Nếu lấy Hội nghị Nghiên cứu Đào Tấn
lần thứ I (1977) làm cái mốc thì đến nay (2007) đã tròn 30 năm. Bộ sách mang
tên Đào Tấn với bề dày 2312 trang, khổ 14×20 gồm 3 tập:
do Nhà xuất bản Sân khấu vừa hoàn
tất việc ấn hành có thể coi là thành tựu khoa học kết thúc trọn vẹn một chặng
đường 30 năm nghiên cứu Đào Tấn. Đồng thời là lễ vật tưởng niệm 100 năm ngày
Đào công tạ thế (1907-2007). Đây là trường hợp không hẹn mà gặp, sự trùng khớp
kỳ lạ.
Cụ Vũ Ngọc Liễn, Đạo diễn Lưu Trọng
Ninh, TS Nguyên Hùng...
- 1. Bước đi ban đầu
Trong “Lời đầu sách” của bộ sách Đào
Tấn, tôi đã viết: “Không thể có một nền nghệ thuật sân khấu kịch
hát lâu đời, cao đẹp mà lại không có hoặc không biết nghệ sĩ lớn, tác giả, tác
phẩm lớn của nền nghệ thuật ấy là ai? Là gì? Và nếu không làm sáng tỏ điều này
thì sự tôn vinh kia sẽ hóa ra vô nghĩa. Chính vì lẽ đó mà nhiều năm qua ở Bình
Định, chúng tôi ra sức nghiên cứu hiện tượng nghệ thuật tiêu biểu cho nền nghệ
thuật sân khấu kịch hát của đất nước thông qua một nhân vật – Đào Tấn”. Và
Đào Tấn, một nhân vật lịch sử tưởng chừng có nguy cơ bị lãng quên, giờ đây đã
có một địa chỉ nhà hát mang tên Người; và tên tuổi của Người đã chiếm một vị
trí xứng đáng trong Từ điển văn học Việt Nam, gần đây nhất là bộ từ điển
quy mô Từ điển văn học bộ mới (2004). Cuộc đời thanh bạch với đức
độ và tài năng của Đào Tấn đã trở thành niềm tự hào của các nghệ sĩ hoạt động
nghệ thuật sân khấu Việt Nam; phần mộ của Người đã được xếp hạng di tích lịch
sử; đền thờ Đào Tấn sắp xây dựng nay mai tại quê hương của Người. Thử ngược
dòng thời gian nhìn từ 1975 về trước, lục lọi trong đống sách báo cũ, chúng tôi
thấy có mấy cuốn sách dành những chương bức nhất định viết về Đào Tấn như Hát
Bộ của Đoàn Nồng, Danh nhân Bình Định của Bùi Văn Lăng, Nhân vật
Bình Định của Đặng Quí Địch, nói chung tất cả đều đề cập quá sơ sài đối với
một vĩ nhân như Đào Tấn. Riêng sách Văn đàn bảo giám của Trần Trung Viên
chỉ chọn in hai bài thơ Nôm của Đào Tấn, đề tên tác giả là Quan Hiệp Đào. Chỉ
có hai bài báo giới thiệu có tính chuyên đề, đó là bài “Đôi nét về Đào Tấn” của
Quách Tấn in trên tạp chí Lành mạnh số 47, 48 năm 1960 ở Huế và bài “Đào
Tấn – nhà soạn tuồng kiệt xuất” của Mịch Quang in trên tạp chí Văn nghệ miền
Bắc, cả hai đều cung cấp cho bạn đọc một lượng thông tin còn ít người biết. Khổ
nỗi bạn đọc của Lành mạnh hầu hết là thầy thuốc và bệnh nhân, họ lo việc
chữa chạy cho người khác mau lành bệnh cũng đủ hụt hơi rồi, còn sức đâu mà nghĩ
đến chuyện văn chương nghệ thuật. Còn bạn đọc của tạp chí Văn nghệ miền
Bắc thì họ chưa hề biết Đào Tấn là ai. Tuy bài báo đã cung cấp đúng đối tượng,
nhưng trong hoàn cảnh khách quan thời chiến, cuộc sống đang vật lộn với biết
bao cơ cực cho nên người quan tâm cũng chẳng mấy. Rốt cuộc những cố gắng của cả
hai bài đều rơi vào khoảng trống, đều như hạt cát rơi vào sa mạc. Mặt khác,
tình hình đất nước bị chia cắt là một thiệt thòi lớn đối với giấc mộng nghiên
cứu nhân vật Đào Tấn mà tôi ôm ấp từ nhiều năm, nhất là từ sau khi tốt nghiệp ở
Học viện Hý khúc Trung Quốc về nước. Hầu hết tư liệu, tài liệu nghiên cứu Đào
Tấn nằm ở phía Nam. Tuy vậy những gì viết về Người hoặc có liên quan đến Người
