Trang

Saturday, March 3, 2012

TƯ TƯỞNG VIỆT NAM NGANG HÀNG VỚI TRUNG QUỐC VÀ MỤC TIÊU BẢO VỆ ĐỘC LẬP DÂN TỘC CỦA NHÀ NƯỚC ĐẠI NAM

 
(Qua bộ “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”)

[Phải trải qua nửa thế kỷ xây dựng, nhà Nguyễn mới hình thành được một ông vua có tầm vóc tư tưởng và văn hóa như Tự Đức. Trong lịch sử chế độ phong kiến tự chủ dân tộc, xét về bản lĩnh văn hóa, có thể so sánh Tự Đức với ông vua thứ tư triều hậu Lê: Lê Thánh Tông. Với Tự Đức, các chế độ học hành, thi cử được kiện toàn một cách chặt chẽ, bề thế và hoạt động nhịp nhàng. Quốc Sử Quán dưới thời Tự Đức làm việc có hiệu quả, để lại cho quốc sử nhiều pho sách đồ sộ. Tự Đức cũng đã có ý thức về một “Viện hàn lâm nghệ thuật”...[1] (GS. Cao Xuân Huy)].

Trong số rất nhiều vấn đề lịch sử, chính trị, văn hóa, tư tưởng, tôn giáo... mà bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục (KĐVSTGCM) đề cập, Quốc Sử Quán triều Nguyễn được hoàng đế Tự Đức trực tiếp chỉ đạo đã biên soạn và bình giải tập trung vào ba chủ đề lớn, đó là: tư tưởng Việt Nam ngang hàng với Trung Quốc; mục tiêu bảo vệ nền độc lập dân tộc; tinh thần phê phán trên quan điểm Nho gia. Đây cũng chính là ba vấn đề lớn của đất nước mà thế kỷ XIX đặt ra đối với sự hưng vong của vương triều họ Nguyễn. Trong phạm vi bài viết này, tôi xin chuyển tải hai nội dung đầu của bộ quốc sử nói trên.

Tư tưởng Việt Nam ngang hàng với Trung Quốc. 
           
Tinh thần tự tôn dân tộc thời nào cũng có. Đó là cơ sở để bảo tồn nền văn hiến và động lực của ý chí toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia.             
           
Ngay trong Đại Việt sử ký (ĐVSK), thường được biết đến như bộ quốc sử xuất hiện sớm nhất Việt Nam, sử gia Lê Văn Hưu đã phát khởi tư tưởng ngang hàng với Trung Quốc thông qua việc lấy sự kiện ra đời của nước Nam Việt làm mốc khởi đầu lịch sử, với danh xưng Triệu Vũ đế của Triệu Đà, nhằm đối sánh uy thế người đứng đầu là giữa thiên tử phương Nam với thiên tử phương Bắc. Sử gia Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVTT) lại đẩy mốc khởi thủy lịch sử Việt Nam lên tận thời kỳ huyền thoại Thần Nông với chủ kiến: lịch sử nước Nam cũng có chiều dài tương đương với lịch sử đất Bắc, thậm chí người cai quản dân Việt phương Nam là Kinh Dương vương còn đạo đức, thông minh vượt trội so với Đế Nghi của người Bắc qua chi tiết Lộc Tục (Kinh Dương vương) được vua cha Đế Minh nhất mực yêu thương và muốn truyền ngôi, song Lộc Tục cố nhường cho anh là Nghi thống trị phương Bắc.
           
Cùng một chủ đích, song thuyết phục hơn trong cách biện luận, nhóm sử gia triều đình Tự Đức thống nhất chọn thời Hùng vương làm mốc khởi đầu lịch sử Việt Nam dựa trên quan điểm quốc thống, tương tự như sách Tiền biên của Nam Hiên, mở đầu lịch sử Trung Quốc từ đời Phục Hi, là ông tổ văn tự, nguồn gốc trị bình của đế vương [2]. Hơn nữa, theo sự tra cứu của Quốc Sử Quán, một số sách sử của Trung Quốc có đề cập đến thời đại Hùng vương nên đây là chứng cứ sự thật. Tấu nghị của Quốc Sử Quán ghi rõ: Xét về đời Hùng vương lập quốc, đặt tên nước là Văn Lang, kinh đô đóng ở Phong Châu, chia nước ra làm 15 bộ, từ đấy mà đi, trong nước mới dần dần có chế độ, cha truyền con nối trải 18 đời  [2].
           
