Trang

Saturday, March 24, 2012

LINH HỒN LIỆT SĨ VÀ CÂU CHUYỆN LÀM RƠI NƯỚC MẮT MÙA XUÂN ĐẤT MẸ


“Rừng núi mịt mù, biển dâu dời đổi, việc tìm kiếm không phải một vài lần đã thành công. Để có kinh phí cho những chuyến đi, các cựu chiến binh đã dành dụm những đồng lương hưu ít ỏi của mình, kêu gọi chút tiền tài trợ của đồng đội. Lần đến gặp Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Cựu Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, ông Vĩnh đã khóc: “Chí muốn đi lắm nhưng ko còn sức nữa” và ủng hộ anh em 2 triệu đồng… Cụ Nguyễn Văn Khuông ôn lại chuyện xưa và khấn bằng tiếng Việt, xin linh hồn các liệt sĩ cho phép đồng đội đón về. Cụ cố nói rành rọt nhưng vẫn thỉnh thoảng phải dừng, đưa khăn lau mắt. Bà Sùng Thị Mai, Phó Văn phòng Hội LHPN Sơn La nước mắt đầm đìa, vừa rưới rượu cúng quanh phần mộ, bà vừa khấn to bằng tiếng H’Mông vừa khóc. Âm điệu tiếng H’Mông chơi vơi như gió núi của bà làm tất cả mọi người cùng khóc theo. Cỏ cây lặng phắc, hồi hộp dõi từng nhát cuốc đầu tiên bổ xuống. Nhẹ thôi, xin hãy nhẹ tay thôi! 60 năm đã trôi qua, con dốc nơi anh nằm đất trôi gần hết, chỉ nạo đi chừng nửa mét đất màu, đã thấy lộ ra phần đất xốp xỉn hơn, thịt xương anh đã hòa tan vào đất!”.



