Trang

Sunday, April 1, 2012

VI THÙY LINH: THƯƠNG TIẾC NHÀ THƠ DƯƠNG KIỀU MINH (1960 -2012) – MỘT KHOẢNG TRỐNG SAU “MÙA XUÂN GẤP GẤP”


Dương Kiều Minh đã không từ chối định mệnh phận kiếp. Tang lễ ông đã cử hành tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, nhà thơ Bằng Việt - Chủ tịch Hội LHVHNT Hà Nội viết và đọc điếu văn. Nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội Nhà văn VN và rất đông thi hữu, bạn bè đến tiễn biệt. Một số không về kịp, từ lúc ông nhắm mắt tới khi hoả táng Đài hoá thân Hoàn Vũ chưa đầy 2 ngày. Chiều thứ Bảy, 31/3 tro cốt ông được chôn tại nghĩa trang Vạn Phúc, làng lụa cổ nức tiếng, giờ cũng mai một nghề truyền. Ông nằm trong đất, nghe tiếng thoi khung dệt thưa thớt, làng đã “công nghiệp dệt nôi”. Và tôi tin, linh hồn ông sẽ phiêu du từ những “trang giấy trải rộng cánh đồng”.

Tiễn đưa nhà thơ Dương Kiều Minh
Tôi không muốn viết về ông bắt đầu bằng chức vụ, tiểu sử. Bởi trước hết và quan trọng nhất, Dương Kiều Minh là thi sĩ tận lực với Thơ, là một trong số các nhà thơ cách tân thành công của văn học Việt Nam thời đổi mới.
Người Việt ta, trong ứng xử “nghĩa tử là nghĩa tận”, thường rộng lượng với người đã chết, chỉ nhắc đến điểm tốt, ngợi ca. Nghệ thuật luôn chịu sự sàng lọc khốc liệt của thời gian. Từ lúc lìa trần 11 giờ 8 phút trưa thứ Tư, 28/3 cho tới sau này, Dương Kiều Minh sau vẻ ngoài khiêm nhã, luôn quyết liệt “vượt khung”, bằng sự sòng phẳng. Cần gì bất cứ “ưu ái rộng lượng nào”, tên Dương Kiều Minh cũng không thể thiếu không mờ nhạt trong mọi liệt kê. Ông đâu chỉ là hiện tượng thơ VN thời đổi mới, mà là giá trị được khẳng định, tựu thành.
Hội Nhà văn VN hội viên nhà thơ chiếm tỷ lệ cao song thực sự đang sáng tác, cây bút có “sáng tạo”, tức là mới và riêng thì ít. Vì thế, tưởng đông nhà thơ, để chọn ra 20 gương mặt sáng giá của cách tân không dễ dàng, chẳng bởi gu nhìn nhận, mà cách tân là phép thử tài và độ dũng cảm của người cầm bút. Theo góc độ nào thì Dương Kiều Minh cũng thuộc đội hình mạnh của các cây bút U60, thế hệ thành đạt hiện nay và là một trong các “chiến tướng” của mặt trận cách tân chưa bao giờ “nhộn nhịp”.
Gõ tên Dương Kiều Minh trên mạng google, chỉ thấy những tin, bài về cái chết của ông từ các blog, web cá nhân, từ các báo điện tử. Vậy là sinh thời, Dương Kiều Minh đã sống rất lặng, ở ngoài bão táp công nghệ, truyền thông. Ông ít trả lời phỏng vấn báo chí, không tranh luận, bút chiến. Thơ, tuỳ đàm, tiểu luận, văn xuôi, viết về những tập thơ có “mùi mới” của bạn bè. Mọi người chỉ nhớ ông bằng thơ. Đâu cần mở kỷ yếu Hội Nhà văn Việt Nam xem trang tên Dương Kiều Minh, mới biết hành trình chữ của ông. Sinh ra từ vùng đất Mê Linh huyền thoại, anh công nhân mảnh khảnh Kiều Văn Minh dành tuổi trẻ cho công trình thế kỷ: thuỷ điện Hoà Bình. Sông Đà bất tử trong tuỳ bút Nguyễn Tuân, Sông Đà hùng vĩ tuôn ánh sáng, đã “vỡ đập tràn” nơi anh khát vọng văn chương.
