Chương trình Nguyễn Huy Tưởng và lịch sử - nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh của ông, do Hội nhà văn Hà Nội và NXB Kim Đồng tổ chức, diễn ra vào 8g30 ngày 3- 5- 2012 tại Thư viện Hà Nội (47 Hà Nội)
Lễ kỉ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Nguyễn Huy Tưởng do
Hội nhà văn Việt
Nam tổ chức diễn ra vào 9g ngày 7- 5- 2012 tại 9 Nguyễn Đình
Chiểu, Hà Nội
|
NHÀ VĂN NGUYỄN HUY TƯỞNG VỚI TUỔI THƠ HÀ NỘI
Khi tôi lên sáu, vừa biết chữ thì đúng là lúc Nhà
xuất bản Kim Đồng ra đời. Có thể nói, những cuốn sách Kim Đồng đầu tiên là
những người bạn thân thiết đồng hành mãi mãi với tôi. Tuổi thơ ngày ấy
tuy còn nhiều thiếu thốn nhưng lại có những giờ phút hạnh phúc thanh cao, dù có
là con nhà nghèo, mẹ không có tiền mua sách thế mà lại được đến với Phòng
đọc sách thiếu nhi nằm trong khuôn viên Câu lạc bộ thiếu nhi Hà Nội (phố Lý
Thái Tổ).Đó chính là nơi tôi đuợc gặp gỡ với sách, không chỉ có sách Kim Đồng mà còn
nhiều loại sách Văn học khác nữa.
Vào một ngày thu, gió heo may thổi từ phía sông Hồng về
hồ Hoàn Kiếm làm xao xác lá khô rơi trên vỉa hè phố cổ, tôi đuợc cầm trên tay
cuốn sách Lá cờ thêu sáu chữ vàng. Ngay trên trang đầu tiên là lời nói
đầu báo tin nhà văn Nguyễn Huy Tuởng đã qua đời và đây là tác phẩm cuối cùng
của ông để lại cho bạn đọc thiếu nhi. Ngày ấy, tôi không hề biết ông là ai, chỉ
nhìn ông trên tấm ảnh in trong cuốn sách. Vẻ mặt ông nghiêm nghị hiền từ, như
những ông bác, ông chú, ông cậu... vẫn thường ngày từ tốn và tư lự đi trên vỉa
hè những phố Cầu Gỗ, phố Hàng Bạc, phố Hàng Dầu xa xưa ấy...
Cuốn sách Lá cờ thêu sáu chữ vàng đưa tâm hồn
tôi về thời nhà Trần với những cảnh anh em trong vuơng tộc cùng ngủ
chung trên một cái sập dài... “anh em đệm cả gối dài”. Cảnh sinh hoạt
đàm ấm của con trẻ cùng một gia tộc thủa ấy là cảnh quen thuộc thân thương với tôi
lắm, Rồi cảnh “phu nhân chong đèn, lúi húi thêu sáu chữ bằng những sợi chỉ
vàng trên một tấm lụa đỏ thắm” cho đoàn quân 600 thiếu niên hào kiệt
khiến tôi nhớ lại cảnh đêm trước ngày giải phóng thủ đô. Trong những ngõ nhỏ,
phố vắng im như tờ,dưới ngọn đèn điện sáng yếu ớt, các bà , các cô, các dì tôi
lặng lẽ may cờ, dán cờ bằng giấy thủ công đỏ và vàng. Để đến hôm sau, dù
chỉ mới ba tuổi, tôi cũng được cầm lá cờ xinh xinh,chạy ra bên cây đa Đền Bà
Kiệu đón chào đoàn quân về giải phóng thủ đô.
