Trang

Wednesday, March 21, 2012

TS PHẠM XUÂN THẠCH: “PHÊ BÌNH – NHÌN TỪ GỐC”

Vấn đề đối với đời sống nghệ thuật ngày nay không phải là việc trang bị cho công chúng kiến thức về những nghệ thuật mới (một tiến trình không có điểm dừng) mà là chuẩn bị cho họ một tâm thức về tính đa dạng về giá trị của đời sống nghệ thuật, về sự đa nguyên của cái đẹp trong nghệ thuật. Và gốc của điều đó không thể chỉ tìm ở phê bình. Phê bình chỉ là ngọn gắn liền với một cái gốc sâu xa hơn: giáo dục.

1. Trong một cuộc thi video clip âm nhạc trên truyền hình mới đây, khi một giám khảo đồng thời cũng là một nhạc sĩ, một nhà sản xuất âm nhạc có uy tín phê phán việc lạm dụng nhạc xưa (chỉ các sáng tác âm nhạc thời trước 45 hoặc mang hơi hướng của dòng âm nhạc này) và cho đó là một biểu hiện của sự bế tắc trong đời sống âm nhạc đương đại (điều hoàn toàn có thật), ca sĩ chủ nhân của video clip đó đã thẳng thắn đáp trả bằng một lôgíc quen thuộc: “âm nhạc không có thời gian”. Cũng cách đây chưa lâu, dư luận xôn xao về vụ cấm cuốn sách tranh của họa sĩ Thành Phong Sát thủ đầu mưng mủ
Thực ra, cuốn sách này đã được xuất bản và đưa ra thị trường từ nhiều tháng nay nhưng mọi chuyện chỉ trở nên ồn ào bắt đầu từ khi tác giả của cuốn sách than phiền trên Facebook về việc người ta ngang nhiên scan tác phẩm của anh và lan truyền miễn phí trên mạng. Không lâu sau entry đó, trên một số tờ báo lớn bắt đầu xuất hiện những ý kiến đánh giá trái chiều về cuốn sách mà mở đầu là những phê phán nặng nề về việc nó làm lệch lạc chuẩn mực ngôn ngữ ở trẻ em và đặc biệt, nó tác động tiêu cực đến cái gọi là “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” (một thứ quan niệm khá khác thường từ góc độ ngôn ngữ học). Và điều “quái đản” hơn chính là việc chỉ không lâu sau khi có những ý kiến trái chiều trong công luận, trước yêu cầu của Cục xuất bản, cơ quan cấp phép, NXB Mỹ thuật đã yêu cầu đối tác của mình thu hồi cuốn sách, bất chấp ý kiến của các chuyên gia ngôn ngữ học về sự “bình thường” của cuốn sách tranh này. Cũng tương tự là trường hợp vụ thu hồi cuốn sách Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông. Nhưng lần này, cơ quan xuất bản đã cương quyết bảo vệ đứa con tinh thần của mình đến cùng trong một cuộc tọa đàm có cả đại diện của Cục xuất bản.

Những câu chuyện nói trên, dẫu chỉ là những hiện tượng nhưng xâu chuỗi lại cũng cho phép nhận diện ra không ít vấn đề của đời sống văn hóa nghệ thuật ngày nay. Một trong những điều đáng được đặt thành vấn đề đó là vị trí, sức nặng của tiếng nói những người làm nghề, những người “thạo nghề” và “hiểu nghề” đích thực trong tổng thể cái gọi là dư luận. Không phải là không có nhưng dường như ngày nay, tiếng nói ấy đang bị chìm khuất trong ồn ào của những âm thanh khác. Sự phát triển của internet thúc đẩy quá trình dân chủ hóa các sinh hoạt từ văn hóa nghệ thuật cho đến giải trí. Thông qua kênh phản hồi và xếp hạng (rating), với mạng xã hội và blog, không cứ là người làm nghề, bất cứ ai cũng có thể cất lên tiếng nói của mình về các sản phẩm văn hóa. Công chúng thoát khỏi thân phận là những người vô danh mà tiếng nói chỉ được thể hiện qua những đồng tiền trả cho tác phẩm nghệ thuật.
Hơn thế nữa, khi mà quá trình thị trường hóa nghệ thuật và sự tồn tại của công nghiệp giải trí đã khiến cho công chúng - người trả tiền - có một vai trò hết sức quan trọng trong đời sống văn hóa nghệ thuật. Nếu như trước đây ba mươi năm, yếu tố kìm hãm sự phát triển nghệ thuật là tình trạng “mặc đồng phục về giá trị” thì giờ đây, khi tình trạng đó chưa hoàn toàn giải thể, nghệ thuật lại phải đối mặt với những “kẻ thù” mới: những mặt trái của thị trường giải trí. Có thể nói rằng, giờ đây, tiếng nói của những người làm nghề đang bị chìm khuất giữa tiếng nói của những kênh phản hồi của công chúng trên báo mạng và một vài nhà báo viết về văn hóa nghệ thuật. Sẽ là bình thường nếu như công chúng được chuẩn bị tâm thức và kiến thức để đón nhận sự đa dạng và phức tạp của đời sống nghệ thuật. Và cũng sẽ là bình thường nếu như những người viết báo về nghệ thuật cũng đồng thời là những người chuyên nghiệp về nghệ thuật. Đáng tiếc là thực tế dường như không phải như vậy.