Câu chuyện làm rơi nước mắt

Tuổi thiếu nữ mộng mơ, chúng tôi chuyền tay nhau chép bài thơ Tây tiến của Nhà thơ Quang Dũng. Chí khí hào hùng một thuở của những người trai Hà Nội hào hoa “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm” đã gợi cho chúng tôi bao mơ tưởng lãng mạn. Tây Bắc rừng thiêng nước độc “Chiều chiều oai linh thác gầm thét/ Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người” liệu có còn chăng? Và những chiến binh oai hùng thuở ấy, ai mất, ai còn? Câu thơ được tạc vào vách đá này có thay cho một tấm bia tưởng niệm những người lính vô danh đã ngã xuống hay không?
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.
Được mời tham gia Nhóm CCB tình nguyện đi tìm đồng đội sang Lào đón hài cốt liệt sĩ, tôi xúc động. Nhiều lần gặp gỡ giao lưu với các cựu chiến binh, tôi hiểu, đã từng vào sống ra chết có nhau, đã biết nhau hơn nửa thế kỉ, tình bạn của các ông là gắn bó máu thịt, sẵn sàng xẻ áo nhường cơm. Ông Đinh Phú Lân, một trong những người sáng lập Nhóm CCB tình nguyện đi tìm đồng đội đã có khoảng thời gian từ 1965 đến 1975 công tác tại Phòng Quân lực Bộ Tham mưu đoàn Chuyên gia quân sự 959 và Bộ Tư lệnh 31. Tự tay ông đã viết giấy báo tử cho hàng trăm liệt sĩ hi sinh trên đất Lào và làm chế độ chính sách cho những người trở về. Mấy chục năm sống ở Hà Nội, ông vẫn không nguôi nhớ về những đồng đội còn nằm lại chiến trường xa. Đau đáu trong ông điều tâm niệm phải đưa các anh về. Trong các cuộc họp mặt hàng năm, các cựu chiến binh lại nhắc tên những đồng đội chưa về, thao thiết một lời kêu gọi: “Phải tìm cách đưa các anh về thôi. Lớp chiến binh xưa giờ tuổi đã thất thập, liệu còn đủ thời gian tìm kiếm và đưa các anh về cho khỏi tủi vong linh?”.
Nhà nước đã có chính sách về việc tìm kiếm và qui tập mộ liệt sĩ, nhưng các ông biết vẫn còn nhiều chiến binh nằm lại chiến trường C. Có ông day dứt: “Tự tay tôi chôn anh ấy, vẫn nhớ địa hình. Không đưa được anh ấy về là có tội”. Rừng núi mịt mù, biển dâu dời đổi, việc tìm kiếm không phải một vài lần đã thành công. Để có kinh phí cho những chuyến đi, các cựu chiến binh đã dành dụm những đồng lương hưu ít ỏi của mình, kêu gọi chút tiền tài trợ của đồng đội.
Lần đến gặp Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Cựu Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, ông Vĩnh đã khóc: “Chí muốn đi lắm nhưng ko còn sức nữa” và ủng hộ anh em 2 triệu đồng. Ông Nguyễn Đức Mai, người có công rất lớn trong việc tìm mộ lần này có sáng kiến mang theo một hòm quyên góp đến chỗ tập thể dục buổi sáng ở Hồ Tây, kể về công việc nghĩa cử mà ông và đồng đội đang theo đuổi.
Câu chuyện của ông đã làm rơi nước mắt bao người. Bà nội trợ bớt chút tiền rau, ông xe ôm góp tiền một cuốc xe, bác công chức nhịn bữa quà sáng… Tất cả những đồng tiền thấm mồ hôi, nặng trĩu nghĩa tình ấy đã được các cựu chiến binh trân trọng, gom góp dùng cho chi phí tàu xe những lần đi tìm kiếm. Đồng đội ở các địa phương gần đó đón các bạn về ăn ngủ tại nhà, lo tìm kiếm, cung cấp thông tin, dùng xe cá nhân đưa các bạn đi. Các vị Đại đức phát tâm làm việc thiện, đến tận nơi làm lễ cầu siêu, không quản khó nhọc, lại còn chia chút lộc Phật cho đồng bào những vùng heo hút. Chính quyền địa phương cũng giúp đỡ rất nhiều, tạo điều kiện cho việc tìm kiếm, đưa hài cốt các liệt sĩ về được thuận lợi.
Bản Lao Khô nằm sát biên giới, thuộc huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. 60 năm trước, già bản Lao Khô đã tự tay chôn cất hai cán bộ người Việt: một là đồng chí Nguyễn Tín và một đồng chí chỉ biết bí danh hoạt động trên đất Lào là Khăm Nhọt, không biết tên Việt là gì, quê quán ở đâu. Khi ngã xuống vào năm 1952, hai đồng chí còn rất trẻ. Cụ Nguyễn Văn Khuông, (sinh năm 1922, cán bộ tiền khởi nghĩa, năm 1945 đã tham gia xây dựng lực lượng bảo vệ cách mạng Sầm Nưa. Cụ cũng là một trong 25 thanh niên Việt Kiều ở Sầm Nưa gia nhập đoàn quân Tây Tiến ngay từ ngày đầu thành lập 27/2/1947 cho đến năm 1981 mới về Hà Nội nghỉ hưu) đã gặp đồng chí Nguyễn Tín, vẫn nhớ đồng chí người cao ráo, giỏi tiếng Lào, tiếng Pháp, còn đồng chí Khăm Nhọt cụ chưa gặp bao giờ. Từ tháng 8/2011 đến nay, nhóm CCB tình nguyện đi tìm đồng đội đã tổ chức nhiều chuyến đi, xác định địa hình địa vật và sơ bộ kết luận mộ của hai đồng chí nằm trên đất của bản Phiêng Sa thuộc tỉnh Hủa Phăn (Lào). Các ông đã đặt quan hệ với chính quyền nước bạn Lào và tranh thủ được sự giúp đỡ của Đội Qui tập tỉnh Thanh Hóa, trưởng nhóm là ông Phong. Trong chuyến đi thứ 4, Đội xác định vị trí chôn hai đồng chí là dưới nền nhà một người dân bản và xin phép tiến hành khai quật. Người dân cũng sốt sắng, nhiệt tình cho dỡ căn nhà mình, bới nát đất nhưng không thấy.
Chuyến đi thứ 5 này, rất may mắn, nhóm CCB tình nguyện đi tìm đồng đội đã liên lạc được với Tiến sĩ Vũ Bằng (số ĐT 0913203452), nhà khoa học cùng lứa tuổi thất thập như các ông. Xót xa trước việc tìm mộ liệt sĩ bằng ngoại cảm chỉ mang lại kết quả 1%, ông đã nghiên cứu ra máy dò tìm hài cốt, dựa trên lí thuyết đo “tia đất” (bức xạ điện từ). Theo ông, con người khi chết đi, phần xác trong quá trình tiêu hủy sẽ bức xạ ra những “từ trường” cao gấp hàng nghìn lần ở người sống. “Từ trường” này được gọi là “trường vong”. “Trường vong” vô hình nhưng sẽ tồn tại hàng nghìn năm trong khi động vật không có được tính chất đó. Từng tế bào, mô, xương, lục phủ ngũ tạng của người đều sinh ra “trường vong”. Đặc biệt, hệ thần kinh và bộ não người bức xạ ra “trường vong’ mạnh nhất và tập trung nhất. 6 năm qua, với một chữ TÂM và chiếc máy của mình, Tiến sĩ Vũ Bằng đã đi khắp trong Nam ngoài Bắc, dò tìm được mấy ngàn mộ liệt sĩ. Ông chính là người góp công lớn trong việc trục vớt chiếc ô tô cùng 20 hành khách bị cuốn trôi trên sông Lam trong trận lũ năm 2010. Ông cũng dùng chiếc máy của mình tìm được chính xác vị trí hai nạn nhân vụ sập mỏ đá Lèn Cờ đầu tháng 4/2011. Biết việc làm thắm tình đồng đội của các Cựu chiến binh, ông đã tình nguyện cùng hai cựu chiến binh Mai và Nguyên đi tiền trạm từ 12/3/2012. Nhờ có chiếc máy của Tiến sĩ Vũ Bằng, các ông đã xác định được vị trí hai ngôi mộ, Tin vui báo về Hà Nội, Nhóm CCB tình nguyện đi tìm đồng đội đã tổ chức một chuyến đi đón các anh về.

