65 năm đã trôi qua kể từ thời khắc lịch sử Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn
Độc lập lịch sử tại quảng trường Ba Đình, người con gái Hà thành – Lê Thi vẫn
nhớ như in giây phút xúc động ấy. Hôm ấy, bà cùng bà Đàm Thị Loan, hai người
phụ nữ cùng nhau kéo cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trong nắng vàng thủ đô. Nhưng
mối tình duyên của cô nữ sinh Đồng Khánh với anh chàng cảnh vệ canh gác kỳ đài
nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn còn kỳ diệu hơn thế. Hai người gần như đứng cạnh
nhau, cùng thực hiện những nhiệm vụ thiêng liêng nhưng không hề
biết nhau. Phải 10 năm sau, khi “tình trong như đã mặt ngoài còn e” thì họ mới
biết con đường cách mạng đã đưa hai mảnh ghép trái tim yêu thành một gia đình
nhỏ.
Tình yêu trong bão bùng chiến tranh
Trước Cách mạng tháng Tám, bà Dương Thị Thoa, bí danh Lê
Thi (con gái của học giả Dương Quảng Hàm) và chồng – ông Lê Hồng Hà cùng tham
gia đường dây hoạt động bí mật. Bà Lê Thi ở tổ phụ nữ, ông Hà ở tổ khác. Ngày
19/8/1945, trong không khí sôi nổi cả Hà Nội biểu tình giành chính quyền. Ông
Lê Hồng Hà cũng nhiều người có vũ trang xông vào Trại Bảo An binh, đối diện Rạp
Tháng Tám (bây giờ) hạ gục lính khố xanh giành quyền chủ động. Một lúc sau, bà
Lê Thi hoạt động trong nhóm phụ nữ vào tiếp tế cho nhân dân và quản lý địa bàn
chiếm đóng. Đó là giây phút xúc động, mặc dù không biết nhau nhưng ánh mắt nhìn
thoáng qua đã báo hiệu mối duyên tình trời sắp sẵn.
Cách mạng thành công ở Hà Nội, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đã
thành lập ngay sở Liêm phóng Bắc Bộ – tổ chức đầu tiên của Công an Nhân dân
Việt Nam ở Bắc Bộ, làm nhiệm vụ trấn áp phản cách mạng, giữ gìn an ninh, trật
tự, bảo vệ Đảng và chính quyền. Sở Liêm phóng cử ra một đội đặc biệt trong đó có
ông Lê Hồng Hà để bảo vệ lãnh đạo cách mạng và Bác Hồ trong lễ Tuyên ngôn Độc
lập.
Chiều 2/9/1945, trong nắng thu vàng óng, quảng trường Ba
Đình rợp cờ hoa. Cả biển người đang chờ mong giờ khắc lịch sử: độc lập, tự do
cho dân tộc. Đang đứng trong hàng ngũ phụ nữ mặc áo dài trắng, bà Lê Thi được
một cán bộ cử lên kéo cờ với người đồng hành mà sau này mới biết là bà Đàm Thị
Loan – vợ của cố Đại tướng Hoàng Văn Thái. Đó là hai sự kiện trọng đại mà bà Lê
Thi và ông Hồng Hà cùng làm việc bên nhau nhưng họ không hề biết rằng sau này
đôi lứa nam thanh nữ tú lại trở thành đôi duyên tình tuyệt đẹp. Cuối 1945,
Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tổ chức các lớp học cho cán bộ nhằm năng
cao khả năng chiến đấu. Tại Lớp tuyên truyền xung phong của Bộ Thông tin Tuyên
truyền do cố giáo sư Trần Huy Liệu đứng đầu, cô nữ sinh Đồng Khánh ngày nào giờ
đã phổng phao nét con gái e thẹn nhìn đắm đuối anh chàng “quản ca” Hồng Hà cất
cao giọng hát ngày mới vào lớp. Ông Hà kể lại: “Hồi đó tôi có chút năng khiếu
ca nhạc. Thầy giáo giao cho tôi làm quản ca để khuấy động phong trào văn nghệ.
Hôm đầu tiên tôi hát bài Rạng Đông. Sau này bà ấy kể tôi mới biết hôm đó bà ấy
ngồi chống cằm nghe tôi hát. Bà bảo “kết” tôi từ ngày ấy nhưng chẳng dám nói thành lời”.