Anh “xuống núi” về Hà Nội học Trường Viết văn Nguyễn Du, rồi chuyển về Sở Văn hoá Hà Tây, nhập cư hẳn vào làng văn trước tam thập nhi lập. Hơn 20 năm qua, đội hình Nguyễn Quang Thiều, Dương Kiều Minh, Trần Quang Quý, Nguyễn Bình Phương vẫn còn sung sức, nối với cây bút thơ thế hệ 7X, 8X thành “những thời đại thanh xuân” không giới hạn. Chẳng nhiều kỷ niệm, tôi luôn quý trọng ông bởi tài thơ và những gì ông cống hiến.
Củi lửa, Dáng mẹ, Những thời đại thanh xuân, Ngày xuống núi, Tôi ngắm mãi những ngày Thu bất tận (các tập thơ), tuỳ đàm Tìm hiểu người xưa qua sách cổ, Những viên ngọc sáng - tên các cuốn sách tiêu biểu của sự nghiệp văn học Dương Kiều Minh lưu nhớ trong người đọc, bạn nghề.
Tuổi 29, Dương Kiều Minh đã sáng ngay từ tập thơ đầu Củi lửa. Khi bị ung thư phổi, biết mình không vượt qua mệnh “49 chưa qua, 53 đã tới”, ông làm Tuyển thơ Dương Kiều Minh (NXB Hội Nhà văn, gần 600 trang) là tinh hoa đời ông. Cả lúc bạo bệnh giày vò đau đớn, ông vẫn viết: “Lời phụ ghi bên bản thảo tập thơ chưa hoàn thành” (trang 481): “Cảm giác này rất thật và mạnh đến nỗi, hiện tôi chưa có cách gì để hoá giải được chúng và trả lời cho rành rọt sáng tỏ câu hơi. Những bài thơ đã được viết là bởi lực thôi thúc và quyến rũ từ đâu”.
Trong “Chạnh niềm thôn dã”, ông viết tường tận về đám tang: “Tiễn đưa mẹ tôi vào một ngày mưa lạnh ngổn ngang cánh đồng gặt dở”. Ông dành nhiều tình cảm cho mẹ: “Từ dạo ấy, tôi chờ đợi, thường thấy mẹ trở về trên những cánh đồng vào gặt cuối Thu(*).
ám tượng đồng quê trong tâm thức của hầu hết nghệ sĩ kể cả sinh trưởng, gắn bó với đô thị. Với thi sĩ như Nguyễn Quang Thiều, Dương Kiều Minh, đồng quê sinh ra họ, trong máu thịt họ, tạo ra tâm hồn họ. Hình ảnh cánh đồng nhọc nhằn bốn mùa sinh sôi rạng rỡ là miền thanh bình miên viễn của những tâm hồn.
Thơ Dương Kiều Minh toát lộ tâm hồn nhạy cảm, luôn đeo đẳng tiếc thương kí ức và cả khát vọng bung toả xa xôi chất ngợp ngân vang hình ảnh chuỗi biểu đạt bằng lượng từ vựng dồi dào. Không dữ dội sục sôi tiết tấu, thơ văn xuôi Dương Kiều Minh chứa tải một cường lực riêng biệt. Độ nén của văn hoá chịu đọc, chịu học, tràn dòng dòng suy tư, mơ mộng. Một tâm hồn nghệ sĩ tràn đầy lại ém trong nếp sống chừng mực, cẩn trọng, đôi khi có phần rụt rè, con người nhân hậu trong sáng ấy luôn ý thức về văn hoá ngôn ngữ. Tôi biết thế, không cần ông nói ra, chỉ đọc thơ. Thơ của người có trí tuệ, tư duy không thuận chiều, không đơn tuyến hay thơ của thợ chữ quen tay, đọc tinh là biết cả.
Thị xã Hà Đông (nay là quận) thật may mắn vì có các thi sĩ thứ hạng cao. Bên sông Nhuệ (dòng Nêva như anh em vẫn đùa) có những “quái vật” cỡ Nguyễn Quang Thiều, Dương Kiều Minh, Lương Tử Đức là đủ làm một vùng “khí quyển”. Dương Kiều Minh đầu lĩnh của văn nghệ Hà Tây nhiều năm, là Chủ tịch Hội Văn nghệ tỉnh, Tổng biên tập t/c Tản Viên Sơn, là một biểu tượng dấn thân kiên cường lặng lẽ. Ông đã tham mưu cho tỉnh xét giải thưởng VHNT Nguyễn Trãi. Xuất bản Bộ tổng tập VHNT Hà Tây gồm 9 cuốn khổ lớn cuối 2006 về: văn xuôi, thơ, kịch bản, sân khấu, nhiếp ảnh, mỹ thuật, ca khúc, văn nghệ dân gian, văn học dân gian, câu đối.
