đẽ, to lớn, sống động nhường bao, một sự sống vĩnh cửu mà mình chưa thực sự được sống là mấy.
Tâm lý thèm sống và tiếc sống trong lúc này là một tâm lý phổ quát của mọi kiếp người. Có một người con gái ốm đau, quặt quẹo trong “Vườn chanh”, trước khi tử thần kịp đến, cô đã nhờ đứa em gái đóng giả là mình đến gặp người con trai bên nhà hàng xóm trong một đêm trăng theo lời thư đã hẹn của anh ta cốt để đưa lại cho anh "cái ảo tưởng rằng mình cũng là một người đàn bà đẹp, đủ tư cách để được yêu, và cũng đa tình như những cô gái đương xuân khác".
Lại có nhân vật Hai Giò (“Lớp cuối cùng”) vốn là kép hát nổi tiếng nhưng đã hết thời vì tuổi già, hôm nay trong cơn say chuếnh choáng, lão nhớ nghề, lão thèm hát, lão nhớ lại những ngày xưa hiển hách của mình, lão đã giành lấy sân trò để mà độc diễn, một màn diễn vô song trong niềm kinh ngạc của mọi người, cuối cùng lão đã vấp, lão không nhớ nổi câu hát tiếp, lão đã giận thân mình, lão hét lên, hát huyên thuyên rồi ngã vật ra như một gốc cây vừa bị đốn... Đó chẳng phải là cái sự sống cuối cùng còn sót lại trong con người lão bốc cháy lần chót một cách mãnh liệt đó sao!
Bạn đọc có thể thấy nhà văn Thanh Châu hay viết về cái chết của nhân vật, nói chính xác hơn là hay viết về những giây khắc sống cuối cùng trước ngưỡng cửa cái chết của nhân vật, nhưng không phải để triết luận về cái chết, cũng không nhằm ca ngợi cái chết, mà để ngợi ca sự sống, tôn vinh sự sống, kéo con người về với sự sống, thức tỉnh con ngưòi hiểu được sự sống quý giá vô ngần mà lắm khi chúng ta vô tình để phí. Một khi đã đào sâu vào thứ sự sống này, tự nhiên văn của ông mang một ý vị triết học, làm nên chiều sâu và dư vị của tác phẩm.
Cũng cần nói thêm rằng, vì trân trọng và yêu quý sự sống như vậy, nên tác giả này cũng như khá nhiều nghệ sĩ nổi tiếng khác rất sợ và thương tiếc cho những ai trên cõi đời này vì cảnh ngộ không may nào đó mà không được sống đúng là mình, sống hết cái sở nguyện của mình, để cho cái lực sống trong mình cứ tàn lụi dần đi, chết dần đi, cơ hồ không gì có thể cứu vãn nổi. Mọi sự quẫy đạp, vùng thoát chỉ càng thêm tuyệt vọng.
Người thiếu phụ Mai Hạnh trong câu chuyện nổi tiếng “Hoa ti-gôn” là một kiếp phận thương tâm như thế, để rồi một TTKH nào đó đã diễn ra thành những lời thơ bi thiết: "Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời - Ái ân lạt lẽo của chồng tôi - Mà từng thu chết, từng thu chết - Vẫn giấu trong tim bóng một người". Yêu sống quá mà lâm vào tuyệt vọng. Thì chẳng qua cũng chính là một trạng thái khác của tình yêu sự sống đó thôi!
Vì là quan tâm tới vẻ đẹp tâm hồn nhân vật cho nên các nhân vật trong sáng tạo Thanh Châu dù là công chức, học sinh, những phụ nữ có học và không có học thuộc đủ những nghề nghiệp khác nhau, anh phu xe, người kép hát... đều có tâm hồn tinh tế, biết chăm sóc nội tâm, biết hướng về những giá trị tinh thần cao quý, kiêu hãnh. Loại nhân vật này ngược hẳn với những kẻ tiện dân mà đầu óc chỉ biết tôn thờ tiền và săn đuổi những ham thú tầm thường, hoặc cũng khác xa với loại người có đời sống tinh thần thô sơ, cằn cỗi. Ông đã chăm chút cho nhân vật, không để nhân vật bị phụ thuộc vào địa vị, nghề nghiệp, mà trở thành những gương mặt tâm hồn sang quý. Như loài hoa chanh bé nhỏ lặng lẽ kia hay nở về đêm, tiết ra một mùi hương thanh tao mà quý phái, khiêm nhường mà kiêu hãnh.