Lớp học tổ chức vào buổi trưa nên nhiều học viên đạp xe xa
lại đói. Biết được thực trạng này, một hôm, Hồng Hà ra bãi để lấy xe toan về
thì tình cờ gặp cô nữ sinh Lê Thi. “Rất vui vì người trong mộng đi bộ đi học,
tôi mạnh dạn bảo Lê Thi lên xe tôi đèo về số 98 Hàng Bông. Đó là hôm tôi với bà
ấy xúc động nghẹn ngào vì thời chiến tranh, được đèo bạn gái rong phố là vui nhất”
– ông Hà kể lại. Chưa thỏa nỗi nhớ nhung, chàng trai Lê Hồng Hà còn nhiều lần
tìm đến số nhà Lê Thi với “cớ” mượn tài liệu. Trong ánh mắt si tình và cử chỉ
rụt rè của Lê Hồng Hà, cô nữ sinh Đồng Khánh thừa hiểu “đối phương” đang tán
mình.
Thời gian trôi qua thật mau, tình yêu trong lửa đạn chiến
tranh khó lường trước ai còn, ai mất, kẻ ở người đi lúc nào không hay. Kháng
chiến Toàn quốc nổ ra vào cuối năm 1946, Hồng Hà gặp Lê Thi và trao cho bà vài
viên đạn phòng thân. Đây cũng là lần gặp cuối cùng trước khi hai người xa nhau
để nhận nhiệm vụ mới. Nhưng vẫn chưa kịp nói lời yêu thương thì hai người
đã ở hai đầu chiến tuyến. Bà Lê Thi được phân công đứng đầu phụ nữ cứu quốc
tỉnh Tuyên Quang. Dưới xuôi, ông Lê Hồng Hà về làm quận trưởng công an quận 6,
đồng thời làm công tác điệp báo cho nội thành Hà Nội.
Đám cưới lung linh trong rừng và chuyện cô dâu tự
ra mắt nhà chồng
Yêu nhau được 2 năm nhưng chưa một lần chàng cảnh sát Lê
Hồng Hà tỏ tình với người yêu vì còn nghĩ “chưa hòa bình thì chưa có đám cưới”
nhưng khi nhận được tin chuẩn bị đi học tập ở Trung Quốc đã khiến Lê Hồng Hà
nghĩ lại. Nhận được tin báo, Lê Thi đang hoạt động ở Sơn Dương đi bộ hàng chục cây số
đường rừng ra thị xã Tuyên Quang để gặp người yêu cùng đoàn cán bô lên Bắc Cạn
học tiếng Trung để sang Bắc Kinh học vào cuối năm 1949.
Giờ đây khi cái tuổi đã ở ngoài lục tuần nhưng bà Thi vẫn
nhớ như in đêm tỏ tình ấy. Nhiều đồng đội cùng đơn vị bảo rằng: “Ngộ ông Hà đi
học ở nước ngoài, nhỡ lấy ai khác thì bà Thi tính sao?”. Vậy là, đôi nhân tình
trẻ đã thề non hẹn biển với nhau, quyết định tổ chức đám cưới trước khi Lê Hồng
Hà đi học Trung Quốc. Ngày 17/4/1949, lễ kết hôn đã được tổ chức ngay tại cơ
quan Hoa Kiều Vụ, nơi mở lớp học tiếng Trung văn. Cả lớp học hơn 20 cán bộ đã
giúp việc tổ chức hôn lễ cực kỳ trang trọng và cho tới nay, 2/3 số đồng chí
trong lớp học đã đi xa rồi, chỉ còn lại độ 6 người.
Bên nhà gái có Uỷ viên thường vụ tỉnh ủy Tuyên Quang cùng
Lê Thi vượt hàng trăm km đường rừng đầy bom đạn và giặc Pháp rình rập sang Định
Hóa để tổ chức đám cưới. Ông Hoàng Quốc Việt, Uỷ viên thường vụ Trung Ương Đảng
phụ trách mặt trận đóng vai ông chú của chú rể, có đến dự. “Lúc đó còn rất coi
trọng đám cưới, nên chúng tôi được cho nhiều tiền: đồng chí Lê Văn Lương Uỷ
viên thường trực Trung Ương Đảng cho 1000đ, nha công an cho 1000đ, Tỉnh Uỷ
Tuyên Quang cho 1000đ, đồng chí Hoàng Quốc Việt cho 500đ. (lúc đó lương tháng
của tôi với tư cách Quận trưởng chỉ có 200đ tiền” – ông Lê Hồng Hà kể lại.