hiện có trên đất Bắc tôi đều không bỏ sót. Quá trình thu nhặt tư liệu, tài liệu
về Đào Tấn trên đất Bắc từng xảy ra một chuyện cười ra nước mắt như thế này: anh
Mịch Quang có ông bạn Việt kiều ở Pháp thường đi về Hà Nội, vì khoa học Mịch
Quang sốt sắng viết thư nhờ ông bạn ấy liên lạc với cụ bà Trúc Tiên (là mẹ của
Giáo sư bác sĩ Đặng Hiếu Trưng, làm việc ở bệnh viện 108 Hà Nội), đang sống với
con ở Pháp, với hy vọng moi cho được bản gốc vở tuồng Hộ sinh đàn. Và
quả nhiên Mịch Quang “trúng quả”. Nhận được thư, cụ bà Trúc Tiên tự tay phiên
âm bản gốc đánh máy gửi sang cho anh Mịch Quang. Có được bản này, tôi lập tức
chuyển giao cụ Phạm Phú Tiết làm chú giải. Bản đó hiện nay đang nằm trong kho
lưu trữ của Nhà hát Đào Tấn. Bề mặt của sự việc trông yên lành là vậy, nhưng
đường ngầm của nó thì khó ai tưởng tượng được. Không biết người nào đã báo cáo
với lãnh đạo và công an rằng anh Mịch Quang có liên hệ với nước ngoài (thời ấy
có những kẻ chuyên kiếm điểm chính trị bằng nghề này). Vậy mà bọn tôi khờ khạo
đến mức cứ hơ hớ mừng rơn vì bắt được của quý. Giá như có nghi ngờ điều gì thì
cứ nói thẳng, hỏi thẳng để bọn tôi tấu bạch cho rõ trắng đen. Đằng này cứ im
ỉm, dò la, điều tra, nghi vấn, tội nghiệp nhất là trải nhiều năm Mịch Quang
không được tăng lương dù làm việc tốt, vì bị xếp vào tốp “có vấn đề” mà!
Mãi đến khá lâu sau, nhân cuộc họp Chi bộ Vụ Nghệ thuật, ông Mai Vi (Vụ trưởng)
hỏi dò tôi về chuyện này (tôi đoán là vì tắc nẻo điều tra nên mới hỏi). Nghe
hỏi, tôi ngớ người, mới biết có một đường ngầm đen tối. Thế là được dịp tôi xổ
hết đầu đuôi câu chuyện mà tôi biết. Tôi còn mang bản tuồng Hộ sinh đàn
của cụ bà Trúc Tiên gửi từ Pháp với cả bao bì đầy đủ để chứng minh sự thực.
Không rõ có đáp ứng được yêu cầu hay chưa? Sau đó thấy im. Nhưng vì nguyên tắc
Đảng không cho phép tôi nói lại với Mịch Quang mà hình như cho đến bây giờ anh
Mịch Quang cũng chưa hay biết gì về chuyện này, bằng chứng là trong cuốn hồi ký
anh mới in gần đây không thấy đề cập. Qua đó, chắc mọi người đều thấy quá trình
sưu tầm tư liệu, tài liệu cho công trình nghiên cứu Đào Tấn không hề trơn tru
tý nào, có lúc phải trả cái giá khá đắt như vậy. Cuộc tổng tiến công nổi dậy
1975 không chỉ thống nhất đất nước về mặt lãnh thổ mà còn giải phóng những số
phận trớ trêu, giải phóng một cuộc đời nghệ sĩ, chí sĩ Đào Tấn. Đúng vậy, không
có sự kiện 1975 thì Đào Tấn cũng chưa được giải oan nhiều nỗi, cũng chưa hưởng
được vinh hạnh như ngày nay. Lúc tiếp tôi tại nhà riêng ở thành phố Hồ Chí
Minh, những ngày đầu giải phóng, cụ bà Chi Tiên (em ruột cụ bà Trúc Tiên) viết
vào sổ tay tôi bốn chữ: “Hàm ân bất ký” nghĩa là chịu ơn, nhận lấy
cái ơn không thể nào quên, không thể bỏ qua!
- 2. Hội nghị nghiên cứu Đào Tấn lần I
Cuối tháng 12.1977 hội nghị khai
mạc. Mới chỉ sau 2 năm kể từ ngày lá cờ đỏ sao vàng cắm trên “Dinh độc lập”,
đất nước còn trăm việc bề bộn mà chúng ta đã tiến hành được một hội nghị khoa
học nghiên cứu về một nhân vật lịch sử như Đào Tấn là nhờ có sự chuẩn bị điều
kiện một cách âm thầm từ hồi ở Bắc. Riêng khoảng thời gian 2 năm sau ngày giải
phóng, tôi vừa ra sức sưu tầm các mặt tư liệu, vừa làm công việc xử lý tư liệu.
