Trang

Wednesday, March 21, 2012

THƯ NHẠC SĨ TRỊNH CÔNG SƠN GỬI NHÀ THƠ NGÔ KHA

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: Năm 2004, khi đang làm Trưởng ban Báo Thơ, phụ bản của Báo Văn Nghệ – Hội Nhà văn Việt Nam, tôi tình cờ đọc được lá thư của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi nhà thơ Ngô Kha năm 1974. Thấy một lá thư khá đặc biệt, tôi liền cho đăng lên trang nhất và trang 2 của Báo Thơ (số 12 – tháng 6/2004), vì Ngô Kha là bạn thân của TCS ở Huế.

Theo lời giới thiệu của nhà thơ Lê Minh Quốc thì “
Ngô Kha sinh năm 1935 tại Huế, là bạn thân với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, anh tốt nghiệp thủ khoa khóa 1 Đại học Sư phạm Huế (1958 – 1959) và sau đó đi dạy học. Anh cùng Trịnh Công Sơn, Trần Viết Ngạc, Lê Khắc Cầm, Chu Sơn, Thái Ngọc San chủ trương tập san Tự quyết. Từ năm 1972, anh chủ trương tập san Mặt trận văn hóa dân tộc miền Trung do Thành ủy Huế chỉ đạo. Trong thời gian hoạt động phong trào đấu tranh đô thị miền Nam, Ngô Kha đã bị chính quyền Sài Gòn bắt giam ba lần vào các năm 1966, 1971 và lần cuối cùng bị thủ tiêu bí mật sau Hiệp định Paris, 1973. Hiện nay, Ngô Kha đã được Nhà nước ta phong liệt sĩ. Hội Văn học Thừa Thiên – Huế đã xuất bản tập Thơ Ngô Kha – gồm 3 tập thơ của anh xuất bản trước 1975: Hoa cô độc, Ngụ ngôn của người đãng trí, Trường ca hòa bình. 
Thư gửi Ngô Kha là bài viết của Trịnh Công Sơn đã đăng trên tập san in ronéo tại miền Nam mà nay đã tuyệt bản, chúng tôi chọn in lại để thấy được thái độ dấn thân của Trịnh Công Sơn trong những ngày mà anh đã viết các ca khúc phản chiến nổi tiếng như Kinh Việt Nam, Ta phải thấy mặt trời…
Tôi nghĩ chuyện 2 người bạn này chẳng cần thông tin gì thêm nên chỉ viết Lời giới thiệu thật ngắn gọn: “Xin trân trọng được giới thiệu lá thư của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi nhà thơ (liệt sĩ) Ngô Kha trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.
Lá thư được đăng lên báo Thơ, thì báo Thanh Niên in bài của Thái Ngọc San (bạn TCS) đặt dấu hỏi nghi ngờ “Thư của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi nhà thơ Ngô Kha: Thực hay giả?“. Sau đó Lê Minh Quốc liền có bài “Sự thật về lá thư Trịnh Công Sơn gửi Ngô Kha” khẳng định là thật. Tôi cũng tìm gặp GS Bửu Ý bạn TCS ở Huế, được biết, anh BY vẫn còn giữ lá thư đó với chữ viết tay của TCS. Vì vậy tôi chỉ trả lời ngắn trên báo Thơ số tiếp theo, đại ý là: “Không ai biết hết về một con người. Mỗi người chỉ biết một phần về TCS. Nhờ thế mà TCS mới phong phú như hôm nay chúng ta được biết”.
Dưới đây là lá thư đã được in trên báo Thơ.