Linh hồn Liệt sĩ và Mùa xuân Đất Mẹ

Sáng 14/3/2012, xe chúng tôi khởi hành từ Hà Nội. Trưởng đoàn là cụ Nguyễn Văn Khuông, người lính Tây tiến oai hùng một thuở giờ 91 tuổi, người nhỏ thó nhưng còn rất minh mẫn, khỏe mạnh. Ngồi bên cụ là ông Tráng A Pao, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, nguyên Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương. Sinh năm 1945, vóc người cao lớn, giọng nói sang sảng và đặc biệt ông có tiếng cười rất dễ lây.
Ông Tráng A Pao là một pho sử về cuộc sống và phong tục của đồng bào các dân tộc ít người ở phía Bắc. Mới gặp, chúng tôi tưởng ông còn nhiều tuổi hơn các chiến binh Tây tiến U70. Nhưng qua vài chặng đường, qua các câu chuyện vui với chuỗi cười ha… ha… lôi cuốn của ông, chúng tôi đã thân mật gọi ông là “Người H’Mông”. Mấy ngày rong ruổi trong chuyến đi, “Người H’Mông” đã để lại ấn tượng tốt đẹp cho chúng tôi về một chính khách có tầm hiểu biết sâu rộng, tận tụy với công việc và có tấm lòng yêu nước, thương dân. Trên xe, ngoài các CCB Đinh Phú Lân, Nguyễn Quốc Hội và chị em tôi còn có Bác sĩ Dương Tiến Năng, công tác tại bệnh viện 139 tiền phương Xiêng Khoảng từ 1968 – 1973 và ông Đinh Văn Quảng, nguyên tham tán đại sứ tại Lào. Năm 1968 ông Quảng là lái xe của Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh.
Bữa trưa ở dốc Cun, chúng tôi nhập đoàn của Trung tướng Anh hùng vũ trụ Phạm Tuân. Ông rất cao lớn, xuề xòa, đi đến đâu cũng gặp nhiều người hâm mộ. Bắn thuốc lào rất điệu nghệ, ông còn là một cây tiếu lâm mang lại nhiều trận cười nghiêng ngả. Vợ ông, chị Tiến từng là cô y sĩ xinh đẹp nhiều năm phục vụ ở chiến trường C.
Theo yêu cầu của cụ Nguyễn Văn Khuông, chúng tôi đến viếng Đài tưởng niệm các chiến binh Tây tiến. Đài nằm trên đồi cao, mênh mang nắng và gió. Ngày xây dựng khu tưởng niệm này, cụ Khuông đã bỏ nhiều tâm huyết. Vuốt ve từng cây cột, từng nét khắc trên bia đá, cụ xúc động kể cho chúng tôi nghe về mô hình tháp Luông Parabang bằng đá đặt làm từ Hà Nội chở lên đây, về những dòng chữ tiếng Lào cụ đã tự tay nắn nót viết trên đá cho thợ khắc theo... Cúi đầu mặc niệm trước anh linh các liệt sĩ, cụ Khuông nói như một tiếng thở dài: “Tây tiến đoàn binh không mọc tóc” là bởi ngày ấy gian khổ quá, chấy rận nhiều nên lính ta phải cạo trọc. Thiếu ăn, cộng với sốt rét rừng nên mặt xanh lét như màu lá, chứ không phải màu xanh của quân phục đâu”. Vậy mà đoàn binh ấy, qua bài thơ của Quang Dũng, vẫn oai hùng, lãng mạn, là thần tượng một thời của những thiếu nữ Hà Nội mộng mơ.
Chiều muộn đến Yên Châu, phố núi nhuộm vàng trong nắng quái. Chợ họp ven đường, khá đông bà con dân tộc bày bán sản vật của rừng. Cả thị trấn chỉ có hai nhà khách. Đoàn của thượng tọa Thích Thanh Vân từ Hải Dương lên ở riêng, và cũng ngồi mâm riêng trong buổi chiêu đãi tối hôm đó của YBND huyện Yên Châu. Mâm của chúng tôi la liệt các món đặc sản dân tộc, có cả canh hoa ban, xôi hoa ban lần đầu tiên mới được nếm. Mượn cớ chúc rượu, tôi sang ngó mâm các Thầy, chỉ vài món ăn thanh tịnh. Con gái Yên Châu vừa đẹp, vừa hát hay múa giỏi, chuốc rượu giỏi, khiến các cựu chiến binh phải ngất ngư say.