Khối lượng tư liệu, tài liệu thu thập được trong thời gian này gấp năm lần số
đã có từ Bắc mang về. Hồi đó (1975-1977) tôi còn là cán bộ của Bộ Văn hóa, đang
phụ trách Phòng Nghệ thuật Sân khấu Cục Nghệ thuật biểu diễn và là thư ký Hội
đồng Nghệ thuật của Bộ, xin được đặc trách làm công tác này. Tôi trình bày với
lãnh đạo Bộ rằng: Cuộc sống đang xáo trộn dữ dội, nếu để chậm thì dòng lũ cuộc
đời sẽ cuốn trôi, chôn vùi hết thảy các nguồn tài liệu quý hiếm mà sau này hối
hận không kịp! Đề xuất của tôi được Thứ trưởng, Bí thư Đảng đoàn Bộ Văn hóa
Thông tin Hà Huy Giáp và Thứ trưởng Hà Xuân Trường rất đồng tình. Cục trưởng
Cục Nghệ thuật Biểu diễn bà Hà Nhân ủng hộ hết mình. Từ đó, tôi nhận lệnh biệt
phái về Nghĩa Bình thuyết phục lãnh đạo Ty Văn hóa thông tin Nghĩa Bình, các
ông Nam Hà, Nguyễn Văn Minh, Hồng Nhân, Hồ Đắc Bích trưởng phó Ty đều nhiệt
liệt hưởng ứng việc tiến hành Hội nghị khoa học nghiên cứu Đào Tấn tại Quy
Nhơn, quê hương của bậc nhân tài kiệt xuất. Bây giờ nghĩ lại vẫn cứ bực mình.
Mọi việc chuẩn bị cho Hội nghị Nghiên cứu Đào Tấn đâu đấy xong xuôi, giấy mời
đã phát đi khắp nước, lại vấp tiếp một vố, tuy chưa đến nỗi đau như vố anh Mịch
Quang nhưng suýt ngã. Ông Trần Quang Khanh – vị lão thành cách mạng của đất
Bình Định, người có công đầu trong vụ mưu sát liệt sĩ Võ Xán năm 1945 và hình
như bây giờ còn muốn giết tiếp Đào Tấn. Tuy đã về hưu, sát khí vẫn đằng đằng,
với tư cách lão thành cách mạng, ông sục sạo đến Tỉnh ủy và Ủy ban Nhân dân
tỉnh Nghĩa Bình, phản đối việc tiến hành hội nghị nghiên cứu Đào Tấn.
Theo logic học của ông thì Đào Tấn
là quan đại thần của triều Nguyễn, đã là quan to thì ắt có tội lớn. Ông nhấn
mạnh: “Nếu không có tội lớn thì làm sao làm được quan to”, không cần
biết đó là tội gì. Cho nên việc tổ chức nghiên cứu Đào Tấn, tôn vinh Đào Tấn là
mất lập trường cách mạng. Ngoài việc phát biểu thẳng với Tỉnh ủy, với UBND
tỉnh, ông còn rêu rao khắp chỗ vẫn cái giọng dạy bảo đó. Vị trí và tiếng nói
của ông không phải không có tác động nhất định. Lãnh đạo Tỉnh bắt đầu e dè,
lãnh đạo Ty bắt đầu lạnh xương sống. Anh Xuân Diệu kết hợp về thăm quê rồi dự
hội nghị luôn, nên anh có mặt ở Quy Nhơn khá sớm, chứng kiến được sự tình. Hôm
đó tôi, anh Xuân Diệu, Hồ Đắc Bích hẹn gặp nhau tại nhà Hồ Đắc Bích để bàn tính
sự cố không bình thường. Vì bực mình, tôi đưa ý kiến trước: “Sự thể đã vậy,
nên dừng hội nghị lại, bằng phương tiện thông tin nhanh nhất báo cho đại biểu
các nơi biết. Về phần mình, tôi sẽ chuẩn bị lại, nhất định phải tiến hành hội
nghị khoa học nghiên cứu Đào Tấn vào một nơi khác, vào thời điểm khác”. Hồ
Đắc Bích thì phân vân đến toát mồ hôi. Anh Xuân Diệu thản nhiên nói: “Trên
đất nước ta, vào thời buổi này, bất kỳ một sự mở đầu nào cũng đều có ý kiến, có
lực cản cả. Chí ít là loại ý kiến ra cái điều tôi cũng có ý kiến. Vì vậy, tôi
khuyên các bạn đừng nản lòng, chúng ta hãy cứ để cho thiên hạ làm quen với Đào
Tấn, khi đã quen nhau rồi thì chắc chắn họ sẽ yêu nhau, và khi đã yêu nhau rồi
thì chắc chắn người yêu sẽ phải “dun mày liễu”, phải “quằn ruột lan” (ý nói
có thai), đến chừng ấy cơ quan pháp lý sẽ thúc hối chúng ta làm đăng ký kết
hôn cho mà coi”. Lập luận của Xuân Diệu chinh phục tôi. Ba chúng tôi tham
mưu cho Trưởng ty Nam Hà làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh rằng: Nghĩa Bình vì là
quê hương của Đào Tấn nên là địa chỉ tổ chức hội nghị, còn nội dung hội nghị,
chủ trì hội nghị do Bộ Văn hóa thông tin đảm nhiệm. Kết quả hội nghị về cụ Đào
Tấn như thế nào là do các nhà khoa học, các đại biểu dự hội nghị quyết định.
