Thụy Khuê: Thưa
anh Nguyễn Huy Thắng, anh là một trong số rất ít những người con của nhà văn đã
chăm sóc việc in ấn các tác phẩm của cha sau khi cha mất, một cách trọn vẹn. Có
lẽ chỉ có Nguyễn Huy Tưởng và Nhất Linh là có cái may mắn này. Chúng tôi đưọc
biết là công việc này anh đã làm từ nhiều năm nay, vậy thưa anh, bắt đầu từ lúc
nào anh đã nghĩ đến việc phải sắp xếp lại bản thảo và in lại nhật ký của
cha anh?
Nguyễn Huy
Thắng: Trước hết
xin cám ơn nhận xét của chị. Tôi nghĩ không riêng gì tôi, mà con của nhiều nhà
văn tôi biết, nhiều người cũng đau đáu về sự nghiệp của cha mình và cũng rất
muốn làm điều này, điều nọ, để bạn đọc và công chúng hiểu thêm về cha mình. Tôi
là người may mắn, gần đây biên soạn bộ nhật ký của cha tôi, cũng được nhiều
người quan tâm và nhận được những lời khích lệ.
Tôi bắt đầu
đọc một cách hệ thống nhật ký của cha tôi từ khi tôi có nhận thức rõ về cha
mình và ý thức được trách nhiệm của mình: trước hết là phải hiểu thấu đáo về
cha mình vì tôi có nỗi thiệt thòi là cha mất sớm, ông mất khi tôi mới năm tuổi.
Ban đầu tôi chỉ được nghe mẹ tôi và các chị lớn kể về cha mình thôi. Từ những
điều tôi biết được qua lời kể đó, tôi luôn luôn hình dung cha mình là người rất
quý vợ con và đặc biệt là chăm lo cho tôi. Nỗi khát khao muốn tìm hiểu cha mình
đã dẫn tôi đến ý thức trước hết tìm đọc ông qua tác phẩm, và đến một ngày nào
đó, tôi bắt đầu tiếp cận những trang nhật ký của cha tôi...
Khi đọc nhật
ký của cha tôi, tôi thấy toàn bộ con người ông, toàn bộ cuộc đời ông hiện lên
một cách rất cụ thể, sống động. Đọc những trang nhật ký đó, tôi thấy ông là
người rất thật, ông nghĩ gì thì viết ra như thế chứ không có dè dặt trong việc
ghi chép riêng tư của mình. Càng đọc ông, tôi càng hiểu ông. Càng đọc ông tôi
càng yêu ông, và tôi nghĩ tại sao mình không giới thiệu nhật ký của cha mình để
mọi người cùng hiểu, cùng biết thêm về ông. Khi tôi bắt đầu công bố dần những
trang nhật ký của cha tôi, có khi chỉ vài trang thôi, tôi nhận thấy bạn đọc đều
quan tâm. Dần dần, tôi nghĩ đến việc biên soạn toàn bộ nhật ký của nhà văn
Nguyễn Huy Tưởng, thứ nhất là để tái hiện toàn bộ cuộc đời ông, thứ hai là để
cha tôi hiện diện một cách trọn vẹn nhất, một cách chân thực nhất với đông đảo
bạn đọc. Tất nhiên, trong quá trình biên soạn nhật ký của cha mình, tôi cũng có
những khó khăn nhất định. Ví dụ như: cha tôi viết nhật ký là chỉ viết riêng cho
mình thôi, nên có nhiều điều ông không viết kỹ hoặc không cần giải thích những
suy nghĩ của mình. Khi biên soạn, tôi có trách nhiệm phải làm sao để mọi điều
nhà văn Nguyễn Huy Tưởng ghi chép riêng cho mình, cũng phải đủ sáng tỏ với bạn
đọc.
T.K.: Trong
bao nhiêu năm chiến tranh như thế, làm sao mẹ anh giữ được bản thảo một cách
tương đối khá trọn vẹn như vậy?
N.H.T.: Như sau
này tôi được biết, mẹ tôi đã giữ lại tất cả những gì cha tôi để lại, từ những
hiện vật như chiếc khăn mùi-xoa, con dao díp, nhất là là chiếc bút máy Parker
mà cha tôi đã viết những tác phẩm cuối cùng, và chiếc đồng hồ Omega ông
dùng trong thời gian đi kháng chiến đến khi hòa bình lập lại; mẹ tôi đều giữ
lại tất cả và đặc biệt mẹ tôi trân trọng những gì có bút tích của ông. Tôi hiểu
ra là mẹ tôi, một cách bản năng, vì tình yêu thương của người vợ đối với chồng
đã khiến bà giữ gìn tất cả những gì cha tôi để lại. Đương nhiên là mẹ tôi giữ
gìn một cách rất cẩn thận những cuốn nhật ký bên cạnh những bản thảo của cha
tôi. Bản thảo mẹ tôi xếp riêng ra, nhật ký thì cho vào một va-li nhỏ. Hồi đi sơ
tán, mẹ tôi luôn mang theo chiếc va-li đó, bên trong để hơn 40 tập nhật ký lớn,
nhỏ và hai di vật quan trọng hơn cả là chiếc bút máy Parker và chiếc đồng hồ
Oméga của cha tôi.
T.K.: Cha
anh mất từ năm 1960, sau khi cha mất, mẹ anh làm sao đã có thể tự mình nuôi
được ngần ấy người con?
N.H.T.: Cha tôi
mất đi là một tổn thất không thể bù đắp được cho gia đình, đó là điều tôi ý
thức được, đặc biệt là đối với mẹ tôi. Trong thời gian cha tôi lâm bệnh, mẹ tôi
có lúc, có thể nói là đã bị hoảng loạn, rất may là nhờ bạn bè cha tôi động
viên, thăm nom, giúp đỡ về vật chất và tinh thần. Tôi nghĩ là trước hết, bản
năng nuôi con đã giúp cho mẹ tôi trụ lại được. Bản năng ấy, theo tôi, là yếu tố
quan trọng nhất, nhưng đồng thời, sau khi cha tôi mất, nhiều tác phẩm của ông
lần lượt được in ra. Số tiền nhuận bút có được, với thời giá lúc đó, là rất
quan trọng đối với gia đình tôi, và mẹ tôi đã có sự hỗ trợ vật chất cần thiết.
Và với bà, đó cũng chính là sự hỗ trợ tinh thần chồng mình để lại, điều này đã
giúp mẹ tôi có phương tiện nuôi con, vượt qua những khó khăn tưởng như khó có
thể vượt qua được.
T.K.: Thưa anh, xin hỏi anh một chút về cách anh biên
tập Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng. Theo tôi được biết, lần đầu tiên cách đây khoảng
10 năm, anh đã in được một phần ba và lần này anh in toàn bộ?
N.H.T.: Nhật ký
của cha tôi đã được biên soạn và công bố dần dần. Bắt đầu là những trang nhật ký
in trên các báo. Đến năm 1996, khi nhà xuất bản Văn Học làm Toàn tập Nguyễn
Huy Tưởng, giám đốc nhà xuất bản khi đó là nhà thơ Lữ Huy Nguyên, đã ý thức
rằng nhật ký Nguyễn Huy Tưởng là một bộ phận cấu thành trong di sản của nhà
văn. Hồi đó, theo phân bố của nhà xuất bản, toàn tập của cha tôi gồm 5 tập và
nhật ký sẽ đưa vào tập 5. Với phân bố như thế, tôi đã chọn ra khoảng 350 trang
nhật ký để công bố. Sau khi toàn tập của cha tôi ra đời, tôi nhận thấy bạn đọc
đặc biệt quan tâm đến tập 5. Về tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, thì
những người yêu văn học họ đã đọc rồi; nhưng đây là lần đầu tiên những trang
nhật ký của ông được công bố khá hệ thống; đó là một điều mới mẻ và nhiều người
đã tìm đọc tập 5 với 350 trang nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.
Đến năm
2006, khi đã có thể công bố nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng một cách rộng
rãi hơn, tôi đặt ra phương châm là sẽ công bố toàn bộ nhật ký của cha tôi tới
mức tối đa. Như chị cũng biết, một tác phẩm văn học - tôi quan niệm nhật ký
Nguyễn Huy Tưởng là một tác phẩm văn học - khi ra đời cũng phải được xem đi xem
lại, viết đi viết lại, huống chi là nhật ký của cha tôi, trước hết là viết cho
mình. Ông mất đi để lại những trang nhật ký đó, tôi là người được thừa hưởng di
sản tinh thần của cha tôi và có trách nhiệm công bố nhật ký của ông; đương
nhiên tôi cũng phải làm việc giống như sự thao tác của nhà văn, tức là phải
biên soạn cẩn thận, kỹ lưỡng, sao cho nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy
Tưởng đem lại cho bạn đọc những thông tin bổ ích nhất, những điều thực sự là
quan thiết đối với đời sống tinh thần, với chân dung nhà văn.
T.K.: Thưa
anh, trong lần in này chắc cũng có những chỗ anh cắt bỏ, vậy anh dựa theo tiêu
chuẩn nào để quyết định đoạn nào cắt bỏ, đoạn nào giữ lại?
N.H.T.: Những
đoạn tôi không đưa vào có mấy dạng như thế này: Thứ nhất là những sự lặp lại,
có khi là chuyện cơm áo gạo tiền thôi, nhưng lúc đó rất hệ trọng đối với cha
tôi và ông đã trở đi trở lại; trong trường hợp này, tôi chỉ chọn lấy một đôi
lần ông đề cập đến vấn đề đó thôi. Thứ hai, có rất nhiều chuyện riêng tư của
cha tôi, chuyện riêng tư trong đời sống vợ chồng của hai ông bà; những chuyện
riêng tư, nếu nó giúp soi sáng thêm đời sống tinh thần của nhà văn thì vẫn có
thể công bố, nhưng nếu chỉ thuần túy… chuyện buồng the chẳng hạn thì tôi không
đưa vào. Ngoài ra, có thể lúc sinh thời cha tôi viết về một chuyện gì đó, hay
nhận xét về ai đó, cha tôi viết rất chân thành, viết rất thật những suy nghĩ
của mình, nhưng bây giờ người đó không còn nữa và cả hai ông đều đã mất rồi;
những nhận xét đó nếu in ra, tôi e rằng sẽ mang tính chủ quan từ một phía;
trong trường hợp này, nếu là chuyện tế nhị có thể gây cho người đọc hiểu đây là
tiếng nói một chiều, thì tôi không đưa vào.
T.K.: Thưa
anh, theo tôi thì ba nhà văn Tố Hữu, Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Đình Thi là ba
người đã theo cách mạng từ đầu đến cuối nhưng riêng chỉ có nhà văn Nguyễn Huy
Tưởng là giữ được nhân cách nhà văn của mình trong suốt giai đoạn Nhân Văn Giai
Phẩm, và cũng qua nhật ký chúng ta có thể hiểu rõ con người Nguyễn Huy Tưởng
qua những gì ông viết về Nguyễn Hữu Đang, về Lê Đạt và cũng biết là ông không
đồng ý với Tố Hữu và Nguyễn Đình Thi, vậy xin hỏi anh là khi biên tập bộ nhật
ký này, có phải vì mối ân tình với các nhà văn Tố Hữu và Nguyễn Đình Thi mà anh
đã cắt bỏ những đoạn mà cha anh chỉ trích họ?
N.H.T.: Trước
hết, những nhà văn, nhà thơ mà chị vừa nhắc đến như nhà thơ Tố Hữu, nhà văn
Nguyễn Đình Thi, hay nhà thơ Lê Đạt hoặc bác Nguyễn Hữu Đang là những người tôi
rất kính trọng và tôi hiểu là cha tôi cũng rất quý trọng và rất thân thiết nữa.
Trong nhật ký của cha tôi, tôi nghĩ là cha tôi đã dành những lời rất tốt đẹp
cho những người bạn thân của mình, những người bạn, người đồng chí của ông. Tôi
vẫn nhớ câu cha tôi viết về nhà thơ Tố Hữu trong kháng chiến như thế này: "Nghĩ đến Tố Hữu, rực rỡ như vàng,
như ánh sáng." Tôi nghĩ lúc đó nhà thơ Tố Hữu đã có ảnh hưởng rất mạnh đối
với cha tôi. Hay có lần, cũng trong kháng chiến, cha tôi đi công tác về thì nhà
thơ Nguyễn Đình Thi đã đầu quân. Cha tôi có viết: "Thi đi bộ đội rồi. Bàng
hoàng nhớ Thi." Tôi biết là cha tôi đã có mối quan hệ rất gắn bó với nhà
thơ Tố Hữu, nhà văn Nguyễn Đình Thi. Còn với bác Nguyễn Hữu Đang, cha tôi cũng
rất thân và gắn bó suốt một quãng đường dài. Tuy nhiên hai ông chưa hẳn lúc nào
cũng hiểu nhau hoặc như người ta hay nói là nhất trí với nhau đâu. Bác Nguyễn
Hữu Đang là người rất sắc sảo, nhiều khi bác nói với cha tôi rất thẳng thắn, có
nhiều ý kiến phản biện chứ không phải là không đâu. Tôi nghĩ các ông là những
con người của lịch sử, và các ông cũng đã rất sòng phẳng với nhau, rất thẳng
thắn với nhau trong cuộc đời cũng như trong công tác. Còn việc biên soạn nhật
ký của cha tôi, như tôi đã nói ở trên, tôi có nguyên tắc là trong những trường
hợp cha tôi có những nhận xét liên quan đến một người khác mà người đó đã mất
rồi, tôi cho rằng sẽ không thỏa đáng nếu để cha tôi có những phán xét trái
chiều với người thiên cổ. Tôi nghĩ các ông đều đã mất rồi, bây giờ chỉ một
người nói về người kia, mà không có sự trao đổi, không có sự phản bác lại thì
tôi cho rằng như thế là không thỏa đáng. Chính vì vậy mà trong một số trường
hợp, tôi không đưa vào trong ba tập nhật ký được công bố.
T.K.: Xin
anh một câu hỏi chót là theo anh, tại sao cha anh viết nhật ký?
N.H.T.: Bác Lưu
Văn Lợi là một người bạn thân của cha tôi, người bạn chí cốt của cha tôi từ
thời đèn sách ở Hải Phòng, những năm 30; bác Lưu Văn Lợi có nhận xét về cha tôi
thế này: "Anh Tưởng là người vụng ăn nói, vụng ứng xử." Đọc nhật ký
của cha tôi thì thấy cha tôi hay băn khoăn về khả năng phát biểu của mình.
Nhiều lần trong các cuộc họp, cha tôi, với trách nhiệm của mình phải có ý kiến,
phải phát biểu. Nhưng thường cha tôi không hài lòng về khả năng “hùng biện” của
mình, thậm chí có thể nói ông đã rất khổ tâm về khả năng ăn nói của mình. Tôi
nghĩ chính vì sự hạn chế khả năng ăn nói mà cha tôi tìm cách tự giãi bày mình
trong nhật ký.
T.K.: Xin
thành thật cảm ơn anh Nguyễn Huy Thắng.
No comments:
Post a Comment