Trang

Wednesday, March 14, 2012

DIỄN VĂN KHAI MẠC CỦA NHÀ THƠ HỮU THỈNH TẠI DIỄN ĐÀN VĂN HỌC VIỆT - MỸ “NHÌN LẠI VÀ PHÁT TRIỂN”


Tại TP Huế vừa qua từ ngày 9 -11/3/2012 đã diễn ra Diễn đàn văn học Việt Mỹ “Nhìn lại và phát triển”. Nhà thơ Hữu Thỉnh đã nhận xét: “Hai mươi năm qua, chúng ta đã làm được một việc mà văn học sử sẽ ghi nhớ mãi mãi, đó là thay quá khứ chiến tranh bằng tiến trình giao lưu văn học hữu hảo”. Trân trọng giới thiệu với bạn đọc diễn văn khai mạc:



15 năm (1975 -1990) là dài hay là ngắn cho những bên tham gia cuộc chiến ngồi lại với nhau? Là ngắn, thậm chí là rất ngắn đối với những thế lực cố tình theo đuổi một chính sách thù địch và nuôi ảo vọng lấy lại cái mà họ đã không sao làm được trong chiến tranh. Nhưng nó cũng là dài và dường như không thể dài hơn được nữa đối với những bộ óc thực tế, biết nhìn về phía trước. Trong số những người có tư duy lành mạnh ấy, phải kể ở hàng đầu những người sáng lập ra Trung tâm William Joiner. Tôi lấy làm ngạc nhiên một cách thú vị, với  chức năng nghiên cứu các hậu quả xã hội sau chiến tranh, đáng lẽ họ phải ưu tiên cho các dự án điều tra xã hội học, những con số thống kê, những khảo sát về di căn của cuộc chiến nhưng thay vào đó họ lại chọn văn chương làm mũi đột phá.
Đó là một lĩnh vực trừu tượng nhất mà cũng cụ thể và chuẩn xác nhất về sức khoẻ tinh thần của một dân tộc. Và tôi nghĩ rằng họ đã chọn đúng. Một quyết định đúng, đồng thời là một quyết định dũng cảm và khó khăn nhất, vì nó làm thay đổi toàn bộ cuộc sống của họ, của gia đình và con gái họ. Một quyết định đưa số phận của họ rẽ sang một con đường khác Đến nỗi con trai đầu của Kevin Bowen đã hãnh diện tự coi mình môt nửa là người Mỹ một nửa là người Việt Nam. 
Trớ trêu thay, ngày xưa họ đi vào cõi chết thì được cổ xuý và trang bị đến tận răng. Lần này họ đến với cõi thiện thì ngoài khát vọng đi tìm sự thật, họ không được trang bị gì hết. Không những thế họ đã phải đương đầu với những tiếng la hét, những lời đe doạ "chống lệnh cấm vận của chính phủ, làm cánh tay nối dài của Cộng sản". Không dừng lại ở đó, những kẻ phá quấy còn quyết tâm bôi nhọ họ bằng một vụ kiện kéo dài trên 7 năm. Và phần thắng đương nhiên là thuộc về thiện chí và lẽ phải.
Có thấy hết những giới hạn mà họ đã vượt qua và cả những sự trả giá, chúng ta mới thấy hết ý nghĩa đặc biệt của cuộc gặp lịch sử diễn ra bên Hồ Tây, Hà Nội cách nay trên 20 năm, chính thức đặt nền móng cho mối giao lưu văn học Việt - Mỹ. Một sự kiện chưa từng có trong quan hệ văn học giữa hai nước.
Sẽ rất không đầy đủ nếu chúng ta không nhắc đến những cố gắng tương tự từ phía đối ứng. Tôi nhớ Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam lúc đó, nhớ đến nhà vănTú Nam, Tổng thư ký và nhà thơ Chính Hữu, uỷ viên Ban chấp hành, Trưởng ban đối ngoại của Hội. Các anh cũng đã phải vượt qua nhiều giới hạn và tỏ ra vô cùng quyết đoán mở ra một trang mới làm phong phú và đa dạng hoá hoạt động đối ngoại của Hội. Phải là những người có cả một bề dày hoạt động cách mạng và văn chương, những người mà không ai có thể nghi ngờ về phẩm chất chính trị và nhân cách của họ mới có những bước đi táo bạo bắc một cây cầu hữu hảo đối với những người từng ở bên kia chiến tuyến. Tôi nhớ trong cuộc hội thảo dữ dội và kỳ thú ấy, hai bên đã nói với nhau bằng ngôn ngữ trần trụi của những người lính nói với những người lính. Sau những thăm dò ban đầu, cuộc đối thoại đã đi vào thực chất của vấn đề với các nút thắt đầy kịch tính để cuối cùng, vỡ oà ra một nhận thức chung là không để bỏ lỡ mất cơ hội của thiện chí. Và khi mà Lady Botơn từ bỏ gia đình, hôn nhân, tự học tiếng Việt để sang làm việc lâu dài ở Việt Nam; khi mà Larry Heinemann đã bóc tấm huân chương của Quân đội Mỹ đặt lên nấm mộ các chiến sĩ ở nghĩa trang Trường Sơn, khi Kevin Bowen lập cả một bàn thờ trong nhà mình với quốc kỳ Việt Nam, ảnh Bác Hồ và những vật kỷ niệm từ Việt Nam, khi Bruce Weigl bao nhiêu lần lặn