Vì vậy Tỉnh ủy và UBND Nghĩa Bình
không việc gì phải băn khoăn. Thế là hội nghị xúc tiến đúng kế hoạch. Mục tiêu
của hội nghị nghiên cứu Đào Tấn lần I là: tập trung nghiên cứu Thân thế và
sự nghiệp nghệ thuật của Đào Tấn. Lúc đầu chủ trương nặng về phần thân thế;
phần sự nghiệp nghệ thuật bàn tới đâu hay tới đó. Nhưng trên thực tế thì làm
sao tách bạch được mối quan hệ giữa hai mặt đó trong một con người nghệ sĩ như
Đào Tấn. Cho nên không khí hội nghị, các quan điểm đối chọi nhau trong việc
đánh giá con người Đào Tấn rất quyết liệt, các kiến thức lịch sử được
vận dụng tuôn ào ào, các ý kiến khác nhau trong việc đánh giá tác phẩm của Đào
Tấn cũng được đối chiếu, so sánh, bình luận không kém phần sôi nổi. Quá trình
bình luận tác phẩm của Đào Tấn, lão nghệ sĩ Nguyễn Lai (Quảng Nam) xúc động rơi
nước mắt mấy lần. Thành phần đại biểu dự hội nghị nghiên cứu Đào Tấn lần I có
mặt đầy đủ các nghệ sĩ sân khấu hát Bội lão thành khắp ba miền: Trung, Nam,
Bắc; các nhà nghiên cứu, bình luận nghệ thuật sân khấu (kịch); các nhà văn, nhà
hoạt động văn hóa, nhà sử học có tầm cỡ. Ông Hà Xuân Trường, Thứ trưởng Bộ Văn
hóa Thông tin – Trưởng ban lý luận Bộ chủ trì hội nghị. Tôi mặc nhiên giữ chức
“tham mưu trưởng” không có quyết định bổ nhiệm. Ông Hà Huy Giáp đến hội nghị
với ý định dự khai mạc xong thì về Hà Nội, do vì không khí hấp dẫn của hội nghị
lôi cuốn, ông bảo tôi báo với văn phòng Bộ hoãn các việc ngoài ấy lại, đợi hội
nghị kết thúc ông mới về. Anh Nguyễn Văn Xuân (Đà Nẵng) lúc đầu có đăng ký tham
luận, sau xin rút vì theo anh có nhiều điều, nhiều tư liệu công bố bất ngờ,
chưa kịp suy nghĩ nên xin phát biểu cảm tưởng. Hội nghị bước vào ngày cuối.
Trưa hôm ấy ông Hà Huy Giáp và ông Hà Xuân Trường gọi tôi đến khách sạn Quy
Nhơn báo cáo về diễn biến của hội nghị, cụ thể là tổng hợp các quan điểm khác
nhau và như nhau nhằm chuẩn bị cho hai ông phát biểu vào buổi chiều. Chuyện
đang giữa chừng thì cửa phòng mở đột ngột, người bước vào là ông Trần Quang
Khanh, tôi nhường ghế cho ông ngồi. Không cần thủ tục chào hỏi xã giao, ông vào
đề một mạch những điều đã nói với lãnh đạo địa phương. Ông Hà Huy Giáp vẫn lịch
sự chăm chú nghe rồi quay lại hỏi nhỏ tôi: Ai đấy? Tôi trả lời kết hợp giới
thiệu: Đây là đồng chí Trần Quang Khanh lão thành cách mạng của đất Bình Định.
Đợi nói xong, ông Hà Huy Giáp đáp từ: “Việc nghiên cứu Đào Tấn, Bộ Văn hóa
chịu trách nhiệm, anh yên tâm”. Sau khi ông Khanh chào ra về, ông Hà Huy
Giáp lại hỏi tôi: “Ông ấy có thần kinh không vậy?”. Tôi thưa: “Thần
kinh ông ấy rất vững, chỉ có thói quen dạy bảo thiên hạ bằng sự thiếu hiểu biết
của mình thôi”. Hai giờ chiều ngày 30.12.1977 (tức ngày 20.11 Đinh Tỵ) tổng
kết hội nghị. Riêng ông Hà Huy Giáp chiếm diễn đàn mất đứt một tiếng rưỡi đồng
hồ. Bài phát biểu của ông đã chuẩn bị sẳn, chỉ để đăng báo chứ ông không đọc,
ông thao thao nói vo rất sắc sảo (tôi đoán có lẽ vì bức xúc cái chuyện khi
trưa) như vấn đề có người trách Đào Tấn từ chối tham gia phong trào Cần Vương
của Mai Xuân Thưởng là vì sợ chết. Ông Hà Huy Giáp biện hộ: “Đào Tấn là một
trí thức lớn, lại là người nằm trong cái chăn của chế độ xã hội ấy, ông đã đếm
được trong chăn có bao nhiêu con rận. Vậy mà làm cách mạng theo cách của Mai
Xuân Thưởng thì chỉ có dẫn đến cái chết thôi. Thực tế đã chứng minh là như thế.
Không phải chỉ có phong trào Mai Xuân Thưởng ở Bình Định mà hành động yêu nước
của phong trào Cần Vương các nơi khác lúc bấy giờ đều dẫn đến kết cuộc như thế!
Biết rằng kết cuộc sẽ dẫn đến cái chết trắng tay mà cứ lao vào là làm liều.