Tiếp tục quan điểm quốc thống đó, KĐVSTGCM chọn sự kiện Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong loạn 12 sứ quân, lên ngôi hoàng đế năm 968 làm mốc mở đầu cho kỷ nguyên độc lập, tự chủ của đất nước sau hơn một nghìn năm nô thuộc, với việc khôi phục hoàn toàn tính pháp lý của một triều đại sánh ngang bằng các triều đại Trung Hoa từ trước đến giờ. Quan điểm này bộc lộ sự chia sẻ với sử quan Lê Văn Hưu 6 thế kỷ trước, chọn Đinh Tiên Hoàng mà không phải Ngô Quyền, bởi không đồng tình với tước vương khiêm tốn của họ Ngô, triều đại không lập niên hiệu nên không chính thống, thậm chí chiến công trên sông Bạch Đằng đối với quân Nam Hán cũng chưa chứng tỏ được tầm vóc vĩ đại của sự nghiệp một đấng quân vương. Tự Đức phân tích: Ngô Quyền gặp được ngụy triều Nam Hán là một nước nhỏ, Hoằng Tháo là một thằng hèn kém, nên mới có được trận thắng trên sông Bạch Đằng [2].
           
Sử quan triều Nguyễn đôi khi chấp nhận một cách miễn cưỡng sự vi phạm đạo lý Nho gia để tôn vinh lòng tự tôn dân tộc trước đế chế Trung Hoa khổng lồ ngạo mạn. Đó là trường hợp Lê Hoàn hoàng đế, tuy bị nhìn nhận như một ngụy vương vì mang tiếng cướp ngôi nhà Đinh, cũng chẳng có công thống nhất đất nước, song ngoài thì chống được giặc mạnh, trong thì giữ vững biên cương, có công duy trì được quốc thống [2] nên phỏng theo sách Cương mục của Chu Tử mà xếp vào chính thống. Sử quan nhà Nguyễn vinh danh Lê Hoàn không ngoài chiến thắng hiển hách năm 981 tại vùng Đông Bắc đối với đại binh nhà Tống như một thực tế hùng hồn cho tư tưởng đối trọng sức mạnh với đế chế Bắc triều.
           
Cùng với các trang nam tử hào kiệt của nước Nam, phụ nữ cũng chứng tỏ được bản lĩnh và sức mạnh của mình trong việc điểm tô truyền thống tự tôn dân tộc. Nước Nam không chỉ ngang bằng với Trung Quốc về phương diện quốc thể mà ngay các trang liệt nữ cũng chẳng hiếm gì. Nói về sự kiện dấy binh khởi nghĩa của Triệu Thị Trinh cùng với anh trai là Triệu Quốc Đạt năm 248, vua Tự Đức sảng khoái ngự phê: Con gái nước ta, nhiều người hùng dũng khác thường. Bà Triệu Ẩu cũng là người sánh vai được với Hai Bà Trưng. Xem như vậy thì Bắc sử chép chuyện Thành Phu Nhân, Quân Nương Tử há có phải chỉ Trung Quốc là có đàn bà nổi danh tiếng đâu? [2].
           
Ngược lại, một số triều đại mặc dù được sáng danh trong lịch sử dân tộc như các bộ sử trước đó ghi nhận nhưng, hoặc có xuất xứ Hán tộc, từng dựa dẫm vào thực lực phương Bắc, hoặc tồn tại ngắn ngủi vẫn không được các sử gia nhà Nguyễn chấp nhận như một quốc triều. Đó là các đời: An Dương vương, 5 vua đời nhà Triệu, tiền Lý, Triệu Việt vương, hậu Lý, Nam Tấn vương Xương Văn. An Dương vương vốn con cháu nhà Thục, Triệu Đà nguyên là một viên tướng nhà Hán, Lý Bôn lập nên nhà tiền Lý cũng gốc Hán 5 đời trước đó, vả lại chỉ giữ được kinh thành vẻn vẹn 7 năm, Triệu Quang Phục kế tục sự nghiệp Lý Bôn, Lý Phật Tử là hậu duệ của Lý Bôn dựng lên nhà hậu Nam đế, Nam Tấn vương Xương Văn thì lại đi cậy thế nhà Nam Hán. Vì lẽ trên, các đời vua này chỉ được xếp vào hàng liệt quốc, gọi tên tùy nghi là đế, vương hoặc gọi thẳng tên hiệu, lúc chết thì đều chép là “hoăng” (đối với vua chư hầu) để phân biệt với “băng” (đối với vua chính thống). Phải chăng sự kỳ thị này cũng nhằm để tuyệt giao hoàn toàn với Trung Quốc, thể hiện sự đối sánh cả về dòng dõi của các bậc đế vương Nam triều?
           