Khi Hà Tây nhập về Hà Nội, Dương Kiều Minh là Phó Chủ tịch Hội LHVHNT Hà Nội, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội. Tôi đã đề cử ông vào danh sách ứng cử BCH Hội Nhà văn VN trước Đại hội 2010 và ông là một uỷ viên Hội đồng thơ. Tôi nhiệt liệt ủng hộ ông tại Đại hội Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội 7/2011 – không ngờ là lần cuối tôi gặp ông. Còn thấy ông thì thường xuyên trên báo. Dương Kiều Minh đã in thơ là in cả chùm. Tên ông với tôi đã thuộc về hệ xác tín: đã thấy là đọc. Ông đổi mới thơ thi pháp hiện đại, tâm thức lại hướng cổ điển. Ông say mê lịch sử, văn hoá truyền thống, văn học Trung Hoa cổ và cận đại, suy tưởng về “những khoảng trống sâu thẳm” trong con người “Mùa vàng mùa vàng/ Những ký ức không bao giờ lặp lại/ Ta còn nguyên sơ hơn thuở tự do”.
Tư duy hình ảnh là đặc thù của thơ hiện đại, của não trạng sung mãn trí tưởng tượng phong nhiêu. Nhiều bài thơ của Dương Kiều Minh như tranh ấn tượng. Ông mê hội hoạ. Từ xưa, cố nhân đã “ thi trung hữu hoạ” và “tranh Dương Kiều Minh” vẽ thôn quê cũng chứa ánh sáng khác. Đoạn thơ này làm tôi hình dung đến tranh của danh hoạ Pháp Claude Monet: “Hiển hiện miền quên lãng/ Bông súng thần tiên ngạo nghễ mặt đầm/ Suốt đời ngụp lặn/ Hoà - ánh – sáng – nồng – nàn – trong – trẻo – bao - la”.
Dương Kiều Minh luôn dành mới cho thơ và “cổ” trong đời. Ông viết một bài cho ViLi in love khá nhanh sau khi đọc, nhờ cậu nhân viên đánh máy và gửi email từ Hà Đông. Khó gọi ông vào bóng tối. Dịp Trung thu 2009, báo Người Hà Nội tổ chức trại sáng tác ở Khoang Xanh, tôi có hỏi tại sao ông ít nghe di động, dù mới 8 giờ tối (người ta đồn ông “sợ vợ”), ông cười vẻ thành khẩn khổ sở: “Tôi hay tránh … phụ nữ”(!). Đó có phải lý do thực sự, liên quan đến thực tế ông ít làm thơ tình, không có “em” trong thơ và chưa thấy “đồn” gì về mối tình nào của ông.  Nghệ sĩ thường đa tình, có lẽ Dương Kiều Minh là ngoại lệ.
Những trang mạng đưa giống nhau một tấm ảnh chân dung Dương Kiều Minh mắt nâu nhìn thẳng. Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán, chuyên chụp chân dung văn nghệ sĩ, lại không có ảnh riêng. Dương Kiều Minh ít ảnh, vì ít xuất hiện “dung nhan”, chỉ chân dung thơ là rõ rệt, không thể nào nhoà lẫn, điều mà những người ngộ nhận lên tivi, lên báo nhiều sẽ “nổi tiếng”, không có được dấu ấn nghề. Dương Kiều Minh sinh mùa Xuân và từ giã sự sống giữa mùa Xuân. Khoa sáng tác phê bình văn học, Đại học Văn hoá lên kế hoạch tổ chức hội thảo “Dương Kiều Minh trong diễn trình đổi mới thơ đương đại” vào 20/4/2012. Ông không thể đến được ngày ấy.
Vậy là chẵn 1 năm rưỡi từ Trung thu Khoang Xanh ấy. Cuối tháng Ba, bưởi đương trổ hoa. Vẫn còn  tập thơ chưa in, cuốn sách còn dở và người đốt “củi lửa” năm nào day dứt đến cuối đời “Thi ca là một cái gì ở ngoài ta, bao trùm quanh ta? Hoặc nó ở quanh ta, trong sâu thẳm cõi lòng? Tôi đồ rằng thi ca nằm ở những khoảng trống trong thế giới của con người”.