Từ đây, sẽ tạo nên những hệ lụy khi mà trên những chuyên mục được gọi là văn hóa của các báo, đặc biệt là báo điện tử, chuyện đời, scandal, những chuyện “hậu trường” của làng giải trí sẽ thay thế cho những bài điểm sách và điểm phim đích thực. Từ đó mới có cái tình trạng quái gở khi mà một bộ phim mới ra rạp, trong khi phải vô cùng khó khăn mới tìm thấy những bài điểm phim đích thực thì lại vô cùng dễ dàng để được ngắm nhìn các “ngôi sao” của giới giải trí, diện thời trang và đến dự suất chiếu ra mắt. Và nếu gọi sự vật bằng đúng tên của nó thì chuyên mục văn hóa của một số không ít tờ báo cần phải được đổi tên thành mục tin tức giải trí.
Những công trình phê bình văn học nghệ thuật đích thực nhưPhê bình văn học con vật lưỡng thê ấy của Đỗ Lai Thúy bị chìm khuất trong đời sống văn chương và những bài viết về phim ảnh đích thực lại tìm chỗ trú chân trông một tạp chí ra hàng tháng cho dân chơi đồ hi-end âm thanh hình ảnh. Và với một thực trạng như thế, sẽ là dễ hiểu khi mà đời sống văn hóa nghệ thuật bị cuốn đi bởi cái gọi là “dư luận” đầy tính cảm tính và nguy hại hơn nữa là khi trong cái tổng thể gọi là “dư luận” đó xuất hiện những tiếng nói trái chiều thì quyết định của những người quản lý nghệ thuật sẽ vô cùng dễ bị “lung lạc”.

2. Trước thực tế nói trên, người ta không thể không đặt ra câu hỏi “vì sao”. Nếu như cách đây khoảng hai mươi năm, khi Đổi mới vừa mới bắt đầu, nguời ta có thể nói đến một tình trạng “đói thông tin” mang tính lý thuyết. Đổi mới đồng nghĩa với sự cởi mở và hội nhập. Nhiều giá trị cũ được phát hiện lại và trở thành cái đương đại. Những kỹ thuật thể hiện nội tâm và hình dung về thế giới tâm lý từng xuất hiện từ trong tiểu thuyết của Nhất Linh những năm 1940 (Bướm trắng) giờ xuất hiện lại trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh.
Những giá trị như hội họa của Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái, âm nhạc “tiền chiến” và những cách tân văn chương của Nhân văn giai phẩm... lần lượt được phát hiện lại và trở thành một cái gì hết sức mới mẻ. Đổi mới cũng đồng nghĩa với việc du nhập cả những khuynh hướng và những loại hình nghệ thuật hiện đại và đương đại của thế giới từ những khuyn hướng hiện đại, hậu hiện đại cho đến những loại hình như sắp đặt, trình diễn... Tất cả những cái mới đó đòi hỏi người làm nghề và công chúng phải được trang bị thêm hoặc thậm chí, trang bị lại những kiến thức lý thuyết về nghệ thuật bởi lẽ suốt nhiều thập niên, lý luận về nghệ thuật tồn tại ở Việt Nam là lý luận nghệ thuật gắn với phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa.

Trong hai mươi lăm năm qua, đã diễn ra một tiến trình hội nhập về mặt lý thuyết giữa giới nghiên cứu, giới sáng tạo nghệ thuật ở Việt Nam và thế giới. Có nhiều thứ vô cùng xa lạ đã trở thành quen thuộc, thậm chí, còn kịp trở thành “à la mode”: thi pháp học, phân tâm học, hậu hiện đại... Phản ứng của công chúng đối với một số hình thái nghệ thuật với những trình diễn kiểu như Đáo xuân của Đào Anh Khánh hay Cột điện, WC.com của Lê Anh Hoài không còn là vì đó là trình diễn mà là vì chính bản thân nội dung tác phẩm. Người ta cũng không còn cảm thấy xa lạ với những trình diễn thơ, những sắp đặt hoặc những phá cách đi ra ngoài điêu khắc hay hội họa truyền thống. Tất nhiên, vẫn còn một bước rất dài để những loại hình đó đi từ những Trung tâm văn hóa của nước ngoài, những không gian nghệ thuật thử nghiệm ra với không gian công cộng. Vẫn còn một bước dài để việc tiếp nhận lý thuyết nghệ thuật ở Việt Nam chuyển từ giai đoạn những sơ đồ, chuyển từ giai đoạn những cái tên và những ý tưởng sang những tiếp cận sâu sắc và thực chất hơn. Dẫu vậy, so với trước Đổi mới, tình trạng “đói thông tin” lý thuyết rõ ràng đã được cải thiện rất nhiều. Vậy đâu là vấn đề thực sự?