Các tác giả của KĐVSTGCM còn chỉ trích nghiêm khắc những việc làm mang tính biểu trưng nghi lễ nhưng ảnh hưởng không ít đến sự tự tôn văn hiến. Đồng tình cùng thái độ các sử gia tiền bối, Quốc Sử Quán đánh giá việc truy tôn của Lê Hoàn và Lý Công Uẩn như sau: Chu Vũ vương dấy nghiệp vương thì truy tôn Thái vương, Vương Qúy và Văn vương làm bậc vương. Tống Thái Tổ xưng hoàng đế thì tôn Hi Tổ và Dực Tổ làm bậc đế. Lê Đại Hành đã xưng đế, thế mà chỉ tôn cha làm vương, còn từ ông tổ giở lên đều không được dự: thực trái thường quá lắm! Huống chi tôn cha làm vương mà mẹ lại làm Hoàng thái hậu: đảo ngược đến như thế! Về sau, Lý Thái Tổ tôn cha làm Hiến Khánh vương, mẹ là Minh Đức thái hậu, cũng là do Lê Đại Hành nêu ra trước [2]. Rõ ràng trật tự Nho gia cũng được đưa ra đối sánh trên tinh thần phê phán những hành vi trái ngược với phẩm trật triều đình, tự đánh mất phẩm giá và niềm kiêu hãnh hoàng gia nói riêng, quốc thể nói chung.
Trên phương diện ngoại giao, tư tưởng ngang hàng với Trung Quốc có thể nhận diện thông qua thái độ không khuất phục của vua tôi Nam triều, như Lê Hoàn khi tiếp sứ giả nhà Tống thì giong ngựa đi song song, khi tiếp nhận bài chế văn gia phong chức vị Đặc tiến thì biện cớ chân đau không chịu quỳ lạy; Đỗ Khắc Chung tình nguyện một thân một ngựa vào thẳng doanh trại quân Nguyên tìm hiểu tình hình bài binh bố trận của chúng, khi tướng Nguyên là Ô Mã Nhi dọa dẫm “nước anh dám khinh lờn đại binh của thiên triều, cái lỗi ấy to lắm đấy!” thì bình tĩnh đối đáp rằng: “Con chó trong nhà cắn người lạ, là vì không phải chủ của nó” khiến tên tướng giặc Nguyên phải nể phục và dẫn lời dạy của Đức Khổng Tử mà ca ngợi trước mặt ba quân: Người này có thể nói là “không làm nhục mệnh lệnh của vua phó thác cho”, trong nước họ có người như thế, chưa dễ đã làm gì họ được...

Thời nhà Trần, mỗi khi tiếp đón các sứ thần Trung Quốc, triều đình thường hay giao việc cho các bậc danh tướng như Thượng tướng Trần Quang Khải, Quốc công Trần Quốc Tuấn nhằm phô trương anh tài nước Nam. Tuy nhiên, Sử Quán triều Nguyễn lại chỉ trích rằng làm như thế là trọng thị đối phương quá đáng, giảm đi lòng tự tôn dân tộc. Tự Đức nói: Tiếp tân mà tất phải dùng đến tướng văn tướng võ, thì không phải là tôn trọng quốc thể [2]. 
Một chứng cứ khác là Hồ Qúy Ly, sau sự thất bại trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược đầu thế kỷ XV, bị bắt đưa sang Trung Quốc. Vua Minh hỏi tội Hồ Qúy Ly rằng: “Giết vua, cướp nước, như thế có phải là đạo người bầy tôi không?”, Hồ không trả lời được nên bị giam vào ngục, sau thả ra và đày đi làm lính thú ở Quảng Tây. Tự Đức đã chê trách họ Hồ không biết hỏi vặn lại việc Minh Thành Tổ đuổi Kiến Văn đế cướp lấy ngôi vua cũng tương tự như Khánh Phong từng vạch mặt công tử Vi nước Sở đuổi người anh cả của mình để chiếm ngai báu: Rất đáng tiếc Qúy Ly không được như Khánh Phong nước Tề, đối đáp với công tử Vi, để làm sướng tai mắt ngàn đời [2].