___________________
Kha,
Trong những ngày tháng 10, với khí thế đấu tranh của nhân dân miền Nam chống lại mọi âm mưu tiêu diệt tự do tư tưởng, tự do báo chí v.v… anh em bỗng nhớ Kha vô cùng (…)
Lá thư nhận được sau cùng của Kha gửi từ Huế vào, mình còn nhớ một điều: Kha không chịu lánh mặt một thời gian dù đã bị hăm dọa. Mình đã suy nghĩ không ngừng về thái độ đó (…)
Cuối năm 1972 thì Kha bị bắt. Anh em loan tin rất nhanh và mình đã vội vã thảo bản tin nhờ một vài tờ báo anh em báo động giùm. Nhưng thật quá thất vọng vì bản tin đó bị xếp vào loại “tự ý đục bỏ” và dù anh em có thương Kha cũng đành xin được “thông cảm” mà thôi. Mình về nhà quá nản lòng nhưng cũng cố gắng tìm phương cách khác. Cuối cùng đành liên lạc với một anh làm cho hãng truyền hình NBC nhờ loan tin kêu cứu giùm với bên ngoài. Tin loan đi vào ngày hôm sau với đầy đủ tiểu sử, thân thế và quá trình tranh đấu của nhà thơ Ngô Kha. Từ đó về sau đã hỏi thăm bằng mọi cách nhưng tuyệt nhiên không thể nào biết chỗ giam giữ đích xác của Kha.
(…)
Sau đó là giai đoạn mà anh em bi quan đến độ muốn ngã bệnh vì mỗi người tự thấy chỉ là một thùng hàng loại “nhẹ tay dễ vỡ” mà thôi. Kha đã từng biết anh em luôn luôn tâm niệm một điều : “Hãy biết chờ đợi và nuôi hy vọng không ngừng”, nhưng mỗi ngày qua đi, trong khi guồng máy cầm quyền càng lúc càng tinh xảo thì tập thể nhân dân mỗi giờ phút mỗi hao mòn sinh lực bởi đói kém, sưu cao thuế nặng, đàn áp tinh thần, tù tội hay thủ tiêu v.v… Mình phải thú nhận về sự yếu kém của mình và sau đó đã rơi vào cơn khủng hoảng quá trầm trọng về tinh thần. Trong thời gian này có mấy nhà báo Nhật đưa mình đi khám bệnh ở bác sĩ quen với họ từ Nhật mới qua. Lời khuyên là nên tĩnh dưỡng ở chỗ ít tiếng động.
Mình quyết định về ngay thành phố của bọn mình. Những sinh hoạt trong thành phố giờ đây đã chìm xuống vắng lặng. Muốn gây dựng lại một vài sinh hoạt văn hoá nghệ thuật nhưng dự định bất thành. Anh em đã gặp nhau bàn tính để chuyện cho ra một giai phẩm để làm chỗ cắm dùi cho những cây bút lang thang nhưng đơn gửi đi và giấy mực buồn bã trở về với cái slogan dị hỡm cũ kỹ này: “vì tình thế, vì tình hình”. Bài vở đã viết xong đành được xếp lại một đống.
Rõ ràng là chúng ta chỉ còn lại một thứ tự do duy nhất: tự do câm miệng trong nhà tù trá hình.
Anh em lại gặp nhau và loay hoay bắt tay vào một vài công việc khác. Mục đích của anh em là cố gắng tạo lại sinh khí cho thành phố bằng mọi cách. Vả lại mỗi người đều tự nhận thấy mình đã quá vô ích trong thời gian khá dài. Điều đó làm cho anh em hoảng hốt nhiều hơn cả.
Quyết định xong là làm việc ngay. Công việc chỉ mới bắt đầu thì cái bọn “công an mật vụ trí thức” lên tiếng xầm xì bàn tán rồi. Bọn nó chụp một vài cái mũ loại chính quyền hay dùng cho những người đối lập để thân ái gửi tặng anh em. Thế là những khó khăn chuẩn bị áo mũ lên đường. Không cần nói ra Kha cũng đoán biết đủ mọi thành phần nhưng thường là những kẻ chiếm ưu thế trong xã hội. Những tên “trí thức mật vụ” đó, đau đớn thay, một phần lớn đang nắm vận mệnh giáo dục trong tay. Nguy hiểm hơn nữa là giọng lưỡi đần độn của bọn nó ve vuốt được một số đông học sinh ngây thơ trong thành phố. Kha có còn nhớ trước đây có lần mình đã là nạn nhân của một tên điểm chỉ trong bọn nó không. Thành phố vốn buồn thiu, qua sự hiện diện của bọn chúng lại còn xấu xí hơn nữa. Và có sự thật này vừa được phát giác là số công an chìm trong thành phố trước đây đã quá đông đảo nay được sự tiếp sức không công của bọn chúng bỗng trở thành một lực lượng hùng hậu đến độ hãi hùng. Cái màng lưới dày đặc đó muốn kiểm soát toàn bộ tư tưởng và hành vi của từng cá nhân thị xã, nhất là những cá nhân, mà theo luận cứ ngây ngô và buồn cười của bọn chúng thường gọi là bất hảo và không xứng đáng. Chúng nó đâu ngờ rằng từ lâu chúng ta đã bầu chúng làm những công dân xứng đáng nhất của quốc gia rồi mà!