3. Có lẽ, điều đó nằm trong một vấn đề thuộc về nền tảng của đời sống: hệ thống giáo dục. Không cần phải nói quá nhiều cũng đủ thấy giáo dục nghệ thuật là một trong những lĩnh vực yếu nhất của hệ thống giáo dục. Hãy chỉ nhìn vào một lĩnh vực nghệ thuật được giảng dạy kỹ lưỡng nhất, đầy đủ nhất trong hệ thống giáo dục - môn văn học - là đã có thể nhận ra những vấn đề của giáo dục nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay. Từ 1986 đến nay, môn văn học trong nhà trường phổ thông đã trải qua hai cuộc cải cách và trải qua hai cuộc cải cách đó, chương trình giảng dạy đã tiến gần hơn đến tính phức tạp và bản chất nghệ thuật của văn chương.
So với cách đây ba mươi năm, danh mục tác giả - tác phẩm được giảng dạy trong chương trình phổ thông đã có sự thay đổi. Nhiều tác phẩm thuộc giai đoạn xung quanh 1986 đã được đưa vào giảng dạy như truyện ngắn Một người Hà Nộicủa Nguyễn Khải, kịch Hồn Trương Ba - da Hàng thịt của Lưu Quang Vũ hay thơ của Thanh Thảo. Ngay cả những tác giả được giữ nguyên qua các kỳ cải cách, văn bản được chọn để đưa vào giảng dạy cũng có sự thay đổi. Nguyễn Minh Châu là một điển hình. Học sinh giờ đây sẽ được học sẽ là Bến quê và Chiếc thuyền ngoài xa, một sự thay đổi lớn nếu so sánh với Mảnh trăng cuối rừng trước đây. Bên cạnh đó, trong chương trình giảng dạy, khi phân tích tác phẩm, những yếu tố thi pháp đặc thù của văn bản (như: giọng, không gian, thời gian nghệ thuật trong trần thuật hay nhịp điệu, nhạc tính trong trữ tình...) cũng được chú ý nhiều hơn, thay vì chỉ tập trung cho lối học nắm bắt tác phẩm qua những đại ý và những giá trị tư tưởng (và thường là khá đơn giản). Linh hồn của tất cả những thay đổi đó chính là triết lý “đọc hiểu” của chương trình giảng dạy văn chương trong nhà trường: cung cấp cho người học những công cụ, hướng dẫn cách thức để tự tìm hiểu các tác phẩm văn chương. Với những thay đổi và điều chỉnh đó mỹ cảm của người học được đa dạng hóa, đồng thời, cách cảm thụ văn chương của người học cũng được định hướng để tiến gần hơn tới sự thưởng ngoạn văn chương đích thực: cảm nhận được tính nội dung, cái đẹp của hình thức nghệ thuật.

Dẫu vậy, bên cạnh những thay đổi theo hướng tích cực đó của chương trình phổ thông, vẫn tồn tại một vấn đề thuộc về cấu trúc tổng thể của chương trình. Không phải ngẫu nhiên khi triết gia Mác xít Pháp Louis Althusser gọi hệ thống giáo dục là những “cỗ máy ý thức hệ”. Vấn đề của hệ thống giáo dục không chỉ là chuyện nó cung cấp những kiến thức nào cho người học mà quan trọng hơn, chính là việc nó hướng đến việc định hướng về mặt giá trị cho những con người xã hội, những công dân tương lai, thế nào. Hơn thế nữa, đó lại là một sự định hướng có tính rập khuôn và hàng loạt (bởi bất chấp tính đa dạng của đối tượng người học nhưng chương trình giáo dục, đặc biệt, giáo dục phổ thông, là có tính thống nhất, duy nhất và bắt buộc). Và đây chính là điểm cần bản trong giảng dạy văn học tại nhà trường phổ thông.