Mặc dù quan hệ ngoại giao mang tính chất đối sánh của nhà Nguyễn đối với đế chế Trung Hoa đương thời là triều đình Đại Thanh không được nêu ra trong bộ KĐVSTGCM này, tuy nhiên có thể nhận thấy tư tưởng tự chủ, bình đẳng đó thông qua thuật ngữ “bang giao” được nhà Nguyễn chính thức sử dụng trong toàn bộ các văn kiện đối nội. GS. Đại học Quốc gia Seoul, Yu Insun nhận xét về vấn đề này như sau: Bang giao chỉ có nghĩa là quan hệ ngoại giao thuần túy giữa nước này và nước khác, không tồn tại quan niệm trên dưới [3]. Theo đó, nhà Nguyễn cũng nhìn nhận quan hệ giữa các triều đại Việt Nam trước đây với Trung Quốc là “bang giao”, bởi các đời vua kể từ khi Đinh Bộ Lĩnh lập nên triều Đinh, tuy được Trung Quốc sắc phong nhưng trong nước đều xưng đế và đều sử dụng niên hiệu riêng giống như họ Nguyễn hiện tại. Ngay cả việc lấy quốc hiệu cũng không cần sự công nhận của hoàng đế Trung Hoa mà triều Nguyễn là một bằng chứng. Hoàng đế Gia Long lúc khởi triều đã cho sứ thần sang Trung Quốc cầu phong nhà Thanh chuẩn cho quốc hiệu Nam Việt, với lý lẽ rằng các đời trước mở mang cõi viêm bang, mỗi ngày một rộng, bao gồm cả các nước Việt Thường, Chân Lạp, dựng quốc hiệu là Nam Việt, truyền nối hơn 200 năm. Nay đã quét sạch miền Nam, vỗ yên được toàn cõi Việt, nên khôi phục hiệu cũ để chính danh tốt [4], chứ không phải phục hồi tên nước Nam Việt của Triệu Vũ đế xưa kia đã từng ngang hàng với Bắc Hán như thiển ý của Thanh triều, đã khiến vua tôi nhà Thanh lúng túng và cuối cùng nhân nhượng hoán đổi với tên gọi Việt Nam. Gia Long cũng tỏ ra khá hài lòng quốc hiệu mới này, với ý nghĩa: Việt là Việt Thường Thị, đất của tổ tiên để lại; Nam là cõi Nam Giao, đất mới mở của họ Nguyễn ở phía Nam Trung Quốc. Cả đến niên hiệu Gia Long cũng bao hàm sự đối sánh đó: vừa chơi chữ tên hai vị hoàng đế Đại Thanh là Càn Long và Gia Khánh, vừa nối liền vị trí hai đầu đất nước từ Gia Định đến Thăng Long, thể hiện ý chí thống nhất, xây dựng một nước Việt thịnh vượng, hùng cường. Hoàng đế Minh Mạng lại thể hiện tinh thần tự tôn trên một tư thế hoành tráng hơn, đổi quốc hiệu Việt Nam thành Đại Nam, sánh ngang bằng với đế chế Đại Thanh. Hoàng đế Tự Đức vượt lên trên các bậc tiên đế của mình, đề nghị nhà Thanh sắc phong ngay tại kinh thành Huế mà không phải tận ở Thăng Long, nghĩa là dù được sắc phong cũng sẽ ngồi một chỗ để nhận, một cách thể hiện mạnh mẽ hơn thái độ bình đẳng giữa hai quốc thể.

