Trang

Sunday, April 1, 2012

BÁO TIỀN PHONG THÀNH THẬT XIN LỖI NHÀ NGHIÊN CỨU VŨ NGỌC LIỄN VÀ BẠN ĐỌC TRONG NGÀY CÁ THÁNG 4


Cuối cùng thì báo Tiền Phong cũng đã đưa ra lời xin lỗi với cụ Vũ Ngọc Liễn sau khi đăng bài báo “Âm mưu giật giải…” đầy tai tiếng. Cả một đời nghiên cứu về Đào Tấn, tròn 90 tuổi rồi, thiết nghĩ cụ Liễn còn cần gì mấy cái danh hão nữa. Hơn nữa, “âm mưu” nằm ở trong bụng, trong não… hổng hiểu báo Tiền Phong tiềm phục từ bao giờ, ở đâu mà biết được? Oái ăm thay, “kết luận, khẳng định, xin lỗi” của báo Tiền Phong lại cho đăng vào đúng số Chủ Nhật, ngày Cá tháng 4 (đã dự kiến và thông báo trước đó cả tuần lễ) cũng là một việc lạ. Rõ ràng, quy trình xử lý và biên tập mảng Văn hóa còn có vấn đề và tòa soạn rất thiếu nhạy cảm đối với những thông tin ngược chiều. Lời xin lỗi dù muộn, chắc không phải là cá. (Văn chương +)

Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn không đạo văn
TP - Sau khi Tiền Phong Chủ nhật ra ngày 19-02-2012 đăng bài “Âm mưu giật giải nhờ... đạo văn người đã khuất” của tác giả Minh Tâm, tòa soạn đã nhận được nhiều phản hồi.
Để rộng đường dư luận, Tiền Phong đã đăng toàn văn ý kiến của nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn, ý kiến của nhà phê bình văn học Nguyễn Văn Lưu, và ý kiến của ông Võ Ngọc Thọ - Hội viên Hội VHNT tỉnh Bình Định.
Tuy có đăng các ý kiến trao đổi, song sự việc lại càng bị đẩy đi xa hơn; các bài viết “nói đi, nói lại” lại nhận tiếp những ý kiến phản hồi gay gắt. Bằng bài viết này, Tiền Phong hy vọng câu chuyện đã có thể đi đến điểm kết.
1. Về quá trình xử lý
Trước hết, Tiền Phong xin cáo lỗi với nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn và bạn đọc, do đã đưa ra quan điểm đúng sai về bài báo “Âm mưu giật giải...” khá chậm trễ.
Nguyên do việc này là toà báo phải trải qua một quy trình, từ yêu cầu tác giả bài báo giải trình và cung cấp đầy đủ thêm thông tin, tài liệu, tiếp đến biên tập viên nghiên cứu, thẩm định, sau đó là tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia trong lĩnh vực Xuất bản và Sở hữu trí tuệ (đây là khâu lâu nhất vì họ cần có thời gian đọc văn bản hai cuốn sách và nghiên cứu, thẩm định; chưa kể các ý kiến đưa ra cũng có một số nhận định mâu thuẫn, trái ngược nhau, cần trao đổi để đi đến thống nhất nhận thức).
Về mặt chủ quan, sau khi đăng các ý kiến phản hồi từ nhiều phía, Tiền Phong cho rằng đã thể hiện thành ý bước đầu của toà soạn, mà không tiên liệu được sự việc còn bị đẩy đi xa hơn.
2. Về bài báo “Âm mưu giật giải...”
Sau khi nghiên cứu ý kiến giải trình của tác giả Minh Tâm, thẩm định các thông tin, tài liệu do tác giả cung cấp, tham khảo ý kiến các chuyên gia, Ban biên tập báo Tiền Phong nhận thấy:
- Về mặt tác quyền (quyền tác giả), cuốn “Đào Tấn thơ và từ” xuất bản năm 2003 có thể đã chưa thể hiện đầy đủ như quy định về quyền tác giả đối với một số nhà nghiên cứu (Nguyễn Thanh Hiện, Tống Phước Phổ, Mạc Như Tòng thuộc nhóm biên soạn và GS Đỗ Văn Hỷ là người hiệu đính) từng góp công cùng nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn biên soạn cuốn “Thơ và từ Đào Tấn” xuất bản năm 1987.
Cuốn “Thơ và từ Đào Tấn” là một thực thể văn bản có tác quyền được tiếp thu tương đối toàn vẹn vào cuốn “Đào Tấn thơ và từ”. Sẽ đúng quy định hơn nếu tên những người tham gia từ đầu được ghi nhận tại vị trí dành cho họ theo luật (với cách xử lý như cuốn “Đào Tấn thơ và từ”, tác quyền của các đồng tác giả phần nội dung tiếp thu từ cuốn “Thơ và từ Đào Tấn” không thật rõ).
Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng đây không phải là sự cố ý của nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn vì cuốn “Thơ và từ Đào Tấn” và các tác giả của nó được nhắc đến đầy đủ trong Lời đầu sách của cuốn “Đào Tấn thơ và từ”.
- Mặc dầu nhận định như trên, Tiền Phong đi đến nhận thức rằng tác giả bài báo quy kết tác giả Vũ Ngọc Liễn của cuốn “Đào Tấn thơ và từ” đã “đạo văn” người khác là không đúng.
Bởi ngay dưới các đơn vị bài trong cuốn sách, tác giả Vũ Ngọc Liễn đều ghi rõ tên những người (nếu có) đã góp công dịch nghĩa, dịch thơ, chú giải...
Và như đã nói ở trên, ở Lời đầu sách, tác giả Vũ Ngọc Liễn cũng đã nhắc đến các đồng tác giả ở cuốn sách trước đó. Việc chuyển từ dấu hiệu chưa thực hiện đầy đủ quy định về tác quyền sang “đạo văn” là một sai lầm.
- Việc tác giả bài báo nhận định nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn “Âm mưu giật giải” là không có cơ sở.
Bởi như đã phân tích, chúng tôi tin rằng cuốn “Đào Tấn thơ và từ” tuy còn có thể tranh luận về vấn đề thực hiện quy định về tác quyền, thì đó cũng là sơ suất do vô tình, hoàn toàn không có “âm mưu” nhằm “giật giải” nhiều năm sau đó.
- Bài viết của tác giả Minh Tâm còn một vài lỗi khác, như không biết rõ các đồng tác giả cuốn “Thơ và từ Đào Tấn” ai còn ai mất nên cho họ đều đã mất hết...
3. Lời xin lỗi
Qua các phân tích trên đây, báo Tiền Phong thành thật xin lỗi nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn - tác giả cuốn “Đào Tấn thơ và từ”, và xin lỗi bạn đọc rộng rãi, do đã đăng bài viết “Âm mưu giật giải...” có những lời lẽ và nhận định sai như trên.
Đây là bài học kinh nghiệm sâu sắc của Tiền Phong, trong việc thẩm định, biên tập và sử dụng bài vở, đặc biệt là những bài từ ngoài tòa soạn.
Tiền Phong






No comments:

Post a Comment