Trở lại cái vụ “rắp tâm bắn sẻ” bên trên sau khi tung ra những món ám khí tối độc thì hậu quả là công an đến từng nhà của anh em để điều tra và cho đến nay tình trạng đó vẫn chưa chấm dứt. Dù vậy, công việc không vì thế mà khựng lại vì anh em đều nghĩ rằng thiện chí của anh em đang được duy trì và công tác văn hoá là một công tác tốt đẹp. Đã thấy là tốt đẹp thì tiếp tục. Từ thái độ chung này mình bỗng nhớ lại thái độ của Kha trước ngày bị bắt và dù ít dù nhiều chúng ta đã có những điểm tương đồng.
Khi cầm bút viết bức thư này cho Kha mình hoàn toàn không có dụng ý nói dài dòng về tình trạng trên đây, nhưng cái tâm sự u uất trong mỗi người chúng ta nhiều khi kềm hẳn không nổi…
Hôm nay những thành thị miền Nam đang vươn vai đứng dậy. Trời đất được cơ hội thoát ra không khí ô nhiễm để thở bằng sinh lực mới cùng tập thể nhân dân yêu nước, yêu hoà bình và tự do. Phải chăng hồi chuông báo tử đã được gióng lên để những gì cần phải tàn tạ hãy tàn tạ nhanh chóng. Khi con người nhận thấy mình không còn gì để bị bóc lột và tước đoạt thêm thì đứng dậy và lên đường. Đó là điều dĩ nhiên. Chỉ có kẻ mù mới không nhìn ra sự thật đó. Nếu cần phải ngạc nhiên tự hỏi sao vận hội mới của nhân dân trễ nải quá vậy. Trễ đến như vậy có nghĩa là sự chuẩn bị đã chu đáo lắm rồi. – Không hiểu sau những bức tường tối tăm của một nhà giam nào đó Kha có nghe ra những tiếng thét bi hùng của nhân dân? Có lẽ Kha không ngờ nổi là không riêng gì những đoàn thể tôn giáo, những tập thể nhân dân trên mọi lãnh vực văn hoá, báo chí, tư pháp, tiểu thương, lao động v.v… và ngay cả trong hàng ngũ quân nhân, công an và cảnh sát cũng từng giờ từng phút nóng lòng chờ đợi. Đây đúng là lúc chúng ta có thể dùng được cái từ ngữ này mà không bị cho là xuyên tạc chút nào: “Triệu người như một”. Đúng là triệu người như một không thêm bớt gì nữa. Mình biết được những nao nức như bờm ngựa bất kham trong Kha. Nếu tin tức bên ngoài đến kịp, có lẽ giờ đây trong lòng Kha đang mở hội không chừng. Hãy cố gắng trấn tĩnh, đừng quá nôn nóng như ngày xưa, nhưng nếu trái tim Kha đã muốn nhảy những nhịp điệu bất thường thì hẵng để cho nó reo ca đôi chút. Nếu có vài trái tim bên cạnh Kha còn tăm tối quá thì thử chuyển cái nhịp điệu vui tươi kia sang giùm. Hãy nhóm lửa cho nhau và đợi chờ. Ở bên ngoài những vòng xích anh em đang cố gắng nối lại với nhau. Cuộc tranh đấu hôm nay của nhân dân trên mọi thành thị miền Nam không giống như những cuộc tranh đấu đã qua. Chắc chắn không phải là ngọn