Người trí thức không sợ chết, nhưng không làm liều”. Đến lúc ông Hà Xuân
Trường đọc xong bài tổng kết hội nghị bằng văn bản với tiêu đề: “Từ cuộc đời
Đào Tấn, sự đánh giá nghệ thuật Đào Tấn… đến công việc cần làm”, tôi và tập thể
lãnh đạo, cán bộ nhân viên Ty Văn hóa Thông tin Nghĩa Bình đều thở phào nhẹ
nhõm sau những ngày lo toan vất vả phục vụ hội nghị. Nhà báo Từ Lương (báo Văn
nghệ) vỗ vai tôi: “Đây đích thực là hội nghị khoa học”. Nhà bình
luận nghệ thuật sân khấu Tất Thắng hớn hở: “Một cuộc cọ xát phân biệt chính
tà, vàng thau không lẫn lộn”. Nhìn lại Hội nghị I có hai chuyện khó quên:
1. Chống chọi với các quan điểm, quan niệm sai trái trong việc đánh giá con
người, Xuân Diệu phải đứng bật dậy từ hàng ghế cử tọa giơ hai nắm tay nói như
đánh võ. 2. Ông Hà Huy Giáp bỏ đọc bài viết sẵn, thao thao nói vo. 3. Hội
nghị nghiên cứu Đào Tấn II và III với các vấn đề còn đọng Sau Hội nghị
nghiên cứu Đào Tấn lần I không lâu, tôi được chuyển hẳn công tác về Nghĩa Bình,
phụ trách phòng nghiên cứu Nhà hát tuồng Nghĩa Bình vừa thành lập ở Quy Nhơn.
Về quê vì hai lẽ: 1. Kết hợp thực hiện trách nhiệm làm chồng, làm cha mà hơn
hai mươi năm ròng bỏ vãi vì xa nhà. 2. Theo đuổi công trình nghiên cứu Đào Tấn
cho đến cùng với mong ước công trình sẽ hình thành môn Đào Tấn học trong
lĩnh vực mỹ học nghệ thuật sân khấu (kịch) Việt Nam.
Từ đây, công trình nghiên cứu Đào
Tấn có điều kiện tiếp tục với quy mô rộng hơn, sâu hơn và trong công việc không
đơn độc như giai đoạn trước. Năm 1979-1980 tôi may mắn có được Mạc Côn, Bùi
Lợi, vừa tốt nghiệp đại học xin về chỗ tôi công tác. Phòng nghiên cứu chỉ có ba
chúng tôi với một thư ký đánh máy chuyên nghiệp mà phải đảm đương một khối
lượng công việc tưởng chừng phải là một viện nghiên cứu mới đủ sức làm. Mọi mặt
công tác đều dồn vào một điểm: Chuẩn bị cho hội nghị nghiên cứu Đào Tấn lần II.
Vì sao vậy? Kết thúc hội nghị I không ai moi ra vết xấu của Đào Tấn và đều kết
luận Đào Tấn là người đẹp nhất trong hàng quan lại lúc bấy giờ. Ngay như Charles
Gosselin kẻ được Toàn quyền nước Pháp đặc phái theo dõi Đào Tấn rất sít sao
cũng phải thốt lên rằng: “Một đời tận tụy trong nhiều chức vị quan trọng Đào
Tấn vẫn tay trắng thanh bần, bao nhiêu ấy đủ thơm danh hậu thế và làm cho đại
nhơn vượt lên trên hẳn nhiều đồng liêu khác ít được gương mẫu như đại nhơn”
(Vương Hồng Sển trích dịch trong L/Empire d/Annam, 1904,
in trong Đào Tấn qua thư tịch tập III, tr. 32). Tuy vậy, không phải
không còn đôi điều nghi vấn do vì còn khá nhiều tư liệu chưa có điều kiện công
bố. Ví dụ, chuyện về câu đối điếu Đào Tấn của ông Hà Đình Nguyễn Thuật (Quảng
Nam), vế đầu viết rằng: “Công tài, công vọng, triều quận thôi xưng, tố chí
hoạch thân, cự chỉ Hồng Lĩnh nhung công vinh gia cốc bích”. Vớ lấy hai chữ
“nhung công” ông Lê Ngọc Cầu cắt nghĩa rằng “công lao dẹp giặc”
rồi vội nghi ngờ Đào Tấn có thành tích bất hảo. Thực ra vế đối trên nếu dịch
cho chính xác là thế này: Tài năng của ngài, ước vọng của ngài, trong triều
ngoài quận đều ngợi khen, chính vì ngài mong muốn thi thố chí lớn chứ đâu phải
cương vị tổng đốc núi Hồng mà sáng ngời ngọc quý. Hàm nghĩa của bốn chữ “Hồng
Lĩnh nhung công” là chỉ chức vị tổng đốc An Tĩnh theo nghĩa văn học.
