Trang

Sunday, March 25, 2012

TẾT ẤT DẬU THĂM NHÀ THƠ NGUYỄN KHOA ĐIỀM


Tết Giáp Thân 2004, tôi ăn Tết ở Huế. Sáng 30 có việc đến Vĩ Dạ, tiện thể ghé thăm căn nhà cũ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nơi hơn chục năm trước bạn bè văn thơ chúng tôi vẫn thường tụ tập uống rượu và đàm đạo thơ ca cùng chủ nhân của ngôi nhà. Khu vườn cũ rộng mênh mông nay có vẻ như thu hẹp lại, nhưng cây cối vẫn xanh tốt như rừng. Căn nhà, cổng ngõ đã được tu sửa khang trang, sạch sẽ. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cùng vợ và ba con lên tàu hoả rời Hà Nội về Huế ăn Tết từ hôm trước.

Nguyễn Khoa Điềm và NTT, 2005
Thấy tôi và nhà báo Thanh Tú đến thăm, cả nhà mừng vui mở rượu đón mời. Chị Lợi vợ anh khoe với chúng tôi cành đào thật đẹp mang từ Bắc vào, không phải đào Nhật Tân mà là đào An Dương (Hải Phòng) quê Tổ của dòng họ Nguyễn Khoa ở Huế. Chả là từ 26 Tết, cả nhà anh chị đã kéo nhau về An Dương thắp hương mộ Tổ. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm kể với chúng tôi về dòng họ của anh. Dòng họ Nguyễn Khoa ở Huế bắt đầu từ một người lính theo Chúa Nguyễn vào miền Trung, lập nhiều công trạng rồi mang con cháu về đây lập ấp. Cha của anh là nhà cách mạng Hải Triều Nguyễn Khoa Văn, hậu duệ quan Nội Tán Nguyễn Khoa Đăng người gốc An Dương (Hải Dương cũ), từng được đồng chí Nguyễn Phong Sắc cử vào Tỉnh uỷ Thừa Thiên, rồi tham gia Thành uỷ Sài Gòn – Chợ Lớn từ tháng 8.l930. Sau bốn tháng hoạt động, ông bị bắt đưa về Huế và Toà án Nam Triều đã kết án ông 9 năm tù khổ sai và 8 năm quản thúc; nhưng 17 tháng sau ông được trả tự do, tiếp tục hoạt động Cách mạng và Kháng chiến. Năm 1954, khi Nguyễn Khoa Điềm được tổ chức đưa từ Huế ra Bắc thì người cha thân yêu cũng vừa qua đời trên đất Thanh Hoá năm ông mới 46 tuổi…
Tôi ngoái nhìn ra vườn chuối um tùm trước sân và căn nhà bếp cũ, chợt nhớ mấy câu thơ anh mới đọc tôi nghe hôm nào ở Hà Nội:
Trở về nhà
Nói cười trong căn bếp cũ
Đi vào đi ra
Ngồi bệt xuống thềm
Ngó mây bay trên vườn người khác
Tôi nói với anh là tôi rất thích cái tư thế và cái tâm thế của nhà thơ khi trở về ngôi nhà thân thuộc của mình. Thân thương và đạm bạc. Nguyễn Khoa Điềm xúc động đọc tiếp bài thơ mà đến nay tôi còn nhớ một đoạn thật thương:
Bạn cũ đến chơi
Chép miệng sống cũng tạm được
Phải cái hơi móm
Cười trống trơ như Đỗ Phủ
Nhìn nhau thương con mắt
Còn lung lay ngọn lửa rừng
Thời bom đạn