lửa bộc phát để mau tàn tạ. Cái nhịp độ đầy đắn đo, trầm tĩnh trong từng bước một làm mình an tâm lắm. Vả chăng lúc này không tin tưởng vào thế lực và sức mạnh của nhân dân thì có lẽ chúng ta không còn cơ hội tốt đẹp nào hơn để tin tưởng nữa. Này nhé, chỉ trong vòng hai năm, thời gian Kha nằm tù, tất cả mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội và giáo dục đã rơi xuống một tình trạng quá thảm thương. Mọi sự gắng gượng đều vô ích. Hoàn toàn là không cứu vãn được gì nữa. Trên chiếc máy thời tiết, tất cả mọi phương diện từ tinh thần đến vật chất như tự do, cơm áo, dân chủ đều được trả về với “số o”. Riêng những vùng ngoại ô thì tệ hại hơn nữa vì đa số dẫn chứng đều coi như con “số o” trên kia là một tình trạng khả quan đối với họ. Họ là những kẻ chỉ còn chờ sự huỷ diệt sau cùng vì chiếc kim đời sống họ đang muốn chạy nước rút về phía cực âm; (-), cơm áo, (-) trú ẩn (-) công ăn việc làm. Có lẽ, không nên nhắc thêm những chữ tự do, dân chủ đối với họ vì đó là những món xa xỉ suốt đời không có cơ hội dùng đến nhất là trong giai đọn mà bao tử đang làm một cuộc thi đua không hào hứng về giai “Oscar de la faim” – Họ không phải là những triết gia nhưng cả cuộc đời là một chủ thuyết hư vô từ trong ra ngoài.
Từ những năm trước chúng ta chờ đợi những gì ? Chắc Kha còn nhớ rõ là chúng ta thường nói với nhau phải chờ một ngày mà mỗi sự kiện tình thế phải có một trái chín muồi. Hôm nay phải chăng những trái cây chờ mong đã chín tới. Những trái cây đói khổ, chết chóc, thất nghiệp, ruộng vườn v.v… hỗ trợ bởi một hoàn cảnh xã hội rách nát, bè phái, tham nhũng, chia rẽ, tù tội, tra tấn… Như thế thì Kha này, có phải là một vận hội mới đã đến lúc phải thành hình hay không ?
Mặc dù không ai nói với ai nhưng mình tin rằng mọi người đang nghĩ như thế. Đây là lần đầu tiên mình thấy được những tôn giáo đã bỏ qua những di biệt để đứng cùng nhau trong một hàng ngũ, những thành phần khác biệt, cũng phát thanh cùng một nguyện vọng. Chưa biết sẽ đi đến đâu nhưng nhìn qua cái khối vững vàng đầy tình nghĩa anh em như thế cũng đủ cảm động rồi. Và cái điều mình mơ ước bấy lâu, cái nền tảng của mọi sự xây dựng lâu dài cho hòa bình, tự do, giờ đây đang thành tựu, từng phần trên đất nước. Đó là cái đang “lương tâm tập thể”, một viên ngọc quý giá được làm bằng xương máu và sự tranh đấu liên tục của nhân dân.
Kha này.
Nếu không cho là uỷ mị quá thì có lẽ phải khóc được trước hình ảnh đẹp đẽ kia và trước viễn ảnh mà lương tâm tập thể “sẽ mang đến”.
