Trang

Sunday, April 1, 2012

TẠ DUY ANH: VĨNH BIỆT NHÀ THƠ DƯƠNG KIỀU MINH - MỘT THỜI LO “CỦI LỬA”


Vĩnh biệt một thời lo củi lửa

(Tưởng nhớ bạn công trường, bạn văn Dương Kiều Minh)
Nhà văn Tạ Duy Anh tại Lễ tang nhà thơ Dương Kiều Minh

Năm 1978, tôi, khi đó vừa tốt nghiệp cấp ba, chân ướt chân ráo liêu xiêu đến Hoà Bình. Sau đó, lúc đang là sinh viên của một trường trung cấp, Vũ Hữu Sự và tôi đã cùng nhau lao vào sáng tác những truyện ngắn đầu tiên. Vì ở trong một khu vực hẻo lánh xa trung tâm, nên chúng tôi không biết, đã có những kẻ viết văn thành danh đang làm mưa làm gió trên công trình thuỷ điện. Một trong số đó là Dương Kiều Minh. 


Vốn mặc cảm và cũng có phần…kiêu ngạo, chúng tôi không có ý định đi tìm những tên “lạc loài” kia. Cũng còn vì lý do nữa là bọn họ, gồm Trần Chinh Vũ, Phạm Thành, Dương Kiều Minh, từng kề mông kề má với một nhà văn trung ương tên là Nhật Tuấn, khét tiếng bởi những tác phẩm Con chim biết chọn hạt, Trang mười bảy…Nghe nói, “cậy” có Nhật Tuấn, bọn này “ngạo” lắm.
Vì thế phải vài năm sau, khi Phạm Thành được chọn làm thư ký riêng cho Tổng giám đốc, tôi mới có cơ hội gặp Dương Kiều Minh trong lần Minh lên thăm Thành. Cho đến lúc ấy tôi mới chỉ đọc của Minh hai bài thơ: Mưa ở Phà Thia và Những đứa trẻ công trường. Dù chưa hiểu mấy về nghệ thuật thơ phú nhưng tôi cũng cảm nhận được sự trong trẻo của một tâm hồn nhiều khát vọng và lắm nỗi buồn. Nhiều câu, từ rất đẹp, mang mầu sắc của cổ tích. Nhưng điều khiến tôi quan tâm hơn cả là chúng-những bài thơ ấy-báo hiệu người viết sẽ là cây bút nổi trội trong cái đám viết lách đông đảo của công trường.
Thoạt đầu gặp nhau, có mặt cả Phạm Thành, Minh có vẻ khá kiêu với cái lối cười mà tôi rất khó chịu. Cái lối cười như muốn nói: “Viết lách khó lắm, ông bạn phải tự liệu khả năng của mình, đừng có mà đánh đu rồi khốn, bọn này cũng còn chưa là gì đây này”. Đấy là tôi cứ suy ra như vậy. Nhưng trong câu chuyện, rõ ràng tôi bị gạt ra ngoài lề. Họ cứ nói về ông nhà văn Nhật Tuấn nào đó, với những buổi đi chơi, những câu nói, những thói quen rất nghệ sỹ mà ai cũng muốn bắt chước. Thỉnh thoảng họ mới chiếu cố cho tôi một câu hỏi nhưng không định nghe tôi trả lời. Đúng là bọn này tự cao tự đại, coi họ ở đẳng cấp trên. Vốn sẵn máu tự trọng, tôi cũng thể hiện thái độ “coi thường ra mặt”. Thế là chưa quen đã xa nhau.
Một hôm họp cộng tác viên, Dương Kiều Minh quyết định tìm hiểu xem cái thằng gầy nhẳng là tôi kia thuộc loại nào, bằng một đề nghị rất trắng trợn: Ông bạn viết lách gì, cho nhau xem đi. Tôi đưa cho Minh tờ báo có đăng truyện ngắn về công trường của tôi, có lẽ là truyện Như thế ở công trường. Minh cầm về nhà đọc rồi và hôm sau gặp tôi với thái độ khác hẳn. Và rồi chúng tôi lại tìm cách gần nhau. Lần này cả hai đều thành thật. Một hôm, đang buổi trưa, Minh đến thăm tôi. Khi đó tôi ở trên tầng 5 của một khu tập thể. Tôi đã ăn trưa rồi, còn Minh thì chưa. Tôi bèn nấu một bơ gạo, xào miếng rau cải bắp và để cho ra một bữa cơm đãi bạn văn, tôi ốp thêm quả trứng gà công nghiệp khi về công trường đã không còn tươi nữa.
Trong thời gian tôi nấu nướng thì Minh ngồi đọc hết ba bốn cái truyện ngắn của tôi, tỏ vẻ nể ra mặt và có phần ân hận vì đã trót coi thường-đấy cũng là tôi đoán thế qua nét mặt Minh. Khi ngồi trước mâm cơm dọn trên tấm nắp hòm thuốc mìn, thấy có rau cải bắp xào, lại có cả quả trứng gà ốp-lết, tự dưng Minh ngồi thừ ra. Rồi Minh lặng lẽ đưa tay lên quệt ngang mắt. Tôi giục mấy câu Minh mới giật mình cầm đũa. Minh ăn chậm, vừa ăn vừa nhìn tôi, xem tôi thực chất là ai. Tôi ngồi ngó vào mấy cuốn sách, cốt để Minh được tự nhiên. Khi ăn xong, Minh bảo tôi bằng thứ giọng bùi ngùi: “Ông giầu thật đấy. Tôi nói thật nhé, tôi chưa bao giờ được ăn bữa cơm công trường nào sang như thế này đâu. Đã có cải bắp xào mỡ, lại còn có cả trứng ốp. Ông lấy tiền ở đâu mà dám ăn uống như vậy?”