Tổng đốc của một tỉnh thay mặt nhà
vua quyết định mọi việc quân sự, nội trị, ngoại giao của một địa phương, chứ
không phải “nhung công” là công lao đánh dẹp. Những điều lầm lẫn về chữ
nghĩa tương tự như ông Lê Ngọc Cầu đều phải giải quyết dứt điểm tại hội nghị
II. Mục tiêu chủ yếu của hội nghị II là nghiên cứu đánh giá toàn bộ di sản nghệ
thuật của Đào Tấn để lại. Để đạt được mục tiêu ấy, chúng tôi lại phải tiếp tục
lặn lội sưu tầm bổ sung các mặt tư liệu còn nằm rải rác các nơi như: Huế, thành
phố Hồ Chí Minh… đặc biệt các loại dị bản, đồng thời sắp xếp, hệ thống hóa và
làm công tác xử lý tư liệu cung cấp cho hội nghị. Cuối tháng 4 năm 1981 Ty VHTT
Nghĩa Bình in xong tập Hí trường tùy bút (HTTB) dày 142 trang, do ông Hồ
Đắc Bích phó Ty chịu trách nhiệm xuất bản. Tài liệu do Nguyễn Thế Triết và Đinh
Văn Tuấn sưu tầm, phiên âm, dịch nghĩa (hiện giờ Triết chết, Tuấn còn). Nhà hát
tuồng Nghĩa Bình biên tập. Cuối sách in bài “Mấy thu hoạch sau khi đọc Hí
trường tùy bút của Đào Tấn” của Giáo sư viện sĩ Hoàng Trinh lúc bấy giờ là
phó viện trưởng Viện Văn Học, nhân danh cộng tác viên lý luận của Nhà hát tuồng
Nghĩa Bình. Ắt bạn đọc dễ thấy ở đây có hai chuyện là lạ: - Nhà hát tuồng Nghĩa
Bình là một khối gạch, ngói, xi măng, sắt, thép nó làm công tác biên tập sao
được? - Cộng tác viên lý luận Hoàng Trinh chỉ làm mỗi việc viết bài này, cho
tập này, mà bài viết hình như chưa đạt kích cỡ Giáo sư. Lai lịch của chuyện lạ
ấy như sau: Từ năm 1979-1981, trong khối lượng tài liệu về Đào Tấn mà chúng tôi
gom góp được có bộ phận tài liệu do anh Nguyễn Thế Triết sao chép cung cấp gọi
là HTTB của Đào Tấn. Cung cấp nhiều lần, trong thời gian dài, mỗi lần một xấp
năm ba bài, mỗi bài ba phần: bản sao chữ Hán, phiên âm, dịch nghĩa đều viết
tay. Chính tôi là người đặt hàng và trực tiếp nhận tài liệu, trả tiền theo thỏa
thuận giữa hai bên. Thực ra, giá thỏa thuận hồi đó rẻ như bèo, lấy kinh phí từ
nguồn Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật tỉnh nhà tài trợ mà trả. Đương nhiên tôi là
người tiếp xúc khối lượng tài liệu đó trước hết; đọc và kiểm tra tài liệu trong
tình trạng không có bản gốc đối chiếu.
Tuy vậy, càng làm càng thấy ngờ ngợ,
trong mỗi bài tôi đều làm chú thích ở dưới, ký tên VNL. Ví dụ: bài số XXII,
trang 55 sách in (phần dịch): “Ở Nam Kỳ có ông Bùi Hữu Nghĩa là người đồng
thời của tôi (Đào Tấn). Ông Bùi từng soạn tuồng Kim thạch kỳ duyên ở
đời. Tôi từng đọc tuồng đó. Văn chương rất hay nhưng rất khó hát, bởi vì tiết
điệu trong tuồng không hợp, có điệu cao mà không có điệu thấp. Kép hát, nếu
không được trời cho tốt giọng thì rất khó hát. Ông Phan Thanh Giản lúc còn sống
thường nói với tôi: Bùi Hữu Nghĩa là bậc thiếu niên anh tuấn, văn chương của
ông ta đứng đầu một thời, nhưng tuồng Kim thạch kỳ duyên do ông ta soạn
lưu truyền không rộng rãi là tại sao vậy? Tôi đem nguyên do đó mà đáp, ông Phan
cũng cho như vậy là đúng. Do đó, người viết tuồng nên gồm có tài sành về âm
luật mới có thể vận dụng văn tài hợp với tiết điệu của tuồng được. Không rành
âm luật mà soạn tuồng thì khó mà toàn bích vậy”. Đọc xong bài, tôi bỗng
giật mình: hình như giữa những con người này sống cách nhau xa lắc, sao ở đây
người ta kéo thời gian xích lại gần nhau đến thế nhỉ? Buộc phải lục lại thư
tịch cũ tra cứu thấy rằng: Phan Thanh Giản sinh năm 1796, Bùi Hữu Nghĩa sinh
năm 1807, Đào Tấn sinh năm 1845. Nghĩa là Phan Thanh Giản lớn hơn Đào Tấn 49
tuổi, Bùi Hữu Nghĩa lớn hơn Đào Tấn 38 tuổi, Phan Thanh Giản lớn hơn Bùi Hữu
Nghĩa 11 tuổi. Xét về mặt đạo lý Đào Tấn thuộc lớp hậu bối của Phan Thanh Giản,
Bùi Hữu Nghĩa. Lại nữa, Phan Thanh Giản đỗ Cử nhân năm Ất Dậu (1825), đỗ Tiến
sĩ năm Bính Tuất (1826). Từ năm 1862-1867 làm Kinh lược sứ Nam Bộ, năm 1867
chết ở Vĩnh Long. Còn Đào Tấn sinh năm Ất Tỵ (1845), đỗ Cử nhân 1867 khoa Đinh
Mão tại Trường thi Bình Định, tức năm Phan Thanh Giản chết. Làm Hiệu thư ở Huế
năm 1871, nghĩa là sau khi Phan Thanh Giản chết đi đã 4 năm.