Trong không khí nồng ấm ấy, gia đình hai họ đã cử người vào
rừng đốn
cây chuối, moi ruột ra, đổ dầu hỏa vào để làm một ngọn nến to, vừa để
thắp sáng vừa thể hiện một ý nhị rằng tình yêu của cô nữ sinh Đồng Khánh với
chàng cảnh vệ canh gác kỳ đài Bác Hồ ngày nào mãi mãi sáng ngời như ngọn nến tự
chế này. Bạn đồng môn với Lê Hồng Hà lên núi hái măng đắng, lấy ít rau rừng
ngọt về làm canh và săn thịt thú rừng đãi khách đường xa. Mâm cơm giữa rừng sâu
tuy đạm bạc nhưng tràn trề niềm vui. Đôi vợ chồng trẻ ôn lại những kỷ
niệm thời Cách mạng tháng Tám và giây phút lắng đọng tâm hồn trong ngày lễ Quốc
khánh. Bà Lê Thi xúc động: “Tôi ghét chiến tranh nhưng tôi cũng thầm cảm ơn
cách mạng đã đưa chúng tôi đến với nhau. Ngày trước, con gái đi cùng con trai
ít có chuyện để nói lắm. May mà hai người có chung những chuyện
kháng chiến nên thường xuyên trò chuyện. ‘Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”, chúng
tôi yêu nhau
từ
những ngày gian khó ấy”. Đêm “động phòng hoa chúc”, đôi vợ chồng trẻ
được nhường hẳn một căn nhà lá do chuyên gia Trung Quốc để lại nhưng nom vẫn
còn vững chắc lắm. Nhưng bà Thi cũng ý thức rằng, chồng chuẩn bị đi xa, hơn nữa
kháng chiến mà sinh con thì vất vả với gia đình nên hai người quyết định không
sinh con ngay.
Lúc gần gũi nhau, một ánh nhìn cũng không dám nhìn lâu
nhưng trước khi xa chồng, Lê Thi khóc như mưa. Bà biết chồng đi học để phục vụ
đất nước nhưng xót xa quá, nên vợ nên chồng được có vài ngày, bà nước mắt ngắn
dài tiễn chồng đi học. Ông Hà cũng không biết nói thế nào, chỉ dặn vợ ở nhà
mạnh khỏe và đợi ông về sum họp điền viên. Ông Hà chuẩn bị khăn gói lên đường
thì cũng là lúc bà Thi chuẩn bị về quê nội chuẩn bị ra mắt nhà chồng. Cùng đi
với bà hôm đó có một người bạn của chồng bà để chỉ đường. Bà Thi vẫn cười tủm
khi nhớ lại cái hôm lạ kỳ ấy: “Thời ấy, con gái ra mắt nhà người yêu đã chết
ngượng rồi, lại còn cưới nhau rồi mới ra mắt. Nhưng dù sao, đám cưới được sự đỡ
đầu của nhiều đồng chí cán bộ cấp cao bên nhà nội nên mẹ chồng, bố chồng tôi
cũng rất đồng tình” – Bà Lê Thi tâm sự. Mâm cơm đãi con dâu chẳng có gì ngoài
ít rau vườn và con gà nuôi nửa năm mới dám mổ. Bà kể chuyện đám cưới trong rừng
cho bố mẹ chồng nghe và cũng “khất lễ” với nhà chồng 4 năm nữa mới sinh con. Lê
Thi e lệ và cúi mặt khi mẹ chồng không trách lời nào mà còn khen con dâu rất
“biết điều” đã vượt hàng trăm cây số đường rừng về ra mắt bà con chòm xóm
cho người ta thấy mặt vợ anh cảnh sát Lê Hồng Hà. Ở nhà mẹ chồng được một tối,
hôm sau, bà lên đường trở lại đơn vị.
Sống với nhau trọn đời vui, có với nhau 2 mụn con khôn lớn
trưởng thành. Chuyện tình của cô nữ sinh Đồng Khánh với anh cảnh vệ bảo vệ kỳ
đài Bác Hồ ít người biết đến. Bà Lê Thi – nguyên Viện trưởng Viện Triết học,
người có công đầu trong việc thành lập Trung tâm nghiên cứu Giới và Gia đình
vẫn rất chỉn cho trong cuộc sống gia đình thời hiện đại. Hơn 40 năm tần tảo với
cuộc sống gia đình, bà vẫn thường đem câu chuyện tình yêu của mình kể cho con
cháu nghe để rèn ý thức và trách nhiệm trong tình yêu đôi lứa.
Đức Chính
_______________________
_______________________
No comments:
Post a Comment