Hình như trên báo chí hiện nay, nhiều người đang “ngoại giao” phê bình hơn là “làm” phê bình. Nhiều người đang làm cái việc có dính dấp đến “sự dối trá hoàn hảo” thì phải. Cũng đã rất lâu rồi, trong làng văn, làng thơ, làng báo của chúng ta không có một cuộc “luận chiến” hoặc “đấu khẩu” văn chương cho ra trò và tử tế nào cả.
Nhiều người đang làm cái việc có dính dấp đến “sự
dối trá hoàn hảo”
Theo anh, phê bình có vai trò như thế nào trong sự phát triển văn học nghệ thuật?
Về mặt lý thuyết, phê bình thường có tác động tích cực
đến sự phát triển của văn học nghệ thuật. Nó giúp các tác phẩm đến với độc giả
nhanh hơn, chuẩn xác hơn và có sức lan toả hơn. Đôi khi, nó cũng có vai trò mà
ta vẫn quen nói to tát là “định hướng’”, “dẫn dắt” hay “phát hiện”, “động
viên”, “gợi mở”…gì đó. Nhưng vai trò này chỉ thuộc về những nhà
phê bình đích thực. Đó là những người am hiểu văn học nghệ thuật, có
chính kiến, có bản lĩnh, vô tư và khách quan. Tiếc những nhà
phê bình ở dạng này đang hiếm hoi như lá mùa thu và như sao buổi sớm.
Anh đánh giá như thế nào về thực trạng phê bình văn học nghệ thuật trên báo chí hiện nay?
Bàng quan và thiếu trách nhiệm. Ngại đụng chạm. Quen
nói một chiều. Tất cả đều bằng bằng và vô vị. Nói như người đời thường nói
là…bôi ra cho có vậy thôi, kiểu như “lấy vải thưa mà che mắt thánh” ấy mà. Hình
như trên báo chí hiện nay, nhiều người đang “ngoại giao” phê bình hơn là “làm”
phê bình. Nhiều người đang làm cái việc có dính dấp đến “sự dối trá hoàn hảo”
thì phải. Cũng đã rất lâu rồi, trong làng văn, làng thơ, làng báo của chúng ta
không có một cuộc “luận chiến” hoặc “đấu khẩu” văn chương cho ra trò và tử tế
nào cả.
Tình trạng “những nhà ngoại giao phê bình” như anh
vừa đề cập ảnh hưởng như nào đến đời sống văn học của chúng ta? Sự nhập nhằng
giữa phê bình và các bài điểm sách cần giải quyết ra sao?
Trước hết, nó gây nhiễu cho một bộ phận độc giả. Sau
nữa, nó làm người viết khó chịu. Tôi gọi những người “phê bình điểm sách” là những “nhà
khen học”. Phải giải quyết sự nhập nhằng giữa phê bình và các bài điểm sách như
thế nào ư? Liệu chúng ta có cần phải sòng phẳng và mất thời gian về
"sự" này đến vậy không? Nhưng chúng ta cũng đừng quá lo xa. Tôi tin
có nhiều độc giả (có khi lại là số đông) đều biết cả đấy, có điều họ không muốn
nói hoặc không thèm nói đấy thôi. Và sự lặng im của họ, đôi khi cũng là một
cách biểu hiện thái độ.
Lâu nay, tôi thường có thói quen đọc các bài “phê bình
điểm sách” thơ bằng cách đọc dăm bảy câu thơ dẫn chứng. Nếu thấy các dẫn chứng
không thuyết phục thì không đọc nữa. Tôi tin không có “bột” thì dù có tán hươu,
tán vượn thế nào, cũng không thể “gột” nên “hồ” được. Dần dần, tôi loại bỏ bằng
cách không đọc những bài viết kiểu này. Tôi tin nhiều độc giả
cũng cách phản ứng giống tôi.
Cũng có lúc, tôi đọc những bài viết này vì cái tên của người viết.
Một khi cái tên của người viết, nói như dân miền Nam
là “không có gram nào hết trơn”, thì chúng ta đọc chúng làm gì nữa. Nói chung,
khi đọc những
bài “phê bình đọc sách”, chúng ta cũng cần trang bị cho mình một “bộ
lọc”.