Những sự kiện trên chứng tỏ tư thế ổn định, tự tin đi lên của nhà Nguyễn và bộ quốc sử KĐVSTGCM là sự phát huy cao độ tinh thần tự tôn văn hiến của dân tộc ở thế kỷ XIX, trước khi bước vào cuộc chạm trán quyết liệt và giằng co với chủ nghĩa thực dân phương Tây.

Mục tiêu bảo vệ nền độc lập dân tộc.
           
Dấu ấn đậm nét về phương diện chính trị và quân sự trong tiến trình dựng nước và giữ nước suốt đường dài của lịch sử dân tộc là sự đối đầu giữa các triều đại Việt Nam đối với mưu đồ thôn tính của đế chế Trung Hoa phía Bắc, cùng những va chạm không thể tránh khỏi với các quốc gia lân bang khác ở phía Nam và phía Tây.
           
So với các tác phẩm cổ sử khác còn mơ hồ trong việc phân định ranh giới cương thổ, KĐVSTGCM đã đưa ra chính kiến rõ ràng hơn dựa trên các nguồn tư liệu tương đối tin cậy trước nay. Về quan điểm cho rằng địa giới nước Văn Lang thời Hùng Vương chia làm 15 bộ, Đông giáp biển Nam Hải, Tây giáp Ba Thục, Bắc giáp Động Đình Hồ, Nam giáp Hồ Tôn (Chiêm Thành sau này), các sử gia nhà Nguyễn phản biện xác đáng rằng Cách Hồ Động Đình và đất Ba Thục còn xa lắm . . . Động Đình giáp hai tỉnh Hồ Nam và Hồ Bắc, thực ra ở phía Bắc Bách Việt; mà Ba Thục với Văn Lang còn cách Tuấn Điền (nay thuộc Vân Nam) không liền đất nhau . . . vả lại, 15 bộ đã chia đó đều ở trong địa hạt Giao Chỉ và Chu Diên, chứ không có bộ nào ở về phương Bắc (Trung Quốc) [2], như theo ghi chép của các sử gia thời trước mà nhà Nguyễn cho là chép quá phô trương. Tuy vậy, từ khi nhà Triệu bị Bắc Hán triều thôn tính, nước Nam Việt bị chia làm 9 quận cho đến một loạt những hành động tranh chấp, sáp nhập đất đai qua nhiều triều đại, Hoàng đế Tự Đức cũng không khỏi ngậm ngùi: Xét chung từ trước đến sau, đất đai của nước Việt ta bị mất về Trung Quốc đã đến quá một nửa, tiếc rằng vua sáng tôi hiền các triều đại cũng nhiều người lỗi lạc hiếm có ở trên đời, mà vẫn không thể nào lấy lại được một tấc, đó là việc đáng ân hận lắm! Thế mới biết việc thu hồi đất đai đã mất, từ đời trước đã là việc khó, chứ không những như ngày nay mà thôi. Thật đáng thương tiếc! [2]. Phải chăng đó không chỉ là tâm trạng day dứt của một bậc quân vương cách đây hàng thế kỷ rưỡi mà còn là thực tại xót xa của mỗi một hậu thế người Việt Nam trước nạn bá quyền cùng lòng tham vô hạn độ của chủ nghĩa Đại Trung Hoa, vừa mới được khoác lên nhà cầm quyền Bắc Kinh thay cho chiếc áo đã chật cứng, cũ sờn Đại Hán, Đại Thanh trước đây?

Ở thế kỷ cuối cùng trước Công nguyên, thuộc giai đoạn đầu thời kỳ Bắc thuộc, trước thế lực hùng mạnh của nhà Hán, trong khi mục tiêu đấu tranh giành độc lập dân tộc chưa được đặt ra thì việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy văn hóa được xem như là phương cách hữu hiệu để tăng cường nội lực. Việc tiếp nhận văn minh phương Bắc thông qua chính sách cai trị của các Hán quan là một thực tế đóng vai trò tích cực không thể phủ nhận, song đánh giá quá trình đó một cách công bằng, khen chê xác đáng là điều vô cùng cần thiết, thể hiện sự trân trọng đối với lịch sử.  
           