Văn Thanh Châu thuộc về một loại văn thơm tho, thanh lịch, có cái vẻ sang quý tự nhiên. Tạng tâm hồn ông không hợp với những bụi bặm, nhốn nháo, thô nhám, bạo liệt hoặc thê thảm của cuộc sống thường ngày. Trong văn Thanh Châu thấy rất ít những nhân vật nghèo khổ, nếu thấp thoáng có thì vẫn cứ thấy họ đều có một tâm hồn đẹp, dễ rung cảm, lắm khi bay bổng mộng mơ. Cái chất văn sang quý làm nên một Thanh Châu có chỗ đứng riêng trong làng văn xuôi trước 1945.
Có thể ai đó nghĩ văn Thanh Châu ít gắn bó với cuộc đời, nhưng thế nào mới là gắn bó, và gắn bó cũng phải (và rất nên) bằng nhiều cách, chứ đâu chỉ quy về một cách bắt buộc nào. Trong cõi văn chương, có thứ văn cảm thương thống thiết, có thứ văn phẫn uất đả phá, lại có thứ văn trào phúng đả kích hoặc hài hước... muôn vẻ khác nhau. Thứ văn nào cũng có cái hay riêng của nó, cũng cần cho cuộc đời, cũng có chỗ đứng bình đẳng trong trường văn trận bút.
Có lẽ văn Thanh Châu gần với văn Thạch Lam, nghĩa là thuộc dòng văn trữ tình lãng mạn, cùng hàng xóm láng giềng với Hồ DZếnh, Thanh Tịnh giai đoạn trước 1945. Tuy nhiên, văn Thanh Châu vẫn có cái riêng không trộn lẫn. Nếu văn Thạch Lam nghiêng về phía chắt chiu vẻ đẹp tình thương, lòng trắc ẩn của con người, văn Hồ DZếnh cứ thao thiết một tình yêu đến nhói đau giữa đôi bờ xứ sở, văn Thanh Tịnh là những hoài niệm trinh bạch tuổi thơ gắn liền với một không gian làng Mỹ Lý, thì văn Thanh Châu là vẻ đẹp về sự sống tâm hồn sang quý. Cùng là kiểu hồn văn trữ tình, nhưng mỗi người mang một điệu riêng.
Đi ra từ một hồn văn ngợi ca sự sống tâm hồn như vậy, một số hình ảnh trong trang văn của Thanh Châu thật ấn tượng, có sức ám ảnh đặc biệt. Hẳn bạn đọc khó có thể quên được ba hình ảnh trong ba truyện khác nhau: Hoa ti-gôn trong truyện cùng tên, hoa chanh trong “Vườn chanh”, và tà áo lụa lất phất bay trong truyện “Tà áo lụa”. Hãy dừng lại một chút để thưởng lãm những câu văn này:
- "Trong thư, một dây hoa ti-gôn nhỏ ép rơi ra. Những nụ hoa chúm chím hình như quả tim vỡ làm mấy mảnh, đỏ hồng như nhuộm máu đào" (“Hoa ti-gôn”).
- "Ban đêm, đó mới là lúc các loài thảo mộc đua nhau sống. Một trận gió nhẹ thổi qua làm run rẩy và rời rụng những cánh hoa trên đám lá đen. Tôi chợt hiểu tại sao đến cây cỏ cũng sống vội vàng, mãnh liệt" (“Vườn chanh”).
- Tôi đi đã hơi xa, ngoảnh đầu lại còn thấy Phương đứng nhìn theo ở cửa nhà. Tà áo trắng của nàng bay lên vui vẻ trong ánh trăng(...). Tà áo vẫn bay trong gió. Tôi cúi đầu đi, trong tai hình như nghe thấy tiếng lụa reo. Cái hình ảnh đẹp đẽ ấy gợi cho tôi tất cả những gì là trong sạch và nghĩ thầm: "Không có gì đẹp hơn sự trinh bạch ở đời". Tôi như nói một mình: "Đàn bà chỉ đẹp có tà áo bay trong gió" (“Tà áo lụa”).