Và hôm nay, trước Tết Âm lịch năm Con Gà, tôi và Nguyễn Khoa Điềm ngồi với nhau trong căn nhà của anh bên ngõ Vạn Bảo (Hà Nội). Chúng tôi nhắc đến bạn bè văn nghệ Huế đã từng gắn bó. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường bị bạo bệnh hơn sáu năm rồi mà vẫn viết đều và hay. Anh Tường vừa viết xong cuốn sách về Trịnh Công Sơn, dành riêng cho nhà xuất bản Trẻ, và Tết nào cũng có mấy bài bút ký cho những tờ báo mà anh yêu quí. Nguyễn Khoa Điềm nhớ về năm 1982, một lần đến thăm Hoàng Phủ, và ông bạn văn phải vào bếp nấu cơm để khách ngồi một mình với cây long não trước cửa sổ. Vì thế mà Nguyễn Khoa Điềm ngồi viết được bài thơ “Ngồi với cây long não nhà bạn” với lời đề từ thật ngộ: “Viết để anh Tường đọc khi nấu cơm xong”. Những ngày gian khổ ấy đã qua đi, tác giả bài thơ không còn nhớ bài thơ ấy nữa, vậy mà Hoàng Phủ Ngọc Tường vẫn còn giữ. Khi nhờ tôi làm bìa tập thơ “Người hái Phù Dung“, anh Tường đã đưa tôi bài thơ ấy để in vào bìa gập, giữ gìn một tình bạn cảm động. Bài thơ trên tờ giấy ố vàng và nét chữ đã nhoè mờ, nhưng tấm lòng thì vẫn còn nguyên vẹn: “Mỗi âm thanh dễ nhận ra/ Củi – Diêm – nước mắm/ Và những gì gian khổ / Không âm thanh/ Tôi ngồi lại một mình/ Một mình với cây lông não/ Cây long não già mà lá trẻ/ Như ta giữa cuộc đời này…”
Bỗng nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm hỏi tôi:
-   Ngày thơ Nguyên Tiêu tới, Hội Nhà Văn đã định tổ chức thế nào chưa?
Tôi nói với anh rằng, theo tôi biết thì các tỉnh thành đã có kế hoạch chuẩn bị cho Ngày Thơ năm nay đi vào chiều sâu hơn các năm trước. Đặc biệt năm nay Hội Nhà Văn sẽ kết hợp với Nghệ An tổ chức Ngày Thơ với qui mô lớn nhân dịp Năm Du lịch của tỉnh và những ngày lễ lớn. Lễ hội sẽ được tổ chức tại Nam Đàn quê Bác rồi du thuyền dọc sông Lam xuống Vinh…
Nguyễn Khoa Điềm vui vẻ hẳn lên:
-   Năm nay Hà Tĩnh sẽ tổ chức kỷ niệm 200 năm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du.Một sáng kiến rất hay. Dân ta không ai là không biết Truyện Kiều. Gần đây nhiều nhà nghiên cứu và nhiều người yêu thơ đã để công tìm thêm được một số văn bản Kiều cổ. Có người ở Huế chép lại Truyện Kiều bằng thư pháp nặng đến cả tạ, phải dùng xe chở đi triển lãm… Điều đó chứng tỏ Truyện Kiều luôn được quan tâm tìm hiểu. Báo Thơ của Hội Nhà Văn chất lượng rất tốt, năm nay nên ra số đặc biệt về Nguyễn Du và Truyện Kiều, vì Truyện Kiều luôn mới mẻ trong tiếp nhận của công chúng. Đây là một sự kiện lớn. Phải kỷ niệm 200 năm Truyện Kiều ở tầm quốc gia. UBKH xã hội và nhân văn có thể kết hợp với Hội Nhà Văn và các Hội Văn học Nghệ Thuật để làm việc này, sao cho xứng đáng với tầm vóc lớn của tác phẩm và tài năng xuất chúng của Cụ Nguyễn.
Nhà thơ Bùi Hoàng Tám đi cùng tôi, góp chuyện:
- Em thấy Truyện Kiều in rất nhiều mà vẫn bán chạy.
