Trang

Saturday, March 3, 2012

MỘT BÀI VIẾT CÁCH ĐÂY HƠN 30 NĂM CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN TRỌNG TẠO VỀ “NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA TRƯỜNG CA”


Thời xưa ở nhiều dân tộc xuất hiện những bài hát dài bằng thơ kể lại những sự kiện quan trọng trong lịch sử của nhân dân mình. Lúc ấy chưa có chữ viết, sự hát lên những câu thơ có giá trị phổ biến câu chuyện một cách nhanh chóng, dễ dàng, và âm thanh giọng hát gây được hiệu quả truyền cảm sâu sắc. Trường ca với nghĩa đen là bài hát dài, có lẽ đã được bắt đầu như vậy. Qua nhiều thời đại, loại bài hát dài bằng thơ kể chuyện phát triển, và mở ra nhiều hướng khác nhau, và người ta căn cứ vào những đặc điểm có tính riêng biệt của nội dung và hình thức của chúng mà chia ra những thể loại: truyện thơ, trường ca, thơ dài… như hiện nay.



Nhưng để có một định nghĩa chuẩn xác về thể loại trường ca thì quả là khó, quá khó. Nhất là ngày nay, vấn đề “trộn lẫn thể loại” trong các tác phẩm văn học đang ngày càng trở thành phổ biến. Các nhà nghiên cứu phê bình văn học cũng có lúc có ý kiến khác nhau khi định thể loại cho một số tác phẩm văn học xuất bản gần đây. Có nhà văn không ghi thể loại tác phẩm của mình, mặc cho bạn đọc muốn xếp nó vào thể loại gì tuỳ ý. Cho nên, việc đặt vấn đề cần nêu cho trường ca một định nghĩa chuẩn mực trong tình hình văn học hiện nay là không thể đạt được.
Ở ta, trong những năm gần đây, sự ra đời của khá nhiều tác phẩm gọi là trường ca, khiến người ta chú ý nhiều đến thể loại này; và sự trộn lẫn thể loại ở những tác phẩm nói trên khiến người ta có nhiều băn khoăn cần được giải đáp. Ví dụ các trường ca Kể chuyện ăn cốm giữa sânKhúc hát về người anh hùng có thể coi là truyện thơ? Các trường ca Những người đi tới biển, Ba – dan khát… có thể coi là thơ dài? (theo phân loại của quan niệm cũ). Vì vậy nguyên nhân gì dẫn người ta đến những băn khoăn như vậy.
Hai trường ca kể trên, có cốt truyện. Hai trường ca kể sau, không có cốt truyện. Trường ca cổ điển cũng như hiện đại trên thế giới cũng có thể có cốt truyện và không có cốt truyện. Trường ca có cốt truyện thường chọn những người quan trọng làm nhân vật, người đó có những dây liên lạc, những mối quan hệ và có sự tiếp xúc với nhiều người khác, với nhiều hiện tượng và biến cố; xung quanh con người đó là cả một thời đại và cả thời kỳ mà người đó sống (Gôgôn – Bàn về văn học). Trường ca không cốt truyện thường miêu tả những mảng sự kiện đời sống thông qua cái tôi trữ tình của nhà thơ và chúng kết được lại với nhau nhờ cái tôi trữ tình đó, có tính chất nhất quán như một sợi dây vô hình xuyên suốt từ bên trong. Khi tác giả sa vào sự kể lể, khi sợi dây cái tôi trữ tình của tác giả bị đứt đoạn, chắp nối thì tác phẩm không những kém hiệu quả trong sự truyền đạt nội dung, mà còn làm cho bản thân tác phẩm xô lệch sang những thể loại khác, những thể loại mà có thể chấp nhận được những điểm kể trên. Theo tôi, người ta muốn xếp bốn trường ca vừa dẫn sang thể loại khác, vì nó mắc phải những nhược điểm này. Những băn khoăn đó không phải là không có căn cứ.