Nhận xét việc thái thú Nhâm Diên, người của triều đình Hán tộc mà sách Hậu Hán thư của Trung Quốc chép rằng: dạy dân quận Cửu Chân rèn đúc đồ làm ruộng, dạy dân biết khai khẩn đất hoang, ruộng nương mỗi ngày mỗi mở rộng, nhân dân đều no đủ, biết dựng vợ gả chồng, sinh ra con cái bấy giờ mới biết con cái nhà nào; hoặc việc thái thú quận Giao Chỉ là Tích Quang dạy dân biết lễ nghĩa, phong tục... vua Tự Đức phản biện theo lối lấy “gậy ông đập lưng ông” rằng: Triệu Đà vốn là người Trung Quốc, làm vua trên nước Việt Nam và truyền nối đã ngót trăm năm. Xem bức thư trả lời Văn đế nhà Hán thì Triệu Đà vốn là người có học thức, có lẽ nào lại chưa biết dạy dân phép cấy cày và lễ giá thú mà phải đợi bắt đầu từ hai thái thú ấy?(…) Xem thế đủ thấy rõ rằng ghi chép thất thực, không đủ tin [2]. Trường hợp Sĩ Nhiếp cũng tương tự. Sĩ Nhiếp được nhà Hán cử sang làm thái thú Giao Chỉ, sau đầu thú nhà Ngô, vơ vét của quý vật lạ nước Nam cống nạp cho cả Hán lẫn Ngô không đếm xuể, được ban thưởng nhiều tước vị. Trái ngược với những lời khen của các sử gia thời Lê, Tự Đức chỉ trích nặng nề: Sĩ Nhiếp chẳng qua là một thái thú nhà Hán, tùy thời nịnh hót, cầu sao cho mình được an toàn, chứ không có mưu lược tài cán gì giỏi cả, đến nỗi truyền được hai đời đã mất, có gì đáng khen! [2].

Trong khi đó, đối với các quan lại Bắc Hán thực sự tài đức, vỗ về yên ổn dân Nam, nghiêm trị những kẻ tham tàn bạo ngược, biết đem cái thực học giúp ích cho đời, như Giả Mạnh Kiên, Lý Tiến... Tự Đức không tiếc lời ca ngợi, nhân đó phê phán luôn thói học vụ lợi, chạy theo mục đích khoa bảng đang trở thành căn bệnh nan giải trong nền giáo dục đương thời: “Triều Hán có nhiều nhân tài, đời sau không thể sánh kịp được. Thời đó chưa có khoa cử mà được nhiều nhân tài như thế, lại càng thấy rõ khoa mục chỉ vụ cái danh về việc học, chứ có bổ ích gì cho chính trị lắm đâu? [2].

Rõ ràng các sử gia triều Nguyễn nhìn nhận tương đối khách quan về vai trò của các vị Hán quan trong thời kỳ Bắc thuộc. Ngay trong phần Phàm lệ ở đầu sách, Quốc Sử Quán cũng đã định rõ quy tắc thứ 12 rằng: Trong thời kỳ Bắc thuộc, những thứ sử, thái thú, đô hộ, kinh lược, người nào có thành tích đáng khen, hoặc người nào có vết xấu đáng chỉ trích, đều theo việc chép thẳng, để tỏ rõ người hay người dở mà làm gương răn [2]. Bị cai trị theo mưu đồ đồng hóa của kẻ thù, người Việt vẫn biết tìm cách học hỏi vươn lên, tiếp thu những tinh hoa văn hóa Hoa Hạ, làm phong phú bản sắc văn hóa dân tộc được hình thành trong thời kỳ mở nước, tích lũy sức sống chuẩn bị quật khởi trong những thế kỷ đen tối tiếp theo.

Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đánh dấu mốc khởi đầu thời kỳ đấu tranh giành độc lập. Dân chúng khắp 65 thành nổi lên hưởng ứng, quân đi đến đâu như gió lướt đến đấy. Trưng Trắc tự xưng làm vương, đóng đô ở Mê Linh, chống cự quyết liệt với quân của Mã Viện nhà Hán kéo dài đến 3 năm. Hai thế kỷ sau đó, một cơn lốc quật cường khác cuốn theo hàng vạn rác rưởi quân xâm lược nhà Ngô đã nổi lên dưới sự chỉ huy của Triệu Thị Trinh. Tinh thần yêu nước của người phụ nữ Việt Nam đã biến thành những ngọn núi lửa phun trào. Cảm khái trước hành động xả thân của các bậc thánh nữ, hoàng đế Tự Đức nghiêng bút: Hai Bà Trưng thuộc phái quần thoa, thế mà hăng hái quyết tâm khởi nghĩa, làm chấn động cả triều đình Hán. Dẫu rằng thế lực cô đơn, không gặp thời thế, nhưng cũng đủ làm phấn khởi lòng người, lưu danh sử sách. Kìa những bọn nam tử râu mày mà chịu khép nép làm tôi tớ cho người khác, chẳng cũng mặt dày thẹn chết lắm dư [2]. Khi mài mực chắp bút phê những dòng này cũng là lúc quân Pháp thực dân đang nuốt dần từng mảng da thịt của lãnh thổ Đại Nam. Như một lời kích động những giá trị yêu nước còn đang tiềm ẩn, nhà lãnh đạo tối cao của đất nước muốn gửi tới thần dân bức thông điệp đã trở thành châm ngôn quật cường của dân tộc: giặc đến nhà đàn bà cũng đánh!
Nhà tiền Lý mặc dù không được xếp vào triều đại chính thống, song tầm vóc to lớn và thanh thế lẫy lừng của nhà nước Vạn Xuân với đạo quân 50 nghìn người đồng tâm hiệp lực, thống nhất dưới quyền chỉ huy của vị đế vương Lý Bí hoàn toàn xứng đáng để hậu triều họ Nguyễn dốc lời ca ngợi: Nam Đế nhà tiền Lý dẫu sức không địch nổi giặc Lương đến nỗi công cuộc không thành, nhưng đã biết nhân thời cơ vùng dậy, tự làm chủ lấy nước mình, đủ làm thanh thế mở đường cho nhà Đinh, nhà Lý sau này. Vậy việc làm của Lý Nam đế há chẳng hay lắm sao? [2].

Từ vua cho đến tướng lĩnh, công lao đóng góp của họ trong sự nghiệp bảo vệ và phục hưng nền độc lập dân tộc không những được Quốc Sử Quán nhà Nguyễn vinh danh mà ngay cả hoàng đế Tự Đức cũng đặc biệt trân trọng. Tự Đức khen: “Trần Quốc Tuấn là người văn võ toàn tài, đủ cả trung lẫn hiếu [2]. Trong trận đánh lừng danh ở sông Vạn Kiếp, bản lĩnh làm tướng của Hưng Đạo vương khiến cho hoàng đế nhà Nguyễn khâm phục: Một mình Nguyên soái rút lui sau cùng! [2]. Tài năng xuất chúng cùng với công đức sáng ngời của Trần Nhật Duật cống hiến cho cơ nghiệp họ Trần đến tận giây phút cuối đời ở tuổi 77 làm Tự Đức cảm kích khen rằng: Phúc đức! [2]. Nhân cách vừa khẳng khái, đồng cam cộng khổ với binh lính vừa nghiêm nghị, tuyệt đối không vụ lợi của Phạm Ngũ Lão được họ Nguyễn nêu gương cho đạo làm tướng: Đây là chỗ đắc lực của những người làm tướng nghìn xưa [2]. Phong trào Lam Sơn đầu thế kỷ XV là đỉnh cao chói lọi trong công cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc từ trước đến giờ. Lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa nổi lên như một vị anh hùng cái thế dưới ngòi bút của nhà vua: Bình Định Vương là bậc tài trí sáng suốt, lại giỏi dụng binh, các tướng chẳng ai sánh kịp. Vì thế cho nên thắng được quân địch mạnh lớn, khai sáng được cơ nghiệp, dõi truyền được quốc thống: đáng lắm thay! [2].
           
Ngược lại, KĐVSTGCM lên án nghiêm khắc những hành động phản nước, hại dân, nịnh nọt, bon chen, làm tổn hại đến lợi ích, danh dự của quốc gia nói chung, triều đình nói riêng. Một Trần Ích Tắc đa tài, uyên bác nhưng tụ phụ, hám danh đến nỗi quỳ gối đầu hàng giặc Nguyên, dẫn đầu đạo quân xâm lược dày xéo lên ngay cả mồ mả tổ tiên dòng tộc, Tự Đức giận dữ: Người ta có tài văn học mà như thế, thì văn học làm gì! [2]. Một Nguyễn Hữu Chỉnh không chỉ kiêu căng, lộng quyền trong triều thần Lê Chiêu Thống mà còn sùng bái nhà Tống trước kia, chủ trương bắt chước theo lối thi cử hão danh, tốn kém, bị Tự Đức chỉ trích: Người Tống phần nhiều háo danh, không có sự thực, sao lại bắt chước! [5].
           