Anh Điềm tán thành:
-   Tôi đến một số hiệu sách, thấy nhiều cuốn Truyện Kiều in rất công phu, bìa cứng hẳn hoi. Bây giờ người ta mua sách không tiếc tiền, đặc biệt loại sách có tính kinh điển. Tôi biết có người mua về không phải để đọc ngay, bởi đọc sách cũng còn tuỳ theo tâm trạng, tâm lý và sở thích. Có người không đánh giá cao sách chưởng, sách trinh thám, nhưng họ vẫn thích đọc, vì để hiểu thêm một đời sống, một văn hoá, một nghề nghiệp và để giải trí. Có người thích mua những cuốn sách mà mình đã yêu quí từ thủơ còn đi học như sách của Vichto Hugo, Puskin, Leptonstoi, Phơrơt, Lỗ Tấn…và họ hy vọng có lúc con cái mình sẽ đọc được những áng văn chương kinh điển ấy. Có người mua sách để chơi. Nhiều gia đình nhờ có tủ sách quí mà đời sống văn hoá của con cháu được nâng cao. Tất nhiên, những người làm sách thời nay khá nhạy bén, họ nắm bắt được nhu cầu công chúng rất kịp thời để đưa ra thị trường những cuốn sách đang cần đọc. Cả sách mới và sách cũ. Xu hướng chung là cả người viết, người xuất bản và người đọc ngày càng quan tâm đến những giá trị đích thực hơn.
Tôi hỏi:
-   Trường ca Mặt đường khát vọng của anh rất nổi tiếng, được nhiều người thuộc lòng, sao hơn 30 năm rồi không thấy tái bản lần nào?
Nhà thơ hơi ngạc nhiên về câu hỏi, nhưng rồi anh cười nói:
-   Không thấy ngừơi làm sách nào hỏi tôi cả.
Bùi Hoàng Tám nhớ lại hồi nhỏ đã thuộc lòng nhiều đoạn trong Mặt đường khát vọng, rồi anh đọc đoạn mở đầu bản trường ca:
- Em nghĩ, nếu anh cho in lại trường ca này chắc sẽ có nhiều người cần đến. Trong nhà trường chỉ được học chương Đất Nước. Vì vậy mà nhiều giáo viên và học sinh chưa được đọc trọn vẹn tác phẩm. Nếu in lại, anh có định sửa chữa gì không?
-   Tôi rất tiếc là chương cuối của trường ca này viết lần đầu tiên đã không còn nữa. Đó là chương Tựu trường, một chương tôi rất thích. Hồi ấy Tuyên huấn Khu uỷ Trị Thiên triệu tập anh em chúng tôi lên rừng mở một trại sáng tác có Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, Trần Vàng Sao,…Tôi viết xong trường ca Mặt đương khát vọng, đọc cho anh em nghe. Anh Trần Hoàn phụ trách trại và một số anh em góp ý là nên thay chương Tựu trường bằng một chương khác cho “khí thế” hơn,. Và người ta đã in trường ca theo bản viết lại ấy. Những năm 1970 – 71 ở chiến trường vô cùng ác liệt, bom đạn đã làm anh em mình mất đi nhiều trang bản thảo và cả những cuốn sách chưa kịp in ra…
- Và anh có lần đã bị địch bắt?
-   Đấy là năm 1967, tôi đang làm công tác xây dựng cơ sở ở Quảng Điền (Thừa Thiên) thì đã bị địch bắt trong một trận càn. Tôi bị giam ở lao Thừa Phủ. Mãi đến dịp Tết Mậu Thân, ta tấn công vào Huế chúng tôi mới được cứu thoát, trở lại hoạt động thuộc Thành uỷ Huế.
-   Anh cũng đã trải qua nhiều cương vị quản lý, có khó cho việc làm thơ chứ?
Nguyễn Khoa Điềm cười vui:
- Kể ra thì tôi cũng đã giữ khá nhiều chức vụ: Tuyên huấn, Thành đoàn, Hội văn nghệ, Tỉnh uỷ, Hội Nhà Văn, Bộ Văn Hoá, Ban Tư tưởng… nhưng chung qui thì chủ yếu là Tuyên huấn, Báo chí và Văn nghệ. Nhiều lúc tưởng không làm được thơ nữa. Nhưng mỗi lần làm được một bài thơ, thậm chí chỉ một câu tâm đắc cũng thấy sướng lắm. Thơ như người bạn tâm giao, mỗi lần gặp lại nhau đều như chuyện kỳ ngộ.
-   Nghe nói tới đây có ý hướng nhập Hội nhà Văn và các Hội chuyên ngành VHNT vào Bộ Văn Hoá-Thông Tin. Anh thấy việc ấy thế nào?