Xem bản đồ thấy điểm đến hôm sau nằm gần địa phận Mường Khôn nước bạn. Đường đi không xa, lại vừa được san sửa để chuẩn bị đón đoàn đại biểu Quốc hội hai nước Việt - Lào nhưng các đồng chí vẫn căn dặn phải khởi hành sớm vì rất khó đi.
Đúng như vậy. Dẫu không còn cảnh “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây súng ngửi trời/ Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống” nhưng xe chúng tôi vẫn phải nhảy chồm chồm trên mấy chục km đường biên. Xe xịn của Trung tướng Phạm Tuân cũng phải gửi lại đồn biên phòng dọc đường. Khu vực này nếu không có giấy phép đặc biệt thì không được vào. Ngồi cùng xe chúng tôi là Trung úy Hoàng Quang Huy, đội trưởng đội Phòng chống ma túy. Mặc thường phục trông rất trẻ, nhưng chỉ trong hai tháng, chàng trai này đã bắt được hai vụ buôn lậu “vàng đen” qua biên giới. Quản lí 16 cột mốc, phương tiện đi lại chủ yếu của họ là xe máy và lội bộ. “Xe công hay xe tư?” “Dạ, xe công có ít, chủ yếu dùng xe tư”. Con đường đất vàng bụi mù mịt này mùa mưa không xe nào đi nổi, đất thành bùn níu chặt bánh xe.
Đang mùa hoa ban nhưng chỉ thỉnh thoảng mới gặp vài cây lạc lõng, nở hoa trắng xóa. Núi và núi gối vào nhau, màu đất nâu vàng tơi rất nạc. Rừng ở vùng này đã bị phá gần hết để trồng mía và ngô. Hai tháng nữa màu xanh sẽ phủ kín các ngọn núi kia. Cụ Khuông xót xa: “Ngày trước rừng ở đây toàn gỗ to mấy vòng ôm. Rừng mất, thú cũng chẳng còn. Không có nước tưới, chẳng trồng ngô và mía thì biết trồng gì?”. Ông Nguyễn Văn Chiến, phó Chủ tịch UBND huyện Yên Châu nói như thanh minh: “Chúng tôi cũng cố giữ rừng, nhiều lần đưa người vi phạm ra xử mà rất khổ tâm. Dân trí thấp, họ không hiểu đốt rừng là phạm pháp”. Chỗ cua tay áo dốc ngược cạnh cột mốc làm cả ba xe trong đoàn bị chạm cong vênh bậc lên xuống, không mở được cửa.
Khi chúng tôi đến bản Lao Khô, đã thấy dân bản và các cháu học sinh đứng đón. Nhóm cựu chiến binh hôm nay diện quân phục màu xanh, lấp lánh quân hàm quân hiệu, đỏ chói các loại huân chương, huy chương thu hút ánh nhìn ngưỡng mộ của đám lính biên phòng trẻ măng và các cháu học sinh. Đàn tràng được dựng trong một ngôi nhà dài khoảng 10x30 m, khung sắt, mái tôn, không có vách. Đây là ngôi nhà do chính quyền địa phương dựng lên, kiêm nhiệm nhiều việc như họp chợ, tiếp đón các đoàn khách, họp dân bản… Trên bàn thờ, giữa khói hương nghi ngút, đã có một hòm vuông vắn phủ cờ Tổ quốc, đó là hài cốt của đồng chí Nguyễn Tín, nằm cách đấy khoảng 3 km, hôm trước đã được đội qui tập liệt sĩ rước về. Hôm nay chúng tôi sẽ chứng kiến việc bốc hài cốt của đồng chí Khăm Nhọt. Dân bản ra xem đông, rất nhiều trẻ con. Một phụ nữ còn trẻ địu đứa bé đằng sau, ôm đứa nhỏ hơn phía trước, lại có hai đứa nữa ôm chân. “Bao nhiêu tuổi?” “Không biết tuổi đâu”. Hỏi thăm, biết trung bình mỗi nhà sinh 5,6 con. Đất Lào hiếm người, không phải thực hiện kế hoạch sinh sản.