Bảo vệ độc lập dân tộc gắn liền với giữ vững chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Các vua nhà Nguyễn đặc biệt chú trọng đến đường biên giới phía Bắc, bằng mọi giá phải được bảo vệ vì mọi hiểm họa trong quá khứ của lịch sử dân tộc đều xuất phát từ đây. Chính vậy, trong quan hệ ngoại giao với nhà Thanh đương thời, nhà Nguyễn một mặt vẫn chấp nhận nghi thức triều cống như một phương cách để tránh đối đầu, mặt khác tăng cường phòng thủ binh bị và kiềm chế thông qua các lực lượng kháng Thanh dọc tuyến biên giới. Thế kỷ XIX còn một nguy cơ khác là sự bành trướng của chủ nghĩa thực dân phương Tây từ hướng biển. Để canh giữ chủ quyền lãnh thổ trên đất liền, hoàng đế Gia Long ngay từ đầu đã củng cố tuyến phòng thủ từ xa trên biển đảo, cho khảo sát qua bản đồ vị trí các đảo trong hai cụm đảo tiền tiêu là Hoàng Sa và Trường Sa, khẩn trương hành động với sự thành lập Hải đội Hoàng Sa kiêm Hải đội Trường Sa và làng đảo Lý Sơn.
           
Như vậy có thể nói, xuất phát từ yêu cầu bức thiết của thời đại trong thế kỷ XIX, khi mà mục tiêu bảo vệ độc lập dân tộc là vấn đề nóng hổi đang được đặt ra, sử quan nhà Nguyễn đã chịu sự tác động mạnh mẽ của nhiệm vụ lịch sử trọng đại này, cho dù niên lịch của bộ KĐVSTGCM không vượt quá mốc thời gian năm 1789.

Tài liệu chú dẫn.
[1] Cao Xuân Huy (2003), Tác phẩm được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, NXB KHXH, HN, tr.106-107.
[2] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1998), Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập I, NXB Giáo dục, HN, tr.22, 36, 37, 74, 108, 113, 116, 128, 143, 173, 223, 250, 475, 526, 549, 590, 605, 735, 821.
[3] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1963), Đại Nam thực lục, chính biên đệ nhất kỷ II, tập III, NXB Sử học, HN, tr.157.
[4] Yu Insun (2009), “Lịch sử quan hệ Việt Nam – Trung Quốc thế kỷ XIX: thể chế và triều cống, thực và hư”, tạp chí Nghiên cứu lịch sử (số 10), tr.7-15
[5] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1998), Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập II, NXB Giáo dục, HN, tr.116.

NGUYỄN LỤC GIA

1 comment:

  1. ĐẢ ĐẢO TÂN PHÁT XÍT ĐỘC TÀ TRUNG CỘNG,
    ĐẢ ĐẢO BÀNH TRƯỚNG BÁ QUYỀN XÂM LƯỢC BẮC KINH,
    ĐẢ ĐẢO, ĐẢ ĐẢO, ĐẢ ĐẢO.

    ĐẢ ĐẢO TÂN PHÁT XÍT ĐỘC TÀ TRUNG CỘNG,
    ĐẢ ĐẢO BÀNH TRƯỚNG BÁ QUYỀN XÂM LƯỢC BẮC KINH,
    ĐẢ ĐẢO, ĐẢ ĐẢO, ĐẢ ĐẢO.

    ĐẢ ĐẢO TÂN PHÁT XÍT ĐỘC TÀ TRUNG CỘNG,
    ĐẢ ĐẢO BÀNH TRƯỚNG BÁ QUYỀN XÂM LƯỢC BẮC KINH,
    ĐẢ ĐẢO, ĐẢ ĐẢO, ĐẢ ĐẢO.

    ReplyDelete