Trang

Wednesday, March 21, 2012

HOÀNG THỤY ANH: NHÀ PHÊ BÌNH CHUYÊN NGHIỆP PHẢI THỰC SỰ RA “CHIẾN TUYẾN”

Người phê bình chuyên nghiệp cần có bản lĩnh, không thể ăn theo xu hướng thẩm mỹ thời thượng, biết phát kiến con đường riêng của mình, biết phát huy “vai trò tiên phong” (hướng dẫn, khai mở), đưa ra được điểm mới, điểm biệt, giúp người đọc đánh giá, nhìn nhận chân thực, khách quan về một hiện tượng/ tác phẩm nào đó và giúp người sáng tác tin cậy, có thể thử nghiệm môi trường thẩm mỹ mới

Một sự thực rõ ràng, phê bình văn học trên báo chí hiện nay khá nhộn nhịp. Hầu hết các báo, tạp chí đều có chuyên trang dành cho phê bình với tên gọi như "điểm sách", “đọc sách”, “nhàn đàm”, "tác phẩm và dư luận", "đến với bài thơ hay", cùng với nhiều bài thiên về lý luận nhận định, đánh giá, tổng kết... Theo tôi, kiểu phê bình văn học trên báo chí thể hiện rõ hai mặt. Ở cái thế "đất chật người đông", cũng như thị hiếu người tiếp nhận, đáp ứng kịp thời, nóng bỏng trước những hiện tượng/ tác phẩm văn học, để tránh tình trạng viết ra mà không được dùng, các cây bút phê bình phải viết cô đọng, ngắn gọn, dễ hiểu (ngoại trừ một số tờ báo mang tính chuyên ngành). Song, thực trạng phê bình kiểu "thường xuyên", "định kì" như thế, tất yếu có sự tác động không nhỏ đến chất lượng của phê bình văn học.
Việc đánh giá, thẩm định "hay", "dở", nếu không được xuất phát từ cái nhìn khách quan, chuyên nghiệp, khoa học của nhà phê bình thì người đọc trở thành kẻ bị lừa. Hơn nữa, khi sân chơi cho các nhà phê bình chuyên nghiệp quá hạn hẹp, không đủ sức chứa về khoa học lý luận mà người viết muốn trình bày, dẫn đến phê bình kiểu “ăn xổi’’, loanh quanh ngoại diên của vấn đề, không đi sâu vào nội hàm của nó. Lẽ hiển nhiên, sân chơi kiểu phê bình báo chí vừa "thời sự," vừa giải quyết được nhiều vấn đề mà phê bình chuyên nghiệp chưa có thể giải quyết tức thời được. Như thế, thực trạng phê bình báo chí "rầm rộ" hiện nay, còn nhiều bất cập đáng lo, hơn là đáng mừng.

Trước đây, chúng ta hay nói đùa kiểu "nhà nhà làm thơ, người người làm thơ", thì bây giờ phê bình trên báo chí cũng nằm trong tình trạng đó. Loại trừ những mặt tích cực đã nói ở trên, đây là “cơ hội” để những tác phẩm “tầm tầm”, thậm chí “dở” đứng ngang hàng những tác phẩm hay, nghệ thuật nhờ vào kỹ xảo PR và cũng là “cơ hội” để các cây bút phê bình báo chí ra sức tung hỏa mù, tăng thêm sự khốn đốn, khó khăn trong tiếp nhận. Khi kiểu "phê bình cảnh hẩu", dễ dải, tùy tiện thì nguy cơ ảnh hưởng của nó tác động rất lớn đến đông đảo bạn đọc, hệ lụy đến người sáng tác và sự phát triển của đời sống văn học. Vàng thau lẫn lộn.