Trẻ con hàng phố ngày ấy, truyền tay nhau đọc cuốn Lá
cờ thêu sáu chữ vàng, say sưa đến nỗi, còn đóng vai Trần Quốc Toản,
Trần Nhật Duật, rồi cả Ô Mã Nhi. Thoát Hoan... chia phe ra tỷ thí bên bãi cỏ
rộng ở vuờn hoa đền Bà Kiệu.Hào khí Lá cờ thêu sáu chữ vàng theo
chúng tôi đi cả trong những cuộc cắm trại Đội thiếu nhi. Tôi còn nhớ trong một
buổi cắm trại trên những quả đồi ven đường số 6 ( vùng Xuân Mai bây giờ), chúng
tôi đã chơi trò đánh trận giả bắt chước y như trong truyện lịch sử Lá cờ
thêu sáu chữ vàng.Khí phách Trần Quốc Toản bừng bừng trong tâm hồn cả một
thế hệ ngày ấy. Nhiều bạn thiếu niên chơi trận giả trong cuộc cắm trại tuổi thơ sau này
đã trở thành chiến sĩ trên chiến trường thực sự.Trong số đó có anh hùng liệt sĩ
phi công Hoàng Tam Hùng, người lái máy bay MIC21 đã có trận đánh quyết tử bảo
vệ vùng trời Hà Nội.
Tôi đến với tác phẩm Sống mãi với thủ đô
từ bản in lần đầu tiên của Nhà xuất bản Văn học.Nhà tôi vốn ở cửa ngõ Liên khu
I, hình ảnh những lỗ tròn đục trên tường mới được chèn gạch vữa sơ sài còn gợi
nhớ trong tâm trí trẻ thơ những ngày cha ông chiến đấu giành giật
từng dãy phố
với quân xâm lược.Sự tò mò thôi thúc tôi đọc Sống mãi với thủ đô
dù đó là một quyển sách khá dày với một đứa trẻ 12, 13 tuổi. Từng trang sách
đã cuốn hút tôi, những hình ảnh sống động trước mắt tôi, nóng hổi như vừa xẩy
ra. Cho đến nay vẫn chưa có ai có thể tả lại cảnh vụ thảm sát phố Yên Ninh (phố
Hàng Bún dưới) nơi nằm kề Cửa Bắc của Thành Hà Nội bằng một ngòi bút chứa chan
cảm xúc như nhà văn Nguyễn Huy Tưởng trong tác phẩm Sống mãi với thủ đô.Ấn
tượng sâu sắc đến mức, giờ đây mỗi khi có dịp đi qua góc phố này, tôi vẫn còn
cảm thấy văng vẳng tiếng kêu thảm thương : “Mợ ơi!” và những hình ảnh đầu rơi
máu chảy trong ánh lưỡi lê quân Pháp. Tuổi thơ chưa đủ trí khôn và từng trải để hiểu
những băn khoăn, trăn trở của các nhân vật trí thức trong tiểu thuyết,nhưng
những hình ảnh chàng trai , cô gái Hà Nội trong sách với tôi
thân quen như cô, dì, chú, bác của mình, với những tà áo dài, với những
cái cà vạt, chiếc mũ phớt …và với vẻ ngang tàng hào hoa “ bỏ quên đời”
như trong thơ
Quang Dũng.Với Sống mãi với thủ đô,ngòi
bút tiểu thuyết của tác giả đem lại cho tuổi thơ những ấn tượng không phai mờ về những trận
đánh quyết tử : Trận Chợ Đồng Xuân, trận Trường Ke…Những địa danh và cảnh vật
giờ đây chẳng còn nữa.Giờ đây những di tích lịch sử chìm lẫn trong biển quảng
cáo và những tòa nhà kiểu mới xanh, đỏ,tím, vàng. Nhưng với tuổi thơ những
năm 60 của thế kỷ trước, mỗi khi đi chợ Đồng Xuân, mỗi khi đi qua trường Trần
Nhật Duật (góc phố Chợ Gạo),nơi có những bức tường rêu phong cũ kỹ tôi lại thấy
lòng nao nao nhớ đến nơi đây đã từng có những trận đánh máu đổ trên từng tấc
đất.
Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi trong nhạc phẩm
bất hủ Người Hà Nội đã có câu: “ Mỗi tấc đất Hà Nội đều thấm
máu hồng tươi…”.Âm hưởng bi tráng ấy người đọc như được gặp lại trong nghệ
thuật văn xuôi Nguyễn Huy Tưởng.Trong trang văn Nguyễn Huy Tưởng, lịch sử hiện
ra trong ánh sáng và bóng tối, trong cái Ác và cái Thiện, trong đau thương bi
phẫn và hào sảng lộng lẫy, trong êm đềm và dữ dội, trong từng cuộc đời nhỏ bé , từng số phận đơn chiếc hòa trong dòng mạch tự sự cuồn
cuộn của những biến cố lớn lao toàn dân tộc.Từ Đêm hội
Long Trì, Vũ
Như Tô, An Tư công chúa …đến Kể chuyện Quang Trung, Lá cờ thêu
sáu chữ vàng, Sống mãi với thủ đô… Thăng Long, Hà Nội
trải qua huy hoàng và suy tàn, mưa gió và khói lửa,hoa lệ và bão tố …dưới ngòi
bút Nguyễn Huy Tưởng đất ngàn năm văn vật trở nên có thân phận
chìm nổi, văn tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Huy Tưởng kết đọng thành
khúc tâm ca như nàng Kiều của Nguyễn Du gảy đàn : “ Bốn dây rỏ máu năm đầu
ngón tay”.
Sau này khi tôi đã qua tuổi thơ, khi
tôi đã lớn, tôi càng đọc càng hiểu hơn về Nguyễn Huy Tưởng thì tôi lại càng
thấm càng hiểu Thăng Long, Hà Nội trong văn của ông.
Chỉ khi đã từng trải và đủ lịch lãm mới có thể hiểu Vũ
Như Tô, mới có thể hiểu Đan Thiềm…Nhưng những cảm xúc ấu thơ về dáng
đi cách nói của Trần Quốc Toản và cả đoàn nhân vật của Nguyễn Huy Tưởng trong Sống
mãi với thủ
đô đã ảnh hưởng nhanh chóng lắm đến tư thế người Hà Nội trong nhân cách của
lớp thanh thiếu nhi lớn lên ngày đó.Những tác phẩm của Nguyễn Huy Tuởng đã gặp
gỡ một lớp bạn đọc trẻ của một thời mà ngọn lửa nhiệt tình yêu nuớc, yêu con
người luôn ấm áp trong trái tim, trong ánh mắt của hàng triệu thanh thiếu nhi.
Bạn đọc trẻ ngày hôm nay đang đuợc sống trong một
xã hội phát triển và đang hoà nhập với nhân loại toàn cầu rộng lớn.Tình yêu con
người, tình yêu dân tộc, tình yêu tổ quốc đang mở ra những biên độ không giới
hạn, nhưng chính trong sự hội nhập sâu vào văn hoá nhân loại hiện
đại tôi lại càng tin rằng sức nóng của tình yêu Thăng Long- Hà Nội trong thế hệ
trẻ hôm nay lại càng mãnh liệt như sức sống truờng tồn của dân tộc
Việt Nam.Tôi cho rằng thế hệ trẻ hôm nay không chỉ biết sống thực dụng và có
những thói quen khô lạnh, thô bạo của xã hội thị truờng.Nếu các bậc cha chú tạo
đuợc niềm tin cho lớp trẻ .Nếu những người Hà Nội của Nguyễn Huy Tuởng vẫn đang
hiển hiện trên đuờng phố ...
Tôi thiết nghĩ rằng , cuộc tọa đàm nhân dịp kỷ niệm 50
năm ngày mất của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng hôm nay mới chỉ là bước mở đầu cho
những hoạt động có ý nghĩa khơi mở một nguồn mạch trong lành trong cảm xúc đọc
sách cho thanh thiếu nhi thế kỷ 21.
Những tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng viết về Thăng Long-
Hà Nội chắc chắn sẽ còn đồng hành với bạn đọc thời hiện đại với những
cảm nhận mới, những suy nghĩ mới và những cách tiếp cận văn bản hoàn toàn khác hẳn với lối đọc
truyền thống cũ. Tôi tin như vậy, như một nhà văn hóa nước ngoài đã nói đại ý
răng: “ Văn học bắt nguồn từ những định luật của vô cùng, chỉ một mình nó
không công nhận cái chết!”
Tháng 9/2010
LÊ PHƯƠNG LIÊN
No comments:
Post a Comment