Vậy Đào Tấn gặp Phan Thanh Giản vào
lúc nào, dịp nào và bằng cách gì mà sao họ trò chuyện với nhau như cùng lứa
tuổi? Nói chung, những điều nghi vấn tương tự tôi đều chú thích trong từng bài.
Vì khối lượng tài liệu nhiều, tôi chưa có thời gian xem xét hết. Lúc Ty VHTT
Nghĩa Bình sử dụng mấy chục bài in sách cũng được người ta bê y nguyên chú
thích của tôi vào sách. Riêng chuyện in sách mang tên Hí trường tùy bút cũng
lắm điều đáng buồn. Đầu tháng 2 năm 1981, tôi trực tiếp trao đổi với Nguyễn Thế
Triết, cảm ơn anh đã nhiệt tình cộng tác, cung cấp tài liệu Hí trường tùy
bút khá nhiều và đã đến lúc cần in thành sách phục vụ Hội nghị Nghiên cứu
Đào Tấn lần II. Để đảm bảo tính khoa học trong việc công bố tài liệu, chúng tôi
xin mua lại bản gốc mà anh đã dùng để sao chép cung cấp, nếu thấy không cần
thiết phải giữ nó; bằng không thì cho chúng tôi chụp ảnh trang bìa và một vài
trang ruột để làm chứng cứ rằng tài liệu đáng tin cậy, đương nhiên chúng tôi
phải ghi rõ bản gốc do anh sở hữu. Lần đầu Triết hứa sẽ về quê Tuy Phước lấy
đem xuống cho mượn chụp ảnh. Chừng nửa tháng sau Triết trả lời: Trên đường mang
bản gốc xuống Quy Nhơn rủi vì giữa đường bị đứt cái dây chun buộc tài liệu sau
xe đạp, tài liệu bị rơi lúc nào không biết. Vậy là đã rõ. Tôi ra về trong thất
vọng. Đến khoảng tháng 3 năm 1981, ông Hồ Đắc Bích mời tôi dự họp bàn chuyện in
Hí trường tùy bút, tôi trình bày mọi lẽ nghi ngờ kèm lời khuyên không
nên in. Ông Bích không nghe. Tôi giao hẹn: Nếu cứ in thì không được ghi tên tôi
vào sách. Các bạn có quyền muốn làm gì thì làm. Hóa ra chỉ mỗi một dòng mấy chữ
“Nhà hát tuồng Nghĩa Bình biên tập” mà có “tiểu sử” rất chi quanh
co thế đấy! Chắc có người sẽ hỏi: Tài liệu không đáng tin cậy thu mua làm gì
cho tốn kém? Xin thưa, thu thập rồi mới biết, vả lại chúng tôi đang cơn khát
đãi cát tìm vàng mà! Đang khao khát tài liệu về Đào Tấn mà lại có tin báo Đào
Tấn còn để lại tập Hí trường tùy bút hỏi có ai làm ngơ được không? Hí
trường tùy bút sau khi công bố, dư luận rất quan tâm, do vì lần đầu bạn đọc
tiếp xúc với một tài liệu hiếm có mang tính lý luận nghệ thuật sân khấu Việt
Nam. Đồng thời cũng bùng nổ một vụ án văn chương tại Hội nghị nghiên cứu Đào
Tấn lần II. Tôi và Nguyễn Huệ Chi (Viện Văn học) quen nhau từ đấy.
Đại biểu được mời đến dự hội nghị
nghiên cứu Đào Tấn lần thứ II (tháng 8.1982) đông hơn lần I. Cuộc vật lộn trong
việc đánh giá tác phẩm của Đào Tấn không kém sôi nổi nhưng khá thuận chiều. Chỉ
riêng việc đánh giá tập sách Hí trường tùy bút thì kẻ khen người chê
hoàn toàn trái ngược. Nguyễn Huệ Chi là cây bút phủ định nổ phát súng đầu, anh
ngờ Hí trường tùy bút về cơ bản là hàng giả, nhiều bài ăn cắp của tài
liệu lý luận và lịch sử hý khúc Trung Quốc xào nấu lại (nhưng cách anh nói
trong hội nghị có phần ý nhị, chỉ nêu vài nghi vấn và cũng phải gác lại 2 phần
không đọc theo quyết định của một cuộc họp chớp nhoáng của Tỉnh ủy Nghĩa Bình,
tuy thế cũng đủ gây một cơn “địa chấn” trong hội trường); phái khẳng định thì
coi Hí trường tùy bút là một cống hiến lớn lao, cùng hót theo giọng
Hoàng Trinh.
Theo tôi, chuyện rất dễ hiểu, vì hầu
hết phái khẳng định không có khả năng đọc thẳng nguyên tác chữ Hán, họ đều là
nô lệ của bản dịch. Những người có khả năng đọc thì đều không có điều kiện đọc,
đã không có điều kiện đọc lại ham có ý kiến! Chung quanh vụ án văn chương Hí
trường tùy bút sau hội nghị còn xôn xao một thời gian dài. Hồ Ngọc (tức Hồ
Thi) phát biểu trên báo ủng hộ Nguyễn Huệ Chi và chứng minh Hí trường tùy
bút là ngụy thư. Ông Hoàng Chương nhân danh Viện Nghiên cứu Sân khấu tổ
chức tọa đàm phản bác ý kiến Hồ Thi và Nguyễn Huệ Chi, phản bác bằng thứ luận
cứ tù mù.