Trên khoảng đất dốc, chỗ hai cây mận hậu xanh mướt chừng 10 tuổi, trĩu trịt những chùm quả xanh to bằng đầu ngón tay giao nhau, Tiến sĩ Vũ Bằng đã dùng máy dò tìm hài cốt xác định, đánh dấu vị trí đồng chí Khăm Nhọt nằm chính xác bằng những chiếc cọc sơn đỏ. Trước sự chứng kiến của đại diện chính quyền địa phương hai nước Việt Lào, các phóng viên truyền hình, báo chí và đông đảo bà con bản La Khô, Tiến sĩ Vũ Bằng cho máy đi tìm hài cốt hoạt động. Rất kì lạ, cần quay của máy như có nam châm, cứ chỉ vào khu đất đã được đánh dấu. Đưa máy lên trên vuông đất, cần quay xoay tròn. Phía dưới dốc xoay mạnh hơn, Tiến sĩ Vũ Bằng nói liệt sĩ được mai táng để đầu dưới thấp.
Một mâm lễ đơn sơ, một nắm hương trầm được đốt lên. Già làng Lao Lử đứng khấn trước mộ bằng tiếng Lào. Trước khi mất, cha của già là cụ Lao Khô đã giao lại cho già chăm nom hai ngôi mộ. Cụ Nguyễn Văn Khuông ôn lại chuyện xưa và khấn bằng tiếng Việt, xin linh hồn các liệt sĩ cho phép đồng đội đón về. Cụ cố nói rành rọt nhưng vẫn thỉnh thoảng phải dừng, đưa khăn lau mắt. Bà Sùng Thị Mai, Phó Văn phòng Hội LHPN Sơn La nước mắt đầm đìa, vừa rưới rượu cúng quanh phần mộ, bà vừa khấn to bằng tiếng H’Mông vừa khóc. Âm điệu tiếng H’Mông chơi vơi như gió núi của bà làm tất cả mọi người cùng khóc theo.
Cỏ cây lặng phắc, hồi hộp dõi từng nhát cuốc đầu tiên bổ xuống. Nhẹ thôi, xin hãy nhẹ tay thôi! 60 năm đã trôi qua, con dốc nơi anh nằm đất trôi gần hết, chỉ nạo đi chừng nửa mét đất màu, đã thấy lộ ra phần đất xốp xỉn hơn, thịt xương anh đã hòa tan vào đất! Lúc này, máy dò tìm hài cốt liệt sĩ của Tiến sĩ Vũ Bằng phát huy tác dụng rất tốt. Từng nắm đất lật lên được đặt dưới máy để thử. Một nắm, hai nắm, ba nắm… vẫn chưa thấy tín hiệu gì. Có cốt, tức là có từ trường, máy sẽ quay để báo hiệu. Đây rồi. Chiếc cần quay đã rung lên, xoay tròn nhè nhẹ trên tay Tiến sĩ Vũ Bằng. Cụ Nguyễn Văn Khuông òa khóc, run lẩy bẩy đỡ nắm đất đầu tiên trộn lẫn xương thịt của người đồng đội. Đây là đầu, đây là thân, đây là tay chân… từng phần thân thể của liệt sĩ lần lượt được các đại diện chính quyền, các quan khách danh dự nâng niu, đặt nhẹ vào tấm vải liệm. Đốt thêm tuần nhang nữa, không có khói nhang dẫn đường anh không về được đâu. Trung tướng Anh hùng vũ trụ Phạm Tuân dùng tay bóp nhẹ từng viên đất, mong tìm thấy dấu vết một chiếc răng chưa bị tiêu hủy. Xót xa quá anh ơi.
Ngày liệt sĩ Khăm Nhót hi sinh vì Tổ quốc, đất nước còn đau thương, nhân dân còn cơ cực, không dám mong có một quan tài đúng nghĩa, chỉ ước gì liệt sĩ có được một tấm vải bọc cho đỡ lạnh nơi núi thẳm rừng sâu. Tiến sĩ Vũ Bằng cầm máy đi vòng quanh mộ kiểm tra lần cuối. Cần quay lúc này chỉ vào một điểm duy nhất, đó là phần đất đã được đặt trong vải liệm. Đưa máy lên trên, từ trường khiến cần quay xoáy đều, ông tuyên bố việc bốc mộ đã hoàn tất. Tiếng hú hồn nhập cốt bằng ba thứ tiếng lại vang lên thống thiết, ba hồn bảy vía liệt sĩ ở đâu thì nương theo nhang khói mà về với quê hương Tổ quốc anh ơi! Khói nhang nhòa nước mắt, chút tiền vàng đốt lên tạ ơn thần đất đã gìn giữ, chở che liệt sĩ. Hài cốt liệt sĩ Khăm Nhọt phủ lá cờ Tổ quốc, trong vòng tay đồng đội được rước về đàn tràng, bên liệt sĩ Nguyễn Tín để làm lễ cầu siêu.