Có tình trạng ở một số tờ báo của ngành, tuy không
chuyên về văn học nhưng vẫn có những trang văn hóa văn nghệ. Trên những trang
này thường xuyên đăng tải những bài phê bình văn học thiếu thuyết phục,
thậm chí là lệch lạc. Anh nghĩ sao về điều này? Chấp nhận, bỏ qua hay cần một
thái độ cương quyết?
Tôi hoan nghênh một số tờ báo, cho dù là của ngành và
không chuyên về văn học, vẫn có những trang văn hóa văn nghệ. Đó là quyền tự
do quan tâm đến văn học nghệ thuật của mọi tờ báo. Nhưng nếu những trang
báo này thường xuyên đăng tải những bài phê bình thiếu thuyêt phục, thậm chí
lệch lạc, thì lại là việc hoàn toàn khác. Các tờ báo này sẽ được liệt hạng
không chuyên nghiệp và mất uy tín. Và trước những bài viết kiểu này, chúng ta cần có thái
độ cương quyết trên những tờ báo chuyên về văn học nghệ thuật.
Tôi thường nói với các phóng viên chuyên về văn học
nghệ thuật: Hãy phấn đấu trở thành một chuyên gia của một lĩnh vực nào đó mà
mình đang quan tâm, theo dõi. Đừng viết dựa, nói dựa theo người khác và cũng
đừng viết khi mình chưa đọc kỹ, hiểu kỹ, hiểu đúng tác phẩm.
Tệ hại hơn, có những nhà báo không đọc sách mà vẫn cho đăng những bài
đọc sách, được ký một bút danh vu vơ nào đấy và được đăng tải trên
hàng loạt báo . Đây là những bài có sẵn do các nhà sách viết với mục
đích PR, quảng cáo để bán sách. Đổi lại, những nhà báo kiểu này vừa được lĩnh nhuận bút của
bản báo, vừa được các nhà sách trả thêm tiền thù lao. Thật là “nhất cử lưỡng
tiện”! Theo tôi, kiểu làm ăn này vừa lười biếng, vừa không trung thực, vừa
không lương thiện và minh bạch cho lắm.
Các nhà phê bình đích thực hãy lên tiếng
Trong khi các nhà phê bình chuyên nghiệp khá “kín tiếng” trước các vấn đề/ hiện tượng văn học mới nảy sinh, những tác phẩm mới gây tranh cãi thì những nhà “phê bình tay ngang” vào cuộc sôi nổi. Điều này theo anh là tốt hay không tốt?
Việc các nhà phê bình chuyên nghiệp khá “kín tiếng”
trước các vấn đề/ hiện tượng văn học mới nảy sinh, những tác
phẩm mới gây tranh cãi…chưa hẳn là điều tốt. Tại sao lúc nào, các nhà phê bình
chuyên nghiệp cũng phải thận trọng và bình + tĩnh như thế? Còn các nhà “phê bình
tay ngang” vào cuộc sôi nổi…chưa hẳn là điều không tốt. Trước hết, phải biểu
dương sự nhiệt tình của họ. Sau đó, cũng cần xem họ viết đúng hay viết sai. Mà
nhiệt tình + viết sai thì hậu quả là gì? chắc là rất nhiều người biết hoặc hoàn
toàn có thể đoán ra ngay thôi.
Chính tình trạng lười biếng, không lương
thiện, không minh bạch như trên chi phối đến cách nhìn nhận của phía độc giả
vì ngoài những bài phê bình điểm sách, hoặc những thông
cáo báo chí biến thành bài giới thiệu sách đăng tràn lan trên báo chí hiện nay,
họ không hoặc rất khó tìm được những bài đánh giá khách quan, chuẩn xác về những tác
phẩm, hiện tượng văn học mà họ quan tâm. Anh vừa đề cập đến việc “ cần có thái
độ cương quyết trên những tờ báo chuyên về văn học nghệ thuật”,
vậy theo anh có cần đặt tiếp vấn đề về trách nhiệm của các nhà phê bình văn học
chuyên nghiệp trước tình trạng này hay không?