 Những hình ảnh bé nhỏ, yếu mềm, tơ mỏng được phong trong những câu văn đẹp nhường ấy chỉ có thể tiết ra từ một tâm hồn sang quý, thanh trong. Viết đến đây, tự nhiên tôi nhớ đến một nhận xét của Tô Hoài nhân lần chúng tôi có công việc đến nhà ông, trong câu chuyện, ai đó có nhắc đến một nhà văn đương đại, ông bèn liên hệ: "Văn của ông ấy cũng giống văn Vũ Trọng Phụng, chỉ có hơi văn chứ không có câu văn". Quả là con mắt tinh thông nghề nghiệp thuộc loại có hạng! Tôi hiểu, ông cho rằng văn chương không chỉ cần lớn về tư tưởng nghệ thuật mà còn phải hay ở chữ nghĩa, câu văn.
Có những tác phẩm làm nguời đọc nhớ nhân vật, ý tưởng, nhưng không nhớ (câu) lời văn. Dĩ nhiên lời văn không được bảo đảm bằng những lớp nghĩa sâu xa cần thiết thì cũng lại sa vào hư văn phù phiếm. Riêng về chuyện lao động chữ nghĩa, đầu tư cho câu văn, Tô Hoài lâu nay vẫn được xem là một mẫu mực. Trở về với Thanh Châu, tôi cũng nghĩ rằng văn Thanh Châu thuộc loại đẹp, kỹ lưỡng, chau chuốt, mà vẫn giữ được cái vẻ tự nhiên.
Có lần ngồi với ông, tôi hỏi cái ý tại sao kể từ lúc về hưu (1963), ông hầu như rất ít viết, thì nhà văn bỗng trầm ngâm, rồi như nói một mình: "Bởi tôi nghĩ: Mỗi người có cái thời của nó. Những năm trước kia, tôi cũng ít nhiều có công làm cho tiếng Việt, cho ngôn ngữ của mình đẹp lên. Thế là được rồi". Đến bây giờ thì tôi hiểu: Ông cũng giống như một loạt các nhà văn nhà thơ khác trong thời kỳ 1932-1945 đã gửi tình yêu đối với đất nước này, dân tộc này vào tình yêu tiếng Việt thông qua các trang văn. Xét trên phương diện văn hoá, công lao của họ đâu phải là nhỏ.
Một người luôn chăm sóc cho sự sang quý của tâm hồn như Thanh Châu, chắc chắn con người này cũng dễ bị tổn thương. Tâm hồn này đặc biệt mẫn cảm với những va đập dù rất nhỏ của nhân quần và tạo vật quanh mình, và cũng chính vì thế, rất dễ dị ứng với những gì thô bạo, dung tục của đời sống thường nhật. Ta mới hiểu vì sao đương vững chân trong toà soạn của một tờ báo lớn, ông dứt khoát xin về hưu non.
Ngày đó, ông có viết một phóng sự ngắn có tên “Mua hàng mậu dịch”, trong đó có tả lại cái cảnh người đi mua hàng chen lấn, xô đẩy nhau đến vỡ cả kính, lại còn bị bọn bất lương móc túi nữa chứ. Cứ như bây giờ thì chả có chuyện gì. Cái ngày ấy bị cho là ăn cánh với mấy cây bút nhân văn. Mà đã bị nghi như thế thì phiền toái lắm.