-   Đó là việc Chinh Phủ có bàn tới. Những hội Cây Cảnh, hội Nuôi Ong… thì sát nhập vào bộ Nông nghiệp và PTNT, vì đấy là những hội xã hội – nghề nghiệp. Còn các hội chuyên ngành VHNT là hội chính trị – xã hội – nghề nghiệp, nó là những hội “em em” của các đoàn thể như Đoàn thanh niên, Hội liên hiệp Phụ nữ, nó có lịch sử hình thành rất sớm trong công cuộc cách mạng của ta. Tính lịch sử đặc biệt ấy đặt hội Nhà văn cũng như các hội chuyên ngành VHNT có vị trí quan trọng nhất định, và vẫn trong xu hướng phát triển chung. Hội Nhà văn ta cũng sẽ phát triển như vậy. Tôi cũng là một hội viên của Hội mà…
Những câu chuyện “tổ chức” thường lướt qua nhanh, để lại trở về với những câu chuyên Thơ và Huế thân thương. Tôi đọc lại những câu thơ về Mẹ của anh thật độc đáo và cảm động:
Lũ chúng tôi từ tay  mẹ lớn lên
                   Còn những bí và bầu thì lớn xuống
                   ……
                   Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi
                   Mình vẫn còn một thứ quả non xanh?
Và nhớ những lời tâm sự của anh về thơ thật khúc chiết:
“Tôi nghĩ có ba yếu tố làm nên phẩm chất của văn chương, đó là: Lời – Hành động – Tấm lòng.
Lời, đó là lời văn, cách viết.
Hành động, đó là ý tưởng văn chương thúc giục người ta hành động.
Tấm lòng, đó là tâm hồn tác giả trên từng trang sách.
Có lời văn hay, có khát vọng hành động mạnh mẽ, nhưng thiếu đi tấm lòng nhân hậu, cao thượng thì chưa thể có văn hay.
Cho nên có sách nói thuỷ tổ là LỜI, có sách nói thuỷ tổ là HÀNH ĐỘNG, cũng nên có sách nói thuỷ tổ là TẤM LÒNG”.
- Tết này anh có định về Huế ăn Tết không?
- Từ ngày ra ở Hà Nội, tôi vẫn thường xuyên về Huế ăn Tết, để thắp nhang mừng tiên tổ. Tôi thường nhìn thấy Huế trong dáng vẻ u trầm. Những rêu phong cổ kính ở đó đều mang nét u trầm và buồn. Tôi rất nhớ miếu Âm Hồn để tưởng vọng những người chết trong ngày thất thủ kinh đô thời Tôn Thất Thuyết. Huế cũng đã một lần “tiêu thổ kháng chiến”, và Huế Mậu Thân bị bom đạn tàn phá ghê gớm. Thân phận hoài nhớ vàng son của người Huế đã khiến cho xứ này trầm xuống. Người ta sống với chiều sâu tâm linh. Có lẽ vì thế mà nhiều nhà thơ gặp Huế đã để lại những bài thơ hay, ảo diệu và sâu sắc. Tôi sống một tuổi thơ ở Huế, học 10 năm ở miền Bắc, năm 1964 trở về quê hương tham gia kháng chiến, rồi lại theo công việc ra Hà Nội. Vì thế, Huế đẹp và gian khổ luôn ám ảnh tôi.
Nhà thơ Bùi Hoàng Tám xin phép chụp mấy tấm ảnh, và hỏi:
- Anh Điềm ơi, bao giờ nghỉ hưu, anh sẽ chọn Hà Nội hay chọn Huế?
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm nhìn xa xăm rồi cười dịu dàng:
- Có lẽ lúc đó tôi sẽ trở về Huế lo hương khói cho các cụ trong ấy…
Đã 12 giờ trưa. Chúng tôi chia tay nhà thơ. Anh tiễn chúng tôi ra tận cổng. Người lính gác đã đứng sẵn bên cánh cổng vừa được mở ra. Ngoài ngõ, cái chợ cóc tự nhóm họp, ồn ã một đời sống thường nhật…
Hà Nội, ngày 2.1.2005
NGUYỄN TRỌNG TẠO



No comments:

Post a Comment