lội sang Việt Nam để nhận một em bé trong trại mồ côi ở Ninh Bình đem sang Mỹ làm con nuôi, thì tôi nghĩ quyết định của họ là vô cùng nghiêm túc. Tôi còn muốn nhắc đến ông tây Fred Marchant đã tìm mọi cách về xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương để quay một bộ phim về thần đồng thơ Trần Đăng Khoa, để phổ biến rộng rãi trong các trường Đại học Mỹ. Công việc của người gánh nặng leo dốc của Trung tâm William Joiner sẽ không biết còn khó khăn đến đâu nếu không có một người vô cùng tận tụy - nhà thơ, tiến sĩ Nguyễn Bá Chung. Anh sinh ra để gắn kết giữa chúng ta. Nguyễn Bá Chung là hình ảnh của sự kết hợp những phẩm chất tốt đẹp của một nhà khoa học, nhà thơ và nhà quản lý tài ba.
Do thời điểm xuất phát của chúng ta là vô cùng khó khăn và có thể nói là chưa từng có, nên những gì chúng ta đã làm được là rất đáng trân trọng và ý nghĩa của nó vượt xa cả những gì mà bạn đọc bắt gặp trên trang sách. Hai mươi năm qua, chúng ta đã làm được một việc mà văn học sử sẽ ghi nhớ mãi mãi, đó là thay quá khứ chiến tranh bằng tiến trình giao lưu văn học hữu hảo. Có thể kể qua các việc làm chủ yếu sau đây:
Về phía Hội Nhà văn Việt Nam
1.  Đã tạo điều kiện đón trên 100 lượt nhà văn Mỹ sang tìm hiểu thực tế ở Việt Nam, giúp họ tiếp cận trực tiếp với các nhân chứng, các nguồn tư liệu, các hậu quả của chiến tranh. Đặc biệt, đã cùng bạn tổ chức nhiều cuộc hội thảo, giúp bạn tìm hiểu lịch sử, văn hoá, văn học Việt Nam. Đã giúp bạn có nhận thức đầy đủ về thực tiễn xã hội và văn chương Việt Nam. Hội Nhà văn Việt Nam còn là cầu nối giúp đỡ gia đình Mỹ tiếp cận thông tin về những người thân của họ mất tích trong chiến tranh.
2. Đã tuyển chọn và giới thiệu với bạn nhiều tác phẩm tiêu biểu cần được ưu tiên dịch thuật và xuất bản tại Mỹ. Những tác phẩm đó đã giúp bạn đọc Hoa Kỳ nhận rõ bản chất của cuộc chiến tranh chính nghĩa của Việt Nam, những cố gắng phi thường của nhân dân Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh và thiện chí của nhân dân Việt Nam mong muốn mở ra một trang mới trong quan hệ giữa hai nước.
3. Đã giúp các nhà văn Mỹ in ấn, xuất bản, ra mắt công chúng những tác phẩm của họ viết về Việt Nam. Tạo điều kiện để các nhà văn Mỹ tiếp xúc rộng rãi với các cơ quan thông tấn báo chí, xuất bản trong một không khí hoàn toàn cởi mở và chân tình nhằm mở rộng giao lưu văn học giữa hai nước.
4. Cử các nhà văn tham gia nhiều cuộc thuyết trình, giúp các bạn đọc Mỹ, các giáo sư, sinh viên các trường đại học tìm hiểu diện mạo và giá trị văn học Việt Nam, đặc biệt là truyền thống, bản sắc văn chương Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử.
5. Tạo điều kiện cho các nhà văn, các giáo sư ở Trung tâm William Joiner ký kết và thực thi các dự án đào tạo với các trường đại học, các trung tâm giảng dạy và nghiên cứu văn học và các vấn đề xã hội của Việt Nam.
Về phía Trung tâm William Joiner
1. Với vị trí của các nhà văn thành viên của mình, Trung tâm William Joiner đã tác động liên tục và mạnh mẽ vào nhiều chính khách Mỹ, vào tầng lớp trí thức và công chúng Mỹ nhằm phá bỏ hàng rào cấm vận của Chính phủ Mỹ chống Việt Nam.
2. Trung tâm William Joiner tập hợp rộng rãi các cựu chiến binh Mỹ từng tham gia phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam, đặc biệt là các trí thức và nhà văn là cựu binh từ chiến tranh Việt Nam để kêu gọi Chính phủ Mỹ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.
3. Trung tâm William Joiner đã mời trên 100 nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ sỹ Việt Nam đến Mỹ và tạo ra các diễn đàn tại các trường đại học, các viện nghiên cứu, các tổ chức văn hóa xã hội, các trung tâm văn bút và cả trên báo chí, đài phát thanh ở Mỹ để các văn nghệ sỹ và trí thức Việt Nam có những cơ hội và điều kiện tốt nhất tuyên truyền về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam cho công chúng Mỹ. Trung tâm William Joiner đã tìm cách đưa nhiều nhà văn và trí thức Mỹ vào Việt Nam nhằm giới thiệu một cách trực tiếp hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam.