. Tôi chỉ cười. Trong khi đó Minh vẫn băn khoăn sao cậu ta lại được tôi cho ăn ngon đến thế. Về sau tôi có điều kiện lang thang với Dương Kiều Minh, tôi mới khám phá ra là khả năng tự lo cho cuộc sống của Minh rất kém. Hầu như lúc nào cũng thấy ông bạn nhà thơ công trường ăn mặc nhếch nhác, trong tình trạng đói ăn, thèm chất tươi. Khi ngồi bên mâm cỗ, bên những món thịt cá, Minh không bao giờ ăn ngay mà còn lượng xem liệu mình có phải là người được mời đến để ăn những món này không? Ăn xong rồi, mắt cứ tròn lên hỏi nhỏ: “Tiền đâu mà ăn sang thế?” Rồi cứ lắc đầu bày tỏ sự thán phục.
Quả thật, suốt những năm tuổi trẻ làm việc tại công trường thuỷ điện Hoà Bình, chúng tôi luôn luôn phải lo chuyện cơm ăn, áo mặc. Chúng tôi tìm mọi cách để bù nguồn năng lượng bị thiếu, kể cả lấy cắp vật tư của công trường. Có thời tôi “tiếp tay” cho Vũ Hữu Sự tiêu thụ những chiếc bóng đèn 500 W mà Sự nói là “nhặt” được. Ngoài tiền phần trăm Sự chi cho tôi, thỉnh thoảng tôi còn “ăn gian” của Sự một hai cái bóng, giành ra tiền trăm! Nhờ thế mà chúng tôi không bị đói dài, còn có tiền đãi đằng cánh nhà văn nhà thơ từ Hà Nội lên như Trần Vũ Mai, Tạ Vũ, Trinh Đường, Tùng Điển, Quách Ngọc Thiên, Đỗ Minh Tuấn... Trong khi đó thì bếp của Minh chả mấy khi được nóng ấm, vì ngoài khả năng làm chuyên môn một cách nhàm tẻ, Minh không có bất cứ khả năng kiếm sống nào khác.
Và cái khả năng yếu kém ấy sẽ còn kéo dài cho đến nhiều năm sau này, kể cả khi Minh làm chủ tịch một cái Hội văn nghệ tỉnh, có riêng một con ô tô để đi đâu ngồi bạnh chân trên ghế như quan lớn!
Kể cả khi được cơ cấu làm phó chủ tịch Liên hiệp văn nghệ Hà Nội sau khi Hà Tây sáp nhập vào với thủ đô, rồi kiêm thêm chức phó chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội. Cũng oách lắm chứ. Có thể phun châu nhả ngọc kiếm ăn. Mà kiếm ăn bằng thơ văn thời nay chẳng còn bèo bọt như vài chục năm trước. Vậy mà có lần Minh thật thà bảo tôi: “Vẫn đói lắm ông Tạ Duy Anh ạ”. Tôi tin là Minh nói thật, cho dù từ “đói” không còn nguyên nghĩa như trước. Sau khi tham gia toạ đàm cuốn Gãi biệt bóng tối của tôi do Viện văn học tổ chức, Minh còn gặp tôi đâu như một lần. Cũng là lần cuối cùng. Thấy tôi nói oang oang những chuyện lẽ ra phải nói nhỏ, Minh có vẻ ngại. Biết tôi bỏ hết, rũ hết, buông hết, Minh gật gù nghĩ ngợi. Nhưng rồi cười như khóc, có bao nhiêu nỗi buồn hiện cả lên, bảo: “Nói thật, trong đám anh em văn chương, ông là sướng nhất. Ông “thoát” rồi. Người ta khi đã thoát thì không còn sợ, không còn muốn, không còn lệ thuộc, không còn tranh giành…Mà có được những thứ ấy mới thực là sống sướng. Tôi biết thế nhưng số tôi khổ, không đạt đạo được như ông”.
Tôi biết mình còn lâu mới được như Minh nói. Nhưng thật lòng thì Minh khó mà thoát kiếp củi lửa, chỉ vì nặng gánh sinh nhai, chỉ vì thuần khiết là nghệ sĩ và cũng còn vì cái nghiệp của Minh phải như vậy.
Giờ thì Minh đã thoát, thoát hẳn. Chỉ còn lại một niềm thương tiếc của bạn bè, bạn yêu thơ. Sau Nguyễn Lương Ngọc, ai ngờ lại là Dương Kiều Minh? Trong cái nhìn buồn ảo não của nữ thi sĩ Giáng Vân sáng nay, tôi cảm thấy có cả câu hỏi: “Sao số phận lại ác nghiệt đến như vậy? Trong mười năm, mang đi của đám viết lách công trường chúng tôi hai người bạn đang vào độ rực rỡ nhất”.
Nhưng thôi, đành chỉ biết vĩnh biệt Minh, vĩnh biệt người bạn cả một đời lo chuyện củi lửa, vì biết mình sống không chỉ cho riêng mình.
Hà Nội, sau đám tang Dương Kiều Minh
TẠ DUY ANH

No comments:

Post a Comment