Từ 1963 đến giờ đã phải trải qua bao nhiêu cuộc đấu tranh, lớn có nhỏ có, nhưng chỉ có lúc này mình mới thấy được sự nhất trí từ mọi phía của quần chúng (Dĩ nhiên là trong sự nhất trí đó hoàn toàn không có sự đóng góp của chính quyền). Và cũng vì một tập thể đồng nhất quá to lớn như thế nên vấn đề tổ chức cơ cấu càng phải cẩn mật và chặt chẽ hơn thêm. Từ đó, như mình đã nói với Kha ở trên, đừng nên nôn nóng quá vì tập thể sẽ rất chậm nhưng là sự chậm rãi dũng mãnh của ngọn sóng thần đang góp thêm những con sóng nhỏ để đầy đủ uy quyền quét sạch sẽ mặt đất ô uế của chúng ta đang sống hôm nay. Không nhắc đến thì thôi, mỗi lần nhắc lại thì trái tim như bốc lửa. Phải tự trấn an lắm mới khỏi có những cử chỉ hoặc hành động thái quá. Trong lúc này không ai có quyền bốc đồng tự tạo lấy sự dấn thân có tính cách cá nhân nữa. Mội ước muốn hợp tác phải có nghĩa là hợp tác trên cơ sở tinh thần mà nhân dân đã và đang tiếp tục hình thành một cách quy mô trên khắp các đô thị miền Nam. Mỗi một vụ xé rào phải được xem như có ý phá hoại tập thể. Chính vì tính chất trầm trọng đó mà cái lưới công an đang được sử dụng tinh vi hơn để kịp thời cắt lìa những đầu mối có thể nối liền với tập thể. Đây là một cuộc đấu tranh có tính cách dứt điểm buộc mọi người phải cẩn trọng và ý thức sáng suốt về chỗ đứng của mình.
Chính quyền một mặt đang chơi trò “thả nổi tình thế” để tạo sự hoang mang trong quần chúng, mặt khác dùng mục tiêu đấu tranh của nhân dân làm mục tiêu của mình để vô hiệu hóa ý nghĩa của sự chống đối. Nhưng Kha này, sự quỷ quyệt đó không che dấu được ai đâu.
Chống tham nhũng, đòi hỏi sự hoà giải dân tộc v.v… chỉ là những cái cớ tiền khởi để từ đó nhân dân tự do cứu mình ra khỏi manh vuốt độc tài của một chinh sách hiếu chiến và phi dân tộc mà thôi. Nhân dân đã ý thức từ lâu về thân phận của mình, ngày qua tháng lại cũng chỉ là nạn nhân của bóc lột và phỉnh phờ. Ngày nào họ chưa lên tiếng chống đối, ngày đó họ vẫn còn là cơ hội tốt, để đóng góp thêm xương máu của chính họ và của con cái họ, vẫn còn là cái bình phong tốt để tập đoàn cai trị kia nhận tiến viện trợ Mỹ để chia nhau. Trên bao nhiêu thông báo, tuyên cáo, phản kháng thư của tháng 10 này, tiếc rằngKha không đọc được, bao nhiêu tội ác của nhà cầm quyền đã được bày biện đầy đủ cho nhân dân xem cả rồi. Nên, điều chắc chắn là đồng bào ta không dễ gì bị gạt. Vấn đề còn lại chỉ là thời gian.
Có lẽ Kha sẽ có buồn đôi chút vì không thể góp tiếng cùng anh em trong giai đoạn này nhưng Kha nên nghĩ lại, mỗi chỗ đứng đều có ý nghĩa của nó trong cuộc đấu tranh chung để giành lại hoà bình và tự do cho dân tộc.
Trong thời gian không thể trực tiếp góp mặt cuộc đấu tranh mới mẻ này, Kha thử phác họa lại những nền tảng đẹp đẽ cho một cuộc sống mới trong đó, đời sống con người sẽ xanh tươi như cây cỏ của quê hương, sẽ đi đứng cười nói thong dong không còn sợ hãi, tóm lại sẽ được phục hồi xứng đáng trong thiên chức làm người.
Lòng đang quá xôn xao bởi tiếng nói đấu tranh đang vang lên trên khắp mọi đô thị miền Nam, mình không đủ trầm tĩnh để viết cho Kha dài hơn nữa. Mong Kha hiểu cho và xin hẹn gặp nhau như những tiếng pháo mừng rỡ trong những ngày linh thiêng sắp đến.
Thân ái và hy vọng
1974
TRỊNH CÔNG SƠN

No comments:

Post a Comment