4. Trung tâm William Joiner đã hợp tác với Hội Nhà văn Việt Nam dịch và giới thiệu thơ, truyện ngắn và các bài viết của các nhà văn Việt Nam trên hàng chục tờ báo và tạp chí ở Mỹ trong suốt hơn 20 năm qua. Đồng thời dịch và hợp tác với các nhà xuất bản Mỹ ấn hành nhiều tuyển tập văn thơ của các tác giả Việt Nam.
5. Trung tâm William Joiner đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh. Cụ thể như đấu tranh, yêu cầu các công ty Mỹ có trách nhiệm với những nạn nhân chất độc da cam, tạo điều kiện cho các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do chiến tranh gây ra có điều kiện ăn ở, học tập tốt hơn v.v...
Sau những cố gắng không mệt mỏi của hai phía, chúng ta đã góp phần không nhỏ làm thay đổi cách nhìn của không ít công dân Mỹ đối với Việt Nam và cái ngưng kết lại là tình người, là những kỷ niệm không bao giờ quên về trách nhiệm và lương tâm nhà văn. Từ chỗ bắt đầu với bao nhiêu khó khăn và nghi ngại, giờ đây công việc của chúng ta, và chính chúng ta nữa đã trở thành những tài sản có quá khứ. Chúng ta đã góp phần đem hai nền văn hóa đến với nhau trong mọi cuộc đối thoại tin cậy và say đắm. Hình ảnh các nhà văn cựu chiến binh quây quần bên nhau hôm qua và hôm nay là biểu tượng đầy thuyết phục của lòng khoan dung, của sự trải nghiệm và của lòng ham muốn đem những trang văn làm lành các vết thương, đem nụ cười thay thế cho thù hận. Hai mươi năm sau cuộc gặp mặt lịch sử của chúng ta, quan hệ giữa hai nước phát triển theo một nhịp độ dồn dập, nhanh chóng, trở thành những đối tác toàn diện chính trị, kinh tế, ngoại giao, quân sự, văn hóa. Điều may mắn là chúng ta không để mất niềm vinh dự của những người mở đầu.
Thưa các bạn.
Những ngày qua, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam cùng với các đồng nghiệp Hoa kỳ đã cùng nhau bàn thảo xây dựng một chương trình khung cho sự hợp tác sắp tới. Hai bên nhất trí, sự hợp tác cần đi vào chiều sâu, coi trọng hiệu quả văn hoá và ảnh hưởng xã hội của các dự án
1. Ưu tiên số một là dịch và xuất bản các tác phẩm của nhau, những tác phẩm ưu tú nói chung của hai nền văn học đáp ứng nhu cầu thưởng thức, học tập, nghiên cứu và giảng dạy trong nhà trường. Cần phải huy động được các nguồn tài trợ và đặc biệt là các chuyên gia giỏi về tiếng Anh và tiếng Việt. Cần tổ chức cho các nhà dịch thuật hợp tác chặt chẽ với các nhà sáng tác để có những bản dịch tốt.
2. Để làm được công việc lớn lao và khó khăn đó, cần phải có kế hoạch tập hợp, bồi dưỡng lớp người kế cận có năng lực ở cả hai phía. Cách tốt nhất là mạnh dạn giao việc và tạo điều kiện đưa họ vào guồng máy.
3. Tiếp tục tổ chức các cuộc Hội thảo về các tác phẩm của nhau, lắng nghe hồi âm từ phía bạn đọc.
4. Tiếp tục tổ chức để có thêm nhiều nhà văn tham gia vào chương trình giao lưu văn học, tổ chức các chuyến đi thăm và viết về đất nước của nhau, trao đổi, học tập, tiếp cận thông tin và giao lưu với công chúng rộng rãi.
5. Bằng mọi cố gắng của hai phía tiếp tục góp phần làm thay đổi cách nhìn của người Mỹ với Việt Nam, tranh thủ sự ủng hộ của họ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam.
Từ diễn đàn này, tôi gửi lời cám ơn nhà thơ, giáo sư Kêvin Bowen và các giáo sư, các nhà văn và các chuyên gia của Trung tâm William Joiner qua các thời kỳ; cảm ơn Trường Đại học Massachusetts, cám ơn các nhà xuất bản Viking Penguin (New York), Nhà xuất bản Curbstone và các cơ quan truyền thông của Hoa Kỳ đã đăng tải các tác phẩm và đưa tin về các công việc của chúng ta.
Xin cám ơn các nhà văn Mỹ và gia đình của họ đã dành cho các nhà văn Việt Nam những tình cảm tốt đẹp và sự ủng hộ chí tình.
Hãy cầm chắc dây cương thời gian và cùng nhau sánh bước trên chặng đường mới.
Hà Nội, 7/2/2012.
Nhà thơ HỮU THỈNH
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam
(Vanvn)

No comments:

Post a Comment