Riêng Nguyễn Huệ Chi hình như gặp
khó ít nhiều trong “sinh hoạt chính trị” ở cơ quan. Thu hoạch lớn nhất từ hội
nghị nghiên cứu Đào Tấn II: 1. Giải quyết dứt điểm những gì rơi rớt lại từ hội
nghị I về con người Đào Tấn. 2. Thúc đẩy công tác nghiên cứu tiến vào chiều
sâu. 3. Xuất hiện sự vụ Hí trường tùy bút bộc lộ sự sơ hở đáng tiếc,
nhắc nhở chúng tôi: đây là công trình khoa học cho nên phải tuyệt đối tuân thủ
quy trình khoa học, nếu đùa với khoa học thì công trình sẽ bị đổ vỡ như chơi.
Vì muốn giải quyết rắc rối này thật khách quan, tháng 10 năm 1987 chúng tôi mời
hai nhà nghiên cứu Nguyễn Huệ Chi và Đỗ Văn Hỷ (Viện Văn học) vào Quy Nhơn công
tác “nằm vùng” một thời gian tiến hành khảo cứu văn bản chữ Hán Hí trường
tùy bút đầy đủ do Nhà hát tuồng Đào Tấn thu thập từ Nguyễn Thế Triết để có
kết luận minh bạch (xem bài “Thật và giả của Hí trường tùy bút” in ở tập
III Đào Tấn – qua thư tịch, khảo luận của Nguyễn Huệ Chi lưu tại Sở Văn
hóa thông tin Nghĩa Bình nay là Bình Định – thiết tưởng cũng cần sớm cho bạn
đọc rộng rãi được thưởng thức cả nguyên văn và bản dịch cuốn sách rất “lạ kỳ”
này). Tháng 8 năm 1988 tiến hành hội nghị nghiên cứu Đào Tấn lần III, thực chất
là một cuộc kiểm tra có tính chất tổng hợp nhằm soát xét những việc đã làm còn
có gì chưa thấu tình đạt lý. Cuốn Thư mục – Tư liệu về Đào Tấn xuất bản
cuối năm 1985 mang tính chất tổng hợp của công trình. Có thể nói các đầu sách
thuộc công trình nghiên cứu Đào Tấn lần đầu tiếp xúc với đời vào các thời gian:
Tháng 12 năm 1987 cuốn Đào Tấn – Thơ và từ Nhà xuất bản Văn học ấn hành.
Tháng 01 năm 1988 hai cuốn Tuồng Đào Tấn (tập I và II) Nhà xuất bản Sân
khấu và Sở VHTT Nghĩa Bình ấn hành, nhằm chuẩn bị cho hội nghị nghiên cứu Đào
Tấn lần thứ III. Theo cách nói của Xuân Diệu thì đây là lúc Đào Tấn đã trở
thành người yêu của thiên hạ, “cô nàng” đã có thai, thai của nàng cũng đã đến
kỳ sinh nở.
Trên cơ sở đó bây giờ mới có bộ sách
Đào Tấn ba tập dày dặn vấn thế. Vậy là từ hội nghị I (1977) đến
hội nghị II (1982) thời gian chuẩn bị mất đứt 5 năm. Từ hội nghị II đến hội
nghị III (1988) thời gian chuẩn bị mất đứt 6 năm,vị chi là 11 năm. Mười một năm
“đổ mồ hôi, sôi nước mắt” khôi phục được chân dung một nhân vật
lịch sử liên quan đến nền tảng của nền nghệ thuật kịch hát nước nhà, có lẽ nào
đây không phải là niềm tự hào?
Đào Tấn – niềm tự hào của nền nghệ
thuật kịch hát Việt Nam cần được thông báo cho thế giới loài người cùng biết.
Vả lại, đó cũng là quyền lợi chính đáng mà họ đòi hỏi được biết để bổ sung kiến
thức trong cuộc sống của mình. Vì vậy, sắp tới chúng ta cần làm tiếp hai việc:
1. In song ngữ các tác phẩm nghệ thuật của Đào Tấn để cung cấp cho thị trường
thế giới. 2. Xây dựng một bộ phim nhiều tập về chân dung Đào Tấn bao gồm con
người và tác phẩm. Đây là phương tiện quảng bá trực tiếp nhất, rộng rãi nhất,
hiệu quả nhanh nhất. Quảng bá cả trong nước, ngoài nước. Đương nhiên muốn quảng
bá đạt hiệu quả, phim phải có sức hấp dẫn. Tôi nghĩ, chính cuộc đời Đào Tấn sẽ
tạo nên sức hấp dẫn ấy.
VŨ
NGỌC LIỄN
Quy Nhơn 15-5-07 ———-
* Bài đã in trong cuốn “Góp nhặt dọc
đường”
No comments:
Post a Comment