Ông khẳng định: Cũng chẳng phải định kiến gì cánh nhân văn cả, nhưng trên thực tế giữa ông với họ không hề dính dáng gì đến nhau. Tôi thầm nghĩ: Ngòi bút này "gẫy cánh" là phải. Bởi vì, lý do sâu xa là ở chỗ ông đã đi chệch cái tạng, cái quan niệm vốn có của mình. Ông đang từ chỗ bén bút với những vẻ đẹp sang quý của tâm hồn, làm sao ông có thể lại trơn bút được với những nỗi đời phàm tục như thế. Âu cũng là một cái hớ của nghề cầm bút mà không mấy ai tránh khỏi. Nhận thấy mình là một "kẻ dại" không hơn, ông đã xin hưu trí sớm, lúc này ông mới 53 tuổi tây. Ngẫm ra, chắc gì ông đã dại. Dại chốn văn chương ấy dại khôn, biết đâu!
Trong số rất ít những tác phẩm được viết sau này, ngoài hai tập phóng sự “Những ngày trao trả tù binh” và “Không rời quê hương” được in từ 1954-1955 ra, và vài cái ký lẻ sau này như “Quế Thường Xuân” (1965), “Một sáng ở Khâm Thiên” (1973)... ít được chú ý, có một truyện ngắn khá hay nhan đề  “Từ Thức”.
Ông viết vào lúc tuổi đã 85. Thực ra, tác phẩm này là một thứ cổ tích viết lại. Ông không phát triển hơn những gì câu chuyện dân gian đã có. Chỉ có điều ông đã cấp cho nhân vật Từ Thức một đời sống nội tâm thật tinh tế, điều mà các sáng tạo dân gian không thể có được, nhờ thế câu chuyện được làm mới lại, chứa đựng những nỗi niềm có ý nghĩa phổ quát của kiếp người. Dường như trong câu chuyện có cái ý nói về người bạn nghệ sĩ đồng hương Hữu Loan, và ngụ luôn kiếp phận của mình. Cả hai ông, mỗi người mỗi cách, đều rút ra khỏi đời công chức, trở về làm người dân, rảnh tay được sống, được viết theo ý thích của mình.
Riêng Hữu Loan thì không được rõ, còn nhà văn Thanh Châu, tôi nghĩ, rất có thể do ngấm nghía cái hệ luỵ của văn chương mà thôi không cầm bút tiếp, hay cũng có thể như ông đã nói, mỗi người chỉ có một thời. Tuy thế, ông cũng không bẻ bút hẳn, thỉnh thoảng mây chiều gió sớm vẫn lại ngồi trước trang giấy trắng, vẫn đắn đo có nên viết nữa hay không. Một bên là nỗi nhớ nghề giày vò ông xui ông cầm bút. Bên nữa là lòng tự trọng nghề nghiệp cũng lại dằn vặt ông, nhắc ông dừng bút. Thật là một nghịch cảnh, ở không yên ổn, ngồi không vững vàng.
Như chàng Từ Thức vậy thôi, ở cõi tiên thì nhớ cõi trần, khi về trần rồi lại nhớ bạn chiếu chăn ở cõi tiên. Người nghệ sĩ đích thực không bao giờ lại đi lấy cái việc lánh đời làm đắc ý, chẳng qua cũng là chuyện bất đắc dĩ mà thôi, xưa nay đều vậy. Truyện Từ Thức là một sự bừng sáng muộn mằn của người nghệ sĩ Thanh Châu. Tự nhiên mà thành nhất quán, câu chuyện lại trở về với vẻ đẹp tâm hồn dìu dịu một làn hương sang quý.
Nhà văn Thanh Châu tên thật Ngô Hoan, quê gốc Nghệ An, sinh ra và lớn lên tại thị xã Thanh Hoá, có một quê mẹ làng Bồng Thượng bên dòng sông Mã (nay là xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc). Ông bảo biết quá ít về quê nội. Tuổi thơ ông gắn bó với xứ Thanh phố xá. Còn quê ngoại nhớ được chủ yếu là nhờ những chuyến theo mẹ ngược dòng sông Mã về quê. Ấy thế mà một xứ Thanh yên bình, nghèo khó, với dòng sông, ngõ xóm thôn làng, mảnh vườn, cánh đồng, dãy núi, những người dân quê hiền hậu gồng gánh cuối chiều, những đêm giao thừa với bao phong tục lạ... lại cứ bàng bạc trong mỗi trang văn. Kỳ diệu thay tâm hồn tuổi thơ trinh bạch.