Tại sao...không? Theo tôi, trách nhiệm này trước hết
thuộc về các nhà phê bình văn học chuyện nghiệp. Không thể để những người
núp bóng họ, nhân danh họ làm những chuyện nhiễu nhương như vậy.
Một "con sâu" có khi đã đủ "làm rầu nồi canh" rồi, huống hồ
trên thực tế lại có quá nhiều "con sâu".
Có thể nói chưa bao giờ đời sống văn học của
chúng ta cởi mở như bây giờ. Mọi người đều có quyền nói lên tiếng nói của mình.
Tuy nhiên sự cởi mở cũng có mặt trái của nó. Anh nghĩ gì về điều này?
Tôi đồng ý và xin chia sẻ với bạn câu hỏi này. Nếu coi
sự cởi mở là biểu hiện một quyền tự do nào đó chẳng hạn, thì trước khi thực
hiện nó, thiết nghĩ cũng cần phải hiểu cởi mở là gì? tự do là gì? đã chứ. Làm
gì có chuyện cởi mở, tự do vô giới hạn! Và một khi chưa biết tự do là gì và
chưa có kiến thức gì về quyền tự do, thì cũng không nên để ai đó tự do quá. Có
khi lại “lợi bất cập hại” không chừng. Cái gì cũng có mặt trái của nó. Đối
với sự cởi mở ở mức thái quá, cũng chẳng nên khuyến khích làm gì.
Đã bao giờ anh là “nạn nhân” của các nhà phê bình
không chuyên? Nếu gặp phải những trường hợp phê bình phán xét hồ đồ liên
quan đến anh, thái độ của anh như thế nào?
Cũng đã có một, hai lần, tôi trở thành “nạn nhân” đấy.
Cách nay chừng 10 năm, có một người có kiến văn rất lỗ mỗ, khi mới đọc có 2 câu
thơ mở bài của một bài thơ dài 20 câu của tôi đã vội chê. Tôi đã hỏi lại người
này: Thế bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu, hay nhất ở câu “Đầu súng trăng
treo”, lại là câu thơ cuối cùng trong bài thơ, thì ông nghĩ sao? Cũng có một
vài lần tôi bị khen sai (nên nhớ đối với dân sáng tác chuyên nghiệp, dù
khen sai hay chê sai, đều không thể chấp nhận được). Cách nay đã lâu, có một
lần, có một nhà phê bình không chuyên khen 2 câu trích trong một bài thơ “Những câu
hỏi của con” mà tôi viết tặng con gái tôi khi cháu còn nhỏ. Người này viết: Hẳn
phải thương mẹ lắm, bé mới hỏi: Sao bố không mua trăng/ Làm đồ chơi tặng mẹ?
Người này đã nhầm. Không phải đứa bé thương mẹ mà hỏi vậy. Cái chính là ở tuổi
bé thơ, đứa trẻ nào cũng nhìn mọi vật như đồ chơi của nó vậy. Gặp những trường
hợp phê bình phán xét hồ đồ ấy, tôi lại nhớ một câu nhà thơ Nguyễn Quang Thiều từng nói:
Dị ứng với mọi lời khen, chê.
Sự nhiễu loạn phê bình văn học trên báo chí
hiện nay, theo anh, chúng ta cần phải làm gì?
Chúng ta hãy lên tiếng! Các nhà phê bình đích thực hãy
lên tiếng! Đừng để đồng thau lẫn lộn! Đã đến lúc cần gióng lên những hồi
chuông cảnh báo cần thiết. Đừng để lặp lại cái cảnh “thuyền đua thì lái cũng
đua…” trong phê bình văn học nghệ thuật.
Xin cảm ơn anh. Chúng tôi mong các nhà phê bình cũng
sẽ tiếp tục lên tiếng về vấn đề này.
PVVNT thực hiện
Nguồn: Văn Nghệ Trẻ
_______________________
_______________________
No comments:
Post a Comment