Trong năm học 2010-2011, một sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm ngữ văn của Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tiến hành khảo sát từ vựng phần văn học Việt Nam hiện đại trong sách giáo khoa và sách giáo viên Ngữ văn hai lớp 11 và 12 chương trình nâng cao. Những bộ phận mà sinh viên tiến hành khảo sát là các phần “kiến thức cần đạt được”, phần “câu hỏi gợi ý đọc bài” và chuẩn kiến thức trong sách giáo viên. Điều bất ngờ là sau khi tiến hành khảo sát, bên cạnh các nhóm từ về các yếu tố nghệ thuật của các dạng văn bản khác nhau (tự sự, trữ tình, kịch, phê bình văn học...), ba nhóm từ có tần số lặp lại nhiều nhất chính là ba nhóm từ thuộc về giá trị nhân đạo, giá trị hiện thực và tinh thần yêu nước. Cụ thể hơn, gắn với nhóm từ về giá trị nhân đạo là các cụm từ đồng cảm, xót thương, vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách, khát vọng sống, niềm tin, nghị lực, tố cáo tội ác, cảnh ngộ số phận và tương ứng là phản ánh chân thực, chân thành, điển hình hóa, vấn đề lớn của hiện thực hiện thực xấu xa của xã hội, thế lực tàn bạo, thực trạng xã hội, đả kích, phê phán với nhóm từ về giá trị hiện thực và nhiệt tình yêu nước, lòng yêu nước, tư tưởng yêu nước, tinh thần dân tộc, tinh yêu quê hương, tình yêu thiên nhiên, những giá trị văn hóa, yêu tiếng Việt với nhóm từ về tinh thần yêu nước.

Sẽ là bình thường và cần thiết nếu như những giá trị về tinh thần nhân đạo, về giá trị hiện thực và về tinh thần dân tộc nằm trong hệ thống giá trị mà chương trình giảng dạy văn chương định hướng cho người đọc. Tuy nhiên, sự tồn tại mang tính độc tôn và áp đảo của ba giá trị nói trên sẽ có thể dẫn đến nguy cơ làm đơn giản hóa những chuẩn mực thẩm mỹ của người học, đơn giản hóa hình dung của họ về văn chương nói riêng và nghệ thuật nói chung. Bên cạnh những chuẩn mực đó, còn hàng loạt giá trị khác không kém phần quan trọng của nghệ thuật như giá trị thẩm mỹ, sự sáng tạo, tính độc sáng, tính khác biệt, sự đa dạng. Hơn thế nữa, có vẻ như đang có mộ sự đơn giản hóa trong chính những giá trị quan trọng nhất mà sách giáo khoa cố gắng định hướng người đọc. Nhìn qua những từ vựng hiện diện trong sách giáo khoa, có thể nói về một thứ chủ nghĩa cảm thương trong hình dung về giá trị nhân đạo, một thứ chuẩn của chủ nghĩa hiện thực phê phán thế kỷ XIX về giá trị hiện thực và một cái nhìn có phần một chiều về tinh thần yêu nước. Vấn đề của giá trị nhân đạo chắc chắn sẽ không chỉ bao gồm việc cảm thương với những số phận đau khổ nào đó mà còn là tiếng nói mang tính khẳng định những quyền con người và quyền cá nhân. Tương tự như vậy, văn học và nghệ thuật không chỉ có giá trị trong việc phản ánh để phê phán, tố cáo hiện thực mà còn vượt lên trên hiện thực, sáng tạo nên một hiện thực để suy tư về hiện thực. Và tinh thần dân tộc đích thực không thể chỉ gói gọn trong những sự tự hào và tính kế thừa mà còn phải mở rộng đến sự phản tư về tính dân tộc và sáng tạo nên tính dân tộc.

Giáo dục không phải là yếu tố duy nhất hình thành nên con người nhưng chắc chắn là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Kinh nghiệm lịch sử về sự tồn tại một cách dai dẳng của thơ Đường luật ở Việt Nam có thể là một ví dụ sinh động về việc giáo dục có thể chi phối chuẩn thẩm mỹ của con người thế nào. Với một định hướng giá trị như thế tồn tại một cách ổn định trong nhiều thập niên, sẽ là không lạ khi một tác phẩm điện ảnh cố gắng tạo nên một ngôn ngữ khác nhưBi đừng sợ, khi xuất hiện sẽ nhận được những phản ứng tiêu cực của chính những người làm nghề mà từ vựng được dùng trong phê phán, đến cùng cũng chỉ xoay quanh “góc nhìn phiến diện”, “soi chiếu hiện thực”, “bóp méo hiện thực”, “điển hình hóa”, “khái quát hóa”.
Vấn đề đối với đời sống nghệ thuật ngày nay không phải là việc trang bị cho công chúng kiến thức về những nghệ thuật mới (một tiến trình không có điểm dừng) mà là chuẩn bị cho họ một tâm thức về tính đa dạng về giá trị của đời sống nghệ thuật, về sự đa nguyên của cái đẹp trong nghệ thuật. Và gốc của điều đó không thể chỉ tìm ở phê bình. Phê bình chỉ là ngọn gắn liền với một cái gốc sâu xa hơn: giáo dục.

TS. Phạm Xuân Thạch


No comments:

Post a Comment