Trước một hiện tượng/ tác phẩm văn học gây nhiều luồng trái chiều, người đọc rất cần tiếng nói của các nhà phê bình chuyên nghiệp. Vấn đề này không hẳn đổ lỗi hoàn toàn cho nhà phê bình chuyên nghiệp. Thực trạng cho thấy, nhà phê bình chuyên nghiệp nước ta quá ít, trong khi, hiện tượng/ tác phẩm văn học quá nhiều, vậy thì làm sao họ có thể tức thời đáp ứng được? Nhưng dù nhanh hay chậm, nhà phê bình chuyên nghiệp phải thực sự ra chiến tuyến, đưa đến những mã giải, giúp người đọc tiến gần hơn đến bản chất của vấn đề. Tôi không hài lòng hiện tượng các nhà phê bình chuyên nghiệp chỉ đào sâu vào các tác phẩm kinh điển, lãng tránh những tác phẩm mới, các tên tuổi mới. Hoài Thanh là người có công trong phong trào Thơ Mới, một nhân cách phê bình dũng cảm khi đánh giá các tác giả rất trẻ, rất mới.

Người phê bình chuyên nghiệp cần có bản lĩnh, không thể ăn theo xu hướng thẩm mỹ thời thượng, biết phát kiến con đường riêng của mình, biết phát huy “vai trò tiên phong” (hướng dẫn, khai mở), đưa ra được điểm mới, điểm biệt, giúp người đọc đánh giá, nhìn nhận chân thực, khách quan về một hiện tượng/ tác phẩm nào đó và giúp người sáng tác tin cậy, có thể thử nghiệm môi trường thẩm mỹ mới. Đó là trách nhiệm cần thiết nhất trong tình hình đời sống văn học phức tạp, đa dạng hiện nay.

Đời sống văn học luôn mới, nhà phê bình ngủ quên chính là trốn tránh trách nhiệm. Nhà phê bình phải cập nhật thường xuyên, thẳng thắn đánh giá và luôn sát cánh, đồng hành với các hiện tượng/ tác phẩm đang gây tranh cãi. Một hiện tượng văn học mới lạ, đụng chạm nhiều đến đời sống xã hội, nhà phê bình phải lên tiếng kịp thời, chính đó là người bạn dũng cảm đồng hành với sáng tác, trợ lực cho người sáng tác vững vàng hơn. Những cuốn sách dư luận hai chiều, những tác phẩm bị thu hồi, nhà phê bình cần có mặt. Tiếng nói của anh ta lúc ấy có sức mạnh mang lại sự công bằng, dân chủ và tự do cho sáng tạo. Những nhà phê bình biết mà không nói, tôi nghĩ anh ta có lỗi với độc giả và có tội với người sáng tạo. Bên cạnh đó, tính đạo đức, tính nhân văn ngay trong sản phẩm thu hoạch của mỗi nhà phê bình cũng là một yêu cầu không thể thiếu. Có như thế, tôi tin, sẽ không còn sự chậm trễ, thờ ơ, bàng quan, hời hợt, nhàm chán của người làm phê bình nữa.

Theo tôi, phê bình không ăn theo sáng tác và ngược lại sáng tác cũng không ăn theo phê bình. Phê bình có khi đi trước sáng tác, những cũng có khi đi sau sáng tác. Một tác phẩm văn học tiên phong có thể làm nảy sinh một xu hướng phê bình. Nhiều nhà phê bình phải cám ơn F. Kapka là vì vậy. Mặt khác, nhà phê bình chuyên nghiệp bao giờ cũng tạo ra vị mới dù vẫn là những vật liệu cũ của người sáng tác. Cho nên, ý tưởng giữa nhà phê bình và người sáng tác nhiều khi không ăn nhập, cũng không sao, bởi tất cả đều là những gợi mở. Sự sáng tạo của người phê bình trong quá trình đánh giá một tác phẩm, một giai đoạn văn học, một trào lưu rất cần thiết, nó kích thích sự sáng tạo. Do đó, khi phê bình không phát hiện, tìm kiếm được cái lạ, cái biệt, hậu quả của nó vô cùng lớn đối với sự phát triển của văn học.

HOÀNG THỤY ANH
Bài đã đăng Văn nghệ Trẻ
(Nguồn: - http://phongdiep.net/)



No comments:

Post a Comment