Tôi thích loại trường ca có cốt truyện hoặc ít ra nó cũng có bóng dáng, số phận của nhân vật trung tâm, dù nhân vật đó chỉ có ý nghĩa ước lệ. Bởi rằng, trong một dung lượng lớn về số câu, sự hấp dẫn của cốt truyện, sự hấp dẫn bởi số phận của nhân vật trong trường ca là rất cần thiết ngoài sự hấp dẫn của số phận dân tộc, nhân dân, vấn đề được tác giả đặt ra. Ở ta, trường ca Bài ca Chim Chơ Rao của Thu Bồn được dư luận đánh giá cao không phải nó có nhiều đoạn thơ hay (ngược lại, còn hiếm) mà cái chính là do sự hấp dẫn của cốt truyện, số phận có tính anh hùng ca của nhân vật. Trường ca Mặt trời trong lòng đất của Trần Mạnh Hảo gần đây, tuy dễ nhận ra dấu vết của một vài người viết trường ca khác trong một số câu, đoạn, nhưng tạo được sự hấp dẫn khá liên tục bởi nhiều đoạn thơ tài hoa, tâm huyết, và đặc biệt là số phận của hai nhân vật có ý nghĩa tượng trưng ước lệ: Anh và Em với mối tình của họ trong chiến đấu. Dĩ nhiên, không phải không có những trường ca không cốt truyện làm cho người đọc say mê, đó là những trường ca mà tác giả của nó luôn làm chủ những sự kiện mình miêu tả với mạch xúc cảm dạt dào, liên tục và biến hoá nhiều về hình thức thơ. Về mặt này, trường caĐường tới thành phố của Hữu Thỉnh khá nhiều thành công.
Dù có cốt truyện hay không có cốt truyện, sự thành công của nhiều trường ca cho thấy rõ điều này: trường ca phải phản ánh được những sự kiện lịch sử có ý nghĩa rộng lớn và soi sáng được cuộc sống của nhân dân trong toàn bộ tính đa dạng của nó. Cho nên, khi một người viết trường ca trả lời ai đó đã hỏi tại sao anh không viết vấn đề ấy thành bài thơ ngắn mà lại viết dài, là: Vì không thể viết ngắn được đành phải viết dài thôi, thì đấy không phải là câu nói đùa mà hoàn toàn nghiêm túc.
Không phải mọi nhà thơ viết thơ ngắn đều có thể viết thơ dài. Không phải mọi nhà thơ trữ tình đều có thể viết trường ca. Cũng giống như nhiều nhà văn thành công trong lĩnh vực truyện ngắn nhưng khi chuyển sang viết tiểu thuyết thì liên tục thất bại, thậm chí thất bại cho đến lúc anh ta không dám nghĩ đến tiểu thuyết nữa.
Nếu ví việc viết thơ ngắn như là đánh trận nhỏ lẹ thì việc viết thơ dài như là đánh nhiều trận đồng loạt, và việc viết trường ca giống như thực hiện cả một chiến dịch lớn làm thay đổi cục diện trường. Người chỉ huy “trận đánh”, “chiến dịch” chính là nhà thơ. Và, không phải cứ chỉ huy các trận đánh nhỏ lẹ giỏi là chỉ huy chiến dịch được. Người chỉ huy chiến dịch cần có tài tổ chức và điều khiển một lúc nhiều cánh quân cho nhiều trận đánh, và trận đánh trước mở ra cho trận đánh sau, cánh quân này yểm trợ cánh quân khác để rồi cuối cùng đạt được mục đích của toàn chiến dịch. Có thể coi sự tích luỹ vốn sống của tác giả trước khi viết trường ca là công tác chuẩn bị chiến dịch. Khi bố cục trường ca là khi lên phương án tác chiến (phương án tác chiến có thể thay đổi ít nhiều trong khi chiến đấu, tuỳ theo tình hình thực tế). Khi bắt tay viết câu thơ đầu tiên tức là khi chiến dịch mở màn. Và khi chuyển chương đoạn là khi chiến dịch chuyển sang giai đoạn mới. Trong quân sự, sai lầm của người chỉ huy trong một trận đánh có khi dẫn đến sự thất bại cho toàn bộ chiến dịch. Sai lầm của nhà thơ khi thực hiện một chương của trường ca cũng có thể dẫn đến sự thất bại của toàn bộ trường ca. Nói như vậy để thấy rằng, trường ca đòi hỏi rất cao sự chặt chẽ của bố cục và bản lĩnh, sức vóc của tác giả.
Người viết thơ ngắn thường tập trung sự rung cảm một chiều và nhanh chóng đẩy nó tới đỉnh điểm trong khi viết bài thơ. Trường ca rất cần sự đa dạng của tâm hồn, và tác giả của nó, trên suốt chặng đường dài để hoàn thành tác phẩm không những phải duy trì được rung cảm một cách nhất quán mà còn phải tạo nên nhiều đỉnh điểm với nhiều trạng thái khác nhau. Bởi vì, trường ca miêu tả những sự kiện lịch sử có ý nghĩa rộng lớn đối với đông đảo nhân dân (như đã nói ở trên), nó rất cần được triển khai trên một phương diện rộng với nhiều diễn biến phức tạp của những sự kiện nhỏ trong cuộc sống cũng như sự diễn biến phức tạp của tâm trạng con người mà số phận của họ được đặt trước những sự kiện kể trên. Những sự kiện khi