Tôi lùi lại phía sau, nơi bà Sùng Thị Mai, người con gái xinh đẹp giỏi giang của người H’Mông đang nồng nhiệt cảm ơn bản Lào, cảm ơn bà con người Lào đã đến tiễn đưa liệt sĩ Khăm Nhọt. Khuôn mặt trắng hồng, giọng nói cởi mở đôn hậu, bà chúc trai bản mạnh khỏe giỏi giang, chúc gái bản xinh đẹp như hoa như nụ. Buổi sáng bận rộn thế, nhưng bà đã kịp nhận làm con cháu cụ Sùng Thị Mẩy của bản Lào. Nhìn bà đứng giữa những gương mặt tươi cười của dân bản Phiêng Sa, tôi thật sự cảm phục và tin tưởng những cán bộ như bà đã là cầu nối thân thiện giữa người dân với chính quyền.
Đàn tràng được bày biện đầy đủ và long trọng với các chiến sĩ tiêu binh bồng súng đứng nghiêm trang dưới cờ Tổ Quốc. Hài cốt của hai liệt sĩ phủ cờ đặt chính giữa, khói hương nghi ngút. Bảy vòng hoa mang băng của chính quyền tỉnh Sơn La, của UBND huyện Yên Châu, của tỉnh Hủa Phăn (Lào), của Ban Chỉ huy quân sự tỉnh, của Đại sứ quán Lào, của Hội Cựu chiến binh, của Sở LĐTBXH tỉnh Sơn La. Vàng mã và hàng trăm bộ quân phục mã màu xanh xếp thẳng hàng, câm lặng. Tưởng như có các anh, những chiến binh “Tây tiến đoàn quân không mọc tóc/ Quân xanh màu lá dữ oai hùm”cũng hiện diện trong không khí thiêng liêng, trong tiếng nhạc trầm hùng của bài Quốc ca. Đại tá Bùi Như Thắng, phó Chính ủy Ban Chỉ huy quân sự tỉnh Sơn La khai mạc buổi lễ truy điệu liệt sĩ. Ông Nguyễn Mạnh Du, phó Bí thư thường trực huyện ủy Yên Châu tiếp lời, nói lên lòng biết ơn của nhân dân với hi sinh xương máu của các liệt sĩ và quyết tâm của chính quyền trong việc tìm và qui tập mộ liệt sĩ. Trưởng ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Hải Dương, Thượng tọa Thích Thanh Vân chủ trì lễ cầu siêu. Cùng Đại đức Thích Giác Đăng, Đại đức Thích Giác Lãm, Đại đức Thích Minh Ba… các Thầy cầu cho quốc thái dân an, cầu cho linh hồn các liệt sĩ nương theo khói nhang tìm về quê hương bản quán.
Vĩ thanh
Mùa xuân nơi biên giới nắng vàng như lụa. Chúng tôi thành kính đứng bên nhau, đón linh hồn các anh trở về cùng Đất Mẹ yêu thương. Ông Lê Văn Hạnh, PGĐ Sở Nội vụ, Trưởng ban Tôn Giáo, đại diện Doanh nghiệp Tư nhân Hoàng Nguyên, 444 Nguyễn Lương Bằng, thành phố Hải Dương và cũng là một cựu chiến binh nhân chuyến đi này cũng tặng quà gồm: Cặp sách, vở viết, lương thực... cho các em học sinh bản Lao Khô (huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) và bản Phiêng Sa (Lào). Tổng số quà trị giá gần 10 triệu đồng. Đó là lời cảm ơn, tri ân bà con cô bác hai bản đã giúp đỡ cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam trong chiến tranh giải phóng, bảo vệ đất nước Lào và Việt Nam, xây đắp tình hữu nghị giữa hai nước, hai dân tộc bằng xương máu để chống kẻ thù chung, và đã chăm lo hương khói bảo vệ hai ngôi mộ liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam.
Bữa cơm do UBND tỉnh mời được bày ngay tại chỗ. Ở nơi rừng núi vắng vẻ heo hút, rất khó đi này hẳn những người tổ chức đã phải rất cố gắng mới lo được bữa ăn chu đáo, tươm tất như vậy. Hơn một trăm người tham gia buổi lễ đã cùng nhau nâng chén chúc mừng thắng lợi của chuyến đi và chia tay nhau ngay tại đây.
Tạm biệt các chiến sĩ biên phòng trẻ măng, thoáng chút bùi ngùi, chúng tôi giao lại biên cương cho các cháu với một niềm tin. Tre già, măng mọc. Vâng, ở vùng biên ải này, chỉ cần mưa xuống, là măng lay sẽ tua tủa đội đất vươn lên, dẻo dai mà vững chãi…

Xuân tháng 3/2012
CHỬ THU HẰNG
(Nguồn: - Blog Chử Thu Hằng)
Tít bài Văn chương +





Các anh đã trở về với đất mẹ

2 comments:

  1. Nhà Báo Lê Phương Dung.September 6, 2012 at 7:47 PM

    Xúc động và tự hào, vì bản thân tôi cũng là con của hai người lính, cả Bố và Mẹ tôi đều đã cống hiến một phần xương máu của mình cho quê hương đất nước thân yêu. Theo đạo lý " uống nước nhớ nguồn " thì tôi cũng sẽ mãi mãi khắc ghi công lao, sự hi sinh anh dũng của các liệt sĩ. Rất cảm ơn tác giả Chử Thu Hằng đã có một bài viết chi tiết đầy tình đồng đội và tính nhân văn cao cả. Tôi cũng xin chúc tác giả, cùng bác chủ nhà sức khoẻ , sự bình an, với mọi điều may mắn. Trân trọng

    ReplyDelete
  2. Rất cảm ơn về bài viết của bạn, bài viết rất hay và ý nghĩa.
    Nếu có các nhu cầu về thiết kế, thi công các sản phẩm nội thất như: bàn ghế sofa, giường tủ, thi công trọn gói có thể liên hệ bên Mozza mình nhé. Click vào đây để xem chi tiết nhé các bạn:
    bàn trà gỗ
    giường ngủ hiện đại
    tu quan ao
    Thiết kế nội thất
    xưởng thi công nội thất
    hãy liên hệ cho mình nhé. Cảm ơn !
    _______________________________________________
    SIÊU THỊ GHẾ SOFA MOZZA
    Địa chỉ: 38 - Tương Mai - Hai Bà Trưng - Hà Nội
    Điện thoại: 093 628 3333 - 04 6674 9999

    ReplyDelete