Tâm hồn của Thanh Châu đã được tắm tưới phong cảnh, hồn vía xứ Thanh ngay từ thuở nhỏ, để rồi trong suốt cuộc đời cầm bút của mình, nhiều trang văn cứ phảng phất hương thơm của phong vị quê hương. Tôi cứ nghĩ, xứ Thanh mến thương đi vào văn chương hiện đại quãng trước 1945 nhờ có hai người, đó là Thanh Châu và Hồ DZếnh. Có một sự trùng hợp tình cờ giữa hai con người này: Xứ Thanh với họ đều là quê ngoại, và quê ngoại này lại thành quê "cắt rốn chôn rau". Quê hương xứ Thanh trong cái nhìn của hai nhà nghệ sĩ này đều đẹp cả.
Chỉ có điều ở trong Hồ DZếnh, đẹp mà cứ tủi tủi thế nào ấy. Còn trong Thanh Châu, xứ sở này đẹp, thơ mộng và kiêu hãnh lắm. Chưa có dịp nào để hỏi nhà thơ về xuất xứ bút danh Thanh Châu (xưa kia xứ Thanh, xứ Nghệ từng được gọi là Châu Ái, Châu Hoan). Thanh Châu có thể là cách đọc đảo lại của hai chữ Châu Thanh chăng? Nhưng tôi ngờ rằng bút danh này như thể con triện tình yêu xứ Thanh mà nhà văn của chúng ta muốn đóng dấu lên mỗi trang văn thì phải.
Hoá ra, giống như đa phần các nhà văn khác, Thanh Châu cũng bắt đầu văn nghiệp của mình bằng thơ. Ông đã từng có thơ đăng trên tờ Phong hoá (tiền thân tờ Ngày nay của nhóm Tự Lực văn đoàn), ví như bài thơ “Lá run” chẳng hạn (số 66, ra ngày 29/9/1933). Bài thơ này cũng không có gì đặc sắc, diễn cái ý: Những tấm thân tàn của kẻ nghèo trong trận gió rét chiều đông tựa như những chiếc lá đầu cành run rẩy. Vậy là, văn chương của ông ngay từ đầu cũng đã hướng về thân phận con người. Nhưng tôi muốn nói một chuyện khác. Sau này ông vẫn làm thơ, để bỏ túi chứ không đem in. Có một bài thơ nhan đề “Di chúc” rất đáng chú ý:
Mong cỏ nội
Xoá đi ngàn chuyện dở
Để trên mồ
Con dế đẫm sương kia
Vẫn thay mình
Kể đẹp chuyện đêm khuya.
(Đề bia mộ người viết truyện)
Cho dù chuyện đời, kể cả chuyện mình, thiếu gì chuyện dở, bao giờ chẳng thế. Nhưng ân hận làm gì, thù oán làm gì. Văn chương phải hướng về cõi thanh cao, cõi thiện. Thanh Châu từ trước đến giờ vẫn thế, đã và mãi mãi làm tiếng hát của con dế chỉ biết kể đẹp chuyện cuộc đời. Có phải chỉ làm tiếng của con dế trong đêm, nên văn chương của ông, tên tuổi của ông đã có lúc gần như bị bỏ quên? Không phải là ai quên, tổ chức nào quên, mà chính là bạn đọc quên.
Tại vì phần tinh hoa nhất trong sự nghiệp văn chương của ông lại thuộc về những tác phẩm được ra đời từ quãng 1932 - 1945, nghĩa là cách bạn đọc thời nay già nửa thế kỷ. Tại ông giấu mình lặng lẽ, không thích phát ngôn, không mặn mà với báo chí, cũng lại chẳng đòi hỏi gì. Tại ông thưa viết quá. Tại ông chẳng chịu chăm sóc cho sách vở ra đời, chí ít cũng phải có một cái Tuyển như ai chứ... Nhưng mà thôi, hữu xạ (thì cứ vẫn) tự nhiên hương. Bảo văn Thanh Châu là tiếng hát của con dế hay là hương của loài hoa chanh cũng phải...

Văn Giá

No comments:

Post a Comment