Trang

Wednesday, March 21, 2012

LƯU TRÙNG DƯƠNG: KHI NHÀ THƠ LÀM TOÁN


Nhiều người – trong đó có không ít người làm thơ – thường cho rằng các nhà thơ đều dốt toán, thậm chí thù ghét toán học, hoặc cóc cần những con số

Họ vin vào một số chứng cớ rất vu vơ, lập luận rất võ đoán, đại loại như sau: Trong một bài thơ trò chuyện với con cháu, Bertolt Brecht, nhà thơ nước Đức, đã nói thẳng thừng:

Con cần gì học toán?
Vì không học
Con vẫn biết rõ từ lâu
2 cái bánh
Nhiều hơn
1 cái bánh
Phải không nào?...
Đó là cái tật xấu coi thường toán học. Còn về cái tật xấu cóc cần các con số khô khan thì thiên hạ hay dẫn chuyện: thi hào Goethe đã cố tình quên cái con số (tuổi già) trên 70 của mình để mê say như điếu đổ một cô gái mà con số (xuân xanh) ít hơn con số của cụ quá 3 lần. Rõ ràng đối với nhà thơ, mối “tương quan lực lượng”, sự so sánh các con số là vô nghĩa.
Về phần tôi, tôi hoàn toàn không tán thành cái nhận xét đầy thành kiến của thiên hạ. Tôi cho rằng các nhà thơ không chỉ có tài làm thơ (thơ hay cũng như thơ… chưa hay) mà còn có tài làm toán. Có điều đáng nói: đó là một năng khiếu toán học rất đặc biệt.
Có thể dẫn ra vô số bài thơ trong đó bao gồm vô số bài toán bí hiểm hoặc lý thú (phần bí hiểm nặng hơn phần lý thú), mà nếu đặt tên là những bài thơ-toán học (hoặc toán đố) cũng không lấy gì làm quá đáng.
Tôi vốn không thuộc nhiều thơ. Vả chăng, theo chủ nghĩa môđéc đang thịnh hành thì thơ càng khó thuộc lại càng hay, thơ không thể thuộc chính là thơ tuyệt tác. Dù tôi có ráng học cho thuộc thì cũng không sao thuộc nổi. Vậy thì tôi chỉ xin ghi lại mấy câu tình cờ nhớ được, với động cơ dứt khoát là bênh vực cho các nhà thơ.
Tả cái bánh trôi nước, nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương dùng một hình tượng-toán học vừa cụ thể vừa sống động:
Thân em vừa trắng lại vừa tròn
7 nổi 3 chìm với nước non…
Muốn thưởng thức cho hết cái đẹp, cái hay của mấy câu thơ-số học này, chắc mọi người phải huy động toàn bộ các giác quan tinh tế được trời phú cho.
Xuân Diệu từng viết một câu thơ nổi tiếng nhờ biết sử dụng toán học. Tôi xin ghi lại câu thơ-toán học chia ấy dưới dạng phân số:
Trái đất ¾ nước mắt
Đi như giọt lệ giữa không trung…
Và đây là một câu thơ-toán chia khác, bây giờ là của Tố Hữu:
… Mà nói vậy: “Trái tim anh đó
Rất chân thật  chia 3 phần tươi đỏ
Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều
Phần cho thơ và phần để em yêu…”
Tài là ở chỗ chia 3, mà không phải 3 phần đều răm rắp theo kiểu bình quân chủ nghĩa, vẫn có phần thì ưu tiên, phần thì không.
Tế Hanh làm những đoạn thơ-toán nhân, vừa ghi rõ số thành vừa chừa ra những ẩn số để bạn đọc tự mình làm tiếp bài toán-thơ:
… 20 năm
Trái đất xoay quanh mặt trời 20 vòng quay
240 vòng mặt trăng quanh trái đất
Quanh chiếc bàn đã mấy triệu vòng tay?
Quanh nỗi đau mấy triệu vòng nước mắt?...
Nhưng, hình như một câu thơ vào loại hay nhất của Tế Hanh là một câu thơ-toán học được dùng để đặt tên cho cả một tập thơ: Hai nửa yêu thương.
Ai cũng biết 2 nửa = 1. Sao không nói: 1 yêu thương cho nó gọn, đỡ công viết, công in, tiết kiệm giấy, mực… mà lại phải đem chia làm 2 để rồi cộng lại (hoặc nhân lên) cho nó dài dòng “2 nửa yêu thương”. Rõ ràng một anh học trò dốt toán cũng có thể diễn dịch câu thơ-toán này thành một bài toán anh ta đã học ở cấp I: 2 x ½ =1 hoặc ½+ ½ =1.