Kẻ quen tay, đi đường mòn, vì năng lực, vì xác định an toàn hơn bứt phá, là chủ yếu. Người coi cách tân là thôi thúc nội tại, nhu cầu bức thiết của cái tôi, của cốt cách, bản ngã chỉ đếm chừng hai bàn tay. Hành trình từ nay thiếu Dương Kiều Minh là một khoảng trống. Xứ Đoài đã mất Nguyễn Lương Ngọc, Trần Hoà Bình, nay lại dang dở một tài hoa.
Dương Kiều Minh nghiện thơ và thuốc lá. Nicotine đã dừng nhịp thở của ông. Ông ra đi hay trở về, tôi tìm câu trả lời trong bài Mẹ ơi, mùa Xuân gấp gấp: “Mẹ ơi, mùa Xuân gấp gấp, con nghe thấy ngõ quê tinh khôi rải ướt xốn xang bước chân thôn nữ gánh nước ngày cuối năm, cây đào trụi lá mở những bông hoa đầu tiên, hơi Xuân tràn về từ những cánh đồng”.
Ngôi nhà của nhà thơ Dương Kiều Minh cùng dãy nhà Nguyễn Quang Thiều, trong khu tập thể văn hoá, phường Yết Kiêu, quận Hà Đông. Ông chỉ có 1 con gái duy nhất đã đi làm. Từ nay căn nhà chỉ còn 2 người đàn bà: quả phụ, bác sĩ Đỗ Thị Lương Hồng và con gái Kiều Ngân.
Lẽ nào kiếp này lê lết mãi chốn nhân gian. Lẽ nào vẻ đẹp lộng lẫy nhất chỉ toả lên trong những cuộc tiễn đưa dằng dặc. Lẽ nào nơi những nghĩa trang hoang vắng, người đời mới được chìm vào sự an lành hằng cửu. Lẽ nào cha mẹ, những người thân và cả tôi chỉ một lần duy nhất đón nhận bình yên trong câm nín mênh mông của đất. Lẽ nào ta từ chối sự đón nhận trong vòng tay của đất”.
Chúng tôi những người ham muốn sáng tạo, đã từ chối cũ sáo, đảo chính ngôn từ như một động lực viết. Dương Kiều Minh đã không từ chối định mệnh phận kiếp. Tang lễ ông đã cử hành sáng qua tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, nhà thơ Bằng Việt - Chủ tịch Hội LHVHNT Hà Nội viết và đọc điếu văn. Nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội Nhà văn VN và rất đông thi hữu, bạn bè đến tiễn biệt. 
Một số không về kịp, từ lúc ông nhắm mắt tới khi hoả táng Đài hoá thân Hoàn Vũ chưa đầy 2 ngày. Chiều nay thứ Bảy, 31/3 tro cốt ông được chôn tại nghĩa trang Vạn Phúc, làng lụa cổ nức tiếng, giờ cũng mai một nghề truyền. Ông nằm trong đất, nghe tiếng thoi khung dệt thưa thớt, làng đã “công nghiệp dệt nôi”. Và tôi tin, linh hồn ông sẽ phiêu du từ những “trang giấy trải rộng cánh đồng”.
Điều gì dào lên trong những hạt li ti”, câu kết bài thơ Hy vọng, chỉ ông và tri kỷ mới có thể trả lời. Chưa ai biết bài thơ cuối của ông. Phòng làm việc của Phó Chủ tịch thường trực tại tầng trệt 19 Hàng Buồm khoá cửa. Chiếc ô tô xanh thẫm vẫn đưa đón ông từ Hà Đông đi làm, giờ được nghỉ. Ông không làm tròn vai “viên chức mẫn cán” vào những năm cuối đời do hay nghỉ ốm đau. Dương Kiều Minh vẫn còn lửa trong những gì để lại không dễ phai mờ từ những con chữ nóng bỏng “chợt run trong ngón tay mưa”.
Đội hình những chiến sĩ avant garde tự an ủi: Khoảng trống Dương Kiều Minh thúc đẩy bạn đồng hành dứt lên bước tiếp. Kiều thi nhân đã mệt, ông tạm dừng mà chưa hết những khát khao. Ông ngưng lại mà hồn vẫn đau đáu mùa thơ: “Bên những hoàng hôn loang lổ ò đồi/ Mùi lá bạch đàn xộc vào giấc ngủ/ Con về yêu mái ra cuộc đời”. Hình như hồn ông lại “gấp gấp” củi lửa.
Nhà thơ VI THÙY LINH
(*) Tất cả phần in nghiêng là thơ của Dương Kiều Minh

No comments:

Post a Comment