sôi động, khi bằng lặng, những tâm trạng khi vui khi buồn, khi căm thù sâu sắc, khi tột độ yêu thương… tất cả đòi hỏi nhà thơ đều phải ứng xử một cách linh hoạt. Rõ ràng là, chỉ có những nhà thơ có xúc cảm mạnh mẽ và đa dạng mới có thể đáp ứng nổi những đòi hỏi ấy, đó là chưa kể đến vốn kiến thức sâu rộng nhiều mặt về đời sống xã hội và tài năng thể hiện với sự biến hoá linh hoạt về hình thức cho phù hợp với nội dung phong phú của trường ca. Những nhà thơ thiếu sự rung cảm đời sống đa dạng, thiếu vốn kiến thức về nhiều mặt của xã hội sẽ khó mà tạo dựng được những trường ca thành công, hay nói cách khác, trường ca không phù hợp với khả năng của họ. Trong thực tế, không phải không có một ít nhà thơ “mạnh dạn” viết trường ca, và chịu sự thất bại.
Nhiều người viết trường ca cho biết, có nhiều câu thơ, đoạn thơ tâm huyết của họ không thể “đi” được trong thơ ngắn, nhưng khi đặt nó vào trường ca lại gây được hiệu quả rất tốt. Khi Hữu Thỉnh viết: Em sẽ hiểu đất nước mình dành dụm – hiểu vì sao ta bớt giấy in thơ – để in phiếu đường phiếu thịt, ta sẽ thấy đoạn thơ “cồm cộm” thế nào ấy nếu nó nằm trong một bài thơ ngắn; nhưng trong trường caĐường tới thành phố, đoạn thơ này gây được xúc động, nó ẩn chứa một tinh thần chịu đựng gian khổ khó khăn không nhỏ của nhân dân trong cuộc sống thường ngày để dồn mọi thuận lợi cho cuộc chiến đấu giải phóng đất nước… cuộc chiến đấu mà tác giả đã tập trung miêu tả một cách toàn diện tinh thần của nó. Điều này nói rằng, trường ca, với một dung lượng lớn, bao chứa nhiều vấn đề có tính chất điển hình của xã hội, và những vấn đề có điều kiện thuận lợi để lý giải đến nơi đến chốn hơn. Có thể đó cũng là một lý do khiến một số nhà thơ chọn trường ca để giãi bày những điều tâm huyết mà họ không thể giãi bày được trong thơ ngắn.
Phần lớn trường ca gần đây của ta đều viết về chiến tranh giữ nước, và tác giả của nó đều là những người lính tham gia chiến đấu ở chiến trường. Những trường ca viết về chiến tranh có nhiều thành công là những trường ca phản ánh được tinh thần của chiến tranh. Cho phép tôi nghĩ rằng, điều đáng quan tâm nhất ở trường ca không phải là viết về cái gì, mà là phản ánh tinh thần của ai đó như thế nào. Cho nên, đừng băn khoăn nhiều về diện rộng hay hẹp của đề tài mà trường ca phản ánh. Dĩ nhiên, diện rộng hay hẹp của đề tài trong trường ca không phải là không quan trọng.
Trường ca không nhất thiết phải đồ sộ về số câu, số chương đoạn. Có thể có trường ca chỉ vài ba trăm câu như Sóng Côn Đảo của Anh Ngọc, hoặc dài ngót vài nghìn câu như Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm. Mức độ dài ngắn, sự biến đổi hình thức diễn đạt hoàn toàn phụ thuộc vào sự đòi hỏi của nội dung mà trường ca đề cập đến. Cái chén sành quý hơn cái bát vàng khi uống trà. Ở đây, tôi muốn lưu ý sự phù hợp, sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nội dung và hình thức.
Đó là nói theo cách chẻ sợi tóc. Thực ra, những tác phẩm hay, khó lòng tách bạch nó ra đâu là hình thức, đâu là nội dung. Và, những nghệ sĩ có tài năng lớn, bằng tác phẩm kiệt xuất của mình sẽ mở ra những hình thức mới, những thể loại mới. Tôi tin rằng, sự sáng tạo của các “nhà trường ca”, bằng những trường ca hay thật sự, sẽ mở ra cho thể loại này một diện mạo mới hơn, thậm chí có thể không còn mang bóng dáng của thứ trường ca mà ta vẫn gặp lâu nay nữa. Muốn vậy, nhà thơ phải sáng tạo không ngừng, phải lo chiến đấu trên từng chữ từng dòng – nói như E. Éptusenkô – đừng có sợ đấm vào tường, có thế vỡ tay đấy, nhưng cũng có thể làm vỡ bức tường.
Hà Nội, 1980NGUYỄN TRỌNG TẠO

No comments:

Post a Comment