Câu thơ vừa toán chia vừa toán nhân (hoặc toán cộng) của Tế Hanh khiến tôi liên tưởng đến câu thơ-toán chia của Nguyễn Du:
Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường
Nhân nói đến Nguyễn Du, lại nhớ đoạn thơ thi hào tả hình dáng Từ Hải rất tả chân mà cũng rất toán học, cụ thể như toán mà không cần chính xác như toán:
Râu hùm, hàm én, mày ngài,
Vai 5 tấc rộng, thân 10 thước cao…
Nếu Tế Hanh, đặt tên một tập thơ bằng một câu thơ-toán học thì Trinh Đường đặt nhan đề một bài thơ chỉ với một con số trần trụi như một… con số ngoài đời: 728. Một con số khô khan, đơn giản đã trở thành biểu tượng của một thời kỳ lịch sử dữ dội, đau thương, một con số không lớn nhưng lại chất chứa vô vàn tình cảm của đất nước, nhân dân.
Trường hợp Lưu Quang Thuận khiến người đọc nghĩ đến một nhà thơ rất giỏi toán, gần như mê toán.
Khoảng một nửa bài thơ Đối diện của Lưu Quang Thuận là những câu thơ-toán, có thể nói là chứa đựng những bài toán-thơ:
Trả lời, trả vốn cho ta:
Ý 5,6 thuở, tình 3,4 đời
8 buồn, 9 nhớ, em ơi,
Xuôi 5 cửa biển, ngược 10 khúc sông…
Trời đất ơi! Như vậy thì người con gái bị đòi nợ này đây biết số vốn, số lời của chàng trai lên tới bao nhiêu để mà lo trả cho đủ số? Ý chừng cảm thấy bài thơ-toán của mình quá khó giải đáp vì quá cụ thể, chi li, nhà thơ bèn nêu ra những con số trừu tượng để đánh giá người đẹp trước khi định giá cái vốn, cái lời, cái lỗ của mình:
Nón em lá mỏng ai chằm?
Áo em cá mấy con tằm nhả tơ?
Anh làm nên mấy câu thơ?
Anh trông mấy nẻo, anh chờ mấy nơi?
Bây giờ đối diện, em ơi!...
Như vậy đó, bấy lâu dù chưa được một lần đối thoại, anh đã bỏ ra bao nhiêu vốn liếng khổng lồ, nhớ thương vô hạn. Bây giờ, đối diện đây, em đền cho anh đi! Em trả lời, trả vốn cho anh đi!...
Bài toán-thơ, nghe dung dị mà hóc búa này, gợi cho người đọc liên tưởng đến những bài thơ-toán đố bất hủ của các nhà thơ dân gian, đã từng thách thức cả những thiên tài toán học:
Qua đình ngả nón trông đình
Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu
Vậy thì “bao nhiêu” và “bấy nhiêu” ở đây là… bao nhiêu? Ai có thể tìm ra ẩn số ở cái bài toán-thơ mà đáp số tưởng chừng như đã được đọc lên cùng một lúc với câu hỏi? Cô gái ấy thương chàng trai nọ với số lượng bao nhiêu? Bằng 500.000 calo? 1.000.000 oát? Hay 2.000.000 luymen?... Tình yêu đâu có thể cân, đo, đong, đếm bằng những con số chỉ độ nhiệt, độ sáng theo vật lý học, lại càng không thể nôm na, thật thà như đếm, đem gạch, ngói, xi măng ra mà tính toán rằng tình yêu của cô gái quy ra bằng 200.000 viên ngói, 300.000 viên gạch, 25.000 kilô xi măng…
Để kết thúc bài phiếm luận này – một bản luận chứng triệt để ủng hộ các nhà thơ – tôi xin ghi lại dưới đây một bài thơ-toán, đã biến thành thơ, và một bài toán- văn vần. Bài thứ nhất là một bài thơ-toán đố không cần đáp số:
Ai về đường ấy mấy đò?
Mấy cầu, mấy quán, anh cho mượn tiền?
Ước gì quan bắc cầu liền
Để em qua lại khỏi phiền đò ngang!...
Và bài thứ hai là bài toán-văn vần dạy cho trẻ em tập đếm, hoặc cao hơn một chút là tập làm toán nhân:
1 con chuột là 1 cái đuôi, 2 tai, 2 mắt, 1 cái đầu, là 4 cái chân
2 con chuột là 2 cái đuôi, 4 tai, 4 mắt, 2 cái đầu, là 8 cái chân… tang lý tang tình tang…
Xin để tùy các bạn rút ra kết luận: các nhà thơ có dốt toán hay không? Và khi nhà thơ làm toán, thậm chí quá ham làm toán, thì sẽ xảy ra điều gì?...
LƯU TRÙNG DƯƠNG

1 comment: