Trang

Friday, February 10, 2012

PGS.TS Phan Trọng Thưởng: THƠ MỚI - MỘT SẢN PHẨM CỦA LỊCH SỬ

(Kỷ niệm 80 năm phong trào Thơ mới 1932 - 2012)  

Thơ mới (1932-1945) được xem là một hiện tượng đặc biệt trong lịch sử văn học dân tộc không chỉ vì nó là một trào lưu bao gồm tên tuổi của nhiều nhà thơ lớn với tài năng kiệt xuất, phong cách độc đáo, nổi tiếng ngay từ khi mới xuất hiện như: Thế Lữ, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương, Hàn Mạc Tử, Nguyễn Xuân Sanh, Tế Hanh, Anh Thơ, v.v… mà còn ở sứ mệnh cách tân và số phận thăng trầm của nó trong lịch sử văn học hiện đại.
Năm 2012 sẽ là năm Thơ mới tròn 80 tuổi. ở tuổi đó, khó có thể nói Thơ mới đang còn giữ được độ thanh xuân. Trái lại, hình như cái cơ thể già nua đó đang trở thành đối tượng cho những đổi mới, cách tân không chút e dè diễn ra trong thơ những năm gần đây. Mặc dù vậy, những ý nghĩa lớn lao mà Thơ mới mang lại cho lịch sử văn học Việt Nam hiện đại vẫn cần được nhắc lại, được làm mới trong một bối cảnh mới.
Nói đến Thơ mới, lâu nay không ít người lầm tưởng đó là hiện tượng chỉ có ở văn học Việt Nam. Thực ra, Thơ mới là một hiện tượng có tính khu vực, lần lượt xuất hiện ở hầu hết các nước châu Á vào những năm từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX.
ở Nhật Bản, một nước có quá trình tiếp xúc với phương Tây sớm, Thơ mới (Tân Thể thi) được khai sinh năm 1882 với tập thơ dịch Tân Thể thi sao do các giáo sư của Đại học Tokyo phóng tác theo tác phẩm của các nhà thơ Anh, Mỹ và Pháp nhằm tạo ra một thể Thơ mới (shintaishi) để diễn đạt trạng thái tinh thần của thời đại. Chỉ sau đó ít năm, vào năm 1897, tập thơ Cỏ non của tác giả Shimazaki Toson ra đời. Có thể xem đó là tập Thơ mới đầu tiên do người Nhật sáng tác, mở đầu cho phong trào Minh Trị lãng mạn chủ nghĩa.
ở Trung Quốc, người có vai trò giống như Phan Khôi (tác giả bài thơ Tình già) đối với Thơ mới ở Việt Nam là Hồ Thích với Thường thí tập (1920). Có thể xem đây là tiếng còi khai cuộc cho Thơ mới ở Trung Quốc. Nhưng phải đến năm sau, khi tập thơ Nữ thần (1921) của Quách Mạt Nhược được phát hành thì Thơ mới mới chính thức được khai màn, mở ra một giai đoạn phát triển mới trong lịch sử văn học hiện đại Trung Quốc.
Cũng trong khoảng thời gian này, ở Hàn Quốc, ánh sáng duy tân từ Nhật Bản đã rọi tới. Sự xuất hiện tập thơ Niềm im lặng của tình yêu (1926) của tác giả Han Young-un được xem là thành tựu đầu tiên của Thơ mới tại đây([1]).
ở ấn Độ, với vai trò của Tagore, Thơ mới không chỉ xuất hiện và đạt thành tựu đỉnh cao ở quốc gia này mà còn có ảnh hưởng rộng rãi, chi phối văn học ở nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á.
Còn ở Việt Nam, như chúng ta đã biết, từ khi “một lối Thơ mới trình chánh giữa làng thơ”, những người không ngớt cổ súy cho nó như Phan Khôi, Nguyễn Thị Kiêm, Lưu Trọng Lư, Lê Tràng Kiều,… đã được đáp lại bằng cả một phong trào rộng lớn để chỉ ít lâu sau đó, đến năm 1932, với sự xuất hiện của Thế Lữ, Thơ mới đã nhanh chóng giành được “toàn thắng” (chữ dùng của Hoài Thanh) khiến cho “trong khoảnh khắc cả hàng ngũ thơ xưa phải tan rã”.
Như vậy, Thơ mới đâu phải là hiện tượng cá biệt ở một nền văn học nào, mà là hiện tượng phổ biến ở hầu hết các nền văn học thuộc các quốc gia châu Á. Tuy thời điểm xuất hiện có thể sớm hoặc muộn hơn một chút tùy theo hoàn cảnh lịch sử cụ thể ở mỗi nước, nhưng nhìn chung đó là sản phẩm của lịch sử châu Á những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Dưới ánh sáng loại hình học và lý thuyết văn học so sánh, có thể dễ dàng nhận thấy những điểm tương đồng và dị biệt giữa các nền văn học trong khu vực mà Thơ mới là một hiện tượng đáng chú ý. Tuy ở những thời điểm khác nhau nhưng Thơ mới ở các nước cùng có chung những đặc điểm tạo nên những dấu hiệu loại hình khá tiêu biểu. Những tương đồng loại hình được tạo nên từ Thơ mới cho thấy sự tác động của những quy luật khách quan đến tiến trình văn học. Có thể xem đó là một hiện tượng văn học nảy sinh trong những điều kiện lịch sử xã hội và thẩm mỹ tương đồng mà các quốc gia châu á cùng trải qua.
Từ thực tiễn lịch sử văn học các nước trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á, có thể xem Thơ mới, về một phương diện nào đó, là kết quả của quá trình tiếp xúc, giao lưu, ảnh hưởng phương Tây, tiếp thu phương Tây để cách tân, đổi mới và phát triển văn học. Nhưng đồng thời, ở phương diện khác, sự hình thành và phát triển của Thơ mới cũng được xem là sự tự ý thức, sự chủ động tiếp thu và tiếp biến các giá trị văn học tiến bộ để các nước châu á hiện đại hóa văn học, gia nhập tiến trình chung của văn học thế giới.
Trở lại với Thơ mới ở Việt Nam, có thể nói đây là hiện tượng đã từng ngốn không ít giấy mực của giới lý luận phê bình và công chúng yêu thích văn học Việt Nam suốt 80 năm qua. Như trên đã nói, Thơ mới có ở nhiều nước trong khu vực, nhưng hình như không ở đâu nó có số phận thăng trầm gống như ở nước ta. Ngay lúc mới ra đời, Thơ mới giống như đứa trẻ được o bế, cưng chiều, được đón nhận vồ vập. Chỉ trong 10 năm, nó đã qui tụ thành một phong trào rộng lớn với những tên tuổi và tài năng lừng lẫy, đưa thi đàn dân tộc lên đỉnh cao chưa từng thấy. Vào năm 1941, khi tổng kết phong trào Thơ mới, Hoài Thanh đã xem đó là Một thời đại trong thi ca. Sự xuất hiện và thắng thế của Thơ mới đã “làm rạn vỡ những khuôn khổ ngàn năm không di dịch” của thơ cũ vốn bị gò bó bởi các qui phạm, điển phạm, các phép tắc, niêm luật, vần điệu, sáo ngữ,… từng ngự trị suốt 10 thế kỷ. Cùng với Thơ mới, một quan niệm văn học mới, một ý thức mới về cái tôi cá nhân, một hình thức mới thể hiện thế giới cảm xúc của con người, một cảm quan mới về nhân sinh và vũ trụ,… đã được xác lập. Cũng giống như văn xuôi của các nhà văn trong Tự lực văn đoàn, Thơ mới với những phẩm chất cách tân của nó đã góp phần quan trọng vào việc phát triển ngôn ngữ tiếng Việt nói chung, ngôn ngữ thơ ca nói riêng. Từ góc độ văn hóa có thể nhận thấy ở Thơ mới những giá trị tiềm ẩn, những điểm dung hợp giữa truyền thống với hiện đại. Tuy lúc đầu, khi phong trào đang phát triển bồng bột, những người cổ súy cho Thơ mới có lúc đã chĩa mũi nhọn tấn công vào thơ cũ (thơ truyền thống), nhưng khi giành toàn thắng, chính những đại diện của Thơ mới đã cung kính nhận lại những giá trị đích thực của truyền thống thi ca mà vào giai đoạn cuối không ít người đã có xu hướng quay trở lại.
Nhìn lại lịch sử văn học hiện đại, có lẽ chưa có một trào lưu, khuynh hướng thơ ca nào có nhiều tác giả tài năng kiệt xuất và nổi tiếng sớm (phần lớn là ở tuổi 19, 20) như phong trào Thơ mới. Khi cách mạng tháng Tám nổ ra, phần lớn những thành viên của Thơ mới lại đầu quân lại vào văn học cách mạng, trở thành những nhà thơ trụ cột, mang tài năng của mình ra phụng sự Tổ quốc và nhân dân.
Nhưng, do những ấu trĩ nhất thời, lịch sử văn học cũng đã có lúc thành kiến với Thơ mới khiến cho những giá trị đích thực và tự thân của nó có lúc bị lu mờ. Ngay cả một số tên tuổi cự phách của Thơ mới, trong một hoàn cảnh nào đó cũng từng ghẻ lạnh với cả những đứa con tinh thần tuấn tú của mình. Cũng may là chính lịch sử sau 40 năm, đến thời kỳ đổi mới (1986), dưới ánh sáng của tư duy mới, của tinh thần dân chủ mới, nhiều giá trị văn học từng bị bỏ sót hoặc đánh giá chưa thỏa đáng đã được nhận thức lại, trong đó có Thơ mới. Có thể nói sau sự bừng tỉnh của lý trí, Thơ mới lại được đón nhận với một thái độ tất hữu. Tầm vóc của hiện tượng thi ca có ý nghĩa khu vực và quốc tế này đã được giới nghiên cứu trong và ngoài nước xác quyết, minh định. Đó là một hiện tượng thơ ca có ý nghĩa đặc biệt trong tiến trình hiện đại hóa văn học dân tộc.
Kỷ niệm 80 năm Thơ mới (1932 - 2012) là dịp để khẳng định lại một lần nữa ý nghĩa cách tân to lớn của phong trào Thơ mới đối với lịch sử văn học hiện đại; khẳng định lại tài năng, tâm huyết và cống hiến xuất sắc của các nhà Thơ mới cho nền văn học nước nhà.
Trong bối cảnh giao lưu và hội nhập quốc tế đang diễn ra trên thế giới như một xu hướng không thể đảo ngược hiện nay, ôn lại những bài học từ Thơ mới thiết tưởng có thể mang lại cho chúng ta những suy nghĩ bổ ích, những kinh nghiệm lý thú, đặc biệt là về quá trình giao lưu như một qui luật phổ biến và tất yếu của sự phát triển văn học. Dưới tác động của qui luật đó, sự tìm tòi, thể nghiệm, cách tân vừa trở thành nhu cầu chủ quan, vừa trở thành nhu cầu khách quan của sự phát triển văn học. Nhưng cách tân theo hướng nào và như thế nào để thực sự tạo ra những bước phát triển đột biến làm cơ sở cho những sáng tạo nghệ thuật đích thực, làm sinh động, phong phú thêm cho nền văn học nói chung, cho thơ ca nói riêng, lại là vấn đề không đơn giản. Trước hết, cần một động cơ sáng tạo trung thực và sau đó là một tài năng, một vốn liếng tri thức văn hóa và văn học đủ để đảm bảo cho những tìm kiếm đúng hướng và có hiệu quả, có giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ cao. Kinh nghiệm từ quá trình vận động và phát triển của Thơ mới cho thấy mọi kiếm tìm nếu chỉ dừng lại ở hình thức, chạy theo hình thức đơn thuần sẽ dẫn nhà thơ đến ngõ cụt. Một khi thơ đã bị tước đi yếu tố cảm xúc và giá trị nhân văn thì mọi nỗ lực gia công về kỹ thuật cùng lắm cũng chỉ biến thi ca thành trò chơi ngôn ngữ như các nhà cấu trúc đã làm mà thôi.
Trong khi công chúng đang tỏ ra thờ ơ đối với thơ thì đích đến của mọi cách tân bất kể là nội dung hay hình thức không thể là nơi không có công chúng. Nếu có một thống kê đầy đủ và tin cậy về số lượng công chúng của Thơ mới trong suốt 80 năm qua thì chắc chắn đó sẽ là con số có ý nghĩa, đáng để chúng ta suy ngẫm. 
PGS.TS Phan Trọng Thưởng
Nguồn: Văn nghệ

([1]) Những tài liệu này được sử dụng từ cuốn Văn học cận đại Đông Á từ góc nhìn so sánh, Đoàn Lê Giang (Chủ biên), Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2011.

No comments:

Post a Comment